Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Nguyễn Mộng Hoài - Cần tinh thần dũng cảm của từng người gây nên oan sai

Nguyễn Mộng Hoài - Cần tinh thần dũng cảm của từng người gây nên oan sai 



Nguyễn Mộng Hoài

Vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị xử oan sai, thụ án đến mười năm, mới được minh oan, dù có đau lòng nhưng dẫu sao Nguyễn Thanh Chấn còn sống và được đoàn tụ với gia đình, nhưng hậu quả đẻ lại cho gia đình anh thì vô cùng nặng nề, chắc chắn không có sự đền bù nào khỏa lấp. Cũng như cách nay hơn nửa thế kỷ, cuộc giảm tô cải cách ruộng đất "cách mạng ruộng đất, đưa ruộng đất về tay người cày 1955 - 1956", tuy đã được sửa sai, nhưng dư âm của nó vẫn còn dai dẳng và sự đền bù của Nhà nước đối với hàng chục nghìn gia đình bị oan sai không thấm tháp vào đâu.
Cùng thời gian ấy, vụ "Nhân văn giai phẩm", các vụ "cải tạo tư sản thành phố, hợp tác hóa nông nghiệp...cũng gây ra không biết bao nhiều oan trái giội lên đầu dân, trong đó phần lớn lại là dân "chí cốt" của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam vốn là một dấn tộc đại lượng, lương tri và sáng suốt, không bao giờ muốn mua thù chuốc oán với thế lực này nọ và cá nhân người này người kia, chỉ có những kẻ mất hết lương tri, mất hết tính người và vì quyền lợi ích kỷ mới "hay thù dai" mà thôi.
Dư luận nói chung rộ lên trong những ngày này về vụ án oan 10 năm đối với Nguyễn Thanh Chấn làm thức tỉnh nhiều điều cơ bản về nền tư pháp, về hệ thống luật pháp của nước ta và nhất là về hiểu và thi hành luật pháp. Nguyên tắc cơ bản của luật pháp ở bất kỳ nước nào, nhất là ở các nước đã và đang xây dựng nền pháp trị dân chủ, đặc biệt là "định hướng xã hội chủ nghĩa" và cố công xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì luật pháp lại vì quyền lợi của dân, bảo vệ dân là "tối thượng" bảo đảm công bằng xã hội.
Tuy nhiên, 68 năm có chế độ mới, cả đất nước được thống nhất, các thế lực thù địch phải "thua" nhân dân Việt Nam, mà đến giờ chúng ta mới tiếp tục xây dựng luật và tổ chức thi hành luật. Song luật pháp nước ta xây dựng chưa thật sát với thực tế cuộc sống của nhân dân trong từng vụ việc, trong từng thời kỳ nên nhiều bộ luật vừa mới được thông qua chưa ráo mực, chưa có văn bản dưới luật được ban hành thì đã "bị sửa đổi" và nhìn chung thì "luật pháp chưa phải là của toàn dân" vẫn có một số thế lực, nhất là các nhóm lợi ích còn ngang nhiên đứng trên luật, còn chỉ đạo thi hành sai luật.
Cho nên mới sinh ra hàng chục nghìn vụ án oan trong những năm qua. Thật ra, có sai thì có sửa và sửa tốt thì vẫn thu phục lòng dân, nếu cứ nhơn nhơn trơ ra như gỗ đá và "đá quả bóng trách nhiệm" sang sân người khác thì, án oan vẫn có thể còn tồn tại, thâm chí có thể còn nghiêm trọng hơn vụ Nguyễn Thanh Chấn.
Các phương tiện thông tin đại chúng trong đó có hệ thống của Đài Tiếng Nói Việt Nam cực chẳng đã phải đưa chi tiết về vụ này, song đại diện cho dư luận phải nêu được các vấn đề cốt lói, phanh phui đúng vấn đề, không nên "vòng vo Tam Quốc", cuối cùng thì chẳng rõ trách nhiệm thuộc về cá nhân hoặc tổ chức nào, thuộc về cấp nào, có thuộc về "chỉ đạo toàn diện và tuyệt đối không ?"
Nghe Đài, người ta có thể hiểu trách nhiệm vụ Nguyễn Thanh Chấn thuộc về một tập thể, chứ không thuộc về một cá nhân nào. Vậy thì thay mặt cho Tòa nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đứng tuyên án trong mỗi phiên tòa là ai, chẳng lẽ là cả một tập thể cả Chánh án, Phó chánh án, thầm phán chuyên nghiệp và thẩm phán nhân dân, có khi cả người làm chứng nữa...Thì "cái tập thể ấy khi gây ra oan sai và người oan sai được minh oan, kèm theo đó là thực hiện Luật đền bù cho người bị oan sai, ví du như đền tiền chẳng hạn lại rút tiền từ "ngân khố quốc gia" mà đền, cá nhân chẳng ai liên quan. Không công bằng. Ai gây ra khuyết điểm, hoặc chịu trách nhiệm chính trong khuyết điểm ấy phải gánh lấy hậu quả, không thể để "Nhà nước" phải ghé lưng gánh chịu. Vì tiền Nhà nước là tiền của nhân dân góp lại. Tại sao lại lấy tiền của nhân dân để đền bù oan sai, vì có phải nhân dân gây ra oan sai đâu. Cái "lý của Người Mèo" là như vậy.
