Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Peter Möller - Vấn đề của Học thuyết marxist về Nhà nước

Peter Möller - Vấn đề của Học thuyết marxist về Nhà nước 



Peter Möller
Bạn đọc Dân Luận chuyển ngữ
Quan điểm của Marx và Engels về quyền lực công trong xã hội hậu tư bản chủ nghĩa và hiện trạng thực tế của Nhà Nước trong Chủ Nghĩa Xã Hội Hiện Thực

1. Mở đầu

Marx và Engels, do nguồn gốc Hegel của mình, đã quan niệm rằng nhân loại đang vận động theo quy luật tiến tới xã hội Cộng Sản. [1] Do đó hai ông nhận thấy trách nhiệm của mình là xác định ra được sự vận động trong các quan hệ xã hội hiện hữu và thúc đẩy nó vượt qua những trạng thái tức thời. [2] Họ không thấy mình có nhiệm vụ thiết kế các mô hình xã hội lý tưởng tương lai để đã sau đó nhân loại vận dụng vào thực tế. [3]
Nhưng điều đó không có nghĩa là Marx và Engels đã không có những ý tưởng rõ ràng về một xã hội xã hội chủ nghĩa hay cộng sản sẽ như thế nào trong các đường nét cơ bản của nó. Các ông cho rằng có những điều nhất định không thể nào bỏ qua được trong các thành phần của một xã hội như vậy. Ý tưởng của hai ông về nhà nước hậu tư bản nằm rải rác trong các tác phẩm của mình và nếu ta thu thập tất cả chúng lại, sắp xếp theo chủ đề, ta sẽ có được hình ảnh của một xã hội tương lai.
Trong công việc này ta chỉ cần phải tâm niệm rõ ràng rằng Marx và Engels không có ý định phác thảo mô hình xã hội. Vì vậy, mục đích của công việc này cũng không phải là để quảng bá bất kỳ tín điều thiêng liêng nào. Mục đích của việc này là để chứng minh rằng đó chỉ là một sự giả dối trần trụi (và ở đây tại Cộng hòa Liên bang Đức thường có ảo tưởng cực kỳ tai hại về những thực trạng ở đó), khi thực tế Nhà nước ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực được nói là xây dựng theo học thuyết Marxist về nhà nước hoặc theo sự phát triển sáng tạo của học thuyết này. Chủ đề chính là vạch ra cho giới thống trị trong CNXH hiện thực thấy sự không chính đáng marxist trong các mối quan hệ quyền lực cai trị mới được hình thành nên của họ.
Để thực hiện ý định này, phần đầu tôi sẽ chỉ ra những gì mà Marx và Engels đã viết một cách khái quát về Nhà nước, sau đó là việc các ông đã hình dung như thế nào về tổ chức quyền lực công trong xã hội hậu tư bản chủ nghĩa và những hình dung này sau đó sẽ được đối chứng với sự diễn tả theo từng luận điểm về thực trạng nhà nước thường được biết đến ở các nước Chủ nghĩa Xã hội hiện thực.
Cuối cùng, tôi sẽ đề cập một cách ngắn gọn về nguyên nhân do đâu, theo như hiểu biết của tôi, có sự phát triển sai lệch với những gì mà Marx và Engels đã dự kiến​​.

2. Nhà nước trong quan điểm Marxist

2.1. Nguồn gốc, tính chất và sự suy vong của nhà nước [4]
Thủa ban đầu, khi con người vẫn còn đang sống trong các bộ tộc tự nhiên và sức sản xuất vẫn còn rất kém phát triển, khi đó chưa có nhà nước. Các thiết chế như ngạch công chức, quân đội, cảnh sát, nhà tù, thuế...vẫn còn xa lạ đối với xã hội này. Quyền lực công xuất phát từ mọi thành viên của nhóm. Không có sự tách biệt giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Mọi người cùng sản xuất và cùng quyết định. Quyền bính nằm trong tay toàn bộ cộng đồng, đôi khi quyền bính được những người già cả nắm giữ hoặc trong tay những người phụ nữ, nhưng không tồn tại một nhóm người cách biệt hẳn với số còn lại và chỉ làm mỗi công việc cai trị và đứng trên số người còn lại. Con người với những công cụ thô sơ chỉ sản xuất ra đủ của cải để đảm bảo cho sự sống còn thiết yếu của họ. Chưa đủ điều kiện để có thế xuất hiện tầng lớp phi sản xuất.
Nhưng con người không dừng lại ở đó. Họ đã tiếp tục phát triển sức sản xuất và từ thời điểm mà một người có thể tạo ra nhiều sản phẩm hơn là anh ta cần cho sự sống còn trước mắt, sự bóc lột của con người bởi con người đã có khả năng xuất hiện.
Giờ đây sự phân chia giai cấp đã làm cho quyền lực công không thể tiếp tục được tất cả mọi thành viên của cả xã hội thực hiện. Một xã hội như vậy, nếu không muốn bị diệt vong bởi sự tranh giành của các tầng lớp, nó chỉ có thể tồn tại được dưới quyền lực của một thế lực thứ ba gần như trung lập, đứng trên các tầng lớp, đại diện cho lợi ích chung, ngăn chặn các cuộc xung đột giữa các tầng lớp hoặc giữ chúng trong các giới hạn cần thiết. Lực lượng thứ ba này chính là Nhà nước. [5]
Nhà nước này "thông thường là Nhà nước của giai cấp mạnh nhất, chiếm ưu thế về kinh tế, ưu thế này cũng tạo cho nó trở thành giai cấp thống trị về chính trị." (MEW 21/166f)
Nhà nước, theo học thuyết Marxist, không thể lý giải được từ sự phức tạp hóa các hoạt động của đời sống công. Nhà nước là sản phẩm của sự phát triển kinh tế và sự đối kháng giai cấp không thể hòa giải nổi nảy sinh từ đó.
Trong sự phân chia giai cấp mới hình thành Marx và Engels không chỉ nhìn thấy một cái gì đó tiêu cực.Trong giai đoạn mức độ phát triển còn thấp thời đó, sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự phát triển của khoa học, nghệ thuật và triết học chỉ có thể có được nhờ một tầng lớp đặc quyền đặc lợi nhỏ, được giải phóng khỏi công việc sản xuất hàng ngày và chỉ còn chuyên vào những công việc đầu óc. [6]
Với sự phát triển tiếp tục của lực lượng sản xuất, và nhất là từ khi nó có một bước nhảy vọt do sự xuất hiện của Chủ nghĩa Tư bản, sự tồn tại của các giai cấp trở nên không cần thiết. Mức độ cao của lực lượng sản xuất, như Marx và Engels đã lập luận, sẽ làm cho tất cả mọi người ngoài việc tham gia vào quá trình sản xuất các loại thực phẩm cần thiết và vẫn có dư thời gian để tham gia công việc chính quyền của cộng đồng và tham gia vào khoa học, nghệ thuật. Nhà nước sẽ biến mất cùng với sự tiêu tan của giai cấp. Quyền lực công, mặc dù giờ đây khá bao trùm và phức tạp hơn, lại có thể xuất phát từ tất cả các thành viên của xã hội. [7]
2.2. Nhà nước tư sản
Tôi muốn đề cập ngắn gọn về nhà nước tư sản, hay nói đúng hơn là về các biến thể khác nhau của nhà nước tư sản, bởi vì xuất phát từ các thiết chế cụ thể của bộ máy nhà nước tư sản, đã có những chiến lược marxist thích hợp khác nhau để đối phó với từng loại nhà nước này, và bản thân chúng ngược lại cũng sẽ có thể có tác động mạnh tới tổ chức quyền lực công trong xã hội sau cách mạng. (Ít nhất cũng là trong thời gian đầu.)
Nhà nước, theo lý thuyết của Marx, thông thường đó là công cụ của giai cấp nào có sức mạnh thống trị về kinh tế. Nhưng thông thường cũng có nghĩa là không phải trong mọi trường hợp đều như vậy hoặc đều đã từng như vậy.
