Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Đám tang lãnh tụ
Hôm nay hay tin Kim Chính Nhật qua đời, mới nhớ tôi cũng từng viết về Kim Nhật Thành và cũng vì thế mà sách không được ra đời ở VN. Gửi lên đây để mọi người đọc cho vui :-) , chỉ tội hơi dài. Đoạn trích này nằm trong tiểu thuyết “Thang máy Sài Gòn”, tôi viết cách đây 2 năm.


Đêm mưa tầm tã. Đêm mưa trái mùa năm 2004, mẹ em qua đời, vì một tai nạn phi lý, có lẽ chưa kịp có tên trong tiếng Việt. Anh Mai, anh trai duy nhất của em, xây ngôi nhà không biết thứ bao nhiêu, vẫn cao tầng, nhưng lần này quyết định lắp thang máy tư gia, nghe nói là đầu tiên của cả nước. Để đánh dấu sự kiện này, anh mua vé máy bay mời mẹ vào Sài Gòn. Anh bảo, mẹ phải bấm nút khánh thành thang máy, đi một vòng từ tầng trệt lên tầng thượng, quay trở lại, thì khách mới có quyền sử dụng. Anh mời cả truyền hình và báo chí tới dự. Không khó hình dung những kịch bản kiểu này, em vẫn dành một buổi tối, ngay sau đám tang mẹ, để xem hết một CD sáu mươi phút cùng một tập mấy trăm bức ảnh. Xem xong, lại ngồi xem tiếp một CD sáu mươi phút cùng một tập mấy trăm bức ảnh nữa, về chính đám tang mẹ, mà bản thân em đã chứng kiến từ đầu tới cuối.
Mẹ bao giờ cũng khác thường, từ nhỏ em đã nhận thấy như vậy, trong đám đông hay đứng một mình, dù là họp đảng ủy hay họp khu phố, dù là nhận bằng khen hay trao phần thưởng, và bây giờ, trên bàn thờ, giữa những người đã khuất, những người thân của mẹ, ông bà nội ngoại, anh chị của mẹ… Và cả bố nữa. Anh Mai đã cố tình để hai tấm chân dung sát nhau, trước mặt bày bình hoa hồng đỏ, thế nhưng bố và mẹ vẫn cứ như những kẻ xa lạ, như chưa từng cùng đăng ký kết hôn, chưa từng sống với nhau hai mươi năm, chưa từng có hai đứa con (là anh Mai và em) rồi hai đứa cháu (là cái Ngọc con anh Mai và thằng Mike con em). Suốt buổi tối, em đã thử nhiều lần, những lúc còn tỉnh táo và cả khi bất ngờ chợp mắt, mà không sao hình dung lại cảnh gia đình ngày trước, khuôn mặt mẹ thì rõ mồn một, còn khuôn mặt bố liên tục phải nhờ đến sự trợ giúp của tấm chân dung, tấm chân dung giữa hoa hồng đỏ và hương khói nghi ngút. Bố mất trước mẹ mười năm.
Bữa cơm tối có hai anh em và hai đứa trẻ. Anh Mai bảo: Thanh tra hãng thang máy Đức gửi sang tìm mãi vẫn chưa ra nguyên nhân tai nạn. Họ bảo không hiểu tại sao buổi khánh thành, thang máy chạy êm, ba hôm sau vẫn chạy êm, sau tai nạn vẫn chạy êm, thế mà mẹ lại bị rơi vào khoảng trống, từ tầng thượng xuống tận tầng trệt, nơi hộp thang nằm lì như không nhận được lệnh nào. Anh thì không hiểu tại sao đêm muộn như thế, trời mưa to, mà mẹ lại ở tầng thượng, và ở trên đấy khá lâu. Anh nhớ là tối ấy, anh nằm ở xa lông xem thi hoa hậu từ sớm rồi ngủ luôn tại đi văng, cái Ngọc thì ở nhà mẹ nó, nhân viên về hết chỉ còn mỗi bà giúp việc, nếu có lên các tầng trên để lau dọn thì cũng chỉ chín giờ tối là xuống phòng riêng đi nghỉ. Trong buổi hỏi chuyện của thanh tra nước ngoài, bà ấy cũng khai như thế, và bằng chứng là hộp thang đã dừng lại ở tầng trệt, nơi có phòng riêng của bà ấy. Vậy có nghĩa là mẹ đã sử dụng thang máy để lên tầng thượng trước cả chín giờ tối, sau đó đến lượt bà giúp việc lấy thang máy để quay trở về tầng trệt, rồi khoảng hai giờ đêm khi mẹ bấm thang máy để đi xuống, cửa mở ra, mẹ bước vào thì hộp thang lại không có ở đó. Tai nạn đã xảy ra vào hai giờ đêm. Hai giờ đêm, bác sĩ pháp y đã nhận định mẹ mất vào hai giờ đêm. Thế từ chín giờ tối tới hai giờ đêm mẹ làm gì trên tầng thượng?
