Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Từ Ngô Kha, soi rọi và giải mã một thế hệ dấn thân

|
Ngô Kha
Ngô Kha
Có lẽ nhiều người thích mấy câu thơ sau đây của Ngô Kha:
con đã đi bao năm
mẹ không rời ngưỡng cửa
và nay
gió cũng tang bồng
nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu
Có cái gì lãng mạn, hào sảng và cũng bi tráng, chứa đựng nhiều ẩn ngữ và dự báo như chính cuộc đời anh: Nhà thơ tài hoa, nhà giáo nồng nhiệt, kẻ dấn thân tranh đấu hào hùng, chiến sĩ cho tự do, người làm cách mạng, bị tù đày, chết vì bị thủ tiêu khi còn trẻ và cuộc chiến đấu còn dở dang.
Tôi không quen Ngô Kha dù anh và tôi có thời gian cùng tham gia tranh đấu ở thành phố Huế trong giai đoạn 1963-1966. Tôi kém anh gần 10 tuổi, thời trung học không học ở Huế nên không là học trò hay đàn em của anh như một số bạn bè cùng lứa. Thời gian tranh đấu tôi chủ yếu hoạt động trong môi trường đại học. Tuy nhiên tính từ 1963-1975, có thể nói những người lứa tuổi 20, 30, là thầy trò, bạn bè, lứa trước lứa sau, đều cùng chung một thế hệ, thế hệ chiến tranh. Trong thế hệ đó, dù mất sớm, Ngô Kha nổi lên và tồn tại như một tượng đài bí ẩn.
Về thơ ca và cuộc đời của Ngô kha đã có nhiều bạn bè, những người gần gũi viết rất hay. Ở đây tôi muốn có một cách tiếp cận khác. Đó là từ cuộc đời Ngô Kha, tôi muốn soi rọi lại chính mình và bạn bè cùng thế hệ, những người đồng dáng, để giải mã một thời dấn thân mà cho đến hôm nay vẫn còn những nhìn nhận và đánh giá khác nhau.
*
Thời sinh viên, ngoài ảnh hưởng của sách vở, các giáo sư và bè bạn, những sự việc sau đây ảnh hưởng mạnh đến suy tưởng của tôi về thời kỳ mình đang sống.
Một hôm, cùng với nhiều người, tôi thấy một xác chết trôi dạt trên dòng sông Hương, tấp vào gần bến Thương Bạc. Đám đông xôn xao bàn tán, người bảo là xác Việt Cộng, kẻ bảo là dân thường và đưa ra những bình luận trái chiều. Tôi chỉ đau đớn thấy đó là một người Việt Nam, nạn nhân của cuộc chiến trên đất nước mình.
Nhóm sinh viên chúng tôi theo dõi và thán phục tinh thần làm việc của mấy anh chàng lính công binh Mỹ cởi trần lái xe ủi san mặt bằng để làm trường Đại Học Sư Phạm mới, nơi năm sau chúng tôi sẽ vào ngồi học. Cũng nhóm sinh viên đó đã vô cùng phẫn nộ khi một đám lính Mỹ đi hành quân về, ngồi trên xe Jeep lái bạt mạng, uống bia, la hét, ném lon vào người đi đường và làm một ông già đạp xích lô té chổng gọng. Riêng tôi, sau đó còn tình cờ chứng kiến một nhóm lính Mỹ tắm trần truồng trên dòng sông bên quốc lộ 1, làm khách đi xe đò phải xấu hổ quay mặt đi và tôi cảm thấy vô cùng nhục nhã.
Các cuộc tranh đấu mà tôi tham gia, đặc biệt cao trào Biến động Miền Trung năm 1966, sinh viên học sinh đã làm một số việc gây chấn động: Chiếm Đài Phát thanh Huế làm đài phát thanh tranh đấu; tham gia bắt cóc trung tướng Phạm Xuân Chiểu; giải tỏa kẽm gai ngăn lối trên đường Duy Tân, nơi có phái bộ MAAG của Mỹ đóng trụ sở; đốt Tòa Lãnh sự Mỹ; ra tuyên cáo không bảo đảm tính mạng cho người Mỹ nếu người Mỹ không đến xin lỗi vì một toán lính Mỹ đã xé khẩu hiệu “Yankee go home” do sinh viên căng trước khuôn viên trường đại học; thành lập các Đoàn Sinh Viên Quyết Tử đi chi viện cho phong trào các tỉnh bạn…
Tôi tham gia vào các biến động này với một nhiệt tình lửa cháy và sự lãng mạn lạ lùng.
Trong lời mở đầu phát cùng với nhạc hiệu bài Mẹ Việt Nam của Phạm Duy trước mỗi buổi phát thanh của Đài Phát thanh tranh đấu do tôi được phân công phụ trách, tôi viết:
Đây là tiếng nói của những người Việt Nam gầy gò rách rưới, sinh ra và lớn lên trong nhọc nhằn, trong chiến tranh, khốn khó, tự nhận lấy trách nhiệm làm chủ vận mệnh của lịch sử.
Đây là tiếng nói của những người sẵn sàng chiến đấu gian khổ, sẵn sàng đổ máu và hiến dâng thân xác gầy trơ xương để làm kẻ BIẾT SỐNG, DÁM CHẾT CHO DÂN TỘC VÀ TỰ DO.
Tiếng nói này phát khởi từ một vùng sôi động nhiệt tình, luôn luôn vang dậy lời gào thét cuồng phẫn đòi quyền sống làm người từ rất lâu trong quá khứ.
Tiếng nói này sẽ đi qua thành phố, làng mạc, qua rừng qua biển, đến tận mọi hang cùng ngõ hẻm để kêu gọi người Việt Nam cùng sống trên một mảnh đất xanh xao khô héo về dựng tương lai cho đất nước này.
Tiếng nói này là lời chung của người Việt Nam trọn lịch sử khát mơ sống thanh bình giữa đồng lúa xanh và câu hò giọng hát nhưng đã phải trả giá bằng tủi hổ nhục nhằn suốt nhiều thế kỷ.”
Có lẽ trên thế giới không có một đài phát thanh nào có lời mở đầu cuồng nộ và lãng mạn như thế.
Khi giải tỏa đường Duy Tân, tôi cầm máy ứng khẩu trên xe phóng thanh dẫn đầu đoàn biểu tình của sinh viên:
Chúng ta đang dẫm những bước đầu tiên trên con đường chúng ta đã khai mở. Người Mỹ đã để lại trên đất nước chúng ta nhiều dấu vết ô nhục. Tại sao chúng ta không có quyền đi trên những con đường xanh thơm của quê hương. Chúng ta làm chủ đất nước hay chỉ là những tên nô lệ. Chúng ta không thể mãi khom lưng cúi đầu trước những tên ngoại quốc tàn bạo giả dối. Chúng ta phải đứng lên chiến đấu giành lấy tự do cho dân tộc. Bây giờ, lần đầu tiên, chúng ta rửa được vết ô nhục. Đã hai năm rồi, chúng ta lạ lẫm sợ hãi con đường này. Chúng ta bắt buộc phải chấp nhận những vùng cấm địa của ngoại quốc trên đất nước chúng ta. Chúng ta đã sống trên một quê hương thuộc địa. Chúng ta đã bị chà đạp. Chúng ta đòi hỏi người Mỹ phải thay đổi thái độ. Người Mỹ đến đây với danh nghĩa đồng minh, người Mỹ phải đến như một người bạn với thiện ý thực lòng, không phải đến như một chủ nhân quỷ quyệt và tham lam. Chúng ta khai thông con đường này để bảo cho người Mỹ biết chúng ta công phẫn trước sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam  sâu xa của họ. Người Mỹ phải dừng lại trong những giới hạn thân hữu và thiện tâm. Với đường lối hiện tại người Mỹ sẽ trở thành kẻ thù của người Việt. Dù đất nước chúng ta nhược tiểu, chậm tiến, chúng ta đòi hỏi tương giao bằng hữu với bất cứ quốc gia nào cũng phải đặt căn bản trên bình đẳng. Bởi chúng ta tự trọng và tôn trọng con người. Bởi chúng ta yêu tự do và mong ước những kết giao nhân loại đẹp đẽ. Bất cứ hình thức thực dân ngụy trang nào chúng ta cũng nhận ra và thù ghét. Vấn đề của người Mỹ đối với chúng ta đã quá rõ ràng. Chúng ta đòi hỏi họ phải thay đổi tức khắc chính sách can thiệp. Chúng ta khai thông con đường này để cảnh cáo người Mỹ và bày tỏ quyết tâm của chúng ta.
Lúc Đoàn Sinh Viên Quyết Tử 3 vào Quảng Tín bị một tiểu đoàn lính Biệt chính bao vây trên đường phố, chúng tôi tay không đi diễn hành trước mũi súng, hát những bài ca yêu nước.Với tư cách Đoàn trưởng, tôi dùng loa nói với họ:
Thưa tất cả các bạn. Thưa toàn thể đồng bào. Chúng ta đều là người Việt Nam. Chúng ta đều là họ hàng anh em. Không có lý do nào và không ai có thể bắt chúng ta trở thành thù nghịch. Trước khi là tín đồ một tôn giáo, đảng viên một đảng phái, chúng ta, bất cứ ai, cũng phải là người Việt Nam trước đã. Bởi chúng ta có cùng một lịch sử, một quê hương, một giòng máu. Bởi chúng ta cùng sướng, cùng khổ, chia ngọt sẻ bùi qua bao nhiêu biến cố trong một thời gian dài lâu bền vững. Chúng ta có với nhau quá nhiều ràng buộc. Nhất là trong lúc này. Đất nước đang bị tàn phá hủy hoại trong cuộc chiến tranh tàn khốc. Không ai trong chúng ta không lo âu hãi hùng  trước viễn tượng kinh hoàng sắp xẩy đến. Chúng ta phải chung lưng đấu cật để sống còn hay chúng ta chia rẽ nhau để tự sát. Chúng ta giết nhau nghĩa là chúng ta giết anh em bạn bè, bà con mình, nghĩa là chúng ta tự giết. Trong chúng ta đâu có ai nỡ làm như thế. Điều đó chắc chắn. Không ai nỡ lòng và không ai làm thế được.
Dĩ nhiên chúng ta có nhiều tiểu dị về chính kiến, về tôn giáo, về hoàn cảnh cá nhân, nhưng chúng ta có đại đồng. Bởi chúng ta yêu tự do, thù ghét nô lệ và áp bức, khao khát sống yên vui thanh bình nên chúng ta không vì tiểu dị mà xóa bỏ đại đồng. Tiểu dị là sông. Đại đồng là biển. Và sông nào cũng chảy về biển cả. Người Việt nào cũng là người Việt. Có người Việt nào không là người Việt không. Chúng ta phải xóa bỏ hận thù lầm lẫn để nắm tay nhau vui cười trò chuyện.
Lính hai bên đường vẫn im lặng đứng nhìn nhưng nét mặt họ đã dịu. Súng đã buông xuống hay khoác lên vai. Một vài người mệt mỏi ngả mình trên bực cửa. Vài người tựa bên thân cây cúi đầu. Có cái gì xao xuyến, dâng lên khắp nơi. Một tiếng thở e dè nào đó sau cánh cửa. Một cánh tay buông thõng, một bắp thịt căng thẳng duỗi dài. Không gian chùng xuống, loãng ra. Đoàn sinh viên vẫn đều bước. Họ quay lại đi lần thứ hai trên con phố chính. Họ hát bài ca của chính họ đặt ra:
” Tôi đi về Quảng Tín, qua bao ngày chinh chiến, người dân tôi đổ mồ hôi, xương máu rơi…, không hết lời.
Đường về làng tôi hư, đồng ruộng vườn tôi hoang, nói cùng tôi, ai ơi nói cùng tôi, tương lai còn có gì?
