Hà Kỳ Lam - CHU MOM RÂY
at 9/21/2013 04:19:00 PM
Hà Kỳ Lam
Chiều thứ bảy.
Ông Bân và một người khách từ xa đến đang ngồi bên chiếc bàn cạnh bếp.
Nếu không cần phải trịnh trọng, ông Bân vẫn thích tiếp khách ở khu vực
này trong nhà, vì ông cảm thấy đầm ấm, thân mật hơn căn phòng khách tan
loãng, khách sáo và lạnh lùng; huống hồ khách là ông Tuất chứ chẳng phải
ai xa lạ. Ngày xưa, trong quân ngũ, họ vừa là đồng đội, vừa là thầy
trò. Ông bà Tuất từ mãi tận tiểu bang Florida lái xe mười tám tiếng đồng
hồ đến thăm người thầy tiểu đội trưởng cũ của mình.
Bà Bân nãy giờ loay hoay trong bếp xào vội một đĩa đồ nhậu, vừa bưng ra đặt giữa bàn:
Hai anh em lai rai vài chai bia để lót lòng trong khi chờ ăn cơm tối.
Ông Tuất, với lời lẽ và thái độ “biết trên biết dưới” cố hữu, tươi cười nói:
Cám ơn bà chị. Hai bà tham gia với tụi này cho vui.
Được rồi chú. Để tụi này vừa làm bếp vừa tâm sự cũng vui.
Mười lăm năm rồi, từ ngày “gãy súng” tháng Tư 75 đến giờ, hai thầy trò
mới gặp nhau, người này không biết người kia ở phương trời nào. Mãi cho
tới cách nay vài tháng tình cờ ông Tuất tìm được tung tích gia đình ông
anh bà chị nuôi ngày xưa thường hay đỡ đầu cho “thằng em nợ nần kinh
niên” này.
Nếu có những cuộc tái ngộ của những người không liên hệ ruột thịt mà vẫn
gây cho đôi bên những bồi hồi, mừng tủi, thì trường hợp của đôi người
bạn cũ này, ông Bân và ông Tuất, là một. Họ từng chia xẻ gian khổ, hiểm
nguy, từng san sẻ tất lòng với nhau, và trong một hạn độ nào đó, có thể
nói cùng chia cơm xẻ áo cho nhau. Và bây giờ họ gặp lại nhau, như hai
hột gạo trên sàn qua cuộc chiến năm xưa. Nhưng mối thâm tình của họ vốn
đã đặc biệt lại càng đặc biệt hơn vì cái gạch nối ngộ nghĩnh giữa họ là
Lisa.
Sáng nay, lúc bước chân vào nhà, được trông thấy Lisa, một dáng dấp cao,
cân đối, mắt to đen, da ngăm ngăm “màu nhiệt đới,” ông Tuất ngẩng người
trong giây lát và thấy khó hình dung lại đứa bé gái lọ lem khoảng một
tuổi mà mình bồng ẵm leo vội lên chiếc trực thăng tản thương ở một bìa
rừng thưa cách nay mười mấy năm.
Hôm nay ông Bân thấy lòng vui khác thường, vì gặp lại người bạn cũ,
người đệ tử quý của mình ngày xưa. Đành rằng ngày thứ bảy hằng tuần là
ngày ông ta vẫn thấy vui vì là ngày nghỉ xả hơi sau một tuần cày để trả
nợ áo cơm, và là lúc ông ngồi nhàn nhã nâng chén chú chén anh với bạn
bè, người quen, nhưng “ai tri âm đó mặn mà với ai”; và dễ thường mười
mấy năm nay ông chưa có một ngày vui thật sự như hôm nay. Ông Bân thấy
cao hứng nên uống nhiều hơn mọi lần. Ông Tuất cũng vui không kém. Hai
người đàn ông chênh lệch nhau vài tuổi, và đều đã bước qua cái lằn ranh
của tuổi năm mươi. Hai mái đầu đã ngả màu muối tiêu đang có nhiều chuyện
để kể cho nhau nghe, nhiều kỷ niệm để nhắc lại với nhau. Điều quý báu
là cùng chung những kỷ niệm. Nếu không cùng chung vùng trời đó người ta
sẽ thiếu hẳn gạch nối quan trọng.
Chợt Lisa xuất hiện, phục sức và trang điểm lộng lẫy. Cô gái bước đến
bên bà Bân, nói khẽ với bà một điều gì. Bất giác ông Tuất thốt lên:
Chào Miss Kontum!
Cô gái quay lại, với nụ cười lộ những chiếc răng đều đặn và trắng muốt, và đôi mắt mở tròn xoe ra chiều ngơ ngác.
Ông Bân tiếp lời:
Chú Tuất muốn nói con giống như hoa hậu xứ Nam Dương đấy.
Ồ, con cám ơn chú.
Lisa chào mọi người để đi dự tiệc cưới của một người quen.
Ông Tuất nghĩ có lẽ mình đã nói hớ một điều gì mà gia đình ông bà Bân
đang muốn giấu kín đối với Lisa. Không thấy họ nói gì thêm, ông Tuất
không dám hỏi thẳng vấn đề. Ông nói:
- Cháu Lisa nói tiếng Việt khá quá. Đem cháu qua đây lúc còn bé mà anh chị dạy được như vậy thật quý.
Bà Bân nói:
- Hai đứa đều nói rành tiếng Việt, vì ở nhà tụi tôi bắt chúng phải nói tiếng Việt với mình.
Bà Tuất hỏi:
Cháu Thu năm nay chắc lớn lắm, hả chị?
Bà Bân đáp lời bạn:
- Thấp hơn Lisa. Cháu năm nay 22 tuổi. Nếu chú thím đến tuần trước thì đã gặp cháu rồi. Hè cháu mới về lại.
Ông Tuất có vẻ nghĩ ngợi một lúc, đoạn nói:
Chắc cháu Lisa nhỏ hơn cháu Thu khoảng ba tuổi.