Nhà nước tư sản hình thành nên trong cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến​​. Marx và Engels đã mô tả trong đoạn đầu của Tuyên Ngôn Cộng Sản về việc giai cấp tư sản đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển để rồi vươn lên thành giai cấp mạnh nhất về kinh tế và cuối cùng với "nhà nước đại diện hiện đại" đã giành được độc quyền thống trị về chính trị như thế nào. "Quyền lực nhà nước hiện đại chỉ là một ủy ban để quản lý các công việc chung của toàn bộ giai cấp tư sản." (MEW 4/464)
Cách thức giai cấp tư sản tiến hành chống lại chế độ phong kiến ​​giành thắng lợi ở các nước cũng rất khác nhau, và do đó bộ máy nhà nước sinh ra từ mỗi sự phát triển cũng khác nau. Có khi nó chỉ là một công cụ thuần túy của giai cấp tư sản, ví dụ ở Anh, đôi khi nó là một sự thỏa hiệp giữa giai cấp tư sản và giới quý tộc, ví dụ ở Đức, và cũng có khi, trong giai đoạn nhất định của đấu tranh giai cấp, khi tương quan lực lượng của các giai cấp khác nhau chưa rõ ràng, bộ máy nhà nước cũng đã có một quyền tự chủ rất sâu rộng đối với giai cấp tư sản, ví dụ bộ máy nhà nước Bonaparte ở Pháp. [8]
Bộ máy nhà nước tư sản rất khác nhau giữa các quốc gia và thậm chí trong một đất nước theo thời gian, do truyền thống, do ảnh hưởng quốc tế, do tình hình đấu tranh giai cấp... trong việc mở rộng, trong bộ máy hành chính và quân sự.
Theo Marx và Engels, trạng thái cụ thể của bộ máy nhà nước tư sản quyết định việc giai cấp vô sản sẽ đập tan nó khi tiến hành cách mạng hoặc để lại đề cải tạo.
Vì vậy, hai ông nghĩ rằng rất có thể là tầng lớp lao động ở Mỹ và Anh sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội một cách hòa bình, bởi vì ở đó vào thời đấy không tồn tại bộ máy nhà nước quan liêu quân phiệt. (MEW 18/160) Trong một lá thư gửi tới người Mỹ tên là Philip Van Patten Engels đã viết rằng giai cấp vô sản không được phép phá hủy nhà nước tư sản. Thay vì như vậy, họ phải chiếm đoạt lấy nó. Tuy nhiên sau đấy họ phải thay đổi nó một cách đáng kể và sử dụng nó để ngăn chặn sự kháng cự của giai cấp tư bản. (MEW 19/344f)
Đối với các nhà nước tại châu Âu, Marx và Engels nhìn thấy sự cần thiết phải đập tan bộ máy nhà nước tư sản, điều này được thể hiện một cách rõ ràng trong một bức thư Marx gửi cho Kugelmann. (MEW 33/205)
Không nên tuyệt đối hóa câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi đập tan hay để cải tạo, giống như Lenin đã làm trong cuốn sách nhỏ Nhà nước và Cách mạng, đặc biệt ông ta đã bỏ qua bức thư Engels gửi cho Van Patten. (LW 25/426) (Cũng có thể ông ta không biết đến lá thư đó.)

3. Việc tổ chức các cơ quan công quyền trong xã hội hậu Tư bản

Trong chương này bên cạnh các trình bày khác, việc đánh giá Công xã Paris của Marx và Engels sẽ đóng một vai trò quan trọng. [9] Chính vì hai ông không muốn phát triển mô hình cho xã hội tương lai, mà chỉ tiến hành miêu tả và phân tích các tiến trình lịch sử, Marx và Engels đã nhìn thấy trong Công xã »hình thức chính trị cuối cùng cũng đã được phát hiện ra (qua lịch sử) theo đó có thể đưa đến thực hiện việc giải phóng về mặt kinh tế đối với người lao động".(MEW 17/342) "bởi vậy, cái gì luôn là vận mệnh của nó tại Paris, nó sẽ mở đường cho mình đi ra thế giới." (MEW 17/542), Marx và Engels đã lập luận: "các nguyên tắc của công xã là vĩnh cửu và không thể bị phá hủy, họ sẽ áp dụng chúng một lần nữa và lại một lần nữa, cho đến khi giai cấp công nhân được giải phóng".(MEW 17/636f) Hai mươi năm sau, Engels đã viết: "Các bạn hãy nhìn vào Công xã Paris. Đó là chính là chuyên chính vô sản."(MEW 17/625)
Công xã Paris đối với Marx và Engels nó mang một tính chất khuôn mẫu. Đối với hai ông nó còn nhiều hơn là một hiện tượng lịch sử cụ thể. Điều này những kẻ biện hộ cho Chủ Nghĩa Xã Hội hiện thực xuất phát từ những lý do dễ hiểu (như chúng ta sẽ thấy dưới đây) đã không muốn nhìn nhận.
3.1. Bộ máy nhà nước
Trong bản thảo đầu tiên của cuốn sách "Nội chiến ở Pháp", để mô tả của Công xã, đầu tiên Marx đã tiến hành mô tả hình thức nhà nước đối nghịch với nó, đó là dạng "bộ máy nhà nước tập trung, với các cơ quan quân sự, hành chính, tôn giáo, tư pháp... nhằng nhịt, hiện diện khắp mọi nơi, tất cả như một con trăn quấn chặt lấy xã hội dân sự đầy sức sống." (MEW 17/538)
Nó được hình thành nên cùng với xã hội tư bản, cái xã hội đã thay thế "các quyền lực thời trung cổ, hỗn loạn đủ màu sắc đảng phải chống đối lẫn nhau bằng một kế hoạch có điều tiết của một quyền lực nhà nước với sự phân chia lao động mang tính hệ thống và thứ bậc." (MEW 17/539)
Các cuộc cách mạng tư sản đã hoàn thiện "những gì các chế độ quân chủ tuyệt đối khởi đầu, nó mở rộng sự tập trung và tổ chức quyền lực nhà nước, mở rộng phạm vi và các thuộc tính của quyền lực nhà nước, gia tăng số lượng các công cụ của nó, mở rộng tính độc lập và mở rộng quyền lực siêu nhiên của nó trên thực tế xã hội, một thứ quyền lực thực tế đã chiếm lấy vị trí của bầu trời siêu nhiên thời trung cổ cùng với những thánh nhân của nó. Mỗi một quyền lợi nhỏ của từng cá nhân, phát sinh từ mối quan hệ của các nhóm xã hội, được xác định, được phân ly ra khỏi xã hội, và được thay bằng quyền lợi nhà nước trong sự quản lý bởi các linh mục nhà nước với những chức năng được phân cấp chi ly." (MEW 17/539)
Napoleon, những người Phục Hưng, những người Quân Chủ tháng Bảy tiếp tục công việc này, họ đã hoàn thiện bộ máy nhà nước, "thay vì vứt bỏ sự ngột ngạt nghẹt thở ấy đi." (MEW 17/539) Họ chồng thêm lên "kiểu bóc lột kinh tế trực tiếp một kiểu bóc lột nữa đối với người dân." (MEW 17/540)
"Đỉnh cuối cùng của sự phát triển của cái nhà nước ký sinh trùng này được đạt đến dưới thời Đế chế thứ hai" ( MEW 17/540 ), một Nhà nước "tự cho mình là ông chủ thay vì là người đày tớ của xã hội". (MEW 17/542)
"Công xã bản thân nó là một cuộc cách mạng chống lại Nhà nước, chống lại sự đẻ non siêu nhiên của xã hội " (Marx 17/541), "chống lại quyền lực nhà nước được tạo nên giờ đây đã thành không cần thiết." (MEW 17/341)
Đối với Marx và Engels toàn bộ hình thức, toàn bộ cấu trúc của bộ máy nhà nước đã bị các nội dung, mục đích thống trị và áp bức thâm nhập vào sâu đến độ, nó không còn có thể là một công cụ cho sự giải phóng giai cấp công nhân.
