Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

KHẨN CẤP CỨU NGƯỜI ! CỨU NGƯỜI KHẨN CẤP !

KHẨN CẤP CỨU NGƯỜI ! CỨU NGƯỜI KHẨN CẤP ! 


ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH NAM ĐỊNH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ
NGÔ NGỌC TRAI VÀ CỘNG SỰ
Số: 17/2013/CV-VPLS
V/v Tổng hợp về vụ án Hàn Đức Long

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–o0o———

Nam Định, ngày 26 tháng 06 năm 2013

.

  KÊU CỨU KHẨN CẤP

(Bị cáo sắp bị thi hành án tử hình)

Kính gửi:
- CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG
- TRƯỞNG BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
- CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
- VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
- CÁC CƠ QUAN TRUYỀN THÔNG BÁO CHÍ

Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự kính gửi tới Quý Ông, Quý cơ quan lời chào trân trọng, kính mong được giúp đỡ một việc như sau:

Tử tù Hàn Đức Long đang bị giam giữ tại Trại giam Kế tỉnh Bắc Giang hiện nằm trong danh sách chuẩn bị thi hành án tử hình theo chính sách mới của chính phủ có hiệu lực từ ngày 27/6/2013 (Nghị định 47/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 82/2011/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc).

Là luật sư từng tham gia bào chữa cho bị cáo và có đầy đủ chứng cứ chứng minh bị cáo bị oan, mặc dù đã kêu cứu nhiều nhưng kết cục vẫn như hiện nay. Đã tròn 8 năm kể từ ngày xảy ra vụ án (26/6/2005) và cũng ngần ấy thời gian bị cáo Long chịu nỗi oan khuất nơi ngục tối, điều này không khỏi làm day dứt lương tâm con người.

Vụ án oan này là tổng hợp của mọi khiếm khuyết của nền tư pháp nước nhà, trong đó bao gồm nhưng không chỉ tình trạng truy bức nhục hình trong giai đoạn điều tra và tình trạng án tuyên được duyệt từ trước mà không căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hiện tại Đảng và nhà nước đang có chủ trương cải cách tư pháp và để chính sách thành công rất nên kết hợp với một vụ án điển hình như vụ Hàn Đức Long. 


I/ NỘI DUNG VỤ ÁN

Khoảng 7 giờ chiều ngày 26/6/2005 vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đi làm đồng về không thấy con đâu, cháu gái được 5 tuổi, mọi người đổ xô đi tìm. Sáng hôm sau người dân đi làm sớm phát hiện thấy xác cháu tại mương nước ngoài đồng. Khám nghiệm dấu vết hiện trường và tử thi cho thấy âm đạo bị rách chứng tỏ cháu bị hiếp dâm sau đó bị dìm cho chết. Cơ quan công an khám nghiệm tử thi cho kết quả: Phổi xung huyết, diện cắt có dịch bọt màu đỏ lẫn máu chảy ra. Lòng khí phế quản xung huyết có dị vật lẫn bùn đất. Kết luận xác định: Nạn nhân chết do ngạt nước.

Sau khoảng 4 tháng không tìm ra manh mối thủ phạm, phải chịu nhiều áp lực, cơ quan điều tra đã phải ra quyết định tam đình chỉ điều tra vụ án, đồng thời với đó cơ quan công an phát động nhân dân trong thôn xóm tố giác tội phạm, đề nghị bà con trình báo về những sự việc trước nay có ai bị hiếp dâm, hoặc biết được hành vi tình dục bất thường của ai đó. Cơ quan điều tra nhận được đơn tố cáo của hai mẹ con, gồm cụ Ngô Thị Khuyến (sn 1930) và người con gái Trương Thị Năm (sn 1960) đều tố cáo bị người cùng thôn là Hàn Đức Long hiếp dâm. Cơ quan điều tra bắt giam Hàn Đức Long để điều tra, trong quá trình hỏi cung Hàn Đức Long đã thú nhận việc hiếm dâm hai mẹ con bà cụ, ngoài ra khai nhận chính hắn là thủ phạm hiếp giết cháu bé 5 tuổi.

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm tuyên án tử hình Hàn Đức Long, tòa phúc thẩm TAND tối cao xử phúc thẩm tuyên y án tử hình. Sau đó Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xử giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án yêu cầu điều tra lại. Đến năm 2011 TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai vẫn tuyên án tử hình, tòa phúc thẩm TAND tối cao xử phúc thẩm lần 2 cũng tuyên án tử hình.

Hồ sơ điều tra thể hiện bị cáo đã thú nhận tội, các bản lời khai của bị cáo đều thừa nhận tội với nội dung diễn biến hành vi phạm tội được khai báo thống nhất và giống nhau, nhưng mọi khi ra tòa bị cáo đều chối tội. Bị cáo khai rằng mình bị đánh đập bức cung nhục hình ép phải nhận tội. Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng bị cáo chối là do sợ hãi trước hình phạt nghiêm khắc, HĐXX tin vào lời khai nhận tội của bị cáo trong hồ sơ nhưng không tin vào lời khai của bị cáo tại phiên tòa. 

