Franz Oppenheimer - Giá trị và Giá trị thặng dư
Thành viên "Bằng" của DL chuyển ngữ
Franz Oppenheimer (1864-1943) - Bác sĩ, tiến sĩ
y khoa, Giáo sưu tiến sĩ xã hội học, nhà kinh tế học người Đức, người
theo chủ nghĩa Zion. Ông là nhà xã hội học duy nhất của Đức cho đến nay
được in hình lên tem thư.
Bài viết được công bố lần đầu trong scientia, Tạp chí quốc tế Khoa học
tổng hợp, phần 1: quyển 2, trang 209-228, phần 2. quyển 3, trang
392-401, năm thứ 7, Tập 13, Bologna, Leipzig và những người khác 1913.
Tóm tắt: Một trong những vấn đề cơ bản của lý
thuyết kinh tế đó là việc xác định giá trị của hàng hóa và dịch vụ (Học
thuyết về giá trị), không có sự diễn giải về tính công bằng trong quá
trình trao đổi và về giá cả trong lý thuyết thị trường, lý thuyết phân
phối và độc quyền sẽ không làm được điều này. Công thức của Marx đưa
ra,nói rằng giá trị của sản phẩm chính bằng thời gian lao động được vật
thể hóa trong nó (lý thuyết giá trị chủ quan) theo Oppenheimer đó là một
cấu trúc hỗ trợ có thể chấp nhận được, tuy nhiên nếu khái quát hóa nó
cho mọi trường hợp như Marx đã làm thì không đúng. Chính vì thế mô hình
ngược lại với cách tiếp cận của Marx như được mô tả trong thuyết giá trị
chủ quan của các nhà lý thuyết giá trị cận biên không chỉ là hậu quả
logic duy nhất có thể. Oppenheimer đã giải quyết mới lại vấn đề giá trị
từ nền móng trở đi, bằng cách ông ta dùng đơn vị "công lao động trung
bình có trình độ" để đo "công lao động tiêu tốn dùng để tạo ra thứ có
giá trị", nghĩa là lao động có trình độ cao thấp khác nhau sẽ được đánh
giá khác nhau, và bằng cách xác định những biến số tham gia gây nên sự
biến động lên xuống của giá thị trường sản phẩm lao động trong điều kiện
cạnh tranh tự do so với lượng lao động tiêu tốn phát sinh một cách
khách quan.
Phần thứ nhất: Lý thuyết "Độc quyền" về giá trị thặng dư
Nền kinh tế xã hội phát triển, xoay quanh một thị trường đó là một nền kinh tế mang tính hợp tác, có nghĩa là một nền kinh tế hoạt động trong sự phân công lao động và hợp nhất. Nó thể hiện ở chỗ, mỗi một thành viên của nền kinh tế xã hội sẽ đem vào thị trường những thứ được bỏ công làm ra, [tức là] "thứ có giá trị", để bán chúng cho những thành viên khác của xã hội có nhu cầu; với số tiền thu được anh ta sẽ mua những thứ có giá trị khác mà bản thân anh ta có nhu cầu.
Ở đây chúng ta sẽ thống nhất với nhau, rằng ta gọi công việc đem vào thị trường là "sản xuất", gọi cái được đem vào thị trường là "sản phẩm" và gọi người đem nó vào thị trường là "nhà sản xuất". Điều này đúng với nghĩa đen của từ được sử dụng [producere]. Produce không có nghĩa là chế tạo, tiếp đầu ngữ "pro" có nghĩa là ra khỏi, ra khỏi xưởng, ra khỏi nhà máy, ra khỏi kho, còn "ducere", có nghĩa là dẫn dắt, dẫn dắt ra thị trường.
Có ba nhóm sản phẩm chính: hàng hóa, tức là các phương tiện có tính vật chất để thỏa mãn nhu cầu; dịch vụ, tức là năng lượng tiêu tốn với một phẩm chất nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định; vị thế quyền lực. Ở đây tôi hiểu vị thế quyền lực là những thứ được gọi là các "Quyền" và các "Mối tương quan" và xa hơn nữa là đất đai, tư bản, tức là những tài sản có khả năng sinh lời.
Tất cả những thứ đó đều là sản phẩm được đem ra thị trường để bán.
Nhà sản xuất muốn sản xuất sản phẩm của mình, trước đấy anh ta phải mua sản phẩm. Những trường hợp chỉ cần bỏ công lao động là có được sản phẩm, nói chung hiếm hoi. Ví dụ như việc thu lượm thảo dược để bán cho các cửa hàng thuốc. Thông thường việc mua sản phẩm là tốn kém tiền bạc, nó thuộc vào giá thành [chi phí bằng tiền để tạo nên sản phẩm - ND] của nhà sản xuất. Anh ta phải mua vào nguyên liêu, vật tư, công cụ, và nếu anh ta không đủ tài hoa để có thể tự mình làm hết được mọi việc, anh ta sẽ phải bỏ tiền ra mua "dịch vụ" của công nhân, công chức, người môi giới, anh ta phải trả tiền thuê nhà xưởng, tiền sưởi ấm, tiền điện v.v... anh ta có thể cũng còn phải trả chi phí cho việc vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất tới thị trường.
Trước tiên nhà sản xuất phải bù đắp lại được giá thành sản xuất của mình qua giá bán sản phẩm. Không có sự bù đắp này anh ta sẽ không thể lại mua nguyên liệu, mua dịch vụ để tiếp tục sản xuất, nghĩa là có thể sẽ lại cung cấp sản phẩm của mình trong những phiên chợ tới.
Tuy nhiên nếu trong giá bán sản phẩm chỉ có giá thành sản xuất thì sau khi trừ đi cho nhau anh ta chẳng còn lại chút gì cho bản thân mình để duy trì cuộc sống, tức là chẳng có cái để mua hàng hóa, dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Như vậy giá bán của hàng hóa phải cao hơn giá thành sản xuất: đây là tiền đề cho mọi nền kinh tế xã hội có phân công lao động. Chúng ta gọi cái phần cao hơn đó là lợi nhuận.
Giá của mỗi sản phẩm phải bao gồm giá thành sản xuất và lợi nhuận. Vậy phần lợi nhuận là bao nhiêu?
Trong nền kinh tế có sự lưu thông tự do mà chúng ta đang sống đây, không hề tồn tại một nơi nào có quyền ấn định mức lợi nhuận này, giống như nền kinh tế tiền tệ có tính chất trói buộc thời trung cổ, và giống như trong trường hợp của nền kinh tế tập thể. Trong nền kinh tế lưu thông tự do chỉ có những lực lượng riêng lẻ, đối lập, thế nhưng chính cái sự đối lập này đã tạo nên và duy trì sự "tự điều chỉnh" và đó là cái sẽ xác lập mức lợi nhuận và với nó là việc xác lập giá cả. Sự tự điều chỉnh này chính là sự cạnh tranh.
Cạnh tranh là cuộc chiến về giá cả. Ai cũng muốn bán ra đắt nhất và mua vào rẻ nhất. Do vì tất cả đều muốn như vậy, cho nên cuộc chiến giá cả chỉ có thể dừng lại tại trạng thái của thị trường, ở đó tất cả giá của mọi sản phẩm đạt đến mức, mọi lợi nhuận của tất cả các nhà sản xuất sẽ cân bằng nhau như cuộc cạnh tranh cho phép.
Cho phép ở mức độ nào? Và trạng thái cân bằng của thị trường nằm ở đâu? Điều này có thể xác định được trước trong một công thức tổng quát.
Sự cạnh tranh, trong điều kiện tự do, sẽ tiến tới điểm khi ở đó nó không thể chịu đựng nổi việc mọi sản phẩm giống nhau sẽ có cùng một giá như nhau.
Bởi vì, thứ nhất, nó sẽ không thể bù đắp lại được sự khác biệt của trình độ nhân lực. Bên có trình độ nhân lực cao hơn sẽ, hoặc đem vào thị trường nhiều sản phẩm cùng loại hơn bên kia, hoặc sẽ đem vào thị trường sản phẩm có chất lượng cao hơn bên kia. Trong trường hợp thứ nhất bên có trình độ nhân lực cao sẽ thu về nhiều lợi nhuận đơn lẻ, tổng cộng lại sẽ được toàn bộ lợi nhuận cao hơn, trong trường hợp thứ hai lợi nhuận đơn lẻ cao hơn và trong cùng các điều kiện như nhau cũng sẽ thu về lợi nhuận cao hơn.
Thứ hai, rõ ràng là sự cạnh tranh sẽ không thể cân bằng được lợi nhuận tại nơi mà ở đó nó không có sự tự do, có nghĩa là ở đó tồn tại sự độc quyền. Ai nắm giữ sự độc quyền, ví dụ như bằng phát minh chẳng hạn, sẽ có lợi nhuận độc quyền trong mỗi một sản phẩm của mình, và do đo sẽ có mức tổng lợi nhuận cao hơn.
Sự cạnh tranh như vậy chỉ có thể cân bằng được tổng lợi nhuận, tức là thu nhập, của tất cả các nhà sản xuất có cùng một trình độ và có cùng một vị thế như nhau trong các mối tương quan độc quyền. Điểm cân bằng của thị trường được đạt đến, cuộc chiến cạnh tranh dừng lại một khi mọi giá cả của mọi sản phẩm đạt đến việc tất cả các nhà sản xuất có cùng trình độ và cùng vị thế trong các mối tương quan độc quyền có được cùng một tổng lợi nhuận như nhau từ các lợi nhuận đơn lẻ, tức là có thu nhập như nhau; và đến việc thu nhập của các nhà sản xuất nào có trình độ cao hơn, hoặc có được ưu thế của sự độc quyền, sẽ cao hơn, tương ứng một mặt với mức khác biệt về trình độ, mặt khác với các phần phụ trội của lợi nhuận do độc quyền.
Sự cạnh tranh có xu hướng liên tục thiết lập trạng thái cân bằng này của thị trường trong một quá trình của sự giao động mà ai cũng đã biết, nên tôi xin phép diễn tả nó ở đây qua vài lời ngắn ngủi.
Quan sát một thị trường cô lập ta thấy giá của mỗi một sản phẩm tự điều chỉnh theo mối quan hệ cung cầu, có nghĩa là theo điểm cân bằng trong cuộc đọ sức giữa hai bên. Mối tương quan của tất các giá cả đối với nhau trên một thị trường riêng lẻ tôi gọi nó là Quan hệ giá cả tổng thể. Quan hệ này sẽ có ảnh hưởng quyết định đến mối tương quan giữa cung và cầu của mỗi một sản phẩm trên các thị trường trong thời gian tới. Nếu có một giá nằm thấp hơn điểm cân bằng, điều này sẽ làm cho các nhà sản xuất lo sợ, cung sẽ giảm và giá sẽ tăng - ngược lại nếu có một giá nằm cao hơn điểm cân bằng, điều này sẽ kính thích các nhà sản xuất, cung tăng, và giá giảm. Qua đó về lâu dài và tính trung bình mỗi một giá sẽ nhắm đến điểm cân bằng của nó, và quan hệ giá cả tổng thể cũng nhắm đến điểm cân bằng của mình.
Điểm cân bằng của mỗi một giá riêng biệt người ta gọi là giá trị của nó; và trạng thái cân bằng của tất cả các giá tôi gọi là Quan hệ giá trị tổng thể.
Giá trị là gì? Đây là vấn đề trung tâm của mọi khoa học kinh tế kể từ khi chúng ra đời.
Câu hỏi này cho phép có hai câu trả lời.
Thứ nhất, có thể hỏi, tại sao giá trị của một lượng hàng hóa a lại bằng giá trị của một lượng nhất định hàng hóa b hoặc c khác v.v... Đây là vấn đề về giá trị tương đối.
Thứ hai, có thể hỏi, tại sao giá trị của hàng hóa a, không để ý đến b, c... lại nằm đúng tại một điểm xác định, mà không cao hơn hoặc thấp hơn. Đây là vấn đề về giá trị của "mỗi bản thân hàng hóa", nói theo cách của Ricardo, đó là giá trị tuyệt đối nội tại.
Hai vấn đề này đồng thời khác biệt và bổ sung cho nhau như thế nào, để giải thích tôi sẽ dùng một hình tượng quen biết, vốn đã được sử dụng từ lâu trong việc diễn tả mối quan hệ giữa giá cả và giá trị. Người ta nói, giá cả giao động xung quanh giá trị giống như con lắc giao động xung quanh điểm cân bằng.
Một người quan sát chỉ nhìn thấy con lắc trong trạng thái chuyển động và chưa hề thấy nó ở trạng thái tĩnh, qua quan sát cũng sẽ nhận ra điểm cân bằng chính là điểm giữa của biên độ giao động của giá cả. Tuy vậy rõ ràng rằng vấn đề của con lắc vẫn chưa được giải quyết. Để có thể hiểu được một cách đầy đủ, người ta phải biết, rằng điểm cân bằng được xác định bởi những lực nằm ngoài sự chuyển động: nó nằm thẳng góc dưới điểm treo, cách điểm treo một khoảng bằng độ dài của con lắc.. Và bản thân sự chuyển động chỉ có thể giải thích được, nếu người ta hiểu, rằng trung điểm này của biên độ không chỉ có phần thụ động, sinh ra qua tính toán từ sự chuyển động, mà sở dĩ còn như vậy, bởi vì nó là điểm hút chủ động. Sự hút này, có sẵn ở đây trước cả sự chuyển động, nó được sinh ra bởi các lực không phụ thuộc vào sự chuyển động, nó là nguyên nhân tại sao lại có được biên độ như vậy và tốc độ như vậy, nếu một khi xuất hiện một sự "nhiễu loạn" của hệ thống; và nó là nguyên nhân để cho hệ thống luôn có xu hướng đạt đến sự cân bằng tại đúng điểm này.
Chính vì thế mà vấn đề của giá trị tương đối cần phải nghiên cứu là tại sao trong khi chuyển động, [tức là] trong cạnh tranh, các điểm trung bình của giá cả, [tức là] các giá trị của mỗi một sản phẩm lại tỷ lệ với nhau như vậy; - và vấn đề của giá trị tuyệt đối cần nghiên cứu là những lực nào trước khi có sự chuyển động, [tức là] trước khi có cạnh tranh, đã tác động làm cho mỗi một giá trị có xu hướng tiến tới chính điểm đó.
Trước tiên chúng ta hãy xem xét giá trị tương đối.
Nó là kết quả của sự cạnh tranh tự do, được xác định bởi không có gì khác ngoài những lực tác động nằm ngay trong chính nó. Ở đây không có gì khác ngoài Cung và Cầu. Mối quan hệ của hai giá trị do đó không thể gắn chặt với cái gì khác ngoài mối quan hệ của hai tương quan Cung và Cầu. Giá trị w của một lượng nhất định sản phẩm a tỷ lệ với giá trị w' của một lượng nhất định sản phẩm b khác cũng giống như tỷ lệ của tỷ lệ cung cầu giữa hai bên:
w/w' = (Cng/Ca)/Cng'/Ca')
Cng: Cung
Ca: Cầu
Mối liên hệ giữa hai liên hệ này tôi đề nghị gọi là "mức khan hiếm kinh tế". Như vậy giá trị tương đối được xác định bởi không có gì khác là mức khan hiếm kinh tế.
Mức khan hiếm kinh tế phụ thuộc vào cái gì?
Nó có thể bị giới hạn một cách tự nhiên hoặc có thể bị giới hạn về mặt pháp lý.
Mức khan hiếm kinh tế có giới hạn tự nhiên của các sản phẩm có thể bắt nguồn từ sự khan hiếm cuả các thứ tự nhiên hoặc của năng lực lao động cần thiết để đem sản phẩm vào thị trường, các sản phẩm ở đây có thể là hàng hóa hay dịch vụ.
Về cái thứ hai, tức là trình độ lao động, ta không cần tiếp tục bàn thêm. Nhưng những gì liên quan tới mức khan hiếm kinh tế của các thứ tự nhiên, ta phải tiếp tục phân biệt giữa hàng hóa được sản xuất trong điều kiện tự do cạnh tranh và hàng hóa "độc quyền một cách tự nhiên". Cái thứ nhất sẽ có giá trị tương đối càng cao khi mức độ khan hiếm tự nhiên của nó càng lớn, tức là đòi hỏi càng phải có một lượng lao động lớn hơn để đem chúng vào thị trường; cái thứ hai cũng có cùng một giá trị của mức khan hiếm tự nhiên tương đối như vậy nhưng cộng thêm phần lợi nhuận độc quyền. Các ví dụ vĩnh cửu cho lý thuyết này là các loại rượu vang quý hiếm và những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân đã qua đời.
Mức khan hiếm kinh tế liên quan tới pháp lý có nguyên nhân từ sự độc quyền hợp pháp, được hình thành nên, hoặc từ công luật, từ việc "trao tặng", ví dụ như bằng phát minh, hoặc từ tư luật thông qua các hợp đồng pháp lý tư nhân. Nếu các nhà sản xuất ký kết với nhau thu hẹp lại việc sản xuất, bằng cách hoặc sản xuất ít đi hoặc không xuất xưởng các sản phẩm hiện có, khi đấy giá trị của chúng sẽ tăng vọt vượt qua mức khan hiếm kinh tế tự nhiên của chúng một lượng bằng mức lợi nhuận độc quyền.
Như vậy chúng ta có hai nhóm giá trị khác nhau một cách rõ ràng cần phải phân biệt, cụ thể là các giá trị của những sản phẩm được tạo ra hoặc được bán ra trong điều kiện cạnh tranh hoàn toàn tự do, và những sản phẩm được tạo ra hoặc được bán ra trong mối quan hệ độc quyền. (Ngoài ra còn có một nhóm thứ ba được rút ra có tên gọi là "giá trị vốn hóa" của bản thân sự độc quyền. Tuy nhiên cái này chúng ta không bàn tới ở đây.)
Nhóm giá trị thứ nhất được gọi là "giá trị tự nhiên". Đó là những giá trị, tôi nhắc lại, của những sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong điều kiện hoàn toàn tự do. Chính vì thế mà những sản phẩm này còn được gọi là những "sản phẩm có thể tái sản xuất một cách bất kỳ". Nó có thể được sản xuất ra với số lượng bất kỳ, bởi vì theo định nghĩa của chúng, ai cũng có thể và cũng được phép tham gia vào việc sản xuất chúng, nếu họ muốn, bởi vì có sự kích thích khi giá cả tăng.
Bên cạnh các giá trị "tự nhiên" này còn thấy có các "giá trị độc quyền". Đó là những giá trị của những sản phẩm, không thể tái sản xuất được một cách bất kỳ, bởi vì không phải ai cũng có thể và cũng được phép tham gia vào sản xuất chúng, khi giá tăng cao quyến rũ. Ở đâu có sự độc quyền tự nhiên, anh ta có thể tham gia, ở đâu có sự độc quyền pháp lý anh ta không đươc phép tham gia.
Giá trị độc quyền cuả các sản phẩm độc quyền đắt hơn một lượng nhất định đúng bằng số lợi nhuận độc quyền so với giá trị tự nhiên của những sản phẩm có thể tái sản xuất một cách bất kỳ từ những thứ tự nhiên có cùng mức khan hiếm tự nhiên và từ năng lực lao động tham gia vào đó có cùng mức khan hiếm tự nhiên.
Giá trị độc quyền lớn bao nhiêu?
Nếu chúng ta có thể trả lời được câu hỏi này, thì vấn đề giá trị tương đối coi như đã giải quyết được hoàn toàn. Khi đó chúng ta có được công thức tổng quát cho mối quan hệ của toàn bộ các giá trị tự nhiên và giá trị độc quyền.
Vâng, công thức của giá độc quyền trung bình, tức là của giá trị độc quyền, kể từ thời Stuart Mill đã trở thành sở hữu vững chắc của khoa khọc. Nó [giá độc quyền trung bình] cũng được tạo thành đúng như vậy từ mối quan hệ giữa Cung và Cầu giống như các giá đơn lẻ và giá trung bình khác: Nó nằm ngay chính tại điểm cân bằng, như đã diễn tả ở trên, của các lực tham gia, nơi mà Cung Cầu thực tế cân bằng nhau. Sự chệnh lệch của các giá trị chỉ là do bởi, đối với các sản phẩm có thể tái sản xuất được một cách tùy ý Cung sẽ tăng lên đến chừng nào giá bị kéo xuống bằng giá trị tự nhiên, trong khi đó đối với các sản phẩm độc quyền Cung vì những lý do tự nhiên sẽ không thể tăng lên được một cách tương ứng, hoặc không được phép tăng lên từ các lý do pháp lý.
Như vậy, vấn đề giá trị tương đối đã được giải quyết hoàn toàn. Hàng hóa a có giá trị bao nhiêu đo bởi hàng hóa b sẽ phụ thuộc vào không ngoài cái gì khác là mối quan hệ của mức khan hiếm kinh tế của chúng, và mối quan hệ này về phần nó lại bị giới hạn bởi tính tự nhiên và tính pháp lý.
