Kiều Quang Chẩn*
Vị trí của trống Ngọc Lũ trong trống đồng Ðông Sơn
Ðã từ lâu, trống đồng Ðông Sơn là biểu tượng văn hóa, là di sản, và là
niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Và cũng từ lâu, hình dáng và hoa văn
biểu tượng cho trống đồng Ðông Sơn ở Việt Nam được lấy từ trống Ngọc Lũ
khiến cho tên Ngọc Lũ trở thành đại diện cho toàn bộ trống đồng Ðông
Sơn. Hình trống Ngọc Lũ, vì thế, được trình bày trang nhã trên biết bao
bìa sách của mọi môn: sử học, văn học, nghệ thuật và trên cả những bích
chương rực rỡ hoặc những biển quảng cáo muôn màu. Trống Ngọc Lũ mặc
nhiên gắn liền với biểu tượng văn hóa dân tộc, quyến luyến ngự trị bàng
bạc mọi nơi và ngay chính trong lòng người Việt.
Vậy trống Ngọc Lũ thuộc loại nào và có phải là chiếc trống Ðông Sơn ra đời sớm nhất hay không?
Trống đồng Ngọc Lũ
Trống Ðông Sơn là thuật ngữ khoa học được các học giả Việt Nam đề xuất
từ gần 40 năm nay, dựa theo nghiên cứu của học giả người Áo Franz Heger
với sưu tập đồ đồng của văn hóa Ðông Sơn. Người ta nhận thấy có sự gắn
kết chặt chẽ giữa các trống được coi là cổ nhất ở Ðông Nam Á (Heger gọi
là H1). Ý kiến này được nhiều học giả trên thế giới đồng tình, vì thực
tế người ta nhận ra rất nhiều đồ đồng Ðông Sơn dùng chung các hình trang
trí trên mặt, tang, và thân trống H1. Cho đến nay tên gọi trống loại H1
dần được thay thế bằng tên gọi “Trống đồng Ðông Sơn” (Dongson Drum),
cho dù nó được phát hiện ở Việt Nam, Trung Hoa, Malaysia, Thái Lan,
Cambodia hay Indonesia.
Nhân đây xin lưu ý rằng trống đồng có khá nhiều loại biến đổi theo thời
gian. Franz Heger đã chia tới bốn loại chính và một số loại phụ khác
nữa. Nhiều nhà khoa học còn chia nhỏ hơn thành hàng chục loại. Ðiều đó
có nghĩa rằng trống Ðông Sơn không đại diện cho tất cả mọi loại trống
đồng ở Ðông Nam Á. Ví dụ ở Việt Nam, chúng ta có loại trống Mường có
kiểu dáng và hoa văn riêng biệt, thường thấy trong các mộ quý tộc từ
khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XIV ở vùng đất người Mường cư trú hiện nay.
Trong phân loại của Franz Heger, chúng thuộc trống loại H4. Trong khi đó
trống kiểu H3 có kiểu dáng khác, được dùng hiện nay ở những người Shan
vùng bắc Ðông Dương, vùng giáp ranh giữa các nước Miến Ðiện, Thái Lan,
Lào, Trung Quốc. Chúng được gọi chung là trống Shan.
Tổng số trống đồng các loại được các bảo tàng và tư nhân sưu tập trên
toàn thế giới đã lên đến con số ngàn. Trong đó trống đồng Ðông Sơn, tức
trống loại 1 Heger (H1) có tới nhiều trăm chiếc. Trống Ngọc Lũ được quen
chọn làm tiêu biểu cho loại trống này và được nhiều nhà nghiên cứu xếp
đại diện cho nhóm trống Ðông Sơn sớm nhất theo lý luận hình thái và mỹ
thuật học mà Franz Heger đã từng đề xuất: trang trí đi từ hiện thực đến
biểu tượng hóa. Cách phân loại của Franz Heger có ảnh hưởng rất lớn đến
các chuyên gia nghiên cứu trống đồng sau này.
