Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Thư bạn đọc: Phan Như Huyên – Mùa tựu trường đã đến

Thư bạn đọc: Phan Như Huyên – Mùa tựu trường đã đến 



Phan Như Huyên
I. Thế nào là bài luận văn hay
Khi đọc bài này tôi cũng tự hỏi: Thế nào là một bài luận văn hay? Và xin góp ý. Từ bé đến lớn tôi thấy luận văn có nhiều loại: loại miêu tả (thí dụ, hãy tả con mèo nhà em), loại kể chuyện (td, hãy kể lại đám giỗ trong gia đình em), loại phê bình (td, hãy bình giảng câu, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao.”), và loại nghiên cứu (td, hãy trình bầy một đề tài về Mộc tinh).

Đưa bốn đề này cho các em lớp 6, lớp 12, và đại học. Thời gian: một tuần lễ. Sau khi đọc những bài này, thầy cô sẽ kết luận bài luận nào hay, và do những yếu tố gì? Theo thầy Quốc, đó là kiến thức (ý tưởng), lập luận (tuần tự, nhân quả, so sánh, thí dụ), kết cấu (nhập đề, thân đề, chuyển tiếp, kết luận), diễn đạt (cảm xúc, cách dùng từ, cách đặt câu), và trình bày (đánh máy, hình ảnh).
Có lẽ đây cũng là những tiêu chuẩn bình thường cho một bài luận văn. Ở California, thầy cô cũng dạy cho các em những yếu tố này. Họ gọi là the traits of a good writing: ideas, organization, voice, word choice, sentence fluency, conventions (chấm câu), và presentation.
Nhưng một bài văn hay còn cần những yếu tố khác nữa. Đọc một bài văn độc đáo, ta muốn đọc tiếp đọc tiếp. Có lẽ, đó là yếu tố ngạc nhiên thích thú, yếu tố trung thực, yếu tố êm tai. Ngày xưa, tôi học từ Lm Cao Phương Kỷ một công thức viết luận văn, mà đi đâu tôi cũng xài: là Công – Phản – Hòa. Công thức này xem ra dễ dùng, dễ nhớ, và rất hiệu quả khi viết một bài luận văn cấp tốc. Văn chính là người vậy!

*

Công – Phản – Hòa là công nhận, phản đối, và dung hòa. Thí dụ đề tài một cây, ba cây, ở trên. Sau khi nhập đề, tôi sẽ bắt đầu bằng công nhận. 1. Một cây thì đơn chiếc, gió thổi ngả, chẳng làm được tích sự gì. 2. Ba cây chụm lại, cành lá kết lại, vững chắc, bảo vệ được làng mạc, đất đai. 3. Con người ta cũng thế. Bài ngắn thì nói ngắn. Bài dài thì cắt nghĩa thêm bằng nhiều thí dụ, hình ảnh, trích dẫn.
Sau đó, tôi phản đối.
1. Có những cây to, như cây đa, bóng mát. Rễ nó từ thân cây mọc thẳng xuống. Cây càng ngày lan ra càng to.
2. Có nhiều cây mọc chùm lại thì sinh ra yếu ớt, tranh đua, đánh nhau, gẫy đổ. Thế là bại dần.
3. Trong xã hội, lắm lúc gần nhau quá sinh ra ganh tị, phe đảng, vân vân. Tùy theo bài, tôi có thể kéo dài phần Công, hay trau chuốt phần Phản.
Sau cùng, tôi dung hòa. Có cái này, cái này, nhưng mà cũng có cái nọ, cái kia. Trong phần này tôi sẽ nói thêm ý kiến của mình. Nếu cần, nói dài ra. Tại sao, làm thế nào? Rồi kết luận.
Đó là phương thức thô sơ, nhưng nhiều kết quả.
II. Nghệ thuật giảng dạy
Kinh nghiệm học làm thầy bên Mỹ
Sau hơn 20 năm làm việc trong hãng xưởng, năm 2004 tôi trở lại học sư phạm. Lý do: kinh tế suy thoái, viễn tượng thất nghiệp, cùng lúc đại học California State University, Long Beach có chương trình giúp người thiểu số học lấy teaching credential (bằng dạy học).