II/ DIỄN BIẾN CÁC HOẠT ĐỘNG HÔM XẢY RA VỤ ÁN 

1.Về phía gia đình cháu bé

Nhà anh Sơn, chị Liễu nằm ở rìa xóm nơi ngã ba có lối đi nhiều ngả và giáp cánh đồng, gia đình có một quán tạp hóa nhỏ bán đồ lặt vặt. Chiều ngày 26/6/2005 vợ chồng anh chị nhổ lạc ngoài ruộng cách nhà khoảng 200m, cháu Yến 05 tuổi chơi ở quán.

Khoảng 6 giờ chiều chị Liễu nghe vọng ra tiếng chó sủa, sau đó thấy tiếng con gái gọi mẹ ơi về bán hàng, chị Liễu đi về bán cho ông Nguyễn Văn Giang sinh năm 1953 ở cùng thôn một chai coca để uống ngay tại quán. Khi ông Giang uống thì có anh Lục cùng thôn đến hỏi chị Liễu bán cho viên đá lạnh nhưng không có. Anh Lục mượn xe máy của ông Giang đi mua đá lạnh nơi khác, sau đó quay lại trả xe ông Giang rồi đi về nhà. Chị Liễu sau đó đem quang gánh và dây thừng ra ruộng, đến khi về thì không còn thấy con đâu. 

2. Về phía bị cáo Hàn Đức Long

Khoảng 4 giờ chiều ngày 26/6/2005 Hàn Đức Long (sinh năm 1959 trú tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) chở ngô thóc bằng xe cải tiến tới quán xay xát nhà anh Diêm Quảng Nam người cùng thôn. Do mất điện nên Long để thóc ngô tại đó đi về làm việc nhà. Khoảng 6 giờ 30 khi đó đã có điện, Long đi ra quán xát thì có bố con ông Đỗ Danh Soạn, Đỗ Danh Xuân đang chờ xát. Khi thấy chưa đến lượt mình Long đi bộ về nhà bảo con trai làm cơm tối, bắt vịt thịt. Lúc quay trở ra Long gặp ông Soạn, ông Soạn nói chú ra nhanh lên còn ít người lắm. Khi đến nơi Long vẫn phải chờ hai người nữa là chị Nguyễn Thị Yên, chị Đặng Thị Sổ xay xong. Trong lúc chờ đợi đến lượt mình Long ngồi uống nước chè, hút thuốc lào tại cửa ngách thông giữa hai gian xay xát và gian bán hàng tạp hóa nhỏ của gia đình anh Diêm Quảng Nam. Sau khi Long xát xong đi về, anh Nam tiếp tục xay xát cho vài người nữa. Thời điểm Long về đến nhà là 19 giờ 47 phút (các số liệu giờ giấc trên đây do cơ quan điều tra thu thập thể hiện trong hồ sơ vụ án).

Quán xay xát nhà anh Nam cách nhà cháu Yến khoảng 70m, nhà cháu Yến chếch một đầu ao còn quán xát thóc nhà anh Nam ở một đầu ao. Đoạn đường 70m giữa hai nhà là đường đất hai bên đường cây cỏ bụi rậm không có nhà ở. Buổi chiều hôm đó mất điện, đến chập tối mới có điện nên mọi người phải chờ đợi nhau xay xát thóc ngô. Khi vụ án xảy ra Cơ quan điều tra lấy lời khai anh Nam xem chấp tối ngày hôm cháu Yến bị nạn có thấy việc gì bất thường không thì anh Nam chỉ khai hôm đó tập trung xay thóc nên không biết gì. Cơ quan điều tra hỏi anh Nam xem có những ai xay thóc chiều hôm đó thì anh Nam kể tên 7 người trong đó có Hàn Đức Long.

Khi khám nghiệm hiện trường CQĐT thu giữ được một số lông tóc nên đã khoanh vùng nghi phạm tiến hành lấy mẫu lông tóc của 5 người đàn ông ở địa phương nhưng KHÔNG bao gồm những người hôm đó xát thóc nhà anh Diêm Quảng Nam. 

III/ CĂN CỨ KẾT TỘI CỦA CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

CQĐT cho rằng chiều tối ngày hôm đó, trong lúc chờ đợi chị Yên, chị Sổ xay xát rồi đến lượt mình Long đã đi sang nhà cháu Yến, khi thấy cháu ở nhà một mình đã nảy sinh ý định phạm tội nên đã bắt ôm bịt miệng đưa cháu ra cánh đồng để thực hiện hành vi hiếp và giết cháu, sau đó quay trở lại quán xay xát như không có việc gì xảy ra.

Quan điểm kết tội dựa vào các chứng cứ:

1. Bị cáo đã đầu thú vào ngày 19/10/2005 về việc hiếp dâm cụ Khuyến, chị Năm. Trong quá trình khai báo, bị cáo đã tự nguyện viết đơn đầu thú về việc hiếp giết cháu Yến. Bị cáo thừa nhận đã hiếp dâm mẹ con cụ Khuyến và giết hiếp cháu Yến, đây là cơ sở chính.

