Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Anh Gấu Phạm - Hoàng tử và Đại tướng (1 - 6)

Anh Gấu Phạm - Hoàng tử và Đại tướng (1) 


Anh Gấu Phạm
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời hôm trước thì sáng sớm hôm sau giờ Mỹ tôi nhận được email từ Hà Nội của anh Cường, một người bạn mà tôi coi như một người anh lớn. Trong thư anh viết:

“Biết em quan tâm những việc này anh gửi cho em bản gỡ băng của một buổi gặp giữa cụ Giáp và John F. Kennedy Jr. hồi tháng Tám năm 1998. Bản này do anh K., một người bạn Mỹ có mặt trong buổi hôm đó, thực hiện rồi gửi cho anh. Anh đã từng đọc về cuộc gặp này nhưng nội dung trao đổi chi tiết như trong văn bản gửi kèm thì anh chưa thấy ở đâu. Anh thấy có lỗi vì đã giữ tài liệu có ý nghĩa lịch sử này đã lâu mà không sử dụng làm gì cả. Nay cụ Giáp qua đời em xem rồi sử dụng thế nào cho phù hợp.

Anh K. chắc giờ ở Mỹ, đã mấy năm anh không liên lạc, số điện thoại lần cuối anh dùng liên lạc là…”
Văn bản anh Cường gửi gồm 7 trang với nội dung, bằng tiếng Anh, là cuộc trò chuyện giữa John F. Kennedy Jr. là con trai duy nhất của cố Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy (JFK) với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 22 tháng Tám năm 1998 tại Hà Nội. Đọc đi đọc lại tài liệu này 2-3 lần tôi tự quyết định là cần phải liên hệ để gặp được anh K. do anh là người Mỹ duy nhất có mặt tại buổi gặp hôm đó để ghi âm và tái hiện lại nội dung cuộc đối thoại giữa hai nhân vật lịch sử. Tôi hình dung và hy vọng rằng anh K. sẽ giúp tôi có được một góc nhìn mới về cách mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao lưu với nước Mỹ trong thời bình thông qua câu truyện về cuộc gặp độc đáo này.
Qua miêu tả của anh Cường tôi cũng nhận ra là chính tôi cũng đã gặp anh K một vài tháng trước trong buổi tiệc chia tay một người bạn chung sắp rời Washington DC về lại Hà Nội. Do số điện thoại của anh K. mà anh Cường cho không còn hoạt động nữa tôi đã phải liên hệ với người bạn chung để cập nhật số điện thoại của anh K. Sáng Chủ nhật ngày 6 tháng Mười tôi nhắn tin xin được nói chuyện với anh lúc nào tiện. Anh trả lời ngay là đang đi lễ nhà thờ với gia đình và hứa sẽ gọi lại đầu giờ chiều.
Anh K. gọi tôi như đã hứa và chúng tôi nói chuyện với nhau hơn 40 phút. Là người đã có gắn bó 30 năm với Việt Nam lại là con rể Việt Nam, anh K. mà tên Việt là Khanh, nói một thứ tiếng Việt thành thạo đến mức suốt cuộc trò chuyện dài tôi gần như quên mình đang nói chuyện với một người nước ngoài. Tôi bắt đầu bằng cách tự giới thiệu về mình, sau đó đề cập đến việc anh Cường gửi cho tôi bản gỡ băng mà chính anh Khanh đã thu âm 15 năm trước, kể với anh về ý định của tôi là viết một cái gì đó về cuộc gặp mà anh Khanh đã tận mắt chứng kiến như là một cách để hồi tưởng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày này lúc đất nước Việt Nam đang để tang ông. Anh Khanh kể sơ cho tôi nghe về hoàn cảnh của cuộc gặp đó nhưng tôi phải xin phép ngắt lời anh và nhờ anh để dành câu truyện kể cho tới lúc chúng tôi gặp nhau khi tôi có thể ghi chép lại cho trọn vẹn. Anh Khanh nhiệt tình nhận lời đề nghị gặp của tôi và chúng tôi hẹn là tôi sẽ qua đón anh ở cơ quan anh trong nội thành Washington DC để cùng ăn trưa vào hôm thứ Ba ngày 8 tháng Mười.

+ + +

John F. Kennedy Jr sinh ngày 25 tháng Mười Một năm 1960 tại Washington DC mười bẩy ngày sau khi cha anh, lúc đó là Thượng nghị sỹ Kennedy vừa trúng cử để trở thành Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Đắc cử năm 43 tuổi, Tổng thống Kennedy thuộc đảng Dân chủ là tổng thống trẻ thứ nhì của Hoa Kỳ và là tổng thống đầu tiên theo Công giáo La Mã. Dân Anh Mỹ phong lưu có phong tục đặt tên cho con trai, thường là con trai cả, giống hệt tên cha và dùng các hậu tố Jr. (Junior – trẻ, con) và Sr. (Senior – già, cha) để phân biệt hai người. JFK Jr. là một trong bốn người con của vợ chồng Tổng thống Kennedy và Đệ nhất Phu nhân Jacqueline (“Jackie”) Kennedy. Gia đình Kennedy sinh nở 4 lần nhưng gái cả và giai út đều yểu mệnh và chỉ có hai người sống sót là JFK Jr. và người chị là Caroline Kennedy.
Tổ tiên của dòng tộc nhà Kennedy gốc gác là nông dân nghèo Ireland đã đến Boston thời giữa thế kỷ 19. Khởi đầu làm nghề gò đúc đồng sau đó chuyển sang kinh doanh văn phòng phẩm rồi thực phẩm và rượu họ đã có tiền cho con cái học hành và thăng tiến trong xã hội. Ngay từ thế hệ thứ hai sau khi đến Hoa Kỳ, ông nội của Tổng thống Kennedy đã trở thành doanh nhân thành đạt và hạ nghị sỹ bang Massachusets. Cha của Tổng thống học Đại học Harvard rồi trở thành người kinh doanh tài giỏi từng đứng trong top 20 người giầu nhất Hoa Kỳ, đồng thời là chủ tịch đầu tiên của SEC - Ủy ban Chứng khoán Liên bang và Đại sứ Hoa Kỳ tại Anh. Tổng thống Kennedy sinh ra ở Boston và lớn lên ở Boston và New York sau đó học và tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1940 lúc 23 tuổi. Năm 1941 mặc dù bị từ chối nhập ngũ do đau lưng, Kennedy đã nhờ bạn của cha mình là Giám đốc Tình báo Hải quân can thiệp để được gia nhập Hải quân rồi chỉ huy tầu tuần tiễu mang ngư lôi số hiệu PT-109. Trong đêm rạng sáng ngày 2 tháng Tám năm 1943 ở gần Quần đảo Solomon, tầu PT-109 bị khu trục hạm Nhật Amagiri đâm vào và bị vỡ làm đôi. Những người sống sót đã bơi 5 km tới một bãi cạn không có nước hay lương thực. Kennedy đã vừa bơi vừa dùng răng cắn vào dây áo phao để kéo một đồng đội bị bỏng không tự bơi được. Nhóm này về sau đã được cứu sống và hành động quả cảm của Kennedy đã biến ông thành một huyền thoại anh hùng và việc này đã giúp ích cho sự nghiệp chính trị của ông về sau. Mới 29 tuổi, năm 1946, Kennedy đã trở thành Hạ nghị sỹ và 6 năm sau ông đánh bại Henry Cabot Lodge (về sau là Đại sứ Mỹ người quyết định loại bỏ ông Ngô Đình Diệm) để trở thành Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ, rồi từ đó đi lên trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 1960.
Hoa Kỳ được khởi sự ra bởi một nhóm những vị trưởng lão lập quốc với ý chí xây dựng một nền cộng hòa do tình cảm chán ghét nền quân chủ Anh quốc. Mục đích xây dựng một xã hội bình quyền của giới trung lưu làm xã hội Hoa Kỳ dị ứng với những dân vương giả, quý tộc nhưng do vẫn có những gắn bó về văn hóa và phong tục với châu Âu kiểu cách nên người Mỹ vẫn bị lôi cuốn một cách lãng mạn bởi những giới con dòng cháu giống. Gia tộc Kennedy, với ba đời là chính trị gia thành đạt và giầu có rồi đạt tới đỉnh điểm là việc John F. Kennedy lên làm Tổng thống Hoa Kỳ, được nhiều người coi như là “Hoàng tộc Hoa Kỳ”. John F. Kennedy Jr, hay John-John như báo chí lúc đó hay gọi âu yếm, cậu con giai đầu tiên của gia đình thuộc một gia tộc coi trọng việc giữ gìn nòi giống ra đời đúng vào thời điểm người cha đạt đến tột đỉnh vinh quang là đỉnh cao của nền chính trị Hoa Kỳ vì thế đã tự động trở thành một Hoàng tử Mỹ. Những hình ảnh của gia đình Tổng thống Kennedy với cha mẹ trẻ trung, tài sắc và hai con một gái một trai kháu khỉnh xinh đẹp đã trở thành biểu tượng của một nước Mỹ thanh bình mà người Mỹ hoài niệm về cái thời tươi đẹp trước khi những cơn bão của thập kỷ 60 đổ bộ đến gây ra bao xáo trộn.
Đúng như ý từ câu Kiều “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, cảnh hạnh phúc đó không kéo dài được lâu. Ngày 22 tháng Mười Một năm 1963, Tổng thống Kennedy bị ám sát chết khi đang đi cùng vợ tới thăm thành phố Dallas thuộc bang Texas. Đám tang của Tổng thống Kennedy diễn ra vào ngày 25 tháng Mười Một năm 1963 tại Washington DC. Ngày hôm đó cũng là ngày cậu Hoàng tử Bé John F. Kennedy Jr. vừa tròn ba tuổi.
(Còn tiếp)
Admin gửi hôm Thứ Tư, 16/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131015/anh-gau-pham-hoang-tu-va-dai-tuong-1
======================================================================
Anh Gấu Phạm - Hoàng tử và Đại tướng (2) 