Tiếp tới, giá trị tuyệt đối là gì, có phải đó là giá trị tự thân của mỗi sản phẩm? Tại sao trong guồng máy cạnh tranh, giá trị của mỗi một sản phẩm lại nhắm tới chính cái điểm có trước đó?
Để giải quyết vấn đề này chúng ta phải thay đổi cách nhìn.
Cho đến đây chúng ta luôn quan sát guồng máy hoạt động của thị trường dưới góc nhìn của các nhà sản xuất đơn lẻ, có thể gọi là góc nhìn cận cảnh. Ở đó chúng ta thấy, giá tổng cộng của các sản phẩm của mỗi một nhà sản xuất, ngoài giá thành ra trong đó còn có phần lợi nhuận tương ứng với trình độ và tương ứng với vị thế trong các mối quan hệ độc quyền của anh ta.
Bây giờ ta chuyển sang góc nhìn viễn cảnh, nhìn bao quát toàn bộ các nhà sản xuất. Lúc này các khái niệm giá thành và lợi nhuận biến mất hoàn toàn, và chúng ta hỏi: nhà sản xuất này bán cái gì cho nhà sản xuất kia, anh ta mua cái gì của anh kia?
Nếu chúng ta tạm thời bỏ qua tất cả các quan hệ độc quyền: có nghĩa là, nếu chúng ta hình dung tới một nền kinh tế xã hội trong đó chỉ có những sản phẩm có thể tái sản xuất một cách tùy ý được đem ra trao đổi qua giá trị tự nhiên của chúng, thì ta thấy hoàn toàn rõ ràng rằng: cái các nhà sản xuất đem ra trao đổi với nhau không có gì khác ngoài công lao động tiêu tốn.
Các thứ tự nhiên, ở nơi chúng không bị độc quyền hóa, bản thân chúng không có giá trị. Chuyện độc quyền ta tạm thời không để ý đến lúc này. Chúng [các thứ tự nhiên]chỉ có giá trị từ khi công lao động được bỏ ra để có được chúng, để vận chuyển, để chế biến. Và như vậy, tất cả các giá trị sẽ tan biến thành công lao động tiêu tốn. Nhà sản xuất mua một cách gián tiếp các công lao động tiêu tốn nằm trong nguyên liệu, và trong đó chúng chính là thành phần mang giá trị được hòa tan vào. Anh ta mua trực tiếp công lao động tiêu tốn trong các dịch vụ của công nhân, của công chức v.v... Anh ta đưa thêm vào đó phẩn lao động tiêu tốn của chính bản thân, tức là "công lao động thêm vào" trên lý thuyết - và lợi nhuận của anh ta không có gì khác hơn là phần thù lao cho công lao động thêm vào này. Người mua sản phẩm của anh ta đã trả cho anh ta số tiền tương ứng với công lao động của những người khác đã bỏ ra, và hơn nữa cho cả phần bản thân anh ta đã bỏ ra. Cũng hệt như vậy, là người tiêu thụ, anh ta mua vào không có gì khác chính là lao động tiêu tốn, mà nhà sản xuất đã trả tiền để mua của người khác hoặc của bản thân nhà sản xuất đưa thêm vào sản phẩn cuả nó.
Không có gì để nghi ngờ sự đúng đắn của công thức được rút ra này, và cũng xin giới thiệu, rằng công thức này hoàn toàn trùng hợp với công thức của Marx. Tuy nhiên nó vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề giá trị. Hiện nó vẫn chỉ mang tính định tính - và cái mà chúng ta cần phải đạt đến đó là một công thức định lượng một cách chính xác. Chúng ta cho đến giờ chỉ biết, rằng nguyên nhân của mọi giá trị nằm ở chỗ, các sản phẩm chứa đựng trong nó công lao động tiêu tốn (cho trường hợp hàng hóa) hoặc trực tiếp là bản thân công lao động (cho trường hợp dịch vụ). Nhưng chúng ta không biết chúng được đo bằng thước đo nào: có điều này mới giải quyết được vấn đề độ lớn của giá trị.
Thoạt nhìn vào rất dễ nảy sinh phỏng đoán rằng, giá trị của sản phẩm dựa trên lượng năng lượng được sử dụng để sinh công - đo được bằng một cách nào đó, vì vậy trong các sản phẩm lượng lao động như nhau sẽ được trao đổi cho nhau. Phỏng đoán này lại càng như có vẻ đúng, bởi vì rõ ràng rằng chỉ nơi nào có sự công bằng, ở đó mới có chuyện cùng một lượng lao động có cùng một trình độ như nhau trao đổi cho nhau. Và công bằng đã và vẫn là hòn đá thử để triết lý xã hội đánh giá các hiện tượng xã hội học.
Tuy nhiên phỏng đoán đó đã sai lầm.
Sai lầm này được chứng minh bởi quaestio facti, sự kiểm chứng của thực tế.
Thứ nhất, rõ ràng rằng công lao động tuyệt đối tiêu tốn, diễn đạt bởi Meter-Kilogramm, không phải lúc nào cũng tạo ra giá trị. Công việc của một người leo núi, anh ta đem cái thân nặng của mình leo 2000m lên đỉnh núi rồi tụt xuống, tiêu tốn (với hiệu suất cho là 30%) khoảng 1 triệu Meterkilogramm nhưng không cho chút giá trị nào. Và với ai đó cho dù có trình độ cao hơn nhiều và bỏ công lao động nhiều hơn nhiều để tạo ra một sản phẩm mà chẳng gợi nên được chút nhu cầu nào ở người khác, thì anh ta cũng chẳng tạo được một chút giá trị nào. Chỉ có lao động xã hội cần thiết mới tạo nên giá trị.
Thứ hai, nếu giá trị của sản phẩm dựa trên lượng lao động được chứa trong nó, thì mọi sản phẩm của cùng một thời gian lao động và cùng một sự cố gắng như nhau sẽ có giá trị bằng nhau, [nghĩa là] giờ lao động của danh họa Tizans cũng tạo ra được giá trị ngang bằng với giá trị của anh thợ sơn tạo ra. Giá trị như nhau chỉ có ở những sản phẩm có cùng lượng "lao động xã hội trung bình"; nhưng lao động không có cùng trình độ sẽ tạo ra trong cùng một thời gian những giá trị rất khác nhau.
Chỉ có vậy, không cần thêm gì đã thấy rằng, các sản phẩm được trao đổi không phải vì trong nó có cùng một lượng lao động mà được trao đổi vì trong nó có cùng một giá trị lao động như nhau. Và cũng sẽ có được kết quả tương tự, nếu người ta thử diễn tả lý thuyết giá trị lao động của sản phẩm bằng một công thức. Khi đó sẽ thấy, rằng mọi quan điểm đều vô nghĩa khi nó khác với quan điểm nêu ra, rằng giá trị của sản phẩm dựa trên giá trị của công lao động tiêu tốn chứa đựng trong nó.
w*a = w*p
a: công lao động
p: sản phẩm
w: giá trị
Nếu ta thử thay lượng lao động ở một vế của phương trình được đo bởi thời gian (t) hoặc năng lượng tiêu tốn (e) , ta sẽ có được công thức:
t*a=w*p hoặc e*a=w*p
Nhưng điều này là không thể, nó không thể bởi vì, cứ như là chuyện người ta định cộng thêm mận vào táo. Chúng ta chỉ có thể so sánh với nhau những gì có cùng đơn vị đo. Cũng tương tự như vậy, chúng ta khó có thể diễn tả diện tích bằng cái gì khác các đơn vị đo diện tích, khó diễn tả một mức thang nhiệt độ bằng cái gì khác các độ nóng, khó có thể diễn tả một giá trị bằng cái gì khác các giá trị.
Theo đó công thức cho giá trị của một sản phẩm sẽ như sau: các sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) mang giá trị của công lao động tiêu tốn chứa đựng trong nó.
Thế còn giá trị của công lao động tiêu tốn là gì? Rõ ràng, rằng, ở đây, trong vấn đề nổi tiếng về "giá trị lao động" có bao gồm vấn đề cuối cùng đó là giá trị tuyệt đối.
Đến đây, rất dễ dàng phát hiện ra cái công thức [đó]. Chúng ta chỉ cần quan sát kỹ công thức về giá trị của sản phẩm mà chúng ta vừa có được ở trên.
Công thức đó nói với chúng ta, rằng giá trị của một sản phẩm chính bằng giá trị của công lao động tiêu tốn chứa đựng trong nó. Đó là một phương trình. Là một phương trình người ta được phép đảo vế. Làm như thế ta có được công thức sau: giá trị của công lao động tiêu tốn bằng giá trị của sản phẩm được tạo nên bởi công lao động tiêu tốn đó.
Công thức này cũng đã được Adam Smith đưa ra. Ông ta đã nói một cách rất rõ ràng: mức lương tự nhiên của người lao động chính là sản phẩm của anh ta. Mức lương tự nhiên, không có gì khác, chính là giá trị của lao động tiêu tốn tạo nên sản phẩm.
Chúng ta hãy xem, liệu công thức [đó] có phù hợp với các kết quả của chúng ta trước đây và có phù hợp với thực tế hay không.
Chúng ta đã thấy, rằng các nhà sản xuất của các sản phẩm không nằm trong các mối quan hệ độc quyền đều được hưởng thu nhập như nhau nếu họ có cùng trình độ như nhau. Các lượng thu nhập như nhau chia cho cùng một số ngày làm việc hoặc giờ làm việc cho ra các thương số như nhau. Từ đó rút ra, rằng trong sự trao đổi các sản phẩm có thể tái sản xuất bất kỳ lúc nào, thời gian lao động như nhau của các nhà sản xuất có cùng trình độ được trao đổi với nhau. Và, nếu như người ta đơn giản hóa lao động có trình độ cao thấp khác nhau về mức lao động xã hội trung bình, điều này không khó khăn gì, lúc đó ta sẽ có được, với các sản phẩm có thể tái sản xuất bất kỳ lúc nào, trong sự trao đổi của mọi giá trị tự nhiên thì [ở đó] thời gian lao động xã hội trung bình như nhau sẽ được trao đổi với nhau. Nếu trường hợp này xảy ra, mọi nhà sản xuất đều được hưởng trọn vẹn giá trị của sản phẩm của mình; bởi vì cho mỗi một giờ đồng hồ thời gian lao động trung bình mà anh ta bán ra, anh ta sẽ mua lại một giờ đồng hồ thời gian lao động trung bình; tổng giá trị do đó sẽ không đổi.
Thứ hai, chúng ta hãy xem công thức của chúng ta có đúng với thực tế không.
Thoạt đầu nhìn vào ta thấy công thức có vẻ hoàn toàn không đúng. Chỉ cần liếc qua trật tự kinh tế tư bản của chúng ta, ta sẽ nhận ra ngay, rằng lượng lao động tiêu tốn cho dù hoàn toàn có cùng trình độ cho ra giá trị rất khác nhau; như Stuart Mill từng nói, kẻ nhận được nhiều nhất lại là kẻ chẳng làm gì cả, nhận it nhất lại là kẻ làm nhiều nhất. Một giờ làm việc của nhà tư bản, năng lượng tuyệt đối mà anh ta bỏ ra là để xé phiếu nhận hàng và ghi vài ba dòng vào sổ thanh toán, thế nhưng nó không chỉ có thể có giá trị nhiều hơn giá trị giờ lao động của một người làm công không có trình độ mà còn hơn cả của những người lao động trí óc có trình độ cao nhất.
Đây là một mâu thuẫn rất đáng sợ! Chúng ta không thể từ bỏ công thức của chúng ta về giá trị của công lao động tiêu tốn nếu không đồng thời từ bỏ công thức về giá trị của sản phẩm, mà từ đó ta đã từng làm phép đảo ngược đơn giản, hoàn toàn đúng đắn không có gì để nghi ngờ. Nếu không có cái công thức đó cho giá trị của sản phẩm thì một quan niệm khoa học về vấn đề giá trị và cùng với nó toàn bộ khoa học kinh tế nói chung sẽ là điều không thể.
Tuy nhiên, mâu thuẫn đó có vẻ đáng sợ hơn là nó vốn là. Chỉ cần chúng ta vứt bỏ sự trừu tượng, theo đó chỉ có những giá trị tự nhiên trao đổi với nhau, và để phù hợp với thực tế ta đưa vào trong tính toán các giá trị độc quyền [là có thể thấy rõ điều này].
Cái gì sẽ diễn ra, nếu các giá trị tự nhiên (các sản phẩm có thể tái sản xuất một cách bất kỳ) trao đổi với các giá trị độc quyền (của các sản phẩm độc quyền)! Nghiên cứu việc này trước tôi chưa hề bao giờ được làm, song mặc dù vậy ta sẽ thấy ngay lập tức, như thế nào mà cùng thời gian lao động như nhau lại có thể có được những giá trị rất khác nhau.
Tôi mua một máy cạo râu được cấp bằng phát minh và phải trả với giá 20M. Lượng vàng 20g nằm trong đồng 20M có thể tiêu biểu cho 20 giờ lao động xã hội trung bình. Máy cạo râu tiêu biểu cho 5 giờ lao động loại đó; nếu như việc sản xuất được tiến hành trong điều kiện cạnh tranh hoàn toàn tự do, như vậy giá cái máy sẽ là 5 giờ, tương đương với 5M. Thế nhưng cái máy có bằng phát minh, nghĩa là thuộc vào hàng độc quyền hợp pháp, cho nên người bán nó đã ấn định giá bán 20M; do vậy tôi phải trả 20M cho 5 giờ lao động xã hội trung bình. Món hàng độc quyền nhận được giá tự nhiên của nó cộng thêm phần giá độc quyền; món hàng có thể tái sản xuất một cách bất kỳ của tôi, tức là 6g vàng, nhận được giá tự nhiên của nó trử đi số lợi nhuận độc quyền [của người bán]; người nắm bằng phát minh đã thu về 15 giờ giá trị thặng dư, lao động của tôi bị giảm giá trị đi mất 15 giờ.
Chúng ta thấy, ở đây ít nhất đã mở ra một khả năng để có thể hiểu được, tại sao cùng một lượng lao động theo nghĩa vật lý lại có thể tiêu biểu cho những giá trị lao động rất khác nhau. Tiếp tục đi xa hơn một chút theo khả năng này, chúng ta sẽ nghiên cứu cặn kẽ các quá trình trong đó các giá trị độc quyền được trao đổi với các giá trị tự nhiên.
Cái gì đã cho phép người sở hữu giá trị độc quyền đưa thêm vào giá trị tự nhiên của sản phẩm của mình một lượng lợi nhuận độc quyền trong tất cả mọi trường hợp, hay nói một cách khác, cũng cái sản phẩm đó trong trao đổi đã đạt được những giá tự nhiên của sản phẩm kia bớt đi khoản lợi nhuận độc quyền? Rõ ràng chỉ có một thực tế, rằng người muốn mua món hàng độc quyền có nhu cầu cấp thiết hơn là nhu cầu của nhà độc quyền đối với giá trị đổi lại. Cầu thực sự luôn vượt quá Cung thực sự, bởi vì sự cạnh tranh từ những người đứng bên ngoài không thể hoặc không được phép can thiệp vào để làm tăng Cầu và đưa giá trở về mức giá thông thường. Chúng ta gọi mối quan hệ này giữa hai đối tác, mà một trong họ có nhu cầu cấp thiết đối với giá trị đổi lại hơn người kia là "mối quan hệ độc quyền xã hội". Mối quan hệ kiểu như vậy có thể tồn tại giữa từng người một với nhau hoặc nhiều người một với nhau. Giữa từng người một, ví dụ như trong việc mua một món hàng có bằng phát minh kiểu chai rượu vang Johannisberger Kabinett với giá trên trời. Giữa nhiều người một với nhau, ví dụ như giữa một tổ hợp của nhiều nhà sản xuất than với toàn bộ khách hàng. Tổ hợp sản xuất than qua một hợp đồng tư nhân hợp pháp tiến hành cắt giảm việc sản xuất, do vậy Cung thực tế luôn giữ sao cho có một lượng lợi nhuận độc quyền trên mức giá trị tự nhiên. Kết quả là, cho mỗi một lượng than bán ra tổ hợp sẽ nhận được một khoản lợi nhuận, hoặc nói khác đi, nó mua vào giá trị đổi lại rẻ hơn một khoản bằng khoản lợi nhuận. Và nhìn từ vị thế bên kia, mỗi một người mua than đều phải trả cho khoản lợi nhuận, hay nói cách khác, sản phẩm của nó trong sự trao đổi đã bị lấy rẻ đi một khoản bằng khoản lợi nhuận.
Những điều như thế còn tương đối vô hại. Cả chục năm tôi mới mua một cái máy cạo râu được cấp bằng phát minh và chi ra cũng chỉ khoảng một phần trăm thu nhập cả năm của mình cho than: đó là những thứ thực ra không phải là gánh nặng.
Tuy nhiên những quan hệ độc quyền như vậy trong nhiều hoàn cảnh rất có thể trở nên cực kỳ nặng nề. Hãy tưởng tượng có một nhóm người chỉ đem vào thị trường những giá trị tự nhiên và bị ép buộc phải trao đổi những sản phẩm đó với những sản phẩm độc quyền. Khi đó lượng giá trị thặng dư họ phải từ bỏ có thể rất lớn đến nỗi những gì còn lại hầu như không đủ để bù đắp cho nhu cầu tồn tại tối thiểu của họ.
Vâng, đó chính là tình cảnh của giới lao động trong tất cả các nước có nền kinh tế tư bản. Cái vấn đề mà chúng ta tìm cách giải quyết, sẽ hoàn toàn sáng tỏ, nếu chứng minh được, rằng mối quan hệ giữa giới lao động với giới tư bản luôn luôn là mối quan hệ độc quyền, cho nên họ buộc phải bán sản phẩm, dịch vụ của họ với giá rẻ mạt và tầng lớp trên vì vậy có được khoản giá trị gia tăng. Vâng trên thực tế mối quan hệ giai cấp kiểu như vậy là có thật. Và nó được thiết lập bởi thế lực nằm ngoài kinh tế. Nó dựa vào việc độc quyền chiếm hữu đất đai ngăn cản nhu cầu định cư của giai cấp bên dưới.
Đây là một chẩn đoán hoàn toàn mới mẻ về tình trạng khó khăn phức tạp của xã hội và vì vậy cần phải được lập luận một cách hết sức cẩn trọng.
Trước hết, không thể có sự tranh cãi về vấn đề này trong quá khứ và trong hiện tại, nếu như trước đó không thể có một giai cấp lao động và cùng với nó giá trị gia tăng bất kỳ dạng nào (địa tô hoặc lợi nhuận) được hình thành, [và] nếu như trước đó tất cả đất đai của một khu vực kinh tế chưa bị độc quyền chiếm hữu. Chỉ đến khi tất cả đất đai bị độc quyền chiếm hữu hoàn toàn mới hình thành nên mối quan hệ độc quyền giữa các giai cấp mà một bên là chủ sở hữu đất đai, ở mức phát triển cao hơn là chủ tư bản và một bên là những người vô sản, đây là mối quan hệ được Marx gọi là "quan hệ tư bản"; chỉ đến lúc đó những thành phần của giai cấp dưới mới trở thành người lao động "tự do" và phải từ bỏ phần giá trị gia tăng.
Vâng, cho đến nay người ta luôn giả thiết rằng mối quan hệ độc quyền giữa các giai cấp này như ngày nay ta đang thấy là điều "tự nhiên", nói cách khác, là được hình thành nên từ các lực lượng kinh tế; [nghĩa là] do vì đất đai quá ít mà người thì quá đông. Thế nhưng đây là một sự nhầm lẫn, hoàn toàn có thể chứng minh được bằng những tính toán đơn giản nhất.
Ai cũng biết, 1ha/đầu người đất trồng trọt trong điều kiện quy mô sản xuất nông nghiệp vào loại trung bình là hoàn toàn vừa đủ sức cho một lao động chính. Một gia đình nông dân gồm năm người với 5ha (bằng 20 mẫu Anh) ruộng không chỉ có đủ lương thực để nuôi sống bản thân họ mà còn có dư một lượng đủ để bán cho cùng số người như thế thuộc diện phi nông nghiệp nữa. Một gia đình nông dân Đức rất khỏe mạnh hiện nay, trong điều kiện không có gì ngăn trở, thoải mái muốn làm bao nhiêu thì làm, hết sức cũng chỉ có thế canh tác được 20 mẫu Anh. Lấy con số này làm thước đo, như vậy, ví dụ ở Đức số lao động chính có thể nuôi sống được 34 triệu người: nhưng hiện tại mới chỉ có 17 triệu dân. Toàn thế giới nếu chỉ riêng lao động chính đã có khả năng nuôi đủ 5 tỷ người: thế nhưng hiện nay tổng cộng số người mới chỉ khoảng từ 1,6 đến 1,8 tỷ.
Như vậy nếu không tồn tại những tác động bên ngoài kinh tế: từ những lý do kinh tế thuần túy lẽ ra ngày nay đất đai vẫn là những của cải tự do như nước và không khí, không có giá lẫn giá trị, và kết quả là không thể vay mượn, và như thế thu nhập của một người nông dân không mang nợ nần gì từ mảnh đất bình thường 20 mẫu Anh sẽ là nền tảng của kim tự tháp thu nhập xã hội.
