Bùi Văn Nam Sơn - Giáo dục: Một nhân quyền cơ bản
Bùi Văn Nam Sơn
Lời dẫn Cùi Các: Tôi tình cờ gặp ông - triết gia Bùi Văn Nam Sơn khi cánh cửa thang máy của trường Đại học KHXH&NV mở ra. Ngay lập tức tôi nhận ra ông dù đây là lần đầu tiên tôi được gặp ông. Khi đó tôi đang đi lên, còn ông đang đợi đi xuống, nhưng tôi liền quay đầu ngược trở xuống để được đi cùng với ông, tranh thủ trải nghiệm một chút cảm giác "theo chân triết gia lữ hành" khét tiếng này.
Qua vài phút trò chuyện ngắn ngủi, tôi nhận ra rằng ông là người rất dễ gần gũi vì sự dí dỏm, nói chuyện dễ nghe, dễ hiểu và dễ hấp thụ.
Nó xua tan cảm giác trước đây của tôi đối với dân triết gia là hay "màu mè hoa lá hẹ" và thường ở "xa tít trên mây", và hay sợ những đặc tính thường có của mấy ông dạy triết học Mác-Lênin là thường... "chơi không vô".
Không biết có phải vì trong tôi đã có ý niệm ông là triết gia trước đó, nên mỗi câu nói của ông, dù là bông đùa nhưng buộc tôi phải suy ngẫm, hay là vì tôi "sùng" ông như một tượng đài trí thức lẫm liệt, mà cố gắng nuốt từng câu từ khi ông nói ra...
Lần thứ hai tôi gặp ông, khi tôi chủ động "mò" vào lớp Triết học của ông đang giảng dạy. Tại đây, tôi khá ấn tượng vì cách học ở đây. Nói là học theo cách hiểu phổ thông thì cũng không đúng, vì mọi người ngồi lại với nhau để trao đổi và tranh luận thì đúng hơn. Dường như bằng cấp là thứ mà ở đây bị xem như vô nghĩa, khi những người ngồi nghe ông giảng có đầy đủ thành phần, từ một anh chị Sinh viên chưa ra trường, cho đến Thạc Sỹ, và cả Tiến Sỹ tranh luận tay đôi với nhau.
Nhưng trong họ có một đặc điểm chung, luôn vây quanh lấy ông và tôn vinh ông. Đơn giản cũng vì, họ xem ông không chỉ là một người thầy rao giảng tri thức thuần túy, mà xem ông như là một gã khổng lồ về mặt tri thức mà ai cũng khát khao xô ngã. Và điều quan trọng hơn, họ xem ông như là người tiên phong mang cả hệ thống triết học Phương Tây về Việt Nam nhằm phục vụ cho con đường khai minh dân tộc.
Tất nhiên, ở một nơi mà nhà cầm quyền chỉ muốn "duy trì và kiên định lập trường của Chủ nghĩa Mác-Lênin" thì công cuộc khai minh bằng triết học Phương Tây của ông, dù chỉ dựa vào tri thức khoa học kinh điển, tất nhiên cũng sẽ phải gặp nhiều khó khăn.
Như trước đây, báo Sài Gòn Tiếp Thị đã dành hẳn cho ông một chuyên mục riêng để ông có thể "trò chuyện triết học", với những câu chuyện gần gũi đi vào đời thường, đã mở ra một kho tàng tri thức từ cổ chí kim được bạn đọc hân hoan đón nhận. Thế nhưng sau khi đăng được 92 kỳ, chuyên mục của ông trên tờ báo này đột ngột đóng cửa, với một câu nói nổi tiếng của một vị quan chức cho biết: "Báo Tiếp thị mà toàn đi bàn chuyện triết học(?)!".
Dù khó khăn như vậy, nhưng ông vẫn miệt mài, tâm huyết và say mê theo đuổi công việc khai minh của mình. Giống như tôi đã được được nghe nhà giáo Phạm Toàn đã từng nói: "người trí thức, hãy liên tục làm và làm, đừng nghĩ tới kết quả có thành công hay không."
Câu nói này mang lại cho tôi cảm giác thật đúng trong trường hợp của ông. Tôi không biết con đường khai minh của ông đến bao giờ thì đến đích, có mang lại kết quả mà ông mong đợi hay không. Nhưng trước mắt ông vẫn tận tụy, vẫn đi "gieo hạt" mỗi ngày bất kể trời nắng hay trời mưa. Dù trong bất cứ môi trường và hoàn cảnh nào nào, ông vẫn liên tục làm và làm... vẫn tất bật với việc "ngồi xe buýt hàng ngày, lang thang trên khắp ngõ ngách "rải truyền đơn"... khai minh.