Thực ra, khi cuốn sách của Franz Heger đang được in trong năm 1902 thì
ông mới nhận được tin phát hiện trống Ngọc Lũ. Trường Viễn Ðông Bác Cổ
Pháp mời ông sang thăm Hội chợ Ðấu xảo Ðông Dương nơi có trưng bày chiếc
trống được tổ chức vào cuối năm đó tại Hà Nội. Ông đã nghiên cứu và ghi
chép rất tỉ mỉ về chiếc trống này trong thời gian ở Hà Nội, nhưng tuyệt
nhiên, ngoài những dòng ghi chép và hình vẽ được lưu trong nhật ký công
tác, ông không để lại bất kỳ bài viết nào về trống Ngọc Lũ. Vào thời
điểm cuốn sách nổi tiếng của ông được xuất bản, ông chỉ mới được nghiên
cứu tỉ mỉ duy nhất một chiếc trống, đó là trống Sông Ðà (còn gọi là
trống Moulier hay trống Guimet, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng
Guimet, Paris). Chiếc trống Ðông Sơn thứ hai là trống Gillet (còn gọi là
trống Khai Hóa hay trống Wien, nay lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Áo,
Khoa Dân tộc học, thủ đô Vienne) thì ông chỉ có được hình ảnh và bản mô
tả phác thảo của ông Gillet, chủ sở hữu chiếc trống khi đó ở Hà Nội. Tuy
nhiên, chỉ với chừng ấy tài liệu, Heger đã vượt qua tất cả những công
trình viết về trống đồng trước đó ở chỗ đã xác lập được nhóm trống sớm
nhất theo tình hình tài liệu đương thời - đó chính là nhóm trống có hoa
văn tả thực về sinh hoạt của chủ nhân trống đồng thời cổ xưa, mặc dầu
sớm đến mức nào thì Heger khi đó vẫn không thể xác định được.
Phải đến những nghiên cứu của Parmentier(1) và nhất là công trình L’age
du bronze au Tonkin et dans le Nord Annam (Thời đại đồ đồng ở Bắc Kỳ và
Bắc Trung Kỳ) của Goloubew năm 1929, loại trống H1 của Heger mới được
gắn với văn hóa Ðông Sơn, dựa trên nghiên cứu so sánh hoa văn trên trống
Sông Ðà, Ngọc Lũ với những hoa văn đồ đồng sưu tầm được ở Việt Nam và
đặc biệt dựa vào kết quả các cuộc đào bới tại chỗ trống đồng cùng loại ở
bên cạnh những đồ đồng tùy táng khác tại Ðông Sơn (Thanh Hóa, Việt Nam)
của Louise Pajot. Do trống Sông Ðà bị thất lạc ngay sau cuộc trưng bày
tại Paris năm 1889, trống Khai Hóa của Gillet cũng được bán cho một nhà
sưu tầm kín tiếng, trong khi đó trống Ngọc Lũ có hồ sơ tương đối rõ ràng
lại được Trường Viễn Ðông Bác Cổ trực tiếp quản lý, nên trống Ngọc Lũ
từ đó trở thành tài liệu mẫu cho mọi nghiên cứu và được coi như đại diện
cho loại hình trống Ðông Sơn cổ nhất.
Phải kể thêm vài học giả Tây phương như Heine Geldern cho rằng các trống
có hoa văn như trống H1 bị ảnh hưởng trực tiếp từ Trung Á (pontic
migration) nên những trống cầu kỳ phức tạp phải là trống sớm.
Karlgren dựa trên những hình sao ở trung tâm, hình răng cưa, hai chữ S
cuộn vào nhau nghĩ rằng trống H1 là trống sớm do ảnh hưởng vùng thung
lũng sông Hoài, ở thế kỷ IV hay III trước Công nguyên (TCN), cuối đời
nhà Chu, Trung Quốc.
Van Stein Calenfels vào năm 1938, lại cho trống H1 làm rất sớm (600-500
TCN), theo sau là trống chim có hoa văn hình học (400-300 TCN).
Goloubew lại làm chúng ta lẫn lộn hơn với kết luận, các trống hình học
đơn giản cũng như các trống phức tạp đều làm trong khoảng năm 50 (sau
CN).
Không phải chỉ những nhà nghiên cứu châu Âu, các học giả Việt Nam đều đã
tôn vinh nhóm trống Ngọc Lũ như đại diện sớm nhất của dòng trống đồng
Ðông Sơn. Vậy ta thử tìm hiểu thêm, đặt trống Ngọc Lũ đại diện cho loại
trống Ðông Sơn sớm nhất có chính xác hay không?
