Tai họa của “thể chế hóa” những điều chưa biết: tâm linh và chủ nghĩa xã hội
Hạ Đình Nguyên
Sự a dua hay là ẩn ức xã hội?
Bỗng
dưng dư luận nổi đình đám về sự tranh cãi gay gắt xung quanh việc tìm
mộ của những nhà “ngoại cảm”. Song song với sự kiện lớn đang diễn ra là
cuộc bàn cãi gay cấn về sửa đổi Hiến pháp, rồi vội vã một cách đáng ngờ
khép lại vào cuối tháng này, bởi sức ép của một quyền lực bất khả tri
nào đó.
Trước đó, đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gây nên một dư
chấn bất thường rộng lớn, rồi sau đó xảy ra sự cố “cờ rủ” vội vàng bị
thay bởi “cờ bay” để đón tiếp tướng Tàu. Các diễn biến dồn dập nói trên
đã nhấn chìm Hội Nghị Trung ương 8, hay nó tự chìm, trong bế mạc ảm đạm
chưa từng có tiền lệ. Trên nền bản nhạc nghe như loạn nhịp này, lại điểm
xuyết những dấu lặng gây ngưng thở, như sự cố thẩm mỹ viện Cát Tường
(các cấp đổ vấy lẫn nhau về trách nhiệm), dân chúng Quảng Ngãi tập họp
đông đảo làm tắc quốc lộ phản đối khai thác cát gây sạt lở (Bí thư tỉnh
đích thân đầu trần áo bỏ ngoài đứng xin lỗi nhân dân), bệnh viện làm
chết trẻ em khiến người dân khiêng quan tài xuống đường, 6 xác trôi sông
xuất hiện không nguồn gốc, bản án chưa từng có trên thế giới về tội
viết facebook của Đinh Nhật Uy, các cuộc “tụ tập đông người” vẫn tiếp
tục “ngoan cố” diễn ra từ Dương Nội, Văn Giang kéo tới Thủ đô, kinh tế
thì lảo đảo như tay côn đồ đã quá chén, các chức sắc cao cấp thì bày tỏ
“đau đớn” vì tham nhũng như nhắn nhủ với trời mây… Nhiều nữa, có thể nói
là mọi mặt…
Toàn cảnh là một bức tranh loạn màu đầy trắc ẩn.
Và
nó sẽ được treo lên trân trọng, khi “hoàn thiện” bộ khung bao “Hiến
pháp mới”– một văn bản hạng hai “xinh đẹp” đứng sau Cương lĩnh Đảng!
Đám
đông bất bình có mặt khắp nơi, mọi lãnh vực. Do thế lực thù địch nào
xúi giục, hay do nội sinh? Là sự a dua, hay sự bung vỡ những ẩn ức có
nguyên nhân?
Mỗi sự việc sẽ trôi qua và lắng
xuống như trầm tích, như quy luật: mọi năng lượng không bao giờ mất đi,
rồi sẽ chuyển hóa và bùng phát theo cách của nó.
Tâm linh và thể chế hóa
“Ngoại
cảm”, hay muốn gọi là gì cũng được, thuộc về cái mà người ta gọi là
“tâm linh”, là lãnh vực đang nằm ngoài tầm với của khoa học. Khoa học
chỉ khẳng định những gì chứng minh được. Khoa học không hề phủ định
những gì nó không chứng minh được. Việc khoa học là của khoa học, tâm
linh là đời sống tín ngưỡng, là tinh thần hướng về cái thiện, siêu hình,
vô tận, tỉ như hướng về Đấng Tạo Hóa, về Chúa Trời hay về Tiềm Năng
chưa khám phá của con người trong mối quan hệ với năng lượng Cội nguồn
của Vũ trụ… Nó có thể là tôn giáo, cũng không nhất thiết là tôn giáo. Nó
đang hiện diện như là niềm tin của mỗi con người hay mỗi cộng đồng cư
dân ở mỗi nơi trên trái đất. Nó đồng hành với cuộc sống và hòa nhập vào
cuộc sống. Ít nhất nó làm cho cuộc sống thăng hoa, đẹp hơn, từ một cuộc
sống đang quằn quại trong cái thảm cảnh “duy vật thô thiển và trần trụi”
này.
Chỉ có những kẻ tự tin tới mức khùng điên mới phủ định tín ngưỡng nơi người khác. Nó đòi hỏi phải được tôn trọng. Vì thế mà có Tuyên Ngôn Nhân Quyền.