Năm 2006, ra trường, kiếm không được việc. Lý do chính là
1. khi thực tập bị phê là dở trong việc kiểm soát học sinh (poor class management);
2. cao niên (không ai nói ra, nhưng ngày nay họ cần những cô thầy trẻ thôi);
3. ăn nói thì ngọng (không chịu thực tập và không nghĩ là sẽ đi dạy học).
Kiếm việc hai năm, báo cho trường biết là không có việc làm, nên chỉ đi dạy substitute thôi.
Sau 6 năm dạy sub, tôi thành ra thích cái nghề này, rất tự do, không có trách nhiệm bao nhiêu, và học được rất nhiều điều. Sau đây là những điều học được:
1. Không ngại khi trả lời: tôi không biết. Người học là chính các em, thầy chỉ hướng dẫn. Không thầy nào giỏi đến nỗi không thể thay thế được.
2. Biết tên các em thì sẽ dễ kiểm soát các em hơn. Biết các em muốn gì, trước khi các em nói ra.
3. Tuyệt đối không dễ dãi khi làm bài thi, vì có cơ hội là các em sẽ gian lận ngay.
4. Phải hòa đồng, nhất là với các em gốc Mễ tây cơ. Nếu không, các em sẽ chọc phá mình.
5. Biết được hầu như đủ mọi môn từ Toán, Anh văn, Sử, Công dân, Kinh tế, ngoại ngữ, thể thao, âm nhạc, nghệ thuật. Dường như mỗi lớp có một thứ văn hóa riêng, những bức ảnh treo tường, những câu nói dán chung quanh lớp đều khác nhau.
Tóm lại, rất là thú vị khi dậy thế. Tôi dạy cho 2 học khu Santa Ana và Garden Grove. Mỗi học khu có đến 600 substitute teachers. Không biết ở Việt Nam có nhóm thày cô dạy thế như này không.
III. Dạy học và giáo dục giả hiệu
Trăm Năm Trồng Người
Không biết câu này từ đâu? Khổng Tử chăng! Nước Mỹ cũng biết áp dụng câu này. Có lẽ mỗi nước áp dụng mỗi khác. Nhưng vì tôi biết ở đây, nên nói chuyện ở đây.
Từ khi sinh ra cho đến lớp 12, trẻ em là con chính phủ. Một cách gián tiếp, chính phủ lo cho em chỗ ăn chỗ ở và trường học. Nói chung, chính phủ bắt em đi học, nên chính phủ phải cung cấp giáo viên cũng như sách vở. Trung bình 25 em thì có một cô hay thầy. Nhân viên an toàn. Cảnh sát túc trực. Nhà nghèo, các em ăn sáng và trưa miễn phí. Mỗi trường phải có hiệu trưởng, phó, y tá, tâm lý, thư viện, phòng computer, phòng ăn, phòng họp, sân chơi, vv.
Trung bình chi phí cho một em khoảng 6000 đô, một năm, tùy theo vùng. Vì thế, chính phủ không thể để mất các em. Các em bắt buộc phải học 6 tiết (khoảng 50 phút) một ngày. Trong năm học, nếu em đi lang thang ngoài đường, em sẽ bị bắt đem về cho cha mẹ. Nhiều lần như vậy, cha mẹ sẽ bị phạt. Vì các em, nếu cha mẹ nghèo, chính phủ sẽ giúp tiền ăn ở. Chẳng may, một cô gái có bầu, nhân viên xã hội phải giúp cô nuôi dưỡng đứa trẻ cho đến lớp 12, nếu nó không có bố hoặc bố nó cũng nghèo.
