Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Góp sỏi lót đường...


Vũ Đông Hà (Danlambao) - Ẩn kín bên trong thế giới bình thường mà chúng ta đang sống có một thế giới riêng và rất lạ. Đó là thế giới của những con người lý tưởng không biên giới. Trong đó, có người sau khi thành công với cuộc cách mạng ở tổ quốc mình đã đến một đất nước khác tiếp tục làm cách mạng. Con đường của họ khởi đi từ quan niệm: tự do không phải là ân huệ dành riêng cho một nước. Và vì thế họ đã đồng hành với những con người lý tưởng khác để cùng đấu tranh cho tự do ở mọi nước. Trong thế giới đặc biệt ấy nhiều người đã tìm đến nhau...

Họ đã gặp nhau ở núi rừng Chiang Rai và học hỏi những thất bại từ những người lãnh đạo phong trào Miến Điện đang bị chính quyền quân phiệt lùng bắt ở biên giới Miên Thái. Họ đã gặp nhau ở thành phố trữ tình Seville và học hỏi những kinh nghiệm thành công của các lãnh đạo phong trào cách mạng Serbia, Georgia, Phillipine, Indonesia... Họ đã tìm đến nhau ở Cape Town, quê hương của nhà cách mạng Nam Phi Nelson Mandela, để hệ thống hóa lại tất cả những kinh nghiệm đấu tranh thực tế cho một chương trình làm việc lâu dài. Và mới đây nhất họ đã gặp nhau ở Amman - thành phố trên 7 ngọn đồi, thủ đô của Jordan; đa phần đều là những thanh niên thiếu nữ ngoài 20, nhiều người đã thành công trong cuộc cách mạng dân chủ, nhiều người vẫn đang miệt mài tranh đấu...

Để có một chiến lược tổng thể họ đã không dừng lại ở việc nằm nhà để đọc 198 phương thức đấu tranh của Gene Sharp. Họ cũng không chỉ tập trung vào việc phổ biến những tài liệu nhiều chữ nhiều nghĩa ấy đến quần chúng bình thường lười đọc, biếng suy. Chỉ để tìm ra được một phương hướng chiến lược tổng thể họ đã bỏ ra nhiều năm tháng và nhọc nhằn để có được quyết định: 

Đích đến của cuộc cách mạng phải là ước muốn chung của đại đa số người dân (dù đó là cơm no áo mặc) chứ không phải là ước muốn mà họ "biết" là "tối hậu" của riêng họ (dù đó là Tự Do Dân Chủ). 

Để đối đầu với bộ máy độc tài to lớn, sức mạnh họ chọn không phải là một đảng phái mà là một phong trào quần chúng (dù có người trong họ đã từng ở trong đảng phái). 

Phương tiện của họ không phải là súng ống bom mìn mà là máy tính, điện thoại di động và những mạng liên kết internet (dù họ lúc đầu rất kém trong lãnh vực này). 

Kẻ thù mà họ quyết định tấn công không là toàn bộ cơ chế / guồng máy mà là một vài đầu não cá nhân.

Họ đã tốn nhiều năm tháng để âm thầm khai triển chiến lược tổng thể thành những chiến thuật giai đoạn. Nhiều công sức bỏ ra để lặng lẽ xây dựng một mạng lưới cách mạng trong thế giới vui chơi của Facebook, Tweeter. Nhiều tiền bạc đổ vào cho hạ tầng cơ sở lẫn một mạng lưới nhân sự không đảng phái cho phong trào. Nhiều thông điệp, dưới những hình thức khác nhau, nội dung khác nhau để thuyết phục quần chúng (lẫn những tổ chức, cá nhân cùng chiến tuyến) về những điều mà họ biết có thể đi ngược lại tâm lý và thói quen suy nghĩ lâu ngày của nhiều người. Nhiều thói quen của chính họ cũng đã được vứt bỏ - không còn chỉ tập trung vào ước mơ mà chú trọng vào khả năng và vốn liếng đang có; không còn hoạt động để được lòng quần chúng như ngày họ còn ở trong các đảng phái; và không còn nữa những lời kêu gọi nếu chính họ không phải là người đứng trước đầu sóng ngọn gió. Họ làm tất cả trong âm thầm, yên lặng giữa những con mắt rình rập của mật vụ và cánh cửa tù chờ đón. Nhưng họ không quan tâm. Cái mà họ lúc nào cũng theo dõi, chờ đợi, chụp bắt là thời cơ. Và thời cơ đã đến. Những chuẩn bị của bao năm tháng đã được đền bù.

