Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [23]

Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [23] 




|
Tiếp theo phần trước

Hôm nay là ngày 2-9-2009.

Sáng sớm đài phát thanh trên tường ra rả ca ngợi thành tích đạt được của đất nước, lời ông Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập được phát đi phát lại nhiều lần. Anh bạn tù cùng phòng hít hít cái mũi vào không khí nói.

- Hôm nay chúng mình sẽ được ăn thịt.
Tôi nhìn ra ô cửa sắt bâng quơ
- Chắc hôm nay không phải đi cung nhỉ ?

Anh bạn hồ hởi gật đầu.
- Đúng, ai lại đi cung ngày này, mang cờ ra chiến tiếp nào.

Chúng tôi đang say sưa chơi, thì có tiếng mở khóa lạch cạch làm chúng tôi giật mình, mọi khi anh bạn nghe tiếng chân cán bộ từ xa vì mải chơi mà chúng tôi không để ý. Cô cán bộ hất hàm vào tôi nói
- Anh mặc áo vào đi cung.
Tôi nhìn bàn cờ dang dở, nhìn anh bạn tù ngạc nhiên như muốn hỏi sao lại đi cung hôm nay, anh bạn cùng phòng cũng nhìn tôi đầy ngạc nhiên không kém.
Ở ngoài phòng hỏi cung, anh cán bộ trẻ đứng đón. Trời nóng mồ hôi anh lấm tấm trên mặt, nhưng anh vẫn cười rất tươi hỏi tôi.
- Anh Hiếu thế nào, ăn ngủ được chứ?

- Tôi khỏe, trời nắng anh đi vất vả quá, không nghỉ hôm nay được sao. Tôi còn ở đây lâu mà, sao các anh phải vội.
Anh cán bộ lại cười tươi, anh nói
- Công việc cần thì phải làm mà anh.

Anh pha chè, đưa tôi bao thuốc, lấy giấy tờ, anh nói.
- Thằng bé nhà anh nghịch nhỉ, hôm chúng tôi đến nó phá phách lung tung, lấy đũa chọc cả vào máy tính, máy in.

Tôi cúi đầu không nói xòa lòng bàn tay ra nhìn. Anh cán bộ hí húi ghi những chi tiết tên tuổi, địa chỉ, lý lịch tôi ở phần đầu bản hỏi cung. Giờ thì anh thuộc lý lịch tôi quá rồi, anh tự ghi không cần thiết phải nhờ tôi đoạn này nữa.
Hôm nay anh hỏi tôi về quy trình in áo.
Tôi trả lời từ công đoạn đi mua áo, mua hóa chất, khuôn in. Rồi trình bày say sưa cách in áo thế nào. Anh chăm chú ghi hết rồi nói.

- Tôi thì không nghĩ là anh in.
Tôi cười.
- Nếu cần tôi sẽ thực nghiệm.

Anh lắc đầu.
- Không cần, vì tôi biết anh in được. Có điều anh không in những chiếc áo này mà thôi.

Tôi cười, anh cũng cười nói
- Anh nói thế tôi ghi thế. Anh ký đi.

Tôi ký vào các biên bản, không nhìn nội dung. Anh hỏi
- Anh không đọc lại à?

Tôi lắc đầu nhẹ nhàng.
- Không cần, tôi biết anh ghi đúng, khi tôi trả lời anh ghi, tôi quan sát ngòi bút anh di chuyển và biết anh ghi đúng lời tôi khai.
Anh cán bộ cười, chúng tôi ngồi chơi nói chuyện phiếm về công việc của anh và những chuyện vui mà anh gặp trong nghề. Cán bộ quản giáo vào nói với anh cán bộ hỏi cung.

- Hôm nay ăn cơm đây nhé, kỷ niệm quốc khánh mà.
Anh cán bộ nhận lời với cán bộ trại giam. Điều ấy có nghĩa chiều này 2-9-2009 cuộc hỏi cung vẫn diễn ra, anh cán bộ không được nghỉ ngày lễ và tôi cũng vậy.
Nghỉ trưa, tôi về phòng. Cơm đã có rồi, có hai khúc cá trôi kho cũng to to. Ăn cơm rất ngon miệng xong, anh bạn rủ đánh cờ. Tôi từ chối.
Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa
- Cán bộ hỏi cung còn ở đây, chiều thế nào cũng hỏi tiếp. Để nằm nghĩ lấy sức tiếp cán bộ.
Anh bạn cùng phòng nhạo.
- Thôi có gì thì thành thật khai báo mà được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Tôi cười.
- Thế ông thành khẩn trước tôi đi. Tôi nói cho ông cái luật pháp Việt Nam thế này. Đáng nhẽ cứ chối phắt thì án đáng ra 2 năm, cộng tội ngoan cố thành 2 năm 6 tháng đúng không.

