Đặc điểm xã hội dân sự ở Đông Nam Á và vai trò của nó trong phát triển, chú ý đến Việt Nam
Cho đến nay, các nước Đông Nam Á đã chuyển sang kinh tế thị trường và bắt đầu hình thành xã hội dân sự. Nhìn vấn đề từ góc độ lịch sử, việc chuyển sang kinh tế thị trường và hình thành xã hội dân sự ở khu vực Đông Nam Á quả thật là bước ngoặt trong đời sống xã hội, để khu vực này có thể phát triển theo xu hướng chung của thời đại hiện nay. Vì vậy, làm rõ đặc điểm hình thành xã hội dân sự ở khu vực này và vai trò của nó trong phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là đối với Việt Nam.
I. Đặc điểm hình thành xã hội dân sự ở Đông Nam Á
Lịch sử khu vực Đông Nam Á trước khi chuyển sang kinh tế thị trường đều là những nước nông nghiệp lạc hậu với chế độ phong kiến, hoặc nửa phong kiến, nửa thực dân, với nền văn hoá tương ứng. Đặc điểm về kinh tế, chính trị, văn hoá ấy là điểm xuất phát của quá trình hình thành xã hội dân sự. Những đặc điểm ấy còn ảnh hưởng lâu dài cản trở quá trình phát triển xã hội dân sự. Riêng đối với Việt Nam, quá trình hình thành xã hội dân sự có những đặc điểm riêng về kinh tế, chính trị và văn hoá, khác nhiều với các nước Đông Nam Á (sẽ phân tích sau).
1.Đặc điểm về kinh tế ở các nước Đông Nam Á khi hình thành xã hội dân sự
Nhìn chung ở các nước Đông Nam Á, trừ Việt Nam, đều chuyển sang kinh tế thị trường theo hướng tư bản chủ nghĩa, do đó hình thành xã hội dân sự tương ứng. Ở đây, sự hình thành các tập đoàn kinh tế tư bản, gắn liền với lợi ích nhà nước đã tạo ra bộ mặt xã hội dân sự ở giai đoạn đầu của nền văn minh công nghiệp tư bản chủ nghĩa. Trong đó, tính chất văn minh công nghiệp xen lẫn tính chất hoang dã; xã hội công nghiệp bước đầu, xen lẫn với "xã hội đen", làm méo mó bộ mặt ban đầu của xã hội dân sự.
2.Đặc điểm về chính trị khi hình thành xã hội dân sự ở Đông Nam Á
Chế độ chính trị độc quyền, độc tài (Philippine Indonesia, Mianma...) đều là điểm xuất phát của sự hình thành xã hội dân sự ở các nước này. Tác động của đặc điểm chính trị này còn kéo dài ảnh hưởng đến xây dựng chế độ chính trị dân chủ và xã hội dân sự, biểu hiện ở các cuộc đấu tranh phê phái giành quyền lực, những vấn đề nhân quyền, tôn giáo... làm cản trở quá trình phát triển kinh tế và xã hội. Ngoài ra, ảnh hưởng của đặc điểm chính trị xuất phát này còn thể hiện ở sự phát triển dân trí chậm chạp.
3.Đặc điểm về văn hoá khi hình thành xã hội dân sự
Đa dân tộc, đa tôn giáo là đặc điểm nổi trội về văn hoá ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển xã hội dân sự. Đây sẽ là vấn đề lâu dài trong quá trình lịch sử phát triển kinh tế thị trường, phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế. Nhờ đó mà xã hội dân sự sẽ là kết quả tổng hợp của phát triển kinh tế, chính trị và văn hoá. Hơn nữa, đối với mỗi nước thì xã hội dân sự còn mang bản sắc văn hoá của mình, góp phần làm phong phú sắc màu của nền văn minh mới.
II. Vai trò của xã hội dân sự trong phát triển
Khác với "xã hội thần dân", xã hội dân sự về lâu dài sẽ trở thành động lực và mục tiêu của sự phát triển, dù cho hiện nay nó tồn tại dưới thể chế chính trị, văn hoá nào cũng không né tránh được. Căn cứ để nói như vậy là do bản chất xã hội hoá của kinh tế thị trường. Lịch sử kinh tế thị trường cho thấy: sự phát triển của hình thái kinh tế này đã làm sụp đổ tất cả mọi chế độ chuyên chế, độc tài. Ngày nay, kinh tế thị trường đã ở quy mô toàn cầu hoá, có tác động ngày càng sâu đối với mỗi quốc gia, dân tộc, tôn giáo và chính trị. Chỉ có sự phát triển kinh tế thị trường thì vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người dân trong xã hội dân sự mới được nâng cao, được khẳng định và bảo vệ bằng pháp luật.