Gặp một người thân yêu. Gặp ngàn người thân yêu. Nói cùng tôi, ai ơi nói cùng tôi, ai ơi còn nhớ gì ?
Quảng Tín vùng lên, Quảng Tín vùng lên…”
Đoàn sinh viên mắt ngời sáng, hát say mê, bước đi say mê, trước mũi súng. Và mũi súng đã hạ xuống. Vì súng cầm trên tay, tay trên thân thể, thân thể có một con tim. Và con tim đã rung động bàng hoàng.
Năm 1967, sau khi phong trào tranh đấu bị đàn áp, tôi bị bắt giam hơn nửa năm cuối của đại học. Trong Trại Tạm Giam của Trung Tâm Thẩm Vấn, tôi nhìn qua cửa sổ, ngưỡng mộ một cách tuyệt vọng cô gái trẻ xinh đẹp mặc áo lụa vàng, dép quai nhung, tóc bay bay trong gió, hàng ngày đi làm cho một cơ quan Mỹ gần đó. Một thời gian sau tôi quyết định không dõi nhìn cô nữa vì trong tôi đã bắt đầu cháy lên ngọn lửa thiêu xiềng hủy xích. Tôi kết bạn với một du kích bị tù đã 3 năm, được trả tự do nhưng chưa được về vì địa phương không nhận. Anh nói: “Cần gì ai nhận. Cứ ra khỏi cánh cổng nhà tù là hổ đã về rừng”. Chúng tôi trò chuyện rất nhiều và khi chia tay vì anh bị chuyển đi nơi khác, tôi chỉ có nửa chiếc khăn mặt chia đôi với anh làm kỷ niệm và cảm giác sẽ là một chia ly vĩnh viễn hoặc bi kịch hơn, một lúc nào đó, chúng tôi đối diện nhau nơi một bìa rừng, hai bên đều cầm súng, đạn đã lên nòng.
Tôi viết bài thơ xuôi sau đây sau nhiều ngày nhìn thấy một trường học bên ngoài trại giam  qua khung cửa sổ bé tí có song sắt :
Đoản ca trại giam và trường học.
1* Các em đứng ở ngoài kia, áo xanh áo đỏ áo hồng. Trời cuối đông không mưa, gió heo may thoang thoảng chớm vị mùa xuân trở mình. Tôi đứng ở đây nhìn các em, qua một hàng rào song sắt, qua một tường thành mọc đầy thép gai rét ẩm, qua một ao hoa bèo hoa súng bùn lầy, đến con đường các em đang đứng. Tôi không nghe thấy gì nhưng tôi biết chắc các em nói chuyện vui đùa, chuyện học trò, chuyện tình yêu, chuyện người này kẻ khác.
2* Tôi nhìn thấy và nghĩ về các em một cách thật sôi nổi và lặng thinh. Chắc chắn các em không hay biết gì. Chắc chắn các em không hề nghĩ tưởng rằng tôi có mặt. Khoảng không gian ngăn cách tôi và các em có như một tình cờ vô nghĩa. Chỉ có sự xôn xao từ tôi khởi đi rồi mất hút trong vùng gió hắt hiu. Tôi thấy mình chôn chân và mọc rễ ở đây, sau hàng chấn song, và tầm mắt, tầm nghĩ tưởng vươn đi như một khát vọng. Áo và tóc của các em rung rinh uyển chuyển như áo và tóc cô bé tôi yêu, như áo và tóc bao nhiêu đứa bé gái khác đang đi trên đường phố. Tôi không được nhìn gần mặt nhưng tôi thấy rõ các em mắt sáng môi hồng, các em dáng thanh mai dịu hiền.
3* Sau lưng các em là ngôi trường học xinh xắn, gọn gàng, cửa sổ sơn xanh, bờ tường quét vôi trắng. Tôi không nghĩ đó là trường Đồng Khánh, Quốc Học, Bồ Đề, Nguyễn Du. Tôi chỉ nhận ra ngôi trường thấp thoáng sau hàng phượng vĩ xanh mầu lá thắm, nơi các em đang bình an trong tuổi thơ, nơi tôi đã bình an một tuổi thơ thuộc về quá khứ.
4* Các em đứng đó rồi các em vô tình bỏ đi khuất sau một dãy phố. Tôi chợt thấy ngơ ngác bàng hoàng. Tôi chợt thấy mất đi thật thảng thốt bóng dáng của một thương yêu hạnh phúc vô vàn. Ngôi trường vẫn lặng lẽ, con đường vẫn im trôi không lời không tiếng.
5* Người lính gác ra đứng tiểu ở bờ tường thép gai khi tôi vừa mất các em ở ngoài tầm mắt chới với. Tôi quay mặt vào bên trong, ánh sáng bóng tối nhập nhòa chập choạng. Mười mấy người ốm yếu xanh xao nằm ngồi lố nhố im hơi không cười không nói. Có phải chúng tôi vào đây để các em được vui đùa ca hát. Có phải chúng tôi la liệt ho hen trên sàn nhà ẩm ướt để các em được cắp sách bước chân chim sẻ đến trường.
6* Chung quanh các em, chung quanh chúng tôi , chung quanh chúng ta là biên giới rừng núi bãi cát thép gai sắt máu khói lửa, không như đường dấu cộng các em vẽ trên bản đồ. Quê hương không còn là bình nguyên xanh tươi, thành phố phồn hoa, cao nguyên hiền lành, sông ngòi quanh co trù phú. Quê hương đã mọc đầy loài dây leo mắt gai lởm chởm, quê hương là trận địa tàn sát đồng bào, quê hương là bar- restaurant xanh vàng đỏ tím.
7* Các em là người Việt, chúng tôi là người Việt. Các em ngây thơ vui đùa, chúng tôi tù đày cằn cỗi. Rất ít kẻ tự nguyện làm phân bón một cách khôn ngoan sáng suốt.
Tôi rời chấn song và viết những điều này bên cạnh mấy thùng nước tiểu bốc mùi khai      nồng nặc.
8* Mỗi sáng mỗi chiều tôi vẫn tiếp tục ra đứng ở cửa sổ vịn song sắt và không ngớt nghĩ tưởng về các em. Liên hệ giữa tôi và các em trở nên keo sơn thắm thiết khó lòng dứt bỏ. Tôi vẫn tự coi mình như một người anh dù thực sự tôi hơn các em không bao nhiêu tuổi. Tôi đã mất tuổi thơ, đã trưởng thành, đã trở nên già, nên cằn cỗi trên nhiều phương diện. Chỉ có nhiệt tình là vẫn còn nhưng thật trầm, thật thao thức.
9* Tôi vừa nhìn các em qua hình dây thép gai ô vuông méo mó dựng trên bức tường rêu mốc loang lỗ. Buổi sáng các em đi học về lẻ loi một vài người, mỗi bước chân các em di chuyển qua một ô vuông thép gai chiều ngang trong khi những ô vuông chiều dọc vẫn tiếp tục đan lên  các em thành đường hằn gai nhọn qua đầu qua thân qua ngực. Tôi nhìn các em như người thợ vẽ nhìn bức chân dung có gạch ô vuông để vẽ lại, nhưng ô vuông của tôi thì xô lệch gai nhọn rét rỉ, nhưng chân dung của các em thì hiền hòa, thì tuổi trẻ, thì bình an hiếm hoi của quê hương.
10* Tôi nhìn các em qua phạm trù của tôi, thứ phạm trù thuộc loại ô vuông thép gai và lỗ tròn ổ khóa.
Trước mắt tôi không còn khoảng không trong suốt để nhìn thẳng nhìn rộng nhìn xa nhìn dài. Chỗ đứng của tôi không có cơ hội để nhìn gần nhìn sát nhìn sâu vào môi vào mắt vào châu thân.
Quê hương đã dành cho tôi, cho nhiều người khác chỗ đứng mới. Tôi muốn xứng đáng, quả thật xứng đáng với chỗ này tù đày rách rưới. Các em biết không?
11* Buổi sáng vẫn còn mùa đông thật cuối, thật sau cùng.
Ngọn gió heo may đã giảm bớt chất nồng vị buốt và mùa xuân khởi lên thật mong manh đâu đó. Các em xuất hiện ở cổng trường, tiếng cười đùa bay lên thật cao thật xa thật trong suốt. Tôi thấy mình đau nhói ở ngực ở tim ở linh hồn xác thịt. Niềm đau nào chợt đến thấm vào tôi như nước đi vào cát khô sa mạc, mà tha thiết mà nồng nàn mà nhức nhối mà ham mê. Tôi yêu các em biết chừng nào.
12* Quê hương chỉ còn có tuổi trẻ. Tuổi trẻ đang vỡ bờ nơi các em và hiện tại tương lai đang đưa các em vào nơi lâm nguy vô phương cứu chữa. Căn bệnh đã tràn lan khắp nơi với hàng trăm thứ vi trùng bên ngoài bên trong chia nhau đục khoét. Chúng tôi đã nỗ lực để tự cứu và thề sẽ đi đến cùng đường dù bằng tù đày xương máu.
Và tôi cũng đã viết một lá thư tỏ tình với nữ giáo sư Anh văn, phu nhân của giáo sư khoa trưởng. Khi ra tù đi học lại, giờ đầu tiên tôi trao cho nữ giáo sư của mình lá thư, trong đó có đoạn:
“Đối với tôi chị thật yếu đuối. Tôi muốn nâng đỡ thân hình mảnh mai trên bước đi xiêu đổ của chị. Tôi muốn gỡ cặp kính để hôn lên đôi mắt thông minh đầy trí tuệ. Tôi muốn uống nuốt trên môi chị những âm thanh ngọt ngào và lảnh lót như tiếng chim rừng buổi sớm. Đối với tôi, chị chỉ là một phụ nữ đáng yêu và đáng ngưỡng mộ. Lẽ nào tôi không được bày tỏ tình cảm của mình chỉ vì chị là giáo sư đứng trên bục giảng và tôi là một sinh viên.
Trong bóng đen tù ngục này, đêm nay hình ảnh chị ngời sáng như một vì sao sau song sắt, rọi vào tâm hồn tôi một chút ánh sáng xanh mờ huyền ảo làm tôi nhẹ lòng.”
Cuối năm học 1966-1967 tôi may mắn cũng được tốt nghiệp ra trường. Tôi chọn nhiệm sở là một tỉnh cao nguyên xa xôi, nơi tôi chỉ biết tên trên bản đồ vì lắng nghe “tiếng gọi nơi hoang dã”. Từ đó tôi ít khi về Huế.
*
Từ trường hợp Ngô Kha, soi rọi bản thân, đối chiếu bạn bè, tôi nghiệm ra thế hệ chúng tôi là một thế hệ dấn thân bi tráng.
Dĩ nhiên là khởi đi từ sự trong sáng và nhiệt tình tuổi trẻ trong một tình huống sục sôi. Tuổi trẻ không vì những lợi ích hẹp hòi gì cho riêng mình ngoài khát vọng thể hiện bản thân. Đây là tuổi trẻ có trí thức, có ý thức chứ không phải là những con thiêu thân mù quáng.
Lòng yêu nước là một tình cảm tự nhiên và được hun đúc qua những bài học lịch sử từ tấm bé, phải làm cái gì chứ không thể ngồi yên khi đất nước mỗi ngày rỉ máu, tan hoang vì bom đạn.
Tinh thần phản kháng, nổi loạn là đặc điểm chung của tuổi trẻ càng dễ được kích động lên trong bối cảnh xã hội có nhiều bất công, áp bức và niềm đau do cuộc chiến gây ra.
Đi cùng với lòng yêu nước là khát vọng hòa bình. Biết bao giấc mơ về một ngày mai quê im tiếng súng đã được vẽ nên trong thi ca, nhạc, họa của những người trẻ tuổi luôn đau đáu niềm đau chung của đất nước. “Mai có hòa bình”, bài thơ cuối cùng của Ngô Kha là một trong những tác phẩm đó của thi sĩ tài hoa, đầy hình tượng ẩn dụ và một tình cảm tha thiết:
Tin em trao về hồng như nụ chín
Mai có hòa bình khác thể yêu thương
Đường dù ngái đi rừng chen lớp lớp
Nhớ nhau thì về cho kịp trời thu

