Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Tự do luôn luôn là tự do của người có quan điểm khác

Tự do luôn luôn là tự do của người có quan điểm khác (Phần I) 


Phạm Hải Hồ

image
Rosa Luxemburg (1912)

Đó có phải là khẩu hiệu của “thế lực thù địchˮ âm mưu “diễn tiến hòa bìnhˮ? Không! Đó là câu châm ngôn nổi tiếng của Rosa Luxemburg (1871-1818), nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa, sáng lập viên đảng Dân chủ Xã hội Vương quốc Ba Lan và đảng Cộng sản Đức, đồng thời là chuyên gia kinh tế chính trị học, nhà lý luận mác-xít, nhà báo…


I
Cuộc đời Rosa Luxemburg trong bối cảnh lịch sử
Rosa Luxemburg chào đời ngày 5-3-1871 tại Zamość, một phố nhỏ trong phần lãnh thổ Ba Lan bị Nga chiếm đóng còn có tên là Vương Quốc Ba Lan. Bà là con út trong một gia đình Do Thái trí thức có năm con. Cuối thế kỉ 19, nhân dân Nga rên xiết dưới chế độ quân chủ chuyên chế của Nga hoàng nhưng vùng đất Ba Lan thuộc Nga còn phải chịu ách đô hộ nặng nề. Các cuộc khởi nghĩa năm 1830 và 1863/1864 đều bị đàn áp dã man.
Khi Rosa mới lên ba, gia đình dọn nhà đi Vacxava vì cha của bà, một nhà buôn gỗ, hy vọng việc làm ăn sinh sống ở thủ đô sẽ dễ dàng hơn. Dường như ông đã không đạt được điều mong muốn nên nhiều khi gia đình túng thiếu đến nỗi phải đem đồ đạc đi cầm. Dù vậy, nhà họ không có không khí buồn chán, cay đắng. Rosa và các anhchị được hưởng một tuổi thơ đầm ấm và được cha mẹ tạo điều kiện phát triển tốt.

Hồi nhỏ, Rosa là một cô bé vui tươi, lanh lợi, ai cũng yêu thích. Lúc năm tuổi, bà mắc bệnh đau hông, phải nằm giường suốt cả năm trời và từ đó có bước chân hơi khập khểnh. Bà sớm tiếp nhận từ cha mẹ mình tinh thần yêu nước, yêu tự do cũng như lòng hâm mộ văn học Đức và Ba Lan. Noel 1881, Rosa đã chứng kiến một cuộc tàn sát, cướp bóc kéo dài ba ngày đêm ở khu biệt cư Do Thái. Tội ác ấy chắc hẵn đã gây một chấn thương nơi tâm hồn cô bé mới mười tuổi. Rồi đến việc đàn áp đảng Vô Sản thành lập năm 1882, một năm sau khi Nga hoàng Alexander Đệ nhị bị ám sát. Mặc dù đảng ấy không liên quan gì đến vụ ám sát, nhưng chính quyền Nga mượn cớ truy lùng, giam giữ và hành quyết nhiều đảng viên khiến đảng suy yếu rồi tan rã năm 1886.
Rosa được mẹ dạy học ở nhà tới năm mười tuổi mới vào trường trung học nữ II ở Vacxava. Đó không phải là điều dễ dàng vì thông thường trường trung học chỉ dành cho học sinh Nga hoặc con các gia đình thượng lưu thân Nga, còn học sinh Ba Lan và Do Thái phải trải qua kỳ thi tuyển gắt gao. Tại các trường này, chính sách Nga hóa được thi hành thô bạo hơn ở trường học Ba Lan. Thầy cô dạy các môn chính đều là người Nga. Không những phải học bằng tiếng Nga, học sinh Ba Lan cũng không được trao đổi với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, kể cả lúc ra chơi. Nhà trường lập một hệ thống chỉ điểm có trách nhiệm báo cáo với hiệu trưởng những học sinh nói tiếng Ba Lan. Các em sẽ bị quở trách, nhiều khi còn bị đuổi học.
Có lẽ từ những trải nghiệm trên, Rosa đã sớm có nhận định như theo lời viết cho một người bạn học: “Lý tưởng của tớ là một trật tự xã hội cho phép tớ thương yêu tất cả mọi người. Trong sự cố gắng đạt tới trật tự ấy và nhân danh lý tưởng của mình, có thể một lúc nào đó tớ sẽ có khả năng thù ghétˮ[1].
Rosa học rất giỏi, luôn luôn đứng đầu lớp trong suốt thời gian ở trường và tốt nghiệp trung cấp năm 1887 với tấm bằng xuất sắc. Tuy nhiên, bà không được thưởng huy chương vàng dành cho các học sinh tốt nghiệp với thành tích như thế, có lẽ vì bà hiệu trưởng nghi ngờ Rosa thuộc thành phần bất mãn với chế độ. Mà thật vậy, lúc còn đi học bà đã là thành viên của một nhóm học sinh, sinh viên và công nhân yêu nước.
Ra trường chẳng bao lâu, bà hoạt động trong đảng cách mạng Vô Sản II và tổ chức nhiều cuộc đình công. Bà bị mật vụ Nga hoàng theo dõi. Vào cuối năm 1888, khi chính quyền đàn áp đảng Vô Sản II, sát hại đa số lãnh đạo đảng, bà cũng có nguy cơ bị bắt nên phải rời Vacxava đi ẩn trốn nơi khác. Đầu năm sau, vừa thoát khỏi một cơn bệnh ngặt nghèo, bà bí mật vượt biên đi Thụy Sĩ với ý định theo học đại học ở đất nước tự do nhất châu Âu thời ấy.