Em im lặng. Em cũng không hiểu mẹ làm gì trên tầng thượng từ chín giờ tối tới hai giờ đêm? Người ta có thể làm gì trên tầng thượng từ chín giờ tối tới hai giờ đêm? Có gì để mà làm trên tầng thượng từ chín giờ tối tới hai giờ đêm?
“Thi thể của cụ nhà rơi từ tầng thượng xuống tầng trệt nát bấy, chỉ còn mỗi khuôn mặt là nguyên vẹn”, bà giúp việc nhà anh Mai kể với em về tai nạn của mẹ như vậy. Em cho là bà ấy cũng không biết gì hơn, vì tai nạn xảy ra theo nhận định của bác sĩ pháp y là vào hai giờ đêm, lúc mọi người đều đã ngủ say. Nhưng hai giờ đêm hay mấy giờ đêm thì có thay đổi được gì. Mẹ đã mất rồi. Em không thể không hình dung cảnh mẹ rơi từ tầng thượng xuống tầng trệt, trong khoảng không hình ống tối tăm của thang máy. Và em có cảm giác như trong lúc rơi, mẹ đã cố hết sức ngẩng cổ lên, và dùng cả hai tay quấn quanh đầu để tránh cho khuôn mặt bị tổn thương, tuy rằng như thế thì đau hơn rất nhiều, vì không thể ngất đi ngay lập tức, mà phải tiếp nhận cơn đau cho tới tận lúc não ngưng hoạt động hoàn toàn.
Cũng theo bà giúp việc thì vì thi thể nát bấy của mẹ mà thợ may và các nhân viên tang lễ phải làm việc liên tục ba ngày, trong khi đó chuyên gia hóa trang chỉ mất có mấy tiếng đồng hồ. Lúc em vào tới nơi thì khuôn mặt mẹ đã được trang điểm kỹ, có cả phấn nền, có cả mascara, những thứ bình thường mẹ không sử dụng bao giờ. Thi thể mẹ, mặc áo dài gấm đen, xung quanh phủ hoa hồng đỏ, được đặt trong quan tài kính có gắn điều hòa và máy khử mùi, quan tài kính lại được đặt trong nhà tang lễ bệnh viện quốc tế. Anh Mai chỉ đồng ý cho khách tới viếng khi mọi thứ đã xong xuôi, ngay cả em cũng phải chấp thuận điều kiện ấy. Thực ra thì tự trong lòng, em cũng chỉ phản đối một cách yếu ớt. Em cũng sợ phải chứng kiến tận mắt một thi thể nát bấy, của mẹ hay của ai cũng vậy. Tưởng tượng dù sao cũng đỡ sợ hơn, nhất là trong những trường hợp như thế này. Nhưng cũng có lẽ vì thế mà khi nhìn thấy mẹ trong quan tài kính, nguyên vẹn, áo dài gấm và hoa hồng đỏ, phấn nền và mascara, em có cảm giác mẹ đang diễn vai người chết và không khóc được tiếng nào. Mà khóc sao được khi phòng tang lễ bệnh viện quốc tế sạch sẽ lịch sự, nhân viên phục vụ tận tụy tươi cười, ngay cửa ra vào đã treo biển song ngữ Anh-Việt: TRÂN TRỌNG ĐỀ NGHỊ KHÔNG GÂY ỒN ÀO MẤT TRẬT TỰ.