Trời có tơ đan nắng hanh vườn cũ
Áo thô bạc màu hẹn buổi vinh quy
Chim vỗ cánh bay theo đàn tình tự
Xứ mẹ con về góp hội trùng tu
Khát vọng hòa bình là phải chấm dứt chiến tranh. Cuộc chiến này mang tên gọi gì, do ai gây nên, ai đứng đằng sau, thế hệ này đương nhiên phải nghĩ đến. Nghĩ thế nào và nghĩ tới đâu còn tùy cá nhân nhưng vấn đề nổi bật nhất, gần gũi và trực tiếp nhất là sự can thiệp của người Mỹ vào chiến cuộc. Sự có mặt của nửa triệu lính Mỹ và đồng minh, các loại chiến xa, vũ khí, nhất là các loại máy bay chiến đấu trút xuống hàng vạn tấn bom đạn trên ruộng đồng và con người Việt Nam, mà mỗi ngày người dân có thể nhìn thấy và cảm nhận, đã làm dấy lên tinh thần chống Mỹ như một tình tự dân tộc đương nhiên.
Công bằng mà nói tất cả những điều trên có được cũng là nhờ một không gian tự do nhất định của xã hội Miền Nam thời đó, tự do suy tưởng và hành động trong một chừng mực để tuổi trẻ có thể bung phá thể hiện mình, trong những hoạt động mang đầy tính lãng mạn cách mạng. Nhưng không gian tự do này của một chế độ dân chủ sơ khai còn rất nhiều hạn chế và chưa phải là mẫu mực cho tuổi trẻ và dân tộc chấp nhận.
Tuy nhiên, tất cả đều nằm trong “gọng kềm lịch sử”. Không ai, thời kỳ nào thoát khỏi gọng kềm lịch sử. Nhưng thế hệ tuổi trẻ này đúng là gặp vô cùng khó khăn. Các lực lượng chính trị điều hành đất nước đã thành hình từ trước, cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt, các thế lực quốc tế chi phối mạnh mẽ. Những người trẻ tuổi không có gì cả ngoài tuổi trẻ và khát vọng của mình. Về sau này, với độ lùi và thực tiễn lịch sử tiếp diễn, nhiểu người phê phán tuổi trẻ dấn thân thời đó thiếu viễn kiến lịch sử. Nhưng ai có thể có viễn kiến chính xác, ngay cả những người lãnh đạo có quyền lực trong tay, trên phạm vi cả nước hay toàn thế giới?
Một đại học Huế, một thành phố Huế, một phong trào sinh viên học sinh tranh đấu nơi một địa phương, trong một giai đoạn, thật ra cũng rất nhỏ nhoi trong toàn cảnh cuộc chiến kinh hoàng trên khắp đất nước và cuộc tương tranh giữa các thế lực trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên trong tâm tưởng thế hệ dấn thân, đây vẫn là những ngày bão lửa  bi hùng cao cả và ý nghĩa dấn thân của thế hệ này lại có thể vượt thời gian đến tương lai khi đất nước luôn cần đến những trái tim trẻ trung nóng bỏng.
Sau và ngay trong thời kỳ dấn thân, thế hệ trẻ này đi theo nhiều hướng. Trở về học hành và cuộc sống đời thường, thành đạt hay thất bại tùy phận người. Một số gia nhập quân đội hay bộ máy hành chính Việt Nam Cộng Hòa, sau này đứng về phía chiến bại, khốn cùng trong các trại cải tạo hay ra được nước ngoài. Một số tham gia Mặt Trận Giải Phóng hay đảng Cộng Sản, đồng hành với chế độ mới.
Từ ngày ấy, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, đất nước cũng gập ghềnh quanh co trên chặng đường gian khó đi tới tương lai. Những nhận định và phê phán về một thế hệ dấn thân vẫn còn nhiều khác biệt từ quan điểm của người nhìn nhận. Nhưng dù sao đi nữa, gác qua một bên những định kiến, hận thù và quan điểm chính trị, thế hệ dấn thân này vẫn thể hiện phẩm chất tinh hoa của tuổi trẻ trí thức Việt Nam, mà nếu được phát huy đúng đắn, những phẩm chất này sẽ làm nên đất nước.
Nếu Ngô Kha còn sống đến hôm nay anh sẽ nghĩ gì và làm gì? Anh đã “theo gió tang bồng”.  Hi vọng thế hệ sau và những người còn sót lại trong thế hệ anh sẽ tìm ra câu trả lời giả định cho anh và câu trả lời đích thực cho chính mình.
Đà Lạt, kỷ niệm 40 năm ngày mất của Ngô Kha, tháng 1/2013.
© Tiêu Dao Bảo Cự
© Đàn Chim Việt
nguôn:http://www.danchimviet.info/archives/73367/tu-ngo-kha-soi-roi-va-giai-ma-mot-the-he-dan-than/2013/02
=====================================================================
Phản biện bài viết của Tiêu Dao Bảo Cự