Trống Ngọc Lũ được phát hiện cùng với một nắp thạp đồng lớn vào năm
1893-1894 trong một cuộc đào đất đắp đê ở một làng ven sông Hồng có tên
là Như Trác, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (Hà Nam). Tốp thợ đào đất vốn
là người làng Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, Hà Nam) nên đã mang trống về cúng
hiến cho đình làng mình. Năm 1902, một họa sĩ người Pháp bất ngờ phát
hiện được trống này nằm trong đình Ngọc Lũ, đã thông báo với Tòa Công sứ
Pháp ở Hà Nam. Trống bị trưng dụng, đem trưng bày tại Nhà Ðấu xảo vào
cuối năm 1902 sau đó lưu giữ bảo quản tại Trường Viễn Ðông Bác Cổ Hà
Nội. Sau khi tòa nhà Bảo tàng Louise Finot (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử
Việt Nam) xây xong, trống được trưng bày tại đó cho đến ngày nay.
Tập sách đầu tiên chính thức viết về trống của Việt Nam do Viện Bảo tàng
Lịch sử Việt Nam ấn hành với tựa Những trống đồng Ðông Sơn phát hiện ở
Việt Nam năm 1975(2) do Hoàng Vinh và Nguyễn Văn Huyên viết, đã chia
trống loại H1 ra làm 3 nhóm:
- Nhóm A: từ thế kỷ VII đến thế kỷ III TCN.
- Nhóm B: từ thế kỷ IV đến thế kỷ II TCN.
- Nhóm C: từ thế kỷ II TCN đến thế kỷ VI SCN.
Trống Ngọc Lũ đứng đầu bảng nhóm A, tức A1, với hoa văn người hiện thực,
minh họa những cảnh hội mùa rất sinh động ở trên mặt trống. Trên tang
trống có 6 thuyền chiến với hoa văn mô tả cảnh các chiến binh cầm vũ
khí, các tù binh bị trói và người chỉ huy tay cầm cung đứng trên khoang
thuyền và người cầm lái đứng sau cùng. Thân trống luôn luôn có chiến
binh cầm vũ khí đầu đội mũ cắm lông chim cao vút, khoác áo và đóng khố
dài. Cuốn sách còn giới thiệu một số trống cùng loại A1 như trống Hoàng
Hạ, Sông Ðà, Khai Hóa Gillet.
Cho đến nay đã hơn một thế kỷ, người ta đã khai quật được ngót một nghìn
trống Ðông Sơn, có lẽ chưa có phiên bản nào tưởng quý báu hơn trống
Ngọc Lũ. Rất nhiều học giả cùng chuyên viên khảo cổ, và hàng loạt sách
nói về trống đồng của Việt Nam, đồng nhất tin rằng trống Ngọc Lũ đẹp
nhất, giá trị nhất và có niên đại sớm nhất.
Ðến năm 1987, Viện Khảo cổ cho ra đời thêm tập sách thứ hai với tựa
Trống Ðông Sơn. Sách này chia trống Heger I thành 5 nhóm: A, B, C, D và Ð
(xin xem chi tiết ở chương I, trang 41 của sách này). Nhóm A1 niên đại
không thay đổi và nhóm Ð cuối cùng thì niên đại được chia từ những năm
đầu Công nguyên đến thế kỷ V. Phần lớn học giả Việt Nam cho rằng: “Khi
bàn đến nghệ thuật trang trí trên trống, hầu như không ai phủ nhận
khuynh hướng phát triển nghệ thuật Ðông Sơn từ tả thực đến cách điệu, từ
phong phú đến đơn giản”. Họ muốn xác định rằng trống Ngọc Lũ đứng đầu
nhóm và có niên đại sớm nhất.
Năm 1989, nhà sưu tập Hà Thúc Cần cho xuất bản cuốn sách bằng Anh ngữ
Bronze of Dong Son in Vietnam, với phần biên tập của các chuyên gia hàng
đầu của Viện Khảo cổ. Lần đầu tiên sách được in ấn bằng màu với tiêu
chuẩn quốc tế thời đó. Các học giả cũng lặp lại lời nhận xét trống A1 là
loại xưa nhất và tiêu biểu nhất cho tất cả trống Ðông Sơn (trang 27).