Ông Bân làm vẻ hơi lơ đãng:
- Ừ, chúng tôi làm giấy khai sinh cho cháu Lisa theo phỏng đoán như thế.
Ông Tuất hỏi ông Bân:
Hồi nãy có lẽ tôi đã nói hớ một điều gì với cháu Lisa, và anh đã lái câu nói qua chỗ khác thì phải?
Chúng tôi chưa cho cháu nó biết gì về gốc gác của nó cả. À, mà tôi cũng sơ ý đã không nói gì với chú về việc đó.
Cả hai người đàn ông đều im lặng trong giây lát, và mỗi người bỗng thấy
mình trở về những giờ phút của một ngày mùa hè lâu lắm rồi, trên một dốc
núi tại tỉnh Kontum bên quê nhà. Có điều khác biệt là dòng hồi tưởng
của hai người nằm trong hai mẫu đậm nhạt khác nhau. Khúc phim dĩ vãng
trong ký ức ông Tuất ngắn gọn, vì chỉ kết bằng những sen đại cương hay
chính yếu, giống như những hình ảnh thoáng qua nhanh đi kèm bản tin thời
sự tóm tắt trên một đài truyền hình. Thật ra, chẳng có gì nhiều để ông
Tuất phải nghĩ ngợi hay xúc động với mớ hình ảnh bàng quan của một đoạn
đời trôi qua như nước dưới chân cầu. Với ông Tuất, điều hồi tưởng chỉ
vỏn vẹn là hoàn cảnh thường tình của tên bay đạn lạc khiến người tiểu
đội trưởng của mình không nở làm ngơ với một con gà con mất mẹ, hãi
hùng, ngơ ngác giữa vùng giao tranh vừa dứt. Trung Sĩ Bân đã xin phép
thượng cấp nuôi đứa bé gái khoảng một tuổi mà mẹ là một thường dân sắc
tộc Djarai vừa bị tử thương vì làn đạn vô tình của hai phe giao tranh.
Và Trung Sĩ Bân đã phái binh nhất Tuất bồng đứa bé côi cút lên trực
thăng tản thương cùng một mẫu giấy ghi mấy dòng vắn tắt của mình bảo vợ
chịu khó chăm sóc đứa bé ít hôm, chờ cuộc hành quân kết thúc sẽ tính.
Ông Bân thì khác. Trong chuỗi ngày chinh chiến cũ của mình, không ít kỷ
niệm, dù lý thú hay đau thương, mà ông vẫn thích chia sẻ với người khác,
kể cả những ai sơ giao. Ấy thế mà những gì dính dáng đến gốc gác của
Lisa vẫn là những gì chôn chặt tận đáy lòng ông, không một ai được biết,
và càng không được biết là vợ ông.
Dù đã mười mấy năm qua rồi, mỗi lần bất chợt những gì dính dáng đến
Lisa được khơi dậy, ông Bân luôn luôn thấy lại rất rõ hình ảnh người phụ
nữ sắc dân Djarai nằm chết sóng sượt trên một triền dốc, trong khi đứa
bé khoảng một tuổi cứ cố bám sát thân thể mẹ đã giá lạnh. Cổ con bé đeo
một sợi dây chuyền vàng y, có một tấm thẻ hình chữ nhật nhỏ xíu (cũng
bằng vàng y) trên đó khắc hình một ngọn núi.
Hình ảnh đó lâu nay vẫn cộm trong lòng ông một cái gì không dễ chịu, một
ray rứt, một dằn vặt không thôi. Và cứ thế, mỗi lần một hoàn cảnh nào
đánh thức trong ông những ý nghĩ về Lisa thì cảm giác cộm kia lại trỗi
dậy. Nếu ông Bân có thể chia sẻ niềm riêng tây đó với một ai thì có lẽ
tình trạng sẽ đỡ tệ hại phần nào. Nhưng không thể được. Không một ai đủ
gần gũi để ông ký thác điều bí mật éo le về một phần đời của mình. Người
gần gũi là bà Bân, nhưng lại quá “xa cách” trong loại tâm sự như thế,
nếu không muốn nói là “dị ứng” nữa kia!
Với một ít men rượu trong huyết quản người ta dễ nói lên những gì mà ở
một lúc khác người ta không đủ mạnh dạn để làm. Ông Bân cảm thấy điều đó
vô số lần, nhưng không cảm thấy đủ thôi thúc để ông bộc lộ tim gan mình
với bất cứ ai đối ẩm. Nhưng hôm nay thì khác. Lần đầu tiên trong cuộc
sống nơi xứ người ông tìm thấy đúng lúc, đúng người để ông san sẻ cái
tâm sự đè nặng trong lòng bao năm nay. Bà Bân vừa cùng bà Tuất đi đến
một siêu thị gần nhà để mua vài món còn thiếu cho bữa cơm thịnh soạn
chiều nay. Còn lại hai người tri kỷ, ông Bân nói:
- Chú Tuất à, gốc gác của Lisa là một điều giấu kín trong lòng tôi bao
lâu nay. Tôi chưa hề hé miệng với một ai. Nỗi khổ tâm của tôi là một
tổng hợp của bao nỗi dằn vặt: hối hận, mặc cảm lừa dối, lòng ích kỷ. Hôm
nay anh em gặp lại thật là quí, và tôi muốn tâm sự với chú ít nhiều cho
vơi bớt những gì không nói ra được với ai...
Ông Bân ngừng lại, nâng ly nhấp một ngụm bia, trong khi ông Tuất chăm chú chờ đợi.
Lisa là dòng máu của tôi.
Anh không đùa chứ?
Tôi biết đó là một điều thật bất ngờ với chú. Thật ra, chẳng ai ngờ câu chuyện lại xảy ra như thế.
Nhưng còn một ngạc nhiên nữa là không ngờ ông anh kín miệng đến thế.