|

Xem TDBC: Từ Ngô Kha, soi rọi và giải mã một thế hệ dấn thân (*)
pb
Tôi thật tình không muốn bàn gì về những bài viết của ông Bảo Cự, đơn giản vì tôi khinh rẻ ông ta. Nhưng vì là dân Quảng Tín, tôi không thể làm thinh khi thấy ông ta láo trắng trợn và xúc phạm đến nhân dân và những người lính địa phương tỉnh tôi.
Trích Bao Cu:
“Lúc Đoàn Sinh Viên Quyết Tử 3 vào Quảng Tín bị một tiểu đoàn lính Biệt chính bao vây trên đường phố, chúng tôi tay không đi diễn hành trước mũi súng, hát những bài ca yêu nước.Với tư cách Đoàn trưởng, tôi dùng loa nói với họ:

Thưa tất cả các bạn. Thưa toàn thể đồng bào…. Chúng ta đều là người Việt Nam. Chúng ta đều là họ hàng anh em. Không có lý do nào và không ai có thể bắt chúng ta trở thành thù nghịch. …
…..Lính hai bên đường vẫn im lặng đứng nhìn nhưng nét mặt họ đã dịu. Súng đã buông xuống hay khoác lên vai. Một vài người mệt mỏi ngả mình trên bực cửa. Vài người tựa bên thân cây cúi đầu. Có cái gì xao xuyến, dâng lên khắp nơi. Một tiếng thở e dè nào đó sau cánh cửa. Một cánh tay buông thõng, một bắp thịt căng thẳng duỗi dài. Không gian chùng xuống, loãng ra.”
Lúc đó tôi 12 tuổi, đã thấy Đoàn Thanh niên Quyết tử (sic!) chạy xe vòng vòng thị xã vốn chỉ có vài con đường. Tay họ đeo băng đỏ, trương biểu ngữ, loa phóng thanh kêu gọi lật đổ chính quyền, đòi Mỹ cút về nước!
Nhưng sau đó họ bị đánh đuổi bởi “Quân dân Quảng Tín” đến độ phải chạy vào Chùa Tỉnh Hội Quảng tín để trốn. Ngày đó người ta rất tôn trọng các cơ sở tôn giáo, hơn nữa chùa, tiếc thay lại là nơi các ông bà “phật tử tranh đấu” được bao che.