Thường thường, khi vào lớp, trường sẽ loan báo bản tin ngắn. Mọi người phải đứng lên chào cờ, tay để trên ngực, như một bài kinh ngắn: I pledge alligiance to the flag of the United States of America, and to the Republic for which it stands, one nation under God, indivisible, with liberty and justice for all. Để bảo đảm một nền giáo dục có chất lượng. Từ Mẫu giáo đến trung học, thày cô phải được huấn luyện, rồi lãnh lương ngang nhau, thày cô cho các em hai loại điểm: học lực và công dân (citizenship). Nhìn vào các trường học, ta thấy như một rừng cây. Có những điều tối thiểu mà các em cần biết và học nằm lòng: là tôn trọng pháp luật, không được kỳ thị, trọng người di dân, lớn lên đi bầu và trở thành công dân tốt, đi làm và đóng thuế…
Đó là những điều quốc gia nào cũng cần phải làm để đầu tư vào tương lai. Muốn biết xã hội đang tiến theo hướng nào, cứ nhìn vào lớp trẻ ở trung học, của các lớp 9, 10, 11, 12. Những tư tưởng mới, những trào lưu mới, thường được thai nghén và bắt đầu từ trung học. Tuy nhiên, có những phụ huynh không muốn con em của mình bị uốn nắn như thế, nên cho các em học trường tư, học ở nhà (homeschooling).
Tóm lại, so sánh nghề giáo dục với nghề nông và nghề chữa bịnh cũng đúng thôi.
IV. Bàn về Cấu trúc của giáo dục bậc PTTH
Trăm năm trồng người.
Đúng vậy đây là một vấn đề hết sức to lớn, như con voi, hầu như ảo tưởng.
Tôi đã học hết Trung học ở VN. Sang Mỹ, tôi đang nhìn thấy nền giáo dục công lập bắt buộc ở đây, Cali, nhờ làm việc hơn sáu năm nay ở ngành giáo dục. Tôi thử so sánh với cái học bên nhà hiện nay, tôi nghĩ, cũng giống như kiểu tôi học ngày xưa.
Chương trình Giáo dục ở Cali, từ Mẫu giáo đến lớp 12, có thể khác với Texas và các tiểu bang khác. Nhưng đây là những gì tôi biết được ở Cali.
Elementary: Mẫu giáo đến lớp 6; Intermediate: lớp 7,8; High school: 9 – 12. Elementary và Intermediate, chương trình bắt buộc giống nhau gồm có Language arts, writing, và reading (Anh ngữ). À, năm rồi, Học Khu Garden Grove vừa quyết định một chương trình song ngữ, dùng tiếng Việt để giảng dạy các môn khác như toán và khoa học. Như vậy, thầy cô phải là người Việt thì mới có thể nói tiếng Việt được, thể dục (physical edu), khoa học xã hội, khoa học thuần túy, toán, tất cả các môn này là bắt buộc, arts: học sinh có thể chọn âm nhạc, vẽ, thể thao, vv.
Lên đến lớp 9, các em bắt đầu được chọn môn học. Có các môn, em bắt buộc phải học, có những môn em học tùy ý. Từ lớp 10, em bắt đầu có quyền thi ra trường (mỗi năm tổ chức 2 lần), nếu đậu, em được bảo đảm ra trường, nhưng em vẫn bị bắt buộc phải học hết lớp 12, những môn nhiệm ý, như nấu ăn, nghệ thuật, thể thao, kỹ thuật, vi tính, vv. Có những môn em muốn học mà nhà trường không dạy, như Vật lý, tiếng Đức, chẳng hạn, em có quyền đi học chỗ khác mà nhà trường phải trả tiền học phí cho em, hoặc dàn xếp cho em học online.
Thi ra trường, các em phải đậu hai bài thi: Anh Văn và Toán trình độ lớp 10. Anh văn, đọc và trả lời những câu hỏi và viết luận văn. Toán: đại số và hình học. Ta ra, vượt trên 70%, em chỉ chờ ngày ra trường. À, em có thể rèn luyện môn khác, em có thể chơi bóng rổ cả ngày. Nếu giỏi, có rất nhiều trường đại học mời em, cho tiền em học, em có thể chơi cho những đội banh lớn, nhiều triệu đô la một năm.
Có một điều ta không nhìn thấy, có thể là ta không để ý: Sinh hoạt Giáo dục nó gần giống như một hình thức tôn giáo.
