Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Nguyễn Xuân Diện: TƯỞNG NHỚ HAI NGƯỜI THẦY ĐÃ ĐI XA

Nguyễn Xuân Diện: TƯỞNG NHỚ HAI NGƯỜI THẦY ĐÃ ĐI XA 


Nguyễn Xuân Diện: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôimuốnchia sẻ với chư vị hai bài viết về hai người Thầy đã quá cố của tôi: Thầy Bùi Duy Tân - Giáo sư hướng dẫn luận án Tiến sĩ của tôi, mất ngày 31.10.2009, và Thế Mạc (Kiều Thể) - Thầy giáo dạy văn của tôi trong thời gian tôi ôn thi vào Tổng hợp Văn, mất ngày 31.12.2010.  Hai bài viết dưới đây, tôi đặt bút viết ngay khi vừa được tin các Thầy tạ thế.

Bùi Duy Tân và Thế Mạc là hai người thầy có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của tôi.  Nhân ngày này, con xin dâng hai Thầy nén tâm hương tưởng niệm cùng lời cầu chúc các Thầy mãi mãi thanh thản cõi vĩnh hằng!
___________________
GS cổ văn Bùi Duy Tân đã về với cổ nhân
GS. Nhà giáo Nhân Dân Bùi Duy Tân, một trong những chuyên gia đầu ngành về văn học cổ Việt Nam vừa trút hơi thở cuối cùng lúc 5h15 phút, ngày 31 tháng 10 năm 2009 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội.
Sinh ngày 20.10.1932, tại huyện Kim Bảng, Nam Hà, GS. Bùi Duy Tân là một nhà giáo giàu kinh nghiệm, với trên 40 năm chuyên nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XVIII, GS Bùi Duy Tân được giới học thuật trân trọng đánh giá là một trong những chuyên gia lão thành về lĩnh vực này. Với trên 20 cuốn chuyên khảo đã xuất bản từ năm 1964 cho đến trước khi trái tim ngừng đập, Bùi Duy Tân đã đi trọn một hành trình tìm kiếm những giá trị vĩnh hằng mà cổ nhân gửi gắm cho hậu thế qua những áng văn chương. Hành trình tìm kiếm bền bỉ và đầy trân trọng của ông như đã được cổ nhân tiếp sức và đền công trên mỗi trang, mỗi dòng viết. Hàng loạt tác gia văn học cổ đã được ông tìm đến, lật từng trang cổ thi, với sự tra cứu tỷ mỷ và với tấm lòng ngưỡng mộ cổ nhân, ông đã đưa ra những kiến giải, nhận định mới, khiến các bạn bè trong giới phải ghi nhận. Đó là Sái Thuận, nhà thơ lớn đất cổ Kinh Bắc, là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, là Diên Hà Lê Quý Đôn, là Ức Trai Nguyễn Trãi, Nguyễn Bảo, là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, là hoàng đế Lê Thánh Tông, Thư Hiên Nguyễn Tông Quai…Bùi Duy Tân viết không nhiều. Ông cũng không viết nhanh. Nhưng mỗi trang viết của ông đều chứa chất trong đó những suy ngẫm về cổ nhân, và thấm đẫm sức lao động miệt mài của một nhà khảo cứu tâm huyết. Ông viết như trò chuyện với người xưa, như một tri ân với những người hiền thuở trước. Văn chương cổ là thứ văn chương chở đạo – đạo của người quân tử. Tìm hiểu, nghiên cứu, nghiền ngẫm, noi dõi văn chương của người xưa, với Bùi Duy Tân chính là cách học theo đạo của người quân tử.
GS Bùi Duy Tân luôn luôn mong muốn mọi người và nhất là học trò của mình hiểu đúng người xưa. Ông kiên trì với việc trả lại sự thật lịch sử cho tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà. Ông chứng minh bằng hàng chục thư tịch cổ và truyền thuyết để thấy rằng tác giả bài thơ này là vô danh chứ không phải của Lý Thường Kiệt như nhiều người vẫn nghĩ. Và ông khẳng định đây là hiện tượng sáng tác tập thể về đề tài đất nước, khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc. Bùi Duy Tân đã đưa ra cách hiểu đúng duy nhất với câu thơ của Lê Thánh Tông viết về Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”, trước đây vẫn được dịch và hiểu là: “Ức Trai lòng sáng như sao Khuê”, nay, nên được dịch và hiểu là: “Lòng Ức Trai rạng tỏa văn chương”(do chữ Khuê là tên ngôi sao biểu tượng văn chương, Tảo là loài rong biển, có nghĩa rộng là màu vẻ đẹp đẽ).
GS Bùi Duy Tân đã đào tạo được nhiều học trò giỏi. Ông hướng dẫn thành công 6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Các học trò của ông vẫn đang noi theo chí của ông, đều đang trên hành trình tìm kiếm những giá trị vĩnh hằng mà cổ nhân đã nặng lòng gửi gắm. GS. Bùi Duy Tân vẫn thường nói với học trò mình rằng, mỗi khi ngồi vào bàn viết, khi đặt bút viết là phải như thấy người xưa (và cả các học giả nghiêm cẩn đời nay) đang dõi theo từng câu văn, từng nhận định của mình. Khi ấy, mỗi lời văn, mỗi nhận định cần phải khách quan và nghiêm cẩn.
Xin kính chúc Thầy ngàn thu thanh thản yên nghỉ giữa vùng non nước sông Châu núi Đọi yên bình, cùng những người hiền thưở trước. Và xin nguyện mỗi lần ngồi vào bàn viết là như thấy Thầy đang dõi theo mỗi trang chữ, dòng văn…