Học kỳ mùa đông 1889 - 1890, Rosa đăng ký học các môn khoa học tự nhiên ở trường đại học Zurich, một trong vài trường cao đẳng trên thế giới nhận sinh viên nữ. Nhưng sau đó, theo lời khuyên của Leo Jogisches, một nhà cách mạng Litva cũng buộc phải lưu vong như Rosa, bà chuyển sang ngành chính trị và kinh tế quốc dân. Trong một thời gian dài, giữa Jogisches và Rosa nảy nở một mối tình thắm thiết nhưng cũng khá phức tạp. Zurich vào bán thế kỷ thứ hai của thế kỷ 19 là một nơi tỵ nạn chính trị của nhiều người Đức, Nga và Ba Lan. Rosa nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, vừa học tập vừa viết nhiều bài báo về phong trào công nhân Ba Lan cũng như về đường lối, mục tiêu của tờ Sprawa Robotnicza (Sự nghiệp Công Nhân) ra đời năm 1893. Tờ báo ấy trở thành cơ quan ngôn luận của đảng Dân chủ Xã hội Vương quốc Ba Lan (DCXH Ba Lan) do Rosa, Jogisches và một số đồng chí Ba Lan khác thành lập trong cùng năm ấy. Giữa đảng này và đảng Xã hội Chủ nghĩa Ba Lan (PPS) xuất hiện một năm trước đó có mâu thuẫn chủ yếu về mục tiêu: Trong khi đảng PPS đấu tranh cho độc lập dân tộc, đảng DCXH Ba Lan chủ trương giai cấp vô sản Nga và Ba Lan cùng chung sức lật đổ chế độ Nga Hoàng, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn đế quốc Nga, tức là bao gồm cả các nước thuộc địa. Một tuần sau ngày thành lập đảng DCXH Ba Lan, Đại hội Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (Quốc tế XHCN) họp tại Zurich với hơn 400 đại biểu từ 20 nước và nhiều nhân vật có tiếng tăm, uy tín lớn trong phong trào công nhân quốc tế như Friedrich Engels, August Bebel, Wilhelm Liebknecht, Karl Kautsky, Clara Zetkin, Victor Adler, Georgi Plekhanov, Eleanor Marx-Eveling (con gái của Karl Marx), v.v. Người phụ nữ bé nhỏ mới 22 tuổi đã can đảm bước lên diễn đàn phân tích sự khác nhau giữa hai đảng Ba Lan và đề nghị Đại hội cho hai đại biểu của đảng mình được quyền tham dự. Lúc ấy, chưa ai biết đến đảng DCXH Ba Lan; hơn nữa, đảng PPS đã được công nhận và tham dự hội nghị với 9 đại biểu nên đề nghị của Rosa không được chấp thuận.
Năm 1897, Rosa đậu tiến sĩ hạng xuất sắc với đề tài “Phát triển công nghiệp của Ba Lanˮ. Đó là một nghiên cứu về quá trình công nghiệp hóa của một vùng trước kia chủ yếu sản xuất nông nghiệp trong quan hệ kinh tế hữu cơ với “mẫu quốcˮ. Bà đã dùng nó làm cơ sở lý luận chống chủ nghĩa dân tộc Ba Lan.
Với ý muốn hoạt động ở địa bàn rộng hơn, năm 1898 Rosa rời Thụy Sĩ sang Đức, gia nhập đảng Dân chủ Xã hội Đức (DCXH Đức) lúc bấy giờ là đảng mác-xít mạnh nhất châu Âu. Đảng ấy có hơn 100.000 đảng viên với nhiều nhà cách mạng kỳ cựu như August Bebel, Paul Singer (hai đồng chủ tịch), Wilhelm Liebknecht (chủ nhiệm báo Tiến Lên), Karl Kautsky (lý thuyết gia chính của đảng, chủ nhiệm báo Thời Đại Mới), Clara Zetkin (ủy viên Ban Giám Sát, chủ nhiệm tập san phụ nữ Bình Đẳng), v.v... Tuy là “lính mớiˮ, chẳng bao lâu Rosa đã bắt tay vào cuộc luận chiến chống khuynh hướng xét lại của Eduard Bernstein, người đã từng là thư ký của Friedrich Engels và cùng Karl Kautsky soạn thảo Cương lĩnh Erfurt của đảng DCXH Đức. Cuộc luận chiến này được sự chú ýcủa công chúng. Đặc biệt, tác phẩm “Cải cách xã hội hay cách mạng?ˮ của Rosa mới ra đời vài tuần đã bán gần hết 3000 bản. Tại Đại hội Quốc tế XHCN tổ chức ở Paris năm 1900, bà vạch rõ sự cần thiết của một phong trào quốc tế chống chủ nghĩa đế quốc, chế độ quân phiệt và chính sách thuộc địa. Trong dịp ấy, Văn phòng Xã hội Chủ nghĩa Quốc tế (Văn phòng XHCN) được thành lập gồm đại biểu các đảng XHCN nhằm liên lạc, phối hợp hoạt động giữa các kỳ họp đại hội.