Suốt bao năm tháng vui buồn đời quân ngũ mà anh không hề hé môi tâm sự
với thằng em này một tí gì về chuyện thầm kín kia.
Cái nhìn hiện rõ nét tò mò dò hỏi của ông Tuất cho ông Bân biết người đệ
tử ngày xưa của mình đang nóng lòng muốn biết “thiên tình sử” của mình
sẽ hay ho hấp dẫn tới mức nào! Ông tiếp:
Để cắt ngắn câu chuyện, tôi xin nói ngay rằng mẹ của Lisa là một phụ nữ
người Thượng đã mang thai với tôi. Nàng tên là Rờmah Coi, một tên phổ
thông của dân Djarai.
Và không cần ông Tuất hỏi gì thêm, ông Bân thấy có “bổn phận” tường trình lại ngọn nguồn câu chuyện lòng năm xưa của mình:
Dạo đó chú chưa về tiểu đoàn mình. Cả đơn vị đang tham dự một chiến dịch
kéo dài ròng rã bốn tháng liền ở mạn tây nam tỉnh Kontum. Chiến dịch
mệnh danh là “Sóng Tình Thương,” một chiến dịch nặng về củng cố lãnh thổ
và bình định các thôn ấp của các bộ lạc Thượng để tách họ ra khỏi vòng
kiểm soát của đối phương. Có lẽ chú cũng biết, không gì nản bằng phải đi
chiến dịch loại đó. Ở thế công, người lính bận rộn túi bụi, lo đối phó
với hiểm nguy, với mọi thử thách của chiến trường, và ngày tháng qua đi
rất nhanh –tuy rằng cuộc đời cũng dễ kết thúc chóng vánh! – rồi thôi, về
thành phố, thị trấn “đập phá” cho đã, kẻo không có ngày mai. Còn cái
loại công tác mà tiểu đoàn đảm trách trong vùng thâm sơn cùng cốc đó
chẳng có gì là lý thú với những chàng trai như tụi mình hồi đó. Mỗi ngày
là một chuỗi thời gian đều đặn, nhàm chán của các cuộc tuần tiểu, các
tổ báo động đêm, canh gác, và của các công việc “phi quân sự” như đốn
gỗ, dựng hàng rào, làm thợ mộc, thợ nề, vân vân. Tối nằm vò võ một mình
trên võng, thả hồn về thành phố mơ những bóng hồng đô thị, hay vợ con ở
nhà. Và chắc chú cũng không lạ gì sự khao khát đàn bà trong thế giới
toàn đàn ông bị cô lập lâu ngày...
Ông Bân dừng lại, nâng ly nhấp một ngụm nhỏ chừng như để thấm giọng “ca”
tiếp. Ông nhìn bạn mình và kể tiếp, nhưng cái nhìn của ông dường như
hướng về một cõi nào trong quá khứ xa xưa:
Những lúc rỗi rãi tụi tôi hay dạo qua các làng người Thượng trong thung
lũng dưới chân ngọn đồi đóng quân của tiểu đoàn. Dù sao cũng là dịp đi
“rửa mắt” với các bóng hình đen đúa của các thiếu nữ Thượng để đổi món
ăn cho thị giác đỡ nhàm chán vì lúc nào cũng nhìn toàn đàn ông trong
quân phục tác chiến và súng đạn. Thế rồi, một hôm tôi gặp ngay tại cổng
vào một ấp nhỏ một “giai nhân” trong đoàn con gái đi làm rẫy về. Trong
các thôn ấp trong vung Polei Jarsieng trùng điệp xanh thẳm đó tôi chưa
thấy một thiếu nữ nào xinh xắn như thế. Thân hình cô ta cao hơn hầu hết
các cô gái khác, da khá trắng so với người Thượng. Đặc biệt là cặp mắt
thật tương phản với đồng loại của nàng, không đờ đẫn mà lanh lẹ, cộng
thêm một vẻ ngơ ngác rất “mán rừng.” Dĩ nhiên đôi bàn chân quanh năm di
chuyển không giày dép phải phát triển ngoại khổ, nhưng hình ảnh cặp đùi
ẩn hiện qua làn váy bằng vải đen tự dệt, đôi cánh tay trần khỏe mạnh,
đôi gò ngực căng phồng không che kín hết trông rất bốc lửa đối với đám
lính tráng lâu ngày không gần đàn bà. Sau ba lần gặp gỡ nữa dưới suối,
nơi dân làng vẫn thường tắm giặt khi đi làm rẫy về, tôi quen cô ta nhiều
hơn, và tôi biết tên cô ta là Rờmah Coi. Nàng là một thiếu nữ hơ hớ
chưa chồng. Tôi thấy rõ nàng thích tôi hơn các người lính khác. Rờmah
Coi nói tiếng Kinh khá trôi chảy, dù không loại hết được cái giọng lơ lớ
của người miền núi. Tôi chẳng giấu diếm gì về gia cảnh của mình, và đã
cho nàng biết tôi có vợ và một con. Có lẽ khi người ta không đặt sự quen
biết với một phụ nữ thành vấn đề tha thiết thì người ta dễ thành thật,
dễ phớt tỉnh, và oái oăm thay, chính vì vậy mà dễ trở nên khả ái, quyến
rũ hơn là một thái độ thận trọng, đóng kịch vì lo ngại đủ điều. Có thể
điều đó đúng một cách tổng quát, và không áp dụng được với người thiếu
nữ Thượng này, hay đó cũng là lý do nàng mê tôi, tôi thật không biết
nổi, nhưng Rờmah Coi đã nói, “anh có vợ em cũng thương.” Lời nói như gáo
nước lạnh xối vào lưng tôi. Thế là nghĩa gì? Người Thượng đâu có “chịu
chơi” yêu suông, yêu để mà yêu? Hay là nàng bày tỏ ý định sẽ “bắt” tôi?