Đám tang mẹ một tay anh Mai đảm trách. Khách tới dự phần lớn là bạn làm ăn của anh, trang phục đen từ đầu tới chân, mỗi người khệ nệ một vòng hoa khổng lồ, xe hơi nêm chặt cổng nghĩa trang. Một đội kèn đồng tám com lê trắng đồng phục như tám anh em ruột. Chục thanh niên cầm máy ảnh bấm lia lịa, không hiểu thợ ảnh hay nhà báo. Chục thanh niên khác, cầm điện đài di động đi đi lại lại, không hiểu là nhân viên của anh Mai hay bảo vệ phường. Một khu đất bề thế, xung quanh bao tường dày, ở giữa xây sẵn một nhà mồ bằng đá hoa cương xanh, hai bên có hai cây bách trăm tuổi, chính giữa là một lư hương cao xấp xỉ đầu người. Quan tài kính đặt trước lư hương, đầu quay về hướng Đông, chân xuôi theo hướng Tây. Mặt trời buổi sớm chênh chếch. Mây nhè nhẹ trôi. Hoa hồng đỏ thoang thoảng. Amazing Grace. Kính trong suốt và nắng tinh khôi, mẹ hiện ra phi thường trong ánh hào quang bí hiểm của cái chết.
Em và anh Mai đứng đối diện với quan tài, tay chắp lại, mặt nghiêm nghị, đầu hơi cúi. Anh áo dài đen quần đen, em áo dài đen quần đen, cùng kiểu, cùng màu, cùng chất liệu với mẹ, cùng thợ may đặc biệt do anh Mai gọi đến, cắt đo cho mẹ trước, sau tới lượt em và cuối cùng là anh Mai. Sáng sớm, em mặc vào, anh Mai nheo mắt bấm điện thoại. Mười lăm phút sau thợ hóa trang đến cùng đồ nghề, khuôn mặt em được trang điểm kỹ, có cả phấn nền, có cả mascara, những thứ bình thường em không sử dụng bao giờ. Anh Mai nheo mắt lần nữa, lại bấm điện thoại. Mười lăm phút sau nhân viên của anh mang về một chiếc mũ màu đen, để trong hộp cũng màu đen, không hiểu mua hay đặt lúc nào mà vừa khít đầu em. Cái Ngọc và thằng Mike cũng có mặt trong đám tang, đứng sau lưng em và anh Mai, trang phục như trang phục của em và anh Mai thu nhỏ. Rất có thể là thợ may đặc biệt, vì đã quá bận với trang phục của người lớn, chẳng còn thời gian để tự tay cắt đo cho hai đứa trẻ, nhưng đã chỉ đạo đám thợ phụ để trang phục của cả nhà, người sống cũng như người chết, đều cùng kiểu, cùng màu, cùng chất liệu. Mọi thứ được làm nhanh gọn và chính xác, như thể cả một ê kíp trợ lý đang đứng sau lưng anh Mai, chỉ đợi anh bấm điện thoại là răm rắp thực hiện.
Khi khách đến dự đã khá đông thì một nhóm quay phim gồm ba người từ từ tiến vào. Người vạm vỡ nhất cũng là người trẻ tuổi nhất vác trên vai máy quay to, ống kính để mở và tiếp tục phát ra những tiếng kêu khe khẽ. Có vẻ như cả nhóm vừa làm một vòng nghĩa trang để quay cảnh phụ, bây giờ đã sẵn sàng cho cảnh chính. Người bé nhỏ nhất cũng là người lớn tuổi nhất rất có dáng thư ký, lăm lăm trong tay cuốn sổ ghi chép và điện thoại di động, thỉnh thoảng ngẩng lên trao đổi với người thứ ba – cao, gầy, ria con kiến, đội mũ phớt và ngậm tẩu, không nghi ngờ gì nữa chính là trưởng nhóm. Trưởng nhóm chỉ tay về phía quan tài, nhà quay phim trẻ lập tức tiến lại, chĩa ống kính thẳng vào khuôn mặt mẹ, quay mấy phút liền, rồi bắt đầu thả ống kính, quay toàn thân, và sau đó còn quay những gì nữa thì em không rõ lắm vì đầu liên tục ở vị trí hơi cúi. Ai đó chợt nắm tay em, hóa ra thư ký, có lẽ quá bé nhỏ nên ra hiệu cho em cúi đầu thêm chút nữa, để có thể nói thầm vào tai em rằng bây giờ sẽ tới lượt em, nghĩa là khuôn mặt em sẽ trở thành tâm điểm của ống kính. Em chưa kịp phản ứng thì thư ký giải thích rằng em sẽ phải giữ làm sao để mắt không chớp trong vài phút liền, để lên hình không giống đang ngủ gật, rằng trường hợp của em nên thận trọng vì chiếc mũ màu đen hắt bóng tới tận môi trên. Em im lặng gật đầu. Đây là lần đầu tiên em đối diện với máy quay phim, lại máy quay phim chuyên nghiệp. Em tưởng tượng, thư ký bé nhỏ phải đi một vòng hoặc vài vòng, để dặn dò vào tai tất cả những ai sẽ có vinh dự trở thành tâm điểm của ống kính như em vừa rồi. Tất nhiên có những người hiểu ngay và có những người không hiểu gì cả, thế là sẽ phải nhắc lại, và không được nói to sợ ảnh hưởng tới không khí chung. Có khi một câu mà phải nói tới cả trăm lần không biết chừng. Thư ký trường quay hóa ra là một nghề không dễ chút nào.