2. Trong các bản hỏi cung và bản tự khai bị cáo đã tự nguyện khai báo tỉ mỉ, cụ thể các hành vi phạm tội trong vụ án cháu Yến, bị cáo tự vẽ sơ đồ đường đi gây án mô tả cánh đồng nơi gây án. Lời khai của bị cáo phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, phù hợp với biên bản khám nghiệm tử thi, phù hợp với kết quả giám định.

3. Sau khi nhận tội, vì ân hận về việc làm của mình, Hàn Đức Long đề nghị Cơ quan điều tra cho được tự tay viết thư gửi chị Nguyễn Thị Mai là vợ Long và anh Nguyễn Đình Báu là bác ruột của cháu Yến. Nội dung thư gửi chị Mai có đoạn viết: “Mai sang bảo anh Sơn chị Liễu bình tĩnh đừng nóng vội làm việc gì đó đáng tiếc xảy ra” (BL79); Nội dung thư gửi anh Báu có đoạn viết: “Anh chót hãm hại cháu Yến con chú Sơn vào ngày 26/6/2005 anh đã thành khẩn khai báo với công an. Vậy anh mong chú xuống bảo vợ chồng chú Sơn không hành động những gì nóng quá để xảy ra những việc đáng tiếc. Anh ngàn lần xin các chú tha thứ cho anh…” (BL 80, 81). Đồng thời Long đề nghị Cơ quan điều tra được gặp anh Báu để dàn xếp sự việc. Ngày 06/11/2005, trước mặt anh Nguyễn Đình Báu, Long thú nhận về việc đã hãm hại cháu Yến và mong anh tha thứ. Anh Báu đã cam kết sẽ không gây thù oán ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của gia đình Long (BL 90).

4. Trước cáo buộc sử dụng nhục hình, Cơ quan điều tra khẳng định: Không có việc bị cáo bị ép viết theo lời điều tra viên đọc vì nhiều tình tiết trong vụ án chỉ có bị cáo biết như vấn đề xay xát gạo, thứ tự những người xay xát gạo, các tình tiết và hoạt động của Long trước, trong và sau khi gây án, … Những vấn đề này chỉ bị cáo mới biết, điều tra viên không biết nên không ép bị cáo khai báo như vậy, do vậy không có việc điều tra viên đọc cho bị cáo viết. 

IV/ CĂN CỨ GỠ TỘI VÀ CHỨNG CỨ VÔ TỘI NHƯ SAU 

1. Về lời cáo buộc hiếp dâm cụ Khuyến, chị Năm 

Hồ sơ điều tra thể hiện Long khai nhận hiếp dâm cụ Khuyến, chị Năm. Nhưng khi tiếp xúc với luật sư trong trại giam và tại phiên tòa Long phủ nhận và cho rằng việc vụ cáo là vụ oan giá họa là do mâu thuẫn hằn thù gia đình. Hội đồng xét xử (HĐXX) không tin Long nhưng do không đủ căn cứ kết tội nên tại 4 lần mở phiên tòa HĐXX các cấp đều tuyên bị cáo Long KHÔNG PHẠM TỘI hiếp dâm cụ Khuyến, chị Năm.

Vụ hiếp dâm cụ Khuyến chị Năm cũng giống như vụ hiếp cháu Yến đều chỉ dựa vào lời khai nhận của Long mà không có chứng cứ trực tiếp nào, vậy thì tại sao một vụ lại tuyên không phạm tội, một vụ lại tuyên phạm tội?

Trong quá trình điều tra lại vụ án, ông Dương Khương Duy cán bộ Công an tỉnh Bắc Giang là người chỉ đạo trực tiếp điều tra việc điều tra vụ án bị chết, kiểm tra tủ hồ sơ của ông này thì thấy có 49 bút lục tài liệu liên quan đến vụ án Hàn Đức Long nhưng không được đưa vào hồ sơ vụ án. Trong đó có một số tài liệu thu thập từ UBND xã cho thấy trước thời điểm tố cáo bị hiếp dâm chừng một tháng, gia đình cụ Khuyến chị Năm và Hàn Đức Long đã xảy ra mâu thuẫn đánh nhau vì tranh chấp đất đai. Hàn Đức Long đã đánh gây thương tích cho con trai của bà cụ và vợ của anh này, chính quyền địa phương đã xử phạt buộc Hàn Đức Long bồi thường cho gia đình bị hại 1,6 triệu đồng và Long chưa bồi thường hết. NGƯỜI CON DÂU bị đánh chính là người đã viết đơn cho mẹ chồng (cụ Khuyến) và chị chồng (chị Năm) tố cáo bị Long hiếp dâm.

Đối với cơ quan điều tra thì sự việc hiếp dâm bà Khuyến, chị Năm chính là cơ sở để bắt Long qua đó có được thông tin Long thú nhận giết hiếp cháu Yến. Nếu không kết tội được bị cáo hiếp dâm hai mẹ con thì cũng vô lý khi kết tội bị cáo hiếp giết cháu Yến vì hai vụ việc đều không có chứng cứ trực tiếp mà chỉ dựa vào lời khai nhận của Long.