Tôi được biết tục lệ cưới gả của các bộ lạc Thượng ở vùng này rập khuôn
theo chế độ mẫu hệ; người đàn bà là chính trong cuộc sống xã hội và gia
đình, người đàn bà đi cưới chồng, v.v... Nhưng nỗi lo sợ của tôi là mình
có thể bị nàng thư, bỏ bùa, để không về với vợ con được. Tôi đã nghe
nhiều về huyền thoại thư của người Thượng. Vì thế, bẵng đi cả hai tuần
tôi không dám đi ngang ấp của Rờmah Coi. Cuối cùng, một phần vì bạn bè
chế nhạo nỗi lo sợ viển vông của mình, một phần vì đàn bà là một “xa xí
phẩm” hiếm quý đang mời gọi, tôi gạt bỏ hết những lo sợ và tiếp tục tìm
gặp nàng.
Điều tôi nhắm tới là thân thể của một thiếu nữ thiểu số “sạch nước cản”,
chứ chẳng phải tình yêu gì ráo. Mùa gieo trồng vừa chấm dứt; Rờmah Coi
không đi ra nương rẫy mỗi ngày, mà chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp cha mẹ
dệt vải, đan rổ rá, và làm các công việc lặt vặt khác. Nhờ vậy tôi dễ
gặp nàng hơn. Tôi hay hẹn nàng ngoài suối nước, hoặc trên nương rẫy gần
làng để tán tỉnh bằng những câu chuyện không đâu vào đâu. Nhưng rõ ràng
Rờmah Coi lại thấy thích thú với những chuyện trò như thế. Dường như chỉ
cần được nói chuyện với tôi và nghe tôi nói đã là hạnh phúc đối với
nàng, dù lắm khi nàng chẳng hiểu tôi nói gì. Tôi bỗng thấy thương hại
nàng, cũng như tôi vẫn thương hại đồng bào nàng, những bộ lạc Thượng
khốn khổ từ mấy nghìn năm tới giờ. Ai đó đã từng bảo: từ thương hại đến
tình yêu chẳng bao xa. Tôi nghiệm đúng. Trong một chừng mực nào đó, tôi
đã yêu Rờmah Coi. Tuy nhiên tôi vẫn thèm khát nàng. Một lần, trong một
đám ngô rậm rạp, tôi đã đè nàng xuống đất, đưa tay tháo hết chiếc váy,
“thọc” tay vào cái vùng kín đáo nhất của thân thể một người con gái,
quyết nếm cho bằng được hương hoa miền núi. Trong cơn dẫy dụa của thân
thể đàn bà bị chế ngự bên dưới, tôi bỗng hiểu được vì sao người ta hiếp
dâm. Một khoái lạc điên cuồng! Nhưng tiếng kêu khóc của nàng làm tôi
bỗng chùn bước. Một phần nào đó vì tôi cũng yêu nàng, và phần khác, tôi
sợ bị dân làng phát giác. Chắc chú còn nhớ, vào thời đó những vi phạm
liên quan đến sắc tộc thiểu số thường dễ bị trừng phạt nặng nề, vì chính
phủ đang muốn lấy lòng người Thượng. Tôi buông tha nàng lần đó. Rờmah
Coi vẫn thường bày tỏ nỗi lo sợ bị đuổi ra khỏi buông làng nếu nàng bị
chửa hoang. Nàng nói luật lệ của người Djarai từ xưa đến giờ vẫn cứng
rắn như thế đối với đàn bà con gái bị lên án trắc nết, lăn loàn.
Nhưng chưa ăn được trái chín thì vẫn thèm. Tôi rắp tâm làm nàng xiêu
lòng, chẳng cần lo đến hậu quả cho nàng. Người Thượng vẫn một mực trọng
ân nghĩa và hay cả nể. Tôi nghĩ đến một món quà – một món quà chẳng đáng
giá bao nhiêu nhưng là một giấc mơ thần tiên của người dân Thượng.
Người Kinh có thiếu gì cách đi chinh phục, tôi ngẫm nghĩ một cách đắc ý.
Thế là một hôm nhân sắp được về thành phố ít hôm để thăm gia đình, tôi
gợi ý với Rơmah Coi về một món quà. Tôi đã muốn làm một ngạc nhiên cho
nàng, nhưng sợ không đúng sở thích người nhận, món quà sẽ đâm phí đi,
nên đành “bật mí” để thăm dò ý thích của đối tượng.
- Nếu được nhận một món quà thì Rờmah Coi thích cái gì nhất?
Nàng cười chúm chím, đôi mắt như cũng cười theo và ánh lên một sôi nổi
đang dấu trong lòng. Tôi đoán biết một nỗi vui, một náo nức trong lòng
nàng lúc đó, nhưng nàng còn chần chừ chưa nói ra. Tôi nói:
- Em thích đồng hồ đeo tay không?
- Đồng hồ em cũng thích, nhưng em thích nhất là sợi dây chuyền mà các cô
người Kinh hay đeo ở cổ. Nó có một bức tượng nhỏ hình Phật hay Chúa.
Nhưng người Thượng như em thì tin ở các vị thần núi, nên em mơ ước có
một tượng nhỏ khắc hình đỉnh núi Chu Mom Rây.
Tôi quay nhìn ngọn núi Chu Mom Rây trong buổi chiều quang đãng hôm ấy.
Chúng tôi đang đứng cách chân núi khoảng ba cây số đường chim bay. Với
cao độ 1777 thước trên mặt biển trung bình, nó là ngọn núi cao nhất
trong vùng bán kính ba mươi cây số. Nó ngạo nghễ, uy nghi, lẫm liệt chắn
ngang lối về miền xuôi như làm một cái mốc phân cách đời sống đô thị ồn
ào, náo nhiệt của các quận lỵ, thị xã đồng bằng bên kia đỉnh núi, với
các thôn bản âm thầm, nhỏ bé, đơn sơ ẩn hiện đó đây giữa rừng già bên
nầy dãy Chu Mom Rây.
Về ngọn núi này, người Thượng có vô số huyền thoại.