Chúng ta thấy mình bắt buộc phải sử dụng phương pháp loại trừ để đi đến kết luận, rằng ở đây phải có các lực ngoài phạm vi kinh tế tham gia tác động vào. Đất đai bị giai cấp phía trên đôc quyền chiếm hữu không cho giai cấp phía dưới hưởng phần, nhằm mở ra mối quan hệ độc quyền giữa các giai cấp và duy trì nó vĩnh viễn. Hình thức pháp lý của sự độc quyền chiếm hữu này đó là đại địa sản.
Rằng qua việc độc quyền chiếm hữu có thể nảy sinh ra những mối quan hệ độc quyền cực kỳ tệ hại, mọi người đều đã biết. Chúng ta hãy tưởng tượng, trong một thành phố đang bị quân địch bao vây lượng bột mỳ và lúa mạch đủ dùng cho khoảng 10 năm, nhưng tất cả lại nằm trong tay một số kẻ đầu cơ. Khi đó những kẻ này, nếu không có quyền lực chính quyền hoặc ngoài chính quyền tác động vào ngăn cản, thì do vì đó là tài sản độc quyền của họ, họ có thể rút ruột toàn bộ dân chúng bằng cách ngừng không bán hàng ra nữa.
Và việc đó cũng có thể xảy ra giữa họ mà không hề có một sự thỏa thuận cụ thể nào. Điều này rất quan trọng và cần phải được lưu ý, bởi vì ngay trong các nhà lý thuyết trình độ tốt cũng lan truyền quan điểm, rằng sự hình thành giá độc quyền hoàn toàn chỉ có thể xảy ra ở nơi hoặc chỉ có một nhà độc quyền, hoặc ở nơi các nhà độc quyền hợp lại với nhau đề ra một quy ước về giá. Sai. Câu trên chỉ đúng cho những trường hợp nào độc quyền hợp pháp về mặt tư luật, hình thành nên sau khi có sự thỏa thuận về giá cả, như các liên hiệp, tập đoàn, quỹ tín dụng... Nhưng không đúng đối với sự độc quyền tự nhiên, không đúng với sự độc quyền hợp pháp về mặt công luật, và cũng không đúng với trường hợp độc quyền hợp pháp về mặt tư luật xuất xứ từ tài sản. Đất đai trên đó giống nho Johannisberger Kabinett được canh tác thuộc quyền sở hữu của hàng trăm nhà trồng nho, họ cạnh tranh quyết liệt với nhau, thế nhưng rượu vang vẫn có một giá độc quyền, bởi vì nó là loại hàng hóa không thể tái sản xuất một cách bất kỳ. Cũng hoàn toàn đúng như vậy đối với bánh mỳ trong thành phố bị bao vây, ngay cả trong trường hợp số lượng tuyệt đối vượt quá rất nhiều lần nhu cầu tuyệt đối: bởi vì ở đây sự cạnh tranh của những người đứng bên ngoài không thể can thiệp vào để kéo giá đi xuống. Do bởi hàng hóa bị chốt chặt như vậy sẽ không tác động vào việc tạo giá, tức là không có cung thực sự. Và cuối cùng chính điều này cũng đúng với đất đai. Chúng, tính một cách tuyệt đối, là một lượng cực lớn vượt quá vô số lần nhu cầu tuyệt đối, thế nhưng mỗi một miếng đất đều có một giá độc quyền, ngay cả khi không có sự giao ước giữa các chủ đất, bởi vì lượng dự trữ đã bị các tổ chức pháp lý của các đại địa sản thuộc về tư nhân chốt giữ.
Các mối quan hệ đã đủ rõ ràng để ta có thể đưa vào nghiên cứu một cách đơn giản nhất một xã hội gồm có hai người. Hai người di cư đến một nơi hoang vắng, nếu một người có thể chiếm hữu toàn bộ đất đai làm của riêng, như vậy anh ta đã thiết lập nên một mối quan hệ độc quyền và có thể bắt chẹt để có được lợi nhuận của giá trị thặng dư cho mình dưới một hình thức bất kỳ nào đó. Từ đây chúng ta dựa vào một phương pháp đã cũ trong đó có nhân vật Robinson và Thứ Sáu, mặc cho tất cả mọi chế diễu mà Engels, phụ tá của Marx, vừa là tông đồ vừa là người thực hiện di chúc đã tuôn ra trong sự thiếu hiểu biết về giá trị của cách quan sát này.
Robison sống chung với Thứ Sáu trong mối quan hệ kinh tế đổi công; họ không trao đổi hàng hóa cho nhau mà chỉ trao đổi dịch vụ và không đòi hỏi thứ tương đương. Mỗi người cho những gì nó có thể và nhận những gì nó cần như là những thành viên của một gia đình được hình thành nên trong cảnh túng bấn.
Nhưng thay vì lựa chọn hệ thống đổi công, Robinson cũng có thể chọn hình thức kinh tế nô lệ và phát canh thu tô hoặc hệ thống tư bản chủ nghĩa, và có thể chọn cho mình vai trò của một nhà tư bản, một người chủ phát canh hoặc địa chủ.
Robinson, nếu anh ta được nuôi lớn lên ở Alabama thuộc Louisiana thay vì ở Anh, anh ta sẽ cho rằng việc biến Thứ Sáu thành nô lệ là điều hoàn toàn chính đáng, bởi vì Thứ Sáu thuộc vào chủng tộc nô lệ. Và ở đây anh ta cũng còn có thể vin vào sự tự thừa nhận của kẻ tôi đòi, công nhận và thần phục một hình dáng xa lạ, một người đàn ông da trắng râu ria trong trang phục kỳ quái là một chủng loài cao hơn.
Thế nhưng: Robinson là người theo đạo thiên chúa lớn lên tại một đất nước, ở đó người ta khinh bỉ cảnh nô lệ. Cho nên anh ta đã xua đuổi cái ý tưởng biến Thứ Sáu thành nô lệ. Anh ta muốn đối xử với Thứ Sáu như là một đối tác tự do, công bằng đúng như đạo đức tại quê nhà, nơi chỉ có những con người tự do hợp đồng với nhau một cách tự do.
Ở đây luật tư hữu tư sản về đất đai và tư bản có hiệu lực, cùng với quyền được nhận địa tô và lợi nhuận của tư bản. Robinson, chúng ta giả thiết, rằng đó là một "luật gia luật tự nhiên" đã từng nghiên cứu từ Turgot qua Adam Smith đến Ricardo và Malthus, anh ta thừa nhận cả hai dạng sở hữu tài sản đều là sự sáng tạo chính đáng của luật tự nhiên; và do đó cũng thừa nhận lợi tức và lợi nhuận là phần chính đáng trong toàn bộ sản phẩm.
Chính vì thế, trong suy nghĩ anh ta chẳng hề mảy may định "bóc lột" Thứ Sáu, khi mà anh ta đọc bài diễn văn sau đây:
"Chiểu theo điều luật về sự chiếm hữu đầu tiên [quyền của người chiếm hữu đầu tiên], toàn bộ đảo này thuộc về tôi. Tôi, là chủ sở hữu địa sản, cấm anh không được săn bắn, đánh cá, trồng trọt, cư trú. Tuy nhiên tôi sẵn sàng cho phép anh thực hiện tất cả mọi điều đó, vâng thậm chí tôi còn cho anh mượn vũ khí và công cụ do tôi làm ra, nếu như anh chịu chuyển nhượng phần lớn sản phẩm lao động của anh cho tôi. Nếu anh không muốn điều này, là một người tự do anh có thể đi tìm vận may ở một nơi nào khác."
Và những gì Thứ Sáu có thể trả lời, đó là, anh ta không thể đi "một nơi nào khác", it nhất nếu Robinson không cho phép anh ta đóng lấy một chiếc thuyền, và để làm chuyện này anh ta cần có lương thực, công cụ và một thân cây gỗ lớn. Anh ta hiện đang hoàn toàn nằm trong cảnh nô lệ, và cái gọi là "tự do" của anh ta chẳng đáng giá một đồng xu. Ngược lại, là nô lệ ít nhất anh ta còn có được một đòi hỏi về mặt đạo lý, là khi về già hoặc lúc ốm đau sẽ được nuôi nấng chăm sóc: vì vậy Robinson hãy nhận anh ta làm nô lệ.
Robison phẫn nộ bác bỏ đề nghị này và thay vì thế quyết diễn mọi màn bi kịch về mối quan hệ độc quyền chính trị kinh tế học với "đối tác tự do" của mình đến cùng.
Trước tiên anh ta biến Thứ Sáu thành tá điền và mình thành chủ đất đồng thời ấn định mức địa tô theo đúng hệ thống luật pháp Ireland-Anh. Sau đó anh ta tuyên bố hủy hợp đồng lĩnh canh và quyết định thuê Thứ Sáu dưới dạng làm thuê ăn lương theo như hệ thống đông Âu với mức lương do anh ta ấn định cho công việc đồng áng của mình.
Tiếp tới anh ta sử dụng Thứ Sáu như là một công nhân công nghiệp cũng với một mức lương do chính anh ta ấn định.
Cuối cùng anh ta đặt Thứ Sáu vào địa vị "doanh nhân công nghiệp" và ấn định mức tiền thuê công xưởng, nhà cửa và mức lãi suất vốn vay mượn, là những thứ tài sản xí nghiệp anh ta "tạm ứng" cho Thứ Sáu.
Chúng ta nhận thấy rằng, nếu Robinson có thể thực thi được quyền làm ông chủ của toàn bộ đảo, anh ta có thể "gặt hái" được một khoản lợi nhuận, và khoản này, nếu như anh ta muốn, sẽ là toàn bộ những gì Thứ Sáu làm ra ngoại trừ phần thiết yếu để tồn tại. Là học trò của Ricardo và Malthus, anh ta thực hiện nghiêm chỉnh "đạo luật sắt về tiền công" (có thể dân số trên đảo đã đông "quá mức"!) chỉ trả lương vừa đủ cho mức sống tối thiểu. Kiểu gì nó cũng vẫn chỉ là mức nuôi sống nô lệ, cho dù nó được gọi là thức ăn cho súc vật lao động dạng người hoặc được gọi là lương công nhân; và kiểu gì cũng vẫn chỉ là mức giá trị thặng dư như vậy, mặc cho các nhà lý thuyết ghi nhận nó là "thu nhập của ông chủ" một gia trang lớn có sử dụng nô lệ, hoặc là lãi của việc cho vay vốn, hoặc là lợi nhuận cuả một doanh nhân công nghiệp.
Chúng ta cũng nhận thấy, rằng kích thước tuyệt đối của hòn đảo hoàn toàn không đóng vai trò gì đối với cái cơ chế chúng ta đang nghiên cứu. Nó có thể lớn 20ha hoặc 200000ha: một khi nếu Robison thực thi được quyền của người chiếm hữu đầu tiên, thì lúc đó anh ta đã tạo nên được mối quan hệ độc quyền giai cấp, và như thế Thứ Sáu, "người lao động tự do", phải chuyển nhượng phần giá trị thặng dư của mình.
Chính đó cũng là những mối quan hệ trên hành tinh của chúng ta. Trong tất cả mọi quốc gia trên thế giới "nhà nước" được hình thành nên theo cách, vài trăm hoặc vài ngàn hoặc vài trăm ngàn [người] thống trị những Thứ Sáu được trang bị vũ khí tồi tàn, chia rẽ và mê tín. Họ chiếm hữu toàn bộ đất đai làm của riêng cho mình hoặc dưới dạng là tài sản chung của tầng lớp trên như ở Peru và Spata, hoặc là đại điền địa riêng biệt của giới tinh hoa quân sự như ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chừng nào còn tồn tại sự độc quyền chiếm hữu, chừng đó còn tồn tại mối quan hệ độc quyền giai cấp, chừng nào những người vô sản còn là những người lao động tự do, chừng đó toàn bộ thành viên của giai cấp trên còn chiếm đoạt giá trị thặng dư.
Tôi tổng hợp lại:
Con người trao đổi với nhau không gì khác ngoài "dịch vụ", tức là năng lượng tiêu tốn với một trình độ nhất định trong một khoảng thời gian nhất định. Và cụ thể là họ trao đổi với nhau giá trị của năng lượng tiêu tốn. Nếu đơn giản hóa tất cả các năng lượng tiêu tốn có trình độ khác biệt nhau vào một mẫu số chung "lao động xã hội", như vậy họ sẽ trao đổi với nhau những giá trị lao động xã hội như nhau.
Ở đâu sự trao đổi không có mặt mối quan hệ độc quyền, khi đó thời gian của lao động xã hội như nhau sẽ cho ra giá trị như nhau, và do vậy thời gian lao động được trao đổi với nhau.
Thế nhưng ở đâu giữa những người tham gia trao đổi có tồn tại một mối quan hệ độc quyền, khi đó cùng một thời gian lao động xã hội sẽ có được những giá trị rất khác nhau tùy theo vị thế trong mối quan hệ độc quyền, và bởi vậy các thời gian lao động rất khác nhau sẽ trao đổi với nhau. Các nhà độc quyền nhận được nhiều lần hơn lượng năng lượng tiêu tốn của đối tác, họ thu về lợi nhuận, [tức là]chiếm đoạt giá trị thặng dư. Mặt khác những nạn nhân của sự độc quyền nhận được ít lần hơn lượng năng lương tiêu tốn của những nhà độc quyền, họ phải nộp cống vật độc quyền, [tức là] trả thêm giá trị gia tăng.
Như vậy mâu thuẫn của chúng ta đã được hóa giải, và công thức kép cho giá trị của sản phẩm, một bên, và giá trị của "lao động", bên kia, đã được cứu thoát. Giá trị của sản phẩm chính bằng giá trị của công lao động tiêu tốn chứa đựng trong nó, và giá trị của công lao động tiêu tốn chính bằng giá trị của sản phẩn được tạo nên bởi chúng. Nếu người lao động nhận được ít từ giá trị này của sản phẩm và nhà tư bản nhận được nhiều, điều này nằm ở chỗ, dưới tác động của mối quan hệ độc quyền giai cấp công lao động tiêu tốn của người lao động có giá trị bằng giá trị tự nhiên của nó trừ đi lượng lợi nhuận độc quyền, và lao động tiêu tốn của nhà tư bản có giá trị bằng giá trị tự nhiên của nó cộng thêm với phần lợi nhuận độc quyền từ lương tự nhiên của mọi công nhân [của nó]. Giống như, trong việc trao đổi đồng 20M của tôi để lấy một món hàng độc quyền chỉ có giá trị 20M bị trừ đi 15M, và giống như món hàng độc quyền có giá trị 5M được cộng thêm 15M.
Đây mới chỉ là sự tiệm cận đầu tiên đến vấn đề mà chúng ta đặt ra. Nó chỉ được giái quyết một cách rốt ráo khi nào đạt đến được việc mọi thu nhập của nền kinh tế tư bản đều có thể xác lập được một cách chính xác từ một công thức tổng quát. Đây không phải là chỗ và thời điểm để làm việc này. Tôi có thể đảm bảo rằng, trong quyền sách giáo khoa của tôi [1] việc tính toán sẽ được thực hiện đến tận cùng. Ở đây tôi chỉ có thể nói, rằng để đạt được mục đích đó cần phải có một sự phân tích cặn kẽ và chưa từng được thực hiện về khái niệm độc quyền, sự tách biệt của nó trong độc quyền trao đổi và độc quyền sản xuất v.v... Tôi khuyên những ai quan tâm nên để ý đến những nghiên cứu và trình bày một cách chính xác đó; ở đây đành phải và có thể bỏ qua vấn đề này, bởi vì giờ đây đã rõ, rằng cả hai vấn đề quan trọng nhất được bàn bạc ở đây, bằng cách này đã tìm ra được lời giải mà tôi cho rằng rất sáng sủa, đó là vấn đề giá trị và giá trị thặng dư.
Phần thứ hai: Phê phán lý thuyết giá trị thặng dư của Marx
Lý thuyết "độc quyền" về giá trị thặng dư mà chúng tôi đã phát triển trong tạp chí số trước đây khác biệt một cách cơ bản với lý thuyết của Marx. Do chỉ có thể một trong hai cái là đúng, cho nên nhiệm vụ của tôi ở đây là xem xét một cách có phê phán lý thuyết của Marx
a) Giá trị của hàng hóa
Chúng ta trước hết hãy nói về phần của lý thuyết trong đó liên quan tới giá trị của hàng hóa.
Nó hoàn toàn trùng hợp với những gì tôi đã trình bày: trong hàng hóa chỉ có những công lao động tiêu tốn trao đổi với nhau. Ở đây cũng có sự trùng hợp cơ bản đối với câu hỏi về nguồn gốc của giá trị. Tuy nhiên, tôi không muốn nói là có sự khác biệt, mà là có sự không rõ ràng trong lý thuyết của Marx liên quan tới vấn đề thứ hai quan trọng hơn, đó là câu hỏi về độ lớn của giá trị.
Marx bằng cách thức quen biết đã đơn giản hóa mọi công lao động về công lao động xã hội trung bình, một phương pháp, không có gì phải chê trách khi nó được sử dụng để để giải thích một cách đơn giản. Qua việc đơn giản hóa về một mẫu số chung này ông ta đã có được một cách không nghi ngờ sự chính đáng, rằng mọi công tiêu tốn khác nhau đều được diễn tả bởi thời gian lao động.
Nhưng ở đây người ta không được phép quên, rằng đó chỉ là một công thức phụ trợ, có được từ việc trừu tượng hóa những yếu tố rất cơ bản để cho tiện lợi, và người ta cần có nghĩa vụ tại những chỗ cần thiết phải đưa chúng trở lại trong việc tính toán. Nhưng điều này ông Marx đã không làm. Ông ta trong suốt mọi chặng luôn nói thời gian lao động là nguồn gốc của giá trị mà không hề quay trở lại sự trừu tượng hóa, cái mà qua đấy ông ta dĩ nhiên đã đạt đến một công thức tuyệt vời và đúng trong phạm vi giới hạn của nó, song như đã nói chỉ đúng trong phạm vi giới hạn của nó.
Chúng ta đã xác định yếu tố cơ bản nào đã bị loại bỏ, nếu người ta đơn giản hóa các công lao động tiêu tốn khác nhau về công lao động xã hội trung bình. Người ta đã loại trừ đi giá trị lao động khác nhau của sự sinh công lao động khác nhau. Người ta đã loại trử đi thực tế, rằng một sự sinh công lao động mà không đáp ứng mong muốn của xã hội, tức là không cần thiết đối với xã hội, hoàn toàn chẳng thể hiện một chút giá trị nào và do vậy không sản xuất ra giá trị; cũng như vậy người ta đã loại trừ một thức tế rõ ràng, rằng cùng một thời gian lao động như nhau của các nhà sản xuất có trình độ khác nhau sẽ có những giá trị khác nhau, và do vậy cũng sản xuất ra những giá trị không như nhau.
Do đó, công thức của Marx, "giá trị sản phẩm bằng độ dài của thời gian lao động được vật thể hóa trong nó", chỉ đúng nếu người ta lúc nào trong suy nghĩ cũng nói thêm: thời gian lao động được hiểu là thời gian lao động trung bình xã hội. Nếu người ta bỏ đi yếu tố này, thì công thức sẽ trở nên vô nghĩa, bởi người ta về căn bản chỉ có thể diễn đạt một phương trình với cùng một đơn vị đo lường. Tôi không thể nói: 1 Cây sô vuông bằng 175 độ C, một Liter bằng 22 Kilowatt. Cũng không thể như vậy, nếu tôi nói 60 phút lao động bằng giá trị 1g vàng.
Những gì cần được nói ở đây, tốt nhất là chúng ta làm sáng tỏ qua một ví dụ. Cái phong vũ biểu, một công cụ được tạo ra để đo áp lực không khí. như đã biết người ta cũng có thể dùng nó để xác định chiều cao của một điểm nào đó so với mặt nước biển. Nhân viên trắc địa sẽ phạm phải sai lầm nghiêm trọng, nếu anh ta đánh dấu chiều cao trong bản đồ của anh ta đúng như những gì anh ta đọc được trong công cụ đó. Mỗi giá trị đọc được đều phải quy về một mẫu số chung nhất định và cụ thể là áp lực không khí 760mm, và chỉ sau khi có sự điều chỉnh này mới có được độ cao. Hoặc là một ví khác: một lít nước nặng 1kg. Tôi cũng có thể dùng vật đong đo dung tích để diễn tả trọng lượng. Nhưng ở đây cũng vậy, mỗi lần đo đều phải có sự điều chỉnh cần thiết; nhiệt độ thực tế của nước mỗi một lần như vậy phải được đưa về 4 độ C.