Khi nắng vẫn còn chưa gắt, mây vẫn nhè nhẹ trôi và hoa hồng tỏa hương ngào ngạt, Amazing Grace chuyển sang Hoài Niệm, lễ hạ huyệt bắt đầu. Khoảng năm phút thì nhạc hết, anh Mai đọc một điếu văn ngắn, đại khái gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm của quý vị đối với thân mẫu của chúng tôi, thân mẫu của chúng tôi sinh thời ưa sống giản dị nên xin được ra đi trong yên tĩnh, thương tiếc nên giữ trong lòng, sầu bi là điều không cần thiết. Diễn văn kết thúc, cử tọa im phăng phắc (có cảm giác còn nghe thấy cả tiếng xè xè của máy quay phim), có lẽ một phần bởi đề nghị trực tiếp của anh Mai, nhưng em cho rằng phần lớn là do khách tới dự quá ấn tượng khi nhìn thấy mẹ trong quan tài kính. Ai nấy tự động xếp những vòng hoa khổng lồ vào một góc, sau đó đứng thành mấy hàng song song, tay chắp lại, mặt nghiêm nghị, đầu hơi cúi, chỉ đợi anh Mai đọc xong điếu văn là nối đuôi đi ra chiêm ngưỡng mẹ một lần nữa. Làm một vòng quanh miệng huyệt, trong tiếng kèn đồng vừa quay về Amazing Grace, mỗi người dừng lại một lát, ném xuống một bông hồng đỏ, một nắm đất con con, quay sang bắt tay anh Mai rồi bắt tay em, im lặng, đầu vẫn tiếp tục hơi cúi cho tới lúc về lại chỗ của mình. Cử chỉ, vẻ mặt đều tăm tắp như thể đã được tập luyện trước đó bao lần.
Anh Mai bắt tay từng người nói cám ơn, em cũng bắt tay từng người nói cám ơn. Anh Mai gật đầu, em cũng gật đầu. Anh Mai gọi người ấy là chị, em cũng gọi là chị, gọi là bà, em cũng gọi là bà, gọi là ông, em cũng gọi là ông. Tóm lại, anh Mai làm gì, em làm nấy. Chỉ có lúc anh đọc điếu văn là em phải đứng một mình, hết nhìn mẹ trong quan tài kính lại nhìn hoa hồng đỏ, nhìn đất mới đào, nhìn ổ kiến lửa cạnh gốc cây bách, đầu vẫn hơi cúi, mặt vẫn nghiêm nghị, tay tiếp tục chắp. Hai mươi phút cũng nhanh chóng trôi qua, chiếc mũ đen vẫn yên vị trên đầu. Kể ra chẳng có gì là khó, chỉ cần tập trung một chút. Ngay cả cái Ngọc và thằng Mike cũng làm được. Xem lại băng video sáu mươi phút và mấy trăm bức ảnh, em nhận thấy rằng đứng sau lưng em và anh Mai, người lớn làm gì, chúng nó làm nấy. Cử chỉ, vẻ mặt của người lớn đều tăm tắp như thể đã được tập luyện trước đó bao lần. Cử chỉ, vẻ mặt của chúng nó cũng đều tăm tắp như thể đã được tập luyện trước đó bao lần. Như thể tất cả những người ở đây không phải đang tiến hành đám tang của mẹ mà đang diễn chung với nhau một kịch bản phim, với một bảng phân vai thế này: anh Mai – trong vai con trai trưởng, em – trong vai con gái thứ, cái Ngọc và thằng Mike – trong vai cháu nội và cháu ngoại, khách tới dự – trong vai khách tới dự, chục thanh niên cầm máy ảnh – trong vai thợ chụp ảnh kiêm nhà báo, mấy chục thanh niên cầm điện đài di động – trong vai bảo vệ phường kiêm nhân viên của anh Mai, và đương nhiên, cả mẹ nữa – vai người quá cố.
