Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Cua Đồng - Lếu…

Cua Đồng - Lếu… 



Cua Đồng
Thử tưởng tượng rằng có một ngày đẹp trời nào đó không xa, đột nhiên những đỉnh cao trí tuệ quê ta vì một lý do nào đó (chán ngán, mệt mỏi, hối hận, e tê xê…) không thèm làm lãnh đạo nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra?

Tất nhiên những người lâu nay không muốn có điều 4 HP sẽ rất sung sướng, và không phải chỉ riêng họ mới thấy sung sướng. Tuy nhiên có một thực tế là chẳng có xã hội nào tồn tại được chỉ bằng niềm sung sướng, và rốt cuộc sẽ phải nảy ra câu hỏi: rồi sau đó sẽ ra sao?
Nhìn vào nước Nga và những nước Đông Âu, với khoảng 20 năm hậu CS, một khoảng thời gian tương đối đủ cho một vài chiêm nghiệm, có thể thấy một sự khác biệt. Đó là vai trò của người dân. Khác với các nước kia, sự sụp đổ của Liên xô chủ yếu là do sự phân rã, đấu đá của giai cấp lãnh đạo gây ra, và người dân gần như chỉ là những quan sát viên đứng ngoài cuộc. Cái khác đó đã dẫn tới cái khác biệt ngày nay, là trong khi nước Nga đang cố gắng tìm lại và chứng tỏ cho thế giới thấy vị trí của một siêu cường, thì họ vẫn chưa được đánh giá là một quốc gia có một nền dân chủ đúng nghĩa, ít nhất là qua cách ông tổng thống Nga xoay xở để được ngồi lì ở đỉnh cao quyền lực, hay qua những vụ lộn xộn và cách giải quyết chúng của cả phía chính quyền lẫn các bên liên quan.
Những sự kiện có vẻ lộn xộn khác, với khoảng lùi của thời gian ngắn hơn, như ở Afgan, Libya, Ai Cập… vốn đôi khi được đưa ra làm dẫn chứng cho sự thất bại của dân chủ phương Tây, (hay của CNTB, theo cách nhìn có tính giai cấp, tính chiến đấu hơn), có thể được nhìn dưới một góc độ khác, khi đánh giá nó theo mức độ tham gia của dân chúng, một điều phụ thuộc vào trình độ và nhu cầu về dân chủ của họ, hoặc nói như các lít đờ quê ta là dân trí. Nhìn theo góc độ này thì những gì xảy ra ở Nga hay các nước vừa kể là một kết quả tất yếu, cùng với nó là một kết luận không có gì cao siêu: dân chủ không phải là một thứ quà tặng, nhất là khi nó đến từ bên ngoài. Người ta phải tự mình làm ra hay giành lấy nó, và phải biết cách sử dụng nó.
Quê ta, sau khá nhiều chục năm theo con đường XHCN, dù đã đi qua hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhưng cho đến nay vẫn là một nước nghèo. Nghèo về kinh tế và về nhiều thứ khác, trong đó có dân trí, như các lít đờ đã từng đánh giá.
Trong lĩnh vực kinh tế, người ta dễ thấy được cái nghèo và người nghèo. Dễ thấy được cách giúp người nghèo qua những hoạt động từ thiện ở mọi cấp độ, từ những dịp tặng quà, tặng tiền, đến những chương trình hỗ trợ dài hơi hơn, hay đào tạo nghề, tạo cơ hội làm việc để giúp nhau thoát nghèo.
Nhưng trong lĩnh vực dân trí, mọi việc khó hơn nhiều. Không ai dám nhận là mình giàu, lại càng không có ai từ trong thâm tâm nhận rằng mình nghèo. Bởi thế, khác với thời của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh khi xưa, ngày nay người ta chỉ làm những việc dễ dàng. Như chuyện vạch ra cái xấu là việc dễ, đưa ra một cái gì đó tốt hơn để thay thế nó thì khó hơn nhiều. Và chưa có ai dám làm cái việc cực kỳ khó khăn là nâng cao dân trí, để cho người quê ta sánh ngang được với gần nhất là những người láng giềng, ít ra là riêng về dân trí.
Và khi không mấy ai có nhu cầu thay đổi, cũng như chưa có ai đủ tâm và tầm để thức tỉnh nhu cầu ấy, thì bất cứ sự thay đổi nào đến từ bên ngoài, dù có tốt đến đâu, cũng sẽ chỉ là những món quà tặng vô dụng. Còn những người đang miệt mài chiến đấu với cối xay gió sẽ vẫn chỉ là những ngôi sao cô đơn.
Chuyện gì sẽ xảy ra à? Thồi, khổ lắm. Nói mãi.
Tháng 9/2013
Admin gửi hôm Thứ Tư, 11/09/2013 
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130910/cua-dong-leu
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001