Anh bạn gật đầu
- Chính xác.

Tôi nói tiếp.
- Nhưng nếu thành khẩn, tội 2 năm lại thành 4 năm vì thêm tội, thêm tình tiết tăng nặng, sang khoản khác, điều khác. Sau đó người ta xét tội thành khẩn thì tòa giảm cho 6 tháng. Vị chi là thành 3 năm 6 tháng khi thành khẩn. Vậy ông tính đường nào hơn.
Anh bạn từ trên bục nằm nhảy xuống đất vỗ đùi.

- Đại ca, đại ca từng trải thế mà lừa em như đại ca không biết gì. Hôm đầu đại ca vào em nhìn biết ngay đại ca thuộc thành phần phức tạp rồi.
Rồi anh thay đổi thái đổ tha thiết, năn nỉ bảo tôi chỉ bảo giúp anh về cuộc sống trong tù, vì giờ anh mới đang ở trại tù tạm giam, sau này phải chuyển đi trại tù cải tạo, đó mới là nơi anh đến lâu nhất trong đời tù của mình. Anh chỉ có kinh nghiệm ở trại tù tạm giam chứ không hề biết đến trại tù cải tạo, mà nơi đó mới là nơi khắc nghiệt nhất trong cuộc đời của tù nhân.
Giờ thì tôi không phải đánh cờ để được thức ăn, hàng tối tôi làm thầy giáo kể cho anh nghe về đặc tính của từng trại tù, lối sống, thủ đoạn và cách làm thế nào để sống yên ổn qua những năm tháng sau này khi anh chuyển đến trại tù cải tạo. Tôi kể sinh động những chuyện vượt ngục, trốn trại, những vụ đâm chém, phân tích những nguyên nhân những chuyện đó vì đâu, anh bạn tù lắng nghe, có lúc khen
- Mẹ, đúng người thật việc thật, hay hơn nhiều bọn báo nó viết.
Tôi giải thích về cơ cấu số má, địa vị của tù nhân, cần phải biết để ứng xử cũng như cơ cấu, chức vụ của cán bộ trại cải tạo để hối lộ, đút lót hiệu quả, không thì gia đình cứ quà cáp, biếu xén tràn lan vừa tốn tiền mà có khi cán bộ dẫm chân lên nhau mình thiệt oan. Anh ta biết ơn những chuyện tôi dãi bày lắm.
Anh ta gọi tôi bằng anh từ lúc đó, đến bữa anh dọn cơm, có thức ăn gì nhà anh gửi đều cho tôi ăn cùng. Anh nói
- Mới đầu anh vào, em nghĩ anh không đơn giản. Đúng là thế thật.

Lúc này chúng tôi mới hỏi về nhau, hóa ra anh ta cách nhà tôi không xa. Quanh đi quanh lại cũng biết người này, người nọ. Cởi mở với nhau làm cuộc sống trong cái phòng giam chật hẹp, ngột ngạt trở nên dễ chịu.
***
Ngày 3-9
Sáng đến trưa không thấy gọi đi cung. Anh bạn tù nói
- Có khi xong rồi đấy anh ạ, chốt hồ sơ chuyển viện khởi tố cũng nên.

Đến chiều cán bộ trại giam mở cửa gọi đi. Không phải đi cung mà đi khám lại sức khỏe. Chụp ảnh chân dung, lăn tay xong lại về phòng. Ngày hôm ấy trôi đi thật nặng nề, tôi nằm nhìn lòng bàn tay và phân tích lại những dữ kiện. Anh bạn tù biết tôi đang nghĩ gì ghê lắm , anh quay sang học ngoại ngữ để tôi yên. Trước lúc đi ngủ, tôi quay sang bảo anh ta.
- Có khi mai tao về, mày có nhắn gì gia đình mày không.?
Anh bạn tròn mắt ngạc nhiên, anh hỏi.
- Anh nói đùa à, hay cán bộ điều tra nói với anh thế.

