Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Một vấn đề nhân sinh nan giải

Một vấn đề nhân sinh nan giải 



|
(Thuật theo phóng sự: “Murder or Mercy” (Sát nhân hay thể hiện của lòng nhân ) của ký giả Lee Romney – đăng trên Los Angeles Times ngày 11/11/2013 ) 
Ông Roberts và con gái
Ông Roberts và con gái
Chuyện xảy ra tại thành phố Oakland, California. Một cựu chiến binh, ông William Knox Roberts 88 tuổi, từng tham dự Thế giới đại chiến thứ 2 dùng súng bắn chết con gái rồi xoay súng bắn vào đầu tự vận.
Ông Roberts bị ung thư gan. Năm 1999 mổ, mầm ung thư được chận lại, nhưng Tháng Hai vừa qua mầm ung thư di căn lên phổi làm ông khó thở. Các bác sĩ Kaiser định gởi ông vào nhà hospice dưỡng bệnh chờ chết.
Ông nói với con trai, Tom Roberts, rằng nhiều lúc ông nghẹt thở như bị trấn nước, nhưng điều ông quan tâm hơn là sức khỏe của cô con gái, Marian Roberts, té bị thương đầu nằm một chỗ. Tom 59 tuổi, độc thân ở vậy săn sóc chị và giúp cha ra vào bệnh viện. Nhà có một tầng lầu. Ông Roberts ở gác trên. Tom ngủ trên một chiếc nệm đặt cạnh giường Marian ở tầng dưới.
Ông Roberts lãng tai, dị ứng với tiếng động và hay lo sợ mênh mang. Khi ngủ ông nhét một khẩu súng dưới gối. Nhiều đêm ông mang súng xuống phòng dưới nơi người con gái dưỡng bệnh, ngồi đó hằng giờ và nói với Tom: Ba ngồi đây để bảo vệ Marian.
Hôm 17 tháng 8 vừa qua ông nói với Tom chiều nay sửa soạn một bửa cơm gia đình với sườn heo nướng ăn với khoai tây nghiền. Tom biết đó là những món Marian thích nhất. Ăn uống xong, 11 giờ khuya ông Roberts trở lên phòng.

Khoảng 4 giờ 30 sáng Tom nghe tiếng pop … pop…choàng thức dậy, chân chạm vào một vật cứng hình tròn. Cầm lên xem Tom nhận ra một viên đạn đầu còn dính vôi trắng. Bật đèn Tom thấy cha mặt đầy máu ngồi chết trên chiếc ghế bành. Một viên đạn vào đầu. Nhìn qua Marian, Tom thấy Marian nằm bất động trên giường mình cũng đầy máu.Tom nhận ra thực tế là cha đã giết Marian rồi tự sát.
Ba ngày sau Tom thấy một mẫu giấy nhỏ trong một chiếc áo của cha với mấy chữ nguệch ngoạc: “Có đáng chịu đựng sự đau đớn của thể xác hơn nữa không? Phải kết thúc đi thôi! Ba cám ơn con đã hy sinh cho chị và Ba. Ba xin lỗi đã tạo ra quá nhiều phiền toái tinh thần và vật chất cho con.”
Tom nói: “Hành động của ông cụ thật bất ngờ. Không một dấu hiệu gì cảnh giác tôi ông cụ sẽ giải quyết vấn đề như vậy. Nhưng thật ra ông cụ đã hằng đêm suy tính, chỉ là vì tôi không đủ bén nhạy đề nhận ra thôi.”
Báo chí vùng Vịnh đăng tải vụ ông Roberts giết con gái một cách nghiêm khắc, nhưng trong phần bình luận có dành thiện cảm đối với ông. Một người láng giềng nói: “Không ai nghi ngờ tình thương của ông Roberts dành cho Marian, và động lực hành động của ông chỉ có thể là tình thương.”
Tuy vậy các tổ chức bênh vực quyền lợi cho những người tật nguyền và những kẻ mắc bệnh nan y không chấp nhận một hành động “tự ý thay Trời” như vậy. Ông Yomi Wrong, giám đốc Trung tâm của Những người Sống Độc lập (Center for Independent Living) nói người tàn tật hay bệnh nan y có quyền được thân nhân và xã hội giúp đỡ và không ai có quyền quyết định số phận cho họ. Tuy nhiên đây là một vấn đề tranh luận bất tận cũng không tìm ra sự đồng thuận.