Chu Thần Cao Bá Quát đã đón thi sĩ Thế Mạc lên tiên giới

Thầy tôi, Thi sĩ Thế Mạc vừa tạ thế cách đây vài canh giờ. Ông tên thật là Kiều Thể, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1934. Quê quán làng Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Xuất thân từ gia đình Nho học, cha của Thế Mạc là một nhà Nho tài tử có ảnh hưởng lớn đến phong cách của ông.

Thế Mạc tốt nghiệp khoa Văn khóa 1, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1959, cùng khóa với các GS. Nguyễn Huệ Chi và Phong Lê. Ra trường, ông xung phong đi Tây Bắc và hăm hở cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người ở miền ngược đầy gian khó. Ông dạy học tại các trường Trung học và Sư phạm tại miền núi Tây Bắc, Hòa Bình, Sơn Tây. Thế Mạc từng là cán bộ của Viện Nghiên cứu Giáo dục, Viện Giáo dục Dân tộc. Ông say mê nghiên cứu chữ dân tộc, làm thơ, viết kịch, bình luận văn học.

Bút danh Thế Mạc của ông bắt đầu có từ khi ông “hạ sơn” về dạy học ở Quốc Oai, nơi mà thi sĩ Chu Thần Cao Bá Quát làm Huấn đạo phủ Quốc Oai (như chức Trưởng phòng Giáo dục hiện nay). Họ Cao có bài ca trù “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn”: 

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu hư châu

Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng mệt
Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt
Kho trời chung và vô tận của mình riêng
Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng
Ai thành thị mặc ai miền lâm tẩu
Gõ dịp lấy đọc câu Tương Tiến Tửu
Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai
Làm chi cho mệt một đời. 

Diễn nghĩa nôm na rằng:  

Chuyện đời lên hay xuống, xin anh chớ hỏi
Kìa, giữa khói sóng thăm thẳm kia, có một con thuyền hư vô
Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Đem mộng và so với thực thì rất giống nhau
Chỉ có gió mát trên sông, cùng với trăng soi khắp núi
Kho trời là của chung, mà việc hưởng thụ thì là của riêng mình thôi
Sự đời mặc kệ ông Trời
Ai thành thị cũng kệ, Ai ở miền rừng núi cũng kệ
Hãy gõ nhịp đọc mấy câu Tương Tiến tửu (Sắp mời rượu) của Lý Bạch
Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai
(Anh thấy không nước sông Hoàng Hà từ trên trời đổ xuống)
Làm gì nữa, cho mệt đời!