Đám tang mẹ thành tác phẩm điện ảnh (về sau không ít người so sánh với Hollywood), công lao đầu tiên phải kể tới là anh Mai, nhà sản xuất kiêm đạo diễn. Công lao tiếp theo, không kém quan trọng, em mạo muội nghĩ rằng lại thuộc về mẹ. Thuộc về mẹ chứ không ai khác, bằng cách chấp nhận cơn đau khủng khiếp để giữ cho khuôn mặt được nguyên vẹn. Thử tưởng tượng, nếu khuôn mặt mẹ cũng nát bấy như thi thể mẹ, thì phấn nền và mascara cao cấp đến đâu cũng vô tác dụng, chuyên gia hóa trang nhà nghề đến mấy cũng đành bó tay, anh Mai chỉ còn mỗi một cách là đặt mẹ vào quan tài gỗ và trong trường hợp này có lẽ không cần tới áo dài gấm đen và hoa hồng đỏ. Và thế là tài thánh cũng không thể biến đám khách đến dự thành những diễn viên nhu mì và tận tụy, bởi làm thế nào để họ tự động xếp những vòng hoa khổng lồ vào một góc cũng đã là việc không đơn giản chút nào. Đám tang yên tĩnh – lịch sự – có tổ chức sẽ bị thay thế bởi một đám tang ồn ào – dung tục – vô tổ chức. Có vẻ chính sự hiện diện của mẹ, đẹp đẽ và sang trọng trong quan tài kính, như một diễn viên gạo cội, đã truyền hứng diễn cho những người xung quanh. Và kết quả là ai nấy động tác cử chỉ đều tăm tắp như thể được tập dượt trước đó bao lần. Xem lại CD sáu mươi phút và mấy trăm bức ảnh, em ngạc nhiên thấy họ là những diễn viên thực sự có năng khiếu. Em cũng ngạc nhiên khi nhìn mình trong đó. Như thể không phải là em mà là một phụ nữ cỡ tuổi em, có hình thức tương đối giống em, đã được mời đến để thay thế em. Người phụ nữ ấy trang điểm kỹ với phấn nền và mascara, những thứ em chưa sử dụng bao giờ. Người phụ nữ ấy trang phục cầu kỳ với áo dài đen, quần đen, mũ đen – những thứ em cũng chẳng mặc bao giờ. Người phụ nữ ấy có khả năng không chớp mắt mấy phút liền và tỏ ra tự tin trước ống kính quay phim. Người phụ nữ ấy không phải là em.
Em bỗng ngờ rằng khi chứng kiến thi thể nát bấy của mẹ giữa vũng máu, anh Mai cũng vô cùng kinh ngạc phát hiện ra rằng, ngay kề đấy, khuôn mặt mẹ vẫn hoàn toàn nguyên vẹn. Mười mấy năm lập nghiệp ở Sài Gòn đã cho anh không ít cơ hội dàn dựng các kịch bản khác nhau (mà buổi khánh thành thang máy chỉ là một kịch bản khiêm tốn) và đã biến anh thành một đạo diễn có nghề. Gác nỗi xúc động sang một bên, anh lập tức phác họa trong đầu một kịch bản có khả năng khai thác triệt để cái cơ may có thể nói là không ngờ này. Hành động cấp tốc và chính xác như thế nào mới kịp đặt cho mẹ một quan tài kính cỡ lớn, rồi lại chuyên chở từ Singapore về Sài Gòn. Bảy ngày là một cái hạn kỷ lục.