Sau đó không lâu vào năm 1990, với sự bảo trợ của Toyota Foundation,
cuốn sách thứ tư cùng tựa Trống Ðông Sơn ở Việt Nam được ấn hành do Giáo
sư Phạm Huy Thông chủ biên. Ngoài việc nhấn mạnh trống Heger I phải
được gọi là trống Ðông Sơn, một lần nữa, sách cũng giữ vững lập trường
của những nhận định trước đó: “Xét toàn bộ địa bàn văn hóa Ðông Sơn,
phía Việt Nam cũng như phía Trung Quốc, những trống Ðông Sơn đẹp nhất,
hoàn chỉnh nhất cũng là những tiêu bản xưa nhất”.
Cho đến ngày hôm nay, dựa vào các sách trên, không dưới vài chục sách,
hàng trăm bài viết trong các sách báo không chuyên, các trang trên mạng,
khi đề cập đến tên Ngọc Lũ đều nhắc đi nhắc lại, đây là trống xưa
nhất.
Nhận định về trống X
Tuy các học giả ở Hà Nội và vài tác giả khác vẫn giữ vững lập trường về
trống Ngọc Lũ, thế nhưng một số học giả Việt Nam khác còn e dè và xác
nhận rằng việc thẩm định niên đại các trống tìm thấy ở Việt Nam hãy còn
nhiều khó khăn. Bây giờ chúng ta hãy đào sâu đến khám phá dưới đây về
trống sớm nhất mà hiện nay các học giả và chuyên gia tạm gọi là trống X.
Trống X tìm thấy tại Việt Nam.
Ở Vân Nam, Trung Hoa đã có những trống có hình dáng nửa nồi nửa trống,
với khả năng có thể làm cả hai công việc. Có một giả thuyết đưa ra rằng:
có thể sau một bữa tiệc linh đình, có thịt có rượu và dĩ nhiên có cả
nhảy múa; mấy chiếc nồi lớn trở thành nhạc cụ, một bộ gõ lý tưởng để
buổi liên hoan thêm nhịp nhàng và sôi động. Học giả còn liên tưởng đến
những chiếc trống đào được ở Vạn Gia Bá (Vân Nam, Trung Hoa) đã thoát
thân từ đấy. Những chiếc trống này mặt và thân liền nhau, không có đường
nối. Trên mặt trống tô điểm một vài hoa văn hình học, đôi lúc có hình
mặt trời ở giữa; nghệ thuật cũng chưa hoàn chỉnh. Việt Nam cũng có những
chiếc trống tương tự như Tùng Lâm (Hà Tây), Thượng Nông (Phú Thọ) và
hai chiếc trống như hình trên. Nhưng rất tiếc, các học giả Việt Nam chưa
công nhận chuyện này. Ở thời điểm này, suy luận đơn giản đưa đến: loại
trống này chính là loại trống sớm nhất - hay còn được gọi là trống X.
Cá nhân chúng tôi tin rằng hậu thân của những trống X khi hoàn thiện là
những chiếc trống loại A2 theo bảng phân loại của Viện Khảo cổ và Viện
Bảo tàng (trống chỉ có hoa văn hình học và chim) vì ba dẫn giải cụ thể
sau đây:
1. Hoa văn hình học đã xuất hiện trên đồ gốm của người Việt cổ từ nghìn
năm về trước. Hoa văn này rõ rệt nhất bắt đầu trên các đồ gốm thời Phùng
Nguyên (2.000 năm TCN), biến đổi dần sang thời Ðồng Ðậu, Gò Mun rồi mới
đến Ðông Sơn. Nghệ nhân, lấy đồ án hoa văn trên đồ gốm làm nền tảng cho
đồ đồng là một tiến trình tự nhiên và dễ hiểu. Vì thế, những trống có
họa tiết hình học đơn giản và thuần lý phải là trống sớm nhất, sau trống
X.