Anh Gấu Phạm
Đêm thứ Hai tôi thức khuya kiểm tra thật kỹ cái máy ghi âm mới sắm riêng cho lần trò chuyện này và cất vào túi đồ không phải một mà tận hai bộ pin dự phòng. Khi biết chắc mọi thứ đã ổn tôi mới dám đi ngủ, trong lòng tràn đầy suy nghĩ mông lung rằng những thời điểm như thế này sẽ không còn bao giờ lặp lại nữa. Quả thực, tôi biết là nếu cần tôi có thể sắp xếp để gặp anh Khanh bất kỳ lúc nào cả hai chúng tôi cùng có thời gian nhưng để trò chuyện với anh về JFK Jr., mà từ lúc này tôi sẽ gọi tắt là “anh John”, và cuộc gặp của anh John với Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc cụ Giáp mới qua đời là điều chỉ có thể xảy ra ngay bây giờ hoặc không bao giờ nữa.
Trưa thứ Ba tôi lái xe qua đón anh Khanh tại một trụ sở của một hội đoàn Công giáo ở khu Đông Bắc thủ đô Washington DC nơi anh Khanh đang phụ trách các vấn đề về cứu trợ cho người tị nạn. Anh Khanh đi từ trong khu văn phòng ra gặp tôi đứng chờ ở bãi đậu xe. Tôi nhìn thấy anh tóc dài để xõa ra hai bên, khuôn mặt xương xương và đôi mắt sáng đi nhanh về phía tôi trong khung cảnh của khuôn viên thanh bình giống như trong vườn của một nhà thờ và tôi nghĩ rằng anh Khanh trông thật giống Đức Chúa Giê-su. Ban đầu chúng tôi dự định sẽ ăn trưa ngay tại nơi anh Khanh làm việc nhưng sau đó anh Khanh có hỏi lại tôi có muốn ăn trưa tại một khách sạn nơi mà ở đó hồi 1997-1998, anh Khanh và anh John đã gặp nhau để “bàn mưu tính kế” xem làm thế nào để anh John có thể gặp được cụ Giáp ở Hà Nội. Ý kiến đó của anh Khanh tôi cho là quá tuyệt vời vì nếu làm được thế thì chúng tôi, dù chỉ sơ sài chút ít thôi cũng có thể tái tạo lại được khung cảnh và hoàn cảnh của thời điểm bắt đầu của câu truyện. Nhiệm vụ của tôi như là một người ghi chép lại câu truyện nhờ đó trở nên thuận lợi hơn nhiều.

Nghỉ tại trại David vài tháng trước vụ ám sát.

Khách sạn George nơi tôi và anh Khanh ăn trưa ở cách cơ quan anh chỉ chừng 5 phút lái xe. Trong xe trên đường đến đó hai chúng tôi trò chuyện để làm quen lại với nhau hoàn toàn bằng tiếng Việt. Tôi cố gắng hạn chế không nói về những chủ đề trọng tâm mà chỉ trao đổi với anh về những người bạn chung hay những chi tiết lý lịch và nghề nghiệp của mỗi chúng tôi. Tới nơi chúng tôi đi vào nhà hàng của khách sạn là một chuỗi các phòng lớn cấu trúc thoáng và mở. Thực đơn của nhà hàng cho thấy đây là một tiệm ăn Pháp có mức độ sang trọng trên trung bình. Tôi cảm ơn anh Khanh đã dành thời gian cho tôi sau đó tôi bật máy ghi âm để ở trên bàn ăn giữa bánh mì Pháp và các ly nước lọc. Do lượng khách ăn trưa đông và nhà hàng có cấu trúc khá mở nên tôi hơi e ngại những tiếng vọng rì rầm trò chuyện sẽ làm giảm chất lượng ghi âm.
“Anh Khanh đã gặp anh John lần đầu như thế nào?”. Người phục vụ mang món khai vị ra và tôi bắt đầu đặt câu hỏi.
“Hồi đấy là năm 93, tôi đang công tác ở Sài Gòn. Một chiều bỗng có cuộc điện thoại gọi đến. Người đầu dây bên kia xưng tên là John Kennedy, hiện đang ở Sài Gòn và qua một người khác đã có được số điện thoại của tôi và muốn được gặp gỡ để xin lời khuyên du lịch ở Việt Nam. Tôi và bà xã có đến gặp anh John và bạn gái lúc đó là nữ diễn viên Daryl Hannah ở khách sạn Continental.”
“Anh có nhận ra ngay anh John là ai không?”
“Không. Trước hết là vì anh John là người rất là giản dị và dễ gần. Phần nữa họ Kennedy cũng không phải là quá hiếm. Nhưng tôi nhận ra diễn viên Daryl Hannah ngay. Xong tới đêm về tôi mới nghĩ ra và bảo vợ là đây đích thị phải là JFK Jr.”
“Anh có cảm thấy ngạc nhiên, vui, hay ấn tượng không?”
“Không. Tính tôi không hay bị ấn tượng lắm với những người nổi tiếng. Nhưng mà có nhiều người nhận ra John. Như mấy cô gái Mỹ cứ đứng ở bên sảnh khách sạn xong nói “Hi John”. Có người còn gọi điện lên phòng. Hồi đó tôi bận công tác và chăm ba đứa con nên cũng không tự đưa John và bạn gái đi chơi được nhưng có sắp xếp nhờ một ai đó đưa họ ra Nha Trang, Huế, Hội An. Sau đó khi John quay lại tôi có đưa anh ấy đến một buổi gặp gỡ của nhóm doanh nhân Mỹ ở Sài Gòn. Thời đó là trước khi bỏ cấm vận rất lâu và doanh nhân Mỹ ở Sài Gòn chỉ có chục người, hay hẹn gặp nhau tuần một lần ở bar trên nóc khách sạn Bông Sen. Xong một thời gian rồi công an nhắn là đừng có tụ tập thường xuyên nữa thế là tan nhóm. Thời đó còn ấu trĩ như thế.”
“Bà xã tôi cho John mượn xe Honda 50-70 phân khối gì đó xong John cũng đi bụi khắp nơi. Đấy là điều làm tôi ấn tượng nhất về John là tính giản dị, dễ gần, chu đáo quan tâm tới người khác của anh ấy. John có hỏi chúng tôi là nuôi con nhỏ như thế thì có thiếu gì không? Tôi nói không cần gì cho trẻ con nhưng ở đây thì thiếu nhạc mới. Chừng hai tháng sau khi anh ấy về tôi nhận được một thùng của Fedex gửi tới bên trong có 12 đĩa CD nhạc mới mà John gửi cùng với một lá thư dài mấy trang mà John và Daryl thay nhau viết kể chuyện cho chúng tôi nghe. Mặc dù John quen biết nhiều người làm lớn và với gốc gác gia đình như thế thì John muốn gặp ai cũng được nhưng anh ấy không bao giờ tỏ vẻ con ông cháu cha hay gì. Có lúc nào John kể chuyện những người làm lớn cũng chỉ để nói là người ta vẫn có thể to đầu mà dại. Anh ấy cư xử với người trên kẻ dưới đều công bằng. Tôi cho rằng có lý do là vì sau khi cha mất, mẹ anh ấy tách John ra khỏi gia đình Kennedy, đặc biệt sau khi ông chú Bobby cũng bị ám sát chết năm 1968. Có lẽ đây là lý do tại sao anh ấy không có những nét tính xấu của đám con cháu dòng họ Kennedy.”

