Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Đặng Mai Lan - Mồ Hôi Nước Mắt

Đặng Mai Lan - Mồ Hôi Nước Mắt 

at 11/10/2013 05:54:00 PM

Đặng Mai Lan - 

Lúc nghe chị Nguyệt nói với mấy người làm chung trong xưởng rằng da chị đen, vì ở Việt Nam suốt ngày chị phải ngồi ngoài đường bán trái cây, nắng Sài Gòn đã ăn sâu vào da mặt chị, không cách chi nhả được hết. Thư không biết chị bán trái cây ở đâu? Chị ngồi trên những cái sạp cao sau chợ Bến Thành, hay xập xệ quang gánh ở các vỉa hè? Nhưng chắc chắn là chị sẽ không tha thứ cho bất cứ ai mua trái cây của chị mà eo xèo giá cả. Chị sẽ nguýt, sẽ háy bằng con mắt sắc như dao, hoặc mỉa mai rủa sả họ... Nhất là những cô học trò khờ khạo như Thư, thích ăn quà vặt mà cứ xớ rớ đến gần ngắm nghía rồi chẳng mua gì hết. Da mặt chị đen, lại bị rỗ chằng chịt, tạo nên một vẽ dữ dằn, đanh đá. Từng ấy nét đủ cho Thư tưởng tượng ra những điều không mấy đẹp về chị.


Mấy ngày đầu, khi Thư đến làm việc chị chẳng thèm ngó ngàng đến Thư. Giờ ăn trưa, Thư ngồi một chỗ vì cô ăn uống rất đơn giản. Mỗi ngày trước khi đến xưởng, Thư chỉ ghé vào tiệm bánh mì, mua một cái pâté chaud, hoặc một khúc bánh xếp nhân jambon fromage, vậy là đủ cho Thư một bữa ăn. Nhưng các chị ấy thì không. Chị nào cũng hộp này, hộp nọ... Bày biện trên cái bàn bỏ không ở góc phòng, cùng ăn chung và cười nói huyên thuyên đủ thứ chuyện. Chị Nguyệt ăn uống có vẻ kiểu cách hơn các chị kia. Đi làm, chị mang theo một cái phích lớn có hai ngăn, lúc nào chị mở ra cũng có cơm canh nóng hổi bốc khói, chị lại còn có thêm một cái phích khác nhỏ hơn để đựng cà phê. Trên máy của chị luôn luôn có cái gạt tàn thuốc. Ngồi may đồ mà chị hút thuốc liên miên. Đôi khi chị rỉ rả những câu vọng cổ.

Chừng một hai tuần thì chị bắt đầu nói chuyện với Thư, có vẻ thân mật hơn. Tuy nhiên mỗi khi trò chuyện với chị cô cứ thấy ngại ngần, sợ nói gì không phật ý sẽ bị chị quở mắng. Quả thật khuôn mặt của chị luôn làm cho cô bé sợ hãi.

Một bữa chị hỏi Thư :
- Còn trẻ, sao không kiếm cái nghề nào học, rồi đi làm, chui vô cái xưởng ba na nã này làm gì ?
- Dạ, em đang chờ kêu đi học. Vào đây làm là vì họ chỉ khai phân nửa, phân nửa trả tiền mặt. Với lại ở đây em muốn nghỉ giờ nào cũng được, chứ hãng Tây họ đâu có chịu mướn  như vậy.
- Ừ, tui cũng vậy, tiếng Tây tiếng u không rành, chỉ có mấy thằng Rệp này nó mướn, được cái nó chịu cho hút thuốc. Mà không cho hút thuốc là tui nghỉ. Hút mấy chục năm rồi làm sao bỏ được.

Chị không nói được tiếng Pháp nhiều. Công việc may vá kể ra không có gì khó khăn. Nhìn vào chẳng cần giải thích lôi thôi cũng biết phải làm gì. Nếu có chuyện khó khăn thì chị nhờ mấy chị giỏi hơn thông dịch cho chị. Vậy mà có một lần chị đi xuống kho chứa đồ  ở tầng lầu dưới với ông chủ người Ả Rập. Bất đồng ngôn ngữ, chẳng biết bàn bạc thỏa hiệp thế nào mà một lát sau chị trở lên với một cái bao to, trong đó đầy vải vóc, quần áo. Chị mở tung ra cho mọi người coi.
Thư hỏi :

- Bộ ổng cho chị hả chị Nguyệt?

- Nghèo mà ham, đời này hổng có cái gì cho không đâu! Tao hứa đi làm cho nó sáng chủ nhật. Đời này cái gì cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt đó cưng!

