Việt Nam: Ai là người thay đổi cuộc chơi tham nhũng?
Hương Thị Lan Trần
Tôi
thường nghe mọi người nói rằng tham nhũng ở khắp nơi và chẳng thể làm
gì để thay đổi nó. Tôi đã từng tin vào điều này. Tôi còn nghe mọi người
nói rằng chống tham nhũng chỉ lãng phí thời gian mà thôi. Giờ thì tôi
không còn quan tâm tới những phát ngôn tiêu cực kiểu này nữa. Ai đã
khiến tôi thay đổi thái độ của mình? Chính là các bạn trẻ.
Tôi bắt đầu được khích lệ vài năm trước đây khi một số thành viên nữ của một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam có tên là Trung tâm Sống, Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (L&L) đưa ra ý tưởng về ‘một xã hội bền vững và minh bạch trong tay thế hệ trẻ’.
Như tên ý tưởng đã thể hiện khá rõ, những bạn trẻ này muốn kết nối
nhiều hơn với thanh niên, hướng dẫn cho họ về phát triển bền vững và
minh bạch, và về cách mà thanh niên có thể trở thành chất xúc tác cho sự
thay đổi và hướng tới một xã hội ít tham nhũng hơn. Đây là một trong
những ý tưởng được trao giải Ngày Sáng tạo Việt Nam 2009 với chủ đề Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng, do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ đồng tổ chức [1].
Theo
ý tưởng dự án này, L&L sẽ thiết lập và kết nối mạng lưới các nhóm
sinh viên và thanh niên (Thế Hệ Xanh, các câu lạc bộ tình nguyện, các tổ
chức thanh niên, chương trình Be Change Agents – Tác nhân thay đổi) ở
Hà Nội. Các nhóm này sẽ được cung cấp nhiều thông tin hơn về các vấn đề
phát triển như phát triển bền vững hay tham nhũng, cũng như trách nhiệm
của họ, và trên hết họ sẽ cùng hành động để xây dựng một xã hội không có
tham nhũng. Hành trình này đã không hề dễ dàng. Trong 6 tháng đầu tiên
triển khai dự án, L&L đã không thể tiếp cận nhiều trường đại học để
nói chuyện với sinh viên về minh bạch hay liêm chính, chứ chưa nói gì
đến tham nhũng. Ngay cả khi các trường đại học cởi mở với ý tưởng này
thì cũng không nhiều sinh viên tỏ ra quan tâm. Một số sự kiện chỉ có 8
người tham dự.
Tuy vậy, những bạn trẻ đã tham
gia các buổi hội thảo hay tập huấn của L&L về xã hội minh bạch và
bền vững đều thấy rất ấn tượng. Họ tiếp tục các hoạt động ươm mầm minh
bạch và gieo những hạt giống liêm chính ở các trường đại học sau đó. Họ
chia sẻ chủ đề này với các bạn cùng lớp và các thành viên câu lạc bộ của
mình. Có thêm nhiều trường đại học đón nhận ý tưởng này và thêm nhiều
câu lạc bộ thanh niên được thành lập. Ý tưởng này thực sự trở thành một
phong trào vào năm 2011 khi một số thành viên Be Change Agents – Tác
nhân thay đổi tại Hà Nội tập hợp lại và khởi động nhóm “Đen hay Trắng”
(BOW) để nâng cao nhận thức về trung thực và liêm chính. Với sự hỗ trợ
của L&L, các bạn đã liên kết với các tổ chức thanh niên ở các thành
phố khác để thực hiện chiến dịch ‘Sống thật’. Các hoạt động này đã thu
hút hơn 7.000 bạn trẻ ở các thành phố khác nhau tham gia. Từ chỗ chỉ có
một vài nhóm Be Change Agents – Tác nhân thay đổi ở Hà Nội có các hoạt
động về minh bạch và liêm chính, giờ đây mạng lưới này đã có tới 80 câu
lạc bộ tại 35 trên tổng sổ 63 tỉnh, thành ở Việt Nam, từ miền Bắc, miền
Trung cho tới miền Nam. Sử dụng các phương pháp học tập tương tác và đặc
biệt là truyền thông xã hội, các câu lạc bộ này tổ chức các buổi nói
chuyện thường kỳ, các diễn đàn và đối thoại trên mạng về minh bạch, liêm
chính và sống thật không chỉ cho giới sinh viên, mà còn chia sẻ với các
giáo viên và các nhà hoạch định chính sách địa phương.
