Việt Nam dần dần trở nên nồng ấm với giới quân sự Mỹ
Carl Thayer, The Diplomat, 6/11/2013
Trần Ngọc Cư dịch
Tháng
trước Mỹ và Việt Nam tổ chức hai cuộc họp an ninh cấp cao quan trọng
hàng năm tại Washington: Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng lần
thứ 6, và Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 4.
Đối
thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Mỹ-Việt lần thứ 6 được tổ chức vào
ngày 1 tháng Mười ở cấp thứ trưởng. Phía Mỹ có Quyền Trợ lý Bộ trưởng
Ngoại giao về các Vấn đề Chính trị - Quân sự Tom Kelly đại diện, và phía
Việt Nam có Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đại diện.
Cuộc
đối thoại này có một nghị trình rộng lớn bàn đến một loạt vấn đề chính
trị, an ninh, quốc phòng đáng quan tâm. Việc này được phản ánh trong
thành phần các đại diện tham dự.
Phái đoàn Mỹ
gồm các đại diện từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cơ quan Phát triển
Quốc tế và Bộ Chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương. Phái đoàn Việt Nam gồm có
các đại diện từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Nghị
trình cuộc Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Mỹ - Việt lần thứ 6
gồm chống khủng bố, chống ma túy, chống buôn người, an ninh mạng, an
ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, các vấn đề di
sản chiến tranh và hợp tác trong các tổ chức khu vực như ASEAN, Diễn đàn
Khu vực ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á.
Cuộc
Đối thoại Chính sách Quốc phòng Mỹ - Việt lần thứ 4 cũng được tổ chức ở
cấp thứ trưởng và có sự tham dự của quan chức từ Bộ Quốc phòng của hai
nước. Cuộc đối thoại thứ tư này được tổ chức tại Washington ngày 28-29
tháng Mười. Phía Mỹ có Phó Trợ lý Bộ Quốc phòng về Nam Á và Đông Nam Á
Vikram Singh đại diện, và phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đại diện.
Cả hai
cuộc đối thoại được tổ chức trong khuôn khổ của Bản ghi nhớ về Thúc đẩy
Hợp tác Quan hệ Quốc phòng Song phương được ký kết ngày 19 tháng Chín
2011 và Tuyên bố chung Mỹ-Việt ngày 25 tháng Bảy 2013.
Bản
ghi nhớ 2011 đặt ra năm lĩnh vực ưu tiên về hợp tác quốc phòng song
phương: đối thoại thường xuyên ở cấp cao giữa Bộ Quốc phòng hai nước, an
ninh trên biển, tìm kiếm cứu hộ, giúp đỡ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và
gìn giữ hòa bình. Bản Ghi nhớ, trên thực tế, chỉ là một lối mã hóa
[codification] cho những hoạt động đã được thực hiện. Bản Ghi nhớ cũng
là một biện pháp minh bạch được thiết kế để làm giảm bớt – được chừng
nào hay chừng nấy – những lo ngại của Bắc Kinh về câu kết quân sự Mỹ -
Việt chống Trung Quốc.
Những đối thoại quốc
phòng Mỹ - Việt này được tiến hành dưới bóng những di sản của thời kỳ
Chiến tranh Việt Nam. Việt Nam sử dụng những dịp này để công bố tiến độ
tìm kiếm các nhân viên quân sự Mỹ mất tích trong chiến cuộc (MIA). Chẳng
hạn, trong chuyến viếng thăm Hà Nội tháng Sáu 2012 của Bộ trưởng Quốc
phòng Leon Panetta, Việt Nam công bố sẽ mở ra ba địa điểm mới cho việc
tìm kiếm MIA của Mỹ. Tuyên bố này được được ra một ngày trước khi khai
mạc cuộc Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng lần thứ 5. Tại cuộc
Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 2 vào tháng Chín 2011, Việt Nam
trao sáu hồ sơ liên quan các cuộc tìm kiếm MIA của Mỹ.
Washington
sử dụng các dịp đối thoại quốc phòng để tái khẳng định việc tiếp tục
cam kết khai quật bom mìn chưa nổ và tẩy sạch hậu quả Chất độc Da cam.
Tại cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 2, chẳng hạn, Mỹ tuyên
bố sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam khắc phục “hậu quả chiến tranh”, một mỹ
từ để gọi các bom mìn chưa nổ và chất độc dioxin.
Hợp
tác quốc phòng Mỹ - Việt theo Bản ghi nhớ 2011 đã tiến hành ở một nhịp
độ thận trọng và tuần tự. Ngay trước khi hai bên ký kết Bản ghi nhớ này,
chiếc tàu của Bộ Chỉ huy Hải vận Quân sự Mỹ đầu tiên đã được sửa chữa
nhẹ tại Vịnh Cam Ranh. Sau khi Bản Ghi nhớ được ký kết, bốn tàu khác của
Bộ Chỉ huy Hải vận Quân sự Mỹ được sửa chữa tại đó. Mỗi lượt sửa chữa
được đánh giá dưới nửa triệu USD.