Vụ án xảy ra từ năm 2005, trong thời gian điều tra lại năm 2011, bị hại Trương Thị Năm và anh Trương Văn Sáu con trai cụ Khuyến đã XIN RÚT ĐƠN đề nghị xử lý Hàn Đức Long. Đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, cơ quan điều tra đã lấy lại lời khai của gia đình Trương Văn Sáu:

- Bút lục 1185, Biên bản ghi lời khai của NGƯỜI CON DÂU là Nguyễn Thị Chung, Chung cho biết cụ Khuyến đã già yếu, không đi lại được, trí nhớ bị lú lẫn, hỏi không trả lời được.

- Bút lục 1181 Biên bản ghi lời khai của chồng Chung là Trương Văn Sáu, nội dung Sáu trả lời cho Điều tra viên như sau: 

Hỏi: Anh Sáu cho cơ quan điều tra biết anh quan hệ thế nào với bà Khuyến ở cùng thôn?

Đáp: Tôi (Sáu) xin trình bày: Tôi là con trai của bà Khuyến, hiện nay mẹ tôi đã già yếu và đang ở cùng với tôi tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang.

Hỏi: Anh được biết gì về việc bà Khuyến bị tên Long hiếp dâm vào thời gian đầu năm 2005?

Đáp: Sự việc tôi được biết như sau: Tôi nhớ vào thời gian đầu năm 2005 tôi có được nghe mẹ tôi là bà Khuyến nói cho nghe là vào một hôm mẹ tôi xuống nhà anh trai tôi là Lành ở gần nhà anh Long chơi, khi qua cổng nhà Long thì Long gọi mẹ tôi vào nhà và có hành vi sàm sỡ ôm mẹ tôi và thò tay vào trong quần mẹ tôi, thấy vậy mẹ tôi có bảo: Mày không bỏ ra tao kêu lên con tao nó đến đập chết mày. Nghe vậy Long có bảo mẹ tôi là cháu cho bà một trăm nghìn, nhưng mẹ tôi bảo tao thèm vào.

Nghe mẹ tôi nói thì tôi nói là thôi chuyện chỉ có vậy thì bỏ qua. Nhưng sau đó một thời gian thì tôi lại nghe nói là chị gái tôi là Năm cũng bị tên Long hiếp dâm, tôi hỏi chị Năm thì chị Năm đã thừa nhận là có việc đó. Sau đó vợ tôi là Chung đã viết đơn tố giác Long hiếp dâm mẹ và chị tôi.

Hỏi: Giữa gia đình anh và Long có mâu thuẫn gì không?

Đáp: Sau thời gian mẹ và chị tôi bị Long cưỡng hiếp được khoảng một hai tháng gì đó thì Long đã dùng đá đập vào đầu vợ tôi do mâu thuẫn gia đình. Vợ tôi phải đi viện điều trị, sau đó vụ việc được chính quyền xã Phúc Sơn giải quyết, anh Long đồng ý bồi thường cho vợ tôi 1.500.000đ (một triệu năm trăm nghìn đồng) nhưng anh Long chỉ bồi thường cho vợ tôi 1.200.000đ còn 300.000đ Long không trả mà còn có lời lẽ xúc phạm gia đình tôi nhưng tôi cũng nhịn để tránh xô xát xảy ra.

Hỏi: Việc gia đình anh viết đơn tố giác Long hiếp dâm mẹ và chị anh do ai gợi ý, xúi giục?

Đáp: Việc này do gia đình tôi tự giác, không có ai gợi ý, xúi dục gì cả.

Lý do gia đình tôi viết đơn là do anh Long đã hiếp dâm chị và mẹ tôi, sau này Long lại đánh cả vợ tôi, sau thời điểm đó công an tỉnh Bắc Giang có phát động mọi người tố giác tội phạm đã giết cháu Yến con anh Sơn chị Liễu ở cùng thôn với tôi, từ đó gia đình tôi đã tố giác anh Long hiếp dâm mẹ và chị tôi, hơn nữa tôi còn được nghe dân làng nói là tên Long có tính xấu hay sàm sỡ với chị em phụ  nữ ở trong thôn.

Hỏi: Vậy tại sao sau này khi làm việc với cơ quan điều tra anh lại xin rút đơn đề nghị xử lý tên Long?

Đáp: Đúng là tôi đã có ý kiến như vậy, tôi có ý kiến như vậy là do nay mẹ tôi đã già yếu không đi lại được, trí nhớ thì lẫn lộn không nhớ được gì nữa. Còn việc mẹ và chị tôi bị Long hiếp là sự thật, nếu cơ quan điều tra và các ngành pháp luật tiếp tục xử lý tên Long thì tôi xin tiếp tục đề nghị cơ quan pháp luật xử lý tên Long về hành vi hiếp dâm mẹ và chị tôi.

Những nội dung trên cho thấy khả năng Long bị vu oan giá họa là sự thực. 

2. Về nguyên nhân cái chết của cháu bé

Lời khai nhận của Long trong hồ sơ như sau: Bị cáo sau khi thực hiện hành vi hiếp dâm tại bờ mương bê tông đã bế cháu bé tới một đoạn mương nước bờ đất, đặt cháu bé ngồi trên bờ rồi đẩy cháu ngã xuống nước, bị cáo quay đầu bỏ chạy về.