Những ai "nhặt" được "truyền đơn" của ông, họ có thể xem ông là một nhà quân sư chính trị hay một nhà giáo dục, hoặc cả hai. Điều này tùy thuộc vào cách nhận định riêng của mỗi người khi tiếp thu các giá trị tri thức của ông. Riêng tôi, tôi xem ông như một "đại sư phụ" của mình, ông đã chọn con đường giáo dục, bằng tri thức và tấm lòng, ông đã góp phần đặt nền tảng của sự khai minh cho những thế hệ sau này.
Và trong tôi đã nảy nở, cũng như có thể trưởng thành được cũng từ sự ươm mầm của ông. Và từ đó tôi xem ông là một người Thầy! Một người Thầy trong rất nhiều người Thầy vĩ đại của tôi, đang theo đuổi con đường khai minh dân tộc.
Bùi Văn Nam Sơn - Giáo dục: Một nhân quyền cơ bản
"Không nên để học vấn mãi làm người khách trọ. Hãy cử hành hôn lễ với chàng (nàng) thôi!". Lời khuyên ấy của De Montaigne (1533-1592), nhà hiền triết người Pháp, dẫn đến lời khuyên tiếp theo của cụ Nguyễn Du: "Trăm năm tính chuyện vuông tròn/phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông".Câu chuyện giáo dục - mở đầu cuộc Trò chuyện triết học dang dở và... bất tận, nay được hân hạnh tái ngộ bạn đọc - sẽ thử làm công việc ấy một cách thật khái quát, góp phần vào nỗ lực suy nghĩ và thảo luận chung về vấn đề giáo dục đầy bức xúc.
KHẢ THỂ CỦA MỘT "QUYỀN TỰ NHIÊN"
Trước khi đi tìm "ngọn nguồn lạch sông" của vấn đề giáo dục về cả hai phương diện: phương diện lịch sử (các chủ thuyết hay các triết học giáo dục tiêu biểu) và phương diện hệ thống (các khái niệm "nền tảng" của giáo dục), hãy thử đặt giáo dục vào đúng "cương vị" của nó: như môt nhân quyền cơ bản.Điều 26 của Tuyên Ngôn Phổ Quát về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc ngày 10.12.1948 đã trịnh trọng khẳng định:
"1. Mọi người đều có quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học phải là bắt buộc, Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phải đến được với mọi người, và giáo dục đại học hay cao hơn phải theo nguyên tắc công bằng cho bất cứ ai có khả năng.Cùng với quyền được hưởng giáo dục vừa nói, các quyền về lao động, nghỉ ngơi, giải trí, an toàn và an sinh xã hội cũng được lần lượt nêu đầy đủ từ các Điều 22 đến 26. Vài nhận xét:
2. Giáo dục nhằm giúp con người phát triển đầy đủ về nhân cách và thúc đẩy sự tôn trọng các nhân quyền và các tự do cơ bản của con người. Giáo dục cũng phải nhằm tăng cường sự hiểu biết, lòng khoan dung và tình hữu nghị giữa tất cả các dân tộc, các nhóm chủng tộc hay tôn giáo, cũng như phải nhằm đẩy mạnh các hoạt động của Liên Hợp Quốc về duy trì hòa bình.
3. Cha mẹ có quyền ưu tiên lưa chọn các hình thức giáo dục cho con cái họ."
- Chỉ được gọi là nhân quyền cơ bản khi con người sở hữu nó chỉ vì họ là... con người, nghĩa là, thuộc về con người mọi lúc và mọi nơi. Quyền ấy được "tự nhiên ban cho", nhờ thế, có cương vị của một "quyền tự nhiên". Liên Hợp quốc hoàn toàn có lý khi gọi bản tổng hợp này là "Tuyên Ngôn", chứ không phải Công ước hay Thỏa ước v.v.. Chúng có tính ràng buộc mà không cần thỏa thuận. Chúng có giá trị hiệu lực trước và độc lập với mọi sự đặt định. Vì thế, chỉ cần "tuyên bố" mà không cần "quyết nghị". Một "Công ước" hay "Hiệp ước" về nhân quyền là một sự mâu thuẫn nội tại! Cách dịch quen thuộc Tuyên Ngôn quan trọng này ra tiếng Việt thành "Tuyên Ngôn quốc tế về nhân quyền" dễ dẫn đến sự ngộ nhận vừa nói, bởi không làm nổi bật tính "phổ quát" ("universal") đúng theo tinh thần và lời văn chính thức của Tuyên ngôn.
- Nhiều quyền xã hội được nêu trong các điều trên (chẳng hạn quyền lao động, nghỉ ngơi, giải trí, an sinh…) là rất quan trọng, cần được bảo vệ. Nhưng, liệu chúng có quyền yêu sách là thuộc cương vị những nhân quyền phổ quát? Thắc mắc ấy chính đáng, bởi chúng phụ thuộc vào các điều kiện xã hội nhất định, không "phổ quát" (chẳng hạn, quyền lao động, và cùng với nó, là quyền nghỉ ngơi, giải trí, an sinh.., chỉ có ý nghĩa trong xã hội có lao động làm thuê v.v..). Chúng quan trọng, nhưng không… tuyệt đối, không phải do "tư nhiên ban cho", trái lại thuộc về pháp luật thực định. Thực tiễn chính trị đã nhận ra điều ấy, và không phải ngẫu nhiên khi chúng được gọi là "quyền", thay vì "nhân quyền" khi được đưa vào các "Công ước quốc tế" về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên Hợp Quốc ngày 19.12.1966.