Tháng Mười
2011, Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam đã đến nói chuyện với ban
giảng huấn và sinh viên tại Đại học Quốc phòng Mỹ. Lần đầu tiên, Việt
Nam đã gửi đến Trường Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ và Trường Tham mưu Hải
quân Hoa Kỳ, mỗi nơi một nghiên cứu sinh.
Từ
tháng Sáu đến tháng Tám 2012, Việt Nam gửi quan sát viên đầu tiên đến
cuộc Diễn tập Vùng ven Thái Bình Dương (RIMPAC). Tháng Bảy 2012, Mỹ tiếp
đón Ban Chỉ đạo 504 của Việt Nam có nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn
chưa nổ sau chiến tranh. Tháng Mười Hai cùng năm, tàu sân bay George
Washington của Mỹ đã tiếp đón một phái đoàn quan chức Việt Nam bay ra
hải phận quốc tế ngoài khơi duyên hải đông Việt Nam.
Năm
2012, Việt Nam tiếp đón một số quan chức quân sự Mỹ cao cấp, gồm Tư
lệnh Hạm đội Bảy (tháng Giêng); Bộ trưởng Quốc phòng Panetta (tháng
Sáu); Tư lệnh Hạm đội Bảy (tháng Bảy); và một phái đoàn của Đại học Quốc
phòng Mỹ (tháng Mười). Tháng Tư, Việt Nam đăng cai tổ chức sinh hoạt
trao đổi giữ hai hải quân lần thứ 3 tại cảng Đà Nẵng gồm huấn luyện cứu
nạn và phòng chống thiên tai nhưng không có thao diễn bắn đạn thật hay
trao đổi kỹ năng chiến đấu.
Năm 2013 Việt Nam
đăng cai tổ chức cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 3 vào
tháng Giêng và cuộc sinh hoạt trao đổi hải quân phi-tác chiến lần thứ tư
tại Đà Nẵng vào tháng Tư tiếp đó.
Trong một
phát triển có ý nghĩa, tháng Sáu vừa qua Chủ tịch Tham mưu Liên quân Hoa
Kỳ tiếp đón cuộc thăm viếng đầu tiên của Tham mưu trưởng Quân đội Nhân
dân Việt Nam (và Thứ trưởng Quốc phòng), Tướng Đỗ Bá Tỵ. Phái đoàn Tướng
Tỵ gồm có Tư lệnh Không quân Việt Nam và các Phó Tư lệnh Hải quân và
Tổng cục Tình báo. Chuyến đi của ông bao gồm một cuộc thăm viếng Căn cứ
Hỗn hợp Lewis-McChord ở bang Washington, việc này gợi ý về những hoạt
động hỗn hợp có thể diễn ra trong tương lai.
Cao
điểm của quan hệ song phương Mỹ-Việt được thể hiện vào tháng Bảy 2013,
khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đón người đồng nhiệm, Chủ tịch nước
Trương tấn Sang, tại Nhà trắng. Hai vị quốc trưởng đã đồng ý mở ra một
“thời kỳ mới cho quan hệ song phương” bằng cách thiết lập một Quan hệ
Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt [a U.S.-Vietnam Comprehensive Partnership].
Bản
Tuyên bố chung được hai nhà lãnh đạo đưa ra gồm chín điểm. Điểm sáu đề
cập đến các vấn đề di sản chiến tranh và điểm bảy bàn về hợp tác an ninh
quốc phòng. Không có nỗ lực quan trọng nào được công bố trong việc theo
dõi tính cách diễn biến của các quan hệ quốc phòng song phương.
Cả
hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự hài lòng về việc thực thi Bản Ghi nhớ 2011
và tái khẳng định sự cam kết thực thi đầy đủ bản ghi nhớ này. Cả hai
đồng ý tiếp tục cuộc Đối thoại Chính trị, An ninh Quốc phòng và cuộc Đối
thoại Chính sách Quốc phòng.
Về hợp tác tương
lai, hai nhà lãnh đạo quyết định nới rộng hợp tác nhằm nâng cao các khả
năng tìm kiếm cứu hộ và phòng chống thiên tai của Việt Nam, đồng thời
thiết lập quan hệ hợp tác trong vấn đề an ninh phi truyền thống
[non-traditionary security]. Bản Tuyên bố chung nêu rõ chống khủng bố,
thi hành luật biển, chống tội phạm xuyên quốc gia (hải tặc, tội phạm
công nghệ cao, ma túy, buôn lậu người và động vật hoang dã) và an ninh
mạng. Tổng thống Obama đề nghị giúp đỡ và hậu thuẫn việc Việt Nam lần
đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc.