Tôi viết “Quân dân Quảng Tín” là chính xác, vì khi đó lính địa phương như nghĩa quân , biệt chính, và đặc biệt, Thanh niên Quốc dân Đảng, và cả dân thường là những người không dễ ngây thơ với cộng sản. Có thể nói họ chống cộng hết sức quyết liệt, vì bản thân và gia đình họ không ít thì nhiều đều là nạn nhân trực tiếp của cộng sản.
Ai ở Quảng Tín cũng biết rằng Quốc Dân Đảng rất mạnh, lực lượng Biệt chính do ông Nguyễn Vĩnh Liệu (đã tự tử sau 30-4-1975) chỉ huy là những người ‘không đội trời chung” với CS, thì làm gì có chuyện đã bị Biệt chính bao vây và khi nghe ông thuyết giảng thì : “Lính hai bên đường vẫn im lặng đứng nhìn nhưng nét mặt họ đã dịu..”
Ông có miệng lưỡi Tô Tần ư? Hay ông bảo rằng ông có chính nghĩa. Người dân vùng đầu tên mũi đạn đó ngu đến độ phải nhờ ông khai trí ư?
Miền Nam ngày trước, ở những thành phố lớn như Sài Gòn, đặc biệt là Huế thì đám CS nằm vùng núp danh Phật giáo tranh đấu mới có cơ hội tác yêu tác quái. Ở những vùng mà người dân hằng ngày đối diện với thảm họa CS như Quảng tín, thì nói thiệt, đừng hòng. Chính vì thế, Tết Mậu Thân, cộng sản bị thảm bại tại Quảng tín. Xác lính VC ngập đầy các giao thông hào và các cánh đồng xung quanh tỉnh. Tôi tận mắt chứng kiến sự cảnh tượng rùng rợn này khi ngày mồng Hai, mồng Ba Tết chạy lên xem. Các vị dân Quảng Tín, làm việc ở Quảng tín, và cả phía CS vẫn biết điều này.
Tôi không thể hiểu ông ta láo như thế để làm gì, cho cái gì, hôm nay?
© Caubay Thiem
Nguồn: facebook caubay
—————————————————

(*) Sau khi bài viết của Tiêu Dao Bảo Cự tựa đề “Từ Ngô Kha, soi rọi và giải mã một thế hệ dấn thân“ được tung lên mạng, một Facebooker với tên Caubay Thiem đã phải biện lại bài viết đó, được đăng ở trên. ĐCV đặt tựa.
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/73438/phan-bien-bai-viet-cua-tieu-dao-bao-cu/2013/02
======================================================================
Hà Sĩ Phu - Góp phần “giải mã” một thế hệ dấn thân


Hà Sĩ Phu

giaima.jpg



Tranh Mana Neyestani

I- Đặt vấn đề

Sáng 19-2-2013 đọc báo mạng thấy trang Anhbasam có điểm hai bài tương phản “Tiêu Dao Bảo Cự: Từ Ngô Kha, soi rọi và giải mã một thế hệ dấn thân (Diễn Đàn). Blogger Caubay Thiem có bài phản biện lại bài này bên Facebook”.
Mặc dù tôi mới ở bệnh viện về, tình trạng mắt được bác sĩ yêu cầu hết sức hạn chế đọc và viết, tôi vẫn phải “đánh liều” viết đôi điều ngắn gọn về chuyện “xung đột” âm ỉ từ lâu này (nếu có thể gọi như thế), giữa những người đáng kính, vì mấy lẽ sau đây:
- Thế hệ dấn thân theo con đường Cộng sản như nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự bao hàm nhiều người (ở miền Bắc còn nhiều hơn miền Nam), trong đó số đã thức tỉnh ở những mức độ khác nhau, đang cố gắng làm những điều nhằm sửa lại hay chống lại thực tại sai lầm của ĐCS cũng ngày càng nhiều thêm, nhưng việc tự đánh giá giai đoạn quá khứ của mình xem chừng chưa có gì nhất trí, ổn thỏa, thanh thoát, như có những tâm trạng uẩn khúc bên trong nên phải đặt vấn đề “giải mã”.
- Việc “giải mã” cũng liên quan đến cả những người Cộng sản hiện nay đang được dư luận ca ngợi, tán thưởng (kể cả dư luận khó tính ở hải ngoại), như nghệ sĩ Kim Chi khước từ sự có mặt trong nhà ở của mình chữ ký của một kẻ cao cấp “hại nước hại dân”- vì chị tự hào mình là một người “Cộng sản chân chính”! Những đảng viên trong 72 vị khởi xướng đợt góp ý Hiến pháp hiện nay cũng vậy, chắc phần đông cũng là những người muốn hành xử như những người “Cộng sản chân chính” để phân biệt mình với loại “Cộng sản thoái hóa”. Vậy có thể tồn tại khái niệm “người Cộng sản chân chính” hay không, cũng là điều cần xác định cho rõ.
- Trong hàng ngũ những bạn bè thân hữu đang nỗ lực góp phần mình vào công cuộc dân chủ hóa xã hội hiện nay cũng có hai “phe” với hai cách nhìn ngược nhau trong việc đánh giá quá khứ tham gia Cộng sản.
Tóm lại, tình hình khác nhau trong việc nhìn nhận giai đoạn quá khứ tham gia hoặc ủng hộ Cộng sản là điều tốt hay không tốt, là công hay tội, nên nhớ đến để tôn vinh hay nhắc đến chỉ thêm ân hận…là một thực tế rộng lớn, tuy không phải mâu thuẫn đến mức nặng nề nhưng vẫn âm ỉ như một chút gợn, một cái gai, hay một cái nhọt trong đội ngũ những người từng có nợ với quá khứ và đang phải băn khoăn về trách nhiệm với hiện tại và tương lai đất nước (còn những kẻ vô trách nhiệm, thờ ơ hay cố bám sự hủ bại thì không đáng bàn đến ở đây).
Khoảng một hai năm gần đây, khả năng lãnh đạo của đảng cầm quyền ngày càng sút kém, bất lực, những mâu thuẫn đối nội và đối ngoại thúc đẩy phải có những thay đổi, kéo theo đó là sự phân hóa phức tạp trong xã hội về nhân sự, tổ chức, phong trào, phe nhóm… Bên cạnh chủ trương đối xử cứng rắn với giới dân chủ tiên phong là sự nới rộng có kiểm soát với giới trí thức cận thần, có cái mới vừa sáng tạo ra, có cái vốn cũ đang được dùng lại. Trong bối cảnh phân hóa đó, sự khác nhau tiềm ẩn trong quá khứ của giới “pro-Đảng” nay cần phải tách bạch. Việc điểm tin hai bài ngược chiều nói trên của “nhật báo Basam”, mà tránh không bình luận, có lẽ cũng là một biểu hiện nhạy cảm và tế nhị. Những người nhạy cảm thấy đã đến lúc nên có sự trao đổi thẳng thắn với tư cách giữa những người được giả thiết là “chung một chiến hào”. Vướng một cái gai, anh chiến sĩ vẫn có thể chiến đấu, nhưng “giải quyết” được cái gai tất nhiên sức chiến đấu sẽ tốt hơn nhiều.
Suốt trong quá khứ tôi không dính dáng trực tiếp gì đến chính trị, nhưng bạn bè thuộc cả hai “phe” cũng có nhiều thân hữu. Trong điều kiện sức khỏe không thuận lợi, tôi không dám hy vọng có thể đề cập vấn đề một cách thấu đáo, chỉ xin đưa ra một vài ý chung, tản mạn, để góp phần gọi là “giải mã” một thực tiễn khá nhiều tế nhị.