2. Kế đến, chim Lạc là vật tổ của người Việt cổ và được tin tưởng như
thần thánh. Tín ngưỡng thờ mặt trời vào thời đại này cũng rất phổ thông
cho nhiều dân tộc. Một khi đã tin thì khó có thể bỏ được, cho nên hình
mặt trời và vành hoa văn chim thường luôn có mặt trên trống Ðông Sơn từ
loại sớm nhất đến loại muộn nhất - trải dài một khoảng thời gian hàng
nghìn năm. Phân tích sâu sắc và thuần lý, trống chỉ có hoa văn hình học
là trống chuyển tiếp giữa trống X và trống A2, tức loại trống chỉ có hoa
văn chim và mặt trời. Loại trống tiếp theo với hoa văn phức tạp hơn là
loại A1 của Viện Khảo cổ và Viện Bảo tàng, tiêu biểu là trống Ngọc Lũ,
Hoàng Hạ, Sông Ðà v.v...
Phùng Nguyên Gò Mun Ðồng Ðậu Ðông Sơn
Hoa văn trên gốm qua các giai đoạn văn hóa (theo Jochen May).
3. Sự suy nghĩ “Những tác phẩm đầu tay vẫn có thể là tuyệt phẩm” (Pour
leur coups d’essai veulent des coups de maitre) chỉ hợp lý khi áp dụng
cho mỹ thuật và nghệ thuật. Còn việc đúc trống, tùy thuộc rất nhiều vào
trình độ kỹ thuật, mà kỹ thuật thì thời nào cũng vậy, là những gì phải
dò dẫm thử nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi ngành kỹ thuật lại
còn tùy thuộc vào những ngành liên hệ để phát triển. Cụ thể hơn, việc
đúc trống có liên quan đến việc dò tìm quặng mỏ, kỹ thuật luyện kim,
nghề gốm v.v... Từ những chiếc trống thô sơ buổi ban đầu, để đạt được
đến trống to lớn, hoa văn tỉ mỉ, toàn mỹ cũng phải trải qua hàng thế kỷ.
Ðây chính là yếu tố thời gian bị lãng quên mà chúng tôi đã gợi ý ở
trên.
Học giả Hòa Lan Bernet Kempers cũng đồng tình với chúng tôi. Ông còn cho
rằng “các trống với hoa văn hình học và chim, có thể xuất hiện từ các
trống đầu tiên đến suốt chiều dài của văn hóa Ðông Sơn.” (Kettledrums of
Southeast Asia, tr. 145). Ðiều này dễ hiểu vì chủ nhân các trống quan
trọng có thể có nhiều trống khác nhau. Ðồng thời gian với các trống lớn,
các trống đơn giản cũng có thể là của các nhân vật kém quan trọng hơn,
như các thủ lĩnh “trung lưu”. Một điều chắc chắn các trống có hình chim
đúc nổi giống như xương cá đi đôi với hoa văn hình học và hoa văn cờ bay
luôn là những trống H1, loại rất muộn. Một trống có niên đại tuyệt đối
đào được ở Nam Hoa với hoa văn cờ bay, minh văn ghi rõ trống làm năm thứ
4 niên hiệu Kiến An thời Ðông Hán tức năm 199 (trống hiện được trưng
bày trong Viện Bảo tàng Victoria and Albert Museum, London).
(1) Mặt trống sớm, đơn giản.
(2) Mặt trống với băng người nhảy múa (loại Ngọc Lũ).
Hoa văn chim bay theo dạng xương cá
và băng hình người cách điệu trên trống muộn.
và băng hình người cách điệu trên trống muộn.
Kết luận về trống sớm nhất
Ðọc đến đây, nếu những suy luận nêu trên vẫn chưa đủ sức thuyết phục
rằng trống Ngọc Lũ không phải là trống sớm nhất, xin độc giả đọc tiếp
những chứng cớ khảo cổ sau:
1. Một số học giả Việt Nam đã dựa vào trống Việt Khê để thẩm định niên
đại cho trống Ðông Sơn. Cho đến nay, cách thẩm định này tương đối vững
chắc vì vẫn chưa có ai tìm ra khiếm khuyết. Trống Việt Khê đã được tìm
thấy trong quan tài hình thuyền bằng gỗ thuộc niên đại 500-300 năm TCN ở
Việt Khê, Hải Phòng. Trống này thuộc loại nhỏ, lại là những trống chỉ
có một vành hoa văn chủ đạo với chim bay ngược chiều kim đồng hồ, được
xếp vào nhóm trống đơn giản A2. Như vậy trống A2 phải chiếm chỗ sớm
nhất, vì
cho đến bây giờ, di chỉ mộ thuyền Việt Khê có niên đại tuơng đối cổ
nhất. Cũng tìm thấy trong mộ thuyền này một chiếc thạp với hoa văn
thuyền-người ở dạng chưa hoàn chỉnh, tương đương với hoa văn trống Quảng
Xương.