Cũng tương tự như vậy đối với mối quan hệ giữa thước đo thời gian và thước đo giá trị, những cái mà Marx sử dụng. Nó đúng trong những điều kiện hoàn toàn xác định, tức là nếu nói đến sự trao đổi của hai hàng hóa có thể tái sản xuất được một cách bất kỳ, được sản xuất bởi lao động xã hội trung bình. Và như vậy người ta mới có thể trông đợi cái công thức đó không bị chất vấn. Thế nhưng ở những chỗ tương ứng người ta cần phải đưa việc đơn giản hóa của cách điều kiện khác biệt về lại những điều kiện bình thường, nếu không người ta sẽ đi đến kết luận sai lầm.
Marx đã không đáp ứng được định đề cơ bản này. Khắp mọi nơi ông ta đã thao tác với công thức của mình, cứ như là nó đúng cho mọi trao đổi của tất cả các loại hàng hóa. Cũng từ đấy phát sinh hàng loạt những khó khăn, số thì đọng lại không giải quyết được, số thì đòi hỏi phải cần đến những cấu trúc hỗ trợ phức tạp nhất. Tôi không muốn đi sâu vào vấn đề này, và chỉ muốn đưa ra một số gợi ý thoáng qua: thứ nhất từ cái gốc này đã nảy nở một khó khăn lớn, mà cấu trúc của xã hội tập thể tương lai gặp phải, đó là việc trả lương cho lao động. Nếu người ta phải phân phối toàn bộ sản phẩm theo nhu cầu, khi đó sẽ thiếu thước đo khách quan để đánh giá cái gì là nhu cầu. Chìa khóa phân chia này chỉ có thể đối với tình trạng phân chia lao động xã hội, cho phép mỗi người được nhận nhu cầu thiết yếu một cách không đến nỗi nào về thực phẩm, chỗ ở, quần áo, và một vài nhu cầu văn hóa như báo chí, sách vở, xem hát. Một khi lực lượng sản xuất của xã hội mạnh lên, những nhu cầu cao hơn phức tạp hơn có thể tìm thấy sự thỏa mãn thì lúc đó không có thể tìm ra được thước đo sao cho phù hợp với tính kinh tế và tính công bằng. Nhưng nếu người ta phân chia sản phẩm một cách máy móc theo đầu người, thì lúc này rõ ràng rằng kẻ yếu hơn bóc lột người mạnh hơn, kẻ ngu đần bóc lột người thông minh, và như vậy tính công bằng đã bị xâm phạm, và sự hài lòng với việc phân chia đồng đều không đạt được. Thứ ba, nếu phân chia theo trình độ lao động, thì lại thiếu thước đo để đánh giá nó, nếu ngưởi ta không muốn làm như Kausky cuối cùng đã làm, tức là sau khi đuổi cạnh tranh trên thị trường lao động ra khỏi bằng cửa trước thì lại rước nó vào bằng cửa sau.
Thứ hai, đi theo công thức của Marx không thể đánh giá được các kết quả công việc phi vật thể. Đối với ông ta chỉ những lao động có sự chuyển hóa từ năng lượng sang vật chất trong các nguyên liệu mới tạo nên giá trị và giá trị này tương ứng với thời gian lao động, và chính như thế nên ông ta đã gặp phải những khó khăn rất lớn trong việc xác định thu nhập của những cán bộ viên chức kỹ thuật trong công nghiệp. Theo ông ta, tiền công của họ được trả lấy từ giá trị thặng dư của nhà tư bản, trong khi trên thực tế họ cũng bị bóc lột chẳng khác gì những người lao động chân tay. Hơn nữa ông ta từ công thức của mình không thể xác định được mức lương của nhà kinh doanh, do đó không thể tiến hành sự phân biệt quan trọng và rõ ràng là cần thiết về mặt lý thuyết của cả hai thành phần được cộng lại trong toàn bộ thu nhập của nhà tư bản: lợi nhuận của ông ta và lương lao động của lực lượng trình độ cao của ông ta. Tuy nhiên, tất cả các điều này qua việc mở rộng công thức, cuối cùng cũng làm cho chúng trở nên phù hợp [với công thức]: nhưng điều tuyệt đối không thể làm được từ công thức này, đó là việc xác định thu nhập của giáo viên, bác sĩ và của những người cung cấp dịch vụ cao cấp khác. Và khi đó câu hỏi diễu cợt mà Friedrich List đòi khoa học kinh tế tư sản trả lời sẽ được áp dụng cho Marx: như vậy có phải công việc của những người nuôi lợn có hiệu quả hơn công việc của những người nuôi dạy người?
Như tôi đã nói, ở đây tôi không thể đi sâu hơn và chỉ muốn lưu ý, rằng từ cái gốc này đã nảy sinh ra hiện tượng, chính nó đã làm cho phong trào công nhân méo mó đi nhiều nhất và làm suy yếu mạnh mẽ nhất sức tấn công của phong trào, và nảy sinh hiện tượng đánh giá quá cao công việc lao động chân tay thuần túy so với những nhà sản xuất tạo ra những giá trị tinh thần. Có điều kỳ cục, Marx bản thân là một người lao động trí óc có trình độ cao nhất, lại không thấy được hậu quả này của chính những tiên đề của mình.
Tóm lại: công thức của Marx đúng trong các điều kiện nhất định: Sản phẩm của lao động xã hội trung bình có giá trị bằng thời gian lao động của nó. Nhưng công thức được đơn giản hóa chỉ nhằm phục vụ hữu ích cho mục đích tính toán đó không thể là công thức giá trị đúng. Công thức đúng đắn chứa đựng nhiều hơn nhiều: giá trị của hàng hóa được tính theo giá trị của lao động xã hội cần thiết được vật chất hóa trong nó, đo bởi thời gian và trình độ. Do vậy cùng thời gian của cùng trình độ trao đổi cho nhau, khác thời gian của khác trình độ trao đổi cho nhau. Nhưng sự trao đổi này chỉ xảy ra khi cả hai hàng hóa, trong nó lao động được vật chất hóa, được sản xuất ra trong điều kiện cạnh tranh hoàn toàn tự do, tức là những hàng hóa có thể tái sản xuất được một cách tùy ý bất kỳ. Nhưng nếu như một trong hai hàng hóa đó không thể tái sản xuât được một cách tùy ý, mà là một dạng hàng độc quyền, tức là giữa chúng tồn tại một mối quan hệ độc quyền, thì lúc này thời gian không như nhau của công việc cùng trình độ sẽ trao đổi cho nhau.
Ở đây cho thấy, công thức của Marx không chỉ quá đơn giản, bị đơn giản hóa quá nhiều, mà còn không đầy đủ do vậy là sai, một khi nó tự coi là đã hoàn chỉnh như nó đã làm. Marx đã bỏ qua hoàn toàn giá trị độc quyền trong tính toán của mình. Và điều này lại càng dễ nhận ra hơn, bởi toàn bộ Chủ nghĩa xã hội trước Marx đã luôn cáo buộc tài sản đất đai và tài sản tư bản là độc quyền và lợi nhuận đất đai và lợi nhuận tư bản là lợi nhuận độc quyền; cho đến đề cương Erfurt trong phần khái quát quan điểm này còn xuất hiện đến ba lần trong hai đoạn.
Do vậy đó là một thiếu sót không sao hiểu nổi, khi Marx không đưa giá trị độc quyền vào trong tính toán của mình. Ông ta không có cái lý do như Ricardo đã có, khi ông ta nhắc tới nó rồi lập tức bỏ qua: Ricardo coi nó [giá trị độc quyền] chỉ là một ngoại lệ vô hại, trong khi đó Marx ít nhất đã có mọi lý do để xem xét xem, liệu ở đây có thể tìm ra được lời giải cho vấn đề mà ông ta tìm kiếm.
Ông ta hoàn toàn có lý với giả thiết cơ bản, rằng trong giá trị chỉ thể hiện các mối quan hệ xã hội. Nhưng lẽ ra ông cũng sẽ thấy ngay lập tức khi chú ý tới hàng hóa độc quyền, rằng không chỉ các mối quan hệ kinh tế của sự phân công lao động xã hội cũng như của công lao động xã hội tiêu tốn thể hiện trong giá trị, mà có thể cũng còn có các mối quan hệ ngoài kinh tế của các vị thế quyền lực xã hội.
b) Giá trị thặng dư
Vì lý do này, lý thuyết đúng đắn về giá trị thặng dư cũng không thể được phát hiện ra. Marx, như mọi người đều biết, đã giải thích, giá trị thặng dư không thể hình thành trong quá trình lưu thông [quay vòng]. Bởi vì về lâu dài trung bình, nhà tư bản mua phương tiện sản xuất và "sức lao động", theo thuật ngữ đúng đắn có nghĩa là dịch vụ với toàn bộ giá trị xã hội đầy đủ của nó, và bán ra sản phẩn hoàn thiện với toàn bộ giá trị xã hội của nó. Ở đây, như vậy về lâu dài không bao giờ có thể sinh ra được giá trị thặng dư.
Sự khẳng định này chỉ đúng, nếu trên thị trường chỉ có những giá trị tự nhiên trao đổi với nhau. Nhưng như chúng ta đã quan sát một cách tường tận, giá trị thặng dư trong quá trình lưu thông [quay vòng] thường sinh ra tại nơi hai đối tác cạnh tranh trao đổi với nhau trong mối quan quan hệ độc quyền, và giá trị thặng dư luôn có mặt tại nơi luôn tồn tại mối quan hệ độc quyền.
c) Giá trị của lao động
Để thoát khỏi những khó khăn mà lý thuyết của chính mình đã đẩy ông ta vào đó, tức là nhằm tính được giá trị thặng dư, Marx đã tiến hành việc chứng minh, rằng cái [giá trị thặng dư] không thể sinh tra trong quá trình lưu thông, đã sinh ra trong quá trình sản xuất. Cấu trúc này ai cũng biết do vậy tôi xin phép được diễn tả một cách ngắn gọn: Nhà tư bản mua "sức lao động" với giá bằng giá trị trao đổi của nó, tức là một khoản thời gian lao động xã hội trung bình cần thiết để tái tạo ra nó và với điều này cũng là mua giá trị sử dụng của sức sản xuất, đó chính là lượng giá trị được đưa thêm vào trong nguyên liệu. Tiếp đó ông ta để cho người lao động tạo ra "giá trị thặng dư", tức là để cho họ làm lâu hơn số thời gian cần thiết để tái tạo nguồn thỏa mãn nhu cầu sống của bản thân: lượng giá trị được đưa thêm vào nguyên liệu trong khoảng thời gian nhiều thêm này được gọi là giá trị thặng dư của ông ta, hay lợi nhuận của ông ta.
Cấu trúc này có thể chứng mình được là đã sai trong mỗi bước.
1. Đầu tiên, không phải nhà tư bản mua "sức lao động" trên thị trường. Sức lao động theo nghĩa khoa học đó là năng lực lao động: nó không thể mua được trên thị trường, ngoại trừ trong nền kinh tế nô lệ chủ nô, và chúng ta đang nói về một nền kinh tế lưu thông tự do, vể "người lao động tự do". Cái mà nhà tư bản mua, đó chính là năng lượng tiêu tốn với một trình độ nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định, tức là dịch vụ. Chúng ta hãy đơn giản hóa dịch vụ này, như Marx đã làm và không có gì là sai, trở về lao động xã hội trung bình! Chúng ta lại giả thiết, rằng trong đồng 20M bằng vàng chứa đựng 20 giờ lao động xã hội trung bình, và đồng 20M là lương cho một tuần của một người lao động có trình độ xã hội trung bình, mỗi ngày phải làm việc 10 giờ đồng hồ. Như thế nhà tư bản mua đã mua 60 giờ lao động xã hội trung bình với giá 20 giờ xã hội trung bình. Ông ta lời được 40 giờ lao động xã hội trung bình, thậm chí là ngay trong "quá trình lưu thông" [xoay vòng], chứ không chờ đến quá trình sản xuất, bất chấp cả Marx. Ông ta có lời bởi vì sự trao đổi giữa ông ta, người sản xuất ra sản phẩm vàng, và người lao động, người sản xuất ra sản phẩm dịch vụ, xảy ra trong mối quan hệ độc quyền giai cấp.
2. Cũng lại sai nữa, đó là lý thuyết về giá trị và lao động làm nền tảng cho toàn bộ cấu trúc này. Nó ra đời từ lý thuyết cổ điển, mà cụ thể là của Ricardo, và, cũng như hầu hết mọi thành phẩn của lý thuyết này, đã được Marx tiếp nhận mà không hề có sự kiểm tra lại. Nhưng nó sai hoàn toàn; dựa trên lỗi logic về quatenio terminorum, tức là về việc sử dụng từ có hai nghĩa.
Người ta không thể cẩn thận bao nhiêu cho đủ với các thuật ngữ ở đây. Một phần lớn những lầm lỗi mà lý thuyết cố điển đã mắc phải, là do nhiều ý nghĩa khác nhau của ngôn ngữ chung, trong đó từ "lao động" xuất hiện, đã không được tách bạch một cách đủ rõ ràng. Về mặt khoa học người ta phải tách bạch những thứ sau đây: 1. "Lao động" [công] là một khái niệm không thuộc về kinh tế mà là khái niệm thuộc về khoa học tự nhiên. Nó có nghĩa không có gì khác hơn là công suất của chừng này kilogramn-meter trong chừng này giây đồng hồ. 2. "Năng lực lao động" là một khái niệm sinh học. Nó có nghĩa là khả năng hữu cơ về mặt thân thể của con người, có thể sinh ra [công] lao động theo nghĩa khoa học tự nhiên. 3. "Lao động tiêu tốn" hoặc "dịch vụ" mới là khái niệm kinh tế. Dịch vụ là sản phẩm của năng lực lao động mà người có năng lực lao động đem nó vào thị trường, và cụ thể một cách gián tiếp là lao động xã hội cần thiết được vật thể hóa trong một hàng hóa, hoặc một cách trực tiếp là dịch vụ theo một nghĩa hẹp, tức là lao động tiêu tốn trên tính toán và cho mục đích của người khác.
Vì vậy ở đây chúng ra không hỏi về các giá trị của lao động theo nghĩa vật lý, và cũng không hỏi về các giá trị của năng lực lao động theo nghĩa sinh học, mà chỉ hỏi về các giá trị của công lao động tiêu tốn theo nghĩa kinh tế, về các giá trị của các dịch vụ.
Thế nhưng Marx trong lý thuyết về giá trị "lao động" của mình đã lẫn lộn lung tung giữa năng lực lao động và lao động tiêu tốn, giữa năng lực lao động và dịch vụ. Hai khái niệm này liên quan với nhau như cái cây và quả của nó, như cây lúa và hạt lúa, như máy phát điện và dòng điện mà nó phát ra. Hoàn toàn sai khi muốn giải thích giá trị của dòng điện từ chi phí tái sản xuất máy phát điện, thì cũng rõ ràng là sai khi muốn giải thích giá trị của dịch vụ từ chi phí tái tạo năng lực lao động.
Dịch vụ cũng là một sản phẩm như mọi sản phẩm khác. Giá trị của nó cũng được hình thành nên như giá trị của mọi sản phẩm. Nếu ta nhìn từ quan điểm của các nhà sản xuất, thì giá trị của dịch vụ bao gồm giá thành và lợi nhuận; Nếu ta nhìn từ quan điểm về các nhà sản xuất thì giá trị của nó bao gồm các giá trị của công lao động được vật hóa trong giá thành và các giá trị của "lao động thêm vào" của nhà sản xuất. Lợi nhuận của nhà sản xuất là giá trị của lao động xã hội mà anh ta đã tiến hành.
Như vậy cho loại sản phẩm dịch vụ chúng ta cũng có giá thành và lợi nhuận, và cần phải phân biệt giữa lao động mua vào và lao động thêm vào.
Nhưng chúng ta phải hết mực cảnh giác không để nhầm lẫn giữa giá thành của dịch vụ với giá tái tạo năng lực lao động.
Giá thành của dịch vụ đối với lao động giản đơn bao gồm chi phí đi lại, phải được bù đắp trong lương, từ giá thành cho quần áo làm việc của mình, cho công cụ làm việc và các vật liệu phục vụ cho công việc (Áo choàng chống thấm cho thủy thủ, dầu đèn cho thợ mỏ). Đối với dịch vụ cao cấp,ví dụ như Phái viên, Môi giới, Bác sĩ, Luật sư... giá thành bao gồm chi phí cho trụ sở làm việc, cho nhân viên, thuế v.v... và v.v... tất cả những thứ này tùy theo tỷ lệ đều phải được tính vào cho mỗi dịch vụ. Ngoài ra mỗi một nhà cung cấp dịch vụ sẽ nhận được lợi nhuận cho mỗi dịch vụ, tương ứng một mặt với trình độ của anh ta,mặt khác với vị thế của anh ta trong mối quan hệ độc quyền. Từ lợi nhuận có được này, tức là giá trị của lao động thêm vào của anh ta, mỗi một nhà sản xuất có thể dùng nó để chu cấp cho các nhu cầu của gia đình, và anh ta, nếu người ta muốn nói như vậy, có thể tái tạo "năng lực lao động" và hơn thế nữa là tái tạo giai cấp của mình. Nhưng chi phí để tái tạo năng lực lao động của anh ta không phải là chi phí của dịch vụ.
Ricardo như vậy ở đây đã phạm phải một lỗi kép. Trước tiên, ông ta đã nhầm chi phí tái sản xuất của dịch vụ với chi phí của năng lực lao động và sau đó ông ta đã hoàn toàn bỏ qua hạng mục quan trọng nhất đó là lợi nhuận hay là giá trị của lao động thêm vào.
Marx đã tiếp nhận cả hai sai lầm này - đây là một điều khó hiểu. Bởi vì Ricardo ít nhất cũng có lý do, đó là vì sự đa nghĩa của từ đã dẫn đến sai lầm; ông ta đã dùng khái niệm "lao động" một lần trong ý nghĩa của "năng lực lao động" và một lần trong ý nghĩa của "phân công lao động".
Tuy vậy, Marx vẫn là người đầu tiên - và đây cũng là một trong những cống hiến bất tử của ông ta cho khoa học - đã phát hiện ra, rằng trong khái niệm "lao động" có hai thứ khác biệt trộn lẫn với nhau; ông ta là người đầu tiên phân biệt giữa "sức lao động", tức là năng lực lao động, với "thời gian lao động", tức là [năng suất] lao động xã hội trung bình.
Tôi chỉ đi theo Marx khi tôi thực hiện sự phân biệt giống như vây. Và do đó người ta không thể bảo vệ Marx để chống lại tôi với luận điểm, ở đây tôi đã có thể tiến hành, cái được logic gọi là "sự phân biệt không có sự khác biệt". Sự phân biệt có nguồn gốc từ chính ông thầy [Marx], và tôi không tin, rằng ngay cả những người không marxist có thể phủ nhận điều này.
Nếu nó đứng vững một cách hợp lý logic, thì rõ ràng rằng Marx đã phạm phải một lỗi nghiêm trọng qua việc ông ta đã bỏ qua sự tách biệt khái niệm của chính mình tại một điểm quyết định và rơi trở lại việc sử dụng đồng nghĩa [khái niệm] của Ricardo. Bởi vì điểu này ông ta đã thực hiện, khi ông ta để cho giá trị của "thời gian lao động" được xác định bởi giá trị của "sức lao động".
Ricardo đã nói một cách lờ mờ: giá trị của hàng hóa được xác định bởi "lao động" chứa đựng trong nó. Khi ông ta hỏi về giá trị của lao động, như vậy có thể ở đây giá trị của sức lao động đã thâm nhập vào ông ta một cách vô thức.
Nhưng Marx phát biểu với sự phân biệt chính xác nhất: giá trị của hàng hóa được xác định bởi "thời gian lao động" chứa đựng trong nó. Khi sau đó ông ta hỏi về giá trị của thời gian lao động , và như thế sẽ không hiểu được về mặt logic, chuyện ông ta bỗng nhiên lại nảy sinh ra sức lao động, cái mà cho tới đó chưa hề được nhắc tới. Lỗi lầm này chỉ có thể hiểu được thông qua lịch sử, chỉ cho những ai hiểu được, rằng Ricardo diễn giải giá trị của "lao động" theo cách thức sai lầm này.
Đến đây tôi nghĩ rằng tôi phê phán học thuyết Marx như vậy là đủ để bảo vệ quan điểm của mình. Học thuyết của Marx chắc chắn đã sai từng điểm một và không thể đứng vững, và theo đó tôi có quyền chính đáng yêu cầu mọi người kiểm tra lại học thuyết của tôi với những phương tiện phê phán thỏa đáng và công bằng.
Một nhận xét cuối cùng trước khi kết thúc. Người ta thường chê trách, tôi là kẻ thù của địa tô nên không muốn động chạm tới các nhà tư bản. Với sự tôn trọng, điều này là một sự vô nghĩa ghê gớm. Tôi coi chủ nghĩa tư bản là một cấu thành thứ cấp, tư bản là tài sản quyền lực thứ cấp, cần phải phá vỡ ngay lập tức, nếu mối quan hệ độc quyền giai cấp ban đầu, có cơ sở từ sự độc quyền chiếm hữu đất đai, bị phá vỡ. Có thể tôi đã nhầm, nhưng người ta không nên chê trách cái người muốn đốn đổ cái thân cây, rằng anh ta có ý định tiếp tục nuôi dưỡng đám hoa quả của cây đó.
