Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Trần Ngân -Thống Đốc Bình có mắc chứng hoang tưởng vĩ cuồng?

Trần Ngân
Đặt ra câu hỏi này chắc hẳn sẽ làm nhiều người ngạc nhiên vì làm sao đương kim thống đốc ngân hàng trung ương của một quốc gia lại mắc chứng bệnh hoang tưởng vĩ cuồng vốn là một loại bệnh tâm thần được. Tác giả bài này không phải là một chuyên gia tâm thần học nên đây cũng chỉ là nhận định mang tính chủ quan dựa trên những phát ngôn của thống đốc trên báo chí.
Đầu tiên, một người mắc chứng “hoang tưởng” có những triệu chứng gì?
Hoang tưởng tự cao là dạng rối loạn thường gặp, bệnh nhân cho rằng mình có tài năng xuất chúng nhưng chưa được công nhận. Bệnh nhân bị hoang tưởng có một niềm tin, một kết luận hoàn toàn sai với sự thực nhưng lại được người bệnh tin tưởng một cách tuyệt đối, không thể bác bỏ được. Do đó, người thân không thể thuyết phục người bệnh là họ sai, cũng không thể lên án người bệnh vì niềm tin tuyệt đối đó (VTC 21-05-2010)
Vậy tại sao tác giả của bài này lại cho rằng thống đốc Bình có những triệu chứng của bệnh hoang tưởng theo như định nghĩa ở trên. Chúng ta hãy lấy hai phát ngôn thuộc hàng “nổi tiếng” nhất của ông làm ví dụ:
"Người ta tìm ra bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai", ông nói. (VnExpress 23-11-2012)
Ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Hơn một năm qua, trong công việc mình chưa bao giờ nản lòng nhưng buồn thì có nhất là những khi đồng đội không hiểu, dư luận thì nghi hoặc. Có lần trong cuộc họp, một thành viên đã ví mỗi một ủy viên Trung ương là một ngôi sao, mình lên phát biểu liền bảo tôi không nghĩ mình là “sao” nhưng nếu có thì chắc “tôi là ngôi sao cô đơn”. (Tiền Phong 10-2-2013)
Như vậy, trong hai phát biểu ở trên, dù chỉ là “nửa đùa nửa thật”, thống đốc đã cho rằng mình xứng đáng được “nửa giải Nobel” và cũng tự cho mình là “ngôi sao cô đơn”. Tất nhiên người bênh thống đốc có thể nói rằng đây chỉ là cách nói ví von nhưng trên thực tế, nếu trong đầu thống đốc không nghĩ tới điều đó nhiều lần thì khi ra trước diễn đàn Quốc hội và trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nghiêm túc thống đốc không thể nói ra điều đó. Trong đoạn trên, có thể thấy thống đốc cũng nói: “nhưng buồn thì có nhất là những khi đồng đội không hiểu, dư luận thì nghi hoặc”.
Như vậy, thống đốc đã có biểu hiện của triệu chứng về bệnh hoang tưởng đã nói ở trên là:
“Hoang tưởng tự cao là dạng rối loạn thường gặp, bệnh nhân cho rằng mình có tài năng xuất chúng nhưng chưa được công nhận”.