+ + +


Kennedy Cha và Con

Ngày sinh nhật lần thứ ba của John, 25 tháng Mười Một năm 1963, như đã nói chính là ngày quốc tang cha anh. Bà Jackie đã hoãn làm tiệc mừng sinh nhật anh tới ngày 5 tháng Chạp 1963 là ngày cuối cùng của gia đình Kennedy ở Nhà Trắng.
Mồ côi cha lúc vừa tròn ba tuổi, John sống cùng mẹ và chị gái Caroline (khi đó 6 tuổi) trong một căn hộ 15 phòng ở khu nhà giầu Upper East Side bên phía Đông của công viên Central Park ở thành phố New York. Chỉ 4 năm sau, hai chị em John lại chịu một sự tổn thất lớn nữa. Chú của họ, Thượng nghị sĩ Robert Kennedy (Bobby), bị bắn chết khi vừa dành được đề cử của đảng Dân chủ để ra tranh cử Tổng thống. Ông chú Bobby đã đóng vai trò giống người cha của hai đứa trẻ sau khi Tổng thống Kennedy qua đời. Cuối năm 1968, bà quả phụ Jackie Kennedy tái hôn với tỷ phú tầu biển gốc Hy Lạp Aristotle Onassis. Người Việt Nam biết đến ông này như nguyên mẫu của nhân vật tỷ phú trong tiểu thuyết Đời tỷ phú xuất bản thời trước Mở cửa.
Những thông tin về thời thơ ấu của John không có nhiều nhưng do người ta biết rằng bà Jackie sau khi tái hôn đã dành thời gian sống với chồng mới ở ba nơi khác nữa ngoài căn hộ mà ba mẹ con đã sống với nhau người ta có thể giả định an toàn rằng John và chị gái đã lớn lên đa phần dưới sự chăm sóc của bảo mẫu. Hai chị em luôn chịu sự theo dõi của truyền thông và báo chí và John có lúc ẩu đả với nhà báo hay nhiếp ảnh gia đeo bám bọn trẻ. Báo chí phê bình John là vị kỷ và học hành không được tốt lắm. Sau khi vào đại học Brown ở Rhode Island, John bắt đầu tu chí học hành hơn. Anh đã sang châu Phi làm việc trong một công ty mỏ, gặp gỡ lãnh đạo sinh viên và chính phủ ở Zimbabwe, hay đi cùng với Lữ đoàn Hòa Bình đến Guatemala giúp đỡ nạn nhân động đất.

John ngồi trên trực thăng Heli One

Tốt nghiệp đại học năm 1982 với bằng Lịch sử Mỹ, John sang học ở Đại học Tổng hợp Dehli bên Ấn Độ. Năm 1984 khi quay về Mỹ, anh vào làm việc cho Văn phòng Phát triển Doanh nghiệp của Thành phố New York. Năm 1986, chủ yếu là để làm vừa lòng mẹ, John vào học trường Luật của Đại học New York.Tại đại hội Đảng Dân chủ năm 1988, John có bài diễn văn giới thiệu chú của mình là Thượng nghị sỹ Edward Kennedy và cử tọa đã đứng lên vỗ tay trong suốt 2 phút liền. Người ta bắt đầu nói về khả năng một ngày nào đó John đi theo con đường chính trị của cha ông. Năm 1989, sau khi học xong trường Luật John phải thi ba lần mới vượt qua được kỳ thi để thực hành luật ở New York và sau đó trở thành một phụ tá công tố ở văn phòng chưởng lý Robert Morgenthau tại Manhattan, New York. John đã thắng cả 6 vụ án anh tham gia thụ lý nhưng tới năm 1993 đã rời bỏ công việc công tố.
Được thừa hưởng nét đẹp của cả cha và mẹ, John có một cuộc sống tình ái vô cùng đa dạng. Trong số những người phụ nữ đã từng qua đời anh có cả nữ hoàng nhạc pop Madonna, các diễn viên Daryl Hannah (“Kill Bill”), Julia Roberts (“Pretty Woman”), Brooke Shields, Sarah Jessica Parker (“Sex and the City”), và nhiều người mẫu khác. Năm 1988 tạp chí People, một tạp chí bình dân của Mỹ, bầu chọn John là “người đàn ông gợi tình nhất trên đời” – và số tạp chí đó là số bán chạy nhất trong lịch sử tạp chí. Tháng Chín năm 1996, John làm tan vỡ trái tim biết bao cô gái khi làm đám cưới với bạn gái Carolyn Bessette trên một hòn đảo ngoài khơi Bang Georgia. Sau đám cưới hai người về sống ở khu Tribeca ở New York và người ta vẫn thấy John thỉnh thoảng đạp xe hay đi ván trượt ngoài đường.
Tháng Chín năm 1995, John cùng một người tên là Michael Berman mở tạp chí George là một tạp chí về chính trị. Lấy tiêu chí là “Không phải chính trị như bình thường” – tạp chí định hướng xây dựng hình ảnh chính trị gia trẻ, thành đạt, và quyến rũ chứ không khô khan. Nhiều nhà quan sát coi bước đi này của John như là cách anh xây dựng kiến thức và quản trị và hành chính cần thiết để sau này chạy đua các vị trí dân cử. Tên của tạp chí được đặt theo tên của Tổng thống đầu tiên Hoa Kỳ là George Washington.
(Còn tiếp)
Đoạn trên có nhiều thông tin tổng hợp từ các nguồn công cộng.
Admin gửi hôm Thứ Tư, 16/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131015/anh-gau-pham-hoang-tu-va-dai-tuong-2
=====================================================================
Anh Gấu Phạm - Hoàng tử và Đại tướng (3) 


Anh Gấu Phạm

Khách sạn George ở Washington DC

Vừa ăn vừa nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt chỉ chốc lát thôi thì câu chuyện giữa tôi và anh Khanh đã có loáng thoáng vài từ đệm. Xong rồi thì anh xin một hai miếng rau từ đĩa của tôi còn tôi thì cũng thò tay sang bốc mấy miếng khoai rán từ đĩa của anh. Chúng tôi đã không mất nhiều thời gian để xây dựng một tình cảm hỗn hợp đồng hương và đồng chí. Các linh hồn đã giúp gắn bó chúng tôi.
Tên của khách sạn nơi chúng tôi đến ăn trưa cũng là George, và cũng đặt theo tên của Tổng thống George Washington giống như tên tạp chí của John. Giữa khách sạn và tạp chí không có liên hệ gì với nhau nhưng do có tính thích đùa vui John thường thuê chỗ ở khách sạn này để làm tiệc mỗi khi tạp chí của anh có sự kiện gì ở Washington DC để ra cái vẻ như khách sạn hay tạp chí cái này sở hữu cái kia.