Và thêm một lời nữa đối với thực tế: ý kiến của tôi là nên có một chương trình hành động, đơn giản, dễ làm và có thể thực hiện nhanh chóng, trong một thời gian ngắn không chỉ ở Đức mà còn lan tỏa ra toàn thế giới, nếu như nó được thực hiện bởi một đội quân mạnh mẽ như đảng lao động. Tôi, người XHCN duy nhất còn đang sống trên thế giới theo nghĩa là những cha đẻ của những người XHCN, tin tưởng chắc chắn không chút nghi ngờ, rằng, nếu chúng ta muốn: chúng ta sẽ còn được chứng kiến vừng hồng của thời đại mới, những người trẻ hơn trong chúng ta có thể sẽ được chứng kiến cảnh mặt trời mọc.
----------
Chú thích:
[1] Lý thuyết về Kinh tế thuần túy và về Kinh tế chính trị học, Berlin 1910, tái bản lần 2 1911.
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Năm, 07/11/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131106/franz-oppenheimer-gia-tri-va-gia-tri-thang-du
======================================================================
Phần thứ nhất: Lý thuyết "Độc quyền" về giá trị thặng dư
Nền kinh tế xã hội phát triển, xoay quanh một thị trường đó là một nền kinh tế mang tính hợp tác, có nghĩa là một nền kinh tế hoạt động trong sự phân công lao động và hợp nhất. Nó thể hiện ở chỗ, mỗi một thành viên của nền kinh tế xã hội sẽ đem vào thị trường những thứ được bỏ công làm ra, [tức là] "thứ có giá trị", để bán chúng cho những thành viên khác của xã hội có nhu cầu; với số tiền thu được anh ta sẽ mua những thứ có giá trị khác mà bản thân anh ta có nhu cầu.
Ở đây chúng ta sẽ thống nhất với nhau, rằng ta gọi công việc đem vào thị trường là "sản xuất", gọi cái được đem vào thị trường là "sản phẩm" và gọi người đem nó vào thị trường là "nhà sản xuất". Điều này đúng với nghĩa đen của từ được sử dụng [producere]. Produce không có nghĩa là chế tạo, tiếp đầu ngữ "pro" có nghĩa là ra khỏi, ra khỏi xưởng, ra khỏi nhà máy, ra khỏi kho, còn "ducere", có nghĩa là dẫn dắt, dẫn dắt ra thị trường.
Có ba nhóm sản phẩm chính: hàng hóa, tức là các phương tiện có tính vật chất để thỏa mãn nhu cầu; dịch vụ, tức là năng lượng tiêu tốn với một phẩm chất nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định; vị thế quyền lực. Ở đây tôi hiểu vị thế quyền lực là những thứ được gọi là các "Quyền" và các "Mối tương quan" và xa hơn nữa là đất đai, tư bản, tức là những tài sản có khả năng sinh lời.
Tất cả những thứ đó đều là sản phẩm được đem ra thị trường để bán.
Nhà sản xuất muốn sản xuất sản phẩm của mình, trước đấy anh ta phải mua sản phẩm. Những trường hợp chỉ cần bỏ công lao động là có được sản phẩm, nói chung hiếm hoi. Ví dụ như việc thu lượm thảo dược để bán cho các cửa hàng thuốc. Thông thường việc mua sản phẩm là tốn kém tiền bạc, nó thuộc vào giá thành [chi phí bằng tiền để tạo nên sản phẩm - ND] của nhà sản xuất. Anh ta phải mua vào nguyên liêu, vật tư, công cụ, và nếu anh ta không đủ tài hoa để có thể tự mình làm hết được mọi việc, anh ta sẽ phải bỏ tiền ra mua "dịch vụ" của công nhân, công chức, người môi giới, anh ta phải trả tiền thuê nhà xưởng, tiền sưởi ấm, tiền điện v.v... anh ta có thể cũng còn phải trả chi phí cho việc vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất tới thị trường.
Trước tiên nhà sản xuất phải bù đắp lại được giá thành sản xuất của mình qua giá bán sản phẩm. Không có sự bù đắp này anh ta sẽ không thể lại mua nguyên liệu, mua dịch vụ để tiếp tục sản xuất, nghĩa là có thể sẽ lại cung cấp sản phẩm của mình trong những phiên chợ tới.
Tuy nhiên nếu trong giá bán sản phẩm chỉ có giá thành sản xuất thì sau khi trừ đi cho nhau anh ta chẳng còn lại chút gì cho bản thân mình để duy trì cuộc sống, tức là chẳng có cái để mua hàng hóa, dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Như vậy giá bán của hàng hóa phải cao hơn giá thành sản xuất: đây là tiền đề cho mọi nền kinh tế xã hội có phân công lao động. Chúng ta gọi cái phần cao hơn đó là lợi nhuận.
Giá của mỗi sản phẩm phải bao gồm giá thành sản xuất và lợi nhuận. Vậy phần lợi nhuận là bao nhiêu?
Trong nền kinh tế có sự lưu thông tự do mà chúng ta đang sống đây, không hề tồn tại một nơi nào có quyền ấn định mức lợi nhuận này, giống như nền kinh tế tiền tệ có tính chất trói buộc thời trung cổ, và giống như trong trường hợp của nền kinh tế tập thể. Trong nền kinh tế lưu thông tự do chỉ có những lực lượng riêng lẻ, đối lập, thế nhưng chính cái sự đối lập này đã tạo nên và duy trì sự "tự điều chỉnh" và đó là cái sẽ xác lập mức lợi nhuận và với nó là việc xác lập giá cả. Sự tự điều chỉnh này chính là sự cạnh tranh.
Cạnh tranh là cuộc chiến về giá cả. Ai cũng muốn bán ra đắt nhất và mua vào rẻ nhất. Do vì tất cả đều muốn như vậy, cho nên cuộc chiến giá cả chỉ có thể dừng lại tại trạng thái của thị trường, ở đó tất cả giá của mọi sản phẩm đạt đến mức, mọi lợi nhuận của tất cả các nhà sản xuất sẽ cân bằng nhau như cuộc cạnh tranh cho phép.
Cho phép ở mức độ nào? Và trạng thái cân bằng của thị trường nằm ở đâu? Điều này có thể xác định được trước trong một công thức tổng quát.
Sự cạnh tranh, trong điều kiện tự do, sẽ tiến tới điểm khi ở đó nó không thể chịu đựng nổi việc mọi sản phẩm giống nhau sẽ có cùng một giá như nhau.
Bởi vì, thứ nhất, nó sẽ không thể bù đắp lại được sự khác biệt của trình độ nhân lực. Bên có trình độ nhân lực cao hơn sẽ, hoặc đem vào thị trường nhiều sản phẩm cùng loại hơn bên kia, hoặc sẽ đem vào thị trường sản phẩm có chất lượng cao hơn bên kia. Trong trường hợp thứ nhất bên có trình độ nhân lực cao sẽ thu về nhiều lợi nhuận đơn lẻ, tổng cộng lại sẽ được toàn bộ lợi nhuận cao hơn, trong trường hợp thứ hai lợi nhuận đơn lẻ cao hơn và trong cùng các điều kiện như nhau cũng sẽ thu về lợi nhuận cao hơn.
Thứ hai, rõ ràng là sự cạnh tranh sẽ không thể cân bằng được lợi nhuận tại nơi mà ở đó nó không có sự tự do, có nghĩa là ở đó tồn tại sự độc quyền. Ai nắm giữ sự độc quyền, ví dụ như bằng phát minh chẳng hạn, sẽ có lợi nhuận độc quyền trong mỗi một sản phẩm của mình, và do đo sẽ có mức tổng lợi nhuận cao hơn.
Sự cạnh tranh như vậy chỉ có thể cân bằng được tổng lợi nhuận, tức là thu nhập, của tất cả các nhà sản xuất có cùng một trình độ và có cùng một vị thế như nhau trong các mối tương quan độc quyền. Điểm cân bằng của thị trường được đạt đến, cuộc chiến cạnh tranh dừng lại một khi mọi giá cả của mọi sản phẩm đạt đến việc tất cả các nhà sản xuất có cùng trình độ và cùng vị thế trong các mối tương quan độc quyền có được cùng một tổng lợi nhuận như nhau từ các lợi nhuận đơn lẻ, tức là có thu nhập như nhau; và đến việc thu nhập của các nhà sản xuất nào có trình độ cao hơn, hoặc có được ưu thế của sự độc quyền, sẽ cao hơn, tương ứng một mặt với mức khác biệt về trình độ, mặt khác với các phần phụ trội của lợi nhuận do độc quyền.
Sự cạnh tranh có xu hướng liên tục thiết lập trạng thái cân bằng này của thị trường trong một quá trình của sự giao động mà ai cũng đã biết, nên tôi xin phép diễn tả nó ở đây qua vài lời ngắn ngủi.
Quan sát một thị trường cô lập ta thấy giá của mỗi một sản phẩm tự điều chỉnh theo mối quan hệ cung cầu, có nghĩa là theo điểm cân bằng trong cuộc đọ sức giữa hai bên. Mối tương quan của tất các giá cả đối với nhau trên một thị trường riêng lẻ tôi gọi nó là Quan hệ giá cả tổng thể. Quan hệ này sẽ có ảnh hưởng quyết định đến mối tương quan giữa cung và cầu của mỗi một sản phẩm trên các thị trường trong thời gian tới. Nếu có một giá nằm thấp hơn điểm cân bằng, điều này sẽ làm cho các nhà sản xuất lo sợ, cung sẽ giảm và giá sẽ tăng - ngược lại nếu có một giá nằm cao hơn điểm cân bằng, điều này sẽ kính thích các nhà sản xuất, cung tăng, và giá giảm. Qua đó về lâu dài và tính trung bình mỗi một giá sẽ nhắm đến điểm cân bằng của nó, và quan hệ giá cả tổng thể cũng nhắm đến điểm cân bằng của mình.
Điểm cân bằng của mỗi một giá riêng biệt người ta gọi là giá trị của nó; và trạng thái cân bằng của tất cả các giá tôi gọi là Quan hệ giá trị tổng thể.
Giá trị là gì? Đây là vấn đề trung tâm của mọi khoa học kinh tế kể từ khi chúng ra đời.
Câu hỏi này cho phép có hai câu trả lời.
Thứ nhất, có thể hỏi, tại sao giá trị của một lượng hàng hóa a lại bằng giá trị của một lượng nhất định hàng hóa b hoặc c khác v.v... Đây là vấn đề về giá trị tương đối.
Thứ hai, có thể hỏi, tại sao giá trị của hàng hóa a, không để ý đến b, c... lại nằm đúng tại một điểm xác định, mà không cao hơn hoặc thấp hơn. Đây là vấn đề về giá trị của "mỗi bản thân hàng hóa", nói theo cách của Ricardo, đó là giá trị tuyệt đối nội tại.
Hai vấn đề này đồng thời khác biệt và bổ sung cho nhau như thế nào, để giải thích tôi sẽ dùng một hình tượng quen biết, vốn đã được sử dụng từ lâu trong việc diễn tả mối quan hệ giữa giá cả và giá trị. Người ta nói, giá cả giao động xung quanh giá trị giống như con lắc giao động xung quanh điểm cân bằng.
Một người quan sát chỉ nhìn thấy con lắc trong trạng thái chuyển động và chưa hề thấy nó ở trạng thái tĩnh, qua quan sát cũng sẽ nhận ra điểm cân bằng chính là điểm giữa của biên độ giao động của giá cả. Tuy vậy rõ ràng rằng vấn đề của con lắc vẫn chưa được giải quyết. Để có thể hiểu được một cách đầy đủ, người ta phải biết, rằng điểm cân bằng được xác định bởi những lực nằm ngoài sự chuyển động: nó nằm thẳng góc dưới điểm treo, cách điểm treo một khoảng bằng độ dài của con lắc.. Và bản thân sự chuyển động chỉ có thể giải thích được, nếu người ta hiểu, rằng trung điểm này của biên độ không chỉ có phần thụ động, sinh ra qua tính toán từ sự chuyển động, mà sở dĩ còn như vậy, bởi vì nó là điểm hút chủ động. Sự hút này, có sẵn ở đây trước cả sự chuyển động, nó được sinh ra bởi các lực không phụ thuộc vào sự chuyển động, nó là nguyên nhân tại sao lại có được biên độ như vậy và tốc độ như vậy, nếu một khi xuất hiện một sự "nhiễu loạn" của hệ thống; và nó là nguyên nhân để cho hệ thống luôn có xu hướng đạt đến sự cân bằng tại đúng điểm này.
Chính vì thế mà vấn đề của giá trị tương đối cần phải nghiên cứu là tại sao trong khi chuyển động, [tức là] trong cạnh tranh, các điểm trung bình của giá cả, [tức là] các giá trị của mỗi một sản phẩm lại tỷ lệ với nhau như vậy; - và vấn đề của giá trị tuyệt đối cần nghiên cứu là những lực nào trước khi có sự chuyển động, [tức là] trước khi có cạnh tranh, đã tác động làm cho mỗi một giá trị có xu hướng tiến tới chính điểm đó.
Trước tiên chúng ta hãy xem xét giá trị tương đối.
Nó là kết quả của sự cạnh tranh tự do, được xác định bởi không có gì khác ngoài những lực tác động nằm ngay trong chính nó. Ở đây không có gì khác ngoài Cung và Cầu. Mối quan hệ của hai giá trị do đó không thể gắn chặt với cái gì khác ngoài mối quan hệ của hai tương quan Cung và Cầu. Giá trị w của một lượng nhất định sản phẩm a tỷ lệ với giá trị w' của một lượng nhất định sản phẩm b khác cũng giống như tỷ lệ của tỷ lệ cung cầu giữa hai bên:
w/w' = (Cng/Ca)/Cng'/Ca')
Cng: Cung
Ca: Cầu
Mối liên hệ giữa hai liên hệ này tôi đề nghị gọi là "mức khan hiếm kinh tế". Như vậy giá trị tương đối được xác định bởi không có gì khác là mức khan hiếm kinh tế.
Mức khan hiếm kinh tế phụ thuộc vào cái gì?
Nó có thể bị giới hạn một cách tự nhiên hoặc có thể bị giới hạn về mặt pháp lý.
Mức khan hiếm kinh tế có giới hạn tự nhiên của các sản phẩm có thể bắt nguồn từ sự khan hiếm cuả các thứ tự nhiên hoặc của năng lực lao động cần thiết để đem sản phẩm vào thị trường, các sản phẩm ở đây có thể là hàng hóa hay dịch vụ.
Về cái thứ hai, tức là trình độ lao động, ta không cần tiếp tục bàn thêm. Nhưng những gì liên quan tới mức khan hiếm kinh tế của các thứ tự nhiên, ta phải tiếp tục phân biệt giữa hàng hóa được sản xuất trong điều kiện tự do cạnh tranh và hàng hóa "độc quyền một cách tự nhiên". Cái thứ nhất sẽ có giá trị tương đối càng cao khi mức độ khan hiếm tự nhiên của nó càng lớn, tức là đòi hỏi càng phải có một lượng lao động lớn hơn để đem chúng vào thị trường; cái thứ hai cũng có cùng một giá trị của mức khan hiếm tự nhiên tương đối như vậy nhưng cộng thêm phần lợi nhuận độc quyền. Các ví dụ vĩnh cửu cho lý thuyết này là các loại rượu vang quý hiếm và những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân đã qua đời.
Mức khan hiếm kinh tế liên quan tới pháp lý có nguyên nhân từ sự độc quyền hợp pháp, được hình thành nên, hoặc từ công luật, từ việc "trao tặng", ví dụ như bằng phát minh, hoặc từ tư luật thông qua các hợp đồng pháp lý tư nhân. Nếu các nhà sản xuất ký kết với nhau thu hẹp lại việc sản xuất, bằng cách hoặc sản xuất ít đi hoặc không xuất xưởng các sản phẩm hiện có, khi đấy giá trị của chúng sẽ tăng vọt vượt qua mức khan hiếm kinh tế tự nhiên của chúng một lượng bằng mức lợi nhuận độc quyền.
Như vậy chúng ta có hai nhóm giá trị khác nhau một cách rõ ràng cần phải phân biệt, cụ thể là các giá trị của những sản phẩm được tạo ra hoặc được bán ra trong điều kiện cạnh tranh hoàn toàn tự do, và những sản phẩm được tạo ra hoặc được bán ra trong mối quan hệ độc quyền. (Ngoài ra còn có một nhóm thứ ba được rút ra có tên gọi là "giá trị vốn hóa" của bản thân sự độc quyền. Tuy nhiên cái này chúng ta không bàn tới ở đây.)
Nhóm giá trị thứ nhất được gọi là "giá trị tự nhiên". Đó là những giá trị, tôi nhắc lại, của những sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong điều kiện hoàn toàn tự do. Chính vì thế mà những sản phẩm này còn được gọi là những "sản phẩm có thể tái sản xuất một cách bất kỳ". Nó có thể được sản xuất ra với số lượng bất kỳ, bởi vì theo định nghĩa của chúng, ai cũng có thể và cũng được phép tham gia vào việc sản xuất chúng, nếu họ muốn, bởi vì có sự kích thích khi giá cả tăng.
Bên cạnh các giá trị "tự nhiên" này còn thấy có các "giá trị độc quyền". Đó là những giá trị của những sản phẩm, không thể tái sản xuất được một cách bất kỳ, bởi vì không phải ai cũng có thể và cũng được phép tham gia vào sản xuất chúng, khi giá tăng cao quyến rũ. Ở đâu có sự độc quyền tự nhiên, anh ta có thể tham gia, ở đâu có sự độc quyền pháp lý anh ta không đươc phép tham gia.
Giá trị độc quyền cuả các sản phẩm độc quyền đắt hơn một lượng nhất định đúng bằng số lợi nhuận độc quyền so với giá trị tự nhiên của những sản phẩm có thể tái sản xuất một cách bất kỳ từ những thứ tự nhiên có cùng mức khan hiếm tự nhiên và từ năng lực lao động tham gia vào đó có cùng mức khan hiếm tự nhiên.
Giá trị độc quyền lớn bao nhiêu?
Nếu chúng ta có thể trả lời được câu hỏi này, thì vấn đề giá trị tương đối coi như đã giải quyết được hoàn toàn. Khi đó chúng ta có được công thức tổng quát cho mối quan hệ của toàn bộ các giá trị tự nhiên và giá trị độc quyền.
Vâng, công thức của giá độc quyền trung bình, tức là của giá trị độc quyền, kể từ thời Stuart Mill đã trở thành sở hữu vững chắc của khoa khọc. Nó [giá độc quyền trung bình] cũng được tạo thành đúng như vậy từ mối quan hệ giữa Cung và Cầu giống như các giá đơn lẻ và giá trung bình khác: Nó nằm ngay chính tại điểm cân bằng, như đã diễn tả ở trên, của các lực tham gia, nơi mà Cung Cầu thực tế cân bằng nhau. Sự chệnh lệch của các giá trị chỉ là do bởi, đối với các sản phẩm có thể tái sản xuất được một cách tùy ý Cung sẽ tăng lên đến chừng nào giá bị kéo xuống bằng giá trị tự nhiên, trong khi đó đối với các sản phẩm độc quyền Cung vì những lý do tự nhiên sẽ không thể tăng lên được một cách tương ứng, hoặc không được phép tăng lên từ các lý do pháp lý.
Như vậy, vấn đề giá trị tương đối đã được giải quyết hoàn toàn. Hàng hóa a có giá trị bao nhiêu đo bởi hàng hóa b sẽ phụ thuộc vào không ngoài cái gì khác là mối quan hệ của mức khan hiếm kinh tế của chúng, và mối quan hệ này về phần nó lại bị giới hạn bởi tính tự nhiên và tính pháp lý.
Tiếp tới, giá trị tuyệt đối là gì, có phải đó là giá trị tự thân của mỗi sản phẩm? Tại sao trong guồng máy cạnh tranh, giá trị của mỗi một sản phẩm lại nhắm tới chính cái điểm có trước đó?
Để giải quyết vấn đề này chúng ta phải thay đổi cách nhìn.
Cho đến đây chúng ta luôn quan sát guồng máy hoạt động của thị trường dưới góc nhìn của các nhà sản xuất đơn lẻ, có thể gọi là góc nhìn cận cảnh. Ở đó chúng ta thấy, giá tổng cộng của các sản phẩm của mỗi một nhà sản xuất, ngoài giá thành ra trong đó còn có phần lợi nhuận tương ứng với trình độ và tương ứng với vị thế trong các mối quan hệ độc quyền của anh ta.
Bây giờ ta chuyển sang góc nhìn viễn cảnh, nhìn bao quát toàn bộ các nhà sản xuất. Lúc này các khái niệm giá thành và lợi nhuận biến mất hoàn toàn, và chúng ta hỏi: nhà sản xuất này bán cái gì cho nhà sản xuất kia, anh ta mua cái gì của anh kia?