Thế Mạc là hai từ được rút ra từ câu thơ “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn” của Chu Thần Cao Bá Quát.

Thế Mạc đọc nhiều. Ông đọc khắp triết học và văn học cổ kim đông tây, và chính điều đó tạo nên phong cách của ông – một học giả uyên bác lặng lẽ sống giữa cuộc đời. Nguyễn Quang Thiều đã viết về Thế Mạc rằng: “Ông là một người lạc vào thành phố nơi chúng ta sống trong bụi, tiếng gầm rú của xe cộ, những quán bia bừa bộn, sự mệt mỏi và nỗi cô độc. Thế Mạc cũng sống trong thành phố. Có thể ông cũng chấp nhận thành phố như chúng ta đang chấp nhận. Nhưng sự chấp nhận của hầu hết chúng ta mang gương mặt hòa bình. Sự chấp nhận của Thế Mạc nhìn thật tội nghiệp, thật lẻ loi và ngơ ngác”.

Ông đọc nhiều nhưng viết không nhiều, nhưng thơ ông là thơ của một nhà hiền triết vì sự đa nghĩa và hàm ẩn. Quê nhà của thi sĩ Thế Mạc nằm ngay dưới chân núi Chùa Tây Phương danh tiếng, nơi mà Cát Hồng đời Tấn sang luyện đan sa cầu trường sinh bất lão. Sông Đáy cứ chậm nguồn qua Phủ Quốc - nơi la liệt thập bát tú sơn (18 ngọn núi đẹp). Nơi đây có Sài Sơn, ngọn núi thiêng bên dưới có chùa Thầy thờ Thánh Từ Đạo Hạnh thần thông biến hiện giữa một vùng non nước hữu tình. Này là Tản Lĩnh – Đà Giang hùng vĩ. Và mây trắng xứ Đoài thành loài mây biểu tượng. Tất cả đã đi vào thơ Thế Mạc lâng lâng như khói như sương. “Thi ca là cuộc trò chuyện đơn độc của Thế Mạc (hữu hạn) với Thời gian (vô hạn)” (Nguyễn Quang Thiều). Thơ của Thế Mạc là thứ thơ mã hóa cảm xúc bằng các biểu tượng thơ, “biểu đạt bằng biểu tượng”(chữ của Dương Kiều Minh).

Với núi Tản sông Đà linh thiêng và hùng vĩ, hai bậc tiền bối là Tản Đà và Quang Dũng đã nắm bắt cái hồn, thì Thế Mạc đã nắm bắt được cái vía, cái linh của cỏ cây, đầm hồ, núi vực, đền đài…

Thế Mạc vào Hội Nhà văn năm 2005. Ông có các tác phẩm chính đã xuất bản: Thơ:  Hồ (1994); Nguồn (1998); Trường ca Núi Tổ, Phùng Hưng đánh hổ, Đồi Hổ Gầm, Thơ – Thế Mạc.  Văn xuôi: Truyện Ao Vua; Truyện Đồng Mô; Nét quê. Kịch: Lò thúc mầm, Dưới chân núi Ba Vì, Tiếng đàn trên đỉnh núi, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, và các kịch ngắn khác. Lý luận phê bình: : Phê bình thơ, tiểu luận. Giải thưởng Văn học: Giải thưởng báo Văn nghệ năm 1960, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Trãi lần thứ nhất và thứ hai, Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 1994.

Với tôi, tôi có may mắn được là học trò của ông. Và chính ông đã khai tâm cho tôi đi vào văn chương và học thuật. Tôi học cấp III ở Sơn Tây. Một ngôi trường khang trang nằm ngay bên hào nước của tòa thành cổ. Tòa thành cổ soi bóng trầm mặc trên hồ nước xanh lặng lẽ. Những tán bàng cành lá giao nhau che rợp những phố xá của một thị xã yên bình và che rợp suốt thời hoa niên của chúng tôi. 