Kiểm tra mương nước cho thấy: lòng mương rộng 1,6m, có nhiều cỏ và khoai nước, sâu 35cm, từ mặt nước lên bờ mương 40cm. Hai bên bờ mương bằng đất rộng trung bình 1,2m. Trong khi đó cháu bé 5 tuổi có chiều cao 1,07m. Với mực nước 35cm thì khó có thể làm chết đuối cháu bé có chiều cao 1,07m. Chỉ cần cháu ngồi là đã cao hơn mực nước, do vậy khả năng là cháu bị dìm cho chết sặc nước chứ không phải do bị ngã xuống nước.

Khám nghiệm tử thi thì thấy trong phế quản có dị vật lẫn bùn đất, chứng tỏ trước khi chết cháu đã hít thở rất mạnh, chứng tỏ bị dìm cho chết ngạt chứ không phải ngã đuối nước. Như vậy mô tả trong hồ sơ không phù hợp với thực tế khách quan, sẽ xảy ra hai trường hợp hoặc là Long khai dối hoặc là thủ phạm không phải là Long. Nhưng nếu Long đã viết đơn đầu thú nhận tội rồi thì còn khai dối làm gì.

Đây là tình tiết đặc biệt quan trọng cho thấy tội phạm đã được thực hiện theo một diễn biến cách thức khác không đúng với mô tả trong hồ sơ. Nhiều khả năng thủ phạm là một người khác, và hành vi phạm tội được thực hiện theo một cách khác. 

3. Về một đoạn nội dung kết luận điều tra chứa đựng nhiều mâu thuẫn

Hồ sơ điều tra mô tả khi bị cáo bế cháu bé ra cánh đồng tới đoạn mương bê tông:“…Long đặt cháu Yến ngồi trên bờ mương bên trái, hai chân buông thõng xuống lòng mương. Long ngồi bờ mương đối diện, 2 chân đặt dưới lòng mương. Lúc này cháu Yến đã bất tỉnh nên tay phải Long giữ vai cháu Yến, tay trái tụt quần cháu Yến và ném xuôi theo dòng nước. Sau đó Long dùng 3 ngón tay giữa của bàn tay trái lách vào âm hộ cháu Yến…”

Tài liệu điều tra không làm rõ cháu Yến bị bất tỉnh ở thời điểm nào, vì lý do gì mà chỉ nêu rằng lúc này cháu Yến bất tỉnh. Trước đó bị cáo chỉ bế cháu bé mà không có hành vi đánh đập nên việc nêu cháu bé bị bất tỉnh là không có cơ sở. Phải chăng nêu điều này để khỏi tránh những điểm vô lý về sau? Bởi lẽ nếu không bị bất tỉnh thì khi bị đau đớn cháu bé sẽ kêu la, sẽ rất nguy hiểm bởi cánh đồng trống trải khi đó, ruộng vừa mới cấy, không gian thông thoáng, thời tiết mùa hè ngày 26/6 khi đó lúc 6,7 giờ thì trời vẫn còn sáng.

Trường hợp cháu ngất thật sự thì tại sao lại để cháu ngồi mà không đặt cháu nằm ra bờ mương cho dễ thực hiện các thao tác? Cháu ngồi bệt ở bờ mương như thế thì với một tay giữ vai, tay kia làm sao cởi được quần cháu ra? Thực tế cháu phải đứng hoặc nằm thì mới cởi được quần, ngồi thì làm sao cởi quần lại chỉ với một tay? Và tư thế cháu ngồi như vậy thì âm hộ cháu áp sát vào bờ mương bê tông, làm sao bị cáo móc 3 ngón tay vào được? Bàn tay của bị cáo sẽ bị cọ sát với bờ mương bê tông thô ráp, khó thể móc vào âm hộ. Nếu cháu Yến ngửa người ra phía sau, bị cáo móc tay vào được thì khả năng âm hộ bị rách, sẽ rách về đằng trước, đằng này âm hộ cháu bị rách rộng thêm một phần da tầng sinh môn về phía sau (cáo trạng trang 5).

Chỉ một đoạn ngắn mô tả hành vi phạm tội đã cho thấy một loạt điểm bất hợp lý, không logic khách quan, điều này cho thấy nhiều khả năng tội phạm được thực hiện theo một tư thế diễn biến cách thức khác, có thể ở một địa điểm khác. Bị cáo Hàn Đức Long không phải là thủ phạm trong vụ án này, mô tả trong hồ sơ chỉ là kết quả của sự tưởng tượng hình dung của cán bộ điều tra, từ sự hình dung đó đã ép bị cáo khai báo theo hướng diễn biến như vậy. Nhưng vì không đúng như sự thật đã diễn ra nên bộc lộ nhiều điểm vênh bất hợp lý. 

4.Về bằng chứng ngoại phạm thứ 1

Chiều tối hôm cháu Yến bị sát hại, Long xay thóc tại nhà anh Diêm Quảng Nam đây là thông tin chính xác. Ngay hôm phát hiện ra cháu bé bị chết, chiều hôm đó cơ quan điều tra đã hỏi anh Nam xem tối hôm trước có thấy điều gì bất thường không và hoi thêm có những ai xát thóc, anh Nam kể ra 7 người trong đó có Long. Nhiều người cùng xay thóc xác nhận điều này như ông Soạn, anh Xuân, chị Yên, chị Sổ, chính bản thân Long cũng thừa nhận mình có xay thóc, và đây chính là bằng chứng ngoại phạm của bị cáo.