Nó không thể chỉ là sự đổi tên chỉ huy sở và thay vào đó những con người mới. Ngay ở trong "Hệ tư tưởng Đức", Marx và Engels đã viết, "những người vô sản đang ở trong sự khác biệt trực tiếp với cách thức mà các cá nhân của xã hội hiện tại biểu lộ ra, khác biệt với nhà nước, và phải lật đổ nhà nước để thực thi tính cách của họ." (MEW 3/77)
Tại vị trí của bộ máy nhà nước này, Công xã cần phải được thay thế vào đó ngay lập tức. Ngay lập tức! Chứ không chờ đến khi hoàn thiện Chủ nghĩa Cộng sản! Các Công xã "bắt đầu thực hiện việc giải phóng lao động - mục tiêu chính của họ - bằng cách một mặt xóa bỏ các hoạt động không hiệu quả và có hại của Nhà nước ăn bám, loại bỏ những nguyên nhân, mà phần lớn các sản phẩm quốc gia được dùng để làm no bụng con quái vật Nhà nước là nạn nhân của chúng, và mặt khác họ thực hiện công việc quản trị tiền lương lao động của chính địa phương và của quốc gia. Vì thế, họ sẽ bắt đầu với việc tiết kiệm triệt để, với việc cải cách kinh tế, cũng như với việc cải tạo nền chính trị." (MEW 17/546) "Công xã đã làm cho khẩu hiệu của tất cả các cuộc cách mạng tư sản - Chính phủ ít tốn kém - trở thành hiện thực, bằng cách nó hủy bỏ hai nguồn chi lớn nhất, đó là quân đội và nghạch công chức." (MEW 17/341)
Marx ca ngợi Công xã về việc đã "loại bỏ sự lừa dối, rằng quản trị và lãnh đạo chính trị là những bí quyết, [và] những chức năng siêu việt chỉ có thề được trao vào tay một đẳng cấp có học - những con ký sinh trùng nhà nước, được trả lương cao và những quan chức làm ít hưởng nhiều [10] ở các vị trí cao - đẳng cấp [này] hấp thụ những người có học trong dân chúng và ở thang bậc dưới nó quay lưng lại với chính họ. Loại bỏ tất cả hệ thống phân cấp nhà nước và thay những kể kiêu căng cai trị dân chúng bằng những người đầy tớ của mình có thể thay thế bất cứ lúc nào, thay thế trách nhiệm giả tạo bằng trách nhiệm thực sự, bởi vì họ luôn hoạt động dưới sự kiểm soát của công chúng." (MEW 17/544)
Engels đã chỉ ra rằng các cơ quan nhà nước luôn đòi hỏi thỏa mãn những đặc quyền của họ. Do đó, người công nhân phải tự bảo vệ trước giới giới chức của mình. Cho công việc này họ đã sử dụng "hai phương tiện không thể thiếu. Trước tiên, họ chiếm lĩnh tất cả các vị trí quản trị, tư pháp, giảng dạy bằng cách thông qua các cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu với sự tham gia của mọi người, những vị trí này có thể bị bãi nhiệm bất kỳ lúc nào do chính họ quyết định. Và thứ hai, họ trả tiền công cho tất cả các cán bộ, cả cao lẫn thấp, với mức tiền như của người lao động khác được nhận... Qua đó việc chạy chức chạy quyền sẽ được chốt chặn một cách đảm bảo." (MEW 17/624)
Không nên có hệ thống phân cấp trong nhà nước mới hình thành. "Không có gì có thể hơn xa lạ với tinh thần của Công xã, như việc thay thế phổ thông đầu phiếu bằng việc phong tước theo thứ bậc." (MEW 17/340)
Công an từ trước cho đến nay là công cụ của Chính quyền nhà nước, phải "ngay lập tức bị tước bỏ các thuộc tính chính trị của nó, và chuyển thành công cụ có trách nhiệm có thể thay thế bất kỳ lúc nào của Công xã." (MEW 17/399)
"Công Xã không khẳng định mình không thể mắc sai lầm, như tất cả các chính phủ trước đây đã từng làm và không có ngoại lệ. Nó công khai tất cả các bài phát biểu và hoạt động, nó thổ lộ cho công chúng mọi sai lầm khiếm khuyết của mình." (MEW 17/348) "Toàn bộảo giác về bí mật quốc gia và quyền lợi quốc gia đã được Công xã gỡ bỏ... nó [Công xã] thực hiện công việc của mình một cách công khai, đơn giản, trong mọi tình huống khó khăn và phức tạp nhất... nó hành động trước con mắt của mọi người, không có tham vọng không thể sai lầm... nó không sợ phải thừa nhận sai lầm bằng cách nó sửa chữa các sai lầm." (MEW 17/544)
Engels đã viết trong "Chống Duhring" về tình hình sau cuộc cách mạng vô sản: "Sự can thiệp của quyền lực nhà nước vào các mối quan hệ xã hội từ khu vực này đến khu vực khác trở nên không cần thiết, và sau đó tự nó sẽ chấm dứt." (MEW 20/262)
Trong "Phê phán dự thảo Cương lĩnh Gotha", Marx viết về chi phí cho công việc quản trị không trực tiếp liên quan đến sản xuất, chi phí này hoàn toàn cho phép xác định số lượng nhân sự của việc quản trị: "Phần này ngay từ đầu phải hạn chế hết sức trong tương quan với xã hội hiện nay và giảm đến mức tương đương với sự phát triển của xã hội." (MEW 19/19)
Engels nhấn mạnh rằng các cơ quan công quyền trong xã hội hậu tư bản chủ nghĩa ngay từ đầu đã là một cái gì đó khác biệt về chất so với Nhà nước. Vì vậy, ông đã viết trong "Chống Duhring": "Giai cấp vô sản nắm lấy quyền lực nhà nước và đầu tiên sẽ chuyển các phương tiện sản xuất thành tài sản nhà nước, và với việc này nó tự xóa bỏ chính mình là giai cấp vô sản, và với việc này nó cũng xóa bỏ sự khác biệt giai cấp và mâu thuẫn giai cấp, do vậy cũng là xóa bỏ Nhà nước là Nhà nước." (Marx 20/261)
Trong một bức gửi thư Bebel, liên quan đến Dự thảo Cương lĩnh Gotha, Engels đã viết: "Ta nên vứt bỏ tất cả những lời bàn tán về Nhà nước, đặc biệt là từ khi Công xã không còn là một Nhà nước theo đúng nghĩa của nó nữa... Do đó chúng tôi đề xuất, ở mọi nơi thay vì Nhà nước sẽ là Công xã... " (MEW 19/6f)
Từ các phát biểu được trích dẫn của Marx và Engels, ta thấy rõ ràng là:
- Hệ thống phân cấp của các quan chức nên được loại bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, tại mọi cấp và mọi khu vực Hành chính công là những đại biểu được bầu nên qua bầu cử phổ thông và kín, và họ có thể bị bãi nhiệm bất kỳ lúc nào.
- Số lượng các đại biểu ngay từ đầu nên thấp hơn nhiều có với số lượng quan chức trong một Nhà nước Tư bản, và số lượng này sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ với sự phát triển của xã hội mới. Sự tiêu vong của Nhà nước nên bắt đầu ngay từ ngày đầu của cuộc cách mạng, chứ không thể dây dưa vô thời hạn.
- Ngay cả công an cũng nên được dân bầu lên và do dân bãi nhiệm. Công an không nên có chức năng chính trị. Nó nên được đặt dưới quyền điều hành của công xã chứ không dưới quyền của chính quyền trung ương.
- Tất cả các đại biểu phải thực hiện công việc của mình một cách công khai, trước tai mắt của dân chúng, không được che dấu các vấn đề và khuyết điểm. Do đấy, các công chuyện bí mật của chính phủ, mật vụ và ngoại giao ngầm là không tương thích.