Rờmah Coi có lần kể cho tôi nghe câu chuyện về một trung đội lính Pháp
mất tích. Chuyện do ông nội nàng kể lại cho con cháu nghe. Vào thời
chiến tranh Đông Dương, một trung đội Pháp được lệnh chiếm lĩnh đỉnh Chu
Mom Rây để thiết lập một trạm tiếp vận truyền tin. Trong mấy tháng đóng
đồn trên đỉnh núi, lính tráng đã làm nhiều điều xúc phạm tới thần núi,
cho nên thần núi đã trừng phạt bằng cách bắt giữ toàn trung đội, không
cho xuống núi để về với gia đình. Vì thế khi trung đội được lệnh rút
khỏi núi bằng đường bộ đã mất tích luôn. Bộ chỉ huy Pháp đặt giả thuyết
là trung đội đã bị Việt Minh chận đánh và tiêu diệt hết.
Tôi tin một trung đội Pháp có đóng trên đỉnh núi, vì chính mắt tôi trông
thấy vết tích những công sự phòng thủ họ để lại khi tôi đem tiểu đội
lên đỉnh đó trong một chuyến trực thăng vận để thám sát địa thế hôm đầu
tiên tiểu đoàn đổ quân xuông thung lũng Polei Jarsieng. Tôi cũng tin
trung đội Pháp có thể bị mất tích, nhưng vì Việt Minh chận đánh, diệt
gọn hết, chứ không phải do một quyền lực siêu nhiên nào. Dù sao thì
những truyền thuyết thần kỳ như thế cũng nói lên được sự sùng bái của
người Thượng đối với núi Chu Mom Rây. Rờmah Coi mà có được bức tượng
hình quả núi đeo vào cổ thì chắc là hạnh phúc lắm, vì nàng tin một vật
như thế sẽ có tác dụng của một lá bùa hộ mệnh; thần Chu Mom Rây sẽ che
chở cho nàng trong cuộc sống đường rừng đầy hiểm nguy, bệnh tật, chết
chóc.
Tôi diễu cợt:
- Hình quả núi nào cũng giống nhau. Em đeo ngọn núi này người ta tưởng
ngọn núi kia. Nếu không biết em, khi thấy tượng anh sẽ nghĩ đến ngọn
Ngok Ling ở vùng Dak Pek, vì nó còn cao hơn đỉnh Chu Mom Rây này nữa.
Rờmah Coi chân thật giải thích:
- Khi mình nghĩ mình đeo hình núi Chu Mom Rây thì thần núi cũng biết ngay.
Tôi hiểu nàng muốn nói rằng thần linh chứng giám được lòng thành của con người. Để chìu ý nàng, tôi phụ họa:
- Anh đùa đấy, chứ các thần núi thiêng lắm, mình có lòng thành kính thì các vị ấy đâu có bỏ mình. Anh sẽ làm đúng như em thích.
Khuôn mặt Rơmah Coi rạng rỡ nét vui mừng vì toại nguyện. Tôi bỗng thấy trong ý nghĩ của nàng một
cái gì đại đồng trong tín ngưỡng của mọi dân tộc. Hình đức Phật, hình đức Chúa có chắc là thật sự giống như thế không?
Không ai nói được. Nhưng cần chi. Cái quan trọng không phải là hình
tượng, mà là phần hướng thượng của con người. Hình ảnh chỉ giúp hình
tượng hóa đức tin.
Như vậy, tôi đã cho Rờmah Coi một món quà. Và điều tôi ao ước đã xảy ra.
Cái tình của người”sơn nữ phà ca” đó đối với tôi đã thấm nặng ân tình
sau khi tôi thực hiện món quà ưng ý cho nàng. Không nỡ từ chối, thôi
đành “nhắm mắt đưa chân”, Rờmah Coi đã hiến cho tôi cái giây phút quý
báu nhất của đời con gái!Nhưng sau giây phút ái ân cuồng nhiệt với nàng
lối trên bộc trong dâu, tôi bỗng thấy rõ hơn cái bỉ ổi của mình – hay
của mọi thằng đàn ông? Tôi không thèm muốn nàng nữa. Tôi bước đến một
tảng đá, ngồi hút thuốc. Tôi muốn hất ra xa cái thân thể mà mới đây vài
phút tôi còn say xưa ngắm nhìn, còn tôn thờ, còn ao ước chiếm cho bằng
được.
Nãy giờ ngồi im lặng theo dõi câu chuyện của ông Bân, giờ ông Tuất mới lên tiếng pha trò:
Lính mà em! Em dại thì em ráng chịu, phải không, đại ca?
Ông Bân mỉm cười:
Mà chú có công nhận lính tráng đi đến đâu là gieo rắc “giống nòi” đến đó?
Nói hết thảy lính tráng thì không đúng, chỉ một số cao thủ như đại ca mới làm nỗi thôi!
Thôi đi cha nội, rầu thúi ruột. Lỡ ham vui nhiều lúc lòng rối như tơ vò.
Chẳng qua ông anh còn lương tâm nhiều quá, chứ mấy thằng trời đánh trong đại đội mình hồi xưa chúng tỉnh queo sau mỗi affair.
Đồng ý, chơi phải lì, phải có bản lĩnh, nhưng thú thật trường hợp tôi khó xử lắm.
Tôi không nói trường hợp Lisa, mà chỉ nhận xét chung vậy thôi.
À, mà đại ca tiếp tục đi chứ. Rồi sự việc còn đi đến đâu nữa?
Thì xong rồi, tôi nản quá, soạn thảo kế hoạch truy phong. Tôi ở lì trong
đơn vị mấy ngày liền, không bước ra ngoài, không muốn gặp Rờmah Coi
nữa. Thật ra thì mấy hôm sau cũng muốn mon men tìm em nữa, nhưng nhớ lời
dạy của mấy sư tổ ăn chơi là đánh mạnh rút nhanh, chứ tham lam tiếc của
trời thì thế nào cũng sa lưới, nên đang nghĩ cách cao bay xa chạy.
