Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Chiếc vé qua cổng Văn Miếu và "cái tát mạnh" vào văn hóa ở Thủ đô

Chiếc vé qua cổng Văn Miếu và "cái tát mạnh" vào văn hóa ở Thủ đô 



Ngọc Quang

Thứ tư 20/11/2013 13:25 
(GDVN) - Một "trò lố" đã xảy ra tại sự kiện trao giấy chứng nhận cho 57 tân Giáo sư và 514 tân Phó Giáo sư tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội): Người thân và đồng nghiệp của các Giáo sư, Phó Giáo sư phải nộp tiền vé mới được vào tặng hoa. Không tiền sẽ phải đứng ngoài.
Đây là chuyện có thật. Thật 100%! Nó xảy ra ở cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngay trước giờ diễn ra buổi lễ trao giấy chứng nhận cho các tân Giáo sư và Phó Giáo sư sáng 18/11 vừa qua. Người thân, đồng nghiệp… mang hoa tới chúc mừng các tân Giáo sư, Phó giáo sư bị nhân viên và bảo vệ của di tích chặn lại hỏi vé. Ai có vé được qua cửa, còn không thì bị xua ngược ra ngoài.


Nhiều tiếng xì xào kèm những ánh mắt khó chịu của các vị khách đang cầm trên tay những bó hoa khi bị nhân viên xua ra ngoài mua vé. Có người bảo, "coi như đánh rơi 20 nghìn". Cũng có người bảo coi như đấy là của “bố thí”... cho những kẻ vô văn hóa.


Không ai tiếc 20 nghìn đồng (thậm chí nhiều hơn nữa), nhưng tất cả đều cảm thấy bị xúc phạm khi người ta lợi dụng một sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước để kiếm chác. Một sự kiện quan trọng tổ chức ở một nơi linh thiêng, có sự xuất hiện của cả Ủy viên Bộ Chính trị và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cùng nhiều lãnh đạo các ngành khác mà vẫn bị lợi dụng tăng doanh thu bán vé.


Rất nhiều người thân vào tặng hoa các tân Giáo sư, Phó Giáo sư (ngày 18/11)
 đã bị chặn lại  bắt mua vé qua cửa.



Một phụ nữ đứng tuổi cũng đang công tác tại một cơ quan nghiên cứu về văn hóa hỏi lớn: Sao Văn Miếu làm ăn buồn cười thế? Nhưng không một tiếng trả lời, nhân viên và bảo vệ của Văn Miếu coi như không nghe thấy ai hỏi. Họ tiếp tục thu tiền, rồi xé vé. Nếu bị hỏi dồn, nhân viên gác cổng sẽ vặc lại: “Giấy mời đâu? Không có giấy mời thì ra mua vé”.


Nhìn cảnh tượng cả đoàn người thân của các Giáo sư, Phó Giáo sư rồng rắn xếp hàng mua vé để được bước qua cổng Văn Miếu – chỉ để tặng hoa (chứ không phải vào thăm di tích) chẳng khác gì một "trò lố". Không biết đây là sơ suất của ban tổ chức buổi lễ hay chủ ý của Ban quản lý di tích Văn Miếu? Dù có phải chủ ý hay không đi chăng nữa thì đây cũng là một lối hành xử vô văn hóa bậc nhất ở đất kinh kỳ từ xưa tới nay. Buồn thay nó lại xảy ra ở chính nơi gìn giữ văn hóa.


Văn miếu Quốc - Tử Giám vốn nổi tiếng là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Nơi được coi biểu tượng cho truyền thống hiếu học của dân tộc từ hàng nghìn đời nay, trong phút chốc bị biến thành “cái chợ” để làm trò “cưa đứt đục suốt”.


Kiểu làm ăn này có lẽ sẽ giúp cho Ban Quản lý di tích Văn Miếu có thêm vài chục triệu bổ sung vào bản báo cáo đẹp về thành tích “kinh doanh”, mà nhờ đó có đóng góp vào “ngân sách Thủ đô” một khoản đáng kể nào đấy. Nhưng nhìn ở góc độ khác, lối hành xử ấy chẳng khác gì một cái tát giáng thẳng vào ngành văn hóa Thủ đô.




Rồi đây, ông Trưởng ban quản lý di tích Văn Miếu sẽ trả lời thế nào với 571 tân Giáo sư, Phó Giáo sư? Tôi đồ rằng, câu trả lời sẽ là: “Nhân viên không phân biệt được khách tham quan hay người thân vào tặng hoa các Giáo sư, Phó Giáo sư”; hoặc “Đó là do sơ xuất trong khâu tổ chức, do nhân viên và bảo vệ không phân biệt được người thân tới tặng hoa chúc mừng các tân Giáo sư và Phó giáo sư”…

Một người thân của tân Phó Giáo sư đã phải phải mua chiếc vé này
mới được mang hoa vào tặng.


Một nữ cán bộ đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu Kinh thành Thăng Long kể lại sự việc trong nỗi bức xúc: “Tôi là em của một tân Phó Giáo sư. Tôi đi cùng anh vào Văn Miếu từ rất sớm, lúc sau quay ra cổng trả vài món đồ cho người bạn, khi quay trở vào thì cũng bị bảo vệ đòi vé. Rất nhiều người thân của các Giáo sư và Phó Giáo sư phải xếp hàng mua vé mới được vào tặng hoa. Tôi không hiểu ban tổ chức và ban quản lý di tích này đã làm ăn thế nào mà lại xảy ra cái chuyện lạ đời như vậy. Chính tôi là người công tác trong ngành văn hóa mà còn thấy không thể chấp nhận được cái kiểu hành xử thế này. Thật lố bịch!”.


“Trò lố” này khiến cho nhiều người nhớ tới những sự cố đáng tiếc đã từng xảy ra trong ngành văn hóa, du lịch Thủ đô… mà sau đó chính những lãnh đạo cấp cao của thành phố, của ngành du lịch đã phải lên tiếng xin lỗi, mà gần đây câu chuyện dân làng cổ Đường Lâm xin trả di tích là một thí dụ.


Lần ấy, đích thân Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã về thị sát ngôi làng cổ, và ông nói một câu khiến cho dân ở đấy còn nhớ mãi: “Chúng tôi xin lỗi vì sự chậm trễ này”. Một câu nói ngắn gọn, nhưng nó đúng là điều mà những người dân đang vô cùng bức xúc cần nghe.


Và trước đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cùng quan chức đầu ngành du lịch đã đến gặp mẹ con bà Ilona Schultz (du khách người Australia) để xin lỗi vì “đi xích lô 5km bị chặt chém 1,3 triệu đồng”.


Đó là những ứng xử đẹp và rất cần thiết! Nhưng những cố gắng như vậy của ông Nghị, ông Tuấn (và nhiều vị lãnh đạo khác nữa) có lẽ sẽ chỉ như “muối bỏ biển”, và không thể khỏa lấp hết cho những ứng xử tồi (nhiều người gọi là “văn hóa lùn”) của chính những người làm việc trong ngành văn hóa ở Thủ đô. Những ứng xử tồi tệ ấy cũng sẽ khiến cho nhiều nỗ lực của những cán bộ khác trong ngành văn hóa Thủ đô bị đổ xuống sông, xuống biển.


Được đăng bởi Tễu vào lúc 08:48
nguồn:http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/11/lai-vua-co-mot-cai-tat-manh-vao-van-hoa.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001