John và buổi ra mắt số tạp chí đầu tiên. Hình bìa là hình tổng thống Washington

Sau khi John trở về Mỹ sau chuyến đi Việt Nam lần đầu năm 1993, anh Khanh và gia đình vẫn giữ liên lạc được với John, chủ yếu là nhờ nỗ lực từ phía John. Thời đó là thời trước của email và internet nên các liên lạc giữa hai người thường qua fax. Mỗi năm anh Khanh và gia đình vẫn gặp lại John một lần mỗi khi gia đình anh về chơi thăm Mỹ. Năm 1995 anh Khanh rời Việt Nam sau khoảng thời gian hơn 10 năm gắn bó với quê vợ. Trở về Washington DC anh giữ liên lạc với John qua điện thoại và gặp nhau mỗi khi có dịp ở Washington DC hay New York nơi John sống.
Năm 1996, con trai anh Khanh bị chẩn đoán mắc bệnh máu trắng (leukemia) và trong suốt một năm sau đó anh dành thời gian chăm sóc con và đưa cháu bé đi thực hiện các đợt hóa trị. Anh Khanh kể về một lần sau một đợt hóa trị dài anh đã đưa con trai đi New York chơi và John đã đưa hai cha con đi ăn kem ở một tiệm kem nơi mà theo lời John kể thì khi xưa mỗi lần đi nha sĩ khám răng xong bà Jackie đều đưa John qua đó ăn kem để thưởng. Tôi hỏi anh Khanh giải thích về cách mà John với Khanh đã phát triển được một tình cảm bạn bè chỉ xuất phát từ cuộc gặp gỡ đơn giản và tình cờ ở Việt Nam. John là người du lịch nhiều nơi và nếu đi đâu gặp ai anh cũng thành bạn bè thế này thì số bạn của anh chắc là nhiều lắm. Khanh đưa ra giải thích của anh rằng John là người được nhiều người săn đón và vì thế anh có một xu hướng tự nhiên kết bạn với những người mà anh tự tìm đến với người ta, như là cách đã xảy ra giữa John và Khanh. Hơn nữa, Khanh nhận xét là tính cách không vồn vã, xởi lởi, săn đón của bản thân anh cũng là một điểm gây được tin cậy ở John. Ngoài ra còn một điểm nữa anh nói mà tôi tin là John có tình cảm có phần nào đó đặc biệt hơn với Việt Nam và vì thế qua Khanh, một người Mỹ hiểu, yêu Việt Nam và nói tiếng Việt “phải nói quá giỏi”, John giữ được một mối liên hệ tới Việt Nam một cách dễ dàng và thuận tiện. Tình bạn của hai người nếu tách ra khỏi hoàn cảnh Việt Nam có lẽ sẽ bị mất đi tới quá nửa phần ý nghĩa.
Khoảng tháng Mười Một năm 1997, John gọi điện cho Khanh và nói muốn nhờ Khanh thu xếp một cuộc gặp để phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội. Lúc đó tạp chí George đã vận hành khá thành công được hơn hai năm. Một mục được đánh giá cao là mục các bài phỏng vấn tên là The George Interview. Do lợi thế “con nhà” của John mà George có thể thu xếp được các cuộc phỏng vấn với nhiều nhân vật nổi tiếng để thực hiện các bài phỏng vấn đặc sắc và thú vị. Ý tưởng phỏng vấn Tướng Giáp nằm trong dự liệu xuất bản của năm 1998 là năm kỷ niệm 30 năm sự kiện Tết Mậu thân. Ý tưởng này cụ thể bao gồm việc xuất bản song song hai bài phỏng vấn hai đối thủ là lãnh đạo quân đội hai bên chiến tuyến. Ở phía Mỹ, George chọn phỏng vấn Tướng William Westmoreland, cựu tư lệnh các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Nam Việt Nam vào thời điểm 1968.
Khanh nhớ lại là anh đã nói với John rằng việc phỏng vấn này chắc không thể tự thu xếp được mà cần phải đi qua đường chính thức. Anh đã liên hệ với một người quen từ lâu năm là Đại sứ Lê Văn Bàng, lúc đó mới trở thành Đại sứ chính thức đầu tiên của CHXHCN Việt Nam tại sứ quán mới mở ở thủ đô Washington và nhờ Đại sứ chuyển yêu cầu chính thức về nước để xin cho John F. Kennedy Jr. được gặp và phỏng vấn Đại tướng. Mặc dù Đại sứ Bàng là người bạn quý của anh Khanh chắc chắn đã nỗ lực hết sức để đưa yêu cầu này vào danh sách ưu tiên nhưng mấy tháng trôi qua mà Khanh vẫn không nhận được câu trả lời đồng ý. Điều này theo lời Khanh là rất lạ vì hai lý do. Thứ nhất, túc đó là thời đầu của giai đoạn Việt Mỹ đề huề, mọi thứ diễn ra giữa hai nước đều được tạo điều kiện tốt nhất từ giấy tờ, visa, thủ tục vv Đại sứ quán Việt Nam đều tạo mọi điều kiện để chứng tỏ sự hiếu khách với nước Mỹ mới từ cựu thù trở thành bạn. Thứ hai, do cái vị thế tương đối cao của anh mà John là người đi đâu xin việc gì cũng đều đạt được kết quả. Kết hợp hai lý do đó lại với nhau Khanh thấy việc John xin mãi mà không được gặp Tướng Giáp chắc chắn phải là do có ai đấy không muốn và không cho phép Cụ gặp John chứ Cụ Giáp thì không có lý do gì để từ chối gặp Kennedy Con cả nếu không phải là Cụ còn chào đón nữa.
Nhận thức được trở ngại giấu mặt này, Khanh cố gắng tìm một con đường khác để vận động chính thức cho cuộc gặp. Khanh dự định sẽ nhờ sự can thiệp của Đại sứ Hoa Kỳ mới nhậm chức là ông Pete Peterson nhưng khi mới ngỏ ý này ra đã bị một người bạn lâu năm khác làm việc trong chính quyền thành phố Hồ Chí Minh can lại với lý do là “đằng nào cũng không được rồi thì dù ông Đại sứ có can thiệp cũng sẽ không được đâu, mà lại làm to chuyện ra thêm.” Tin tưởng các người bạn của mình Khanh đã định sẽ bỏ cuộc và thông báo cho John biết về thất bại.
Tình cờ thế nào đó tại một buổi triển lãm tranh ở Washington DC, Khanh gặp bà Dorothy Fall là quả phụ của nhà báo/nhà phân tích/giáo sư chính trị Bernard Fall và được bà cho biết là bà mới đi Việt Nam về và trong chuyến thăm đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khanh nói với bà là gặp được ông Giáp là khó lắm và hỏi bà đã sắp xếp cuộc gặp thế nào. Bà Fall cho biết nhà văn quân đội Hữu Mai đã giúp đỡ bà sắp xếp cuộc gặp đó. Khanh bỗng cảm thấy là vẫn còn chút hy vọng gì đây.

Bìa sách của bà Dorothy Fall

Ở đây có một điểm mỏng manh nhưng thú vị cần xem xét. Ông Bernard Fall là một học giả mang quốc tịch Pháp và Mỹ đã đến Đông Dương đi thực địa chiến trường cùng binh lính Pháp từ năm 1953 và chứng kiến những ngày cuối cùng của Pháp ở Đông Dương. Quan điểm của ông lúc đó là Pháp thua do Mỹ đã không chi viện đủ và ông ủng hộ sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương để giúp ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Ông Fall sang Việt Nam nhiều lần và trở thành một nhà bình luận, một chuyên gia về Việt Nam nổi tiếng thời đó. Ông dần dần trở nên bi quan với chế độ của ông Ngô Đình Diệm và ủng hộ sự can thiệp quân sự của Mỹ nhưng sau đó bắt đầu phân tích những nhược điểm của phía Mỹ trong cuộc chiến tranh ngày càng leo thang rồi đưa ra những dự đoán về việc Mỹ sẽ thua trận ở Việt Nam giống như Pháp trước đó. Năm 1962 trong thời gian giảng dạy ở Học viện Hoàng gia Campuchia, ông Bernard Fall đã được mời qua Hà Nội phỏng vấn cả Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh đã đưa ra dự đoán rằng quân Mỹ sẽ phải rút quân trong vòng một thập kỷ. Những phân tích của ông được người ta coi trọng vì sắc sảo nhưng không ưa vì mang nặng tính phê bình tới mức FBI bắt đầu đặt ông vào diện theo dõi.

Ông Bernard Fall ở miền Nam

Những lời tiên đoán về chiến tranh của ông về sau người ta xác nhận lại là đúng đắn. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Colin Powell có nhận xét khi đọc lại một cuốn sách của ông Fall đại ý rằng nếu Tổng thống Kennedy hay Tổng thống Johnson chịu đọc sách của ông Fall thì họ đã nghĩ cách rút quân ra khỏi vũng lầy Việt Nam. Ở bên kia chiến tuyến ông Bernard Fall tất nhiên được coi là tiếng nói hàng đầu của lương tri nhân loại chống chiến tranh Việt Nam nên việc bà Fall được tiếp đón nồng nhiệt bởi các lãnh đạo Việt Nam là điều dễ hiểu. Điều thú vị ở đây là việc cuối cùng thì chính bà Fall đã chỉ hướng cho con trai Tổng thống Kennedy đến gặp lãnh đạo Việt Nam – một việc mà xưa chồng bà đã không thành công với chính ông Tổng thống.

Dịch giả Dương Tường

Anh Khanh đã liên hệ với ông Dương Tường, một dịch giả - nhà văn của Việt Nam là họ hàng bậc anh bên vợ của anh, và hỏi ông Tường có quen ông Hữu Mai không. Ông Tường trả lời là bạn 30-40 năm rồi và hứa sẽ chuyển lời tới ông Hữu Mai nhờ ông này giúp đỡ. Nhà văn quân đội Hữu Mai là người đã làm việc với Đại Tướng Giáp thể hiện cả năm cuốn hồi ký chính của Đại tướng nên rất gần gũi với Đại tướng. Mấy ngày sau Khanh nhận được tín hiệu đèn xanh từ các ông Hữu Mai và Dương Tường ở Hà Nội.

Nhà văn Hữu Mai (bìa phải) với Tướng Giáp

Ngày hôm đó là khoảng tháng Sáu năm 1998, bẩy tháng sau khi họ bàn bạc ý định, John và Khanh gặp nhau tại một buổi tiệc ở khách sạn George. Khanh chỉ tay là chúng tôi đứng đúng “chỗ này này”, và tôi bảo John là kế hoạch chính thức không ăn thua rồi, giờ John có thể chọn hoặc bỏ cuộc hoặc cứ đi Việt Nam rồi thì làm theo đúng kiểu Việt Nam là “tiền trảm hậu tấu”, “xin phép không được thì ta xin lỗi.”

"Chỗ này này"

“Anh Khanh đúng là cái thằng Việt Nam.” Tôi vừa cười vừa nói.
Khanh bảo: “Anh thấy tôi đểu quá hả? Phải nói là quá đểu. Xưa mới đi Việt Nam còn ngây thơ, tốt lắm, nhưng Việt Nam làm cho mình thành ra như thế. Cha mẹ cho toàn tính tốt còn Việt Nam cho toàn tính đểu. Ở Việt Nam nhiều lúc tôi thấy còn tự do hơn cả ở Mỹ vì anh muốn làm cái gì mà chẳng có cách. Ở Mỹ anh dính vào luật là anh chết chắc rồi chứ ở Việt Nam anh không có cách này thì có cách khác chứ mà cứ làm đúng đắn đàng hoàng thì chúng nó bảo anh là cái gì cái con gà công nghiệp.”
Tôi bảo: “Anh Khanh nói đúng. Người Việt không có chịu bỏ cuộc dễ dàng đâu, việc gì cũng thế.”
Khanh nói: “Anh biết sao những người châu Âu đầu tiên đến Việt Nam gọi người Việt là “người Phổ châu Á” không? Chính vì người Việt nó dữ, toàn muốn chiếm đất của người ta, và chiến đấu rất ác cái kiểu thông minh, hay xoáy vào những cái chỗ yếu của người ta để khai thác đến chết thì thôi. Người Việt mình anh ạ tôi yêu thì yêu lắm nhưng bảo kính trọng thì không. Toàn những trò qua cầu rút ván, chọc gậy bánh xe, ăn cháo đá bát thì kính trọng thế nào được cơ chứ.”
Tôi gật đầu tỏ vẻ hiểu và đồng ý với anh.
Quay lại câu chuyện giữa Khanh và John, lựa chọn mà Khanh đưa ra cho John là quá dễ. John quyết định sẽ đi Việt Nam theo đúng chiến thuật “đánh du kích” kiểu Việt Nam. Hàng năm, John có lệ vẫn đi chèo thuyền kayak cùng với hai người bạn là Kenan và Kevin. Mỗi năm họ đi một nước khác nhau đáp ứng được đúng những tiêu chuẩn: “rất mạo hiểm, cảnh đẹp, đồ ăn ngon, phụ nữ đep.” Họ thỏa thuận với nhau hôm đó tại đúng “chỗ này này” là điểm đến năm đấy của họ sẽ là Việt Nam. Mục đích của chuyến đi sẽ là để John gặp bằng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Admin gửi hôm Thứ Tư, 16/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131016/anh-gau-pham-hoang-tu-va-dai-tuong-3
======================================================================
Anh Gấu Phạm - Hoàng tử và Đại tướng (4)