Trong mười năm 1904 - 1914, Rosa làm việc cho Văn phòng XHCN, đồng thời có nhiều hoạt động khác. Cuối tháng 12-1905 bà đến Vacxava hỗ trợ đảng DCXH Ba Lan và Litva (đảng DCXH Ba Lan mở rộng) trong cuộc cách mạng chống chế độ Nga hoàng. Tháng 3-1906, bà bị bắt giam cho đến tháng 6 mới được trả tự do. Rút kinh nghiệm từ cách mạng Nga 1905/1906, bà nhận định trong quyển sách nhỏ “Tổng đình công, đảng và công đoànˮ rằng tổng đình công là một vũ khí lợi hại của phong trào công nhân, quan trọng hơn việc đấu tranh nghị viện do nhiều đảng viên DCXH Đức chủ trương. Cuộc tranh luận về tổng đình công kéo dài cho đến đầu năm 1910 thì lãnh đạo đảng DCXH và công đoàn Đức bác bỏ hình thức đấu tranh ấy, cấm báo đảng Tiến Lên và có lẽ cả tạp chí lý luận Thời Đại Mới dưới quyền Karl Kautsky đăng bài của Rosa.
Tại Đại hội Quốc Tế XHCN năm 1907, Rosa cùng với Lenin và Julius Martow thuộc đảng DCXH Nga được giao nhiệm vụ soạn thảo đề cương chống chiến tranh của phong trào công nhân quốc tế. Từ 1907 đến 1914, bà dạy môn kinh tế quốc dân ở trường đảng và cho xuất bản quyển “Nhập môn kinh tế quốc dânˮ (1908). Với tác phẩm “Tích lũy tư bảnˮ (1913), bà giải thích chủ nghĩa đế quốc, đồng thời phê phán Karl Marx đã sai lầm trong lý thuyết về sự tích lũy tư bản của ông. Tháng 2-1914, bà bị kết án một năm tù vì tội tuyên truyền phản chiến và lời kêu gọi trong một buổi mít tinh: “Nếu ai đòi hỏi chúng ta phải cầm vũ khí sát thương chống các anh em Pháp của chúng ta hay những anh em nước ngoài khác thì chúng ta tuyên bố rằng: không, chúng tôi không làm điều ấy!ˮ Ngày 1 tháng 8 trong cùng năm ấy, chiến tranh thế giới bùng nổ. Ba tuần sau, bà phải ngồi tù ba tháng vì tội khi quân, rồi đến đầu năm 1915, bà lại phải chấp hành bản án về tội tuyên truyền chống chiến tranh. Trong thời gian một năm tù này, bà viết quyển sách nhỏ với bút danh Junius phân tích nguyên nhân chiến tranh và vai trò của đảng DCXH Đức. Số là ngay từ đầu cuộc chiến, ban lãnh đạo đảng đã ủng hộ chính sách chiến tranh của chính phủ Đức (giống như đa số lãnh đạo phong trào công nhân ở các nước khác đều ủng hộ chính sách chiến tranh của chính phủ họ, mặc dù trước đó không lâu ai cũng muốn đoàn kết quốc tế, chống chiến tranh). Để đối lại, một số đảng viên cánh tả trong đảng DCXH Đức như Rosa, Franz Mehring, Karl Liebknecht, Leo Jogisches, Wilhelm Piek v.v. họp thành nhóm Quốc tế, tiền thân của Liên đoàn Spartakus. Năm 1915, ban lãnh đạo khai trừ một nhóm đảng viên phản chiến. Đầu năm sau, nhóm này lập đảng mới lấy tên đảng DCXH Độc lập mà liên đoàn Spartakus gia nhập với tư cách một tổ chức thành viên cánh tả. Để phân biệt với đảng mới, đảng cũ được gọi là đảng DCXH Đa số. Trong khoảng thời gian ấy, Rosa hết hạn tù nhưng mới ra ngoài hoạt động được mấy tháng, bà bị bắt giam trở lại, lần này từ tháng 7-1916 đến tháng 11-1918. Những năm tháng ngồi tù, bà viết nhiều bài báo ủng hộ cách mạng Nga, đồng thời phê phán Lenin và đảng Bôn-sê-vích về việc duy trì quá lâu chính sách khủng bố, độc tài mà họ buộc phải thi hành trong “thời kỳ khó khăn ghê gớmˮ ban đầu. Rồi mùa thu 1918, bà tổng hợp những suy nghĩ và nhận thức của mình về cách mạng Nga trong một bản thảo giao cho luật sư và người yêu của mình là Paul Levi giữ, nhưng quyết định không công bố với ý định biên soạn một quyển sách hoàn hảo hơn trong tương lai, điều bà không thể thực hiện được (xin xem chi tiết ở phần II). Trong bản thảo ấy, có câu viết nổi tiếng: “Tự do luôn luôn là tự do của người có quan điểm khácˮ (Ba năm sau khi bà mất, Levi xuất bản bản thảo ấy dưới dạng sách, lấy tựa đề “Cách mạng Ngaˮ.)