Cuộc cách mạng Hoa Lài ở Tunisia và Ai Cập chấm dứt và cả thế giới được chứng kiến một cuộc đổi đời lịch sử. Nhưng chúng ta chỉ được xem màn kết của một cuốn phim cách mạng. Cuốn phim ấy đã bắt đầu từ nhiều năm trước, những người đạo diễn chỉ cho chúng ta xem hồi kết đầy gây cấn và ấn tượng. Một cuốn phim với hàng triệu diễn viên nhưng không thấy những tài tử chính. Bởi vì họ không phải là những chính trị gia cướp chính quyền để lên thay thế. Họ cũng không là thành viên của đảng phái sẽ ra tranh cử. Họ là những con người lý tưởng đi làm cách mạng. Con đường cách mạng của họ không ngừng lại ở cái ngày sụp đổ của độc tài Milosovic, Mubarak hay Ben Ali.

Xin gửi lại các bạn trong thôn Danlambao những ý tưởng rời đã được viết ở nhiều thời điểm khác nhau, dựa vào những trao đổi bình thường với những con người rất bình thường nhưng đã làm nên những điều phi thường tại đất nước của họ.
*
Bán hàng 

Tôi cần bao nhiêu lâu, làm cách gì để có thể thuyết phục nhiều người mua cho tôi một món hàng? Nếu giá cả "món hàng" đó không phải là 1 triệu hay 1 tỷ đồng mà là bất trắc, hiểm nguy phải trả? Nếu khó khăn chuốc vào không chỉ riêng cho người mua mà còn liên lụy đến những người thân yêu của họ? 

Đó là chưa kể nếu tôi không đến tận nơi gặp mặt, chỉ "bán hàng" bằng một câu "tiếp thị" ngắn ngủi trên mạng, chu đáo hơn là bằng một bài viết, trang trọng hơn nữa là một lời kêu gọi hoành tráng dưới danh nghĩa của một... ông chủ tịch cái đảng nào đó. 

Còn nữa, những người mua hàng (nếu) gặp và vừa mới nghe tôi mở miệng nói đến món hàng "trên cả tuyệt vời" này là có thể đã tìm đường lánh ngay đi chỗ khác - họ cũng biết nhiều người, cả người mua lẫn kẻ bán đã vào tù ra khám vì món hàng này. 

Cuối cùng, tôi có chắc rằng những người mà tôi muốn bán hàng có thực sự cần (hay biết là) họ cần món hàng hiếm quý này không. Bằng cách nào chứng minh với họ là nếu có món hàng đó thì đời sống của họ sẽ tốt đẹp hơn bội phần? 

Rao hàng… 

Đem khái niệm này vào môi trường chính trị, nó được gọi là tuyên truyền. Trong lãnh vực đấu tranh có người gọi là vận dụng. Ở chốn đời thường cơm áo, đôi khi (và có) người ta gọi nó là... xúi dại. Trên mạng, đôi khi bị gọi là chém gió.

Bút sắc hơn gươm, chữ mạnh hơn súng - những người “tiếp thị chính trị” tin như thế và thực tế đúng như vậy. Đích nhắm của mọi thông điệp tuyên truyền là để thu hút mọi người đến với "món hàng". Người ta gọi đích nhắm ấy là sứ mệnh. Sứ mệnh đó từng là “giết sạch tụi Do Thái”, là “mồ chôn tư bản”, “đấu tranh giai cấp”, “tự do hay là chết” hoặc “sức mạnh quần chúng - people power”... Đã có hàng tỉ tỉ đồng đổ ra để xây dựng những guồng máy nhằm phục vụ cho một số các sứ mệnh ấy. Đã có hàng triệu người đã trả giá những món hàng đắt đỏ ấy bằng mạng sống của mình. 

Chúng ta không thoát ra khỏi định lệ này. Chỉ khác ở sự chọn lựa. Dựa vào tri thức, bản chất, lý tưởng hướng đến và nhu cầu sống của chính mình, chúng ta đã chọn sứ mệnh Tự Do và Dân Chủ. Và chúng ta, trong tay không có gì ngoài con tim và lòng yêu nước. 
Tự Do - Dân Chủ... 

Tự Do-Dân Chủ dứt khoát là điều vươn đến của dân tộc Việt Nam. Chỉ khi nào con người được quyền tự do suy nghĩ, bày tỏ quan điểm, mưu tìm hạnh phúc cho riêng mình và có quyền góp phần vào việc quyết định vận mạng chung của dân tộc thì đất nước mới có thể thực sự phát triển với trọn vẹn tiềm năng của nó. 

Tự Do-Dân Chủ cũng là khuynh hướng của thời đại. Ngay cả những nhà độc tài tay trái cầm còng, tay phải cầm súng nhưng lưỡi gỗ vẫn mị dân bằng 4 mỹ từ này. 

Nhưng nếu nhìn Tự Do-Dân Chủ như một bảng cắm ở đỉnh núi cao mà chúng ta phải phấn đấu leo lên từng bước để đến được thì câu hỏi được đặt ra: Tự Do-Dân Chủ là đích đến hay là điểm khởi đầu? 