- Tất cả các đại biểu được trả lương chỉ cho công việc đã làm của mình, không có bất kỳ ưu đãi nào khác. [11]
3.2. Vũ trang toàn dân
Thay cho quân đội chính quyền Công xã thế vào đó "Đội cận vệ quốc gia bao gồm những công nhân... Thực tế này giờ đây đã chuyển thành một cơ cấu được giữ nguyên không thay đổi. Nghị định đầu tiên của Công xã, do đó, là đè bẹp quân đội thường trực và thay thế nó bằng dân chúng được vũ trang." (MEW 17/338) "Quân đội hiện hành ở trong nước (nên) được thay thế bằng một lực lượng dân quân với một khoảng thời gian phục vụ rất ngắn." (Marx 17/340)
Hai năm trước khi có Công xã, Engels đã viết trong một bức thư cho Marx: "Từ khi ra đời súng nạp đạn phía sau lực lượng dân quân thuần túy ...đã không còn nữa... Chỉ đến khi xã hội được thiết lập và giáo dục theo kiểu cộng sản mới có thể đạt đến sự gần giống hệ thống dân quân, cho dù như vậy cũng chỉ là tiệm cận. " (không bao giờ đạt tới hoàn toàn) (MEW 32/21)
Việc sự phát triển liên tục của vũ khí có thể hạn chế sự vũ trang nói chung của người dân, sau khi có Công xã Marx và Engels một lần nữa đã bỏ qua. Tất cả các lời phát biểu của hai ông trong và sau thời kỳ Công xã cho thấy rõ ràng, hai ông coi việc vũ trang nói chung của người dân là cần thiết và có thể. Tuy nhiên, hai ông tin rằng cuộc cách mạng vô sản sẽ diễn ra cùng một lúc tại tất cả các nước tiên tiến, hoặc ít nhất là nối tiếp nhau trong một khoảng thời gian ngắn. [12]
3.3. Các cơ quan đại diện dân chúng
"Công xã được cấu thành từ những hội đồng khu phố được bầu cử phổ thông tại các quận khác nhau ở Paris. Họ lãnh trách nhiệm và bị bãi nhiệm bất kỳ lúc nào. ... Công xã không phải là một đoàn thể kiểu nghị viện, mà là một đoàn thể làm việc, hành pháp và lập pháp cùng một lúc." (MEW 17/339)
Marx đã có ý kiến, ​​rằng hình thức thích hợp nhất của chuyên chính vô sản không phải là thể chế cộng hòa nghị viện, cho dù nó cũng mang tính dân chủ, mà phải là một tổ chức chính trị kiểu Công xã Paris. "Thay vì quyết định một lần trong ba hoặc sáu năm, thành viên nào của giai cấp thống trị sẽ đại diện và diệt đại [Marx chơi chữ ở đây. ND] người dân vào Quốc hội, quyền phổ thông bầu cử sẽ phục vụ cho việc đề cử người dân vào Công xã, giống như quyền bỏ phiếu của mỗi cá nhân người sử dụng lao động nhằm phục vụ cho việc lựa chọn công nhân, lựa chọn đốc công và nhân viên kế toán trong doanh nghiệp của mình." (MEW 17/340)
Tuy nhiên, hai mươi năm sau, Engels lại viết: "Nếu có một điều gì chắc chắn, thì đó là điều, Đảng và Giai cấp công nhân chỉ có thể lên nắm quyền dưới hình thức của một chế độ Cộng hòa dân chủ. Hơn thế nữa đây chính là hình thức đặc trưng cho Chuyên chính vô sản." (MEW 22/235)
Như vậy cho thấy, Nghị viện hay là Hội nghị Hội đồng, tùy theo những thời điểm khác nhau và tùy theo các nước khác nhau cũng đã có những nhận định rất khác nhau. Các cơ quan đại diện nhân dân, cho dù chọn hình thức nào đi nữa, luôn phải là cơ quan quyền lực cao nhất trong xã hội. Không có bất kỳ chỗ nào Marx và Engels nói đến một đảng lãnh đạo, chứ chưa nói gì đến một bộ máy đảng cầm quyền.
Đối với một giai đoạn ban đầu nào đó, dĩ nhiên Marx và Engels cũng đã thấy sự cần thiết phải có sự chuyên chế của một nhóm lãnh đạo cách mạng. "Ủy ban trung ương đã từ bỏ quyền lực của nó quá sớm để dọn chỗ cho Công xã. Một lần nữa xuất phát từ sự trơ tráo đáng kính phục!" (MEW 33/205) [13] Tuy nhiên rằng một chế độ độc tài như vậy không nên là thiết chế vĩnh viễn, có thể nhận thấy rõ ràng từ các phát biểu được trích dẫn trong phần 3.1..
3.4. Việc tự quản của công xã
"Trong một phác thảo ngắn về tổ chức quốc gia mà Công xã không có thời gian để làm tiếp, có nói một cách rõ ràng, rằng Công xã cần phải là hình thức chính trị ngay tại một xóm nhỏ nhất." (MEW 17/339f) Công xã phải cử đại diện đến đại hội tỉnh, và đại hội này sau đó cử đại diện đến đại hội toàn quốc. Tất cả các đại biểu đều có thể bị bãi nhiệm bất kỳ lúc nào và bị ràng buộc vào các ủy nhiệm của cử tri. "Một vài chức năng nhưng quan trọng vẫn còn tồn tại tại chính quyền trung ương, không nên bãi bỏ, như chúng đã bị cố ý làm sai, mà phải chuyển giao cho Công xã, nghĩa là chuyển giao cho những cán bộ có trách nhiệm cao." (MEW 17/340)
Engels đã chỉ ra, rằng những người thuộc phái Blanqui chiếm đa số trong tầng lớp lãnh đạo của Công xã, họ đã từ bỏ quan niệm về một chính quyền trung ương chuyên chính cách mạng, và đã kêu gọi các tỉnh thành khác tiến tới một liên bang tự nguyện của tất cả các Công xã ở Pháp. (MEW 17/623)
Những gì mà Marx và Engels ở đây ca ngợi Công xã, hai mươi năm trước đó hai ông nhìn nhận hoàn toàn khác. Ngày ấy, hai ông phản đối nguyện vọng của người dân Đức muốn có sự tự trị ở các đô thị và các tỉnh lỵ. "Đối mặt với kế hoạch này người công nhân không chỉ phải tác động [để có] một đất nước thống nhất không thể phân chia, mà cũng còn phải tác động để trong đó có sự tập trung quyền bính một cách quyết liệt nhất vào tay [quyền lực] Nhà nước. Các bạn hãy không để cho những chuyện ba láp về dân chủ về tự do cho địa phương, về tự quản... đánh lạc hướng." (MEW 7/252) Ngay chính tại Đức, nơi mà rào cản địa phương cục bộ và sự tùy tiện đóng một vai trò quan trọng, "các hoạt động cách mạng, với toàn bộ sức mạnh của chúng chỉ có thể có được từ một trung tâm", không được phép tạo nên thêm những trở ngại mới. (VMR 7/252) "Giống như ở Pháp vào năm 1793, tại Đức hôm nay việc tạo nên sự tập trung hóa cao độ là nhiệm vụ của [một] đảng thực sự cách mạng." (VMR 7/252) (Lenin chỉ nghe được những câu như vậy!)
Về phát biểu trên sau này Engels có nhấn mạnh, rằng nó được dựa trên một sự hiểu lầm. Hồi đó do sự xuyên tạc lịch sử thời Bonaparte người ta còn tin rằng cuộc Cách mạng Pháp đã tạo ra bộ máy nhà nước tập trung, và sau đó nó là vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến chống lại chế độ phong kiến ​​và kẻ thù nước ngoài. "Giờ đây một thực tế ai cũng biết, đó là trong toàn bộ cuộc cách mạng cho đến ngày 18 thang sương mù tất cả công việc quản lý các phòng, các ban và phường xã đều do những người làm công việc quản lý tự lựa chọn cán bộ, họ di chuyển hoàn toàn tự do trong khuôn khổ pháp luật chung của nhà nước," và rằng "cái chính phủ tự trị địa phương tự này chính nó lại là đòn bẩy mạnh mẽ nhất của cách mạng" (VMR 7/252F)
Tuy nhiên Engels cũng nhận xét thêm, rằng sự tự quản cục bộ và địa phương một bên và sự tập trung hóa nhà nước một bên không phải cứ là mâu thuẫn với nhau. (Vấn đề là, những chức năng nào nằm ở cấp bậc nào trong cơ cấu quản lý theo chiếu dọc.)