Đó là một quá trình lịch sử. Trong thời đại kinh tế công nghiệp, kinh tế thị trường phát triển phiến diện, tức là chỉ coi trọng tăng trưởng của cải, coi thường vấn đề xã hội và bỏ qua những tác hại đối với môi trường. Thời đại kinh tế công nghiệp phải trải qua 300 năm là tất yếu. Con người, cho dù là người cầm quyền, cũng không thể tuỳ tiện lựa chọn hình thái kinh tế hay xã hội. Lịch sử ngắn ngủi 70 năm của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô với những thành tựu huy hoàng, cũng không thoát khỏi tất yếu về kinh tế.
Ngày nay, khi kinh tế thị trường bước vào thời đại kinh tế tri thức, đã tạo ra điều kiện cần và đủ cho sự phát triển đồng thuận giữa kinh tế với xã hội và môi trường. Nếu thời đại kinh tế công nghiệp coi việc tăng của cải là động lực và mục tiêu thì thời đại kinh tế tri thức hướng tới sự phát triển tự do và toàn diện của con người. Đây là một tất yếu về kinh tế và chính trị. Đó cũng là văn hoá của phát triển bền vững. Không có gì ngăn cản được xu hướng của thời đại kinh tế tri thức. Chính vì vậy, không chỉ các chế độ chuyên chế, mà cả chế độ dân chủ chỉ vì lợi ích một số người cũng đã tới giới hạn, phải chuyển sang chế độ dân chủ của mọi người.
Trong quá trình đó, xã hội dân sự đóng vai trò động lực của tiến bộ. Không nắm lấy động lực này thì mọi hoạt động kinh tế và chính trị không có tương lai.
Vai trò của xã hội dân sự ngày càng quan trọng, rất phù hợp với các mục tiêu phát triển theo hướng nhân văn, nhưng vai trò đó chỉ phát huy được trong một thể chế kinh tế chính trị phù hợp với trình độ phát triển trong từng giai đoạn về kinh tế và chính trị.Quy luật chung về cấu trúc và vận hành của thể chế đã được lịch sử kinh tế thị trường cho thấy rõ: Đó là cấu trúc của một hệ thống bao gồm ba bộ phận là Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường (thể hiện ở hệ thống doanh nghiệp) và xã hội dân sự. Cấu trúc đó vận hành trong mối quan hệ tương tác giữa các bộ phận. Nhờ đó, mỗi bộ phận tìm ra phương án tối ưu cho hoạt động của mình, đồng thời tạo ra sức đẩy của cả một hệ thống.
III. Đặc điểm hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra
Quan tâm đến đặc điểm hình thành xã hội dân sự mới nhận rõ được những cơ hội và thách thức đặt ra, không chỉ cho việc xây dựng xã hội dân sự, mà cả cho sự phát triển về kinh tế, chính trị và văn hoá. Hình thái xã hội nào cũng đều "lọt lòng" từ lịch sử. Những đặc điểm về chính trị và kinh tế luôn in dấu đậm vào tiến trình phát triển xã hội.
Đối với các nước từng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, việc thừa nhận Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự thật không dễ dàng. Với quan điểm giáo điều, các nước này đều cho rằng kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự đều là của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, các Đảng Cộng sản cầm quyền đều thực hiện nhà nước hoá nền kinh tế và xây dựng "xã hội dân chủ" theo kiểu bao cấp, ban ơn. Việc trả giá cho quan điểm sai lầm ấy thật quá lớn với sự sụp đổ toàn bộ hệ thống, chỉ có Trung Quốc, Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường mới tồn tại được. Nhưng vấn đề phát triển như thế nào vẫn đặt ra trước mắt.
Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường với công cuộc đổi mới. Vì tiếp cận với môi trường lạ và mới, nên sau khi chuyển sang kinh tế thị trường hơn 10 năm, mới dám xác định xây dựng Nhà nước pháp quyền trong nghị quyết, và mới tập trung vào cải cách hành chính, do bộ máy quản lý không theo kịp đòi hỏi của kinh tế thị trường.
Ở nước ta, sau hơn 20 năm chuyển sang kinh tế thị trường, và do phân công lao động xã hội phát triển nên hiện nay đã hình thành hàng vạn tổ chức xã hội ngoài nhà nước. Đó là các tổ chức khoa học và kỹ thuật, văn học nghệ thuật, các hội, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác.