Mặt
trái của “tâm linh” có thể ẩn chứa trong tình trạng mê tín, mê muội,
phản khoa học, có thể bị lợi dụng để làm ăn phi pháp, có hại cho cá
nhân, cộng đồng. Nó cần được nhà nước quan tâm theo dõi với sự hiểu biết
và thận trọng để làm sáng tỏ, ngăn chận những tác hại do sự lạm dụng
gây ra. Những hoạt động tâm linh đem lại ảnh hưởng tốt cho cộng đồng,
như đạo đức, sự lương thiện, vô hại, hoặc nó nâng đỡ cho tinh thần con
người lúc yếu đuối tuyệt vọng.. cần được tôn trọng. Như thế, nhà nước
phải đủ khách quan, sáng suốt và nhất là phải có những con người đủ
lương thiện, không đam mê duy vật nhận lãnh công việc này.
Nếu hoạt động tâm linh được thể chế hóa bằng sự có mặt trực tiếp
của nhà nước để nắm quyền điều khiển, như tổ chức Ngân hàng Chính sách
Xã hội lập đội ngũ áo xanh áo đỏ…, thì lập tức các hoạt động trên bị
biến dạng. Đơn giản như công việc từ thiện để quyên góp giúp đỡ thiên
tai hoạn nạn, nhà nước đứng ra “ôm hết về mình”, tiêu cực liền xuất
hiện, tham nhũng phát triển, và kết quả là người đóng góp của cải thiếu
tin tưởng, giảm nhiệt tình, quan chức lại có lợi thêm, ngoài phần vật
chất, là danh giá “của người ân ta”, lòng tự trọng biến mất, rước lấy sự
khinh bỉ trong nhân dân. Đó là tai họa của sự “thể chế hóa” những lãnh
vực không thuộc quyền lực của nhà nước. Chúng ta thấy các quan chức cao
cấp đều có mặt, nói cười, giao du với các nhà ngoại cảm, tham gia các lễ
lạc, cúng kiến đình đám, cầu an, cầu hồn, bằng khen giấy khen, gián
tiếp tạo ảnh hưởng và khuynh loát các hoạt động này. Trong khi ở lãnh
vực pháp quyền, thì họ lẩn tránh sự đối thoại công khai, bình đẳng, dân
chủ về những chính sách quốc gia đang gây tranh cãi và bất đồng trong
nhân dân. Họ bất chợt “tiếp xúc cử tri”, hỏi đáp qua rào, nhằm có hình
ảnh để lên báo và nói điều mình muốn nói, theo cách một chiều và không
lắng nghe, là một hình thái tuyên truyền kiểu loa phường thời chiến (để
thông báo máy bay địch…), chứ không phải là lý giải và phản biện, trao
đổi nghiêm túc theo cách của một xã hội văn minh.
Ở
các quốc gia có “nhà nước pháp quyền”, các lãnh đạo của họ hành động
ngược lại. Họ không tìm cách đánh bóng, PR mình, để tỏ ra “gần gũi” quần
chúng, bằng cách mượn đường qua các tuyến “ngoại cảm, tiên tri” nào cả,
trừ các lễ nghi chính thức của quốc gia. Họ đứng vững trên pháp quyền
mà hành xử, có muốn quảng cáo bản thân thì cũng thông qua đối thoại với
cộng đồng cư dân một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Nhờ thế, chính
sách được bàn cãi thông suốt, trình độ dân trí - quan trí được nâng cao.
Họ không ôm vào mình tất cả, không “xía” vào mọi chuyện, nhất là tín
ngưỡng trong dân gian. Họ phân biệt rõ, cái nào là trách nhiệm và thẩm
quyền nhà nước, cái nào thuộc về người dân, cái nào cần được bàn bạc
thỏa thuận giũa dân và nhà nước, không đảo lộn Hiến pháp thành “bản văn
triển khai” một cách ngang nhiên cương lĩnh của Đảng….
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh vừa lên tiếng: Quân đội “không can dự”
vào việc tìm mộ theo ngoại cảm - tâm linh, quan điểm này xem như tạm
ổn. Quân đội đã làm hết sức mình về trách nhiệm với liệt sĩ, phần bất
lực còn lại thì phải thừa nhận là bất lực (đừng hứa tìm cho đến hết,
không ai tin) để thân nhân có thể tìm kiếm theo cách của mình, theo tín
ngưỡng của mình với sự giúp đỡ của quân đội. Sự giúp đỡ đó diễn ra trong
đời sống cụ thể, không liên quan đến quyết định về tín ngưỡng của họ. Đó là cách thu xếp ổn thỏa nhất trong tình hình hiện nay.