2. Trống Cổ Loa tìm thấy khi đào xới trong khu vực thành Cổ Loa, huyện
Ðông Anh được phân loại là cùng niên đại với trống Ngọc Lũ. Trên trống
có khắc 2 chữ “Tây Vu” là tên một quận thời Tần Hán gồm một phần Nam Hoa
và phía bắc của Bắc Việt (Nguyễn Việt, Art and culture 2006, tr. 258).
Người ta tìm thấy trong trống nhiều vũ khí hình tim mà trước đó nhiều
người tưởng là nông cụ bằng đồng có cùng niên đại với thành Cổ Loa, vào
những năm 200 TCN. Chỉ qua lối suy luận bình thường, chúng ta có thể nói
rằng trống khó có thể làm trước đó hàng 400 năm. Vì thế, chủ nhân của
trống chính là Thục Phán, vị vua đầu tiên khôn ngoan và độc nhất của
vương quốc Âu Lạc với kinh đô là Cổ Loa.
Hình trống Cổ Loa đào được trong khu vực cùng tên.
3. Năm 1983, người ta đào tìm được mộ của Triệu Văn Vương (137-122 TCN) ở
Quảng Châu, tức Phiên Ngung thời Nam Việt. Mộ được coi là quan trọng
với số đồ tùy táng phong phú và quý giá nhất trong số các mộ vua từ thời
Hán về sau. Ngoài vô số ngọc ngà châu báu, còn có 4 chiếc thạp đồng với
hoa văn hình học tiêu biểu của Ðông Sơn. Chiếc lớn nhất còn thêm hoa
văn thuyền-người tựa như chép nguyên bản của tang trống Ngọc Lũ. Hoa văn
này được xem là tiêu biểu của người Việt nên thường xuất hiện trên
nhiều cuốn sách viết về khu mộ này.
Ðể nhấn mạnh hoa văn thuyền-người liên quan mật thiết đến người Việt và
vua Nam Việt, hai bên lối vào của Viện Bảo tàng lăng mộ Nam Việt Vương
tại Quảng Châu còn có hai bức phù điêu chạm nổi, lấy hình trên thạp,
chiếm hết chiều dài của tòa nhà chính.
Hình chụp một bên lối vào mộ Nam Việt Vương ở Quảng Châu (Ảnh của tác giả).
Hình
vẽ lại hoa văn thuyền-người trên thạp đồng tại mộ Nam Việt Vương tương
tự trên tang trống Ngọc Lũ.Một chiếc thạp tương tự hiện để ở bảo tàng
Barbier et Mullier với minh văn được xác định là của Triệu Ðà (Tức Triệu
Vũ Vương, 207-137 TCN, ông nội của Triệu Văn Vương Triệu Hồ), hay ít
nhất cùng thời vị vua này.
Thạp Barbier & Mullier được coi là thạp của Triệu Ðà hay cùng thời.
Cho dù hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về vai trò chính
thống của Triệu Ðà và nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam, người ta vẫn
không thể phủ nhận những nỗ lực của vị vua này trong việc ngăn chận sự
bành trướng của nhà Hán xuống phương nam. Ðích thân vua Triệu cũng búi
tó, ngồi xổm như người Việt. Nhiều sử gia không hề trách cứ, phàn nàn về
vị vua này; có sách còn mặc nhiên nhìn nhận ông là vua của Việt Nam.
Việc cai trị khôn ngoan của ông vua Việt gốc Hán, sẵn là một vị tướng
tài ba, nền kinh tế Giao Chỉ vào thời đó ắt hẳn phải tốt đẹp. Chiếc thạp
Ðông Sơn quý hiếm được đem dâng cho cháu nội của vua đương nhiên được
hiểu là làm trong thời vị vua này. Cho dù nếu không muốn xác nhận trống
và thạp làm cùng thời với các vua của Nam Việt, thì cũng không thể nào
cho rằng chúng được làm trước đó hàng 300-400 năm.