Có chứng tích gì đâu mà sợ. Bộ anh sợ nó mang cái bầu vào đơn vị chỉ mặt tố cáo hả?
Chứ còn gì nữa! Đó là sự việc đã xảy ra cho tiểu đoàn bạn – thằng 3/40
đóng ở Dak Sut năm trước. Một anh lính “ngứa tay” lôi xễnh một cô Thượng
vào đám khoai mì bên đường để bóp nhũ hoa cho đỡ ghiền. Con nhỏ về mét
với cha mẹ và trưởng làng. Hôm sau vị trưởng làng đem nạn nhân vào bộ
chỉ huy tiểu đoàn trình nội vụ lên tiểu đoàn trưởng. Trừ các đại đội
đang hành quân, quân nhân còn lại phải tập họp trước sân cờ để cô gái
nhận diện thủ phạm. Mọi người đều đội nón lưỡi trai, còn anh lính “ngứa
tay” thì nảy ra sáng kiến đội chiếc nòn sắt vào để may ra thay đổi được
“tướng mạo quân vụ”, vì lúc làm hỗn với cô gái thì anh ta cũng đội nón
lưỡi trai. Cô gái lướt qua từng hàng quân, và bỗng dừng trước người lính
đội nón sắt đang đứng sâu giữa đội hình:
Cái ông đội cái nồi nầy!
Ông Tuất bật một tràng cười lớn, đoạn nói:
Đã đội nón sắt, đã chen vào đứng giữa đám đông, tránh đứng hàng đầu, hàng bìa, hàng cuối, vậy mà cũng không thoát!
Chú thấy đấy, tôi phải lo sợ chứ. Nhưng số tôi hên, vì đúng năm ngày sau
khi tôi “hái hoa” thì đại đội nhận lệnh thượng cấp giữa đêm khuya cấp
tốc thu xếp để tờ mờ sáng hôm sau được trực thăng vận vào vùng hành quân
mới. Cả đại đội không ai biết mình sẽ được ném vào chiến trường nào.
Tôi thì chẳng hề bận tâm gì cả, chỉ thấy mừng là bất chiến tự nhiên
thành, được trốn chạy một cách hợp tình và hợp lý, tuy rằng thời gian
công tác có thể ngắn hạn rồi sẽ quay về chỗ cũ. Nhưng chú biết rồi, ở
nhà binh đừng có cầm chắc chuyện gì cả; nói là đi công tác ít hôm rồi
trở về thì chỉ nên mong như thế, chứ đừng đinh ninh sự việc sẽ diễn ra
như thế. Tôi có linh tính là sẽ “đi tàu suốt”, và đó cũng là điều tôi
mong. Y như rằng, xong công tác tăng phái, đại đội được điều động đi chỗ
khác vì lúc này chiến dịch mà tiểu đoàn tham dự cũng gần kết thúc, và
thượng cấp không muốn chôn chân một số lượng lớn binh lính ở Polei
Jarsieng nữa...
Ông Tuất ngắt lời:
Anh nói tăng phái cho ai?
Lần đó đại đội đổ xuống tận vùng nam Pleiku tăng cường cho thằng 1/40 đang quần thảo với địch chưa phân thắng bại.
Trận đó dữ dội không?
Khá nặng. Đại đội cũng hụt đi mấy mạng, nhưng trung đội mình thì vô sự.
Ông Tuất gắp thức ăn bỏ vào chén của ông Bân và nhắc:
Anh nhấm nháp một chút, chứ nãy giờ quên ăn, mãi kể chuyện.
Ông Bân ăn qua loa vài mẫu đồ nhậu người bạn vừa bỏ vào chén, đoạn đặt đũa xuống:
Kể tới đoạn nào rồi nhỉ?
Đến lúc anh “bye bye” người đẹp và không trở lại nữa.
Thế là tôi quên khấy người con gái Thượng đó, quên như chưa từng biết
một người như thế. Ký ức gạt bỏ dễ dàng và triệt để những gì “không lợi
ích”, không sâu đậm! Chừng ít tháng sau thì chú được thuyên chuyển về
đại đội, và bổ sung vào tiểu đội mình. Và bánh xe cuộc sống của tôi tiếp
tục lăn quay, đi tới phía trước, chẳng dừng lại hay quay lui nhìn lại
những gì mình bỏ lại phía sau. Nhưng rồi bỗng nhiên đại đội lại có dịp
ghé lại Polei Jarsieng. Chú có nhớ cái lần mình đóng quân tạm cạnh vị
trí pháo binh của chi khu Polei Krong không?
Từ trên đồi nhìn xuống xa xa có mấy làng Thượng phải không?
Đúng. Thời điểm đó là vào khoảng một năm hay lâu hơn tôi mới có dịp trở
lại, từ khi đi chiến dịch ở đó. Dĩ nhiên tôi nghĩ đến Rờmah Coi. Sáng
hôm sau tôi cùng vài anh em trong tiểu đội mình – không có chú; chả hiểu
lúc đó chú ở đâu tôi không gặp để rủ cùng đi – tản bộ xuống thăm “làng
xưa,” cái làng nằm gần bộ chỉ huy chi khu nhất. Tôi cố tìm gặp người con
gái một thời đã thu hút tâm trí tôi. Gặp vị trưởng làng tôi hỏi thăm về
nàng, và được biết Rờmah Coi bị làng khai trừ, đuổi đi từ nhiều tháng
nay vì tội chửa hoang. Nghe vậy tôi bỗng thấy mình mất bình tĩnh hẳn.
Không thể là tôi. Có biết bao đàn ông con trai khác, bao người lính như
tôi cũng thèm muốn nàng, và cũng có thể dan díu với nàng. Tôi chỉ đến
với nàng có một lần qua đường thôi; tôi không tạo thành lối mòn!