Trong bài phỏng vấn dưới đây, thống đốc Bình cũng tự khen mình là người “có kiến thức kinh tế, vừa bao quát, vừa chuyên sâu, từng trải, bản lĩnh…”:
Như lời một bài hát đã viết mà tôi rất tâm đắc: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết dành phần ai”. Dù là “ghế nóng” nhưng nhất định là phải có ai đó ngồi vào để gánh vác trọng trách đó. Làm ngân hàng là một nghề, đòi hỏi có kiến thức kinh tế, vừa bao quát, vừa chuyên sâu, từng trải, bản lĩnh và cả sự nhạy cảm nữa. (VnEconomy 7-2-2013)
Chỉ có điều người “có kiến thức kinh tế, vừa bao quát, vừa chuyên sâu” lại phát biểu sai về “bộ ba bất khả thi”, là kiến thức cơ bản mà bất kỳ sinh viên chuyên ngành kinh tế nào cũng phải biết, trên diễn đàn Quốc hội (nói thêm là thống đốc có bằng TS kinh tế tốt nghiệp ở Nga dù theo TS Lê Hồng Giang thì luận án của thống đốc Bình giống với Kinh tế chính trị hơn là kinh tế):
Chẳng hạn, khi nói về “bộ ba bất khả thi”, thống đốc dẫn ra ba yếu tố là tăng trưởng, lạm phát và tỉ giá để cho rằng không thể đồng thời thực hiện ba mục tiêu này. Tuy nhiên, thật ra “bộ ba bất khả thi” đề cập tới ba mục tiêu là ổn định tỉ giá, tự do hóa dòng vốn và chính sách tiền tệ độc lập. Như vậy, thống đốc hoặc chưa hiểu chính xác về lý thuyết “bộ ba bất khả thi”, hoặc cố lấy sự thông cảm để né câu hỏi của đại biểu (Tuổi Trẻ 17-11-2012)
Trong bài trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn ở trên, khi nói về chính sách quản lí vàng của NHNN, thống đốc Bình có nói:
Chúng tôi biết trước là sẽ bị phản đối quyết liệt nhưng không làm không được. Bởi con đường đã đi thì phải đi, đích đến vẫn phải đến. Sự chống đối của nhóm lợi ích có mặt khắp nơi, từ vận động hành lang chính sách đến các công cụ truyền thông, thậm chí, còn mượn cả “dân” để làm bình phong. Nếu không tin tôi thì cứ đi hỏi xem dân nào có đủ tiền đến mức lũng đoạn cả thị trường vàng? Chỉ những người buôn bán vàng đầu cơ mới quen làm mưa, làm gió thị trường, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô, bị đụng chạm lợi ích trong lần này thì mới bị thiệt hại thôi.. (VnEconomy 7-2-2013)
Chính sách quản lí vàng của NHNN với những phát kiến rất “độc đáo”, rất “Việt Nam” (tức là chẳng giống ai) đã bị rất nhiều chuyên gia phản đối với những lập luận, dẫn chứng hết sức thuyết phục. Chẳng hạn TS. Ngô Trí Long trong bài dưới đây đã nói rõ:
Từ góc độ Nhà nước, Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa một ngân hàng trung ương nào có chính sách chỉ duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng. Việc quản lý này đã lẫn lộn giữa chức năng quản lý Nhà nước và kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước điều tiết thị trường bằng biện pháp hành chính, mệnh lệnh (cấp giấy phép chuyển đổi, quản lý máy móc sản xuất của doanh nghiệp...), bỏ qua các yếu tố cung cầu của thị trường dẫn đến bế tắc trong sản xuất và lưu thông. Điều này đã tạo ra khan hiếm cung - cầu giả tạo.
Giá trong nước gần đây cao hơn 3-4 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế. Trong lịch sử thế giới cũng như Việt Nam chưa từng có sự chênh lệch vô lý như vậy. (VnEconomy 27-12-2012)
TS Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế-Luật cũng cho biết:
Theo nguyên tắc chung trong quản lý vàng và kinh nghiệm ở hầu hết các nước phát triển như Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản… đều đã tự do hóa thị trường vàng từ rất lâu.
Còn như ở Ấn Độ và Trung Quốc:
sau cải cách, cơ quan nhà nước vẫn quản lý sản xuất, bán buôn, bán lẻ vàng nhưng đều được thực hiện theo cơ chế minh bạch và hoàn toàn không có sự độc quyền dù là độc quyền nhà nước hay tư nhân. Việc quản lý nhập khẩu vàng được thực hiện một cách linh hoạt trên cơ sở xử lý hài hòa giữa trạng thái cán cân thanh toán và tình trạng nhập lậu. Ngân hàng trung ương hoàn toàn không tham gia trực tiếp vào hoạt động nhập khẩu, sản xuất. Chính sách quản lý được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, thông thoáng nhằm tạo được sự liên thông thị trường trong nước với thị trường nước ngoài khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện. (Pháp Luật TPHCM 20-1-2013)
Tức là ở trên thế giới hiện nay, không có Ngân hàng Trung ương nào lại đi quản lí thị trường vàng theo mô hình hiện nay ở Việt Nam mà thống đốc Bình tự chế ra cả. Nhiệm vụ của NHTW ở bất cứ nước nào quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát và có thể thêm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với nguồn nhân lực và khả năng có hạn, NHNN ở Việt Nam thực hiện được hai mục tiêu trên đã rất khó rồi, tự dưng bây giờ lại ép buộc để sinh ra một thương hiệu vàng độc quyền quốc gia, tham gia kinh doanh, mua bán, cấp phép… trên thị trường vàng. Đây là mô hình trên thế giới cả các nước phát triển và đang phát triển không đâu có cả, chỉ do thống đốc Bình và êkíp nghĩ ra rồi tự cho là hoàn hảo, tốt hơn kinh nghiệm của thế giới. Chỉ riêng điều này đã cho thấy mô hình quản lí vàng như vậy chắc chắn sẽ thất bại, làm ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi người dân khi phải mua vàng giá cao, bán vàng giá thấp, ảnh hưởng tới hàng ngàn tiệm vàng trên cả nước… Chính sách này chắc chắn sẽ gây di hại hết sức lâu dài tới nền kinh tế. Cũng TS. Ngô Trí Long viết:
Trước đây, căn cứ Nghị định 174/1999/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Nghị định số 64/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 174/1999/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép sản xuất vàng miếng cho 8 ngân hàng và công ty vàng. Mỗi đơn vị đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhưng nay chỉ sau khoảng 10 năm đã trở nên vô giá trị do Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định độc quyền sản xuất vàng miếng từ 25/5/2012.