Nếu chúng ta tạm thời bỏ qua tất cả các quan hệ độc quyền: có nghĩa là, nếu chúng ta hình dung tới một nền kinh tế xã hội trong đó chỉ có những sản phẩm có thể tái sản xuất một cách tùy ý được đem ra trao đổi qua giá trị tự nhiên của chúng, thì ta thấy hoàn toàn rõ ràng rằng: cái các nhà sản xuất đem ra trao đổi với nhau không có gì khác ngoài công lao động tiêu tốn.
Các thứ tự nhiên, ở nơi chúng không bị độc quyền hóa, bản thân chúng không có giá trị. Chuyện độc quyền ta tạm thời không để ý đến lúc này. Chúng [các thứ tự nhiên]chỉ có giá trị từ khi công lao động được bỏ ra để có được chúng, để vận chuyển, để chế biến. Và như vậy, tất cả các giá trị sẽ tan biến thành công lao động tiêu tốn. Nhà sản xuất mua một cách gián tiếp các công lao động tiêu tốn nằm trong nguyên liệu, và trong đó chúng chính là thành phần mang giá trị được hòa tan vào. Anh ta mua trực tiếp công lao động tiêu tốn trong các dịch vụ của công nhân, của công chức v.v... Anh ta đưa thêm vào đó phẩn lao động tiêu tốn của chính bản thân, tức là "công lao động thêm vào" trên lý thuyết - và lợi nhuận của anh ta không có gì khác hơn là phần thù lao cho công lao động thêm vào này. Người mua sản phẩm của anh ta đã trả cho anh ta số tiền tương ứng với công lao động của những người khác đã bỏ ra, và hơn nữa cho cả phần bản thân anh ta đã bỏ ra. Cũng hệt như vậy, là người tiêu thụ, anh ta mua vào không có gì khác chính là lao động tiêu tốn, mà nhà sản xuất đã trả tiền để mua của người khác hoặc của bản thân nhà sản xuất đưa thêm vào sản phẩn cuả nó.
Không có gì để nghi ngờ sự đúng đắn của công thức được rút ra này, và cũng xin giới thiệu, rằng công thức này hoàn toàn trùng hợp với công thức của Marx. Tuy nhiên nó vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề giá trị. Hiện nó vẫn chỉ mang tính định tính - và cái mà chúng ta cần phải đạt đến đó là một công thức định lượng một cách chính xác. Chúng ta cho đến giờ chỉ biết, rằng nguyên nhân của mọi giá trị nằm ở chỗ, các sản phẩm chứa đựng trong nó công lao động tiêu tốn (cho trường hợp hàng hóa) hoặc trực tiếp là bản thân công lao động (cho trường hợp dịch vụ). Nhưng chúng ta không biết chúng được đo bằng thước đo nào: có điều này mới giải quyết được vấn đề độ lớn của giá trị.
Thoạt nhìn vào rất dễ nảy sinh phỏng đoán rằng, giá trị của sản phẩm dựa trên lượng năng lượng được sử dụng để sinh công - đo được bằng một cách nào đó, vì vậy trong các sản phẩm lượng lao động như nhau sẽ được trao đổi cho nhau. Phỏng đoán này lại càng như có vẻ đúng, bởi vì rõ ràng rằng chỉ nơi nào có sự công bằng, ở đó mới có chuyện cùng một lượng lao động có cùng một trình độ như nhau trao đổi cho nhau. Và công bằng đã và vẫn là hòn đá thử để triết lý xã hội đánh giá các hiện tượng xã hội học.
Tuy nhiên phỏng đoán đó đã sai lầm.
Sai lầm này được chứng minh bởi quaestio facti, sự kiểm chứng của thực tế.
Thứ nhất, rõ ràng rằng công lao động tuyệt đối tiêu tốn, diễn đạt bởi Meter-Kilogramm, không phải lúc nào cũng tạo ra giá trị. Công việc của một người leo núi, anh ta đem cái thân nặng của mình leo 2000m lên đỉnh núi rồi tụt xuống, tiêu tốn (với hiệu suất cho là 30%) khoảng 1 triệu Meterkilogramm nhưng không cho chút giá trị nào. Và với ai đó cho dù có trình độ cao hơn nhiều và bỏ công lao động nhiều hơn nhiều để tạo ra một sản phẩm mà chẳng gợi nên được chút nhu cầu nào ở người khác, thì anh ta cũng chẳng tạo được một chút giá trị nào. Chỉ có lao động xã hội cần thiết mới tạo nên giá trị.
Thứ hai, nếu giá trị của sản phẩm dựa trên lượng lao động được chứa trong nó, thì mọi sản phẩm của cùng một thời gian lao động và cùng một sự cố gắng như nhau sẽ có giá trị bằng nhau, [nghĩa là] giờ lao động của danh họa Tizans cũng tạo ra được giá trị ngang bằng với giá trị của anh thợ sơn tạo ra. Giá trị như nhau chỉ có ở những sản phẩm có cùng lượng "lao động xã hội trung bình"; nhưng lao động không có cùng trình độ sẽ tạo ra trong cùng một thời gian những giá trị rất khác nhau.
Chỉ có vậy, không cần thêm gì đã thấy rằng, các sản phẩm được trao đổi không phải vì trong nó có cùng một lượng lao động mà được trao đổi vì trong nó có cùng một giá trị lao động như nhau. Và cũng sẽ có được kết quả tương tự, nếu người ta thử diễn tả lý thuyết giá trị lao động của sản phẩm bằng một công thức. Khi đó sẽ thấy, rằng mọi quan điểm đều vô nghĩa khi nó khác với quan điểm nêu ra, rằng giá trị của sản phẩm dựa trên giá trị của công lao động tiêu tốn chứa đựng trong nó.
w*a = w*p
a: công lao động
p: sản phẩm
w: giá trị
Nếu ta thử thay lượng lao động ở một vế của phương trình được đo bởi thời gian (t) hoặc năng lượng tiêu tốn (e) , ta sẽ có được công thức:
t*a=w*p hoặc e*a=w*p
Nhưng điều này là không thể, nó không thể bởi vì, cứ như là chuyện người ta định cộng thêm mận vào táo. Chúng ta chỉ có thể so sánh với nhau những gì có cùng đơn vị đo. Cũng tương tự như vậy, chúng ta khó có thể diễn tả diện tích bằng cái gì khác các đơn vị đo diện tích, khó diễn tả một mức thang nhiệt độ bằng cái gì khác các độ nóng, khó có thể diễn tả một giá trị bằng cái gì khác các giá trị.
Theo đó công thức cho giá trị của một sản phẩm sẽ như sau: các sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) mang giá trị của công lao động tiêu tốn chứa đựng trong nó.
Thế còn giá trị của công lao động tiêu tốn là gì? Rõ ràng, rằng, ở đây, trong vấn đề nổi tiếng về "giá trị lao động" có bao gồm vấn đề cuối cùng đó là giá trị tuyệt đối.
Đến đây, rất dễ dàng phát hiện ra cái công thức [đó]. Chúng ta chỉ cần quan sát kỹ công thức về giá trị của sản phẩm mà chúng ta vừa có được ở trên.
Công thức đó nói với chúng ta, rằng giá trị của một sản phẩm chính bằng giá trị của công lao động tiêu tốn chứa đựng trong nó. Đó là một phương trình. Là một phương trình người ta được phép đảo vế. Làm như thế ta có được công thức sau: giá trị của công lao động tiêu tốn bằng giá trị của sản phẩm được tạo nên bởi công lao động tiêu tốn đó.
Công thức này cũng đã được Adam Smith đưa ra. Ông ta đã nói một cách rất rõ ràng: mức lương tự nhiên của người lao động chính là sản phẩm của anh ta. Mức lương tự nhiên, không có gì khác, chính là giá trị của lao động tiêu tốn tạo nên sản phẩm.
Chúng ta hãy xem, liệu công thức [đó] có phù hợp với các kết quả của chúng ta trước đây và có phù hợp với thực tế hay không.
Chúng ta đã thấy, rằng các nhà sản xuất của các sản phẩm không nằm trong các mối quan hệ độc quyền đều được hưởng thu nhập như nhau nếu họ có cùng trình độ như nhau. Các lượng thu nhập như nhau chia cho cùng một số ngày làm việc hoặc giờ làm việc cho ra các thương số như nhau. Từ đó rút ra, rằng trong sự trao đổi các sản phẩm có thể tái sản xuất bất kỳ lúc nào, thời gian lao động như nhau của các nhà sản xuất có cùng trình độ được trao đổi với nhau. Và, nếu như người ta đơn giản hóa lao động có trình độ cao thấp khác nhau về mức lao động xã hội trung bình, điều này không khó khăn gì, lúc đó ta sẽ có được, với các sản phẩm có thể tái sản xuất bất kỳ lúc nào, trong sự trao đổi của mọi giá trị tự nhiên thì [ở đó] thời gian lao động xã hội trung bình như nhau sẽ được trao đổi với nhau. Nếu trường hợp này xảy ra, mọi nhà sản xuất đều được hưởng trọn vẹn giá trị của sản phẩm của mình; bởi vì cho mỗi một giờ đồng hồ thời gian lao động trung bình mà anh ta bán ra, anh ta sẽ mua lại một giờ đồng hồ thời gian lao động trung bình; tổng giá trị do đó sẽ không đổi.
Thứ hai, chúng ta hãy xem công thức của chúng ta có đúng với thực tế không.
Thoạt đầu nhìn vào ta thấy công thức có vẻ hoàn toàn không đúng. Chỉ cần liếc qua trật tự kinh tế tư bản của chúng ta, ta sẽ nhận ra ngay, rằng lượng lao động tiêu tốn cho dù hoàn toàn có cùng trình độ cho ra giá trị rất khác nhau; như Stuart Mill từng nói, kẻ nhận được nhiều nhất lại là kẻ chẳng làm gì cả, nhận it nhất lại là kẻ làm nhiều nhất. Một giờ làm việc của nhà tư bản, năng lượng tuyệt đối mà anh ta bỏ ra là để xé phiếu nhận hàng và ghi vài ba dòng vào sổ thanh toán, thế nhưng nó không chỉ có thể có giá trị nhiều hơn giá trị giờ lao động của một người làm công không có trình độ mà còn hơn cả của những người lao động trí óc có trình độ cao nhất.
Đây là một mâu thuẫn rất đáng sợ! Chúng ta không thể từ bỏ công thức của chúng ta về giá trị của công lao động tiêu tốn nếu không đồng thời từ bỏ công thức về giá trị của sản phẩm, mà từ đó ta đã từng làm phép đảo ngược đơn giản, hoàn toàn đúng đắn không có gì để nghi ngờ. Nếu không có cái công thức đó cho giá trị của sản phẩm thì một quan niệm khoa học về vấn đề giá trị và cùng với nó toàn bộ khoa học kinh tế nói chung sẽ là điều không thể.
Tuy nhiên, mâu thuẫn đó có vẻ đáng sợ hơn là nó vốn là. Chỉ cần chúng ta vứt bỏ sự trừu tượng, theo đó chỉ có những giá trị tự nhiên trao đổi với nhau, và để phù hợp với thực tế ta đưa vào trong tính toán các giá trị độc quyền [là có thể thấy rõ điều này].
Cái gì sẽ diễn ra, nếu các giá trị tự nhiên (các sản phẩm có thể tái sản xuất một cách bất kỳ) trao đổi với các giá trị độc quyền (của các sản phẩm độc quyền)! Nghiên cứu việc này trước tôi chưa hề bao giờ được làm, song mặc dù vậy ta sẽ thấy ngay lập tức, như thế nào mà cùng thời gian lao động như nhau lại có thể có được những giá trị rất khác nhau.
Tôi mua một máy cạo râu được cấp bằng phát minh và phải trả với giá 20M. Lượng vàng 20g nằm trong đồng 20M có thể tiêu biểu cho 20 giờ lao động xã hội trung bình. Máy cạo râu tiêu biểu cho 5 giờ lao động loại đó; nếu như việc sản xuất được tiến hành trong điều kiện cạnh tranh hoàn toàn tự do, như vậy giá cái máy sẽ là 5 giờ, tương đương với 5M. Thế nhưng cái máy có bằng phát minh, nghĩa là thuộc vào hàng độc quyền hợp pháp, cho nên người bán nó đã ấn định giá bán 20M; do vậy tôi phải trả 20M cho 5 giờ lao động xã hội trung bình. Món hàng độc quyền nhận được giá tự nhiên của nó cộng thêm phần giá độc quyền; món hàng có thể tái sản xuất một cách bất kỳ của tôi, tức là 6g vàng, nhận được giá tự nhiên của nó trử đi số lợi nhuận độc quyền [của người bán]; người nắm bằng phát minh đã thu về 15 giờ giá trị thặng dư, lao động của tôi bị giảm giá trị đi mất 15 giờ.
Chúng ta thấy, ở đây ít nhất đã mở ra một khả năng để có thể hiểu được, tại sao cùng một lượng lao động theo nghĩa vật lý lại có thể tiêu biểu cho những giá trị lao động rất khác nhau. Tiếp tục đi xa hơn một chút theo khả năng này, chúng ta sẽ nghiên cứu cặn kẽ các quá trình trong đó các giá trị độc quyền được trao đổi với các giá trị tự nhiên.
Cái gì đã cho phép người sở hữu giá trị độc quyền đưa thêm vào giá trị tự nhiên của sản phẩm của mình một lượng lợi nhuận độc quyền trong tất cả mọi trường hợp, hay nói một cách khác, cũng cái sản phẩm đó trong trao đổi đã đạt được những giá tự nhiên của sản phẩm kia bớt đi khoản lợi nhuận độc quyền? Rõ ràng chỉ có một thực tế, rằng người muốn mua món hàng độc quyền có nhu cầu cấp thiết hơn là nhu cầu của nhà độc quyền đối với giá trị đổi lại. Cầu thực sự luôn vượt quá Cung thực sự, bởi vì sự cạnh tranh từ những người đứng bên ngoài không thể hoặc không được phép can thiệp vào để làm tăng Cầu và đưa giá trở về mức giá thông thường. Chúng ta gọi mối quan hệ này giữa hai đối tác, mà một trong họ có nhu cầu cấp thiết đối với giá trị đổi lại hơn người kia là "mối quan hệ độc quyền xã hội". Mối quan hệ kiểu như vậy có thể tồn tại giữa từng người một với nhau hoặc nhiều người một với nhau. Giữa từng người một, ví dụ như trong việc mua một món hàng có bằng phát minh kiểu chai rượu vang Johannisberger Kabinett với giá trên trời. Giữa nhiều người một với nhau, ví dụ như giữa một tổ hợp của nhiều nhà sản xuất than với toàn bộ khách hàng. Tổ hợp sản xuất than qua một hợp đồng tư nhân hợp pháp tiến hành cắt giảm việc sản xuất, do vậy Cung thực tế luôn giữ sao cho có một lượng lợi nhuận độc quyền trên mức giá trị tự nhiên. Kết quả là, cho mỗi một lượng than bán ra tổ hợp sẽ nhận được một khoản lợi nhuận, hoặc nói khác đi, nó mua vào giá trị đổi lại rẻ hơn một khoản bằng khoản lợi nhuận. Và nhìn từ vị thế bên kia, mỗi một người mua than đều phải trả cho khoản lợi nhuận, hay nói cách khác, sản phẩm của nó trong sự trao đổi đã bị lấy rẻ đi một khoản bằng khoản lợi nhuận.
Những điều như thế còn tương đối vô hại. Cả chục năm tôi mới mua một cái máy cạo râu được cấp bằng phát minh và chi ra cũng chỉ khoảng một phần trăm thu nhập cả năm của mình cho than: đó là những thứ thực ra không phải là gánh nặng.
Tuy nhiên những quan hệ độc quyền như vậy trong nhiều hoàn cảnh rất có thể trở nên cực kỳ nặng nề. Hãy tưởng tượng có một nhóm người chỉ đem vào thị trường những giá trị tự nhiên và bị ép buộc phải trao đổi những sản phẩm đó với những sản phẩm độc quyền. Khi đó lượng giá trị thặng dư họ phải từ bỏ có thể rất lớn đến nỗi những gì còn lại hầu như không đủ để bù đắp cho nhu cầu tồn tại tối thiểu của họ.
Vâng, đó chính là tình cảnh của giới lao động trong tất cả các nước có nền kinh tế tư bản. Cái vấn đề mà chúng ta tìm cách giải quyết, sẽ hoàn toàn sáng tỏ, nếu chứng minh được, rằng mối quan hệ giữa giới lao động với giới tư bản luôn luôn là mối quan hệ độc quyền, cho nên họ buộc phải bán sản phẩm, dịch vụ của họ với giá rẻ mạt và tầng lớp trên vì vậy có được khoản giá trị gia tăng. Vâng trên thực tế mối quan hệ giai cấp kiểu như vậy là có thật. Và nó được thiết lập bởi thế lực nằm ngoài kinh tế. Nó dựa vào việc độc quyền chiếm hữu đất đai ngăn cản nhu cầu định cư của giai cấp bên dưới.
Đây là một chẩn đoán hoàn toàn mới mẻ về tình trạng khó khăn phức tạp của xã hội và vì vậy cần phải được lập luận một cách hết sức cẩn trọng.
Trước hết, không thể có sự tranh cãi về vấn đề này trong quá khứ và trong hiện tại, nếu như trước đó không thể có một giai cấp lao động và cùng với nó giá trị gia tăng bất kỳ dạng nào (địa tô hoặc lợi nhuận) được hình thành, [và] nếu như trước đó tất cả đất đai của một khu vực kinh tế chưa bị độc quyền chiếm hữu. Chỉ đến khi tất cả đất đai bị độc quyền chiếm hữu hoàn toàn mới hình thành nên mối quan hệ độc quyền giữa các giai cấp mà một bên là chủ sở hữu đất đai, ở mức phát triển cao hơn là chủ tư bản và một bên là những người vô sản, đây là mối quan hệ được Marx gọi là "quan hệ tư bản"; chỉ đến lúc đó những thành phần của giai cấp dưới mới trở thành người lao động "tự do" và phải từ bỏ phần giá trị gia tăng.
Vâng, cho đến nay người ta luôn giả thiết rằng mối quan hệ độc quyền giữa các giai cấp này như ngày nay ta đang thấy là điều "tự nhiên", nói cách khác, là được hình thành nên từ các lực lượng kinh tế; [nghĩa là] do vì đất đai quá ít mà người thì quá đông. Thế nhưng đây là một sự nhầm lẫn, hoàn toàn có thể chứng minh được bằng những tính toán đơn giản nhất.
Ai cũng biết, 1ha/đầu người đất trồng trọt trong điều kiện quy mô sản xuất nông nghiệp vào loại trung bình là hoàn toàn vừa đủ sức cho một lao động chính. Một gia đình nông dân gồm năm người với 5ha (bằng 20 mẫu Anh) ruộng không chỉ có đủ lương thực để nuôi sống bản thân họ mà còn có dư một lượng đủ để bán cho cùng số người như thế thuộc diện phi nông nghiệp nữa. Một gia đình nông dân Đức rất khỏe mạnh hiện nay, trong điều kiện không có gì ngăn trở, thoải mái muốn làm bao nhiêu thì làm, hết sức cũng chỉ có thế canh tác được 20 mẫu Anh. Lấy con số này làm thước đo, như vậy, ví dụ ở Đức số lao động chính có thể nuôi sống được 34 triệu người: nhưng hiện tại mới chỉ có 17 triệu dân. Toàn thế giới nếu chỉ riêng lao động chính đã có khả năng nuôi đủ 5 tỷ người: thế nhưng hiện nay tổng cộng số người mới chỉ khoảng từ 1,6 đến 1,8 tỷ.
Như vậy nếu không tồn tại những tác động bên ngoài kinh tế: từ những lý do kinh tế thuần túy lẽ ra ngày nay đất đai vẫn là những của cải tự do như nước và không khí, không có giá lẫn giá trị, và kết quả là không thể vay mượn, và như thế thu nhập của một người nông dân không mang nợ nần gì từ mảnh đất bình thường 20 mẫu Anh sẽ là nền tảng của kim tự tháp thu nhập xã hội.
Chúng ta thấy mình bắt buộc phải sử dụng phương pháp loại trừ để đi đến kết luận, rằng ở đây phải có các lực ngoài phạm vi kinh tế tham gia tác động vào. Đất đai bị giai cấp phía trên đôc quyền chiếm hữu không cho giai cấp phía dưới hưởng phần, nhằm mở ra mối quan hệ độc quyền giữa các giai cấp và duy trì nó vĩnh viễn. Hình thức pháp lý của sự độc quyền chiếm hữu này đó là đại địa sản.
Rằng qua việc độc quyền chiếm hữu có thể nảy sinh ra những mối quan hệ độc quyền cực kỳ tệ hại, mọi người đều đã biết. Chúng ta hãy tưởng tượng, trong một thành phố đang bị quân địch bao vây lượng bột mỳ và lúa mạch đủ dùng cho khoảng 10 năm, nhưng tất cả lại nằm trong tay một số kẻ đầu cơ. Khi đó những kẻ này, nếu không có quyền lực chính quyền hoặc ngoài chính quyền tác động vào ngăn cản, thì do vì đó là tài sản độc quyền của họ, họ có thể rút ruột toàn bộ dân chúng bằng cách ngừng không bán hàng ra nữa.