Vọng đến từ một đất nước xa xôi - Tunisia bật lên một câu hỏi: điều gì đã khiến cho người thanh niên Mohammed Bouazizi tự đốt cháy mình để chỉ trong 10 ngày sau đó làm sụp đổ nền cai trị bằng bàn tay sắt kéo dài 23 năm bởi nhà độc tài tinh ma, quỷ quái Zine el-Abidine Ben Ali? 

Nhìn gần hơn, ngay tại đất nước này, điều gì đã khiến cho hàng ngàn người dân Bắc Giang - con số xuống đường đông nhất cho đến nay - sau khi công an giết chết anh Nguyễn Văn Khương, bất chấp sự sợ hãi kinh niên vẫn đè nặng? 

Những người dân của Tunisia và dân chúng Bắc Giang trong những giây phút đầu tiên đổ ra đường, để từ đó tạo thành một đám đông không thể đếm, phải chăng họ đã nghe theo tiếng gọi của Tự Do-Dân Chủ? Nếu không thì cái gì khác? 

Tính sổ lại những cuộc biểu tình đã xảy ra trong suốt 35 năm độc tài đảng trị, từ nông dân Thái Bình, dân oan khiếu kiện, giáo dân Thái Hà, Đồng Chiêm, xuống đường Hoàng Sa - Trường Sa cho đến Nghi Sơn, Bắc Giang, Dương Nội, Văn Giang... để đặt ra câu hỏi: yếu tố ban đầu nào làm cho những đôi chân ấy vượt qua sợ hãi và bước xuống đường? Tự Do-Dân Chủ chăng? 

Từ đó, mặc dầu mỗi cá nhân chúng ta hiểu và tin rằng Tự Do-Dân Chủ là đích đến cho con đường phát triển của đất nước, nhưng lấy gì để bảo đảm một cách khách quan và trung thực rằng nó đang là khát vọng TRƯỚC MẮT của đa phần 87 triệu người dân VN, để mọi người sẵn sàng đối diện với thử thách và hiểm nguy vì nó. 

Nói một cách khác, Tự Do-Dân Chủ tự nó chưa hẳn là điểm khởi đầu DUY NHẤT hay DỄ THUYẾT PHỤC NHẤT thúc đẩy những người dân bình thường ngày hôm nay bước ra khỏi nỗi sợ hãi để tranh đấu và từ đó làm nên hình ảnh hàng trăm ngàn người ở một quãng trường ngày mai. 
Từ bán hàng đến vận động… 

Chúng ta sẽ có xác xuất thành công cao hay thấp khi kêu gọi người dân cùng tham gia để đạt được điều mà CHÚNG TA NGHĨ là HỌ SẼ RẤT CẦN và vì thế nghĩ rằng họ sẽ SẴN SÀNG tranh đấu, hy sinh để đạt được? 

Chúng ta sẽ vận động được bao nhiêu người khi họ hỏi chúng ta là Tự Do-Dân Chủ sẽ đem lại lợi ích cụ thể gì cho cá nhân họ, gia đình của họ sẽ được gì ngay sau đó? Và chúng ta sẽ phải tốn bao nhiêu lâu để giải thích cho người khác hiểu giống ta? Và chắc gì khi hiểu đương nhiên là sẽ đồng ý vì "biết" và "sống" không nhất thiết phải đi cùng với nhau do bản chất bình thường của con người? 

Những câu hỏi này xin chia sẻ cùng bạn như là khởi đầu cho những trao đổi chân tình và xây dựng. Nó cũng là sự nhìn lại những thất bại của một cá nhân khi thử đặt mình vào vị trí của những "khách hàng" - một bạn sinh viên, một chị công nhân, một nông dân, một ngư dân, một nhân viên nhà nước, một thầy giáo, một thương gia, một luật sư, một bác sĩ, một chủ tiệm, một người thất nghiệp, một cán bộ về hưu, một chú xe ôm, một bác bán mì gõ... Trong "đôi giày" của họ, mình có sẵn sàng mua "món hàng" ấy không? Đó là chưa kể khi mình tìm đến người "bán hàng" theo như lời quảng cáo thì không thấy những người bán hàng ấy đâu cả! 
Mọi cuộc cách mạng quần chúng đều chấm dứt bằng hình ảnh hàng trăm ngàn người giương cao khẩu hiệu Tự Do Dân Chủ. Muốn có được trăm ngàn người phải có vài ngàn người. Để có ngàn người cần phải bắt đầu bằng một nhóm người. 

Nhóm người ấy có thể là những bác nông dân chân trần đi đòi ruộng đất. 

Họ có thể là những công nhân đứng lên đòi quyền lợi lương bổng. 

Có thể đó là những người dân oan đang cực kỳ bức xúc vì ngôi nhà hương hỏa bị giải phóng mặt bằng. 

Hoặc là những sinh viên đang muốn đòi hỏi không tăng học phí. 