- Ngoại lệ ở đây chính là quyền được hưởng giáo dục như một nhân quyền cơ bản đích thực! Biện minh cho điều này thật không dễ dàng và vượt ra khỏi khuôn khổ câu chuyện của chúng ta, vì phải chứng minh được hai điểm rất khó: quả có nhân quyền tự nhiên cơ bàn, và giáo dục là một trong những quyền ấy!
HÀI HÒA CÁC MỤC ĐÍCH: HẠT NHÂN CỦA GIÁO DỤC
Bảo quyền tự nhiên là dựa vào "ý Trời" sẽ khó thuyết phục với người không có tín ngưỡng. Bảo nó là "sự kiện hiển nhiên" không cần và không thể chứng minh (như quan niệm nổi tiếng của Kant về "mênh lệnh nhất quyết": khác với châm ngôn chủ quan, mệnh lệnh nhất quyết về luân lý là khách quan: "Hãy hành động sao cho châm ngôn chủ quan của bạn lúc nào cũng có thể trở thành một quy luật phổ quát") thì có vẻ chưa đủ vì chưa cho thấy sự tất yếu tại sao tôi phải tuân thủ nó. Khó thật, nhưng ít ra phải thừa nhận sự tất yếu rằng tự do của ta không phải vô giới hạn: thứ nhất là tất yếu tự nhiên vì tôi không thể tàng hình đến thăm bạn được, và thứ hai là tất yếu lôgíc khi không thể vừa muốn ăn vừa muốn giữ lại miếng bánh ngọt! Nghĩa là, ta tất yếu phải... muốn một số điều nhất định thôi, bởi hai sự tất yếu trên đây không cho ta có lựa chọn khác. Trong số các điều... "muốn" ấy, có các quyền cơ bản. Tại sao?Thưa, vì ai ai cũng muốn đạt được những mục đích của mình. Mục đích khác với mong ước, vì mục đích, về nguyên tắc, không thể bất khả thi. Nó đòi hỏi phải tìm ra và sử dụng những phương tiện thích hợp, kể cả và nhất là để loại bỏ những trở ngại (muốn vào nhà, phải mở cửa!). Ta không thể đồng thời theo đuổi những mục đích trái ngược nhau đã đành, mà cũng không thể biết hết mục đích của những người khác. Cách duy nhất để tránh xung đột là phải có những quy tắc chung đảm bảo sự hài hòa phổ quát về các mục đích, khiến ta có thể nêu thành công thức: ai ai cũng muốn có sự hài hòa về mục đích theo những quy tắc chung. Từ đó mới có Ý niệm về (pháp) quyền, về (pháp) quyền khách quan và (pháp) quyền chủ quan.
Muốn chứng minh một quyền là nhân quyền cơ bản, ta phải chứng minh rằng thiếu nó sẽ không thể có sự hài hòa phổ quát về mục đích (đó là lý do một số quyền kinh tế, xã hội không hoàn toàn là những quyền cơ bản). Sự hài hòa ấy cũng không thể đạt được bằng cưỡng bách, nếu không muốn chỉ có sự hài hòa giả tạo, bề ngoài.
Vậy, chỉ có giáo dục mới góp phần thực hiện được sự hài hòa đích thực, qua hai bước khai minh: - dù có ý thức hay không, con người mặc nhiên muốn có sự hài hòa về mục đích (với mình và với người khác); - thấy rằng bạo lực, kỳ cùng, không thể mang lại sự hài hòa đích thực và lâu bền.
Từ đó, có thể phát biểu mục tiêu cơ bản của giáo dục theo tinh thần của Tuyên Ngôn, nhất là khoản 2, điều 26 với tư cách một nhân quyền cơ bản như sau:
Mọi người đều có quyền được hưởng giáo dục để giúp họ có thể thấu hiểu ý niệm về (pháp) quyền và nhận ra rằng bạo lực không phải là phương tiện thích hợp để đạt được những mục đích của mình.
Triết học phát triển những phương pháp để đặt cơ sở hoàn toàn thuần lý cho các chuẩn mực đạo đức và pháp quyền, vì thế, đã và sẽ luôn có mặt trong mọi nghị luận về giáo dục.
Bùi Văn Nam Sơn
Nguồn:Người Đô Thị, Bộ mới, số 1, 18.09.2013. Phiên bản điện tử do tác giả gửi cho triethoc.edu.vn
Admin gửi hôm Thứ Tư, 20/11/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131120/bui-van-nam-son-giao-duc-mot-nhan-quyen-co-ban
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001