Sau cuộc nổi dậy của thủy thủ ở Kiel, cuộc cách mạng Tháng Mười Một lan rộng khắp nước Đức, Ủy ban Công nhân và Quân nhân được thành lập ở nhiều thành phố. Vừa mới được tự do, Rosa lao mình ngay vào công việc, mặc dù sức khỏe của bà sút kém rất nhiều từ khi còn ở trong tù. Bà phát hành chung với Karl Liebnecht tờ Cờ Đỏ và viết báo, tuyên truyền kích động quần chúng tiếp tục cuộc cách mạng vô sản, không dừng lại ở việc lật đổ chế độ quân chủ. Đường lối ấy của bà cũng như của Liên đoàn Spartakus không được sự ủng hộ của đa số người dân muốn có hòa bình, ổn định sau cuộc chiến tranh tàn khốc để có thể làm ăn sinh sống bình thường. Tình hình nước Đức lúc bấy giờ hết sức phức tạp và đầy kịch tính. Ngày 9 tháng 11-1918, gần như cùng một lúc, Philipp Scheidemann trong ban lãnh đạo đảng DCXH Đa số tuyên bố thành lập Cộng hòa Đức, còn Karl Liebknecht lại tuyên bố thành lập Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Đức. Sau đó, hoàng đế Wilhelm Đệ nhị và các vua chúa Đức đều thoái vị. Quyền hành nằm trong tay Hội đồng Ủy viên Nhân dân ban đầu gồm mỗi ba ủy viên từ hai đảng dân chủ xã hội Đức và được Đại hội đồng các Ủy ban Công nhân và Quân nhân Berlin công nhận ngày 10 tháng 11-1918. Chưa đầy ba tuần sau, các ủy viên DCXH Độc lập rút lui vì sự bất đồng quan điểm giữa hai đảng về chế độ tương lai: Trong khi đảng DCXH Độc lập chủ trương một chế độ dân chủ trực tiếp theo mô hình xô-viết (thường bị hiểu lầm là chế độ bôn-sê-vích) thì đảng kia quyết định thiết lập nền dân chủ nghị viện. Hội đồng Ủy viên Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Friedrich Ebert được bổ sung bởi hai đảng viên DCXH Đa số mà một người là Gustave Noske giữ trách nhiệm quốc phòng. Hội đồng này cũng như lãnh đạo đảng DCXH Đa số quyết ngăn ngừa một cuộc cách mạng “bôn-sê-vichˮ ở Đức và tái lập trật tự với những đội quân bảo hoàng thiên hữu trở về từ chiến trường. Về phía phe xã hội chủ nghĩa, ngày 30 tháng 12-1918 đến ngày 1 tháng 1-1919, Liên đoàn Spartakus họp đại hội thành lập đảng Cộng Sản Đức (Rosa đề nghị lấy tên đảng Xã hội Chủ nghĩa Đức nhưng không được đại hội chấp thuận). Ban chấp hành đảng gồm 14 người; ngoài Rosa ra còn có 10 thành viên Liên đoàn Spartakus (Karl Liebknecht, Paul Levi, Leo Jogisches, Wilhelm Piek…) và 3 đại diện hai nhóm thiên tả khác. Tại đại hội này đã nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi về việc có tham gia kỳ bầu cử quốc hội sắp tới hay không. Mặc dù ban chấp hành đảng chủ trương tham gia nhằm có tiếng nói ở diễn đàn quan trọng này nhưng phải phục tùng đa số cho đó là công cụ của giai cấp tư sản, cần được thay thế bằng các xô-viết theo mô hình cách mạng Nga.
Ngay từ khi đảng Cộng Sản Đức được thành lập, phe phản cách mạng đã mở một chiến dịch bôi nhọ và truy lùng các đảng viên, nhất là Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht. Cùng lúc ấy, giám đốc Sở Cảnh sát cảnh sát Berlin là đảng viên DCXH Độc lập Emil Eichhorn vốn có biện pháp mạnh mẽ đối với các phần tử phản động quá khích cũng bị tờ Tiến Lên của đảng DCXH Đa số vu khống, rồi bị chính quyền nước Phổ cách chức. Theo lời kêu gọi của các đại diện công nhân cách mạng, lãnh đạo DCXH Độc lập và Trung ương đảng Cộng Sản Đức, ngày 5 tháng 1-1919 hàng trăm ngàn công nhân ở thủ đô bầu Ủy ban Hành động Cách mạng gồm đại biểu của ba tổ chức trên và tuần hành phản đối, chiếm nhà in báo Tiến Lên và vài cơ quan khác. Khi ấy, có sự bất đồng trong Ủy ban Hành động: một số đại biểu đảng DCXH Độc lập muốn điều đình với chính phủ tức Hội đồng Ủy viên Cách mạng, còn một số đại biểu khác chủ trương cướp chính quyền bằng vũ lực. Karl Liebknecht sợ đảng Cộng Sản Đức xa rời bộ phận nhân dân đòi lật đổ chính phủ nên quyết định ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang. Mặc dù Rosa cho là việc ấy không thực tế nhưng bà vẫn đoàn kết với Liebknecht và các đồng chí “chủ chiếnˮ khác. Ngày 7 tháng 8, khi cuộc điều đình giữa đại diện DCXH Độc lập và Hội đồng Ủy viên Nhân dân thất bại, Ebert trao ngay quyền chỉ huy quân đội cho Gustav Noske. Chính quyền cũng kêu gọi thành lập thêm những đội quân tình nguyện (Freikorps) và hô hào dân chúng chống lại phe cách mạng.
Từ ngày 10 đến 12, các đội quân trang bị vũ khí nặng tấn công lực lượng nổi dậy, sát hại hàng trăm chiến sĩ cách mạng và một số dân thường. Cuộc “nổi dậy Spartakusˮ (đúng hơn, nên gọi: cuộc nổi dậy tháng Một Đức) bị dập tắt. Ngày 15 tháng 1-1919, Rosa và Liebknecht lọt vào tay Waldemar Papst, chỉ huy trưởng một trong những đội quân tình nguyện lớn nhất, rồi bị Papst − với sự đồng ý ngầm của Noske − ra lệnh giết một cách dã man.