Anh Gấu Phạm
Khoảng ngày 10 tháng Tám năm 1998, nhóm của Khanh và John cùng các người bạn học từ trường Luật của John là Kenan, Kevin và nhiếp ảnh gia là Robert đã đến Việt Nam. Họ đi thành các nhóm, nói theo ngôn ngữ của Điện Biên Phủ là các mũi giáp công, riêng rẽ với Khanh tới Sài Gòn trước còn John và những người kia đi tới Hà Nội. Nhóm của John mang theo đầy đủ các dụng cụ chèo thuyền và cả thuyền kayak nhãn hiệu Featherlight loại có thể gấp gọn được. Khanh từ Sài Gòn ra và đến ở tại một gia đình mà thời gian trước từng cho gia đình anh thuê nhà phía mạn Quảng Bá còn John và cả nhóm ở khách sạn Sofitel Metropole ở trung tâm khu phố tây. Họ thuê thêm một căn phòng dưới gầm cầu thang ngay lối cửa vào khách sạn để chứa những đồ đoàn cồng kềnh của nhóm.
Đầu tiên, Khanh đưa John cùng đến thăm dịch giả Dương Tường. Sau đó ba người cùng qua thăm nhà văn Hữu Mai. Ông Hữu Mai gọi điện ngay cho một vị là thư ký của Đại tướng. Vị này hứa sẽ cố gắng giúp đỡ thu xếp cuộc gặp và hẹn sẽ có câu trả lời trong vòng vài ngày. Ngay từ đầu Khanh đã nói với những vị hảo tâm địa phương là anh muốn cuộc gặp được thu xếp vào ngày cuối cùng họ ở Việt Nam là ngày 22 Tháng Tám. Lý do của việc này anh sẽ nói với tôi về sau.
Kế hoạch đã được khởi động và quyền định đoạt chiều hướng tiếp theo sẽ như thế nào không còn nằm trong tay họ nữa, nhóm đi ra khỏi Hà Nội để đi thuyền kayak trên sông. Điểm đến là Pác Bó – căn cứ địa của cách mạng Việt Nam. Tôi hỏi tại sao lại chọn Pác Bó - để nịnh người ta hả? Khanh trả lời là không phải thế mà vì Pác Bó là một trong hai địa điểm mà anh cho là đẹp nhất Việt Nam. Trên đường đi, do thời gian giờ chỉ là chờ đợi và vì vậy quá thừa thãi, nhóm bạn dừng lại ở Thái Nguyên ăn cơm rồi ở đó một đêm. Dọc đường đi có lúc cả đám dừng lại đi đái ở ven đường xong John chạy đi đâu mất mà không nói với ai cả. Hóa ra là John nhìn từ xa thấy có cái làng bên đường và tò mò muốn tìm hiểu đời sống của người dân ở đó nên đi vào xem. Tới Pác Bó, họ đi thăm cả hang Pác Bó và hang gì gần đó xưa đặt Bộ Tham mưu không đẹp bằng.

Hang Pak Bó

Họ mất cả ngày để lắp các thuyền kayak lên xong đêm đó Khanh thương lượng với bảo vệ của một trạm dịch vụ du lịch gần đó cho họ ngủ trộm qua đêm ở đó với chăn màn Khanh đã mua mang theo từ Hà Nội. Sáng sớm bảo vệ đã vào đánh thức họ dậy để giục họ đi trước khi các nhân viên của trạm đến làm việc có thể bắt gặp họ ở đó.

Suối Lê Nin

Mấy ngày sau cả nhóm đi thuyền dọc sông, có ngày đi được 7 km. Khanh kể là John là người ưa mạo hiểm tới mức mà nhiều lúc anh ấy chèo thuyền vượt thác khi mà những người khác chọn mang thuyền lên bờ đi bộ xuống. Tới cuối hành trình Khanh liên hệ với ông Tường ở Hà Nội và được cho biết là cuộc gặp của họ với Đại tướng đã được chấp thuận vào lúc 2h chiều ngày 22 tháng Tám đúng như Khanh đã yêu cầu.
Trở về Hà Nội cả nhóm lại đi tiếp đi Hạ Long nơi họ đến thăm “hang Sửng sốt, đảo Titov vân vân.” John rất quan tâm đến đời sống của dân nghèo Hạ Long và thường không bỏ lỡ dịp trò chuyện với ngư dân để hỏi thăm về đời sống con cái của họ. Anh hay hỏi nhiều về việc học hành, nghề nghiệp tương lai. Khanh nói anh nhận ra John là người rất thương trẻ con và thương người nghèo khổ. Khi đi bơi ở Hạ Long có chú bé con nhà ngư dân chỉ tay vào cái kính bơi của John hiệu gì đó đắt tiền John bỏ ra và cho ngay chú bé cái kính “giá 2-300 đô.”

John với cháu bé con ngư dân ở Hạ Long.

Trưa 22 tháng Tám, cả nhóm tập trung ở khách sạn Metropole. Theo kế hoạch sẽ có Khanh, John và Robert là nhiếp ảnh gia đi đến cuộc gặp. Đang kể Khanh bỗng sực nhớ ra điều gì và bảo để anh kể tôi nghe chuyện này:
“Anh biết đấy ở Việt Nam mình tay nào cũng có nào là vợ hai, nhân tình, bồ nhí, phòng nhì vân vân…Theo tôi là bởi vì tương lai nó mờ mịt quá không ai biết về sau rồi sẽ ra làm sao nên họ buộc phải có cái mà tiếng Anh gọi là redundancies – tức là như trong công nghệ cao thì là những cái hệ thống phụ trợ để nếu hệ thống chính hỏng thì còn có cái sau nó đỡ, tức là những cái kế hoạch hai, kế hoạch ba đấy.”
“Như anh biết thì kế hoạch một của chúng tôi là xin đi qua con đường chính thức với Đại sứ quán Việt Nam mà rồi không thành, và đi kiểu chui qua ông Hữu Mai thế này đã là kế hoạch hai, nhưng mà biết rõ cái kiểu Việt Nam mình là cái gì đi nữa đến phút cuối vẫn có thể thay đổi nên tôi vẫn chưa thật yên tâm. Bên nhà vợ tôi có một người anh họ tên Ân, tình cờ thế nào lại lấy vợ là cháu họ xa đằng nhà ông Giáp. Biết thế tôi mới dặn anh Ân là nếu như 2h chiều chúng tôi đến mà vì bất kỳ lý do gì cuộc gặp bất thành thì tới 4h chiều, nhờ anh chị xin phép gia đình trước, cho tôi và John được đi cùng hai xe máy với anh chị tới thăm ông Giáp với tư cách như người cháu trong gia đình. Đấy là cái kế hoạch ba dự trù của chúng tôi. Tôi nói với anh Ân là tôi không thể nào mà đưa Kennedy Con đến đây rồi lại về không mà không gặp được ông Đại tướng.”
Xuất phát từ khách sạn Metropole, họ cẩn thận không đi bằng taxi mà đi trên một xe có biển hiệu của làng trẻ Hòa Bình Thanh Xuân nơi anh Ân công tác. Họ lọt vào “tập đoàn cứ điểm” 30 Hoàng Diệu mà không gặp khó khăn gì. Họ được đón bởi một cô gái là chị Phạm Quỳnh Anh – nhìn danh thiếp cô Quỳnh Anh thấy ghi Ban Đối ngoại Khanh kể là anh thở phào nhẹ nhõm vì biết là cuộc gặp đã được phép chính thức. Các vị khách được dẫn vào phòng tiếp khách qua lối cửa sau nơi Lão Đại tướng và nhóm tùy tùng đã đứng chờ sẵn. Lúc đó là khoảng 2h chiều ngày 22 tháng Tám năm 1998.
“Có những ai ở trong phòng?”
“Có Tướng Giáp và cô Quỳnh Anh ngồi ở góc này với tôi và John còn ở góc xa có một nhóm khác trong đó có người mặc quân phục và sau này đọc báo thì biết chắc là có cả ông Dương Trung Quốc nữa. Họ cũng ghi âm và chụp ảnh nhưng tôi không biết giờ họ giữ tài liệu ở đâu. Có lẽ ông Quốc biết.”
“Tức là chỉ có anh và John với Cụ và cô Quỳnh Anh nói chuyện?”
“Đúng thế. Chỉ có ông Giáp và John nói còn cô Quỳnh Anh dịch. Tôi chỉ ngồi đó để bổ khuyết cho cô Quỳnh Anh khi cần. Cô Quỳnh Anh là con gái ông Phạm Văn Chương là người mà tới nay tôi cho là nói tiếng Anh hay nhất Việt Nam nên tiếng Anh cô cũng giỏi lắm.”
“Cụ với John ngồi thế nào?”
“Hai người ngồi cạnh nhau như tôi với anh đây. Ông Giáp rất rất thân mật. Thỉnh thoảng để nhấn mạnh điều gì ông còn vỗ vào đùi John.”
“Cuộc gặp kéo dài bao lâu?”
“Khoảng một tiếng rưỡi. Nhưng tôi phải nói với anh là tôi rất ngu ở chỗ thế này. Khi đến cuộc hẹn thì tôi vẫn cứ có cái tâm lý là đang đi làm chui nên tôi dặn John là chỉ ngồi 1 tiếng thôi, xong là anh phải xin phép ông Giáp đi ngay, vì là tôi sợ là ngồi lâu rồi có ai biết chuyện nó thu mất cái băng ghi âm của tôi thì thành ra tay trắng. Đấy cũng chính là lý do mà tôi cố đẩy cuộc hẹn tới hôm trước ngày rời Việt Nam. John cũng xin phép đi nhưng ông Giáp cứ níu kéo lại trò chuyện. Nếu tôi mà biết trước là gặp thế là người ta đã cho phép rồi thì tôi đã để kệ cho họ ngồi với nhau mà không thúc giục.”
Một tiếng rưỡi sau bên khách xin phép Đại tướng ra về. Họ chụp chung với nhau một vài bức ảnh. Khanh nói Đại tướng đối xử với John rất gần gũi, rất thân thiện, và cởi mở. Ra về Khanh chạy về chỗ ở giấu cái băng ghi âm xong quay lại khách sạn Metropole cả nhóm gặp nhau để ăn mừng một điệp vụ đã hoàn thành xuất sắc. John vui mừng mang hết đồ đạc gửi trong kho ra phát cho nhân viên Metropole người áo, người mũ, người kính. Khanh bảo tôi là không hiểu còn nhân viên nào của Metropole giữ lại những món đồ kỷ niệm đó không.
Khanh và John ôm chào tạm biệt nhau để Khanh vào Sài Gòn rồi từ đó về lại Mỹ. Chắc chắn không ai trong họ biết rằng đó là lần cuối cùng trong đời mà họ gặp mặt nhau.