Trong bài phê bình của ông về Dự thảo chương trình của đảng Dân chủ Xã hội năm 1891, Engels có đề cập tới vấn đề liên bang, địa phương tự quản và sự thống nhất của đất nước. Ông kêu gọi khắc phục nạn sứ quân [hàng loạt nhà nước nhỏ] và tính cách Phổ và xây dựng một nhà nước Đức không thể chia cắt. Ông không chấp nhận Liên bang, nơi mỗi tiểu bang thực sự là độc lập với chính quyền trung ương, nhưng nó cũng độc lập với phường xã. Tuy nhiên ông nhìn thấy khả năng về một liên bang của các quốc gia khác nhau.
Đối với Đức, Engels khuyến nghị theo hình mẫu Pháp, tự quản ở cấp địa phương, cấp tỉnh và tự do liên kết giữa các phường xã, tỉnh lị tự quản thành một nước Đức cộng hòa thống nhất.
Ông đề nghị bổ sung thêm đoạn sau vào chương trình: "hoàn toàn tự quản trong tỉnh, huyện và xã qua các quan chức được bầu chọn theo phổ thông đầu phiếu. Bãi bỏ tất cả các cơ quan tỉnh và địa phương do nhà nước chỉ định." (MEW 22/237)
Tóm lại có thể nói rằng các xã hội hậu tư bản chủ nghĩa phải là một trật tự linh hoạt khởi đầu từ Công xã. Các ông xã, lãnh đạo bởi dân biểu được chính người dân lựa chọn và cũng do họ bãi nhiêm bất cứ lúc nào, sẽ đến với nhau trên cơ sở tự nguyện. Các chức năng của chính quyền trung ương, ngay từ đầu phải ít hơn nhiều so với của chính quyền trung ương tư bản, chúng nên được chuyển giao cho những cán bộ công xã có tinh thần trách nhiệm cao. Không nên đề tồn tại quyền lực trung ương độc tài. Các công xã tự quản cần phải là lực lượng chính trong cuộc đấu tranh chống lại những tàn tích của trật tự cũ và trong việc xây dựng xã hội mới.
Chỉ nhờ vào các nguyên tắc chính quyền địa phương tự quản mới có thể khống chế được sự tồn tại một bộ máy nhà nước thống trị dân chúng và đứng trên dân chúng.
3.5. Giáo dục, Đào tạo, Văn hóa và Tôn giáo
"Tất cả các cơ sở giáo dục đã được mở ra miễn phí cho người dân, và đồng thời mọi sự can thiệp của Nhà nước và Giáo Hội đã bị xóa bỏ. Qua đó không chỉ mở đường cho tất cả mọi người có điều kiện tiếp cận tới Giáo dục, mà bản thân khoa học cũng được giải thoát khỏi sự trói buộc bởi định kiến giai cấp và quyền lực nhà nước." (MEW 17/339) Công xãị đã "chỉ định một ủy ban để thiết lập các trường đại học miễn phí từ đó nó không còn trở thành con ký sinh trùng nhà nước được nữa." (MEW 17/530) Tất cả các công việc tổ chức cần thiết trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ được tiến hành trong nội bộ Công xã và không còn nằm trong phạm vi trách nhiệm của chính quyền trung ương. Không hề có chố nào nói đến sự giới hạn của nhà đối với các hoạt động nghiên cứu hoặc hoạt động văn hóa. Không cả Công xã lẫn chính quyền trung ương nên có một chức năng giáo dục nào đó.
Sau khi áp chế giới quan chức, quân đội và cảnh sát "Công xã lập tức tiến hành bể gãy các công cụ đàn áp về mặt tinh thần, bẻ gãy quyền lực của giới Mục sư; họ chỉ định giải tán và sung công những nhà thờ nào là những cơ quan có chiếm hữu tài sản" (MEW 17/339).
Sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước đã được thực hiện xong từ trước đó qua việc xóa bỏ Nhà nước và qua việc Công xã đã tước đoạt tải sản của những nhà thờ nào có những chức năng tư bản hay chức năng chiếm hữu của cải. Những cái Công xã dĩ nhiên không làm, đó là đàn áp nhà thờ hoặc đàn áp quan niệm tôn giáo của phần lớn dân số.
Engels này còn có viết một lần trong sự liên quan đến ảnh hưởng của các nhà thờ vào trường học: "Người ta không thể cấm họ thành lập trường học riêng và để dạy những thứ vô nghĩa của họ ở đó." (MEW 22/237)
Mội áp chế hành chính đối với tôn giáo đều mâu thuẫn với lý thuyết Marxist về tôn giáo. Theo lý thuyết đó tôn giáo tự nó sẽ chết đi, chừng nào mà sự thiếu hiểu biết, sự áp bức và sự tha hóa dần biến mất trong quá trình phát triển của xã hội cộng sản. [14]
3.6. Kinh tế
Những ý tưởng kinh tế của Marx và Engels và thực trạng kinh tế trong Chủ nghĩa Xã hội hiện thực thực ra tự nó đã là một chủ đề riêng và trong khuôn khổ của bài viết này chỉ có thể đề cập đến được một cách sơ qua ngắn gọn.
Cũng tương tự như Phường Xã là nền tảng của xã hội, trong cấu trúc của Công xã Paris các Hợp tác xã sản xuất do các thành viên Hội đồng công nhân lãnh đạo là nền tảng của công việc sản xuất. Engels viết, "rằng nghị định quan trọng nhất của Công xã đã chỉ đạo việc tổ chức nền công nghiệp lớn, và thậm chí còn chỉ đạo tổ chức xí nghiệp sản xuất, nó không chỉ dựa trên sự liên kết giữa các công nhân trong từng nhà máy, mà nó cũng còn thống nhất tất cả các hợp tác xã lại trong một hiệp hội lớn." (MEW 17/623) và Marx đã viết: "Nhưng cái này là Chủ nghĩa Cộng sản, thứ Chủ nghĩa Cộng sản chẳng ra sao cả! ... nếu như toàn bộ các hợp tác xã điều khiển nền sản xuất quốc gia theo một kế hoạch chung." (MEW 17/343) Việc lập kế hoạch cho quá trình kinh tế do đó phải do ai đó, xuất xứ tư hợp tác xã được hình thành nên từ sự liên mình tự nguyện của người lao động, chứ không phải từ bất cứ cơ quan lập kế hoach nào đó của nhà nước.
Các nhiệm vụ kinh tế của chính quyền địa phương và chính quyền trung ương nên cần được hạn chế mạnh mẽ đến mức, sao cho chúng phải mất đi các chức năng [của chúng] trong lĩnh vực lưu thông, bởi vì sản xuất hàng hoá sẽ không còn nữa, và cùng với nó là tiền. [15]
Trong phần 3.1. Tôi đã trích dẫn lời Engels nói trong Chống - Dühring, theo đó, sau cách mạng giai cấp vô sản ban đầu sẽ chuyển phương tiện sản xuất thành tài sản nhà nước, như vậy dĩ nhiên tất cả mọi khác biệt giai cấp cũng sẽ không còn và do đó Nhà nước cũng không còn là Nhà nước. (MEW 20/261) Trong bài viết về vấn đề nhà ở, Engels đã viết rằng các phương tiện sản xuất trong Chủ nghĩa Xã hội sẽ không phải là sở hữu của mỗi cá nhân người lao động, mà là "nhân dân lao động là người chủ toàn bộ của của nhà cửa, xí nghiệp và các công cụ lao động." (MEW 18/282) Phương tiện sản xuất do đó phải là tài sản toàn dân chứ không phải là tài sản nhà nước.