Chưa kể hàng nghìn lao động trở thành thất nghiệp do hoạt động của các đơn vị nói trên bị đình chỉ, thì một biện pháp hành chính đã gây lãng phí tài sản, nguồn lực của doanh nghiệp - cũng là tài sản của đất nước, nhân dân mà không có ai đứng ra đỡ hậu quả.
Sự hình thành mạng lưới các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ là xuất phát từ nhu cầu tất yếu của thị trường, là hệ thống phân phối tự nhiên trên cơ sở cung - cầu xã hội. Không ai bỏ vốn đầu tư kinh doanh khi thị trường không có nhu cầu.Việc dẹp bỏ 12.000 doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ đồng nghĩa với việc tước mất công ăn việc làm của hàng chục nghìn lao động, biến các doanh nghiệp này trở thành kinh doanh bất hợp pháp, ngoài ý muốn vì họ vẫn phải tiếp tục tồn tại và nuôi sống chính mình. (Cafef 19-11-2012)
Nhưng thống đốc Bình lại cho rằng như sự phản đối nói trên là do biểu hiện của “lợi ích nhóm” không tốt: “Sự chống đối của nhóm lợi ích có mặt khắp nơi, từ vận động hành lang chính sách đến các công cụ truyền thông, thậm chí, còn mượn cả “dân” để làm bình phong.” (đã dẫn ở trên).
Trước những chứng cứ và kinh nghiệm rành rành ở thế giới mà thống đốc Bình nhất định bịt tai không nghe, lại còn trách báo chí là không đồng thuận và nói thẳng rằng “Báo chí có chiến đấu thế, chứ chiến đấu nữa thì kết quả vẫn vậy, cuộc sống là như thế” tức là thống đốc Bình không cần quan tâm tới điều người khác nói, dù có chính xác tới đâu mà chỉ cho điều mình làm là đúng:
Tuy nhiên điều mà tôi trăn trở là trong 100% khó khăn thì báo chí gây ra chiếm 40-50%. Sự ủng hộ, đồng thuận của báo chí chưa cao, chạy theo vụ việc đơn lẻ, thổi lên quá đà, tạo dư luận chung của xã hội không tốt. Báo chí có chiến đấu thế, chứ chiến đấu nữa thì kết quả vẫn vậy, cuộc sống là như thế. Do đó, năm nay mong báo chí đồng thuận với Ngân hàng Nhà nước hơn (VTC 25-11-2012)
thì rõ ràng là thống đốc Bình đã có biểu hiện rõ ràng của triệu chứng hoang tưởng đã nói ở trên:
Bệnh nhân bị hoang tưởng có một niềm tin, một kết luận hoàn toàn sai với sự thực nhưng lại được người bệnh tin tưởng một cách tuyệt đối, không thể bác bỏ được. Do đó, người thân không thể thuyết phục người bệnh là họ sai, cũng không thể lên án người bệnh vì niềm tin tuyệt đối đó.
Nếu thực sự thống đốc có những dấu hiệu của chứng bệnh hoang tưởng thì đúng là không thể thuyết phục thống đốc được là thống đốc đã sai và cũng không thể lên án thống đốc. Tuy nhiên, tôi chỉ thấy thương cho Việt Nam, đã khó khăn chồng chất vì đồng chí X, nay lại có một thống đốc mắc chứng hoang tưởng vĩ cuồng và tự sướng thế này thì rồi nền kinh tế đất nước sẽ đi về đâu?
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-2-13
Admin gửi hôm Thứ Hai, 25/02/2013 
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130224/tran-ngan-thong-doc-binh-co-mac-chung-hoang-tuong-vi-cuong
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001