Giáo sư Danna Cohen, một chuyên viên về vấn đề giúp thân nhân “bị bệnh nan y và đau đớn thể xác” chết thuộc đại học South Floria qua một công trình nghiên cứu công phu thấy rằng nạn nhân đa số là phụ nữ và người hành động thường là chồng quá “thương vợ” hoặc bản thân không chịu nổi áp lực tâm thần hay bệnh hoạn của chính cơ thể mình.
Giáo sư Cohen cho biết tại Hoa Kỳ mỗi năm có từ 100 đến 250 trường hợp chồng giết vợ như vậy. Trường hợp ông Roberts giết Marian cũng trong sắp hạng này chỉ khác thay vì vợ là con gái. Mục đích nghiên cứu của giáo sư Cohen là tìm phương cách giảm thiểu những trường hợp thương tâm. Ông kết luận, vấn đề không đơn giản vì liên hệ đến nhiều lĩnh vực: nhân sinh, luật pháp, giáo điều tôn giáo và trật tự xã hội.
Tuy nhiên câu chuyện của ông Roberts và Marian đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi không giới hạn trong vùng Vịnh mà lan ra toàn quốc . Bà Susan Schweik, phụ tá Khoa trưởng Phân khoa Nghệ thuật và Nhân sinh thuộc đại học UC Berkeley nghĩ rằng không nên vội vàng chấp nhận một kết luận gì. Nhưng nên gạt ra ngoài cái ý nghĩ các hành động này chỉ vì tình thương. Bà nói: “Văn hóa Tây phương không chấp nhận quan niệm xem một đối tượng nào đó chết đi là tốt cho người đó. Văn hóa Tây phương đòi hỏi xã hội bảo vệ mạng sống của bất cứ ai – dù rất mong manh – với bất cứ giá nào.”
Nhưng vẫn còn câu hỏi: Khi một cá nhân không chịu đựng nổi đau đớn triền miên của thể xác và muốn chết thì giải pháp nào được coi là nhân đạo và hợp lý?
Trở lại chuyện gia đình Roberts. Dù nhọc nhằn săn sóc chị, Tom Roberts vẫn thấy vui. Bây giờ anh cô đơn và cảm thấy cuộc đời mất ý nghĩa. Marian và Tom là hai chị em trong một gia đình 4 anh em sinh năm một tại Castro Valley, California. Một người em của Tom bất hòa với cha bỏ lên sống ở Lake Tohoe đã lâu. Từ nhỏ Marian thích chơi búp bê. Lớn lên cô góp nhặt đủ loại búp bê trên thế giới. Trong ngôi nhà của cha, một ngôi nhà vách gỗ kiểu trang trại rộng thênh thang tại Oakland, Marian kê tủ kính phủ cả bốn bức tường để chưng búp bê.
Vào tuổi teen, Marian đã là một chuyên viên về trang phục cho búp bê, và nhờ đó cô trở thành một nhân viên quan trọng của tiệm Whitey’s Upholtery ở Hawaii. Tom theo chị qua sống ở Hawaii và cùng với một người bạn lập một công ty dọn nhà. Nhân viên công ty của Tom mặc đồng phục quảng cáo cho tiệm Whitey.
Marian với mái tóc vàng, trên môi không dứt nụ cười, sống một cách hồn nhiên không hề lo nghĩ tại thành phố Makawao. Tom thì thích để râu, mê coi san hô dưới nước và săn bắn dưới biển.
Ngày 18/3/1987, Marian trượt chân té đập đầu trong phòng tắm . Sau một lúc choáng váng Marian đứng dậy được tưởng không sao, nhưng sau đó Marian bị đột trụy (stroke), và trở thành một người tàn tật. Ông Roberts quyết định đưa con gái về Oakland để điều trị. Tom cũng đóng cửa công ty theo chị về California.
Hằng ngày Marian và Tom giải trí bằng chơi ô chữ và cho sóc rừng ăn. Tom giúp Marian tập cử động trên thảm hoặc đạp một chiếc xe đạp gắn hỏng bánh trên sàn nhà. Ban đêm nếu Marian bị tê chân hay cóng tay, Tom xoa bóp cho chị.
Vết thương ở đầu làm cho Marian nói khó khăn. Và chỉ có Tom hiểu được Marian ú ớ muốn nói gì. Hai cánh tay Marian càng ngày càng cong và cứng nhắc, cô không dùng được máy vi tính, không cầm được muỗng nĩa và tự đẩy xe lăn. Tom là người giúp Marian trong mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh cá nhân. Ông Roberts cha thấy Tom có dấu mệt mỏi. Râu Tom thiếu săn sóc ngả màu không còn đen nháy như xưa.
