Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Peter Grier - Liệu John F. Kennedy có rút quân khỏi Việt Nam?

Peter Grier - Liệu John F. Kennedy có rút quân khỏi Việt Nam? 



Diên Vỹ chuyển ngữ


Tổng thống John F. Kenney ngồi với Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara tại Phòng Bầu dục ngày 23 tháng Giêng 1961 - Ảnh: Cecil Stoughton/Nhà Trắng trích từ Thư viện John Fitzgerald Kennedy, Boston

Trong những tuần cuối đời mình, Tổng thống John F. Kennedy đã dùng rất nhiều thời gian trăn trở về khó khăn ngày càng lớn về chính sách ngoại giao tại Việt Nam. Liệu ông có thể tránh được thảm kịch tăng cường can thiệp vào Đông nam Á như người kế nhiệm Lyndon B Johnson đã làm vẫn là một câu hỏi “Giả sử?” lớn trong vấn đề địa chính trị trong thế kỷ 20.
Có thể ông đã điều động hàng trăm nghìn lính Hoa Kỳ vào tham chiến tại Việt Nam, như LBJ đã làm. Kennedy là một đảng viên Dân chủ trong thời kỳ chiến tranh lạnh, có nghĩa là ông là một người chống cộng kiên định. Em trai ông là Robert Kenndy nói trong một phỏng vấn lịch sử vào năm 1964 rằng JFK không bao giờ nghĩ đến việc rút quân khỏi Việt Nam và quả quyết rằng Hoa Kỳ phải đứng vững ở đấy để chống lại sự bành trướng của khối Sô Viết.
Nhưng một số nhà sử học hiện đại lại nghĩ khác. Cơn khủng hoảng tên lửa hạt nhân tại Cuba đã dạy Kennedy rằng không nên tin tưởng vào những lời khuyên của các quan chức an ninh quốc gia diều hâu. Trong khi đó, năm 1963 tại Phòng Bầu dục, Việt Nam có vẻ là một quốc gia bất ổn tại một góc trời xa vời và lộn xộn.
“Những hành động và tuyên bố của Kennedy đều cho thấy một tình trạng giảm căng thẳng được quản lý chặt chẽ, không như chính sách can thiệp đã xảy ra dưới thời LBJ,” giáo sư sử học đã về hưu Robert Dallek thuộc Đại học Boston đã viết trong cuốn tiểu sử về JFK “Một Cuộc đời Dang dở.”
Năm mươi năm trước vào tuần này, khó khăn của Kennedy là giải quyết hệ quả của một cuộc đảo chính đầy bạo lực tại Việt Nam.
Chính phủ của vị tổng thống bị lật đổ là Ngô Đình Diệm vốn đã bị lung lay từ lâu. Nạn tham nhũng, những chiến thắng của Việt Cộng, và tình trạng đàn áp bằng bạo lực giới Phật giáo đã làm suy yếu vị thế của nó đối với Hoa Kỳ và người dân Việt Nam.
Trong thời gian nhiệm chức tổng thống, JFK đã tăng cường số cố vấn tại Việt Nam lên hơn 16 nghìn người và mở các nguồn viện trợ quân sự và tài chính cho Việt Nam. Nhưng đến tháng Chín 1963, ông đã công khai bày tỏ sự bực bội của mình đối với tình hình hiện tại.
“Nói cho cùng, đây là cuộc chiến của họ. Họ là người phải thắng hoặc thua cuộc chiến này,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS.
Ở phía sau, các quan chức Hoa Kỳ đã liên lạc với các tướng lĩnh Nam Việt Nam, những người đang âm mưu lật đổ Diệm. Một bức điện nổi tiếng của Bộ Ngoại giao Mỹ, Điện tín số 243, đã nói thẳng với Đại sứ Henry Cabot Lodge rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ những người âm mưu đảo chính.
Diệm bị lật đổ vào ngày 1 tháng Mười một 1963. Ông và người em trai mình, cố vấn Ngô Đình Nhu đã bị giết chết sau khi từ chối đề nghị của Hoa Kỳ đưa họ đi tị nạn. Kennedy đã bị sốc vì cái chết của Diệm, vốn cũng là người Công giáo, và đã trở nên chán chường về tình hình thực sự đen tối của Việt Nam.
Ngày 4 tháng Mười một, Kennedy đọc một nhận định về cuộc đảo chính để lưu vào hồi ký của mình. Ông liệt kê các quan chức Hoa Kỳ nào đã chống đối (em trai ông và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara) và những ai ủng hộ (nhiều nhân vật cao cấp trong Bộ Ngoại giao).
JFK đã không phủi sạch vai trò của mình . “Chúng ta [ở Nhà Trắng] phải chịu một phần trách nhiệm lớn đối với việc này,” ông nói.
Vậy Kennedy sẽ làm gì với Việt Nam nếu ông còn sống?
Những công bố của ông trước cuộc đảo chánh được hiểu theo nhiều cách. Ông từng nói rõ với bình luận viên đài CBS Walter Cronkite vào tháng Chín rằng có thể không thể thắng được cuộc chiến. Ông cũng nói với Chet Huntley của đài NBC rằng ông tin giả thuyết domino và sự tan vỡ của Nam Việt Nam có thể thuyết phục thế giới rằng làn sóng tương lai ở Đông nam Á sẽ là “Trung Quốc và quân cộng sản.”
Phát ngôn viên Nhà Trắng Pierre Salinger đã thông báo rằng đến cuối năm 1963, việc huấn luyện lực lượng Nam Việt Nam phải được tiến triển đến mức có thể rút 1 nghìn nhân viên Hoa Kỳ về nước.
Sau cuộc đảo chánh, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc họp ở Hawaii để các quan chức Hoa Kỳ nhận định các lựa chọn cho Việt Nam. JFK nói mục đích của nó là nghiên cứu cách nào để “tăng cường độ chiến đấu,” nhưng cũng tìm cách để “đưa người Mỹ ra khỏi nơi ấy.”
Sau hội nghị, cố vấn an ninh quốc gia của Kennedy là McGeorge Bundy đã cho rằng chính sách của Hoa Kỳ vẫn không có gì chắc chắc, giáo sư Dallek cho biết. Với sự cam kết của nhiều quan chức và dân biểu Hoa Kỳ đối với một giải pháp quân sự ở Việt Nam, thời điểm để thoái lui dường như không nằm trong tầm tay.
Nhưng Kennedy đã đang nghĩ đến nhiệm kỳ thứ hai - và quyền tự do hành động mà nhiệm kỳ này có thể mang tới cho ông. Vào ngày 21 tháng Mười một 1963, ông nói với phụ tá của Bundy là Michael Forrestal rằng bắt đầu năm 1964, ông nên tiến hành một nghiên cứu kỹ càng về mọi khả năng về Việt Nam, bao gồm cả việc rút quân. “Chúng ta phải xem xét cả vấn đề từ dưới lên trên,” Kennedy nói, theo lời giáo sư Dallek.
Cũng trong ngày đó, ông đi Texas để giải hoà và vận động gây quỹ.*
--------------------------
Chú thích của người dịch: Chuyến đi của Kennedy đến thành phố Dallas, Texas để giải hoà những tranh chấp giữa những người đứng đầu đảng Dân chủ tiểu bang Texas và để vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Tại đó, ông đã bị ám sát vào ngày 22 tháng Mười một 1963.
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Sáu, 08/11/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131107/peter-grier-lieu-john-f-kennedy-co-rut-quan-khoi-viet-nam
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001