Tôi nghiêm túc.
- Tao nghĩ thế, tao chả có tội gì. In áo thì phạt hành chính là cùng. Còn tất nhiên nhà nước này nó muốn bắt tù ai người đó phải chịu, nhưng cũng tùy trường hợp. Như bắt tù tao chả giải quyết vấn đề gì, lại ầm ĩ. Nên tao nghĩ nay mai tao về. Có thể là sáng mai.

Anh bạn thở dài
- Thôi ngủ đi

Anh ta có lẽ không tin, vì thường những người tù mới vào hay hy vọng có may mắn gì đó khiến họ được thoát ra. Sự hy vọng cứ mòn dần, mòn dần theo thời gian, theo từng cơ hội và đến khi họ chấp nhận ra sự thật là họ sẽ bị ra tòa tuyên án và sống một thời gian thực sự là tù nhân.
Sáng tôi dậy sớm, nhìn ánh ban mai qua khe cửa sổ, tiếng còi xe ở ngoài đường vọng vào. Tôi không hồi hộp, tôi không ngợi ca mình, chả qua tôi biết cái gì đến sẽ đến, không đến sẽ không đến. Mình ở trong bốn bức tường này làm gì được đâu. Nói về duy tâm tôi là người tốt, tôi thương người nghèo, người bệnh tật có điều kiện tôi giúp đỡ họ, tôi không hề làm điều ác với ai. Việc tôi vào đây nhìn đúng bản chất cũng không có gì ghê gớm, phụ thuộc vào những cấp nào đó tít trên cao họ quyết định khi đọc hồ sơ. Họ bảo cho đi tù là đi, cho về là được về. Tội tôi có hay không chẳng thành vấn đề với họ.
Tiếng mở khóa lạch cạch, anh cán bộ hiền lành nhất hôm nay đến phiên trực. Phải nói cán bộ quản giáo ở đây họ hiền lành, nghiêm túc, cần gì hợp lý nói là họ làm cho ngay. Không có chuyện hối lộ hay tình cảm gì hết.
Đến phòng cung, người cán bộ điều tra trẻ có nụ cười dễ mến đang chờ. Không thấy anh cán bộ già khó tính nữa. Thống nhất là việc tôi tự in rồi, giờ đến việc tôi mua áo ở đâu để về in. Tôi không nhớ mình mua của ai, khi tôi đến các cửa hàng và la cà tìm áo để in. Điều kiện tôi đặt ra rât đơn giản là áo phải là sợi do Việt Nam dệt may, không chấp nhận hàng Trung Quốc, cho dù là vải Trung Quốc mà Việt Nam may tôi cũng không mua. Anh cán bộ hỏi
- Sao anh bảo anh làm để bán, thì cái nào tiện rẻ thì mua. Sao phải chọn như thế làm gì?
- Nhưng tôi in nội dung vào đó để bán, và tôi không muốn ai đó bới ra rằng tôi dùng cái áo của Trung Quốc sản xuất để phản đối Trung Quốc.
Anh cán bộ lại cười, anh ta thật sẵn nụ cười.
- Anh quả thật là lạ, tôi làm việc nhiều người rồi, nhưng anh thì quả thật rất có gì thú vị.
Sang phần mua áo ở đâu thật gay go, mãi tôi cũng chả nhớ ra mua áo của ai. Vì người đó tôi không quen, anh ta thấy tôi đi lân la các hàng hỏi mua thì lại gần bảo có loại đó. Tôi bảo anh ta lấy cho tôi xem mẫu, anh ta đi lát thì mang về, tôi xem thấy ưng hẹn sáng anh gặp nhau đầu chợ Nghĩa Đô tiền trao, cháo múc xong đường ai nấy đi.
Anh cán bộ thắc mắc làm gì có kiểu mua bán như thế.
Tôi trình bày cho anh là xã hội đầy việc mua bán như thế, ví dụ anh đến chợ trời, anh có thể bán bất cứ cái gì mà chẳng cần biết người mua là ai, kể cả đó là loại hàng anh phạm pháp có được. Hoặc ngược lại anh có thể mua những loại hàng mà người khác phạm tội mà có. Quan trọng là chất lượng, giá cả thỏa thuận. Chứ ở đó đâu cần biết người bán hay người mua thế nào.
Anh cán bộ đồng ý và ghi như vậy vào biên bản.
Thực ra đúng là tôi mua bán kiểu như thế. Lúc đầu dự định in áo tôi đã nghĩ phải càng ít người liên quan, càng ít người biết càng tốt và mình cũng càng ít biết về ai cũng càng tốt. Có bị sao thì cũng hạn chế nhiều thứ. Một vị tiền bối hồi còn sống từng dạy tôi rằng, nếu làm việc gì nên làm một mình và đừng cho ai biết. Càng ít nhiều người biết càng tốt. Tất nhiên những việc tiền bối không nói rõ nhưng tôi cũng hiểu là việc gì. Vì bản thân vị tiền bối đã có mấy lần tù vì tội kinh doanh , sản xuất, mua bán trái phép. Người ta thường dạy nhau là phải dỏng tai nghe, mở mắt nhìn mọi sự việc, nhưng vị tiền bối lại dạy tôi là nghe và nhìn là những cái mà trời sinh ra, tự nhiên sẽ thế. Nhưng phải biết có lúc không nghe, không thấy gì hết. Ông ví dụ
- Nếu như mày tình cờ ngồi với mấy thằng bạn, chúng nó bàn chuyện đi ăn trộm, mà mày không muốn ăn trộm, không muốn tham gia thì tốt nhất kiếm cớ đi chỗ khác. Hoặc bất đắc dĩ phải ở lại thì đừng để cái gì lọt vào tai, cái gì lọt vào mắt. Chuyện chúng nó làm mình không nên biết, vì khi mình biết lỡ công an gọi ra hỏi, chúng nó vặn vẹo đủ ngón mình lớ ngớ lại hé dần dần ra là giết anh em của mình. Giá như mình không biết thì có mình chẳng thể nào khai hay làm chứng được.
Cái chân lý oái ăm tôi học được năm 17 tuổi trong một căn nhà mái ngói, có sân , có vườn của một người lão luyện cuộc đời đang nghỉ ngơi, điền viên nơi ngoại ô. Chân lý ấy không phải lúc nào tôi cũng áp dụng, nhưng phải nói cuộc đời có nhiều lúc áp dụng chân lý ấy hiệu quả vô cùng.
Hết buổi hỏi cung, tôi về phòng, cái bút vẫn trong tay anh cán bộ. Tôi chợt nhận ra một điều.
Từ hôm vào đến nay cán bộ đặt câu hỏi liên miên, anh ta luôn sẵn sàng chộp lấy bất cứ điều gì tôi khai mà anh thấy cần đưa vào biên bản. Bởi thế anh luôn lăm lăm cây bút ở tư thế viết. Điều ấy có nghĩa việc của tôi không hề được người ta coi là đơn giản.
Tôi cúi xuống bàn, mở bàn tay ra xem. Tôi cố không khóc khi nhìn lòng bàn tay mình. Có phải tôi cũng dần dần thấy cơ hội trở về xa dần như những người tù thường thấy dần mất đi hy vọng về với tự do.