Chủ và khách
Admin gửi hôm Thứ Năm, 17/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131017/anh-gau-pham-hoang-tu-va-dai-tuong-4
======================================================================
Anh Gấu Phạm - Hoàng tử và Đại tướng (5)


Anh Gấu Phạm
Về đến Mỹ, Khanh bắt tay ngay vào việc gỡ băng thu âm cuộc đối thoại Hà Nội. Anh mất 19 tiếng để ghi xuống và dịch các đoạn nói chuyện trong buổi gặp kéo dài vỏn vẹn có một tiếng rưỡi. Khanh gửi bản dịch cho John để John chấp bút bài báo. Bài được đăng trong số tháng Mười một của George với nhan đề: The George Interview: Vietnam’s Ruthless Warrior General Vo Nguyen Giap (Mục Phỏng vấn của George: Tướng Võ Nguyên Giáp - Chiến binh Tàn nhẫn của Việt Nam.) Chữ ruthless trong tiếng Anh không nhất thiết có hàm ý nặng nề như tàn nhẫn trong tiếng Việt mà thường được dùng để nhận xét một người như không nương tay, không lụy tình, cứng rắn, lạnh lùng.

Số báo có đăng bài phỏng vấn

Bài báo khởi đầu với một đoạn giới thiệu về xuất thân và tóm tắt thân thế sự nghiệp của Tướng Giáp với một trọng tâm dễ hiểu về cuộc chiến Việt Mỹ. Đoạn này có những trích lời của Cụ Giáp về chiến tranh nhân dân, những thứ công thức mà ai đã đọc các hồi ký của Cụ chắc đều đã quen thuộc. Tác giả giải thích tính thiện chiến của quân đội [nhân dân Việt Nam] là kết hợp của tinh thần “ai cũng phải chiến đấu chống giặc” với việc huấn thị tư tưởng chính trị liên tục. Tướng Giáp có niềm tin rằng một đội quân du kích có kỷ luật có thể chiến thắng một quân đội thông thường dù họ có vũ trang tối tân đến đâu. Tác giả cho rằng cuộc chiến tranh chống Pháp đã chứng tỏ quan điểm này của ông Giáp là đúng và trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ông đã một lần nữa tìm cách khai thác những nhược điểm của đối phương.

Trang đầu bài báo

Điểm yếu chính của đối phương được coi là họ [quân Mỹ] thiếu năng lực đạt được các mục tiêu chính trị cần thiết để có được một chiến thắng quân sự lâu dài, ông Giáp đã sửa đổi các chiến thuật theo hướng này. Nói về quân Mỹ, bài báo trích lời ông Giáp nói rằng quân đội của ông sẽ đánh thắng quân Mỹ lúc họ có nhiều quân, nhiều vũ khí, nhiều hy vọng thắng trận nhất; bởi vì những ưu thế quân sự đó sẽ giống như cối xay nghiến vào cổ họ. Ông đã kéo dài cuộc chiến càng lâu càng tốt để làm cạn kiệt nguồn lực và tinh thần chiến đấu của đối phương, đồng thời lợi dụng tinh thần phản chiến dâng cao bên dân Mỹ.
Tác giả cũng nhắc lời tướng Westmoreland về việc tướng Giáp là tay nướng quân không ngần ngại. Bằng chứng đưa ra là chính lời của Cụ Giáp được ghi lại nói rằng “hàng phút có hàng trăm, hàng ngàn người chết trên thế giới, thế thì nếu có 10 ngàn người hy sinh, dù họ có là đồng bào của chúng tôi đi nữa, thì cũng chưa phải là nhiều.” Tác giả bày tỏ cảm giác khó gắn kết hình ảnh vị tướng lẫy lừng với ông già 87 tuổi ngồi uống trà nhài và ăn bánh đậu xanh cùng tác giả hôm đó. Trước khi chuyển sang phần hai là phần trích dẫn trực tiếp các câu hỏi đáp, tác giả kể lại lời Cụ Giáp nói: “Tôi từng là vị tướng của chiến tranh nhưng giờ tôi muốn là vị tướng của hòa bình.” Cụ vừa nói vừa vỗ đùi tác giả - anh John.

Trang hai bài báo

Trong một câu trả lời về lịch sử gần đây của mối quan hệ Việt Mỹ, cụ Giáp có nhắc đến cha của John, cố Tổng thống Kennedy, rằng khi ông lên nhậm chức thì cụ là tổng tư lệnh và vì thế đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu những suy nghĩ và chính sách của vị Tổng thống mới. Ban đầu, tướng Giáp cho rằng Kennedy có kế hoạch sử dụng sức mạnh quân sự để giúp chính quyền Sài Gòn chặn đứng phong trào cộng sản nhưng sau này nhờ vào các tài liệu lịch sử mà ông Giáp nhận ra là Tổng thống Kennedy về sau đã thay đổi quan điểm và không còn ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm nữa và muốn duy trì một sự tham gia hạn chế của nước Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam. Ông Giáp đã đề cập đến một giả thiết là nếu Tổng thống Kennedy không chết thì mọi thứ có lẽ đã khác, không đến nỗi [tồi] như dưới thời các Tổng thống Johnson và Nixon. Đề cập đến quan hệ hậu chiến và tiến trình hòa giải, ông Giáp nói rằng hai nước phải cố tìm cách hiểu nhau, đặc biệt là các thế hệ người trẻ. Ngoài ra hai bên đều nên có trách nhiệm chung giúp đỡ các nạn nhân của chất độc Da Cam.
Trong khoảng thời gian sau đó, Khanh bận rộn hơn với các công việc của gia đình. Giao tiếp giữa hai người thường qua điện thoại hay email. John đã đặt Khanh làm một bài phỏng vấn Pete Peterson, cựu tù binh Mỹ tại nhà tù Hỏa Lò tục danh Hanoi Hilton lúc đó mới trở thành Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam sau chiến tranh. Khanh đã thực hiện bài phỏng vấn này và bài được đăng trên tạp chí George khoảng đầu năm 1999.
Tới mùa hè năm 1999, Khanh dành phần lớn thời gian chăm sóc con trai anh điều trị bệnh ung thư máu. Tháng Bẩy năm 1999, cháu bé hoàn thành một đợt hóa trị kéo dài 2 năm rưỡi và Khanh quyết định đưa cháu đi sang Los Angeles chơi. Chiều ngày 16 tháng Bẩy, Khanh cùng con trai ăn tối sớm với Kevin, bạn thân của John là người đã cùng đi Việt Nam, để sau đó tới xem một buổi biểu diễn của Kevin nhân anh này có nghề tay trái là diễn hài. Lúc họ đang cùng trò chuyện về John và chuyến đi Việt Nam đầy kịch tính mùa hè năm trước lúc 7h chiều giờ bờ Tây tức 10h tối giờ bờ Đông Hoa Kỳ thì John đã chết rồi.