II. Mấy điều cơ bản gợi ý có thể dùng trong lý giải

1/ Phải chăng sự hiểu biết lúc ấy chưa đủ tầm để sàng lọc?
Hiện tượng một chủ nghĩa ảo tưởng, phi lý và phản tiến hóa như chủ nghĩa Cộng sản lại rộ lên một thời rộng lớn, thu hút đám đông, trong đó có cả những trí thức lớn, nghịch lý quá lớn ấy khiến thiên hạ phải chiêm nghiệm mà đúc kết thành một quy luật, quy luật liên kết và hoán vị loại trừ lẫn nhau trong 3 thành tố, tạm gọi là luật “loại trừ một trong ba” hay luật “Hai khử một”.
Ba thành tố ấy là Tâm hồn Lương thiện, Trí tuệ Thông thái và Lập trường Cộng sản, liên kết và loại trừ nhau như sau:
- Đã Thông thái và Cộng sản thì không Lương thiện (phải mưu mẹo, gian hùng)
- Đã Lương thiện và Cộng sản thì không Thông thái (phải nhẹ dạ, nông cạn)
- Đã Lương thiện và đủ Thông thái thì không theo Cộng sản.[1]
Những ai tự nhận mình luôn lương thiện trong sáng và đã theo Cộng sản thì ứng với trường hợp thú hai, tức là trí tuệ nông cạn, không đủ tầm để sàng lọc trước một vấn đề ở tầm thời đại. Trước mắt mới nhìn bề ngoài tưởng là tốt thì theo thôi.
Xem ra nhiều đảng viên lương thiện không chịu nhận là lúc ấy mình ngu, cứ khẳng định khi ấy chỉ có theo đảng là thông minh nhất. Có vị còn khăng khăng rằng: Nếu bây giờ lịch sử lặp lại thì ông ta cũng lại chọn đúng con đường cũ chứ không thể khác (ghê thiệt!). Sở dĩ có sự tự ái như vậy do chưa hiểu sự “ngu đần” có thể là tầm của cả một dân tộc trong một thời kỳ chứ chẳng riêng ai, người viết những dòng này cũng đâu thoát khỏi mê cung ấy? Phê phán bạn cũng là phê phán mình. Chỉ cần so sánh với một dân tộc văn minh và khôn ngoan hơn sẽ thấy ngay sự kém cỏi, dân trí lạc hậu của cả dân tộc mình thì sẽ tránh được tâm lý tự ái cá nhân.
Hiện tượng có mấy nhà bác học nổi tiếng vẫn say mê Cộng sản cũng chẳng biện bạch được gì hơn vì có thể vị bác học ấy giầu lý tưởng, lý thuyết, hiểu biết chuyên môn nhưng rất ngây thơ, ảo tưởng, cũng dốt về chính trị-xã hội. Chấp làm gì những vị trí thức nọ trí thức kia mù quáng thân Cộng, khi “ông trùm Cộng sản” của nước mình là chủ tịch Hồ Chí Minh khi quyết định theo con đường Cộng sản cũng chưa hiểu Cộng sản là gì kia mà?
“nhích chân” của Nguyễn Ái Quốc từ Đảng Xã hội Pháp sang Quốc tế III của Lenin “chỉ vì Đệ Tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa", “Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Cộng sản là gì, thì tôi (tức Nguyễn Ái Quốc) chưa hiểu”. Thậm chí Sơ thảo luận cương về các dân tộc và thuộc địa của Lenin đăng trên báo L’humanité ngày 16-6-1920 thì “ngay cả chữ nghĩa trong văn bản” ấy Nguyễn Ái Quốc "cũng chỉ hiểu loáng thoáng thôi” [2]
Nhà báo Bùi Tín thì nói kỹ hơn: “Do văn hóa thấp, mới học hết bậc tiểu học, lại còn quá trẻ nên khi đọc bài của Lenin về giải phóng dân tộc, ông đã nhẹ dạ theo ngay Mác, Lenin, rồi Stalin, rồi Mao cho đến suốt đời, cả sau khi chết … Đến khi chết ông vẫn hài lòng nghĩ mình là một lãnh tụ yêu nước và cứu nước. Theo tôi một nhà lãnh đạo dân tộc mà yêu nước kiểu như vậy thì bằng mười làm hại đất nước, dân tộc, thà ông không yêu nước thì có khi lại là may cho nhân dân. Hiện ta thua xa Thái Lan, Inđonesia, Singapore, Malaysia… là vì vậy” ”(bài của Bùi Tín cũng được giới thiệu trên trang Basam ngày 19-2-2013). Vẫn là Trí tuệ chưa đủ cho một cuộc sàng lọc ở tầm thế kỷ.
Nhưng cũng không chấp ông Hồ Chí Minh làm gì, khi chính ông Mác ông Lê cũng “khái quát vội, khái quát nhầm” ít nhất là 9 điều căn bản [3] tức là cũng hụt hẫng về Trí tuệ khi cả gan nghĩ ra một chủ nghĩa mới toanh hòng cứu rỗi nhân loại nhưng vượt quá tầm Trí tuệ của mình (chủ nghĩa Xã hội khoa học ít nhất cũng có một khuyết điểm cơ bản là phi khoa học!), thì một đảng viên Cộng sản nhỏ bé có tự nhận là “Trí tuệ không đủ để sàng lọc” cũng chẳng có gì đáng phải băn khoăn!
Vậy thì thôi, ta cứ yên trí nhận là trước đây ta theo Cộng sản vì chưa đủ thông thái để sàng lọc là ổn.
Nhưng mâu thuẫn vẫn chưa hết. Các bạn lại bảo: tôi theo Cộng sản không phải là yêu Cộng sản gì hết, chỉ vì yêu nước, yêu hỏa bình-thống nhất, ghét Mỹ xâm lược. Nếu bạn chỉ mượn Cộng sản làm phương tiện như thế thì khi mục đích đã xong, Mỹ đã rút, đã có “hòa bình-thống nhất” thì bạn còn ôm cái “phương tiện” ấy làm gì, bạn phải chủ động rời bỏ nó ngay mới phải, như qua sông rồi thì bỏ con thuyền ở lại chứ?
Nếu bạn lại bảo: tôi chưa hiểu gì về chủ nghĩa Cộng sản nên hãy cứ theo xem sao? Vậy đến hôm nay bạn đã hiểu chưa? Với tư cách một đảng viên bạn có tìm hiểu mọi thông tin trên mạng và trên thực tế không, có biết nghị quyết 1481 của nghị viện châu Âu, biết nhân loại đã vứt một Chủ nghĩa ảo tưởng vào sọt rác lịch sử? Nếu có đủ thông tin thì chắc bạn không còn đủ dũng khí để tự hào là một đảng viên Cộng sản, vì tôi tin bạn là người có trí óc bình thường và còn dây “thần kinh xấu hổ”. Theo lô-gich của môn “liêm-sỉ-học” (liemsiology!) thì bạn phải hành xử như Trần Độ, như Phạm Đình Trọng, như Nguyễn Chí Đức… mới phải.
Nhưng chưa, bạn chưa đến chân tường, vì bạn còn một câu trả lời khả dĩ hữu lý: Tôi phải ở lại trong Đảng để “chiến đấu”, với tư cách “người Cộng sản chân chính” chống bè lũ “Cộng sản thoái hóa”. Vâng, vậy xin chuyển tiếp sang phần sau.
2/ Có hay không khái niệm gọi là “người Cộng sản chân chính”?
Những người tự hào là “Cộng sản chân chính” vì nghĩ rằng cái đảng mà mình gia nhập là một đảng chân chính, nay “một số không nhỏ” (tất nhiên nằm trong lãnh đạo tối cao) đã THOÁI HÓA và PHẢN BỘI, nên mình phải đấu tranh chống lại sự tha hóa để phục hồi một ĐCS chân chính, nghĩa là mình đấu tranh (chống những cán bộ lãnh đạo xấu) với tư thế của người “đòi nợ”, đòi cái món nợ mà đảng đã hứa (trong lời tuyên bố) trước nhân dân nhưng bây giờ họ “quỵt nợ, vỗ nợ”!
Phải công nhận, nếu như vậy thì trong 3 yếu tố Lương tâm, Trí tuệ và Cộng sản bạn đáp ứng đầy đủ hai yếu tố Lương tâm và Cộng sản nhưng quá yếu về Trí tuệ (theo đúng quy luật Hai khử một đã nói ở đoạn trên), nên trở thảnh duy cảm, thiếu duy lý. Sự THOÁI HÓA và PHẢN BỘI đã nằm sẵn trong mớ tín điều của chủ nghĩa, đã được “chương trình hóa” ngay từ khi khởi lập. Những biểu hiện thoái hóa và phản bội mà bạn nhìn thấy bây giờ thực ra đã được tiền định từ đầu (trước khi bạn gia nhập đảng rất lâu): không một ĐCS cầm quyền nào có thể thoát khỏi tình trạng thoái hóa và phản bội!