Nghỉ trưa ngày 3-9
Tôi về phòng, gia đình anh bạn mới gửi quà. Chúng tôi ăn cơm với thịt lợn thăn rim nước mắm. Anh bạn tù an ủi
- Hồi vào đây nhiều lúc em nghe cán bộ nói, rồi nghe nhà em bắn tin, khối lần tưởng cũng lo được rồi. Nhưng rồi vỡ mộng hêt lần này lần khác anh ạ.

Đài phát thanh trên tường loan một tin thời sự. Tôi lắng nghe rồi tươi tỉnh, nở nụ cười bảo anh bạn.
- Mày có nhắn gì về nhà không, sợ tao về đột ngột không kịp dặn dò.

Anh bạn vặn
- Căn cứ vào đâu mà anh cho anh được về.

Tôi lại cười, tôi nói
- Tao xem đường chỉ tay, lần này số tao không tù lâu đâu.

Anh bạn nhếch mép cười khẩy
- Hóa ra ban đêm ông anh xem tay là xem bói à, đúng là phức tạp, biết lắm thế.

Buổi cung chiều ngày 3-9 lại là anh cán bộ già. Không còn không khí hiền hòa như với anh trẻ, có lúc anh quát, lúc anh đập bàn. Anh gằn giọng, anh thủ thỉ.
- Nghĩ đi Hiếu, đời còn lắm nợ lắm, còn mẹ già, con nhỏ. Nghĩ đi, sống phải nghĩ cho những người ruột thịt của mình là mẹ già không ốm đau không ai nương tựa, con mình nhỏ hàng ngày nhớ bố hỏi mẹ bố đâu.
Tôi nghe đến con, ứa nước mắt. Tôi đưa hai bàn tay lên bịt mắt mình thật chặt để nước mắt không tuôn ra. Lát sau tôi buông tay ra thở dài nói.
- Có gì em đã khai hết rồi, tự em in áo để bán lấy tiền. Không còn gì cả, thực sự là như vậy.