Điều kiện cầncho việc xây dựng xã hội dân sự kiểu mới đã có, nhưng điều kiện đủ còn chờ. Do thiếu vai trò của xã hội dân sự nên thể chế kinh tế chính trị chưa được hình thành, ảnh hưởng lớn đến xây dựng Nhà nước pháp quyền và hệ thống doanh nghiệp.
Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm hình thành xã hội dân sự và xây dựng Nhà nước pháp quyền là do tư duy chính trị chậm đổi mới ngang tầm đòi hỏi về phát triển kinh tế và xã hội. Một nguyên nhân quan trọng khác là vấn đề nhận thức, xây dựng thể chế kinh tế chính trị nước ta trong thời đại mới với các đặc trưng như: Kinh tế thị trường phát triển theo định hướng mới - hướng phát triển bền vững; nhà nước pháp quyền tư sản đang khủng hoảng về thể chế; xã hội dân sự có những biến đổi sâu sắc về cơ cấu và phân tầng xã hội so với trước, trong đó lao động tri thức ngày càng là lực lượng chủ yếu, có vai trò quan trọng trong phát triển.
Hai nguyên nhân nói trên, tự nó đặt ra những vấn đề trước mắt khi định hướng xã hội chủ nghĩa đã đặt ra ở Việt Nam.
Thứ nhất, phải đổi mới mô hình kinh tế,từ mô hình công nghiệp hoá kiểu cũ (đã lỗi thời từ cuối thế kỷ 20 và hơn chục nước đã phải trả giá
do phát triển theo mô hình đó) với những vấn nạn về xã hội và môi trường nghiêm trọng, sang mô hình kinh tế thị trường phát triển bền vững
mà đường lối Đảng đã từng nêu ra hàng chục năm trước đây là "Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường" nhưng chưa thực hiện.
Thứ hai, cần nhận thức và thực hiện "Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân" như quan điểm Hồ Chí Minh. Đây phải là một đề tài khoa học, làm rõ nội hàm của từng khái niệm: "của dân", "do dân", "vì dân" và thể hiện nội hàm đó trong cấu trúc tổ chức nhà nước và trong xây dựng thể chế kinh tế chính trị. Từ kinh nghiệm nghiên cứu của mình, tôi tin chắc rằng nội hàm nhà nước của dân, do dân, vì dân mới là căn cứ tổ chức và hoạt động của Đảng và Nhà nước.
Trong lịch sử kinh tế thị trường, mới có hình thức nhà nước pháp quyền tư sản với đặc điểm dân tộc và giai đoạn phát triển khác nhau. Khi kinh tế thị trường bước vào giai đoạn kinh tế tri thức thì các nhà nước đó đều khủng hoảng và đang điều chỉnh thích nghi. Hiện tượng ấy phát đi tín hiệu: Kinh tế thị trường phát triển bền vững phải có Nhà nước pháp quyền kiểu mới hướng vào xã hội và con người. Có thể nói, đây là cơ hội chưa từng có để các Đảng Cộng sản chân chính có thể thực hiện lý tưởng của mình, nếu không muốn để thực tiễn vượt qua.
Thứ ba,xã hội dân sự đang chuyển từ xã hội dân sự ở thời đại kinh tế công nghiệp lên xã hội dân sự bước vào thời đại kinh tế tri thức, với chất lượng cao hơn. Chất lượng này hình thành từ kinh tế thị trường gắn liền với tiến bộ xã hội, tạo ra mối quan hệ xã hội mới trong cộng đồng. Chất lượng này còn hình thành từ kinh tế thị trường gắn với bảo vệ môi trường, tạo ra mối quan hệ mới giữa con người với tự nhiên. Vì vậy, chất lượng cao hơn của xã hội dân sự thể hiện ở hình thành mối quan hệ mới giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên. Đó mới đích thực là xã hội dân sự kiểu mới.
Do tác động của xu hướng phát triển bền vững trong thời đại mới, nên hiện nay các đảng chính trị trên thế giới đều đang lúng túng hoặc suy thoái dần. Tác động đó còn báo hiệu về một nền chính trị nhân văn đang phát sinh, bảo đảm cho nhân loại vượt qua được nguy cơ huỷ diệt vì thiên tai, vì xung đột, có được cuộc sống xứng đáng với CON NGƯỜI.
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2009
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Năm, 19/09/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130919/dac-diem-xa-hoi-dan-su-o-dong-nam-a-va-vai-tro-cua-no-trong-phat-trien-chu-y-den
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001