Việc Long xay thóc nhà anh Nam chính là bằng chứng ngoại phạm của Long.

Cơ quan điều tra thu thập được một số lông tóc ở hiện trường nên đã khoanh vùng nghi phạm tiến hành lấy mẫu lông tóc của 5 người đàn ông ở địa phương nhưng không bao gồm những người xát thóc nhà anh Diêm Quảng Nam hôm đó. Như vậy ngay từ ban đầu CQĐT cũng không xác định những người có mặt xát thóc tại nhà anh Nam là nghi phạm.

Nhưng về sau này hồ sơ điều tra lại chuyển hóa theo hướng Long là thủ phạm, trong khi chờ đợi đến lượt xay xát thóc đã sang nhà cháu Yến để thực hiện hành vi phạm tội sau đó quay về xay thóc. 

Bằng chứng ngoại phạm thứ 2

Thời điểm chết của cháu Yến là bằng chứng ngoại phạm của Long

Tại bản kết luận giám định pháp y số 363/PY ngày 04/7/2005 của Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang, xác định trong dạ dày nạn nhân có chứa ít thức ăn đã nhuyễn và xác định nạn nhân chết sau bữa ăn cuối cùng khoảng 4 đến 6 giờ đồng hồ.

Cơ quan điều tra hỏi bố mẹ cháu Yến cháu ăn bữa cuối cùng lúc mấy giờ thì được xác định là khoảng 12 giờ trưa cùng ngày. Từ đó xác định thời điểm cháu Yến bị giết là khoảng từ 4 giờ đến 6 giờ chiều. Mặt khác, theo lời khai chị Liễu thì khoảng 6 giờ chiều cháu Yến gọi chị về bán hàng cho ông Giang, như vậy kết hợp hai thông tin trên thì thời điểm cháu chết xê dịch cận đúng hơn là về khoảng 6 giờ (chứ không phải cận đúng về khoảng 4 giờ chiều).

Nhưng tài liệu điều tra lại ghi nhận Hàn Đức Long 6 giờ 30 mới đi ra quán xay xát, và khi đến nhà là 19 giờ 47 phút. Như thế thì thời điểm Long đi xay thóc thì cháu Yến đã chết. Tất cả các thông tin giờ giấc đều do cơ quan điều tra thu thập được thể hiện trong hồ sơ.

Cần lưu ý là lúc 6 giờ 30 Long ra quán xát còn chờ ông Soạn, anh Xuân xát xong, Long đi về nhà nói con trai bắt vịt thịt rồi mới quay trở lại ngồi chờ cho chị Sổ, chị Yên xát. Cơ quan điều tra xác định Long phạm tội trong lúc chờ đợi chị Sổ, chị Yên xay thóc tức là khoảng thời gian còn kéo dài về phía 7 giờ, càng sai so với thời điểm cháu Yến chết.

Sau này CQĐT làm một việc gượng ép thiếu thuyết phục là tiến hành thực nghiệm xác định lượng thóc và thời gian xay xát của chị Sổ, chị Yên và thực nghiệm lại diễn biến hành vi phạm tội để tính lượng thời gian tiêu tốn cần thiết thực hiện hành vi phạm tội. Từ đó cho ra kết quả xác định thời gian xay thóc đủ lâu để bị cáo thực hiện hành vi phạm tội và trở về.

Đây là việc làm rất thiếu độ chính xác bởi lẽ thứ nhất là khó đảm bảo chị Yên, chị Sổ nhớ chính xác hôm đó (nhiều tháng năm trước) mình xát bao nhiêu kg thóc. Thứ hai, chủ quán xay thóc khai rằng điện lưới hôm đó yếu nên hai động cơ xay thóc và chà gạo phải chạy lần lượt từng động cơ một và thời điểm thực nghiệm lại sau nhiều năm thì động cơ máy đã được thay mới. Với những dữ kiện như thế CQĐT vẫn thực nghiệm và cho ra khoảng thời gian làm căn cứ để kết tội.

Tất cả những việc thực nghiệm là để tỏ ra việc điều tra là kỹ lưỡng, số liệu chính xác khách quan nhưng thực chất đó là việc làm giả tạo che dấu đi vấn đề không thể bác bỏ là tính về mặt giờ giấc thời điểm cháu bé chết trước khi Long đi ra quán xay thóc. 

5. Về lời tố bị truy bức nhục hình và bản đơn xin đầu thú của Long

Khi tiếp xúc với luật sư trong trại giam và tại phiên tòa Long khai báo đã bị cán bộ điều tra đánh đập tưởng rằng sẽ chết ngay trong khi điều tra, Long phải khai nhận theo những nội dung cán bộ điều tra đọc cho để viết. Khi Long không viết liền bị cán bộ điều tra cầm bút đâm thẳng vào bàn tay, ngoài ra là bị đánh đập hành hạ bằng nhiều dụng cụ khác.