Giữa năm 2006 Tom lên Idaho giúp một người bạn bị bệnh, và ở lại trên đó một năm. Năm 2007 trở về, tình trạng sức khỏe của Marian đòi hỏi sự có mặt hằng ngày của Tom. Tom nói với bạn bè một cách chịu đựng: “Hoàn cảnh đòi hỏi thì phải đáp ứng, không có sự chọn lựa nào khác.”
Tom thường đưa Marian đi bệnh viện và làm vật lý trị liệu tại thành phố Berkeley, thỉnh thoảng chở chị chạy qua các siêu thị quen thuộc và đãi chị ăn cơm Mễ. Marian vui ra mặt mỗi lần được đi như vậy.
Tom nói: “Tội nghiệp chị tôi. Không nói được, không cử động được nhưng đầu óc chị còn rất tỉnh táo. Chị còn khả năng chơi chữ, thích sưu tầm chim hồng hạc (flamingo) và theo dõi sát sinh hoạt của đoàn dã cầu 49ers. Chị luôn luôn nói như tự nhủ với lòng mình ‘tôi cố gắng sống không làm phiền ai’. Nhưng nói thế thôi tính khí chị không thể không có lúc lên xuống thất thường.”
Tom thuật lại rằng, một hôm xem TV nói về bác sĩ Jack Kevorkian, người chủ trương giúp người bệnh hoạn muốn chết được chết (và vì vậy ông vào tù ra khám nhiều lần), Marian hỏi Tom có thể giúp cô chết một cách yên lành được không? Thấy chị vẫn yêu đời Tom không quan tâm đến câu hỏi của Marian cho là hỏi cho có mà thôi. Mới đây qua một người bạn thân của cha Tom biết rằng có lần Marian hỏi cha: “Cha có giết con không?” Ông Roberts đã trả lời: “Không bao giờ, không bao giờ cha có thể giết con.” Tom kết thúc câu chuyện: “Thế mà ông đã giết Marian!”
Đối với Tom cuộc đời bỗng thay đổi. Tom nghĩ mình sẽ sống vậy để chăm sóc người chị bệnh hoạn cho đến cuối đời của bà. Nay trước mắt là hai cái đại tang, Tom thấy chới với. Tom nói với mình: “Đời sống là của riêng của mỗi người dù bệnh hoạn hay tàn tật” như có ý trách ngầm cha đã giết Marian.
Ông Roberts vốn là một thợ mộc giỏi. Ông truyền nghề cho Tom khi Tom còn nhỏ. Năm 14 tuổi Tom đã là một người thợ khéo tay. Những giờ rảnh rang bên giường bệnh của Marian, Tom đẽo và chạm những khúc gỗ cứng lượm trongvườn thành hình thú vật. Tom có ý định sau này sẽ tự tay dựng một cái nhà bằng gỗ để chưng bày tác phẩm của mình.
Sau tang lễ của cha và Marian, Tom tìm cách tiếp xúc với người em đã 8 năm nay chưa gặp. Tom định lên Lake Tahoe thăm em và tổ chức đi cắm trại với người cháu năm nay đã 30 tuổi, sau đó về bán nhà dọn đi nơi khác.
Nhưng Tom đổi ý. Nhìn bộ da gấu ông Roberts săn được ở Alaska, một bộ sưu tầm các loại rong biển hiếm và nhiều vật kỷ niệm của cha, của chị và của thời thơ ấu của mình Tom không nỡ bán đi.
Mới đây Tom tỉa ngắn bộ râu, và nhận việc sửa sang một phòng chửa răng bằng gỗ của một người bạn. Tom nói làm để có việc ra khỏi nhà.
Hàng xóm thỉnh thoảng mang thức ăn đến mời Tom, hoặc ghé lại cùng Tom chơi phóng tên tính điểm. Thỉnh thoảng để chia sẽ nỗi niềm của Tom người ta chỉ nói nhẹ nhàng rằng, họ choáng váng trước hành động của cụ Roberts nhưng họ tế nhị không nói lời trách móc hay kết tội ông.
Tom nói: “Ai cũng có tấm lòng, không ai ép tôi phải bày tỏ cảm tưởng gì. Mọi người để yên cho tôi sống với ý nghĩ của riêng tôi.” Tom nói tiếp: “Riêng tôi, tôi không bao giờ quên được mấy tiếng nổ pop…pop … làm tôi choàng thức dậy cái đêm hôm ấy!”
November 22, 2013
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/81652/mot-van-de-nhan-sinh-nan-giai/2013/11
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001