Tóm lại, trong khi chờ đợi bằng chứng tuyệt đối cho loại trống Ngọc Lũ,
chúng tôi nghĩ trống X là trống sớm nhất, trống chuyển tiếp chỉ có một
vài hoa văn hình học sơ sài. Trống hoa văn hình học, có vành chim bay,
có mặt trời ở trung tâm phải được xếp hạng thay vào các trống A1. Chúng
tôi tin rằng trống Ngọc Lũ và các trống Hoàng Hạ, Sông Ðà, Khai Hóa, Cổ
Loa, vì hoàn thiện, hoàn mỹ hơn, nên đẩy xuống loại A2, niên đại từ 250
đến 125 năm TCN. Các trống với hoa văn cách điệu sẽ là những trống muộn
hơn dù có bốn tượng cóc trên mặt hay không.
K Q C
*Hội Viên Viện Khảo Cổ Học Hoa Kỳ
CHÚ THÍCH
(1) Parmentier, 1918, Những trống đồng nguyên thủy, BEFEO.
(2) Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 1975, Những trống đồng Ðông Sơn phát hiện ở Việt Nam, tr. 16.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Goloubew, Victor, 1929, “L’age du bronze au Tonkin et dans le Nord Annam”, BEFEO, 29:1-46.
2. Heger, Franz, 1902, Alte Metalltrommeln aus Südost-Asien. Leipzig: K von Hiersemann.
3. Heine-Geldern, Robert von, 1952, Some problems of migration in the Pacific.
4. Heine-Geldern, Robert von, 1966, Some tribal art styles of Southeast Asia, an experiment in art history.
5. Kempers, A.J. Bernet, 1988, The kettledrums of Southeast Asia.
6. May, Jochen,1998, Die Nachbarn im Suden. Fruhe keramik und Bronze aus Vietnam, pp. 120-121.
7. Museum of the Western Han tomb of Nan Yue king, Guangzhou, China, 1991 and 1999.
8. Parmentier, Henry, 1918, “Ancients tambout de bronze”, BEFEO, 18:1-30 (Ngoc Lu).
9. Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh, 1975, Những trống đồng Ðông Sơn phát hiện ở Việt Nam, Viện Bảo tàng Lịch sử, tr. 115.
10. Nguyễn Việt, 2006, Art and Culture 2006, “The Dongsonian situla. The Center for Southeast Asian Prehistory”.
11. Nguyễn Việt , 2010, Hà Nội thời tiền Thăng Long, Nxb Hà Nội.
12. Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh, 1987, Trống Ðông Sơn, Viện Khảo cổ học, tr. 24.
13. Hà
Thúc Cần, 1988, The Bronze Dong Son drums. A collective work of
Archeologist: Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh, Phạm Minh Huyền, Trịnh Sinh,
tr. 27.
14. Phạm Huy Thông, Phạm Minh Huyền Nguyễn Văn Hảo, Lại Văn Tới, 1990, Dong Son drums in Vietnam, Nxb Khoa học xã hội, tr. 280.
15. Trịnh Sinh, 2010, Hà Nội thời Hùng Vương-An Dương Vương, Giải mã dòng chữ cổ trên chân trống Cổ Loa, tr. 349-359.
TÓM TẮT
Từ
trước đến nay, trống đồng Ngọc Lũ đã được đại đa số các nhà khảo cổ,
các học giả trong nước và nước ngoài cho là trống đẹp nhất, giá trị nhất
và có niên đại sớm nhất trong tất cả các loại trống đồng Ðông Sơn. Bài
viết này đưa ra một cách nhìn khác của tác giả về niên đại của trống
đồng Ngọc Lũ. Theo đó, trống có niên đại sớm nhất chính là những chiếc
trống có hình dạng nửa nồi nửa trống, trang trí hoa văn hình học sơ sài,
nghệ thuật chưa hoàn chỉnh, hiện được giới khoa học tạm định danh là
trống X. Các loại trống Ðông Sơn thuộc nhóm H1 theo cách phân loại của
Heger như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Ðà, Khai Hóa, Cổ Loa... vì hoàn mỹ và
hoàn thiện hơn, nên phải ra đời muộn hơn, niên đại vào khoảng thế kỷ 3 -
thế kỷ 2 trước Công nguyên.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/02/kieu-quang-chan-nien-ai-trong-ngoc-lu.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào
“nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001