Kênh
truyền hình VTV là truyền thông nhà nước, đã nêu lên vấn đề tìm mộ của
những nhà ngoại cảm theo cách phê phán thiếu thận trọng, thiếu khiêm
tốn. Là tiếng nói của nhà nước – không phải của tư nhân – càng không nên
có lời lẽ hồ đồ, khi dùng những từ ngữ rất “trâu bò”, như “vạch mặt”,
“chỉ tên”, v.v. “Vạch mặt” rồi sẽ tới “rạch mặt”, “xẻo tai”, “chặt đầu”,
“quăng sông”… gợi nên các hình ảnh của bọn xã hội đen - đỏ hôm nay, làm
sống dậy những ký ức một thời rất đáng quên là đấu tố, giảm tô, cải
cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm… Cái ngôn ngữ này nên biến mất, ít
nhất phải bắt đầu trên hệ thống truyền thông mang danh nhà nước (dù có
cho tư nhân thuê giờ làm ăn).
Việc thảo luận,
bàn cãi những vấn đề về khoa học, tư tưởng, triết học, tôn giáo, tín
ngưỡng, tâm linh hay ngoại cảm, nội cảm là chuyện của người dân, của xã
hội, của những nhà nghiên cứu. Nhà nước chỉ đóng vai trò trọng tài – một
trọng tài đứng đắn – nếu không, “sân bóng” trở thành nơi của “đồng
bóng” hoành hành, nói rộng hơn biến đất nước thành một quốc gia đồng bóng.
Thể
chế toàn trị có tham vọng cai trị toàn diện, ôm hết mọi thứ vào mình,
triệt tiêu mọi khác biệt, chính nó sản sinh ra “thế lực thù địch” đang
lớn nhanh qua tích lũy từng ngày từng việc, mà chẳng ai mong muốn, càng
không phải ai xúi giục.
Đến lúc phải nhận ra sự cần thiết phải có xã hội dân sự để
thực hiện thay cho nhà nước các nhu cầu xuất phát từ phía dân chúng.
Nhà nước phải đủ sáng suốt làm người quan sát, giám sát để ngăn ngừa, xử
lý những tiêu cực xảy ra. Đó là xu thế mà nhân dân đang đòi hỏi ở Hiến
pháp, nhằm thực hiện một nhà nước pháp quyền để có một xã hội dân sự, và ngược lại.
Nhờ
đó, nhà nước sẽ được là một nhà nước pháp quyền, thay cho một nhà nước
nhân danh chủ nghĩa duy vật mà không tránh khỏi các hoạt cảnh đồng bóng.
Chủ nghĩa xã hội và thể chế hóa
Đây là chuyện rất dài nên cần nói thật ngắn.
Cựu
Phó Thủ tướng Trần Phương hỏi: “Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là cái gì?
Ai trả lời? Không ai trả lời được!”. Không trả lời được là cái gì, thì
làm sao đòi hỏi nó hoàn thiện, dù 101 năm nữa, nên Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng nói: “Cuối thế kỷ này không biết nó có hoàn thiện không!”. Câu
chẩn đoán thật buồn cười, sự bi hài đứng về phía ông.
Trước
đây một luận điểm được nêu lên như một slogan thời thượng: “Muốn xây
dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Hãy bình
tĩnh mà tự hỏi: Thế con người xã hội chủ nghĩa nó ra sao, và từ đâu ra?!
Người ta nhớ ngay đến chuyện “ngụ ngôn” con gà và cái trứng.
Thể
chế hóa, quy hoạch hóa về cái điều mà chưa ai biết rõ – bao gồm một
nhóm người làm quy hoạch, lẫn chín mươi triệu người bị quy hoạch – không
phải đã bắt nguồn từ một niềm tin rất “ngoại cảm - tâm linh” đó sao?
Chắc là có nhiều người đang suy nghĩ, và có nhiều người đông hơn không
còn muốn suy nghĩ về nó nữa.
Về ngoại cảm - tìm mộ thì nói theo ý Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: không can dự vào! “Cậu Thủy”, hay “Cậu Hỏa” nào đó, có ăn tiền bất chính thì kiên định lập trường mà đòi lại cho đủ, dùng pháp mà trị những kẻ có liên quan.
Còn cái ngoại cảm vĩ mô
kia mới thật đáng lo hơn. Điều 4 Hiến pháp lẽ nào là một cái cột mốc
được quy hoạch từ “ngoại cảm”, mang tính định mệnh của dân tộc, sẽ do
một số ông bà nghị cà vạt, áo dài bấm nút quyết định sao? Bản văn dự
thảo sửa đổi Hiến pháp được khẳng định là sẽ cương quyết “thông qua”,
chỉ bởi vì người có ảo quyền nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố: “Tôi tán thành”, thì nhất định sẽ có sự tán thành!
Đơn giản thật vậy sao, hỡi áo dài, cà vạt?
Thời điểm này là thế kỷ 21 năm thứ 13 tháng áp chót.
5-11-2013
H. Đ. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:11
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/11/tai-hoa-cua-che-hoa-nhung-ieu-chua-biet.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001