Điều này lý giải vì sao các bản khai nhận tội do cán bộ điều tra viết và Long ký vào cuối đều rất giống nhau và lý giải tại sao lời khai nhận của Long phù hợp với hiện trường phạm tội, phù hợp với các tài liệu thu thập khác của cơ quan điều tra.

Khi khám phá tủ hồ sơ của ông Dương Khương Duy bị chết thì trong số 49 bút lục tài liệu bị bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án, có một số bản viết tay không hoàn chỉnh đơn xin đầu thú của Hàn Đức Long.

Trước khi điều tra lại thì trong hồ sơ chỉ có một bản Đơn xin đầu thú viết ngày 29/10/2005 trong khi đó bị cáo bị bắt từ ngày 19/10/2005. Câu hỏi đặt ra là Điều gì đã diễn ra trong khoảng thời gian 10 ngày từ khi bị bắt đến khi có đơn xin đầu thú? Phải chăng có các bản đơn xin tự thú viết dở dang trước đó là do bị bức ép viết, viết mỗi ngày một ít, viết cho quen, viết cho cam chịu dần, viết cho nét chữ ngay thẳng hàng dần và tới ngày 29/10/2005 mới có bản Đơn xin đầu thú hoàn chỉnh?

Khi xem nét chữ viết tại bản đơn xin đầu thú ngày 29/10/2005 gồm 4 trang giấy có thể thấy rõ cứ cách một đoạn nét chữ viết đứng thẳng, cách một đoạn nét chữ viết lại nghiêng. Sự khác nhau về nét chữ sau mỗi đoạn chứng tỏ có sự dứt quãng nghỉ ngơi rồi mới viết tiếp, điều này cho thấy lời khai bị cáo bị ép viết là có cơ sở cho là đúng. (Xin gửi kèm bản đơn xin đầu thú của Long). 

V/ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI LUẬT

Vụ án oan sai là sự thực, việc bắt giam và kết tội Long không dựa trên bất cứ một chứng cứ trực tiếp nào mà chỉ dựa vào lời khai nhận tội và suy diễn. Sau 04 tháng không tìm ra thủ phạm, cơ quan điều tra dựa vào lời tố cáo hiếp dâm của cụ Khuyến, chị Năm để bắt Long sau đó có được lời thú tội vụ cháu Yến. Nhưng suốt 8 năm với 4 phiên tòa HĐXX đều tuyên Long KHÔNG PHẠM TỘI hiếp dâm cụ Khuyến, chị Năm trong khi bị hại còn sống nhưng lại vẫn tuyên được là Long giết hiếp cháu Yến mặc dù bị hại đã chết.

Từ vụ án này cho thấy nổi lên hai vấn đề đặc biệt đáng quan tâm của hệ thống tư pháp mà lâu nay dư luận đã phản ảnh nhiều, đó là tình trạng truy bức nhục hình trong quá trình điều tra và tình trạng duyệt án từ trước và không căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.

Qua vụ án này xin kiến nghị một số vấn đề pháp lý như sau: 

Thứ nhất: Quyền được giữ im lặng của bị can bị cáo

Xét về bản chất con người thì không ai phản bội lại chính mình, việc khai báo ngày hôm nay có thể là tài liệu chống lại mình ngày mai thì bình thường không ai muốn khai báo. Trong thực tế, chỉ nhờ truy bức nhục hình thì mới buộc được người ta phải khai báo.

Xét về bản chất của luật pháp, việc điều tra xử lý tội phạm chính nhằm bảo vệ luật pháp, bảo vệ các quyền công dân, như vậy việc bức hiếp buộc khai báo đã xâm phạm tới một quan hệ pháp luật khác cũng cần được pháp luật bảo vệ, đó là quyền được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm của công dân.

Như vậy việc xử lý vụ án ban đầu mang ý nghĩa tốt nếu sử dụng nhục hình thì đó lại là cách thức phản lại chính ý nghĩa ban đầu của việc điều tra xử lý tội phạm. Đây là sự bất dung hòa về thang giá trị giữa phương tiện và mục tiêu.

Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 6 quy định: Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

Thực tế việc truy bức nhục hình vẫn xảy ra dưới hình thức này hình thức khác. Để giải quyết tình trạng này cần quy định bị can bị cáo được quyền giữ im lặng hoặc chỉ đồng ý khai báo khi việc lấy lời khai có sự tham gia của luật sư bào chữa. Đây cũng là quy định văn minh tiến bộ mà tố tụng hình sự nhiều nước đã quy định. 

Thứ hai: Quy định lời khai của bị can bị cáo không là chứng cứ

Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại quy định chứng cứ như sau: 

Điều 64. Chứng cứ

1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

2. Chứng cứ được xác định bằng:
A) Vật chứng;
B) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;
C) Kết luận giám định;
D) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Quy định như trên chỉ coi trọng về quy trình thu thập chứng cứ mà không coi trọng tính chân thực của chứng cứ. Quy định chứng cứ là những gì có thật là chưa đủ, cần bổ sung thêm chứng cứ phải mang giá trị khách quan.

