‘Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy chức?’
Sáng 18/9, tại cuộc họp thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: ‘Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy chức vụ này chức vụ kia…’.
Tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng?
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về chống tham nhũng bị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá không có gì mới và đề nghị báo cáo cần thể hiện được mối quan hệ với Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống tham nhũng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng báo cáo còn “đánh giá còn nhẹ hơn cả nghị quyết Trung ương” và đề nghị đánh giá lại hoạt động đấu tranh phòng chống tham nhũng từ đánh giá của quốc tế, thông tin từ Mặt trận Tổ quốc, từ báo chí, từ nội bộ Đảng.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng sau khi sửa luật, cần đánh giá công tác phòng chống tham nhũng có thay đổi gì, nếu không đánh giá đây vẫn là một khoảng trống và khó để 500 đại biểu Quốc hội thông qua.
Mặt khác, trong báo cáo cũng chưa thấy nói rõ lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng có tiêu cực, bỏ sót, bao che không? Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không?””Bên cạnh thanh tra, các ngành kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án thì sao, đã làm hết trách nhiệm chưa?” Chủ tịch Quốc hội đặt hàng loạt câu hỏi.
Bên cạnh đó cũng cần phải xem trách nhiệm của tranh tra, kiểm toán, kiểm sát, điều tra đã làm hết sức, hết trách nhiệm chưa? Vai trò của BCĐ TW về phòng chống tham nhũng, cũng chưa thấy thể hiện trong báo cáo lần này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ mới nêu được hiện tượng và đánh giá tình hình chưa sát, chưa có gì thống nhất với Ban Nội chính T.Ư.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, dư luận về tham nhũng nhiều, nhưng phát hiện lại ít so với dư luận. Qua thanh kiểm tra 14 nghìn vụ nhưng lại chuyển sang bên hình sự chỉ 11 vụ. “Vậy chúng ta không biết tội phạm chìm, tội phạm nổi ra sao”, ông Lý nói.
Trả lời các vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết đây là năm đầu tiên thực hiện Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, nên rất khó đưa hoạt động của Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống tham nhũng vào. Bởi Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, nên việc này cần phải xin ý kiến của Quốc hội.
Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định công tác phòng, chống tham nhũng “tuy đã đạt kết quả tích cực, nhưng tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó phát hiện”.
Có bao nhiêu ý kiến can thiệp vào các vụ án tham nhũng?
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi số thông tin liên quan đến tham nhũng trong năm đã nhận được bao nhiêu? Xử lý như thế nào? Điều này thể hiện quyết tâm của ta có xử lý đến nơi đến chốn không. Có bao nhiêu vụ án có ý kiến của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, có bị cản trở hoặc làm hẹp vụ án lại?
Ông Ksor Phước cho rằng nhiều vụ án nghiêm trọng kéo dài 2 – 3 năm mà vẫn chưa xử được, làm giảm lòng tin trong nhân dân, trong cán bộ Đảng viên. Có những vụ án thông tin đã đưa ra báo chí công luận, thậm chí còn đưa cả kết luận của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cả năm trời vẫn thấy im lặng.
“Tôi cũng băn khoăn, không biết chuyện tới đâu, đúng sai thế nào. Có bao nhiêu ý kiến can thiệp vào các vụ án? Cứ mập mờ, ngay cả cán bộ như chúng tôi còn băn khoăn, nói gì đến Đảng viên bình thường” – ông Ksor Phước nói.
Lo lắng vì một số vụ án thuộc lĩnh vực ngân hàng chưa được xử lý rốt ráo, Chủ tịch Hội đồng dân tộc khẳng định”Nơi nào nhiều tiền, nhiều quyền thì nơi đó nhiều nguy cơ tham nhũng, cần đấu tranh trọng điểm vào những nơi như tổ chức cán bộ, quy hoạch, đấu thầu…”.
Khen thưởng người tố cáo tham nhũng còn hình thức
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng án tham nhũng phát hiện nhiều nhưng thu hồi tài sản ít; xử lý hành chính nhiều, áp dụng tình tiết giảm nhẹ, xử dưới khung, án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ cao, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp bị kéo dài, bị đình chỉ điều tra… Ông Hiện nhận định thực trạng trên ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào công tác phòng chống tham nhũng.
Ở một số tỉnh cả năm chỉ nhận được 1 – 2 đơn tố cáo tham nhũng, dân cho phát hiện tham nhũng là việc của Nhà nước, người tố cáo có thể bị trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản… của bản thân và gia đình.
“Khen thưởng người tố cáo tham nhũng còn hình thức, dư luận chưa đồng tình như vụ bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Có người tố cáo tham nhũng từ chối khen thưởng, vì thấy chưa giải quyết đến nơi, đến chốn, còn biểu hiện bao che như vụ ở Trung tâm y tế Thăng Bình, Quảng Nam”, Chủ nhiệm UB Tư pháp nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi “Dân nào mà không muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng? Hay là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì? ”
Xử lý hình sự 4 người đứng đầu vì để xảy ra tham nhũng
Tổng Thanh tra CP Huỳnh Phong Tranh cho biết đầu năm nay đã phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng, số tiền 117 tỷ đồng, đã chuyển cơ quan hình sự 11 vụ, 34 đối tượng. Đã có 36 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng, trong đó 4 người bị xử lý hình sự.
Về minh bạch tài sản, thu nhập năm 2012, đã có hơn 113 nghìn người kê khai lần đầu, hơn 519 nghìn người kê khai bổ sung, hơn 376 nghìn bản kê khai được công khai, 3 trường hợp được xác minh là không trung thực, 58 trường hợp bị xử lý do nộp chậm.
N.C.KHANH (Tiền Phóng)
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/79651/khong-tham-nhung-lay-dau-tien-ma-chay-chuc/2013/09
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001