Với cuộc sống tương đối ngắn ngủi, Rosa Luxemburg đã để lại cho đời những tác phẩm vẫn còn mang tính thời sự với nhiều gợi ý cho những ai quan tâm đến tình trạng chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước cũng như trên thế giới. Mặc dù lúc nào cũng bề bộn công việc, bà đã viết trên 2700 lá thư cho bạn bè, người quen cũng như cho các đồng chí của bà. Qua những lá thư cá nhân ấy, người đọc có thể hiểu rõ con người của bà hơn và tìm thấy bao lời hay ý đẹp, như lời sau đây trong thư gởi một người bạn:
“Điều chủ yếu là phải có nhân cách, nghĩa là phải vững vàng, trong sáng và thanh thản; đúng thế, thanh thản bất kể mọi điều này điều nọ, bởi việc khóc gào thuộc về kẻ yếu đuối. Có nhân cách nghĩa là nếu cần thì sẵn sàng ‘liều với số phận’, đồng thời vui hưởng từng ngày trời trong, từng vầng mây đẹp. Ơ mà tôi không biết diễn tả nhân cách thế nào cho đúng, tôi chỉ biết nó ra sao thôi […] Thế giới thật đẹp mặc cho bao điều khủng khiếp và có lẽ còn đẹp hơn nữa nếu không có những kẻ yếu hèn trong đóˮ.
Hamburg, ngày 15.11.2013
P. H. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
[1] Những câu chữ viết nghiêng được tác giả dịch từ tiếng Đức.

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:02
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/10/tu-do-luon-luon-la-tu-do-cua-nguoi-co.html
======================================================================
Tự do luôn luôn là tự do của người có quan điểm khác (Phần II)


Phạm Hải Hồ
II - “Cách mạng Ngaˮ của Rosa Luxemburg
image
 Rosa Luxemburg với luật sư Paul Levi (1914)
Những ngày này kỷ niệm 95 năm cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. Trong lịch sử loài người, ít có sự kiện nào đã ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến cục diện thế giới như cuộc cách mạng ấy. Nó dẫn tới sự hình thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa trải rộng từ Âu sang Á, sang cả châu Mỹ, châu Phi, với lực lượng quân sự hùng mạnh và bộ máy an ninh tưởng chừng như dư sức trấn áp mọi “thế lực thù địchˮ. Vậy mà trong những năm 1989-1991 của thế kỷ trước, cả cái hệ thống khổng lồ ấy nhanh chóng sụp đổ như lâu đài xây trên cát, vượt xa những dự đoán táo bạo nhất. Để hiểu hiện tượng ấy, theo thiển ý của tôi, trước hết cần phải xem xét nguồn gốc của hệ thống xã hội chủ nghĩa với định hướng “mác-xít - lêninítˮ, đó là: cuộc cách mạng bôn-sê-vích ở Nga. Trong việc này, quan điểm của Rosa Luxemburg thật đáng chú ý. Như đã đề cập ở Phần I, mùa hè năm 1918, khi còn bị giam trong nhà tù của Đế chế Đức, bà đã viết một bản thảo về Cách mạng Tháng mười và giao cho luật sư của mình là Paul Levi giữ, dự định sẽ biên soạn một quyển sách hoàn hảo hơn trong tương lai. Năm 1922, ba năm sau khi Rosa bị phe phản cách mạng giết, Levi công bố tài liệu ấy dưới dạng sách mang tựa đề “Cách mạng Ngaˮ[1].
Mở đầu bản thảo, Rosa Luxemburg viết: Cách mạng Nga là sự kiện vĩ đại nhất trong chiến tranh thế giới [thứ nhất]ˮ[2]. Bà nhận định rằng thắng lợi của Cách mạng tháng Mười là bằng chứng hùng hồn về sự sai lầm của cái thuyết giáo điều mà Kautsky[3] cùng chia sẻ với đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền, thuyết cho rằng một nước có nền kinh tế lạc hậu, chủ yếu thiên về nông nghiệp như nước Nga chưa có khả năng thực hiện một cuộc cách mạng xã hội thiết lập nền chuyên chính vô sản. Thuyết ấy chỉ cho phép nước Nga làm cách mạng tư sản – từ quan niệm đó nảy sinh ra chiến thuật liên kết giữa các đảng viên đảng Xã hội Nga và người theo chủ nghĩa tự do tư sản –, nó đồng thời cũng là học thuyết của thành phần cơ hội trong phong trào công nhân Nga, những kẻ gọi là men-sê-vích […]ˮ.
Rõ ràng Rosa ủng hộ cuộc cách mạng lật đổ chính quyền lâm thời được quốc hội Nga (Duma) thành lập sau Cách mạng tháng Hai 1917 và việc trấn áp các lực lượng phản động phá hoại trong giai đoạn đầu vô cùng khó khăn:
“Sau cách mạng Tháng Mười, khi cả tầng lớp trung lưu, giới trí thức tư sản và tiểu tư sản đều tẩy chay chính quyền xô-viết, làm tê liệt lưu thông đường sắt, bưu chính và điện báo, cơ sở giáo dục và bộ máy hành chính, và như vậy là chống lại chính quyền công nhân, thì dĩ nhiên phải dùng mọi biện pháp cưỡng bức đối với họ: tước quyền chính trị, nguồn sinh sống v.v. nhằm đập tan sự kháng cự bằng quả đấm thép. Đó chính là nền chuyên chính xã hội chủ nghĩa, nó không được từ bỏ một phương tiện quyền lực nào nhằm áp đặt hay ngăn trở những biện pháp nhất định vì lợi ích chungˮ.