Hay những người cha, mẹ, chị, những người hàng xóm láng giềng có đứa em, người cháu bị công an bức tử trong đồn. 

Và những con chiên nhìn tượng Chúa bị ủi sập, những tu sinh bị đuổi khỏi thiền viện... 

Chính họ là những nhóm người đầu tiên vượt qua sợ hãi, không nhất thiết khởi đi bằng lý tưởng hay nhận thức cao siêu nào, mà vì những bất công, trấn áp đang đè nén lên đời sống của họ từng ngày từng giờ. Nhiều người trong họ, ngày hôm nay và có thể đến ngày sau sẽ không biết gì nhiều về khái niệm Tự Do-Dân Chủ. Nhưng cũng là họ đã và đang làm những cuộc thao diễn xuống đường, để một ngày nào đó tạo nên cơn chấn động lịch sử với sự tham gia của toàn dân. Họ đã khởi hành bằng những đòi hỏi rất thật, sát sườn với đời sống của họ và sẽ tạo điều kiện cho đoàn người đủ mọi giới đi đến cái đích sau cùng là Tự Do-Dân Chủ. 

Tự Do, Dân Chủ là đích đến.
Chống Bất Công và Đòi Hỏi Cải Thiện Dân Sinh là điểm khởi đầu.
Tiến hành một cuộc thay đổi chính trị bằng những đấu tranh phi chính trị. 

Nếu được gọi Tự Do-Dân Chủ là một "món hàng" (chỉ dùng để diễn ý và xin bạn đừng quở trách) thì với nhiều đối tượng Tự Do-Dân Chủ chưa hẳn là thứ DUY NHẤT cần được "rao bán" hoặc là "món hàng" ĐẦU TIÊN cần gọi mời. Nhưng nó sẽ là "món hàng" sau cùng, giá trị nhất mà người dân của một đất nước văn minh phải có. Lúc ấy, không cần giải thích, ai cũng biết rằng có được "món hàng" này rồi thì mọi thứ khác đều có thể đạt được. Và vì thế họ sẽ trân quý, bảo vệ và phát huy nó bằng mọi giá.

Đòi hỏi 

Chắc hẳn đã rất nhiều lần chúng ta đọc được những tuyên cáo, thông báo, kiến nghị như sau: “chúng tôi cực lực phản đối… chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền / chính phủ / đảng phải ngay lập tức và vô điều kiện...” Điều gì xảy ra sau đó? Chắc hẳn chúng ta đều biết. Trong lãnh vực chính trị người ta gọi đây là đấu tranh biểu kiến. Nó có thể đáp ứng nhu cầu tạo sự quan tâm dư luận hay thỏa mãn được nhu cầu tâm lý bức xúc nhất thời dù biết rằng đòi hỏi ấy chẳng bao giờ được đáp ứng. 

Xin gửi đến các bạn một câu chuyện “giả tưởng”: 

Một bạn sinh viên tên là Dân cần một… bao gạo để đủ ăn cho qua khóa học. Nhưng không đủ tiền mua. Tất cả lúa gạo trong tỉnh đều bị “THAO TÚNG” bởi vài ông chủ vựa tham lam, tàn ác và nhiều quyền lực. Làm thế nào bạn ta có thể có gạo để ăn? 

Sau nhiều ngày suy nghĩ, biết một mình không thể làm được gì, Dân đã gửi hàng loạt nhiều kêu gọi trên các trang mạng vận động nhiều người cùng tham gia – ­Hãy đến trước cửa hàng bán gạo và yêu cầu ông chủ vựa phải ngay lập tức và vô điều kiện đưa cho chúng tôi mỗi người một bao gạo; đúng ra nó là tài sản của chúng tôi! 

Trên các diễn đàn cũng có một số người lên tiếng đồng tình. Ngày N đến. Chỉ có mình Dân đi qua đi lại trước cửa hàng. Một mình nên không dám vào. 

Lại thêm nhiều ngày suy nghĩ. Thực tế cho bạn ta một bài học: Không thể chỉ biết tập trung vào những ước muốn của mình mà phải tập trung vào khả năng đang có. CHƯA thể đòi hỏi một điều mà ngay từ đầu kẻ bị đòi hỏi chắc chắn không nhượng bộ. Và Dân lên kế hoạch cụ thể: 

Tuần thứ 5, Dân sẽ chọn một cửa hàng bán gạo, vào gặp ông chủ cửa hàng một cách đàng hoàng và trình bày: 

Nếu ông HẠ GIÁ 50% bao gạo này: 

1. Tôi sẽ khoe với nhiều người gạo ông bán thật tốt và cửa hàng của ông đã bán cho tôi với một giá cực rẻ. Thế là ông được tôi quảng cáo cho ông mà ông chỉ tốn giá vốn rất bèo của bao gạo này. 