Tôi không dám hỏi gì thêm. Cặp mắt nghiêm nghị của gười chủ làng làm tôi
ngại. Có lẽ do mặc cảm, chứ ngày trước ở đây tôi vẫn thấy cặp mắt ông
ta hiền hòa. Mà hỏi thêm chỉ tổ gây nghi ngờ. Tôi cáo từ ông ta. Gặp một
anh dân vệ (thanh niên làng) tôi lại hỏi thăm về Rờmah Coi để phối
kiểm. Tôi được biết tin tức nhiều hơn: nàng dan díu với một trung sĩ
người Kinh, rồi có bầu, không cưới hỏi, bị trục xuất khỏi làng. Không
nơi nương tựa, nàng sống nhờ trong một làng nhỏ gần biên giới Lào-Việt,
và đã hạ sinh một bé gái. Vùng đó, nơi các đơn vị quốc gia chưa hề hành
quân đến, mệnh danh là Vùng Tự Trị của Các Dân Tộc Miền Núi. Mấy tay lái
buôn trong làng này hay qua lại vùng biên giới mua bán đổi chác đã
gặp nàng bên đó. Tôi chẳng cần biết “vùng tự trị” kia nằm ở đâu, vì
không nghĩ có bao giờ mình sẽ tới đó, nhưng những gì anh thanh niên này
nói ra làm tôi quan ngại hơn. Linh cảm về một đứa bé do mình tạo ra, và
về nỗi đau khổ của một người do mình gây nên càng lúc càng mạnh hơn
trong tôi. “Một trung sĩ người Kinh” thì chắc không ai khác hơn là tôi!
Tôi lẳng lặng trở về đơn vị, nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi về những
điều vừa thu thập được trong dịp đi thăm “làng xưa.” Làng xưa còn đó,
nhưng người xưa đâu rồi? Tôi có trách nhiệm gì trong thảm kịch của cô
gái kia? Có chắc là tại tôi không? Có chắc là tại một trung sĩ người
Kinh không? Nhưng rồi đơn vị lên đường, bao ưu tư, trăn trở rồi cũng bay
theo vó ngựa trường chinh. Tôi lại bận lo đối phó với những bất trắc
của trận mạc, miệt mài với mồ hôi, bùn đất, bờ bụi của kiếp lính bộ
binh. Và tôi quên hết mọi thứ khác; tôi phải quên, phải biết quên. Như
chú thấy đó, thân phận một người lính mà! Nhưng dường như Tạo Hóa muốn
lá rụng về cội. Chú biết rồi, có ai ngờ cuộc đột kích của tiểu đoàn vào
an toàn khu của đối phương nằm giáp ranh nước Lào lân bang lại là dịp
cha con gặp nhau và lần cuối nhìn mặt cố nhân!
Người phụ nữ Thượng nằm chết trên triền dốc hôm đó
mà chú thấy lúc đại đội ra lệnh chúng ta mở rộng vòng lục soát, chính là
Rơmah Coi. Thoạt đầu, lúc nghe tiếng con nít khóc, tôi nghĩ chắc có
thường dân ẩn náu đâu đây, bèn một mình bò đến gần để quan sát. Tôi thấy
đứa bé trần truồng cứ bám sát thân thể một phụ nữ nằm bất động. Nhìn kỹ
tôi thấy cổ đứa bé đeo một sợi dây chuyền vàng có bức tượng tòn teng
trước ngực. Tôi quay lại gọi chú và thằng Hoàng yểm trợ để tôi bò lại
gần xem xét tử thi và đứa bé. Nói cho ngay, trước lúc cuộc hành quân
khai diễn, nhìn trên tấm bản đồ thấy vùng mục tiêu nằm sát biên giới
Lào-Việt tôi bỗng có một ý nghĩ lạ lùng là biết đâu chẳng là vùng có một
làng nhỏ mà mẹ con Rờmah Coi đang nương náu. Chính mối ám ảnh kia là
quyền lực khiến tôi phải đến xem xét hai mẹ con người Thượng đó, chứ
bình thường công việc như thế tôi giao cho các anh em khác làm. Vừa với
tới tầm tay là tôi cầm ngay cái tượng xem. Đứa bé khóc thét lên, như chú
chứng kiến hôm đó.
Trời đất! Hình một quả núi! Tôi không tin nổi. Thiếu gì tượng quả núi,
và biểu tượng đó đâu có gì đặc thù để không trùng hợp. Nhưng cần một
kiểm chứng nữa là xác quyết: người đàn bà nằm đó. Bà ta nằm nghiêng, một
bên má áp xuống đất. Quên cả thận trọng của một quân nhân ở chiến
trường, tôi khẽ đẩy cho thi thể lật ngửa. Khuôn mặt Rơmah Coi hiện ra rõ
ràng. Tuy tiều tụy và tái nhợt, màu tái của xác chết, Rờmah Coi vẫn giữ
được những nét dễ nhận. Tôi bối rối không biết phải làm gì. Nhưng có
một điều tôi quyết định rất nhanh, là nuôi đứa bé. Không biết có phải do
tự kỷ ám thị không, nhưng lúc quay lại nhìn mặt đứa bé tôi thấy cái
phần nhân trung của nó giống của tôi vô cùng. Mãi đến bây giờ mỗi lần
nhìn Lisa tôi vẫn thấy thế. Không biết chú có để ý điều đó không?
Ông Tuất nhìn chăm chú ông Bân và nói:
Bây giờ anh nói ra, tôi hình dung lại thấy có vẻ đúng. Không biết có phải lại do tự kỷ ám thị không.