Và việc đó cũng có thể xảy ra giữa họ mà không hề có một sự thỏa thuận cụ thể nào. Điều này rất quan trọng và cần phải được lưu ý, bởi vì ngay trong các nhà lý thuyết trình độ tốt cũng lan truyền quan điểm, rằng sự hình thành giá độc quyền hoàn toàn chỉ có thể xảy ra ở nơi hoặc chỉ có một nhà độc quyền, hoặc ở nơi các nhà độc quyền hợp lại với nhau đề ra một quy ước về giá. Sai. Câu trên chỉ đúng cho những trường hợp nào độc quyền hợp pháp về mặt tư luật, hình thành nên sau khi có sự thỏa thuận về giá cả, như các liên hiệp, tập đoàn, quỹ tín dụng... Nhưng không đúng đối với sự độc quyền tự nhiên, không đúng với sự độc quyền hợp pháp về mặt công luật, và cũng không đúng với trường hợp độc quyền hợp pháp về mặt tư luật xuất xứ từ tài sản. Đất đai trên đó giống nho Johannisberger Kabinett được canh tác thuộc quyền sở hữu của hàng trăm nhà trồng nho, họ cạnh tranh quyết liệt với nhau, thế nhưng rượu vang vẫn có một giá độc quyền, bởi vì nó là loại hàng hóa không thể tái sản xuất một cách bất kỳ. Cũng hoàn toàn đúng như vậy đối với bánh mỳ trong thành phố bị bao vây, ngay cả trong trường hợp số lượng tuyệt đối vượt quá rất nhiều lần nhu cầu tuyệt đối: bởi vì ở đây sự cạnh tranh của những người đứng bên ngoài không thể can thiệp vào để kéo giá đi xuống. Do bởi hàng hóa bị chốt chặt như vậy sẽ không tác động vào việc tạo giá, tức là không có cung thực sự. Và cuối cùng chính điều này cũng đúng với đất đai. Chúng, tính một cách tuyệt đối, là một lượng cực lớn vượt quá vô số lần nhu cầu tuyệt đối, thế nhưng mỗi một miếng đất đều có một giá độc quyền, ngay cả khi không có sự giao ước giữa các chủ đất, bởi vì lượng dự trữ đã bị các tổ chức pháp lý của các đại địa sản thuộc về tư nhân chốt giữ.
Các mối quan hệ đã đủ rõ ràng để ta có thể đưa vào nghiên cứu một cách đơn giản nhất một xã hội gồm có hai người. Hai người di cư đến một nơi hoang vắng, nếu một người có thể chiếm hữu toàn bộ đất đai làm của riêng, như vậy anh ta đã thiết lập nên một mối quan hệ độc quyền và có thể bắt chẹt để có được lợi nhuận của giá trị thặng dư cho mình dưới một hình thức bất kỳ nào đó. Từ đây chúng ta dựa vào một phương pháp đã cũ trong đó có nhân vật Robinson và Thứ Sáu, mặc cho tất cả mọi chế diễu mà Engels, phụ tá của Marx, vừa là tông đồ vừa là người thực hiện di chúc đã tuôn ra trong sự thiếu hiểu biết về giá trị của cách quan sát này.
Robison sống chung với Thứ Sáu trong mối quan hệ kinh tế đổi công; họ không trao đổi hàng hóa cho nhau mà chỉ trao đổi dịch vụ và không đòi hỏi thứ tương đương. Mỗi người cho những gì nó có thể và nhận những gì nó cần như là những thành viên của một gia đình được hình thành nên trong cảnh túng bấn.
Nhưng thay vì lựa chọn hệ thống đổi công, Robinson cũng có thể chọn hình thức kinh tế nô lệ và phát canh thu tô hoặc hệ thống tư bản chủ nghĩa, và có thể chọn cho mình vai trò của một nhà tư bản, một người chủ phát canh hoặc địa chủ.
Robinson, nếu anh ta được nuôi lớn lên ở Alabama thuộc Louisiana thay vì ở Anh, anh ta sẽ cho rằng việc biến Thứ Sáu thành nô lệ là điều hoàn toàn chính đáng, bởi vì Thứ Sáu thuộc vào chủng tộc nô lệ. Và ở đây anh ta cũng còn có thể vin vào sự tự thừa nhận của kẻ tôi đòi, công nhận và thần phục một hình dáng xa lạ, một người đàn ông da trắng râu ria trong trang phục kỳ quái là một chủng loài cao hơn.
Thế nhưng: Robinson là người theo đạo thiên chúa lớn lên tại một đất nước, ở đó người ta khinh bỉ cảnh nô lệ. Cho nên anh ta đã xua đuổi cái ý tưởng biến Thứ Sáu thành nô lệ. Anh ta muốn đối xử với Thứ Sáu như là một đối tác tự do, công bằng đúng như đạo đức tại quê nhà, nơi chỉ có những con người tự do hợp đồng với nhau một cách tự do.
Ở đây luật tư hữu tư sản về đất đai và tư bản có hiệu lực, cùng với quyền được nhận địa tô và lợi nhuận của tư bản. Robinson, chúng ta giả thiết, rằng đó là một "luật gia luật tự nhiên" đã từng nghiên cứu từ Turgot qua Adam Smith đến Ricardo và Malthus, anh ta thừa nhận cả hai dạng sở hữu tài sản đều là sự sáng tạo chính đáng của luật tự nhiên; và do đó cũng thừa nhận lợi tức và lợi nhuận là phần chính đáng trong toàn bộ sản phẩm.
Chính vì thế, trong suy nghĩ anh ta chẳng hề mảy may định "bóc lột" Thứ Sáu, khi mà anh ta đọc bài diễn văn sau đây:
"Chiểu theo điều luật về sự chiếm hữu đầu tiên [quyền của người chiếm hữu đầu tiên], toàn bộ đảo này thuộc về tôi. Tôi, là chủ sở hữu địa sản, cấm anh không được săn bắn, đánh cá, trồng trọt, cư trú. Tuy nhiên tôi sẵn sàng cho phép anh thực hiện tất cả mọi điều đó, vâng thậm chí tôi còn cho anh mượn vũ khí và công cụ do tôi làm ra, nếu như anh chịu chuyển nhượng phần lớn sản phẩm lao động của anh cho tôi. Nếu anh không muốn điều này, là một người tự do anh có thể đi tìm vận may ở một nơi nào khác."
Và những gì Thứ Sáu có thể trả lời, đó là, anh ta không thể đi "một nơi nào khác", it nhất nếu Robinson không cho phép anh ta đóng lấy một chiếc thuyền, và để làm chuyện này anh ta cần có lương thực, công cụ và một thân cây gỗ lớn. Anh ta hiện đang hoàn toàn nằm trong cảnh nô lệ, và cái gọi là "tự do" của anh ta chẳng đáng giá một đồng xu. Ngược lại, là nô lệ ít nhất anh ta còn có được một đòi hỏi về mặt đạo lý, là khi về già hoặc lúc ốm đau sẽ được nuôi nấng chăm sóc: vì vậy Robinson hãy nhận anh ta làm nô lệ.
Robison phẫn nộ bác bỏ đề nghị này và thay vì thế quyết diễn mọi màn bi kịch về mối quan hệ độc quyền chính trị kinh tế học với "đối tác tự do" của mình đến cùng.
Trước tiên anh ta biến Thứ Sáu thành tá điền và mình thành chủ đất đồng thời ấn định mức địa tô theo đúng hệ thống luật pháp Ireland-Anh. Sau đó anh ta tuyên bố hủy hợp đồng lĩnh canh và quyết định thuê Thứ Sáu dưới dạng làm thuê ăn lương theo như hệ thống đông Âu với mức lương do anh ta ấn định cho công việc đồng áng của mình.
Tiếp tới anh ta sử dụng Thứ Sáu như là một công nhân công nghiệp cũng với một mức lương do chính anh ta ấn định.
Cuối cùng anh ta đặt Thứ Sáu vào địa vị "doanh nhân công nghiệp" và ấn định mức tiền thuê công xưởng, nhà cửa và mức lãi suất vốn vay mượn, là những thứ tài sản xí nghiệp anh ta "tạm ứng" cho Thứ Sáu.
Chúng ta nhận thấy rằng, nếu Robinson có thể thực thi được quyền làm ông chủ của toàn bộ đảo, anh ta có thể "gặt hái" được một khoản lợi nhuận, và khoản này, nếu như anh ta muốn, sẽ là toàn bộ những gì Thứ Sáu làm ra ngoại trừ phần thiết yếu để tồn tại. Là học trò của Ricardo và Malthus, anh ta thực hiện nghiêm chỉnh "đạo luật sắt về tiền công" (có thể dân số trên đảo đã đông "quá mức"!) chỉ trả lương vừa đủ cho mức sống tối thiểu. Kiểu gì nó cũng vẫn chỉ là mức nuôi sống nô lệ, cho dù nó được gọi là thức ăn cho súc vật lao động dạng người hoặc được gọi là lương công nhân; và kiểu gì cũng vẫn chỉ là mức giá trị thặng dư như vậy, mặc cho các nhà lý thuyết ghi nhận nó là "thu nhập của ông chủ" một gia trang lớn có sử dụng nô lệ, hoặc là lãi của việc cho vay vốn, hoặc là lợi nhuận cuả một doanh nhân công nghiệp.
Chúng ta cũng nhận thấy, rằng kích thước tuyệt đối của hòn đảo hoàn toàn không đóng vai trò gì đối với cái cơ chế chúng ta đang nghiên cứu. Nó có thể lớn 20ha hoặc 200000ha: một khi nếu Robison thực thi được quyền của người chiếm hữu đầu tiên, thì lúc đó anh ta đã tạo nên được mối quan hệ độc quyền giai cấp, và như thế Thứ Sáu, "người lao động tự do", phải chuyển nhượng phần giá trị thặng dư của mình.
Chính đó cũng là những mối quan hệ trên hành tinh của chúng ta. Trong tất cả mọi quốc gia trên thế giới "nhà nước" được hình thành nên theo cách, vài trăm hoặc vài ngàn hoặc vài trăm ngàn [người] thống trị những Thứ Sáu được trang bị vũ khí tồi tàn, chia rẽ và mê tín. Họ chiếm hữu toàn bộ đất đai làm của riêng cho mình hoặc dưới dạng là tài sản chung của tầng lớp trên như ở Peru và Spata, hoặc là đại điền địa riêng biệt của giới tinh hoa quân sự như ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chừng nào còn tồn tại sự độc quyền chiếm hữu, chừng đó còn tồn tại mối quan hệ độc quyền giai cấp, chừng nào những người vô sản còn là những người lao động tự do, chừng đó toàn bộ thành viên của giai cấp trên còn chiếm đoạt giá trị thặng dư.
Tôi tổng hợp lại:
Con người trao đổi với nhau không gì khác ngoài "dịch vụ", tức là năng lượng tiêu tốn với một trình độ nhất định trong một khoảng thời gian nhất định. Và cụ thể là họ trao đổi với nhau giá trị của năng lượng tiêu tốn. Nếu đơn giản hóa tất cả các năng lượng tiêu tốn có trình độ khác biệt nhau vào một mẫu số chung "lao động xã hội", như vậy họ sẽ trao đổi với nhau những giá trị lao động xã hội như nhau.
Ở đâu sự trao đổi không có mặt mối quan hệ độc quyền, khi đó thời gian của lao động xã hội như nhau sẽ cho ra giá trị như nhau, và do vậy thời gian lao động được trao đổi với nhau.
Thế nhưng ở đâu giữa những người tham gia trao đổi có tồn tại một mối quan hệ độc quyền, khi đó cùng một thời gian lao động xã hội sẽ có được những giá trị rất khác nhau tùy theo vị thế trong mối quan hệ độc quyền, và bởi vậy các thời gian lao động rất khác nhau sẽ trao đổi với nhau. Các nhà độc quyền nhận được nhiều lần hơn lượng năng lượng tiêu tốn của đối tác, họ thu về lợi nhuận, [tức là]chiếm đoạt giá trị thặng dư. Mặt khác những nạn nhân của sự độc quyền nhận được ít lần hơn lượng năng lương tiêu tốn của những nhà độc quyền, họ phải nộp cống vật độc quyền, [tức là] trả thêm giá trị gia tăng.
Như vậy mâu thuẫn của chúng ta đã được hóa giải, và công thức kép cho giá trị của sản phẩm, một bên, và giá trị của "lao động", bên kia, đã được cứu thoát. Giá trị của sản phẩm chính bằng giá trị của công lao động tiêu tốn chứa đựng trong nó, và giá trị của công lao động tiêu tốn chính bằng giá trị của sản phẩn được tạo nên bởi chúng. Nếu người lao động nhận được ít từ giá trị này của sản phẩm và nhà tư bản nhận được nhiều, điều này nằm ở chỗ, dưới tác động của mối quan hệ độc quyền giai cấp công lao động tiêu tốn của người lao động có giá trị bằng giá trị tự nhiên của nó trừ đi lượng lợi nhuận độc quyền, và lao động tiêu tốn của nhà tư bản có giá trị bằng giá trị tự nhiên của nó cộng thêm với phần lợi nhuận độc quyền từ lương tự nhiên của mọi công nhân [của nó]. Giống như, trong việc trao đổi đồng 20M của tôi để lấy một món hàng độc quyền chỉ có giá trị 20M bị trừ đi 15M, và giống như món hàng độc quyền có giá trị 5M được cộng thêm 15M.
Đây mới chỉ là sự tiệm cận đầu tiên đến vấn đề mà chúng ta đặt ra. Nó chỉ được giái quyết một cách rốt ráo khi nào đạt đến được việc mọi thu nhập của nền kinh tế tư bản đều có thể xác lập được một cách chính xác từ một công thức tổng quát. Đây không phải là chỗ và thời điểm để làm việc này. Tôi có thể đảm bảo rằng, trong quyền sách giáo khoa của tôi [1] việc tính toán sẽ được thực hiện đến tận cùng. Ở đây tôi chỉ có thể nói, rằng để đạt được mục đích đó cần phải có một sự phân tích cặn kẽ và chưa từng được thực hiện về khái niệm độc quyền, sự tách biệt của nó trong độc quyền trao đổi và độc quyền sản xuất v.v... Tôi khuyên những ai quan tâm nên để ý đến những nghiên cứu và trình bày một cách chính xác đó; ở đây đành phải và có thể bỏ qua vấn đề này, bởi vì giờ đây đã rõ, rằng cả hai vấn đề quan trọng nhất được bàn bạc ở đây, bằng cách này đã tìm ra được lời giải mà tôi cho rằng rất sáng sủa, đó là vấn đề giá trị và giá trị thặng dư.
Phần thứ hai: Phê phán lý thuyết giá trị thặng dư của Marx
Lý thuyết "độc quyền" về giá trị thặng dư mà chúng tôi đã phát triển trong tạp chí số trước đây khác biệt một cách cơ bản với lý thuyết của Marx. Do chỉ có thể một trong hai cái là đúng, cho nên nhiệm vụ của tôi ở đây là xem xét một cách có phê phán lý thuyết của Marx
a) Giá trị của hàng hóa
Chúng ta trước hết hãy nói về phần của lý thuyết trong đó liên quan tới giá trị của hàng hóa.
Nó hoàn toàn trùng hợp với những gì tôi đã trình bày: trong hàng hóa chỉ có những công lao động tiêu tốn trao đổi với nhau. Ở đây cũng có sự trùng hợp cơ bản đối với câu hỏi về nguồn gốc của giá trị. Tuy nhiên, tôi không muốn nói là có sự khác biệt, mà là có sự không rõ ràng trong lý thuyết của Marx liên quan tới vấn đề thứ hai quan trọng hơn, đó là câu hỏi về độ lớn của giá trị.
Marx bằng cách thức quen biết đã đơn giản hóa mọi công lao động về công lao động xã hội trung bình, một phương pháp, không có gì phải chê trách khi nó được sử dụng để để giải thích một cách đơn giản. Qua việc đơn giản hóa về một mẫu số chung này ông ta đã có được một cách không nghi ngờ sự chính đáng, rằng mọi công tiêu tốn khác nhau đều được diễn tả bởi thời gian lao động.
Nhưng ở đây người ta không được phép quên, rằng đó chỉ là một công thức phụ trợ, có được từ việc trừu tượng hóa những yếu tố rất cơ bản để cho tiện lợi, và người ta cần có nghĩa vụ tại những chỗ cần thiết phải đưa chúng trở lại trong việc tính toán. Nhưng điều này ông Marx đã không làm. Ông ta trong suốt mọi chặng luôn nói thời gian lao động là nguồn gốc của giá trị mà không hề quay trở lại sự trừu tượng hóa, cái mà qua đấy ông ta dĩ nhiên đã đạt đến một công thức tuyệt vời và đúng trong phạm vi giới hạn của nó, song như đã nói chỉ đúng trong phạm vi giới hạn của nó.
Chúng ta đã xác định yếu tố cơ bản nào đã bị loại bỏ, nếu người ta đơn giản hóa các công lao động tiêu tốn khác nhau về công lao động xã hội trung bình. Người ta đã loại trừ đi giá trị lao động khác nhau của sự sinh công lao động khác nhau. Người ta đã loại trử đi thực tế, rằng một sự sinh công lao động mà không đáp ứng mong muốn của xã hội, tức là không cần thiết đối với xã hội, hoàn toàn chẳng thể hiện một chút giá trị nào và do vậy không sản xuất ra giá trị; cũng như vậy người ta đã loại trừ một thức tế rõ ràng, rằng cùng một thời gian lao động như nhau của các nhà sản xuất có trình độ khác nhau sẽ có những giá trị khác nhau, và do vậy cũng sản xuất ra những giá trị không như nhau.
Do đó, công thức của Marx, "giá trị sản phẩm bằng độ dài của thời gian lao động được vật thể hóa trong nó", chỉ đúng nếu người ta lúc nào trong suy nghĩ cũng nói thêm: thời gian lao động được hiểu là thời gian lao động trung bình xã hội. Nếu người ta bỏ đi yếu tố này, thì công thức sẽ trở nên vô nghĩa, bởi người ta về căn bản chỉ có thể diễn đạt một phương trình với cùng một đơn vị đo lường. Tôi không thể nói: 1 Cây sô vuông bằng 175 độ C, một Liter bằng 22 Kilowatt. Cũng không thể như vậy, nếu tôi nói 60 phút lao động bằng giá trị 1g vàng.
Những gì cần được nói ở đây, tốt nhất là chúng ta làm sáng tỏ qua một ví dụ. Cái phong vũ biểu, một công cụ được tạo ra để đo áp lực không khí. như đã biết người ta cũng có thể dùng nó để xác định chiều cao của một điểm nào đó so với mặt nước biển. Nhân viên trắc địa sẽ phạm phải sai lầm nghiêm trọng, nếu anh ta đánh dấu chiều cao trong bản đồ của anh ta đúng như những gì anh ta đọc được trong công cụ đó. Mỗi giá trị đọc được đều phải quy về một mẫu số chung nhất định và cụ thể là áp lực không khí 760mm, và chỉ sau khi có sự điều chỉnh này mới có được độ cao. Hoặc là một ví khác: một lít nước nặng 1kg. Tôi cũng có thể dùng vật đong đo dung tích để diễn tả trọng lượng. Nhưng ở đây cũng vậy, mỗi lần đo đều phải có sự điều chỉnh cần thiết; nhiệt độ thực tế của nước mỗi một lần như vậy phải được đưa về 4 độ C.
Cũng tương tự như vậy đối với mối quan hệ giữa thước đo thời gian và thước đo giá trị, những cái mà Marx sử dụng. Nó đúng trong những điều kiện hoàn toàn xác định, tức là nếu nói đến sự trao đổi của hai hàng hóa có thể tái sản xuất được một cách bất kỳ, được sản xuất bởi lao động xã hội trung bình. Và như vậy người ta mới có thể trông đợi cái công thức đó không bị chất vấn. Thế nhưng ở những chỗ tương ứng người ta cần phải đưa việc đơn giản hóa của cách điều kiện khác biệt về lại những điều kiện bình thường, nếu không người ta sẽ đi đến kết luận sai lầm.