2. Tôi sẽ thuyết phục đám bạn tôi cùng mua gạo ở cửa hàng của ông. Thế là ông bỏ ra 1 bao gạo mà bán thêm được 10 bao nữa và có thêm 10 thân chủ cho cửa hàng. 

3. Tôi sẽ viết một bài viết trên trang blog của tôi và sẽ khen ngợi ông BIẾT ĐIỀU HƠN MẤY ÔNG CHỦ TIỆM KHÁC. 

4. Ông nghĩ kỹ đi: CẢ HAI BÊN ĐỀU CÓ LỢI. 

Bạn ta tạm thời “quên và bỏ qua” chuyện ông chủ tiệm tham lam, độc ác… 

Bạn cũng dự phòng tình huống ông chủ tiệm nghe xong, không cần ngẫm nghĩ, tống cổ mình ra khỏi cửa hàng. Vì thế kế hoạch của Dân là mỗi ngày trong tuần, tiếp tục trở lại và kiên nhẫn thuyết phục. Dân cũng phòng trước cả tuần cũng không xong nên chuẩn bị cho tuần thứ 6, Dân sẽ trở lại gặp ông chủ tiệm với một thái độ “nâng cấp”: 

Nếu ông KHÔNG HẠ GIÁ 50% bao gạo: 

1. Tôi sẽ thuyết phục các bạn của tôi không bao giờ đặt chân đến cửa hàng của ông nữa. 

2. Tôi sẽ viết bài ở trang blog của tôi, rủ rê đám bạn trên Facebook, Multiply, WordPress, Blogspot... của tôi tiếp tay viết bài và cùng nhau vào những trang blog nổi tiếng và viết ý kiến của chúng tôi vào đấy, nói rằng cửa hàng của ông phẩm chất rất tồi, ông là người tham lam, ăn cắp của công và đặc biệt là ông rất ghét đám sinh viên chúng tôi, khinh miệt lũ sinh viên chết đói và vu khống sinh viên chỉ vào cửa hàng để tìm cách ăn cắp gạo. 

Với thái độ “nâng cấp đấu tranh” từ thương lượng đến hăm dọa này, bạn ta cũng dự phòng rằng khi ông chủ tiệm nghe xong cũng sẽ nâng cấp từ chuyện tống cổ khỏi tiệm sang đến việc kêu đám đệ tử công an tới bắt cho bõ… ghét. Vì thế, Dân đã thông báo việc mình làm công khai trên mạng cùng với hình ảnh, thân thế cũng như “khát vọng” của mình (mà Dân biết cũng là ước ao của nhiều bạn sinh viên đang đói meo như mình). 

Sang đến tuần thứ 7

Nếu ông NHẤT ĐỊNH KHÔNG HẠ GIÁ: 

1. Sau giờ học tôi sẽ ngồi lì trước cửa tiệm của ông và nói với ông đi qua bà đi lại là ông là người rất tham lam và bán hàng với giá cắt cổ. 

2. Tôi sẽ bày ra trò chơi với đám sinh viên thích nghịch phá trong trường bằng cách rủ chúng kéo cả đám tới tiệm ông xem xét mọi thứ hàng trong cửa tiệm, thử hết cái này đến cái khác, hỏi nhiều câu hỏi, trả giá mọi mặt hàng… nhưng sẽ không mua bất cứ món gì. Và tụi nó sẽ kéo nhau đến vào những lúc cửa hàng của ông đắt khách nhất. Ông sẽ khó lòng mà biết ai là những đứa bạn tinh nghịch của tôi và ai là khách hàng thực sự của ông. Và vì thế ông sẽ bị mất khách. 

3. Tôi và đám bạn sẽ thuyết phục cha mẹ chúng tôi, kêu gọi nhiều bạn khác trên mạng làm tương tự để tẩy chay từ cửa hàng cho đến chính CÁ NHÂN ông. Khi ông ra đường sẽ không ai nhìn mặt ông, nói với ông một tiếng nào và cười khúc khích với nhau sau lưng ông. 

4. Tôi sẽ “không ngăn cản” những đứa đang “ở thành phố khác” viết thư gửi cho bố mẹ ông, vợ con ông, bạn bè ông, hàng xóm của ông để tố giác những sự tham lam, những hành vi sa đọa của ông mà ông biết ai đọc cũng tin chắc đó là sự thật. Tôi cũng không ngăn tụi nó việc tố giác cửa hàng nào là của con gái ông, tiệm nào là của vợ ông, dịch vụ nào thuộc về bà vợ bé của ông để mọi người biết mà tẩy chay. 

5. Còn nhiều thứ mà tôi biết chúng đang lên kế hoạch nhưng dấu chưa cho tôi biết… Tôi chỉ muốn nói một điều mà chắc ông cũng biết và lo canh cánh ngày đêm: ai cũng đang muốn giành lại những vựa gạo mà đúng ra là của họ. 