Trong mối liên quan tới vấn đề bằng cách nào để lôi kéo nông dân tham gia cách mạng, Marx đã viết: "Là giai cấp cầm quyền giai cấp vô sản cần phải có các biện pháp, sao cho tình cảnh của người nông dân được cải thiện ngay lập tức, do đó sẽ thu hút được họ tham gia cách mạng; các biện pháp, tuy nhiên ngay trong mầm mống của nó đã phải tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi từ sở hữu tư nhân đất đai sang sở hữu tập thể, nghĩa là do vì kinh tế người nông dân đã tự nguyện tham gia." (MEW 18/630ff) Việc xây dựng một trật tự kinh tế ở nông thôn do đó phải xuất phát từ nông dân và không bằng các biện pháp cưỡng chế do quyền lực trung ương thực hiện.
"Công xã nên... phục vụ như một đòn bẩy để nhổ bật nền tảng kinh tế, mà trên đó sự tồn tại của giai cấp và và với nó sự thống trị của giai cấp dựa vào." (MEW 17/342) Thuộc vào nền tảng của giai cấp và sự thống trị của giai cấp tuy nhiên không chỉ bao gồm sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất mà còn là sự phân công lao động. Trong "Chống Dühring" Engels đã viết: "Quy luât của phân công lao động là... cái mà sự phân chia giai cấp dựa vào." (MEW 20/262) Marx đã khẳng định trong Phê phán Dự thảo Cương lĩnh Gotha, rằng trong "một giai đoạn cao hơn của xã hội cộng sản... sự lệ thuộc nô dịch của các cá nhân vào phân công lao động, cùng với nó sự đối nghịch giữa lao động trí óc và lao động chân tay sẽ mất đi." (MEW 19/21) Sự cần thiết của việc vượt qua sự phân công lao động là một trong những trụ cột nền tảng của chủ nghĩa Mác! (Điều này những kẻ biện hộ cho chủ nghĩa xã hội hiên thực, vì những lý do hiển nhiên, đã không muốn hiểu.) Ngay từ trong "Hệ tư tưởng Đức" Marx và Engels đã viết, rằng "với sự phân công lao động đã cho ra khả năng, vâng một thực tế đã tồn tại, rằng các hoạt động tinh thần và thể chất, rằng sự hưởng thụ và lao động, sự sản xuất và tiêu dùng, rơi vào các cá nhân khác nhau, và khả năng đề chúng không xung đột với nhau sau đấy chỉ nằm ở chỗ, sự phân công lao động lại bị xóa bỏ." (MEW 3/32) [16]

4. Xây dựng nhà nước trong Chủ Nghĩa Xã Hội Hiện Thực.

Bây giờ chúng ta so sánh những thứ được trình bày trong Chương 3 với những thực tiễn nhà nước mà ai cũng biết và không thể chối cãi nổi ở các nước Xã hội Chủ nghĩa hiện thực.
Ở đó tồn tại một bộ máy nhà nước có cấu trúc tập trung phân cấp với những quan chức chuyên trách, với quân đội thường trực, và với cảnh sát thuộc trung ương.
Không có liên minh tự nguyện giữa các phường xã tự trị, mà có một chính quyền trung ương với quyền lực tập trung mạnh mẽ, có mọi thẩm quyền quyết định và các quan chức của nó không phải là những cán bộ phường xã.
Hệ thống phân cấp nhà nước không được thay thế bằng các đại biểu được bầu vào qua phổ thông đầu phiếu. Thay vì như vậy việc bổ nhiệm cán bộ được thông qua bộ máy hành chính nhà nước từ trên xuống dưới.
Không thực hiện việc trả lương cho công việc quản trị theo lao động, mà có nhiều đặc quyền đặc lợi giành cho các quan chức, các khoản này vượt xa hơn nhiều thu nhập tài chính, ví dụ như, có cửa hàng phục vụ riêng, do đó, họ không bị va chạm với khủng hoảng cung cấp, ban thưởng huân chương kèm theo tiền thưởng; Đi du lịch phương Tây được cấp ngoại tệ (Intershop); có bệnh viện riêng, được ưu tiên khi đi dự các sinh hoạt văn hóa; hội hè, yến tiệc, phụ cấp, các mối quan hệ v.v. và v.v.
Nhà nước định hướng việc tự quyết định của dân chúng qua đài phát thanh và truyền hình quốc doanh, báo chí và ấn phẩm bị kiểm duyệt, Nhà nước tác động vào trường mẫu giáo, trường học, nghiên cứu và giảng dạy. Tuyệt đối hóa tư tưởng của chủ nghĩa Marx -Lênin (sẽ tốt hơn: nếu làm được điều gì từ đó). Tất cả những phát biểu phê bình không hợp ý sẽ bị chụp cho cái mũ phản động chống nhà nước(!), một trong những tội tồi tệ nhất mà người ta có thể phạm phải ở các nước này.
Quốc hữu hòa thay vì xã hội hóa các phương tiện sản xuất. Giám đốc được nhà nước bổ nhiệm là người thực chất điều hành doanh nghiệp nhà nước. Toàn bộ việc lập kế hoạch kinh tế được tiến hành bởi một cơ quan lập kế hoạch thuộc nhà nước. Vẫn tiếp tục tồn tại lao động làm thuê, hàng hóa và tiền.
Nhà nước, cùng với sự bắt đầu của cuộc cách mạng cần phải bị tiêu vong, thì lại không ngừng phát triển và đạt tới độ mà thời gian trước đó dường như không thể tưởng tượng ra được. Và tầm quan trọng ngày càng tăng của đảng và chính phủ vẫn được nhắc tới không ngừng nghỉ.
Bộ máy nhà nước này với các chức năng chính trị, kinh tế và ý thức hệ của nó cũng sẽ được nhân hai trong bộ máy của đảng. Tất cả các cơ quan nhà nước ở dạng thu nhỏ một lần nữa lại có mặt trong tổ chức của đảng. Tất cả mọi quyết định cuối cùng đều do ban lãnh đạo của đảng quyết định. Cấu trúc của đảng cũng hệt như của Nhà nước, tập trung và phân cấp. Ai được vào vị trí lãnh đạo, trên thực tế do cấp trên gần nhất quyết định. Ở phía trên cùng là Bộ Chính trị, trên thực tế tự mình bổ nhiệm mình. Ai đã ở trong đó rồi sẽ là người đã quyết định bổ sung ai mới. Bộ Chính trị là trung tâm quyền lực thực sự trong Xã hội Chủ nghĩa hiên thực và nó chẳng phải do dân, chẳng phải do giai cấp công nhân, cũng chẳng phải do đông đảo các thành viên của đảng có thê lựa chọn một cách có hiệu quả, có thể kiểm soát hoặc có thể bãi nhiệm.

5. Các nguyên nhân của sự phát triển

Việc lịch sử phát triển diễn tiến không như Marx và Engels tin là đã tiên đoán được, tôi tin rằng có những nguyên nhân sau đây:
1. Marx và Engels đã đánh giá quá cao khả năng của con người, đặc biệt là của giai cấp vô sản. Một xã hội, như Marx và Engels (đặc biệt nổi bật qua Công xã) đã trình bày, ngay từ đầu đã nằm trong giả thiết là có sự tham gia tác động một cách tích cực và sáng tạo của phần lớn dân chúng, đặc biệt là của giai cấp công nhân. Nhưng ngày nay, trên cơ sở kinh nghiệm lịch sử, và đặc biệt là trên cớ sở nhận thức khoa học hiện nay, đặc biệt trong các lĩnh vực tâm lý học xã hội và nghiên cứu xã hội hóa, không thể trông chờ việc một giai cấp bị áp bức, mà trong đó tất cả mọi thành viên từ ngày còn nhỏ cho đến lớn lên luôn bị thiệt thòi trong giáo dục, đào tạo, ở vị trí làm việc và trong tiếp cận thông tin, bỗng vụt lên thành giai cấp cầm quyền, thực thi toàn bộ sức mạnh tập thể và thực hiện xây dựng một cách sáng tạo một xã hội mới. Giả như Công xã sống sót được, nó cũng sẽ không trở thành những gì mà ban đầu được hoạch định. Một xã hội với các nguyên tắc cơ bản của Công xã Paris (mà tôi trước sau vẫn cho là điều cần thiết nếu nói đến Dân chủ, Tự do và Chủ nghĩa Xã hội), chắc chắn chỉ có thể đạt được với một thời gian dài của sự thay đổi một cách tiến hóa của con người và xã hội.