Chị nhìn Thư bằng đôi mắt kiêu hãnh của một đàn chị, đang dậy đời cho đàn em mình, với cái giọng nhừa nhựa khi nói đến hai chữ Đời Này. Thư thân chị hơn, Thư thấy quý mến chị. Rõ ràng chị là một người ít học, nhìn chị dữ dằn nhưng chị lại có vẻ đằm thắm hơn, không ăn nói bặm trợn như mấy chị khác. Mỗi trưa, trong lúc ăn cơm mấy chị thường đem chuyện chồng con ra nói. Thường thường câu chuyện nào rồi  cũng dẫn đến chuyện gối chăn, đàn ông đàn bà. Thư nhớ có một lần, nghe một chị ngồi gần Thư hắt hơi liền mấy cái. Thư thật tình khuyên:
-  Chị có vẻ bị cảm rồi đấy! Coi chừng phải uống thuốc.

-  Ừ tại tối hôm qua chị ngủ mà quên mặc xì líp đó em!

Không đợi phản ứng của Thư, chị Nguyệt vừa nghe dứt câu đã la toáng lên... Tụi bay cứ nói năng bậy bạ, đầu độc con nít. Nói chuyện khác đi! Hai mươi lăm tuổi nhưng Thư biết Con Nít ở đây là chị Nguyệt muốn ám chỉ Thư. Chị thường bênh vực Thư. Chị không muốn nhìn Thư đỏ mặt lúng túng với những câu chuyện không lành mạnh như thế. Nhưng ngược lại chị thường nhại giọng Bắc để chọc ghẹo cô, hay bất cứ một điều gì có mang những nét đặc thù của người miền Bắc.

- Nè, bữa nay mày ăn cái gì vậy?

Thư xấu hổ không trả lời.

- Cũng mấy cái bánh nữa phải không? Ăn vậy mà hổng thấy nóng ruột. Cất đi, chiều về ăn. Bữa nay ăn với tao, món Bắc Kỳ.

Chị nói và mở cái hộp ra cho Thư coi. Thư thấy trong hộp có đựng bún, dăm ba thứ rau thơm và mấy bìa đậu phụ chiên vàng. Lại có cả một cái lọ nhỏ đựng mắm tôm.

Chưa kịp chờ Thư nói, chị lại tiếp :
- Bộ hổng phải món Bắc sao? Nè, nói cho biết tui học cách ăn này của mấy bà Bắc Kỳ hồi bán hàng ở chợ Tân Bình đó nghe. Rau sống cuốn với bún và tàu hủ, nhưng tàu hủ phải xé như vầy nè, chứ không được cắt bằng dao, cắt bằng dao là hổng đúng điệu!

Chị vừa nói vừa xé bìa đậu phụ ra thành nhiều miếng nhỏ và mời Thư. Ăn đi chớ! Khiếp, Thư không biết chị đã rửa tay chưa? Cô muốn vào nhà vệ sinh rửa tay, trước khi ăn nhưng lại sợ chị hiểu và giận. Tuy nhiên chưa có bữa ăn nào Thư lại thấy ngon miệng đến thế. Mãi rồi Thư cũng bớt đi sự nhút nhát, sợ sệt. Cô đã bỏ đi hẳn cái lớp Bắc Kỳ tiểu thư mà chị Nguyệt nói. Mỗi trưa, có khi chẳng đợi chị mời, thấy chị có món gì ngon ngon là cô tự động tới xin ăn thử. Lúc trước nói gì với chị  cô cũng dạ dạ vâng vâng. Bây giờ Thư nói luông tuồng. Nghĩ gì nói nấy.
Thư nói :
- Em  thích người miền Nam như chị. Người Nam vui tính, rộng rãi.

Chị lườm Thư :

- Bay nói tao rộng rãi tại tao hay đem đồ ăn cho tụi bay ăn chứ gì!

- Chị nói ác quá, thích là thích tính tình của chị chứ đâu phải đồ ăn. Em còn khoái nghe chị ca vọng cổ nữa kìa. Mỗi bận nghe chị ca em nhớ má em quá!

- Vậy sao? Bộ bà già biết ca vọng cổ há?

- Má em không biết ca nhưng tối nào bà cũng mở ra

dio nghe cải lương. Ở đây, ngày nào cũng nghe chị ca, không nhớ nhà, nhớ má sao được!

- Ngộ hén, Bắc kỳ mà thích cải lương!