Từ thương lượng bạn ta chuyển sang hăm dọa và đến tấn công. Tới tuần thứ 8, 9, 10…: bạn ta tiếp tục nâng cấp “việc tranh đấu tấn công” của tuần thứ 7 và với nhiều người tham dự hơn, tiếng đồn vang ra xa hơn qua mạng lưới Blog, Facebook… của các bạn sinh viên. 
Bạn đọc sẽ hỏi tại sao lại bắt đầu từ tuần thứ 5

Bởi vì những tuần trước đó người sinh viên phải chuẩn bị những “khả năng”cho bạn ấy như sau: 

1 Tìm hiểu để BIẾT CHẮC CHẮN rằng cũng có nhiều sinh viên đang đói, không đủ tiền mua gạo và bất mãn những tên chủ cửa hàng gạo. 

2 Viết bài và phổ biến rộng rãi để nói lên sự bất công từ đó tạo sự quan tâm, đồng tình và gia tăng bất mãn từ sinh viên.

3 Thuyết phục và huy động để có được một số người đồng ý sẽ tẩy chay cửa hàng của ông chủ ác ôn khi cần đến. 

4 Thành lập được đội ngũ những người cùng chí hướng (đang đói meo!) để sẵn sàng tấn công ông chủ tiệm trên mạng. 

5 Rủ rê được một nhóm bạn sẵn sàng tham gia tiến trình “phá đám”, vào cửa hàng giả bộ làm khách mà không mua. 

6 Tìm được một số bạn trên mạng giúp điều tra thân thế, gia đình, hành vi bất lương, mạng lưới kinh doanh của ông chủ tiệm và gia đình ông ta. 

7 Tìm hiểu trong giới chủ vựa, AI LÀ BẠN – AI LÀ THÙ của ông chủ cửa hàng này. 

8 Lượng giá mọi phản ứng có thể xảy ra từ ông chủ cửa hàng. 

9 Thu xếp thì giờ, hoàn cảnh gia đình và lượng giá mọi rủi ro xấu nhất có thể chấp nhận được để có thể tiến hành cuộc đấu tranh đòi gạo. 

10 … 

Tất cả những chuẩn bị về khả năng này, bạn sinh viên không nhất thiết phải cần có một tổ chức, một lãnh tụ nào cả. Điều mà bạn ấy cần là: 

1 Xác định rõ ràng điều MÌNH MUỐN cũng là điều mà NHIỀU NGƯỜI ĐANG RẤT CẦN, sẵn sàng chấp nhận khó khăn để đồng ý tham gia. 

2 Chứng minh được (ít ra với một số người bạn tin tưởng) về một kế hoạch được soạn thảo chu đáo với từng bước cụ thể và dự phóng cho những biến chuyển của tình huống – nhất là phản ứng của ông chủ tiệm và những gì mình và các bạn có thể chấp nhận được. 

3 Có được một mạng lưới thông tin, trao đổi và điều hành những diễn biến. 

4 Quan trọng hơn, khi không hoàn tất được những chuẩn bị cần thiết, Dân biết rằng mình chưa thể có chuyện “xuống đường”. 

5 Cuối cùng, ngay khi đã hoàn tất xong “chiến dịch đòi gạo”, dù không thành công, Dân cũng đã chuẩn bị một anh chàng Dân khác, trở lại cửa hàng và mở hàng bằng kiểu thuyết phục “cả hai bên đều có lợi”. Ông chủ tiệm sau một thời gian cũng mệt mỏi, nhức đầu với Dân số một thì biết đâu chừng sẽ nhượng bộ người Dân thứ hai này. 

Trong việc đòi hỏi này, Dân đã tự xác định rằng LÃNH TỤ của Dân là niềm khao khát thực sự của nhiều người, NHÂN SỰ là những người bạn bình thường trong trường, trên mạng, và TỔ CHỨC chính là kế hoạch và phương tiện thông tin. 


Câu chuyện chỉ có vậy. Kết quả của công cuộc “đấu tranh đòi gạo”của Dân tùy theo bạn đọc lượng giá. 

Dân có thể thành công vì ông chủ tiệm nhượng bộ. Cũng có thể ông chủ tiệm gọi công an đến nhà bắt nguội ngay trong tuần thứ 6 như Dân đã dự phòng trong kế hoạch. Hoặc Dân thành công là nhờ trời đất nổi cơn giá lạnh ở đâu chợt kéo tới và nghèo, lạnh chồng thêm lên đói làm cho nhiều sinh viên đã nhất quyết vùng lên – điều mà Dân không ngờ trước khi ngồi viết bản kế hoạch. Hoặc biết đâu Dân lại thành công vì tình cờ có một người bức xúc quá vì gạo do gia đình mình làm ra mà bây giờ chính mình và con cái lại đói, đến cửa hàng bị người ta làm nhục nên… tẩm xăng đốt xác mình. Đói, lạnh lại được chồng chất thêm với nỗi căm phẫn. Nhưng sự tình cờ của ngọn lửa đó chắc cũng khó lây lan nếu Dân đã không có những mạng lưới thông tin liên lạc, những người bạn đồng hành và một kế hoạch cụ thể. 

