Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Phạm Thị Hoài - 2 x Hitler

Phạm Thị Hoài - 2 x Hitler 

   at 9/18/2013 02:19:00 PM

Phạm Thị Hoài

1. Mercedes chẹt chết Adolf
Một làng ở Áo. Nhà cửa. Núi non. Ruộng đồng. Ba người đàn ông xới cỏ. Một bà lão ngồi gọt khoai tây. Một nhóm thợ mộc lúi húi làm nhà. Một âm thanh vọng đến. Một chuyển động dâng lên. Tất cả ngừng tay, nghe ngóng. Một chiếc ô tô vụt qua. Một cặp mắt sau hàng rào dõi theo nửa hiếu kì nửa sợ sệt. Một ông lão dắt ngựa ngỡ ngàng.

Chúng ta thấy bảng đồng hồ của một chiếc xe hơi, kim tốc độ chỉ 50. Tín hiệu báo nguy hiểm đỏ rực. Chiếc xe phanh kít trước hai cô bé đang chơi lò cò giữa lòng đường. Tất cả đều an toàn. Tín hiệu trở về xanh. Bây giờ hiện nguyên hình là một chiếc Mercedes 6-xi-lanh, như người ta thường biết về những dòng xe hơi cao cấp đến từ nước Đức: chất lượng tuyệt đối, tiện nghi hoàn hảo, công nghệ tối tân, hình thức tiết chế, nó tiếp tục bon bon lăn bánh trên nền nhạc cổ động.

Một cậu bé dẫn quả bóng bay từ ngôi nhà ven đường chạy ra. Người mẹ mỉm cười âu yếm sau cửa sổ. Chiếc xe vẫn lao tới. Cậu bé từ từ ngoảnh lại. Mọi sự diễn ra rất nhanh. Cậu bé lăn mấy vòng trên mặt đất. Một con quạ đen hốt hoảng rú lên và vỗ cánh bay mất. Người mẹ thất thần gọi tên con: “Adolf!”. Chiếc xe phóng tiếp, ra khỏi địa phận cắm biển “Braunau am Inn”. Dòng chữ “Phát hiện trước khi hiểm họa hình thành“. Tiếng gào của người mẹ: “Adolf!”. Rồi logo của Mercedes cạnh hàng chữ “Collision Prevention Assist“. Còn lại trên mặt đất là cậu bé nằm bất động, tứ chi xếp thành hình một chữ thập ngoặc.
MCP from dath – Tobias Haase on Vimeo.

Hiển nhiên hãng Mercedes phải tuyên bố ngay rằng mình không liên quan gì đến clip này và yêu cầu các tác giả phải ghi rõ như thế trên clip. Mà không liên quan thật. Đó là tác phẩm tốt nghiệp, thể loại phim quảng cáo, của ba sinh viên Học viện Điện ảnh Ludwigsburg năm nay. Hiển nhiên nó khiêu khích bằng những giả thiết gây hấn: Nếu một hệ thống hỗ trợ an toàn tự động như Collision Prevention Assist trong xe hơi có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử nhân loại; nếu máy móc biết phân biệt Thiện – Ác; nếu được làm lại quá khứ; nếu phải giết một sinh mạng, dù đó là một đứa trẻ, để cứu triệu người… Ở đây sản phẩm của Mercedes chỉ là chất liệu, khác hẳn trào lưu phim quảng cáo thương mại ưa dùng đủ thứ chất liệu không dây dưa gì đến sản phẩm cần quảng cáo để tôn bật thông điệp bán hàng. Clip Mercedes chẹt chết Adolf, khiến dư luận sục sôi bàn cãi, vừa được trao Giải Tài năng Điện ảnh Trẻ ở Đức. Một trong các nhà tài trợ của giải này, thật hài hước, chính là hãng Mercedes.

2. Nguyễn Tấn Dũng công bố Mein Kampf

Từ ngày 28-2-2013 đến ngày 16-5-2013, website mang tên Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tên miền nguyentandung.org, đã đăng trọn vẹn bản dịch tiếng Việt cuốn Mein Kampf của Hitler với nhan đề Cuộc đời tranh đấu của tôi, gồm gần 400 trang khổ A4, trên 220.000 chữ.

Như thường lệ, bản gốc từ trang này sau đó đồng loạt xuất hiện trên các trang khác: Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Trần Đại Quang, Phùng Quang Thanh, Hoàng Trung Hải, Hoàng Tuấn Anh… Vậy là di sản tinh thần, di sản chính trị và tư tưởng của kẻ độc tài, diệt chủng, sát nhân và tội phạm chiến tranh kinh hoàng nhất của thế kỉ hai mươi được truyền bá vô điều kiện đến quảng đại quần chúng qua hệ thống cổng thông tin điện tử mang tên các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Hiện đứng ở vị trí thứ 123 trong thứ tự xếp hạng truy cập tại Việt Nam theo Alexa, trang Nguyễn Tấn Dũng thậm chí vượt xa những trang đại chúng như Công an Nhân dân, VTV hay Phunutoday… và được đông đảo người đọc nghiễm nhiên coi như trang chính thức của người đứng đầu chính phủ Việt Nam.

Cuốn kinh thánh của chủ nghĩa Quốc xã được trang này quảng cáo như sau:
“Có một tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới của Adolf Hitler từ năm 1924 mà cho đến thời điểm hiện tại ít ai biết đến vì chưa có phiên bản tiếng Việt. Với tên gốc là Mein Kampf, cuốn sách ‘Đời tranh đấu của tôi’ trình bày tư tưởng và âm mưu của Adolf Hitler về Đế chế Đức khi ông ta lên nắm quyền. Chính vì sự hấp dẫn của tác phẩm đó nên BBT chia sẻ với quý bạn đọc trong mục chuyên đề kỳ này bằng tiếng Việt.

Mời bạn đọc theo chúng tôi nghiên cứu hết tác phẩm hấp dẫn này.”

Trong tinh thần ấy, những bức hình máu lửa giật gân với biểu tượng chữ thập ngoặc của chủ nghĩa Quốc xã được dùng để minh họa hẳn cũng rất “hấp dẫn”. Chúng được gắn dấu bản quyền nguyentandung.org to tướng.

© 2013 pro&contra
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/09/pham-thi-hoai-2-x-hitler.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001