Nhà cửa phải đầy đủ, đúng kích thước, hợp vệ sinh, an toàn. Thầy cô phải được huấn luyện đúng tiêu chuẩn, theo đúng kỷ luật. Cha mẹ là người đóng thuế, chi tiền, nên cha mẹ có quyền rất lớn.
Học sinh là những ông bà chủ, thầy cô phải thực tình giúp đỡ, không được ăn hiếp.
Ngay từ nhỏ các em học để biết quyền lợi của mình là có thể làm ra tiền và hưởng thụ, bổn phận là đóng thuế. Hiến pháp Hoa kỳ rất ngắn, đọc 10 phút là hết, chỉ có 7 chương. Mỗi chương nửa trang, cô đọng những luật tối thượng của quốc gia. Khi lớn lên, các em biết luật có kẽ hở, nhưng phải đúng luật, nếu không đồng ý, em có thể vận động để đổi luật.
Hồ sơ đầy đủ của em phải được lưu trữ tại trường, thời hạn vĩnh viễn, em và cha mẹ có quyền xin mở xem bất cứ lúc nào, nếu không đồng ý, có quyền xin thay đổi. Đó là điểm học lực, hạnh kiểm, và những lời phê, sẽ theo em suốt đời.
Ồ, mỗi ngày các em phải chào cờ, tay để trên ngực hứa trung thành với quốc kỳ và cộng hòa mà nó tượng trưng. Lời hứa này đã trở thành một bài kinh mà em phải đọc thuộc mỗi sáng.
Sau khi ra trường lớp 12, em có quyền xin việc làm. Đa số các việc trong các cơ quan chính quyền, liên bang, tiểu bang, quận hạt, thành phố, đều có điều kiện tối thiểu là trình độ lớp 12. Chính phủ phải tạo công ăn việc làm, hoặc phải kích thích thị trường tạo ra công ăn việc làm cho những người trẻ này. Nếu không, học để làm gì?
Nhiều quốc gia kém phát triển, khuyến khích học sinh học cho giỏi, ra trường không có việc làm như Phi luật tân. Các y tá hoặc kỹ sư phải tìm cách vào Mỹ, làm những việc không ai muốn làm, hoặc đang cần.
Tóm lại, những ý niệm dân chủ (phát xuất từ Hy lạp), cộng hòa (phát xuất từ La mã), enlightenment, cách mạng, reformation, luật pháp, thuế má, được nói tới rất nhiều, và lập đi lập lại dưới nhiều hình thức, in sâu vào tâm khảm của mỗi công dân. Có làm có hưởng. Fair play. Một xã hội phải sinh hoạt rất nhịp nhàng trong các lãnh vực. Chính vì thế, mà giáo dục trở thành to lớn, một vấn đề của xã hội, một phần đời sống của xã hội. Người ta tin rằng, những gì đang xẩy ra ở High School hiện nay, vài năm nữa sẽ phổ thông ở đường phố. Biết trước, ta có thể chỉnh đốn ngay. Một trong những điều đó là Xã hội đang thiên quá nhiều về vật chất, chính các em sẽ sửa đổi, correct lại những sai lầm của xã hội này.
V. Các bài khác
Mùa tựu trường đã đến. Tôi ở giữa hai học khu khác nhau, và đang làm việc cho hai học khu rất khác nhau này. Học khu Santa Ana (SA), học sinh sẽ trở lại trường ngày mai. Và bên Garden Grove (GG), tuần tới học sinh mới trở lại trường. Trong khi ấy, toán là một trong 2 môn bắt buộc. Không đủ điểm, không ra trường.
Giữa rừng người ấy, học sinh cũng than, mà ông thầy dạy toán cũng than. Học sinh than rằng: học toán là vô ích, là không thực tế. Ông thầy thì than: học sinh chúng nó chẳng chịu học, mà đánh rớt chúng nó lại càng không thể được. Thế là, sắp sửa bắt đầu một cuộc giao đấu âm thầm giữa thầy và trò.
Bên SA, giao đấu có vẻ gay go hơn, 90% là học sinh Hispanic. Chúng biết rằng, thầy phải sợ trò, nên hưởng thụ càng nhiều. GG có nhiều học sinh VN. Các em ngoan hơn, cũng có thể là nhẫn nhục và chịu đựng hơn, dưới sức ép liên lỉ của cha mẹ và học đường.