Dân có thể chưa đạt được mục tiêu lần này. Nhưng Dân chắc chắn rằng mình đã ít nhiều tạo những khó khăn, thiệt hại cho ông chủ tiệm ở nhiều phương diện khác nhau qua tiến trình đòi hỏi. Đối với Dân, đó là một chiến thắng nhỏ. 

Dân cũng tin rằng cho dù chưa lấy lại được gạo nhưng Dân đã từng bước xây dựng được một mạng lưới bạn bè, thông tin. Chưa đủ lớn nhưng đó là nền tảng cho những nỗ lực đòi hỏi kế tiếp. Đối với Dân, đó cũng là một chiến thắng. 

Sau khi làm xong kế hoạch, ngay cả vì lý do nào đó không thực hiện được Dân vẫn biết rằng: nếu chỉ biết đòi hỏi suông thì không những nắm chắc thất bại mà còn làm nản lòng chính mình lẫn nhiều người khác; Nếu chỉ hăm dọa suông mà không có khả năng tấn công hay tạo áp lực và làm thiệt hại, dù nhỏ nhoi cho đối phương, thì chỉ làm cho kẻ độc ác càng huênh hoang. 

Thời gian của câu chuyện giả tưởng trên kéo dài vài tuần. Trong đời thường của chúng ta đôi khi lại là nhiều năm. Nhiều năm chỉ để được một điều: khi câu nói “xuống đường đi” được cất lên, trước đó đã là một tiến trình suy nghĩ, chuẩn bị, xây dựng và thực tập, thao diễn đầy cam go.

Câu chuyện giả tưởng tương tự như trên được kể bởi Srdja Popovic nhiều năm về trước tại Seville và nó lại được thuật lại bởi Mohamed Adel vào một buổi tối mùa hè 2012 tại quán cà phê ở Amman. Anh đã áp dụng bài học này cho nỗ lực tranh đấu giúp công nhân đòi tăng lương - nỗ lực đã giúp gầy dựng nên uy tín của Phong trào April 6 - Sáu tháng 4 trước khi anh và các bạn của anh giương cao khẩu hiệu Tự Do Dân Chủ cho đất nước Ai Cập. 

*
Độc tài "một thằng" hay độc tài "cả lũ"?

Họ tiến về quảng trường Giải Phóng, tay này cầm điện thoại tay kia giơ cao tấm hình Muhammad Hosni Sayyid Mubarak với hàng chữ "Mubarak phải ra đi"

Họ hò reo khắp phố phường. Những pano vĩ đại của tên độc tài "vĩ đại" ngày hôm qua đang bị xé xuống. Lăn lóc đầy đường phố Tunisia là những tấm bảng cầm tay có hình của Zine El Abidine Ben Ali và chữ X màu đỏ gạch chéo. 

11 năm về trước, những sinh viên của phong trào Otpor - Phản Kháng, đêm đêm trên khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố Belgrade đã thả tờ rơi, viết lên tường một câu đơn giản "ГOTOB JE! - hắn đã hết thời". Cạnh hàng chữ là chân dung màu đen của Slobodan Milošević. Vài tháng sau, ngày 7 tháng 10 năm 2000, hàng trăm ngàn người dân tại trung tâm thủ đô của Serbia đã cùng nhau reo hò lời chiến thắng: "No More Milošević"

Mubarak, Ben Ali, Milošević là những tên độc tài đã từng gieo kinh hoàng cho toàn dân Tunisia, Egypt và Serbia. Đằng sau mỗi tên là cả một hệ thống độc tài khổng lồ. Tự thân Mubarak, Ben Ali và Milošević không thể ngồi ở đỉnh cao quyền lực, đè đầu đè cổ nhân dân suốt nhiều năm dài. Những tên này cũng không phải là tội phạm duy nhất đã gieo nhiều tai ương cho cả đất nước. Sau lưng mỗi tên là cả một tập đoàn tội ác bao gồm hệ thống quân đội, công an mật vụ, bộ máy tuyên truyền, các ban ngành chính phủ, những tập đoàn kinh tế, và một quá trình hào quang được tạo dựng, đánh bóng cho lãnh tụ vĩ đại và đảng cầm quyền quang vinh. Đó là một guồng máy, một tảng núi đá khổng lồ. 

Chọn lựa chiến lược của phong trào phản kháng Serbia, Tunisia, Ai Cập là không tấn công vào tảng núi đá đó. 