Chị cười tủm tỉm rồi ngân nga ... Tín nữ đi tu làm sao cho thành chánh quả... Hoặc Chúc Anh Đài ơi, bây giờ muốn gặp nhau phải ra Nam Sơn Tiểu Lộ... Nghe mãi, Thư đâm thuộc làu những câu vọng cổ của chị. Và chị thích thú lắm mỗi khi Thư đề nghị chị ca.

Chị Nguyệt có dễ dãi vui tính hay không thì Thư không chắc lắm. Nhưng chị rộng rãi chứ không bủn xỉn về vấn đề tiền bạc. Làm việc với chị được bốn tháng, Thư bỏ xưởng may để đi học ngành điện toán. Đời sống Thư có những sinh hoạt khác. Thư không còn gặp chị Nguyệt thường nữa. Tính Thư năng động và cũng ham vui nên cuối tuần Thư thường theo các bạn trong hội Thanh Thiếu Niên Tị Nạn đi làm việc thiện nguyện như dạy tiếng Việt cho các em nhỏ, quyên tiền giúp cô nhi viện Gò Vấp do một linh mục trong họ đạo đem về Việt Nam. Hoặc quyên tiền cho hội Phật Giáo để xây chùa. Việc gì cô cũng hăng hái lăn mình vào. Thư và những bạn trẻ ấy phải chia nhau đến từng khu phố. Có nhà họ tiếp đón các cô đàng hoàng, vui vẻ đóng góp. Có nhà họ chẳng thèm mở cửa hoặc mời vào nhà, nhưng lại tra vấn mỉa mai : Giúp VN à, tiền có đến tay thật không đó? Thôi tôi cũng sắp về, để tôi đến thẳng đó giúp tốt hơn. Chị Nguyệt không như thế! Chùa hả, nhà thờ hả? Thôi kệ, chùa hay nhà thờ gì cũng là việc đạo đức. Ăn bao nhiêu cũng hết, tao làm việc thiện để đức cho con. Không nhiều nhỏi gì nhưng chị sẵn sàng đóng góp. Có hôm không có tiền sẵn ở nhà, chị  hẹn Thư ngày khác đến lấy. Khi Thư than phiền là đôi khi tụi em tới mấy gia đình không phải để quyên tiền mà chỉ muốn phổ biến một ít tin tức tài liệu liên quan đến VN, người ta cũng không thèm tiếp chị ơi. Chị lại nhanh nhẩu : Đi phổ biến hả, con nhỏ này khờ, để tao chỉ cho. Mày cứ vào trường đua sáng Chủ Nhật là không xảy vào đâu được. Đủ mặt anh hùng hảo hớn ở đó, tha hồ mà phổ với biến !

Chị Nguyệt tài thật ! Thư cứ tưởng là khi đến cái quán cà phê trong khu trường đua cô sẽ chỉ gặp những vị anh hùng hảo hớn như chị đã nói. Thế mà cô gặp luôn cả các bà nội tướng mà Thư nghĩ đơn giản là các bà chỉ biết ở nhà chợ búa trông con. Đương nhiên là có cả chị Nguyệt nữa. Nếu các nội tướng ấy chỉ đi theo các đức lang quân vào ngồi quán, lai rai ly cà phê, chuyện phiếm... thì đâu có gì để nói. Họ cũng uống cà phê đấy, nhưng hầu như người nào cũng có một tờ báo để trước mặt. Tờ báo liệt kê những con ngựa sẽ chạy trong cuộc đua vào buổi chiều. Đã thắng bao nhiêu trận? Con ngựa nào được xếp vào loại thượng thặng, cũng như ngoại hạng. Điều làm Thư kinh ngạc là chị Nguyệt không nói được tiếng Pháp, tiếng Việt chưa chắc chị đã viết đúng chính tả, nhưng chị lại hiểu rõ ràng rành mạch những hàng chữ trên tờ báo mà Thư nhìn vào chẳng hiểu gì. Như mấy người kia, chị cũng đánh dấu, nguệch ngoạc ghi chép linh tinh trên trang báo, như đang nghiên cứu một chương trình gì quan trọng lắm. Họ còn trở thành những nhà phân tâm học bàn bạc về những giấc mơ. Những sự kiện xảy ra trong mơ được họ phân tích tỉ mỉ rồi đặt tên bằng những con số. Và họ tin tưởng là những con ngựa có mang những con số đó sẽ thắng cuộc đua, dù là con ngựa hạng bét mà họ gọi là ngựa què... Đương nhiên là Thư không thể nào tin những chuyện này. Nhưng qua chị Nguyệt, Thư biết có nhiều người đã trúng những số tiền rất lớn, nhờ vào những giấc mơ. Giấc mơ nào cũng là vị thần tài, hứa hẹn mang đến bổng lộc tốt lành cho họ. Biết bao thứ chuyện về mơ thật là thú vị và khôi hài mà Thư nghe được ở đó. Lâu lâu nhớ đến Thư  lại buồn cười.