Giai đoạn quá độ cần thiết từ một xã hội có giai cấp sang xã hội cộng sản không nhất thiết phải giống như ở Đông Âu. Trong nó có thể (và ở Tây Âu là cần phải) giữ lại những thành tựu tích cực của thời đại Tư bản.
Nhưng ngay cả khi số lượng người tham gia vào việc thực thi quyền lực không ngừng tăng lên, nếu các lĩnh vực và bình diện, trên đó dân chủ lớn dần, ngày càng nhiều thêm, trong một khoảng thời gian dài vẫn có những con người nắm giữ nhiều quyền lực và có ảnh hưởng hơn những người khác. Bởi con người chỉ khắc phục được dần dần sự bất bình đẳng do xã hội tạo ra (có lẽ điều này luôn là một quá trình tiệm cận) cho nên trong xã hội quá độ bắt buộc sẽ tiến tới các hình thức cai trị mới, tiến tới khuynh hướng độc lập hóa của các tổ chức xã hội. (Đây là lý do tại sao cơ chế kiểm soát lại rất quan trọng!)
2. Coi như là hiển nhiên Marx và Engels đã cho rằng, khi giai đoạn thích hợp của sự phát triển của các mối quan hệ xã hội được đạt đến, đại đa số dân chúng sẽ mong muốn có Chủ nghĩa Xã hội. Có lẽ đối với hai ông, điều không thể tưởng tượng nổi, là người ta cũng có thể thiết lập Chủ nghĩa Xã hội đi ngược lại mong muốn của đa số dân chúng. Và chính điều này đã được thử tiến hành trong Chủ nghĩa Xã hội hiện thực. Và do đó xã hội này tất nhiên phải khác với những gì mà Marx và Engels mong đợi. Rosa Luxembourg đã viết trong bài viết về Cuộc cách mạng Nga: "Hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa nên và chỉ có thể là một sản phẩm lịch sử, sinh ra từ trường học kinh nghiệm của chính bản thân mình, trong thời khắc mong đợi, từ sự phát triển của lịch sử sống động... Nếu đúng là như vậy, thì rõ ràng là Chủ nghĩa Xã hội với bản chất của nó không thể để bị áp đặt hoặc được thiết lập bởi mệnh lệnh. Điều kiện cần có của nó [CNXH] là hàng loạt các biện pháp cưỡng chế - đối với tài sản v.v.... Cái tiêu cực, việc phá hủy người ta có thể sử dụng mệnh lệnh, nhưng cái tích cực, công cuộc xây dựng thì không. Vùng đất mới. Ngàn vạn vấn đề. Chỉ có kinh nghiệm là có khả năng sửa chữa sai lầm, và mở ra con đường mới. Chỉ cuộc sống không bị ngăn cấm, sôi trào mới làm nảy sinh trăm ngàn hình thức mới, trăm ngàn ứng biến, chứa đựng sức sáng tạo, tự sửa chữa tất cả những sai lầm. Đời sống công của các quốc gia [ở đó] tự do bị hạn chế chính vì thế mà nghèo nàn, cứng nhắc, cằn cỗi, bởi vì do ngăn chặn Dân chủ nên nó đã cắt đứt nguồn sống của mọi sự giàu có về tinh thần và của sự tiến bộ." (Luxembourg, 360)
3. Marx và Engels cho rằng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ diễn ra ở các nước tư bản công nghiệp tiên tiến của Châu Âu và Bắc Mỹ. Cho đến nay, các cuộc cách mạng với tuyên bố xã hội chủ nghĩa chỉ giành được thắng lợi tại các nước không hề đi qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa hoặc chủ nghĩa tư bản chỉ chạm đến hời hợt bên ngoài, [và] nơi đó chủ nghĩa tư bản chưa định hình rõ ràng, như Nga, Trung Quốc, Cuba, Việt Nam v.v.. (Bụt chùa nhà không thiêng!) Các quốc gia Đông Âu, những nước đã một thời có được xã hội tư bản, ở đây có thể không được chấp nhận là một phản ví dụ, vì trong đó không có sự phát triển độc lập lên Chủ nghĩa Xã hội. Các quốc gia này đã bị Hồng quân, quyền lực cao nhất thời đó, áp buộc chấp nhận hệ thống có nguồn gốc từ nước Nga Xô Viết.
Những nước cho đến giờ tự tiến hành thành công cách mạng XHCN, ở đó không có sự phát triển của lực lượng sản xuất, như Marx và Engels xem là một điều kiện tiên quyết của chủ nghĩa cộng sản [17], cũng không có cả (cái mà tôi thậm chí cho là còn quan trọng hơn) các truyền thống Dân chủ và Văn hóa của thời đại Tư sản. Cũng do đó mà phải phát triển khác đi chút ít so với tiên đoán của Marx và Engels về Tây Âu.
Cuối cùng, cũng cần phải nói, rằng Marx và Engels tại những thời điểm khác nhau đã có những quan điểm khác nhau về vai trò của nhà nước, đặc biệt là trong các xã hội hậu tư bản chủ nghĩa, và có một số lời phát biểu mâu thuẫn với nhau, hoặc ít nhất có một số thuật ngữ được sử dụng chưa đủ rõ ràng.
Một mặt, Engels nói rằng quyền lực công trong xã hội hậu cách mạng ngay từ đầu là một cái gì đó khác với Nhà nước, mặt khác, ông nói về nó, rằng nhà nước sau cách mạng sẽ tiêu vong.
Marx ngược lại, không nói đến tiêu vong, mà nói đến "bãi bỏ của nhà nước" (MEW/EB 1/536) và bãi bỏ (nhìn theo biện chứng) khác chút ít với tiêu vong. Trong "Phê phán Dự thảo Cương lĩnh Gotha" Marx thậm chí đã nói về một "nhà nước của xã hội cộng sản." (MEW 19/28) [18]
Marx và Engels trong quan điểm và phát biểu như vậy chưa đầy đủ, không phải không có mâu thuẫn, và không phải lúc nào cũng nhất quán, như nhiều người khẳng định, những người đã phong thánh cho các ông. Trong 39 cuốn màu xanh [MEW/Marx-Engels toàn tập-ND], nếu người ta chịu khó tìm kiếm, có thể đào bới ra đủ loại trích dẫn, mà không biết rõ, rằng câu nào có trọng lượng hơn câu nào. Cái chính là tìm ra cái cốt lõi của các quan điểm của hai ông và điều này là tôi tin, rằng tôi đã thành công trong bài nghiên cứu này. Việc những kẻ biện hộ cho Chủ nghĩa Xã hội hiện thực có cái nhìn khác, tất nhiên, đối với tôi hoàn toàn rõ ràng.
Không phụ thuộc vào chuyện, rằng quyền lực công sau cách mạng giờ đây được gọi là Nhà nước, hay thực chất công xã, rằng nhà nước được cải tạo, bị vô hiệu hóa hoặc bị hủy bỏ, rằng liệu ở Chủ Nghĩa Cộng sản có nên tồn tại một bản thể nhà nước hay không, điều quan trọng là Marx và Engels đã không thừa nhận có một bộ máy nhà nước đứng trên dân chúng, xa lạ với họ, và thực tế nhà nước trong CNXH hiện thực hoàn toàn không có gì liên quan tới những ý tưởng về Nhà nước của Marx và Engels.