Rờmah Coi nằm đó, máu nhuộm đỏ vạt áo trước ngực, đôi mắt nhắm nghiền
như trong một giấc ngủ, và tôi xúc động đến lặng người. Không phải vì
trông thấy người chết mà xúc động. Rờmah Coi không đáng phải đi xa bản
làng như thế này để rồi nằm xuống không có cha mẹ, họ hàng bên cạnh. Tôi
nghĩ nàng chẳng mấy tiếp nhận đứng đắn cái “vùng tự trị” kia. Tôi đã xô
đẩy nàng đến đó. Không biết lúc sống nàng có oán hận gì tôi không, hay
nàng đã tha thứ cho tôi, vì nghĩ rằng vì việc binh tôi phải sống nay đây
mai đó, không làm chủ được tháng ngày của mình! Và không biết nàng có
nuôi ước mơ sẽ gặp lại tôi để cho tôi thấy con đã lớn như thế nào? Tôi
bàng hoàng mình đã gặp lại nàng trong trạng huống đau khổ này. Tâm trí
tôi lúc đó ở trong một trạng thái tê dại, hầu như quên hẳn mình vừa trải
qua những giờ phút căng thẳng của chiến trận.
Tôi xin đại đội cho phép mang đứa bé về nuôi, và tôi đã nhờ chú ẵm nó
quá giang trực thăng tản thương về hậu cứ tiểu đoàn. Chú và mọi người
chỉ xem hành xử của tôi lúc đó là một nghĩa cử thuần nhân đạo, chứ đâu
có biết vì thôi thúc của giông bão trong lòng mà tôi hành động. Tôi còn
có cả ý định chôn cất Rờmah Coi cho phải đạo, nhưng phải dẹp bỏ ý nghĩ
đó ngay vì tình hình hành quân không cho phép. Tôi chỉ còn biết tự an ủi
rằng khi chúng ta rút lui dân làng sẽ trở về và chôn cất nàng đúng
phong tục người Thượng.
Đêm đó, khi đơn vị rút ra khỏi vùng chiến địa và nghỉ đêm trên một ngọn
đồi, tôi nằm trên võng thao thức rất lâu. Chiến trận vừa diễn ra ban
ngày vẫn còn hằn trong tâm trí tôi, cũng như trong lòng tất cả mọi người
đã tham dự, dù ai có từng trải chiến trường cách mấy đi nữa: những đồng
đội bị thương, những đồng đội đã mất, những xác của đối phương, mớ vũ
khí lấy được, v.v... Nhưng tâm trí tôi dừng lại ở hình ảnh Rờmah Coi nằm
trên triền dốc, và ở hình ảnh đứa bé với sợi dây chuyền. Tôi tự hỏi có
phải Rờmah Coi đã đeo sợi dây chuyền vào cổ con mình từ lúc mới sinh để
tưởng nhớ đến tôi, hay nàng chỉ vừa đeo vào cổ nó lúc súng bắt đầu nổ dữ
dội sáng nay, để mong thần núi Chu Mom Rây che chở cho nó, còn mình thì
sao cũng được. Chẳng ai đoán nổi. Nhưng có một điều tôi biết chắc chắn
là con nàng đã được an toàn với bức tượng quả núi Chu Mom Rây nơi cổ,
còn nàng thì đã không may...
Cũng may mà Trời Phật đưa đẩy tiểu đoàn mình hành quân vào mật khu đó để
anh gặp và đem đứa bé về nuôi. Nếu mẹ nó linh thiêng chắc đã an lòng
nhắm mắt, vì biết được những gì anh đã làm.
Tôi nghĩ Trời khiến lá rụng về cội, hay Trời cho tôi dịp chuộc lỗi với
người xưa. Có điều tôi không hiểu là tại sao số mệnh lại bắt nàng phải
hy sinh.
Ôi, làm sao hiểu được mọi lẽ huyền vi của Con Tạo. Hãy nghĩ rằng anh đã
làm tròn những gì phải làm trong khả năng mình. À, có một điều tôi thắc
mắc từ nãy giờ là anh bảo chưa hề cho chị biết Lisa là con anh; vậy anh
đã nói thế nào để chị chịu nuôi cháu?
Tôi bảo nhà tôi là trong lúc giao tranh tôi lỡ bắn lầm thiệt mạng một
thường dân Thượng, và lương tâm cắn rứt khiến mình muốn nuôi đứa con thơ
dại của bà ta để chuộc lỗi lầm. Nhà tôi vốn hay thương người, nên đâu
nỡ từ chối một trường hợp thương tâm như thế.
Té ra là như vậy. Anh là một soạn giả có hạng đấy! Chuyện đã qua gần hai
mươi năm rồi, và Lisa đã khôn lớn như thế này rồi, và mọi sự trong cuộc
sống gia đình tôi vẫn êm ả, nhưng tôi vẫn thấy mình chưa hoàn tất một
cái gì; câu chuyện xưa chưa chung cuộc.
Chắc anh băn khoăn chưa nuôi nấng Lisa nên người, trưởng thành?
Ông Bân lắc đầu:
Không phải chuyện đó. Đúng như chú nói vừa rồi, tôi là một soạn giả. Về
Lisa, mỗi người đọc một kịch bản khác nhau. Chú thì trước khi tôi kể
chuyện này vẫn tưởng tôi nuôi cháu vì lòng nhân đạo. Nhà tôi cho đến bây
giờ vẫn tin rằng tôi nuôi cháu vì nhận lãnh trách nhiệm đã gây ra cảnh
côi cút cho một đứa bé. Còn chính Lisa thì không hề hay biết gì về gốc
gác thật của nó. Vì thế mà lòng tôi lúc nào cũng thấy mình chưa hoàn
tất...
Ông Bân ngừng nói mà ông Tuất vẫn còn thừ người một lúc, dường như đang theo đuổi ý nghĩ riêng của mình, và cuối cùng nói:
Không biết có nên để cho những gì đã xảy ra và đã lắng xuống bên kia đỉnh Chu Mom Rây tiếp tục ngủ yên không?
Ông Bân châm một điếu thuốc lá, hít một hơi dài, nhả khói lên trần nhà
và im lặng. Ông không có vẻ đăm chiêu, nhưng không ai nói được tâm hồn
ông đã được yên tĩnh chưa.
Hà Kỳ Lam
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/09/ha-ky-lam-chu-mom-ray.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001