Trong vụ Nguyễn Thanh Chấn, có nhiều cái có thể đền bù bằng lời xin lỗi, bằng vật chất thỏa đáng, tuy không thể nào bù đắp được những mất mát mà anh Nguyễn Thanh Chấn phải chịu đựng suốt mười năm ròng, song cũng phần nào lấy lại sự công bằng. Theo chúng tôi, có nhiều cái không thể nào lấy gì đền bù được. Hàng vạn người, trong đó phần lớn là đảng viên bị xử trí oan, có nhiều trường hợp bị tử hình, vậy lấy gì để đền bù? Mà có muốn đền bù cũng không thể đền bù ?
Lấy cái gì đền bù mạng sống cho Bà Nguyễn Thị Năm, một người có lòng cho con trai đi bộ đội kháng chiến, có lòng bỏ của cải nhiều khi nuôi đến hàng trung đoàn bộ đội ta ? Lấy gì đền bù cho các ông Vũ Văn Xy, cựu chi ủy viên, Chủ tịch UBKCHC xã, ông Nguyễn Đức Chử, cựu chi ủy viên, trưởng ban dân vận, địch vận, thông tin tuyên truyền xã, ông Nguyễn Đức Thụy, tổ trưởng tổ tình báo của Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp ở quê tôi, ông Nguyễn Đức Thuyết, đảng viên...đã cùng các nhân sĩ trí thức của làng lên tận Thống xứ Bắc Kỳ hồi tạm chiếm đấu tranh ngăn cản thắng lợi ý đồ địch giàn quân san ủi cả làng làm "vành đai trắng" để trả thù Việt Minh khi tấn công đồn bốt địch ?
Đến Cải cách ruộng đất, ông Vũ Văn Xy bị đấu tố ghép tội và bị xử tử ngay tai tòa án nhân dân đặc biệt, ông Nguyễn Đức Thuy bị "Đội truy bức" và cũng bị xử chết, ông Nguyễn Đức Chử bị án tù 20 năm (sửa sai lại về làm Đội trưởng đội sửa sai). Ông Nguyễn Đức Thuyết cũng bị đi tù "cải cách" một thời gian....Những vụ tày trời ấy sau khi phát hiện sai lầm, chính Bác Hồ của chúng ta đã rơi nước mắt nhận lỗi trước dân và Trung ương Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về sửa sai, đã trong một năm ổn định tình hình. Dân Việt Nam lấy lại lòng tin vào Đảng và đến năm 1958 đua nhau hưởng ứng phong trào hợp tác hóa nông nghiệp...Giá bây giờ trước sự suy thoái cùng kiệt nền kinh tế, trước thất thopats hàng triệu nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước, có ai là người đứng đầu chịu nhận lỗi và từ chức trước dân đâu. Việt Nam không thiếu người tài. Những ai làm sai cứ chịu từ chức lập tức có người tài đức lên thay !
Nhân vụ Nguyễn Thanh Chấn, chúng tôi muốn nêu lại một số sự kiện lịch sử ấy để thấy rằng, nhân dân ta vô cùng tốt, vô cùng độ lượng, song nhân dân ta cũng vô cùng sáng suốt, và thông minh. Nhưng đồng thời nhân dân cũng có những đòi hỏi khắt khe và là sức mạnh không thể lường trước khi toàn dân đoàn kết để thay đổi, để dẹp bỏ những áp bức bóc lột đè đầu cưỡi cổ họ. Lịch sử hàng nghìn năm đã chứng minh rõ ràng điều này.
Vậy thì vụ Nguyên Thanh Chấn (và có thể còn nhiều vụ khác nữa), nhân dân chưa chấp nhận sự nhận lỗi chung chung của cơ quan (ấy là chưa nói đến lời nhận lỗi ấy cứ vòng vo đổ tại khách quan) mà từng cá nhân chịu trách nhiệm điều tra, lấy tài liệu dẫn đến kết tội Nguyễn Thanh Chấn phải dũng cảm nhận lỗi thậm chí phải đến tận nhà gặp anh Chấn và gia đình anh ấy mà nhận lỗi. Chắc chắn, mặc dù bị oan khổ mười năm, anh Chấn và gia đình anh sẵn sàng tha thứ cho người mắc lỗi lầm đối với anh ấy. Vì cái được lớn nhất đối với Nguyễn Thanh Chấn là được minh oan và được tự do...
Nguyễn Mộng Hoài
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Bảy, 09/11/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131109/nguyen-mong-hoai-can-tinh-than-dung-cam-cua-tung-nguoi-gay-nen-oan-sai
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001