Xét ví dụ lời khai của bị cáo có là chứng cứ hay không thì thấy: Đương nhiên có việc bị cáo khai báo, đó là cái có xảy ra và đó là sự thật. Nhưng điều quan trọng không phải là sự thật về bản thân việc khai báo mà quan trọng là sự thật trong nội dung khai báo. Chứng cứ cần sự khách quan nhưng lời khai lại thường không khách quan, vì dù bị cáo khai có lợi hay bất lợi cho chính mình thì cũng không khách quan. Nếu bị cáo khai báo có lợi cho mình thì có thể nghi ngờ bị cáo gian dối chối tội, nếu bị cáo khai bất lợi cho mình thì đó là điều không bình thường trong hành vi con người, có thể nghi ngờ việc khai báo đó không đảm bảo yếu tố an toàn về thân thể hoặc tỉnh táo về tinh thần.

Chứng cứ cần phải liên hệ và tồn tại ở thời điểm xảy ra vụ án, như thế mới có thể giúp làm sáng tỏ vụ án. Các tài liệu như biên bản hoạt động điều tra, biên bản ghi lời khai, thì đây là các giấy tờ phát sinh sau này, không tồn tại ở thời điểm xảy ra vụ án. Đó đơn thuần chỉ là các tài liệu trong hồ sơ vụ án giống như các quyết định khởi tố vụ án, lệnh bắt giam, đó không phải là cơ sở để xác định diễn biến sự việc đã xảy ra như thế nào.

Quy định lời khai của bị can bị cáo cũng là chứng cứ nên thực tế đã xảy ra tình trạng là cơ quan điều tra thay vì nhọc công đi tìm các tài liệu bằng chứng xác thực khác, họ chỉ xoáy sâu vào việc bắt giam sau đó truy bức nhục hình cho người này khai nhận hành vi phạm tội, từ đó cho ra kết luận điều tra. 

Thứ ba: Điều tra viên phải là người tham gia tố tụng

Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại quy định Điều tra viên là người tiến hành tố tụng mà không phải là người tham gia tố tụng, điều này cần sửa lại theo hướng điều tra viên phải tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Nhiều tài liệu chứng cứ cần thiết phải được xác định lại nguồn gốc quy trình thu thập từ đó xác định chứng cứ có được thu thập hợp pháp hay không để có đủ giá trị pháp lý cũng như độ tin cậy hay không.

Hiện nay điều tra viên không phải tham gia tố tụng do vậy không có điều kiện để thẩm định lại quy trình thu thập chứng cứ, không có cơ hội đối chất giữa cán bộ điều tra và bị cáo trong việc xác định có hay không sự truy bức nhục hình? 

III/ KÍNH MONG ĐƯỢC CỨU GIÚP

1. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Chúng tôi hiểu rằng trọng tâm của cải cách tư pháp là hoạt động điều tra, xét xử. Vụ án oan Hàn Đức Long là điển hình cho việc trong điều tra còn hiện tượng bức cung nhục hình, trong xét xử còn mang nặng yếu tố họp duyệt án từ trước, kết quả tuyên án chưa dựa vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.

Đức phật dạy rằng cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, Kính mong Chủ tịch nước ân giảm án tử hình cho bị cáo Hàn Đức Long, thời gian gấp gáp, có người đang mong cho bị cáo chết sớm để vụ việc được khép lại. Những người phải chịu trách nhiệm về vụ án oan này hiện đang giữ các cương vị lãnh đạo trong các ngành.

2. Kính mong Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao căn cứ Điều 273 Bộ luật tố tụng hình sự, ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm với hai lý do: 1. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2.Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

3. Chúng tôi được biết thẩm quyền của Ban nội chính trung ương là: Nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (được xác định gồm viện kiểm sát, tòa án, tư pháp và các cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội). Đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.

Như thế Ban nội chính trung ương có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét lại vụ án oan sai Hàn Đức Long vì vụ án này có liên quan đến hoạt động của các cơ quan thuộc khối nội chính (gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án), và liên quan đến sửa đổi một số quy định khiếm khuyết của bộ luật tố tụng hình sự thuộc công tác xây dựng pháp luật thuộc mảng vấn đề thẩm quyền của Ban nội chính trung ương. Do vậy kính mong Ban nội chính trung ương nhận lãnh trách nhiệm xem xét cứu vớt bị cáo trong vụ án oan sai này.

4. Kính mong các cơ quan báo chí đưa tin phản ánh về vụ án oan khuất này, được như thế là đã đóng góp dựng xây cho nền tư pháp nước nhà vốn còn nhiều khiếm khuyết rất cần được chung tay xây dựng.

Rất mong nhận được sự quan tâm.
Xin trân trọng cảm ơn!
__________________

Thông tin xin liên hệ: Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, địa chỉ: 106/1 Lương Thế Vinh, phường Trần Đăng Ninh, TP Nam Định. Luật sư Ngô Ngọc Trai, điện thoại 0906117641

Tại Hà Nội: Liên hệ LS Ngô Ngọc Trai, Tầng 3 Số 62 Thái Thịnh II, Hà Nội


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ
NGÔ NGỌC TRAI VÀ CỘNG SỰ
TRƯỞNG VĂN PHÒNG


Được đăng bởi Tễu vào lúc 07:15
nguồn:http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/11/khan-cap-cuu-nguoi.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001