Đường bay và địa điểm tai nạn

Chiều tối ngày 16 tháng Bẩy năm 1999, John Kennedy Jr. cùng vợ là Carolyn và chị vợ là Lauren Bessette đã tử nạn trong một tai nạn máy bay do chính John lái bay từ New Jersey tới Martha’s Vinyard ở Massachusets để dự tiệc cưới của một người họ hàng của John. Do nhiều nguyên nhân (10 nguyên nhân như liệt kê của bên điều tra) mà chủ yếu là các nguyên nhân tầm nhìn kém, phi công thiếu kinh nghiệm, không đủ huấn luyện để bay đêm không có dụng cụ chỉ đường mà máy bay đã đâm xuống Đại Tây Dương.




Tổng thống lúc đó là Bill Clinton đã cho phép tầu hải quân trợ giúp trong việc tìm xác các nạn nhân và sau đó ra lệnh treo cờ nửa cột – là hình thức treo cờ tang tưởng niệm của Mỹ - ở Nhà Trắng và các địa điểm công cộng trên toàn quốc. Kết quả giảo nghiệm cho thấy John đã tử vong ngay thời điểm máy bay đâm xuống mặt nước. Ngày 22 tháng Bẩy, tro xác của John cùng vợ và chị vợ đã được khu trục hạm USS Briscoe rải ngoài Đại Tây Dương bên bờ biển Martha’s Vinyard nơi tai nạn xảy ra. Nghi lễ trọng thể đặc biệt này dành cho những người chỉ là thường dân được chính Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là William Cohen cho phép.


Khanh nhận được điện thoại của em trai anh báo tin sáng sớm ngày hôm sau tai nạn xảy ra khi cuộc tìm kiếm xác máy bay rơi và thi thể những nạn nhân vẫn đang diễn ra. Anh nói là anh biết chắc là John đã chết rồi dù lúc đó người ta chưa tìm thấy xác. Tôi không hỏi anh câu hỏi thừa là anh có buồn không khi mất một người bạn đặc biệt như John nhưng Khanh kể là anh có ngồi ngoài sa mạc và viết một bài dài về John để ghi lại những thứ kỷ niệm của tình bạn giữa hai người trong khoảng thời gian 5 năm. Khanh kể lúc chúng tôi bắt đầu ăn đồ tráng miệng về một cô bé mà John và anh đã gặp trên đường từ Hạ Long về Hà Nội. Cô bé khoảng 12 tuổi cõng đứa em đứng xin tiền bên bến phà nào đó. Nhìn cô bé khổ cực John nhờ Khanh hỏi chuyện rồi ra gặp mẹ cô bé tại nhà gần đó để hỏi tình cảnh ra sao, học hành thế nào. Cha đẻ cô bé đã mất và người mẹ tái giá với một người làm nghề xây dựng sống tạm bợ ở gần bến phà. Hàng ngày cô bé cõng em là con của mẹ với người chồng sau ra bến phà ăn xin. John đã hỏi xin địa chỉ của cô bé mà Khanh nhớ là Nguyễn Thị Thơm quê ở huyện Mỹ Hào để sau đó John muốn Khanh gửi chút gì giúp đỡ. Khanh nói rằng sau khi John mất thì anh không còn tâm trí đâu mà làm việc gì nữa và tấm giấy để địa chỉ của cô bé kia anh cũng để lẫn đâu mất. Anh gục đầu xuống xong lúc ngẩng mặt lên tôi nhìn thấy mắt anh có nước mắt. Anh nói anh đúng là “thằng hứa lèo” và nói với tôi chắc sẽ tìm bằng được địa chỉ của em Thơm để quay lại làm gì đó cho cô bé giờ chắc đã 26-27 tuổi để hoàn thành lời hứa với John.

Số tưởng niệm trên tạp chí Time

Từ đầu bữa Khanh thỉnh thoảng lại tặc lưỡi đồ ăn này “tinh vi” quá Khanh không biết ăn đâu. Nhưng giống như một người Hà Nội chính hiệu anh đả bánh mì Pháp với bơ bao nhiêu cũng hết. Đồ dessert chúng tôi ăn lúc cuối có món kem gồm ba muỗng kem dâu đặt trên một miếng đá băng lạnh tới mức tỏa mầu xanh thẳm như nước biển sâu. Mới hôm trước tôi được đọc trong sách Lolita của Nabokov một so sánh ẩn dụ một người mang trong mình miếng băng đá mầu xanh thay cho trái tim, một so sánh mà giờ lúc Khanh cúi đầu chảy nước mắt thương người bạn quá cố tôi thấy sao thật hợp tình hợp cảnh. Chúng tôi rời phòng ăn đi ra sảnh khách sạn. Mười lăm năm đã trôi qua kể từ buổi tiếp tân nào đó lúc Khanh và John bàn bạc về việc “cứ đi Việt Nam đi - xin phép không được thì xin lỗi.” Khách sạn đã được sửa sang tân tạo tới mức Khanh không nhớ ngay được chỗ mà anh và John đã đứng. Anh hỏi hai cô tiếp tân đứng đó – trông họ trẻ tới mức mà tôi nghĩ 15 năm trước đây chắc họ cũng chỉ là những cô gái bé như em Thơm ở Mỹ Hào – họ cố giữ vẻ mặt nghiêm nghị phù hợp với người đang làm việc nhưng không giấu được vẻ tò mò về người đàn ông da trắng đi đi lại lại trong sảnh nói chuyện một mình bằng thứ tiếng châu Á nào đó mà họ không nhận ra. Không biết nếu các linh hồn có tồn tại thì John có tham gia cùng với bữa trưa của chúng tôi và đứng quanh đó lúc đó không.
Tôi giữ máy ghi âm chạy trong suốt thời gian chúng tôi nói chuyện với nhau, lúc đó thời lượng thu âm đã chỉ gần 2 tiếng. Chúng tôi bước ra khỏi cửa kính khách sạn lúc 3h chiều một buổi chiều mùa thu nắng đẹp ở Washington DC. Tôi nheo mắt nhìn cảnh vật xung quanh và có cảm giác choáng ngợp như vừa xem xong một bộ phim rất xúc động, rất ấn tượng, và thật tới mức như có thể bẻ cong cảm nhận về thực tại.
Khanh bỗng hỏi tôi: “Anh muốn biết chuyện về cái quần tôi đang mặc không?”
Quả tình lúc tới đón anh tôi đã thấy cái quần đấy thật lạ. Nó như cái quần pajama hay quần của đám du lịch ba lô, mặc rộng rãi thoải mái may bằng thứ vải dầy và có những sọc nhỏ li ti như ô giấy kẻ caro với các đường kẻ mầu xanh lam và các ô vuông mầu xanh lục. Tôi đã định hỏi nhưng lại nghĩ không khéo trang phục tôn giáo gì đó mình hỏi lại thành ra mất lòng khách nên thôi. Giờ anh hỏi tôi mới gật gù rằng tôi muốn biết.
“Lúc đi bơi thuyền bọn tôi muốn có một loại đồng phục nên tôi lấy cái quần của Kenan làm mẫu xong tôi ra chợ Đồng Xuân mua vải về may mỗi người trong nhóm một cái rồi đặt tên cho cả nhóm là Pác Bó Yatch Club – Câu lạc bộ thuyền buồm Pác Bó. Hai cái mầu xanh này chính là mầu nước biển Hạ Long và nước Bằng Giang.”

Bằng giang - Cao bằng - Pắc Bó

Admin gửi hôm Thứ Ba, 22/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131022/anh-gau-pham-hoang-tu-va-dai-tuong-5
======================================================================
Anh Gấu Phạm - Hoàng tử và Đại tướng (6)