Người chết thật diễn vai người chết? Không ít đạo diễn từng mời cảnh sát thật diễn vai cảnh sát, gái điếm thật diễn vai gái điếm, bác sĩ thật diễn vai bác sĩ, bệnh nhân thật diễn vai bệnh nhân, người Pháp thật diễn vai người Pháp… nhưng mời người chết thật diễn vai người chết thì có lẽ trong lịch sử điện ảnh Hollywood chưa có trường hợp nào. Tuy vậy, thật ngược đời, điều này có thể xảy ra ở một số quốc gia có nền điện ảnh hoàn toàn vô danh, Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên là một ví dụ. Không biết một năm sản xuất được bao nhiêu bộ phim, nhưng từ khi Kim Nhật Thành qua đời tới nay phải có vài chục tác phẩm điện ảnh chỉ riêng về đám tang của Lãnh tụ Vĩ đại. Tác phẩm điện ảnh chứ không phải phim a-ma-tơ, vì tất cả những người tham gia đều diễn rất đâu vào đấy: tay đấm ngực, chân khuỵu xuống, mặt mếu máo, tóc tơi tả… một rừng người động tác, vẻ mặt đều tăm tắp như thể được tập dượt trước đó bao lần. Rồi các dàn nhạc đồng loạt chơi những bản bi hùng, các MC đồng loạt nói những câu có cánh, các bí thư các đảng cộng sản đồng loạt đọc những lời ngợi ca… Nhưng có lẽ vai diễn sinh động nhất, thuyết phục nhất lại thuộc về chính người chết – Chủ tịch Kim Nhật Thành: đầu đặt trên gối cao, hơi chếch sang trái để che đi khối u lớn mọc sau gáy, toàn thân phủ cờ đỏ rực rỡ, Chủ tịch tám mươi hai tuổi má hồng, da mọng, môi căng, khuôn mặt của tám mươi bức tượng cỡ người thật đặt khắp nơi trên lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên. Khuôn mặt ấy, ngày hôm nay, còn uy nghi lẫm liệt hơn nữa, dưới ánh hào quang bí hiểm của cái chết.
Em nhớ rằng, đầu tháng Bảy năm 1994, trường Sư phạm Hà Nội gửi lời chia buồn tới trường Sư phạm Bình Nhưỡng, một tuần sau nhận lại một băng video chín mươi phút đám tang Lãnh tụ Vĩ đại, hai tháng sau, nhân liên hoan Quốc khánh mồng Hai tháng Chín, quyết định chiếu chiêu đãi cán bộ và giáo viên toàn trường. Mặc dù đã về hưu, nhưng mẹ vẫn nhận được giấy mời. Sau khi uống nửa ly vang Thăng Long chua ngọt, giữa hàng ghế đầu, mẹ đã ngồi xem bộ phim từ A tới Z, với một cảm giác lâng lâng thoải mái hiếm có. Rồi trong lúc các đồng nghiệp cũ thổn thức trước hình ảnh quan tài kính được vây quanh bởi một rừng người đang đập đầu bứt tai, mẹ đã nhanh chóng phát hiện ra ý tưởng phi thường của các đồng chí đạo diễn điện ảnh Triều Tiên – ý tưởng “người chết diễn vai người chết”. Có lẽ từ giây phút đó trở đi, mẹ bắt đầu mơ màng tới vai diễn cuối cùng của chính mình. Em còn nhớ cả tháng liền, gặp ai mẹ cũng kể về đám tang có một không hai của Kim Chủ tịch, về chiếc quan tài kính mỗi chiều dễ tới tám mét, ban ngày thì rực rỡ dưới ánh mặt trời, ban đêm thì lung linh bởi hàng vạn ngọn nến, và dĩ nhiên về khuôn mặt tươi như hoa của Kim Chủ tịch. Khuôn mặt người chết như thế còn đẹp hơn chân dung người sống. Phải đẹp thế nào mới khiến hai chục triệu người đang sống đập đầu bứt tai đòi được chết theo. “Thật là phi thường!” trở thành câu yêu thích của mẹ, được mẹ nhắc đi nhắc lại, lần nào cũng bằng ngần ấy hân hoan.
Nhưng không phải lúc nào niềm hân hoan của mẹ cũng được chia sẻ. Việt Nam thời điểm đấy đã bắt đầu cơn sốt Đại Hàn. Nghe mẹ ca ngợi đám tang của Kim Nhật Thành, nhiều người nhíu mày bỏ đi. Mẹ cũng đã về hưu, quyền chức không còn, không thể diễn vai tổ trưởng bộ môn hay phó bí thư đảng ủy để chỉ tay vào mặt ai, đề nghị ngồi yên khi cấp trên phát biểu. Nhưng mẹ bất chấp. Cái câu “Thật là phi thường!” vẫn không ngớt phát ra từ miệng mẹ. Trong một tháng liền, mẹ diễn vai “cuồng fan” của Kim Chủ tịch.