Anh ta hỏi tôi.
- Thế ngoài việc in áo anh còn làm gì nữa, chúng tôi bắt anh vào đây là đã biết hết mọi việc anh làm. Đây là cơ hội chúng tôi tạo ra để anh chứng tỏ sự hối lỗi, nhận thấy sai lầm,tự anh kể thì chúng tôi mới đề nghị trong hồ sơ là anh này anh đã nhận thấy sai lầm, đã biết ăn năn, chuộc lỗi, thành khẩn khai báo. Thế anh mới có cơ hội về với gia đình.

Tôi lắc đầu nói
- Em khai hết rồi anh ạ.

- Thật thế không?
Anh cán bộ già lạnh lùng mở cặp lấy ra một xấp giấy, giọng anh ề à, chậm rãi, khô khan. Làm tôi hình dung như tiếng dao xoèn xoẹt của một người đang nhẩn nha mài dao để cắt tiêt con gà.

- Chúng tôi khám nhà anh, lấy trong máy tính của anh một số tài liệu. Chúng tôi in ra trước mặt vợ anh, và vợ anh đã ký nhận đây là tài liệu in từ máy tính của anh. Mời anh xem.
Tôi cầm xấp giấy mà anh gọi là tài liệu giở ra xem. Có hai bài viết của tôi đăng trên blog Người Buôn Gió là Tam Tòa Ký Sự và Bọn VT1 Thật Phản Động, thêm một bài nữa là bài nói về khai thác bô- xít của blog khác. Tôi xem xong đặt xuống bàn nhìn anh cán bộ chờ đợi. Anh ta hỏi
- Đúng là từ máy tính của anh không?

Tôi gật đầu.
Anh ta nói
- Anh tạo ra chúng phải không?

Tôi để hai bài viết của tôi sang bên, để bài viết của blog khác về bau xít sang bên. Tôi đặt tay lên hai bài viết của mình khẳng định.
- Hai bài này do tôi viết ra, còn bài kia của người khác viết, tôi đang đọc xem anh ta viết đúng hay sai.

Anh cán bộ lấy lại hai bài tôi viết và giơ lên giọng đanh thép.
- Anh Hiếu, vậy là anh đã khẳng định hai bài viết này là do anh viết và phán tán trên mạng.

Tôi gật đầu rất khoát.
- Đúng là hai bài này tôi viết, còn tôi không phát tán trên mạng. Tôi chỉ đưa lên nhật ký điện tử cá nhân. Phát tán nghĩa là tôi phải gửi cho người khác. Còn người khác đọc họ cọp pi phát tán thì tôi không biết và không liên quan.

Anh cán bộ bảo tôi ký vào hai bài viết của mình, ký xong anh hỏi tôi.
- Giờ anh cho biết, anh nghĩ gì khi viết những bài viết thế này.

Tôi lắc đầu
- Tôi chả nghĩ gì hết, nghĩ gì viết ra đó hết rồi.

Tôi chợt nhận ra mình đã thay đổi cách xưng hô, tôi đã xưng là tôi chứ không là em như trước. Có lẽ tại anh cán bộ nghiêm khắc làm việc khiến tôi cũng nghiêm túc theo.
Anh cán bộ nói từng chi tiết trong bài tôi viết, anh kết luận tôi có tâm, nhưng vì không đủ thông tin nên viết theo một chiều. Anh cho biết không một ai dám bán nước cả, chỉ vì quan hệ bây giờ cần phải khéo léo. Vị thế của Việt Nam cực kỳ phức tạp nên nhà nước rất cẩn trọng…..
Hết giờ về phòng, tôi vắt tay lên trán nghĩ. Cuộc hỏi cung hôm nay để làm gì nhỉ. Có gì đáng phải mất thời gian như vậy của hai cán bộ đi từ thành phố xuống trại giam lúc trời nóng nực này không.?
(Còn nữa)
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/79568/tu-ngo-phat-loc-toi-weimar-23/2013/09
========================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001