Lockhart chỉ trích cái lối học và cách dạy nhồi sọ, từ chương và khoa bảng này. Học sinh SA đến trường với thái độ sống lạc quan và yêu đời, thầy cô thì không có khả năng lôi cuốn chúng, hoặc chưa biết thế nào để trình bày cái đẹp của toán học. Học sinh GG đến trường với tinh thần chấp nhận bị dồn ép dưới áp lực của những công thức và con số, rồi nhìn toán học như những con đường quanh quanh quẩn quẩn, mà các em phải tìm được lối ra.
Lockhart gọi đó là “toán học giả hiệu.” Tuy nhiên, chưa chắc ông có thể tránh khỏi phải đi vào con đường ấy. Chưa chắc ông có thể được tự do đi theo con đường nghệ thuật toán học của mình. Xã hội lúc nào cũng đòi hỏi phải gấp rút, nhất là ngày nay, không thể ngồi đó để thưởng thức câu hỏi: tại sao một với một là hai. Lý tưởng thì rất hay, nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Mặc dù thế, không phải không có những học sinh đang chọn cho mình một con đường vui – sống nhiều hơn học, học nhiều hơn là phí phạm thời giờ vô ích. Người ta chỉ có thể vừa sống nhiều, vừa học nhiều, vừa chơi nhiều, khi người ta biết tìm học những gì mình yêu thích.

*

Tôi sang Mỹ là một sự tình cờ. Nay, khi nợ đời gần xong, tôi có một lớp Việt ngữ mỗi sáng ngày thứ Bảy, thiện nguyện, nhưng mà vui. Tôi có vài suy nghĩ sau.
Mình nên phát triển những gì mình có, không cần chờ hoặc không cần phải áp dụng những lý thuyết xa vời, có khi thích hợp có khi không.
Mâu thuẫn thì đâu cũng có. Ở Mỹ lại càng nhiều. Nhưng, ngay từ nhỏ, các em đã học, không được kỳ thị, giữa đàn ông đàn bà, giữa con nít người lớn, da trắng da đen, giữa những người thờ chúa thờ phật… Trái lại, khoan hồng, quảng đại, và chấp nhận (tolerance).
Cộng đồng VN cũng có nhiều mâu thuẫn, nhất là về tôn giáo, chính trị – cả giáo dục nữa. Vấn đề không phải là mâu thuẫn, mà là do thiếu tolerance, không chấp nhận anh chị em mình. Bạn đọc những lời tôi viết – Mỹ thay vì Mĩ, nhưng vẫn chấp nhận. Đối với tôi, lý hay lí cũng chẳng sao.
Tôi không dám morale, chỉ xin đưa ra một ý nghĩ: Để dung hòa những mâu thuẫn đó, để gần nhau hơn, mình phải có một điểm chung. Đó là mẹ Âu cơ. Ngày xưa, đi học, người ta dạy tôi, Âu cơ là huyền thoại, là hoang đường, là không có thật. Ai lại đẻ ra trăm trứng?
Ngày thứ Bảy, tôi dạy các em, mẹ Âu cơ là có thật. Khoa học chứng minh như vậy. Em thấy không? Ai cũng có mẹ, gia tộc thì có bà mẹ lớn hơn, dòng họ thì có bà mẹ lớn hơn nữa… Người VN ta, bắt buộc phải có một bà mẹ, nhưng vì lâu đời ta không nhớ tên nên gọi mẹ là Âu cơ. Trăm trứng là để huyền thoại hóa người mẹ của mình, và để nói lên cái ý nghĩa “đồng bào” mà thôi.
Xin lỗi quý thầy cô vì đã đưa ra một ý nghĩ xem ra “ấu trĩ”, nhưng nó bao trùm cả một lý tưởng dân tộc, và tôi xem đó là bước đầu của vấn đề giáo dục vậy.
Phan Như Huyên
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Sáu, 06/09/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130906/thu-ban-docphan-nhu-huyen-mua-tuu-truong-da-den
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001