Trước khi tiếp tục theo luồng tư tưởng của Rosa Luxemburg, chúng ta nên tìm hiểu khái niệm “chuyên chính vô sảnˮ hay “chuyên chính xã hội chủ nghĩaˮ của bà. Thông thường, chuyên chính vô sản được hiểu là nền chuyên chính do giai cấp công nhân với đồng minh là giai cấp nông dân thiết lập nhằm xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, tiến tới xã hội không giai cấp. Để thực hiện điều đó, các nhà nước cộng sản chủ yếu thi hành chính sách đàn áp đối lập và trí thức bất đồng chính kiến, đồng thời tuyên truyền kích động quần chúng. Nghiêm trọng hơn cả, Stalin và Polpot, nếu chỉ kể tên hai nhà độc tài cộng sản tiêu biểu nhất, còn chủ trương tiêu diệt những thành phần xã hội khác với giai cấp công - nông, nhất là tầng lớp trí thức. Trong các chế độ kể trên, quyền hành tập trung ở Ban Chấp hành Trung ương đảng hay Bộ Chính trị, thậm chí ở một cá nhân, với quá trình ra quyết định không công khai, minh bạch nhưng lại buộc toàn dân phải tuân theo. Là người có tư duy độc lập, sáng tạo, “chưa bao giờ tôn sùng chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa mác-xítˮ, Rosa quan niệm về chuyên chính vô sản hoàn toàn khác. Chuyên chính của giai cấp vô sản không đối lập với dân chủ như theo lý thuyết của Lenin - Trotsky nhưng là một nền chuyên chính“công khai đến mức độ cao nhất, với sự tham gia tích cực và không bị kìm hãm của quần chúng nhân dân, trong một nền dân chủ vô hạnˮ. Giai cấp vô sản không được Rosa hiểu là một giai cấp chỉ bao gồm những công nhân, nhưng là một giai cấp cách mạng trong cuộc vận động không ngừng tiến tới chủ nghĩa xã hội. Những ai có ý thức và khả năng chính trị mà tham gia tích cực vào cuộc vận động ấy − cho dù họ là công nhân hay nông dân, thuộc tầng lớp trí thức hay giới trung lưu − đều thuộc về giai cấp vô sản[4]. Còn hạng “vô sản lưu manh, thoái hóaˮ(Lumpenproletariat) thì dĩ nhiên không được xếp vào giai cấp ấy.
Tuy tán thành Cách mạng tháng Mười nhưng Rosa không bằng lòng với những gì xảy ra gần một năm sau ở nước Nga xô-viết. Trước hết, bà chỉ trích việc đảng bôn-sê-vich của Lenin đã giải tán Hội đồng lập hiến bằng bạo lực sau khi không chiếm được đa số trong kỳ bầu cử tháng 11-1917, cũng như lập ra “một luật bầu cử cho phép tước hết quyền của những tầng lớp xã hội rộng lớn, đặt họ ra ngoài vòng xã hội về mặt chính trị, trong khi họ đã không có được một vị trí kinh tế nào ngay trong xã hộiˮ. Ở đây, có lẽ Rosa muốn nói về luật bầu cử nêu trong Hiến pháp đầu tiên của Liên xô (1918) không cho phép giới thượng lưu, những người ủng hộ bạch quân và ngay cả tầng lớp trung lưu tham gia bầu cử hay giữ quyền chính trị. Bà chủ trương “cần có cả những xô-viết làm trụ cột lẫn hội đồng lập hiến và luật bầu cử tổng quát.ˮ Như vậy nghĩa là không chỉ có công, nông, binh (các xô-viết) mà mọi thành phần xã hội (toàn dân) đều có thể tham gia vào quá trình dân chủ.
Rải rác ở nhiều nơi trong bản thảo của Rosa là hình ảnhvề tình trạng mất tự do dân chủ ở Liên Xô và những hệ lụy của nó:
“Nhưng ngoài hội đồng lập hiến và luật bầu cử tổng quát ra, còn có những khía cạnh khác của vấn đề: việc hủy bỏ các bảo đảm dân chủ quan trọng nhất của một đời sống công cộng lành mạnh và hoạt động chính trị của quần chúng lao động: tự do báo chí, quyền lập hội và hội họp mà nếu không có thì mọi đối thủ của chính quyền xô-viết đều bị đặt ngoài vòng pháp luật. […] Có một thực tế hiển nhiên không thể phủ nhận là nếu thiếu tự do báo chí rộng rãi, thiếu các hoạt động hội họp và lập hội không hạn chế thì khó có thể hình dung được quyền làm chủ của nhân dânˮ.,
“Việc họ [Lenin, Trotsky v.v.] đè nén đời sống công cộng đã làm tắc nghẽn nguồn kinh nghiệm chính trị và ngăn trở sự tiến lên của quần chúngˮ.
“Cùng với sự đè nén đời sống chính trị trong cả nước, hoạt động ở các xô-viết ngày càng suy yếu hơn. Thiếu bầu cử tổng quát, thiếu tự do báo chí và hội họp rộng rãi, tự do đấu tranh tư tưởng, thì cuộc sống trong bất kỳ thể chế công nào cũng sẽ tắt lịm và trở thành giả tạo, trong đó chế độ quan liêu là yếu tố động duy nhất. Đời sống xã hội lịm dần đi, vài chục lãnh tụ đảng với năng lực vô hạn và lý tưởng cao xa nắm quyền chỉ đạo và cai trị, trong số đó chỉ một chục cái đầu xuất chúng mới thực sự lãnh đạo, còn tầng lớp công nhân ưu tú thì thỉnh thoảng được huy động đến những cuộc họp để vỗ tay tán thưởng diễn văn của các lãnh tụ, nhất trí thông qua nghị quyết do họ đề ra; kỳ thực đó là chế độ bè phái – cũng chuyên chính đấy, có điều không phải là chuyên chính của giai cấp vô sản mà của một vài chính khách, tức là chuyên chính trong ý nghĩa tư sản, ý nghĩa thống trị của phái Jacobin[5][…]. Hơn thế nữa: tình trạng ấy còn gây nên sự hoang hoá đời sống công cộng: ám sát, xử bắn con tin v. v.ˮ.