Chia tay anh Khanh đi về ngày hôm đó trong đầu tôi suy nghĩ nhiều về việc nên làm gì với câu chuyện và những kỷ niệm mà tôi đã vinh dự được anh chọn là người chia sẻ sau nhiều năm giấu kín những tâm sự về tình bạn gần gũi của anh với John. Dự định ban đầu của tôi khi xin gặp anh Khanh là để xin tư liệu để viết một bài báo ngắn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc ông mới qua đời. Vì lý do nào đó thời gian giữa lúc ông qua đời và ngày tổ chức lễ tang dài một cách bất thường nên các báo chí phải cố gắng phi thường để tìm ra những góc cạnh đặc biệt, chưa được khai thác để viết bài về ông. Một bài báo về việc con trai của cố Tổng thống Kennedy đã phải trèo đèo lội suối – theo đúng nghĩa đen – để đến gặp vị tướng già chỉ một tiếng chắc chắn sẽ làm vừa lòng bạn đọc Việt Nam đang thương tiếc ông.
Đây không phải là lần duy nhất mà cuộc gặp đã được khai thác theo hướng đó, tức là hướng lấy ta làm gốc coi việc Kennedy Con đi Việt Nam xin gặp tướng Giáp như là một bước chuẩn bị “quan trọng, thiết yếu” cho kế hoạch gia nhập chính trường của anh. Mọi tư liệu tôi đọc được cũng như nội dung cuộc trao đổi với anh Khanh đều cho thấy việc anh John đi Việt Nam xin gặp cụ Giáp là câu chuyện về anh nhiều hơn là về cụ. Lúc đó John mới bắt đầu tạp chí George với mong muốn tạo ra một xuất bản phẩm phục vụ giới chính trị gia Mỹ vừa trẻ, thông minh, sắc sảo lại vừa có duyên, có class, có văn hóa, có hiểu biết thế giới, tóm lại vừa là tay chơi lại vừa là chính trị gia – một mẫu hình nói chung xa lạ với phong cách chính trị gia Mỹ nhưng lại quen thuộc ở Anh, Pháp, Tây Âu nói chung. Việt Nam và Mỹ lúc đó lại đang ở trong giai đoạn hồi xuân, giai đoạn trăng mật của mối quan hệ mới nồng ấm lại, và thực tế này mở ra nhiều cơ hội cho những người Mỹ quan tâm đến Việt Nam và có những câu hỏi về lịch sử cần phối kiểm với góc nhìn của người Việt Nam, một việc mà họ không thể làm trong thời gian lạnh nhạt trước đó. Phỏng vấn cụ Giáp là một phần trong một loạt các bài phỏng vấn mà tạp chí George thực hiện theo kiểu đối thoại giữa các nhân vật từng là đối thủ của nhau. Thực vậy, trong cùng số tháng 11-1998 của tạp chí George có cả bài phỏng vấn tướng Westmoreland, từng là Tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam. Trong bài này tướng Westmoreland phát biểu đại ý rằng “dù Nam Việt Nam bị mất nhưng kỷ lục của Hoa Kỳ chưa từng thua một trận chiến nào không hề bị phá vỡ ở Việt Nam và mỗi nhân viên quân lực Hoa Kỳ từng phục vụ ở Việt Nam đều có thể tự hào về sự phụng sự của mình.”
Nếu không có những hiểu biết ngoại truyện này, tôi rất dễ sa vào cái bẫy viết một bài báo cúng cụ dâng lên hương hồn Đại tướng. Trong hoàn cảnh một đất nước tang gia bối rối việc đánh lận con đen xoay chuyển một câu chuyện về John thành một câu chuyện về cụ Đại tướng là rất dễ làm và rất dễ được khen. Với những hiểu biết đã có, tôi nhận thấy làm thế là vô duyên quá và vì thế quyết định sẽ không viết thành bài báo mà giữ những tư liệu đó lại để viết theo cách nhìn của riêng tôi.
Thực tình mà nói tôi cũng không biết rõ cách nhìn của riêng tôi là cách nhìn cụ thể như thế nào. Trong vài tuần sau khi cụ Giáp qua đời, tôi dần dần viết xuống được 5 phần hạ truyện nói về xuất xứ, xuất thân, nhân vật, hoàn cảnh vv. Cùng lúc đó phần thượng của truyện cũng bắt đầu thành hình dù chỉ lơ mơ lơ mơ như mấy “sợi tơ trời.” Phần thượng này dựa trên giả thuyết rằng việc anh John Kennedy Con đến Việt Nam năm 1993 và sau đó giữ gìn một sự quan tâm đến Việt Nam thông qua người bạn Mỹ am hiểu Việt Nam là anh Khanh rồi sau đó cố gắng quay lại Việt Nam để đi đến đỉnh điểm của buổi gặp giữa anh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải là một việc tình cờ, xốc nổi mà có lý do nào đó chính đáng, hợp lý từ phía anh John. Nói cách khác, có một mối duyên nào đó, một tình cảm đặc biệt nào đó khiến anh John không thể bỏ Việt Nam ra khỏi đầu óc hay trái tim được đã khiến anh trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân cũng là những năm tháng cuối cùng anh sống trên đời phải gắn bó với Việt Nam, phải bận tâm, phải yêu nó. Nếu giả thuyết này của tôi là hợp lý thì bước tiếp theo sẽ là bóc tách những mối liên hệ nào đó giữa anh John với Việt Nam khả dĩ có thể giải thích những tình cảm gần gũi mà anh đã dành cho Việt Nam. Do đây chỉ là giả thuyết mang nặng ý chí áp đặt của tôi nên tôi nhận ra rằng trong lúc phân tích đó tôi sẽ phải gán rất nhiều ý nghĩa biểu trưng cho nhiều điều và vì thế phần thượng sẽ mang nhiều mầu sắc của tiểu thuyết và hư cấu.
Trong suy nghĩ mơ hồ của tôi tôi nhận thức được bản chất của vấn đề ở đây là câu truyện tình Việt Mỹ, mỗi bên được thể hiện qua những nhân vật cụ thể khác nhau. Anh John Con, anh Khanh, và cả tổng thống quá cố John F Kennedy là các biểu trưng của nước Mỹ. Cụ Giáp, anh Cường, tôi và các bạn của tôi là những đối tác Việt. Với vai trò to nhỏ khác nhau, mỗi nhân vật đóng góp một phần vào việc kể lại một câu truyện có ý nghĩa về truyện tình yêu giữa hai đất nước, có ghen tuông, giận hờn, bất đồng, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, có lạnh nhạt, hồi xuân, hàn gắn.

+++

Chuyến đi của John Kennedy Con đến Sài Gòn năm 1993 lúc anh 33 tuổi tạo ra một ấn tượng như thể anh đang lần dở lại lịch sử của cha anh bằng cách đi lại những chuyến đi của cha anh vào lúc mà tuổi của hai người xấp xỉ nhau. Việc anh đến Sài Gòn đầu tiên trong chuyến đi này khẳng định suy diễn đó. Ngày 2/10/1951, Kennedy Cha, khi đó là một Hạ nghị sỹ 34 tuổi, đã lên đường đi một chuyến công du châu Á 7 tuần tới Ấn độ, Israel, Thái Lan, Sài Gòn, Nhật Bản. Cùng đi với ông có em trai là Robert (Bobby) Kennedy (Thượng nghị sỹ, sau bị ám sát chết) và em gái Patricia Kennedy. Một vài hình ảnh chuyến đi của ba anh em có ở đây, Saigon ở khoảng 2’.
Một trong những nhiệm vụ mà JFK phải làm trong chuyến đi này là viết báo cáo cho Quốc hội về tình hình chiến tranh ở Đông Dương. Ấn tượng về quân Pháp của Kennedy trong chuyến đi này có lẽ không được tốt lắm và điều này có thể đã ảnh hưởng đến cách nghĩ của ông rằng nếu thay quân Pháp bằng quân Mỹ thì có thể thắng cuộc chiến tranh dễ dàng hơn. Đây là quan điểm mà người ta cho rằng Kennedy đã giữ vững cho tới không lâu trước khi ông bị ám sát.
Cho đến khi Kennedy Con ngồi trò chuyện với tướng Giáp tại Hà Nội tháng 8/1998 thì thời điểm tháng 10-11/1951 là lúc mà một người họ Kennedy và tướng Giáp ở gần nhau nhất. Vào thời điểm này, tướng Giáp đang chuẩn bị binh lực cho chiến dịch Hòa Bình sau khi vừa thắng quân Pháp ở Ninh Bình trong một chiến thắng lớn gây ra cái chết của chính con trai tổng tư lệnh quân đội Pháp là Đại tướng De Lattre de Tassigny. Người ta chắc sẽ luôn nhớ cụ Giáp trong hình ảnh cụ già yếu mệt hơn 100 tuổi và Kennedy như một Tổng thống trẻ trung năng động do đó là những hình ảnh cuối cùng còn đọng lại trước lúc hai người qua đời. Hai người này tuy thế về tuổi tác chỉ cách nhau 5-6 tuổi và như thế có thể coi như là bằng vai phải lứa, đồng thời họ chia sẻ nhiều điểm tương đồng.
Năm 1940, lúc 29 tuổi, sau khi hoàn tất việc học hành và dạy học ở trường Thăng Long, Võ Nguyên Giáp đi cùng Phạm Văn Đồng qua Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh, bắt đầu con đường hoạt động cách mạng. Năm 1946, lúc 29 tuổi, sau khi hoàn tất việc học hành và được giải ngũ, Kennedy thắng cử trong một cuộc bầu cử địa phương và trở thành Hạ nghị sỹ liên bang. Năm 1946, lúc 35 tuổi, Võ Nguyên Giáp trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng chỉ huy quân đội. Năm 1952, lúc 35 tuổi, Kennedy trở thành Thượng nghị sỹ của bang Massachusets – chức vụ mà ông sẽ nắm trong 8 năm tiếp theo. Năm 1955, lúc 44 tuổi, Võ Nguyên Giáp dẫn đoàn quân chiến thắng về Hà Nội và trở thành Phó Thủ tướng (sau là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chức vụ chính quyền cao nhất mà ông nắm trong đời. Năm 1961, lúc 44 tuổi, Kennedy lên tột đỉnh vinh quang và trở thành Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ.
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Bảy, 23/11/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131123/anh-gau-pham-hoang-tu-va-dai-tuong-6
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001