13 năm về trước, những thành viên của Otpor đã chấm dứt cuộc tranh luận có nên tiếp tục lên án và tấn công cả một tập đoàn khát máu và quyết định tập trung tấn công vào tên đầu não. Tiếng pháo lệnh đầu tiên là chiến luợc "Nó thối nát. Nó sẽ đổ" và thông điệp gửi đến quần chúng xác định nguyên nhân, nguồn gốc của mọi sự thối nát là Milošević. Cùng lúc, viễn ảnh về một Serbia của tương lai được đưa ra: đất nước ngày mai vẫn cần những người công an, những chiến sỹ quân đội, những nhân viên guồng máy chính phủ... và trong viễn ảnh tương lai ấy tất cả những người này sẽ được tôn trọng và làm việc theo đúng chức năng thực sự cao quý trong vai trò đúng nghĩa của mình. Kết quả là những nòng súng đã chỉa đầu xuống đất. Vào ngày cuối cùng của cuộc cách mạng, hàng ngàn chiếc xe tư nhân trên khắp nẻo đường Serbia đổ về Belgrade. Quân đội đứng nhìn. Công an làm ngơ. Milošević ra lệnh không quân thả bom vào hàng trăm ngàn người đang tụ tập ở trung tâm thủ đô. Người phi công bất tuân mệnh lệnh và bay ngược về lại căn cứ. Đó là giây phút nắm giữ quyền lực cuối cùng của Milošević và cũng là khởi đầu cho sự sụp đổ tan tành của cả một guồng máy thống trị. Người dân Serbia đã không phải chào đón Tự Do và Dân Chủ trong hoang tàn, giết chóc và phân tán lòng người. 

Tại Libya, người phi công trên vùng trời Benghazi đã từ chối mệnh lệnh của Gaddafi thả bom lên đầu người dân. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Abdul Fattah Younis al Abidi từ nhiệm và đứng về phía người dân. Hàng loạt viên chức cao cấp, đại sứ - tiếng nói của Gaddafi trên diễn đàn quốc tế cùng nhau lên án thủ lãnh của họ. Họ không phải là những người tử tế. Họ đã bao nhiêu năm cùng với Gaddafi xây dựng bộ máy nghiền nát con người. Nhưng họ đổi chiến tuyến vì người dân Ai Cập đã dành cho họ một lựa chọn sống còn. 

Những gì xảy ra tại Serbia 11 năm về trước đã xảy ra tại Trung Đông và Bắc Phi. Người dân tại các nước này đã quyết định không lên án, tấn công vào bộ máy công an mật vụ vốn là nỗi ám ảnh kinh hoàng trong bao năm tháng. Họ cũng đã không đặt đối tượng nhắm tới là đảng Dân Chủ Quốc Gia, đảng cầm quyền đã nắm giữ hết mọi đặc quyền đặc lợi trong suốt 30 năm. Họ đã dồn hết nỗ lực tấn công tên độc tài đầu não. 
6 năm trước tại một thành phố nổi tiếng tập trung những loại rượu ngon của Tây Ban Nha, và những con đường thơm hoa cam với những hàng cam sai trái dọc khắp thành phố, những con người lý tưởng của nhiều vùng đất xa xôi đã gặp nhau. Đất nước họ đang chìm sâu trong bóng tối độc tài. Mỗi người đều nghĩ rằng tình trạng đất nước của mình là tăm tối nhất. Người dân sợ hãi đến hèn nhát. Chủ nghĩa Mackeno không phải là đặc thù cho đất nước riêng ai. Ở quê hương của mỗi người đều có một hệ thống công an mật vụ dày đặc và là những con chó săn tuyệt đối trung thành với chủ. Những đám mây đen phủ kín mang tên tuyệt vọng của đất nước họ đều có hình thù như nhau. Họ là những người đến từ Bắc Phi, Trung Đông, từ Á Châu Thái Bình Dương, Tây Tạng, Miến Điện. Họ không phải là những chính trị gia, có những người đã rời bỏ đảng phái. Họ là những con người độc lập tin vào sức mạnh của phong trào quần chúng và vũ khí truyền thông mạng. Trong những người này, ngày hôm ấy có những thành viên lãnh đạo của phong trào Otpor đã bị Milošević kết án tử hình vắng mặt năm nào. 
Cuối năm 2010, đầu năm 2011, những thanh niên thiếu nữ Tunisia, Ai Cập xuống đường tay cầm điện thoại di động, tay kia đưa cao hình ảnh của tên độc tài bị gạch chéo. Thấp thoáng giữa rừng người và biểu ngữ kêu gọi Tự Do là một lá cờ màu đen với hình nắm đấm "phản kháng" đưa lên. Đó là biểu tượng mà cách đây 11 năm, đã có những thanh niên thiếu nữ vẽ lên tường, lên mặt, trên áo, đã thể hiện bằng chính đôi tay của mình. Đó là biểu tượng của Otpor trong chiến lược "ГOTOB JE! - hắn đã hết thời"

______________________________________
Đọc thêm:
Cuộc cách mạng của Sợ Hãi (phần 1)

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2013/02/gop-soi-lot-uong.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001