Và tôi mãi nhớ những kỷ niệm trong lớp học Văn của Thầy Thế Mạc. Trong một chiều muộn, nắng vàng lưng dậu, trong một ngõ nhỏ gần trường, thầy Thế Mạc kể cho chúng tôi nghe chuyện ông cụ thân sinh của thầy. Chuyện rằng, vào những đêm trăng thanh gió mát, ông cụ vẫn thường cùng các bạn văn chương và các đào kép ca trù xuống một con thuyền nhỏ để thưởng nguyệt và nghe hát. Và thế là, trong những đêm trăng vàng trên sông Đáy, trên một chiếc thuyền nan, các khách văn nghe những bài hát ả đào như Tỳ bà hành, Hồng Hồng Tuyết Tuyết, Tương tiến tửu…Thầy Thế Mạc còn minh họa cho chúng tôi nghe câu hát trong bài Tỳ Bà hành “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách”, với chữ “khách” hát rất đặc biệt. Sau này, vào đại học, tôi biết đó là nghệ thuật hát ả đào. Và tôi đã để tâm tìm hiểu về ca trù (ả đào) từ đó. Thầy Thế Mạc còn dạy cho tôi những bài Thơ Đường (từ quyển sách dịch Đường thi gáy da đã sờn). Những dẫn dắt của Thầy Thế Mạc, đối với tôi đó là những bài học khai tâm về văn chương và học thuật. Lúc ấy, khi đang là học trò cấp III, mà thầy ra cho riêng tôi một đề bài là: Hãy viết về cảm hứng nỗi đau trong văn học Việt Nam (thời hạn nộp bài và số trang tùy ý). Cậu bé tôi lúc ấy đã phải khóc bao nhiêu lần khi viết bài đó trong 3 tháng, khi chứng kiến bao số phận con người trong các tác phẩm văn chương. Ngay lúc bấy giờ, mà Thế Mạc tiên sinh đã bắt tôi trích dẫn trong ngoặc kép và dẫn nguồn như là các nhà nghiên cứu viết chuyên khảo. Tất cả đã được Thầy nhen nhóm lên trong tôi, từ thưở ban đầu tìm đến với văn chương.


Sau này, khi vào học khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội, năm nào tôi cũng viết một tiểu luận về ảnh hưởng của Thơ Đường đối với thơ Việt. Tôi bắt đầu tìm hiểu về ca trù từ những năm cuối của Đại học. Tháng 3 năm 2007, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về ca trù và sau đó đã xuất bản thành sách Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù. Trong cuốn sách ấy, có lời tri ân của tôi đối với Thầy Thế Mạc: “Tôi xin tri ân những dẫn dắt khai mở đi vào học thuật và lòng yêu cổ văn, thơ Đường, và đặc biệt là ca trù từ 20 năm về trước của Thầy Thế Mạc (Kiều Thể), giáo viên dạy Văn ở thị xã  Sơn Tây, cựu sinh viên Khoa Ngữ văn khóa 1, Đại học Tổng hợp Hà Nội”.

Thầy ơi, vậy là thầy bỏ tất cả mấy anh em chúng con: Chu Hồng Tiến, Nguyễn Xuân Diện, Đỗ Doãn Hoàng, Đỗ Doãn Phương, Vũ Lâm, Bế Kim Loan…Thầy bỏ tất cả bạn văn Xứ Đoài mà đáp bằng câu “thế sự thăng trầm quân mạc vấn” ư? Chỉ còn thêm vài canh giờ nữa là đến 1.1.2010 Thầy tròn 76 tuổi xuân mà!

Thương ôi! Xứ Đoài còn một nhà hiền triết mà nay đã hạc nội mây ngàn!
Chu Thần Cao Bá Quát nhất định ghé con thuyền hư huyễn đến đón thầy đi vào nơi khói sóng thăm thẳm rồi ư?
Hỏi không nói, chỉ tay về phía ấy.
Mây lâng lâng trôi dạt cuối trời xa…

Hà Nội đêm cuối năm 2009
Học trò của Thầy: Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện



Được đăng bởi Tễu vào lúc 22:30
nguồn:http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/11/hai-nguoi-thay-qua-co-cua-toi.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001