Về lý thuyết chính Mác đã tự chống lại mình, khi triết học Mác thì duy vật, chống duy tâm-duy ý chí nhưng chính trị Mác thì rất duy tâm, chủ quan, duy ý chí. Một lý thuyết ảo tưởng phi khoa học thì sẽ bị thực tế chống lại nên dần dần phải làm ngược lại hết, CS phải tự làm ngược lại những tín điều của mình mới mong tồn tại. Cuối cùng, ngày nay mỗi đảng viên đều phải chọn cho mình một sự giã từ, một sự “phản bội”: hoặc là trung thành với chủ nghĩa thì phản bội nhân dân, muốn trung thành với nước với dân thì phải phản lại chủ nghĩa![4]
Khi bạn trung thành với nước với dân, với nhân tâm, với chân lý phổ quát thì bạn là “con người chân chính”, rất chân chính, tôi yêu quý bạn, nhưng bạn không còn là “người Cộng sản chân chính” nữa đâu, âu cũng là lối tự hào do cảm tính, xin đừng nhầm lẫn!
Bạn lại bảo: Tôi trung thành với chủ nghĩa Cộng sản là trung thành với lý tưởng cao đẹp của nó. Bạn lại nhầm rồi. Nhân tố chủ yếu làm nên một chủ nghĩa, phân biệt chủ nghĩa này với chủ nghĩa khác không phải ở mục đích mà nó tuyên bố, mà ở con đường mà nó vạch ra, vì mục đích sau cùng thì bao giờ chẳng tốt đẹp, căn bản đều phải hướng đến tự do-hạnh phúc cho con người. Nhưng khi con đường sai hoặc ảo tưởng thì không đến đích mong muốn hoặc chỉ đem đến kết quả ngược lại như trường hợp chủ nghĩa Mác-Lênin [5].
Ngoài ra, có cách đi đến đáp án đơn giản hơn nhiều:
Khi một chủ nghĩa ảo tưởng chỉ đem lại kết quả ngược với mong muốn thì chủ nghĩa ấy không thể coi là CHÂN CHÍNH được. Chủ nghĩa đã không CHÂN CHÍNH thì làm sao tín đồ của nó lại CHÂN CHÍNH được? Bạn chỉ có thể là một CON NGƯỜI CHÂN CHÍNH vì thực ra bạn đã làm ngược tín điều của Chủ nghĩa rồi, chắc bạn là người nặng về duy cảm nên không nỡ hay không dám để cho bộ óc Duy lý được đứng trước gương mà phán xét đó thôi! Xin nói với nhau một lời thông cảm thực lòng như vậy.
III- Lấy đích Dân chủ-Độc lập-Phú cường làm sợi dây liên kết
Chỉ cần nhìn các nước quanh ta với một xuất phát “same-same” như nhau đủ thấy trong cuộc chạy đua thế kỷ, Việt Nam chúng ta là kẻ thua cuộc, là đoàn khách nhỡ tàu.
Chỉ nhìn kinh tế-kỹ thuật đã thấy thua các nước bạn trong khu vực vài chục năm nhưng sự thua kém về độc lập-tự do, về văn hóa-nhân phẩm còn đáng lo hơn nhiều.
Nay muốn đoàn kết để thực hiện dân chủ ắt phải chấp nhận đa dạng đã đành, nhưng ở một nước vửa trải qua mấy cuộc phân ly kinh khủng, lại đang bị ngự trị bởi một Ý thức hệ đoàn kết giả để phân ly thật thì lòng người ly tán là một trở ngại khổng lồ, nếu không biết chấp nhận sự khác biệt thì lấy đâu sức mạnh cho một sứ mệnh cũng khổng lồ tương xứng? (sứ mệnh lập lại một xã hội đã bị phá nát từ gốc, quay lại một con đường đã đi ngược trên nửa thế kỷ, chống lại một anh hàng xóm khổng lồ chỉ muốn kìm giữ Việt Nam yên vị như một con cừu Ý thức hệ vừa ngoan vừa chậm vừa ngu để hắn có thể ngoạm dần hết cơ thể con mồi trong cái áo choàng hữu nghị đểu).
- Muốn có khối đoàn kết toàn dân tộc, trước hết hãy tìm khả năng đoàn kết giữa các khối người tích cực mà họ đang rất khác nhau như trên đã nói. Hãy quý sự khác nhau ấy vì đó chẳng những là thực tiễn buộc phải chấp nhận, là tất yếu trong tinh thần dân chủ, mà còn là thuận lợi để diễn tiến xã hội đi lên một cách hòa bình. Nếu không có những “trí thức cận thần”, còn rất khác những người có tư duy triệt để (biết phải thay đổi cái cũ tận gốc), đồng thời lại có những người trung gian giữa hai thái cực ấy thì sao có thể nối với nhau thành những nhịp cầu chuyển hóa dần dần? Nối tiếp với nhau được nếu tất cả đều hướng về phía trước, dẫu kẻ trước người sau nhưng phải chống những kẻ ngược chiều hoặc mưu toan cơ hội trụ lại nửa chừng để chia hoa lợi!
Một ví dụ: trong những người đã có thời hăng hái theo đảng làm một cuộc gọi là “chống Mỹ cứu nước” có người không muốn nhắc lại “thành tích đáng buồn” cũ (như anh em Huỳnh Nhật Hải - Huỳnh Nhật Tấn) trong khi rất nhiều người vẫn muốn nhắc lại những kỷ niệm một thời tranh đấu “hào hùng”. Không sao, miễn là khi nhắc lại chuyện cũ phải nhìn dưới lăng kính mới, vượt trên cái cũ với óc phê phán để phục vụ cho cái mới. Chẳng hạn phải hiểu vì sao trong chế độ cũ (mà ta quyết đánh đổ) ta có thể ngang nhiên tranh đấu, tuyên bố hùng dũng, thậm chí lãng mạn bay bổng, thỏa chí tang bồng chống lại giới cầm quyền, còn trong chế độ mới (mà ta mơ ước) ta chỉ dám làm bằng 1 phần trăm thời xưa thôi mà đã phải rụt rè? Chẳng hạn ngày trước dưới cái nhìn bồng bột ta chỉ thấy cái gọi là “Mỹ - Ngụy” là thấp hèn, tàn ác, đáng khinh ghét, nay dưới cái nhìn dân chủ và toàn cầu ta lại mong sao bây giờ được bằng cái mà ta đã quyết diệt [6], mong trở lại cơ hội cũ mà ta đánh mất, để rồi từ đó tiếp tục đi lên thì dễ dàng hơn.
Chẳng hạn ta nhận ra sự “hào hùng” cũ thật là “bi tráng” (như nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự nhận thấy), nhưng “bi” không ở chỗ bị kẻ thù tàn sát, thất bại đau đớn như cái bi hùng của phong trào Nguyễn Thái Học, mà ngược đời, “bi” lại ở chỗ muốn thắng cuộc thỉ nhất thời đã thắng, nhưng nghĩ lại, thà đừng thắng thì hơn! “Bi” ở chỗ cái “tinh hoa phẩm chất” của tuổi thanh niên (nhưng còn bồng bột, cảm tính, bị tuyên truyền), tương tự như cái vốn quý giá mà Dương Thu Hương gọi là “một khối vàng ròng”, nhưng đã bị lợi dụng, bị dùng nhầm, dùng phí phạm, đáng tiếc. Song cái “bi” ở đây cũng không hề “bi lụy” nếu ta quyết hồi sinh cái “tinh hoa phẩm chất” của tuổi trẻ ấy, với sự bổ khuyết rất cần thiết bằng các tri thức hiện đại, trưởng thành, để dùng vào công cuộc hôm nay, như để bù đắp cho điều đáng tiếc cũ, thì sự hồi tưởng như thế thật là hồi tưởng vô cùng tích cực.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng vậy, nghĩ lại thời đã qua để thấy trách nhiệm của mình. “Cả tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt, để đúc nên chính cỗ máy này”, cái cỗ máy của sự “đểu cáng lên ngôi”. Hồi ức chuyện cũ để mà hối tiếc cho nhiệt huyết của mình không đem lại kết quả mong muốn, và thấy trách nhiệm của mình trong hiện tại! Một khi cùng hướng về phía trước và hành động cụ thể là nhất định gặp nhau. (Không biết trong hàng ngũ của các anh có ai muốn ôn chuyện cũ để kể công, để che dấu cái hèn hiện tại, để lập một cái gì đó chung chiêng hay không thì tôi không rõ, tất nhiên không bàn).