 Thư không còn gặp chị Nguyệt từ khi cô đi làm ở Paris. Thư mướn phòng trọ ở hẳn trên đó, đôi ba tuần cô mới về thăm nhà một lần. Không còn có thì giờ lăn mình vào những sinh hoạt xã hội, dĩ nhiên là Thư cũng chẳng có cơ hội để đến một nơi mà Thư đặt tên là nơi tràn đầy hy vọng. Sự thất vọng hình như không có ở cái quán cà phê bát nháo nhộn nhịp ấy.

Tin chị Nguyệt mất làm Thư thẩn thờ. Người này nói chị chết vì tim, người khác kể chị bị lên cơn suyễn nặng, ngạt thở không cấp cứu kịp. Suốt cả ngày Thư nghĩ đến chị, đến cái xưởng may bụi bậm, ngổn ngang bừa bãi vải vóc áo quần. Nhớ mỗi trưa cả bọn tụm lại ăn uống, chị hay ép Thư phải ăn thử những món ăn là lạ Nam Kỳ của chị và nghe chị nghêu ngao ca hát. Thư nhớ cái giọng nhừa nhựa khàn khàn đầy khói thuốc của chị làm cho buổi trưa như buồn bã hơn, như dài thêm ra. Nhưng nó lại không mang đến cho cô một sự ngấy chán. Cô không thể giải thích nổi. Nó là cái gì mà Thư thấy thiêu thiếu ở đây. Và nó làm Thư nhớ nhà. Nhiều năm rồi mà cái cảm giác nhớ nhung, cái không khí thiu thiu buồn thuở đó như còn đọng trong ký ức của Thư.

Thư không rõ chị mất hôm nào, khi Thư về thăm nhà thì tang lễ đã cử hành vài ngày trước đó... Dù ngắn ngủi nhưng giữa chị và cô cũng có những kỷ niệm, những chia xẻ đậm đà từ ngày cô chân ướt chân ráo, tập tành làm việc trong cái xưởng may nghèo nàn đó. Thư nghĩ là mình phải đi thăm mộ chị, mang đến cho chị một chậu hoa, nếu không thì lòng cô sẽ ray rứt lắm.

Không hiểu vì sao Thư lại nép vào một thân cây to tránh né, không dám bước đến ngôi mộ của chị Nguyệt khi cô nhìn thấy có hai người đã đứng ở đó tự lúc nào. Một người đàn ông và một người đàn bà. Thư đoán chừng đó là một cặp vợ chồng, không chừng họ cũng là những người ở xa không kịp về đưa đám như cô. Người đàn ông đứng quay mặt về phía sân banh, thản nhiên hút thuốc. Còn người đàn bà thì đang cúi mình quỳ lạy một cách trang nghiêm. Như có nét gì ngây ngây dại dại trong dáng vẻ thành khẩn của người đàn bà.

-  Chị Nguyệt ơi. Chị Nguyệt ơi...

Thư nghe rõ giọng của người đàn bà gọi tên chị Nguyệt. Như thể gọi một người đang đứng gần đâu đó. Như sợ gió và những sợi mưa lất phất sẽ thổi bay tiếng nói của mình, sợ nằm sâu dưới lòng đất chị Nguyệt sẽ khó lòng nghe thấy, hay chị ta quá đau đớn không dằn được tiếng kêu than. Và chắc chị ta yên tâm rằng ngoài mình ra chẳng còn ai héo lánh đến nghĩa trang trong buổi cuối ngày ướt át muộn màng này, nên mặc tình tâm sự kể lể với người đã khuất. Nhìn người đàn bà như đang lên đồng nhập cốt, đang ở trong một thế giới khác, tự dưng Thư cảm thấy sợ hãi. Cô bước thẳng vào căn nhà bỏ ngõ, dành cho nhân viên đặc trách việc mai táng, nơi cất những dụng cụ như cuốc xẻng, dây nhợ... May mà mộ của chị Nguyệt lại gần căn nhà này. Cô không muốn phá vỡ phút giây mà cô thấy là rất riêng tư của người đàn bà nhưng lòng không tránh nỗi tò mò.