__________________________________
Chú thích
[1] Hegel đã quả quyết, tiến trình lịch sử đi theo những quy luật lịch sử và nó nhất thiết phải đi qua các giai đoạn nhất định. Khi Marx rời bỏ chủ nghĩa tuyệt đối của Hegel và trở thành triết gia duy vật, ông ta đã tiếp nhận các suy đoán của Hegel về sự phát triển theo quy luật của lịch sử ở một hình thức khác.
Một mô tả ngắn gọn và chính xác về ý nghĩa của triết lý Hegel đối với học thuyết Marxist đã được André Gorz trình bày trong cuốn "Giã từ giai cấp vô sản" tại các trang 11-16.
[2] Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels đã viết: "Chủ nghĩa Cộng sản đối với chúng ta không phải là một trạng thái cần phải lập nên, mà là một lý tưởng để thực tế có thể hướng tới (được). Chúng ta gọi là Chủ nghĩa Cộng sản là phong trào thực sự, nó xóa bỏ trạng thái hiện tại." (MEW 3/35)
[3] Trong "Nội chiến", Marx đã viết rằng giai cấp công nhân thiết lập "cái không tưởng đã hoàn hào và có thể sự dụng được ngay... họ chỉ giải phóng những yếu tố của xã hội mới vốn đã phát triển từ trong lòng của xã hội tư sản bị tan vỡ." (MEW 17/343)
[4] Nguồn tôi sử dụng ở đây đặc biệt là Chương 9 sách của Engels "Nguồn gốc của gia đình, của Tư hữu và Nhà nước". (MEW 21/152ff)
[5] "Để cho các đối ngịch này, các giai cấp có lợi ích kinh tế mâu thuẫn, không xé nát chính mình và xã hội trong cuộc đấu tranh không có kết quả, một quyền lực dường như đứng trên xã hội đã trở nên cần thiết, để dung hòa sự xung đột và giữ nó trong phạm vi của trật tự; và cái này, nổi lên từ xã hội, nhưng lại đứng trên nó, và ngày càng xa lánh nó chính là Nhà nước" (MEW 21/165)
[6] Xem thêm Engels - Chống Dühring (MEW 20/166ff + 262f).
[7] Engels tóm tắt quan điểm của ông như sau: "Nhà nước không phải có sẵn từ ngàn xưa. Đã có những xã hội hoạt động mà không có nó, không hề biết tới nhà nước và quyền lực nhà nước​​. Ở một giai đoạn nhất định của sự phát triển kinh tế, và sự phát triển đó cần thiết gắn liền với sự phân chia xã hội thành giai cấp, thì qua sự phân chia này nhà nước trở thành điều cần thiết. Chúng ta tiến gần tới giai đoạn phát triển cuối cùng của sản xuất với nhịp chân nhanh hơn, tại đó sự tồn tại của các giai cấp không chỉ không còn là một điều cần thiết, mà còn là một trở ngại tích cực đối với sản xuất. Chúng sẽ tan biến đi, và không thể tránh khỏi như khi xưa chúng xuất hiện. Và cùng với chúng Nhà nước cũng tiêu tan không tránh khỏi. Xã hội sẽ tổ chức mới lại sản xuất trên cơ sở liên kết tự do và bình đẳng của các nhà sản xuất, nó sẽ đưa toàn bộ bộ máy nhà nước về nơi mà nó sẽ thuộc về: Bảo tàng cổ vật, bên cạnh bánh xe quay sợi và rìu đồng" (MEW 21/168)
[8] Đặc biệt xem thêm bài viết của Marx "The 18th Brumaire des Luis Bonaparte". (MEW 8/111ff)
[9] Cho phần này đặc biệt xêm thêm Marx: "Nội chiến ở Pháp", cũng như bản thảo đầu tiên và thứ hai của tài liệu này được viết bởi K. Marx, Engels giới thiệu về cuộc nội chiến ở Pháp (Marx 17)
[10] Sykophant = kẻ gièm pha, vu khống, phản bội. (Ví dụ, kẻ chuyên chỉ điểm cho mật vụ để kiếm tiền) Sinekure = Kẻ ngồi chơi xơi nước, Việc nhàn tiền nhiều.(Ví dụ, thành viên danh dự của Viện Kiến trúc lĩnh một năm 20.000 Mark tiền mà không cần động chân động tay).
[11] Lenin đánh giá tiền công lao động đối với công việc quản trị rất cao. Trong cuốn "Nhà nước và cách mạng" của mình, Lenin đã viết: "Đặc biệt đáng chú ý trong mối liên quan này là một biện pháp của Công xã được Marx nhấn mạnh: loại bỏ tất cả các khoản phụ cấp các loại cho đại biểu, tất cả các đặc đợi tài bằng tiền của các quan chức, giảm lương cho tất cả các quan chức trong trong nhà nước xuống bằng mức lương của người lao động. ...chính lại vào điểm quan trọng nhất, đặc biệt dễ nhận thấy, và liên quan đến công việc nhà nước này, người ta lại quên đi học thuyết của Marx một cách sạch sẽ nhất! Trong những bình luận nổi tiếng, mà con số của nó rất nhiều, người ta không hề nói về điều này. Thường thì người ta im lặng, cứ như ở đây là một sự ngây thơ còn sót lại, giống như người Kitô giáo đã quên đi sự ngây thơ của đạo Kitô buổi ban đầu với tinh thần cách mạng dân chủ của nó sau khi Kitô giáo trở thành quốc giáo." (LW 25/432f)
[12] Đoạn này đặc biệt xem thêm Engels - Các nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Cộng sản. (Marx 4/374f)
[13] Về sự cần thiết của một quyền lực mạnh mẽ trong cuộc Cách hãy xem: Engels thư gửi Terzaghi (MEW 33/372ff); bài viết của Engels Từ Quyền lực, (MEW 18/308); thư của Marx gửi Liebknecht (MEW 33/200)
[14] Về các lý thuyết Mác-xít về tôn giáo, đặc biệt xem: Marx Phê phán Triết học Luật pháp của Hegel. Phần Mở đầu (MEW 1/378f), Engels Chống Dühring (Marx 20/294f); Engels, Ludwig Feuerbach và sự kết thúc của triết học cổ điển Đức (Marx 21/283ff).
[15] Ở đây đặc biệt nên xem: Marx - Phê phán Dự thảo Cương lĩnh Gotha (MEW 19/20) và Tư bản, Tập 2 (MEW 24/358).
[16] Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels cũng đã viết rằng "phân công lao động và sở hữu tư nhân có biểu hiện giống hệt nhau"! (MEW 3/32) Điều này có nghĩa chừng nào còn có phân công lao động, chừng nào, ví dụ như, có người làm công việc trí óc và lãnh đạo và có người khác làm lao động chân, thì chừng đó, cho dù trong văn bản luật có viết gì đi nữa, vẫn còn có sở hữu tư nhân của phương tiện sản xuất. Theo quan điểm này, các xí nghiệp quốc doanh ở CHDC Đức (VEB) là sở hữu tư nhân của các quan chức Đông Đức!
[17] Ở đây đặc biệt xem thêm: Marx, đại cương tính nhà nước và sự vô chính phủ của Bakunin (MEW 18/633) và Engels Các xã hội ở Nga (MEW 18/556)
[18] Franz Mehring trong cuốn tiểu sử về Marx của ông đã đi đến kết luận, Marx, bỏ một số quan điểm về nhà nước, mà ông khởi thảo trong Tuyên ngôn Cộng sản, khi xét tới Công xã và Engels trong cuộc đấu tranh với những người thuộc phái vô chính phủ đã phục hồi trở lại. (Mehring 457f) Ngược lại Dieter Schröder nhìn thấy một sự khác biệt giữa một Engels vô chính phủ sau này một Engels marxist ở giai đoạn giữa. (Schroeder 37ff)
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Bảy, 14/09/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130914/peter-moller-van-de-cua-hoc-thuyet-marxist-ve-nha-nuoc
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001