IV- Hãy biết ơn những người tiên phong.

Nếu như trên mặt phẳng nằm ngang ta hình dung đoàn người nối tiếp nhau như cây cầu bắc từ chế độ độc tài toàn trị đến cuối cầu là chân trời Dân chủ-Độc lập-Phú cường, trong đó những tư tưởng tiên phong luôn dẫn đầu đi trước, thì đừng quên một đường dây thẳng đứng, người nọ đứng lên vai người kia, để đưa nhau từ đáy giếng lên bờ. Trên cái “chồng người” thẳng đứng ấy những người tiên phong đứng ở dưới cùng cho đồng đội được đứng lên vai. Những người tiên phong ấy sẽ lên bờ sau cùng hoặc lúc khải hoàn có thể không còn họ nữa.
Về Độc lập dân tộc nếu không có những anh hùng liệt nữ đã hy sinh liệu ngày nay ta có còn quốc gia không để mà tranh đấu? Chúng đã đứng trên vai họ để có hôm nay. Về Dân chủ-Tự do cũng vậy. Nếu không có những người dân chủ tiên phong như Nguyễn Mạnh Tường, như Hữu Loan, như Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hồng Hà, Cù Huy Hà Vũ, Dương Thu Hương, Hòa thượng Thích Quảng Độ, cha Nguyễn Văn Lý, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức…vân vân và vân vân…mà hầu hết họ đều bị tù đày, và biết bao tiếng nói dân chủ từ bên ngoài hỗ trợ thì làm sao có chút nền dân chủ cỏn con để có thể tồn tại những trang Web dân chủ trong nước như trang Bô-xít, trang Basam và các blogger? Rồi đến lượt, nếu không có những trang Web và blogger ấy làm chỗ tựa làm sao đoàn trí thức 16 vị có thể được đón tiếp để trao những kiến nghị và dự thảo Hiến pháp quá mạnh dạn kia, cũng như cá nhân tôi lúc này có thể công khai công bố những lời đóng góp thẳng thắn nhường này? Chúng ta đã được đứng trên vai họ, những người dân chủ tiên phong chịu nạn tù đày để giành lấy từng tý chút dân chủ cho ta tiếp tục. Hãy nhớ ơn họ!
Một chi tiết nhỏ thiết nghĩ cũng nên nói thẳng: GS Nguyễn Huệ Chi là chủ trang mạng Boxit Việt Nam, cũng là trang chủ đăng tải “Kiến nghị 72” và hộp thư thu thập chữ ký. Trong đoàn 16 người nếu có GS Nguyễn Huệ Chi thì sẽ đàng hoàng hơn, chính danh hơn, khiến cho cơ quan công quyền phải nể trọng hơn bởi sự đàng hoàng ấy.
Nói đến chuyện đứng trên vai nhau, tôi lại thầm hỏi mình: nếu không có đồng đội lấy vai cho mình đứng, lại không có một điểm tựa nào đó từ môi trường, dù là điểm tựa vô tình hay vô tri thì một cá nhân đơn độc làm sao có thể vượt qua cái vai của mình? Tự mình vượt qua chính mình mới thật là điều khó lắm thay! Làm sao có thể tự thắng cái khối lượng ì ạch của bản thân với tất cả những sức cản nặng nề đã ràng buộc mình vào cuộc đời này?
Đoàn kết, dấn thân hết mình phải đi đôi với tỉnh táo sàng lọc chính là bài học lịch sử quý giá mà quá khứ từng dạy cho ta vậy.
Đà Lạt ngày 24-2-2013
Hà Sĩ Phu
_________________________________________________________________
[1] “Quy luật” tương tự này tôi đọc thấy đã lâu, gần đây thấy nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh và nhà báo Lê Diễn Đức nhắc tới. Tôi diễn đạt lại cho rõ hơn (HSP)
[2] Xưa nhích chân đi giờ nhích lại: HCM quyết định theo Quốc tế 3 khi chưa hiểu CS là gì! Tư liệu trích từ:
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, Nhà xuất bản Văn học, Hànội (in lần thứ tám), 1975, trang 44.
- Hồ Chí Minh: Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2000, trang 126.
- Lữ Phương: Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh, THƯ NHÀ xuất bản, Australia, 2002, trang 40.
[3] Hà Sĩ Phu - Từ Nguyễn Phú Trọng đến Lê Hiền Đức
[4] Hà Sĩ Phu: Từ vụ Bauxite nghĩ về vận nước
[5] Hà Sĩ Phu: Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ (1988)

[6] Nguyên Ngọc (S: Tôi nghĩ giá như trong cuộc chiến vừa qua, miền Nam thắng, thì có lẽ sẽ tốt hơn …). Huy Đức: “bên (cần)được giải phóng hóa ra lại là Miền Bắc”.
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Hai, 25/02/2013          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130225/ha-si-phu-gop-phan-giai-ma-mot-the-he-dan-than
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001