Thật
tuyệt vời khi thấy những câu lạc bộ và những sinh viên do L&L hỗ
trợ cũng đã chung tay với các hoạt động tương tự khác, ví dụ như Dự án Giảng đường tươi đẹp, một dự án nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình Sáng kiến Phòng chống Tham nhũng Việt Nam (VACI, sáng kiến tiếp nối thành công của VID 2009) hay Youth Box Channel .
Cả hai hoạt động này đều nhằm thúc đẩy một môi trường giáo dục minh
bạch và công bằng. Khi mạng lưới mở rộng ra, ngày càng có nhiều sinh
viên và thanh niên bắt đầu nói về và tham gia vào các nỗ lực phòng chống
tham nhũng, và hàng nghìn người trong số họ đã tham gia tích cực và cam
kết sống liêm chính. Trước đây họ đưa phong bì cho giáo viên trước kỳ
thi, chỉ đơn giản ‘vì những bạn khác làm thế’, giờ thì họ không còn làm
như vậy nữa. Trước đây họ vi phạm luật giao thông và hối lộ cảnh sát để
tránh bị phạt, giờ họ đã hiểu trách nhiệm của mình và tuân thủ luật giao
thông.
“Thay đổi bắt đầu từ chính bản thân
bạn và bạn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ - hãy trung thực với bản
thân mình và người khác,” Bùi Thị Mỹ Yến, một thành viên của nhóm Đen hay Trắng nói.
Với
54% dân số là dưới 30 tuổi, trên thực tế, thanh niên chính là những
nhân tố thay đổi cuộc chơi để hướng tới một xã hội ít tham nhũng hơn nếu
như họ bắt đầu nói không với tham nhũng. Theo một nghiên cứu xã hội học gần đây về tham nhũng
do Ngân hàng Thế giới, Thanh tra Chính phủ và các đối tác phát triển
khác thực hiện, thường thì đa số các doanh nghiệp và người dân đã hối lộ
ngay cả khi không bị yêu cầu. Nếu văn hóa liêm chính được thế hệ trẻ
ngày nay nuôi dưỡng, tham nhũng sẽ không còn được nuôi dưỡng trong tương
lai.
Phòng chống tham nhũng không chỉ là việc
đuổi bắt những kẻ tham nhũng do các cơ quan phòng chống tham nhũng chịu
trách nhiệm, mà còn là phát triển một văn hóa không khoan nhượng với
tham nhũng và mọi người đều có vai trò, trách nhiệm của mình. Thật thú
vị khi thấy thế hệ trẻ ước mong, hành động và đòi hỏi một xã hội trong
sạch và công bằng, và qua đó, tạo cảm hứng cho lớp người không còn trẻ
nữa hành động tương tự. ‘Chúng tôi có sự hỗ trợ của gia đình, và xã hội rồi sẽ ủng hộ chúng tôi’, Khổng Thúy Mỹ, một thành viên câu lạc bộ Be Change Agents – Tác nhân thay đổi phát biểu.
Được truyền cảm hứng từ các bạn trẻ, tôi có một giấc mơ. Giấc mơ về một Việt Nam minh bạch!
Liên quan: Xem video: Hơn 100 sinh viên Hà Nội tham gia nhảy flash mob để thể hiện sự ủng hộ với minh bạch..
[1]
Ngày sáng tạo Việt Nam là một chương trình hỗ trợ sáng kiến cạnh tranh ở
Việt Nam để tìm và hỗ trợ những đề án phát triển sáng tạo ở giai đoạn
khởi đầu và có tiềm năng được mở rộng và/hoặc sao chép lại, đồng thời
cũng có tiềm năng tạo nên ảnh hưởng trong lĩnh vực phát triển. Chương
trình này được tổ chức hai năm một lần với các chủ đề khác nhau. Chương
trình được kế thừa từ Hội chợ phát triển toàn cầu của Ngân hàng Thế giới nhằm biến các ý tưởng sáng tạo thành hành động.
H.T.L.T.
Nguồn: blogs.worldbank.org
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:51
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/09/viet-nam-ai-la-nguoi-thay-oi-cuoc-choi.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001