Nghị
trình của cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng Mỹ-Việt lần thứ 4 gồm
các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, an ninh trên biển, các vấn đề di
sản chiến tranh (gồm cả thông tin về MIA Việt Nam), hợp tác trong các
diễn đàn đa phương như Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+, việc Mỹ
hỗ trợ Việt Nam tham gia lần đầu trong lực lượng gìn giữ hòa bình của
Liên Hợp Quốc, và kế hoạch hợp tác cho năm 2014.
Tướng
Vịnh trao cho phía Mỹ bốn hồ sơ về những địa điểm tìm kiếm MIA mới.
[Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ] Singh cam kết gia tăng hậu thuẫn
cho việc tẩy sạch Chất Da cam và tháo gỡ bom mìn chưa nổ.
Có
gì mới mẻ chăng? Đó là, hai bên đã đồng ý đẩy mạnh hợp tác giữa hải
quân hai nước và giữa các học viện cũng như các cơ sở quốc phòng hai
nước. Một Bản Ghi nhớ được ký kết về sự hợp tác giữa Lực lượng Tuần
duyên Mỹ và Tuần duyên Việt Nam (trước đây là Cảnh sát Biển).
Diễn
biến tuần tự trong các đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng
Mỹ-Việt phản ánh đường lối thận trọng của Việt Nam trong việc duy trì sự
quân bình trong quan hệ của mình đối với Trung Quốc và đối với Mỹ. Ví
dụ, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa tham gia các cuộc diễn tập quân sự với
Mỹ.
Việt Nam chỉ cho phép Hải quân Mỹ được ghé
cảng của mình mỗi năm một lần và tiếp tục cấm tàu chiến Mỹ vào Vịnh Cam
Ranh. Việt Nam cũng chưa chấp thuận một yêu cầu được Bộ trưởng Panetta
đưa ra vào tháng Sáu 2012 về việc thiết lập một Văn phòng Hợp tác Quốc
phòng tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Việt Nam
còn bất bình về điều mà nước này cho là một cam kết không thỏa đáng đối
với việc thanh toán các di sản chiến tranh. Trong một cuộc phỏng vấn
tiếp theo sau cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 4, Tướng Vịnh
nói, “một quan hệ quốc phòng tốt đẹp hơn cần phải dựa trên hiệu năng
của việc hợp tác trên thực tế, gồm việc khắc phục hậu quả chiến tranh…
Nói chung, Mỹ đã đề nghị hợp tác tích cực với Việt Nam trong vấn đề này,
nhưng như thế vẫn chưa đủ vì các hậu quả chiến tranh là khủng khiếp”.
Tướng Vịnh cũng nhận xét rằng theo quan niệm của ông “chúng ta phải xây
dựng niềm tin chiến lược giữa các lãnh đạo hàng đầu của hai nước…”.
Phát
biểu này có thể nhắc đến việc Mỹ vẫn tiếp tục những hạn chế đối với
việc bán vũ khí cho Việt Nam bất chấp những yêu cầu trực tiếp do Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đưa ra
với Bộ trưởng Panetta vào tháng Sáu 2012.
Theo
các Điều lệ Buôn bán Vũ khí Quốc tế [của Hoa Kỳ], Mỹ chỉ có thể bán cho
Việt Nam một số hạng mục và dịch vụ quốc phòng không sát thương nhất
định trên cơ sở xét theo từng trường hợp một. Việc bán các vũ khí sát
thương và một số hạng mục không sát thương như ống nhòm ban đêm vẫn còn
bị cấm.
Gần đây Việt Nam đã chủ động giải quyết
vấn đề niềm tin chiến lược. Vào cuối tháng Tám, bên lề cuộc họp các Bộ
trưởng Quốc phòng ASEAN+, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam mời Bộ trưởng
Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đến thăm Việt Nam năm 2014. Hagel đã chấp nhận
lời mời.
Theo một thoả ước đạt được vào năm
2003, Việt Nam và Mỹ đồng ý để các bộ trưởng quốc phòng hai nước thay
phiên nhau thăm viếng cứ ba năm một lần. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam
đã đến thăm Washington năm 2006 và 2009. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đến
thăm Hà Nội năm 2006 và 2012. Chuyến viếng thăm sắp tới của Hagel có thể
báo hiệu chấm dứt chu kỳ ba năm một lần và bắt đầu mở ra các cuộc tiếp
xúc thường xuyên hơn giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.
C. T.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 05:35
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/11/viet-nam-dan-dan-tro-nen-nong-am-voi.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001