Để giải quyết tình trạng nói trên, Rosa đưa ra giải pháp: tự do chính trị và sự giám sát của công chúng. Khác hẵn với cách nghĩ vô trách nhiệm “đã có đảng và nhà nước loˮ kết hợp với những biện pháp ngăn trở, dọa nạt, cấm đoán, thậm chí đàn áp người dân muốn thực thi quyền tự do, dân chủ của mình trong chế độ “ dân chủ vạn lần hơnˮ của chúng ta. Bà nhận định:
image Tờ thứ 100 của bản thảo “Cách mạng Ngaˮ, trong đó có câu “Tự do luôn luôn là tự do của người có quan điểm khácˮ.
“Tự do dành riêng cho những người ủng hộ chính phủ hay những đảng viên của một chính đảng – cho dù họ có đông tới đâu đi nữa – cũng không phải là tự do. Tự do luôn luôn là tự do của người có quan điểm khác. Không phải bởi lòng yêu ‘công bằng’ mù quáng nhưng vì mọi điều hay lẽ phải, mọi đặc tính bổ ích và tẩy sạch của tự do chính trị đều gắn liền với thực thể ấy và sẽ mất tác dụng nếu ‘tự do’ trở thành đặc quyền đặc lợiˮ.
“Nhất thiết phải có sự kiểm tra của công chúng. Nếu không, kinh nghiệm chỉ được trao đổi trong vòng khép kín của giới cán bộ của nhà nước mới. Tham nhũng - tha hóa là điều không thể tránh khỏi. […] Thực tiễn xã hội chủ nghĩa đòi hỏi cả một sự khuấy động tinh thần trong quần chúng vốn bị thoái hoá qua hàng thế kỷ thống trị của giai cấp tư sản. Bản năng xã hội thay vì thói ích kỷ; sáng kiến quần chúng thay vì tính trì trệ; lý tưởng giúp ta vượt qua mọi gian khổ v. v. và v. v. Điều ấy, không ai hiểu rõ hơn, diễn tả mạnh mẽ hơn, nhắc đi nhắc lại bền bỉ hơn Lenin. Tuy nhiên, ông lại sử dụng những phương tiện hết sức sai lầm. Sắc lệnh, quyền lực độc đoán của các đốc công nhà máy, hình phạt khắc nghiệt, chế độ khủng bố, tất cả đều là những liều thuốc giảm đau tạm thời. Con đường duy nhất dẫn tới sự hồi sinh là sự rèn luyện của chính bản thân đời sống công chúng, tự do rộng rãi không hạn chế, dư luận quần chúng. Còn chế độ khủng bố chỉ làm suy đồi đạo đứcˮ.
Mặc dù là một người rất giàu tình cảm nhưng Rosa ít khi để cảm tính len vào trong lý luận của mình. Công nhận tự do của người khác chính kiến không phải vì “lòng yêu công bằng mù quángˮ nhưng vì những tác dụng vô cùng hữu ích của nó. Là một nhà tư tưởng mác-xít, bà có cách nghĩ và hành động phù hợp với các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Bởi vì nếu trấn áp đối lập (xin đừng lầm lẫn với bọn phá hoại, khủng bố, bạo động), thậm chí không cho phép đối lập tồn tại thì làm sao có thể “thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lậpˮ để phát triển? Nếu cấm nhân dân biểu tình, lập hội, diễn đạt tự do, tư hữu ruộng đất v.v. và tuyển chọn nhân sự theo chủ nghĩa lý lịch, theo vấn đề “đầu tiênˮ thì sao có thể xuất hiện những con người tài đức, có năng lực quản lý để đưa đất nước đi lên? Nếu như tình trạng kinh tế - chính trị - xã hội của chúng ta cứ tiếp tục như hiện nay thì băn khoăn của ông Tổng bí thư đảng CSVN: “đến hết thế kỷ này không biết có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện hay chưaˮ có thể giải đáp được là: chưa đâu, thậm chí vài ba thế kỷ nữa cũng chưa chắc đạt tới… chủ nghĩa tư bản phát triển.
Ý tưởng đưa “ý thức giai cấpˮ từ bên ngoài vào phong trào công nhân của cả Lenin lẫn Kautsky hoàn toàn xa lạ với Rosa. Bà chủ trương quần chúng phải tự rèn luyện và nâng cao ý thức của mình qua những cuộc đình công đại chúng, những buổi học tập chính trị, những hoạt động văn hóa - xã hội v.v. Trái với chuyên chính tư sản, trong nền chuyên chính vô sản, “việc giáo dục quần chúng là yếu tố sống còn, là khí trời mà nếu không có thì nó không thể tồn tại đượcˮ. Đối với Rosa, đảng lãnh đạo có nghĩa là tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho nhân dân, giáo dục quần chúng thật sâu sắc về chính trị, đưa ra những đề xuất để họ xem xét, quyết định và sẵn sàng chấp nhận nếu bị từ chối, chớ không phải ban hành những nghị quyết buộc họ phải học tập rồi nhất nhất phải thi hành.