- Chị Nguyệt ơi, hồn chị có linh thiêng...

Giọng nói người đàn bà bỗng trầm xuống chậm chạp, nó lại làm Thư nhớ đến giọng ca khàn khàn của chị Nguyệt mỗi khi chị ngân nga, nhẹ nhàng buông ra một câu mà chị giải thích đó gọi là Nói Lối trong bài vọng cổ. Thư dời chỗ, bước ra gần phía ngoài cửa hơn. Cô thấy nổi gai ốc, rờn rợn khi nhìn quanh quất căn nhà trống rộng, mường tượng chị Nguyệt đang đứng đâu đó. Chị chết chưa đầy năm mươi tuổi, chết đột ngột chắc hồn chị phải linh lắm. Ý nghĩ làm cô run rẩy.

- Ôi chị Nguyệt, chị em mình thân thiết bao nhiêu năm, bao nhiêu năm tình nghĩa vui buồn mà sao chị lại ra đi tức tưởi đột ngột... Chị sống hiền chết thiêng... Chị hãy về đây chứng giám lòng thành của tụi em. Xin chị phù hộ, chỉ vẽ cho vợ chồng em những con số để trúng ngựa kỳ này. Tụi em hứa sẽ xây mồ lập mả cho chị... Chị Nguyệt ơi, xin chị nhận lấy nén hương này...

Rõ ràng Thư đang được nghe âm điệu của một câu vọng cổ trong giọng khấn vái lúc lên lúc xuống của người đàn bà. Câu vọng cổ rệu muồi tự tình dân tộc của chị Nguyệt khi xưa làm Thư buồn bã nhớ nhà... Còn cái câu vọng cổ của người đàn bà này ôi, ôi, Thư không hiểu tâm trạng mình ra sao nữa? Ôi! Ôi sao mà!!! Thư nín thở, thở ra, rồi lại thở vào. Nhìn cô chẳng khác gì người lên đồng, húng hắng trở mình trước khi nhập vào cơn đồng thiếp từ giọng nói văng vẳng ngoài kia...

Và Thư không còn sợ hãi, cô ngồi bệt xuống đất lúc nào không hay, giữa đám dây nhợ bết đầy bùn đất bẩn thỉu.

Mưa hung hãn trút xuống khi Thư cho xe rẽ vào xa lộ. Hình ảnh chị Nguyệt lại trở về trong đầu Thư. Phải chờ cho hai vợ chồng bạn của chị Nguyệt đi khuất Thư mới dám bước ra. Nhưng cô chỉ vội vàng đặt chậu hoa xuống nấm mộ đất đơn sơ vừa mới lấp của chị, rồi vội vàng ba chân bốn cẳng chạy đi như bị ma đuổi. Và Thư bỗng bật cười khan. Chưa bao giờ Thư thấy mình lố bịch đến thế! Khi lái xe Thư chỉ ngâm nga hát hò chứ chưa bao giờ cười, lại còn cười thành tiếng. Mà làm sao Thư có thể nhịn cười được khi cô nhìn những hàng song sắt kiên cố chạy dài  hai bên ven đường, hình ảnh làm cô mường tượng ra quang cảnh vòng đai của trường đua Saint Cloud, những con ngựa đang ào ào phi nước đại phóng tới mà trên đầu chúng, trên bầu trời âm u vần vũ kia có bóng dáng chị Nguyệt cũng đang lướt gió đuổi theo. Tóc chị xoã dài lồng lộng, chị oai hùng như một nữ tướng đang điều binh. Khuôn mặt đen nám, rỗ chằng chịt cau lại. Chị phùng mang trợn mắt hét con ngựa này, gào con ngựa kia. Chị đang vật vã đổ mồ hôi, tìm đủ mọi cách để những con ngựa ấy phải sợ hãi, phải chùn bước tách ra, nhường lối cho những con ngựa mà bạn chị chọn sẽ thong dong chạy về cứ điểm...Và chị sẽ có một ngôi mồ đẹp đẽ. Phải không chị Nguyệt? Thư trách mình đã vội vàng bỏ về, không nán lại để nói với chị  rằng, chị luôn luôn có lý.

Đời này đâu có gì cho không, đời này cái gì cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt. Chị Nguyệt đã từng nói như vậy với Thư... Nhưng đâu phải chỉ ở đời này. Ngay cả bên kia thế giới, nếu như có một thế giới khác.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/11/ang-mai-lan-mo-hoi-nuoc-mat.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001