Marx đã không đáp ứng được định đề cơ bản này. Khắp mọi nơi ông ta đã thao tác với công thức của mình, cứ như là nó đúng cho mọi trao đổi của tất cả các loại hàng hóa. Cũng từ đấy phát sinh hàng loạt những khó khăn, số thì đọng lại không giải quyết được, số thì đòi hỏi phải cần đến những cấu trúc hỗ trợ phức tạp nhất. Tôi không muốn đi sâu vào vấn đề này, và chỉ muốn đưa ra một số gợi ý thoáng qua: thứ nhất từ cái gốc này đã nảy nở một khó khăn lớn, mà cấu trúc của xã hội tập thể tương lai gặp phải, đó là việc trả lương cho lao động. Nếu người ta phải phân phối toàn bộ sản phẩm theo nhu cầu, khi đó sẽ thiếu thước đo khách quan để đánh giá cái gì là nhu cầu. Chìa khóa phân chia này chỉ có thể đối với tình trạng phân chia lao động xã hội, cho phép mỗi người được nhận nhu cầu thiết yếu một cách không đến nỗi nào về thực phẩm, chỗ ở, quần áo, và một vài nhu cầu văn hóa như báo chí, sách vở, xem hát. Một khi lực lượng sản xuất của xã hội mạnh lên, những nhu cầu cao hơn phức tạp hơn có thể tìm thấy sự thỏa mãn thì lúc đó không có thể tìm ra được thước đo sao cho phù hợp với tính kinh tế và tính công bằng. Nhưng nếu người ta phân chia sản phẩm một cách máy móc theo đầu người, thì lúc này rõ ràng rằng kẻ yếu hơn bóc lột người mạnh hơn, kẻ ngu đần bóc lột người thông minh, và như vậy tính công bằng đã bị xâm phạm, và sự hài lòng với việc phân chia đồng đều không đạt được. Thứ ba, nếu phân chia theo trình độ lao động, thì lại thiếu thước đo để đánh giá nó, nếu ngưởi ta không muốn làm như Kausky cuối cùng đã làm, tức là sau khi đuổi cạnh tranh trên thị trường lao động ra khỏi bằng cửa trước thì lại rước nó vào bằng cửa sau.
Thứ hai, đi theo công thức của Marx không thể đánh giá được các kết quả công việc phi vật thể. Đối với ông ta chỉ những lao động có sự chuyển hóa từ năng lượng sang vật chất trong các nguyên liệu mới tạo nên giá trị và giá trị này tương ứng với thời gian lao động, và chính như thế nên ông ta đã gặp phải những khó khăn rất lớn trong việc xác định thu nhập của những cán bộ viên chức kỹ thuật trong công nghiệp. Theo ông ta, tiền công của họ được trả lấy từ giá trị thặng dư của nhà tư bản, trong khi trên thực tế họ cũng bị bóc lột chẳng khác gì những người lao động chân tay. Hơn nữa ông ta từ công thức của mình không thể xác định được mức lương của nhà kinh doanh, do đó không thể tiến hành sự phân biệt quan trọng và rõ ràng là cần thiết về mặt lý thuyết của cả hai thành phần được cộng lại trong toàn bộ thu nhập của nhà tư bản: lợi nhuận của ông ta và lương lao động của lực lượng trình độ cao của ông ta. Tuy nhiên, tất cả các điều này qua việc mở rộng công thức, cuối cùng cũng làm cho chúng trở nên phù hợp [với công thức]: nhưng điều tuyệt đối không thể làm được từ công thức này, đó là việc xác định thu nhập của giáo viên, bác sĩ và của những người cung cấp dịch vụ cao cấp khác. Và khi đó câu hỏi diễu cợt mà Friedrich List đòi khoa học kinh tế tư sản trả lời sẽ được áp dụng cho Marx: như vậy có phải công việc của những người nuôi lợn có hiệu quả hơn công việc của những người nuôi dạy người?
Như tôi đã nói, ở đây tôi không thể đi sâu hơn và chỉ muốn lưu ý, rằng từ cái gốc này đã nảy sinh ra hiện tượng, chính nó đã làm cho phong trào công nhân méo mó đi nhiều nhất và làm suy yếu mạnh mẽ nhất sức tấn công của phong trào, và nảy sinh hiện tượng đánh giá quá cao công việc lao động chân tay thuần túy so với những nhà sản xuất tạo ra những giá trị tinh thần. Có điều kỳ cục, Marx bản thân là một người lao động trí óc có trình độ cao nhất, lại không thấy được hậu quả này của chính những tiên đề của mình.
Tóm lại: công thức của Marx đúng trong các điều kiện nhất định: Sản phẩm của lao động xã hội trung bình có giá trị bằng thời gian lao động của nó. Nhưng công thức được đơn giản hóa chỉ nhằm phục vụ hữu ích cho mục đích tính toán đó không thể là công thức giá trị đúng. Công thức đúng đắn chứa đựng nhiều hơn nhiều: giá trị của hàng hóa được tính theo giá trị của lao động xã hội cần thiết được vật chất hóa trong nó, đo bởi thời gian và trình độ. Do vậy cùng thời gian của cùng trình độ trao đổi cho nhau, khác thời gian của khác trình độ trao đổi cho nhau. Nhưng sự trao đổi này chỉ xảy ra khi cả hai hàng hóa, trong nó lao động được vật chất hóa, được sản xuất ra trong điều kiện cạnh tranh hoàn toàn tự do, tức là những hàng hóa có thể tái sản xuất được một cách tùy ý bất kỳ. Nhưng nếu như một trong hai hàng hóa đó không thể tái sản xuât được một cách tùy ý, mà là một dạng hàng độc quyền, tức là giữa chúng tồn tại một mối quan hệ độc quyền, thì lúc này thời gian không như nhau của công việc cùng trình độ sẽ trao đổi cho nhau.
Ở đây cho thấy, công thức của Marx không chỉ quá đơn giản, bị đơn giản hóa quá nhiều, mà còn không đầy đủ do vậy là sai, một khi nó tự coi là đã hoàn chỉnh như nó đã làm. Marx đã bỏ qua hoàn toàn giá trị độc quyền trong tính toán của mình. Và điều này lại càng dễ nhận ra hơn, bởi toàn bộ Chủ nghĩa xã hội trước Marx đã luôn cáo buộc tài sản đất đai và tài sản tư bản là độc quyền và lợi nhuận đất đai và lợi nhuận tư bản là lợi nhuận độc quyền; cho đến đề cương Erfurt trong phần khái quát quan điểm này còn xuất hiện đến ba lần trong hai đoạn.
Do vậy đó là một thiếu sót không sao hiểu nổi, khi Marx không đưa giá trị độc quyền vào trong tính toán của mình. Ông ta không có cái lý do như Ricardo đã có, khi ông ta nhắc tới nó rồi lập tức bỏ qua: Ricardo coi nó [giá trị độc quyền] chỉ là một ngoại lệ vô hại, trong khi đó Marx ít nhất đã có mọi lý do để xem xét xem, liệu ở đây có thể tìm ra được lời giải cho vấn đề mà ông ta tìm kiếm.
Ông ta hoàn toàn có lý với giả thiết cơ bản, rằng trong giá trị chỉ thể hiện các mối quan hệ xã hội. Nhưng lẽ ra ông cũng sẽ thấy ngay lập tức khi chú ý tới hàng hóa độc quyền, rằng không chỉ các mối quan hệ kinh tế của sự phân công lao động xã hội cũng như của công lao động xã hội tiêu tốn thể hiện trong giá trị, mà có thể cũng còn có các mối quan hệ ngoài kinh tế của các vị thế quyền lực xã hội.
b) Giá trị thặng dư
Vì lý do này, lý thuyết đúng đắn về giá trị thặng dư cũng không thể được phát hiện ra. Marx, như mọi người đều biết, đã giải thích, giá trị thặng dư không thể hình thành trong quá trình lưu thông [quay vòng]. Bởi vì về lâu dài trung bình, nhà tư bản mua phương tiện sản xuất và "sức lao động", theo thuật ngữ đúng đắn có nghĩa là dịch vụ với toàn bộ giá trị xã hội đầy đủ của nó, và bán ra sản phẩn hoàn thiện với toàn bộ giá trị xã hội của nó. Ở đây, như vậy về lâu dài không bao giờ có thể sinh ra được giá trị thặng dư.
Sự khẳng định này chỉ đúng, nếu trên thị trường chỉ có những giá trị tự nhiên trao đổi với nhau. Nhưng như chúng ta đã quan sát một cách tường tận, giá trị thặng dư trong quá trình lưu thông [quay vòng] thường sinh ra tại nơi hai đối tác cạnh tranh trao đổi với nhau trong mối quan quan hệ độc quyền, và giá trị thặng dư luôn có mặt tại nơi luôn tồn tại mối quan hệ độc quyền.
c) Giá trị của lao động
Để thoát khỏi những khó khăn mà lý thuyết của chính mình đã đẩy ông ta vào đó, tức là nhằm tính được giá trị thặng dư, Marx đã tiến hành việc chứng minh, rằng cái [giá trị thặng dư] không thể sinh tra trong quá trình lưu thông, đã sinh ra trong quá trình sản xuất. Cấu trúc này ai cũng biết do vậy tôi xin phép được diễn tả một cách ngắn gọn: Nhà tư bản mua "sức lao động" với giá bằng giá trị trao đổi của nó, tức là một khoản thời gian lao động xã hội trung bình cần thiết để tái tạo ra nó và với điều này cũng là mua giá trị sử dụng của sức sản xuất, đó chính là lượng giá trị được đưa thêm vào trong nguyên liệu. Tiếp đó ông ta để cho người lao động tạo ra "giá trị thặng dư", tức là để cho họ làm lâu hơn số thời gian cần thiết để tái tạo nguồn thỏa mãn nhu cầu sống của bản thân: lượng giá trị được đưa thêm vào nguyên liệu trong khoảng thời gian nhiều thêm này được gọi là giá trị thặng dư của ông ta, hay lợi nhuận của ông ta.
Cấu trúc này có thể chứng mình được là đã sai trong mỗi bước.
1. Đầu tiên, không phải nhà tư bản mua "sức lao động" trên thị trường. Sức lao động theo nghĩa khoa học đó là năng lực lao động: nó không thể mua được trên thị trường, ngoại trừ trong nền kinh tế nô lệ chủ nô, và chúng ta đang nói về một nền kinh tế lưu thông tự do, vể "người lao động tự do". Cái mà nhà tư bản mua, đó chính là năng lượng tiêu tốn với một trình độ nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định, tức là dịch vụ. Chúng ta hãy đơn giản hóa dịch vụ này, như Marx đã làm và không có gì là sai, trở về lao động xã hội trung bình! Chúng ta lại giả thiết, rằng trong đồng 20M bằng vàng chứa đựng 20 giờ lao động xã hội trung bình, và đồng 20M là lương cho một tuần của một người lao động có trình độ xã hội trung bình, mỗi ngày phải làm việc 10 giờ đồng hồ. Như thế nhà tư bản mua đã mua 60 giờ lao động xã hội trung bình với giá 20 giờ xã hội trung bình. Ông ta lời được 40 giờ lao động xã hội trung bình, thậm chí là ngay trong "quá trình lưu thông" [xoay vòng], chứ không chờ đến quá trình sản xuất, bất chấp cả Marx. Ông ta có lời bởi vì sự trao đổi giữa ông ta, người sản xuất ra sản phẩm vàng, và người lao động, người sản xuất ra sản phẩm dịch vụ, xảy ra trong mối quan hệ độc quyền giai cấp.
2. Cũng lại sai nữa, đó là lý thuyết về giá trị và lao động làm nền tảng cho toàn bộ cấu trúc này. Nó ra đời từ lý thuyết cổ điển, mà cụ thể là của Ricardo, và, cũng như hầu hết mọi thành phẩn của lý thuyết này, đã được Marx tiếp nhận mà không hề có sự kiểm tra lại. Nhưng nó sai hoàn toàn; dựa trên lỗi logic về quatenio terminorum, tức là về việc sử dụng từ có hai nghĩa.
Người ta không thể cẩn thận bao nhiêu cho đủ với các thuật ngữ ở đây. Một phần lớn những lầm lỗi mà lý thuyết cố điển đã mắc phải, là do nhiều ý nghĩa khác nhau của ngôn ngữ chung, trong đó từ "lao động" xuất hiện, đã không được tách bạch một cách đủ rõ ràng. Về mặt khoa học người ta phải tách bạch những thứ sau đây: 1. "Lao động" [công] là một khái niệm không thuộc về kinh tế mà là khái niệm thuộc về khoa học tự nhiên. Nó có nghĩa không có gì khác hơn là công suất của chừng này kilogramn-meter trong chừng này giây đồng hồ. 2. "Năng lực lao động" là một khái niệm sinh học. Nó có nghĩa là khả năng hữu cơ về mặt thân thể của con người, có thể sinh ra [công] lao động theo nghĩa khoa học tự nhiên. 3. "Lao động tiêu tốn" hoặc "dịch vụ" mới là khái niệm kinh tế. Dịch vụ là sản phẩm của năng lực lao động mà người có năng lực lao động đem nó vào thị trường, và cụ thể một cách gián tiếp là lao động xã hội cần thiết được vật thể hóa trong một hàng hóa, hoặc một cách trực tiếp là dịch vụ theo một nghĩa hẹp, tức là lao động tiêu tốn trên tính toán và cho mục đích của người khác.
Vì vậy ở đây chúng ra không hỏi về các giá trị của lao động theo nghĩa vật lý, và cũng không hỏi về các giá trị của năng lực lao động theo nghĩa sinh học, mà chỉ hỏi về các giá trị của công lao động tiêu tốn theo nghĩa kinh tế, về các giá trị của các dịch vụ.
Thế nhưng Marx trong lý thuyết về giá trị "lao động" của mình đã lẫn lộn lung tung giữa năng lực lao động và lao động tiêu tốn, giữa năng lực lao động và dịch vụ. Hai khái niệm này liên quan với nhau như cái cây và quả của nó, như cây lúa và hạt lúa, như máy phát điện và dòng điện mà nó phát ra. Hoàn toàn sai khi muốn giải thích giá trị của dòng điện từ chi phí tái sản xuất máy phát điện, thì cũng rõ ràng là sai khi muốn giải thích giá trị của dịch vụ từ chi phí tái tạo năng lực lao động.
Dịch vụ cũng là một sản phẩm như mọi sản phẩm khác. Giá trị của nó cũng được hình thành nên như giá trị của mọi sản phẩm. Nếu ta nhìn từ quan điểm của các nhà sản xuất, thì giá trị của dịch vụ bao gồm giá thành và lợi nhuận; Nếu ta nhìn từ quan điểm về các nhà sản xuất thì giá trị của nó bao gồm các giá trị của công lao động được vật hóa trong giá thành và các giá trị của "lao động thêm vào" của nhà sản xuất. Lợi nhuận của nhà sản xuất là giá trị của lao động xã hội mà anh ta đã tiến hành.
Như vậy cho loại sản phẩm dịch vụ chúng ta cũng có giá thành và lợi nhuận, và cần phải phân biệt giữa lao động mua vào và lao động thêm vào.
Nhưng chúng ta phải hết mực cảnh giác không để nhầm lẫn giữa giá thành của dịch vụ với giá tái tạo năng lực lao động.
Giá thành của dịch vụ đối với lao động giản đơn bao gồm chi phí đi lại, phải được bù đắp trong lương, từ giá thành cho quần áo làm việc của mình, cho công cụ làm việc và các vật liệu phục vụ cho công việc (Áo choàng chống thấm cho thủy thủ, dầu đèn cho thợ mỏ). Đối với dịch vụ cao cấp,ví dụ như Phái viên, Môi giới, Bác sĩ, Luật sư... giá thành bao gồm chi phí cho trụ sở làm việc, cho nhân viên, thuế v.v... và v.v... tất cả những thứ này tùy theo tỷ lệ đều phải được tính vào cho mỗi dịch vụ. Ngoài ra mỗi một nhà cung cấp dịch vụ sẽ nhận được lợi nhuận cho mỗi dịch vụ, tương ứng một mặt với trình độ của anh ta,mặt khác với vị thế của anh ta trong mối quan hệ độc quyền. Từ lợi nhuận có được này, tức là giá trị của lao động thêm vào của anh ta, mỗi một nhà sản xuất có thể dùng nó để chu cấp cho các nhu cầu của gia đình, và anh ta, nếu người ta muốn nói như vậy, có thể tái tạo "năng lực lao động" và hơn thế nữa là tái tạo giai cấp của mình. Nhưng chi phí để tái tạo năng lực lao động của anh ta không phải là chi phí của dịch vụ.
Ricardo như vậy ở đây đã phạm phải một lỗi kép. Trước tiên, ông ta đã nhầm chi phí tái sản xuất của dịch vụ với chi phí của năng lực lao động và sau đó ông ta đã hoàn toàn bỏ qua hạng mục quan trọng nhất đó là lợi nhuận hay là giá trị của lao động thêm vào.
Marx đã tiếp nhận cả hai sai lầm này - đây là một điều khó hiểu. Bởi vì Ricardo ít nhất cũng có lý do, đó là vì sự đa nghĩa của từ đã dẫn đến sai lầm; ông ta đã dùng khái niệm "lao động" một lần trong ý nghĩa của "năng lực lao động" và một lần trong ý nghĩa của "phân công lao động".
Tuy vậy, Marx vẫn là người đầu tiên - và đây cũng là một trong những cống hiến bất tử của ông ta cho khoa học - đã phát hiện ra, rằng trong khái niệm "lao động" có hai thứ khác biệt trộn lẫn với nhau; ông ta là người đầu tiên phân biệt giữa "sức lao động", tức là năng lực lao động, với "thời gian lao động", tức là [năng suất] lao động xã hội trung bình.
Tôi chỉ đi theo Marx khi tôi thực hiện sự phân biệt giống như vây. Và do đó người ta không thể bảo vệ Marx để chống lại tôi với luận điểm, ở đây tôi đã có thể tiến hành, cái được logic gọi là "sự phân biệt không có sự khác biệt". Sự phân biệt có nguồn gốc từ chính ông thầy [Marx], và tôi không tin, rằng ngay cả những người không marxist có thể phủ nhận điều này.
Nếu nó đứng vững một cách hợp lý logic, thì rõ ràng rằng Marx đã phạm phải một lỗi nghiêm trọng qua việc ông ta đã bỏ qua sự tách biệt khái niệm của chính mình tại một điểm quyết định và rơi trở lại việc sử dụng đồng nghĩa [khái niệm] của Ricardo. Bởi vì điểu này ông ta đã thực hiện, khi ông ta để cho giá trị của "thời gian lao động" được xác định bởi giá trị của "sức lao động".
Ricardo đã nói một cách lờ mờ: giá trị của hàng hóa được xác định bởi "lao động" chứa đựng trong nó. Khi ông ta hỏi về giá trị của lao động, như vậy có thể ở đây giá trị của sức lao động đã thâm nhập vào ông ta một cách vô thức.
Nhưng Marx phát biểu với sự phân biệt chính xác nhất: giá trị của hàng hóa được xác định bởi "thời gian lao động" chứa đựng trong nó. Khi sau đó ông ta hỏi về giá trị của thời gian lao động , và như thế sẽ không hiểu được về mặt logic, chuyện ông ta bỗng nhiên lại nảy sinh ra sức lao động, cái mà cho tới đó chưa hề được nhắc tới. Lỗi lầm này chỉ có thể hiểu được thông qua lịch sử, chỉ cho những ai hiểu được, rằng Ricardo diễn giải giá trị của "lao động" theo cách thức sai lầm này.
Đến đây tôi nghĩ rằng tôi phê phán học thuyết Marx như vậy là đủ để bảo vệ quan điểm của mình. Học thuyết của Marx chắc chắn đã sai từng điểm một và không thể đứng vững, và theo đó tôi có quyền chính đáng yêu cầu mọi người kiểm tra lại học thuyết của tôi với những phương tiện phê phán thỏa đáng và công bằng.
Một nhận xét cuối cùng trước khi kết thúc. Người ta thường chê trách, tôi là kẻ thù của địa tô nên không muốn động chạm tới các nhà tư bản. Với sự tôn trọng, điều này là một sự vô nghĩa ghê gớm. Tôi coi chủ nghĩa tư bản là một cấu thành thứ cấp, tư bản là tài sản quyền lực thứ cấp, cần phải phá vỡ ngay lập tức, nếu mối quan hệ độc quyền giai cấp ban đầu, có cơ sở từ sự độc quyền chiếm hữu đất đai, bị phá vỡ. Có thể tôi đã nhầm, nhưng người ta không nên chê trách cái người muốn đốn đổ cái thân cây, rằng anh ta có ý định tiếp tục nuôi dưỡng đám hoa quả của cây đó.
Và thêm một lời nữa đối với thực tế: ý kiến của tôi là nên có một chương trình hành động, đơn giản, dễ làm và có thể thực hiện nhanh chóng, trong một thời gian ngắn không chỉ ở Đức mà còn lan tỏa ra toàn thế giới, nếu như nó được thực hiện bởi một đội quân mạnh mẽ như đảng lao động. Tôi, người XHCN duy nhất còn đang sống trên thế giới theo nghĩa là những cha đẻ của những người XHCN, tin tưởng chắc chắn không chút nghi ngờ, rằng, nếu chúng ta muốn: chúng ta sẽ còn được chứng kiến vừng hồng của thời đại mới, những người trẻ hơn trong chúng ta có thể sẽ được chứng kiến cảnh mặt trời mọc.
----------
Chú thích:
[1] Lý thuyết về Kinh tế thuần túy và về Kinh tế chính trị học, Berlin 1910, tái bản lần 2 1911.
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Năm, 07/11/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131106/franz-oppenheimer-gia-tri-va-gia-tri-thang-du
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001