Ngoài việc phản bác chế độ độc tài của Lenin và đảng bôn-sê-vích, Rosa còn phê phán chủ trương về quyền dân tộc tự quyết và chính sách đất đai của họ nhưng các lĩnh vực ấy vượt ra ngoài khuôn khổ của bài này. Điều sau cùng cần nói ở đây là Rosa luôn luôn trung thành với quan điểm của mình cho đến chết, đó là: chủ nghĩa xã hội phải gắn liền với tự do dân chủ và tính nhân văn. Mặc dù sau khi ra khỏi nhà tù và dấn thân vào cuộc cách mạng Đức, bà có hơi cực đoan hơn trước, nhưng ý kiến khá phổ biến cho rằngbà đã thay đổi theo đường lối và phương pháp cách mạng của Lenin bắt nguồn từ một huyền thoại. Nó được hai đồng chí gần gũi của Rosa là Clara Zetkin[6] và Adolf Warski[7] tung ra năm 1922 sau khi Levi công bố “Cách mạng Nga”, chắc là chủ yếu do tác động của Lenin và áp lực của Quốc tế Cộng Sản mà đảng Cộng sản Liên Xô chiếm ưu thế tuyệt đối. Huyền thoại ấy đã bị bác bỏ bởi Paul Levi[8], người luật sư đồng hành với Rosa từ 1914 và kế thừa tư tưởng chính trị của bà, cũng như bởi những nghiên cứu gần đây[9]. Bốn tuần sau khi được trả tự do, chính Rosa đã nhận định trong số ra ngày 14/12/1918 của tờ Cờ Đỏ do bà phụ trách:
“Bản chất của chủ nghĩa xã hội nằm ở chỗ đông đảo quần chúng lao động chấm dứt tình trạng bị thống trị, hơn thế nữa, còn sống trọn vẹn đời sống kinh tế và chính trị, thay đổi nó với quyền tự quyết trong tự do và có ý thứcˮ[10].
Bên cạnh đó, bà quan niệm:
“Chỉ có hành động cách mạng bất chấp mọi sự và lòng nhân đạo rộng lượng nhất mới thật là sinh khí của chủ nghĩa xã hội. Một chế độ phải bị lật đổ nhưng mỗi giọt nước mắt dù có thể lau khô là một lời buộc tội và kẻ nào vì vội vã công việc hệ trọng mà vô ý dẫm nát một con trùng thì cũng đã phạm tội ácˮ[11].
Hà Nội, ngày 7.11.2013
P. H. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
[1]Rosa Luxemburg (1918). The Russian Revolution. Translated by Bertram Wolfe. marxists.org 1999.
[2] Trong bài này, những câu chữ viết nghiêng được tác giả trích, dịch từ tác phẩm “Die russische Revolution” (Cách mạng Nga) của Rosa Luxemburg. Các chú thích đều của tác giả.
[3] Karl Kautsky (1854-1938): triết gia, nhà báo và lý thuyết gia mác-xít Đức. Sau khi Friedrich Engels mất (1895) cho tới đầu thế chiến thứ nhất, Kautsky là người truyền bá chủ nghĩa mác-xít có ảnh hưởng nhất. Năm 1917, ông rời đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), gia nhập đảng Dân chủ Xã hội Độc lập (USPD), một chính đảng chống chiến tranh và chủ nghĩa xét lại. Cuối cuộc chiến, ông chỉ trích thẳng thừng cuộc cách mạng bôn-sê-vích, tham gia luận chiến với Lenin và Trotsky về nhà nước xô viết.
[4]Jörn Schütrumpf (2009). Rosa Luxemburg, die unbekannteste Bekannte in Deutschland. Deutsche Fassung des Artikels für ein Sonderheft der »Humanité« zum 90. Todestag von Rosa Luxemburg. Januar 2009.
[5] Chế độ cai trị của phái Jacobin trong Thời kỳ Khủng bố (kéo dài từ tháng 9/1793 đến tháng 7/1794) sau Cách mạng Pháp, sát hại khoảng 41.600 “kẻ thù của cách mạng”, kể cả “cha đẻ của hóa học hiện đạiˮ Antoine Lavoisier. Chế độ này chấm dứt sau khi các lãnh tụ như Robespierre, Saint-Just bị giết.
[6]Clara Zetkin (1922). Um Rosa Luxemburgs Stellung zur russischen Revolution. Verlag der Kommunistischen Internationale, 1922.
[7]A. Warski (1922). Rosa Luxemburgs Stellung zu den taktischen Problemen der Revolution. Bibliothek der Kommunistischen Internationale, 1922.
[8]Jörn Schütrumpf (2013): Der Name der Rose Der Streit um Luxemburgs Fragment “Zur russischen Revolutionˮ und eine Klarstellung von Paul Levi. neues deuschland 12.01.2013.
[9]Ottokar Luban (2004). Problemstellungen und Tendenzen in wissenschaftlichen deutschen Rosa-Luxemburg-Publikationen nach 1990. Referat auf der Rosa-Luxemburg-Tagung der Russischen Akademie der Wissenschaften, Institut für allgemeine Geschichte, Moskau, am 12. Februar 2004 – verbesserte und erweiterte Fassung (22. Februar 2004).Jörn Schütrumpf (2013). Der Name der Rose Der Streit um Luxemburgs Fragment “Zur russischen Revolutionˮ und eine Klarstellung von Paul Levi. neues deuschland 12.01.2013.
[10]Rosa Luxemburg (1918). Was will der Spartakusbund? Die Rote Fahne (Berlin), Nr. 29, 14. Dezember 1918.
[11]Rosa Luxemburg: Der Anfang. Die Rote Fahne, 18. November 1918.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 05:34
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/11/tu-do-luon-luon-la-tu-do-cua-nguoi-co.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001