Tuy vậy, nhanh chóng phát hiện bao nhiêu thì cũng nhanh chóng thất vọng bấy nhiêu: một tháng sau, mẹ nhận thức được rằng phi thường dễ biến vô tưởng, người chết thật diễn vai người chết, cả Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên chỉ Kim Nhật Thành mới có vinh dự. Cơn thất vọng, chính xác hơn là sự buồn chán đã theo mẹ trong vòng mười năm, bắt đầu ở tuổi lục tuần. Năm 2004, sáu mươi chín tuổi, không biết vì lý do gì mẹ chấp nhận lời mời của anh Mai vào Sài Gòn khánh thành thang máy. Đây là lần thứ hai mẹ vào Sài Gòn. Lần đầu tiên, trước đó hai thập kỷ, mẹ theo đoàn của Sở Giáo dục Hà Nội vào dự hội nghị toàn ngành sư phạm các tỉnh phía Nam. Những năm đầu tám mươi, nhân viên phục vụ nhà khách thành phố vẫn còn nhầm khăn ăn với giấy toa lét nên chuyến đi hầu như không để lại cho mẹ ấn tượng nào. Hai mươi năm sau, ở nhà anh Mai vài ngày, sử dụng thang máy tư gia vài lần, ngồi Mercedes vài buổi, ăn khách sạn năm sao vài bữa, xem phim Mỹ màn ảnh rộng vài tối, cái nhìn của mẹ về Sài Gòn thay đổi hoàn toàn, và giấc mơ về vai diễn cuối cùng lại bắt đầu cựa quậy, tất nhiên không theo tinh thần Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên mà theo tinh thần điện ảnh Hollywood. Nếu buổi khánh thành thang máy với anh Mai là một kịch bản khiêm tốn thì với mẹ, lại trở thành một khám phá quan trọng. Đó là lần đầu tiên mẹ được gặp gỡ giới thượng lưu Sài Gòn. Trong cuốn băng video sáu mươi phút và bộ ảnh mấy trăm bức, em không ít lần bắt gặp mắt mẹ mở to trước một chuỗi vòng cổ lấp lánh, tay mẹ luống cuống khi phải dùng dao dĩa, tai mẹ hướng về hai vị khách nữ đang khoe nhau hai chiếc túi Louis Vuitton. Em cũng không ít lần bắt gặp mẹ thẹn thùng nhìn xuống bộ áo dài ny lông thêu rồng phượng của phố Hàng Đào, đôi giày giả da vừa nặng vừa cứng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chiếc vòng tay đồi mồi của cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Hà Nội. Đúng thế, ngoài mặt mẹ cố đóng vai người phụ nữ Hà Thành thanh lịch và tự tin, nhưng em biết trong đầu mẹ suy nghĩ rất lung khi bọt sâm banh trào lên trắng xóa, khi đèn flash nháy như sao đêm hè, khi bốn nhân viên của anh Mai khiêng chiếc bánh ga tô khổng lồ tiến vào, khi xung quanh mẹ người ta chúc nhau thu nhập mấy tỉ, du lịch mấy nước, sổ đỏ mấy nhà.
Sáu mươi chín tuổi, mẹ vẫn đủ minh mẫn để ý thức rằng mơ theo Kim Nhật Thành vừa phí phạm thời gian vừa phí phạm sức lực (mười năm liền thất vọng và buồn bã), rằng bước sang thế kỷ 21 chỉ anh Mai mới có khả năng thực hiện ý tưởng năm xưa – ý tưởng “người chết diễn vai người chết”. Để vai diễn cuối cùng của mẹ là vai diễn để đời. Và khác thường cuối cùng của mẹ là khác thường đáng nhớ nhất. Em ngờ rằng khi cân nhắc các khả năng, mẹ cũng thoáng nghĩ tới Hà Nội – nơi mẹ đã trải qua sáu mươi chín năm trên cõi đời này, dù sao thì cũng không thể nói là không gắn bó, rồi lại quyết định chọn Sài Gòn làm địa điểm duy nhất cho đám tang của mình.
Mẹ đã thử tưởng tượng mẹ qua đời ở Hà Nội: anh Mai sẽ cùng vài nhân viên vội vã ra sân bay Tân Sơn Nhất, ba tiếng sau có mặt ở Nội Bài, trên đường về nhà bấm điện thoại cho họ hàng dưới quê sẽ tìm được dăm người cả nam lẫn nữ thuận tình giúp việc khẩn cấp năm ngày, tiền công một triệu trọn gói không kể vé ô tô khứ hồi, sau khi thương lượng một buổi chiều với ủy ban phường và khu tập thể sẽ dựng được một nhà bạt mỗi chiều năm mét trong sân chung của khu, rồi cả ngày hôm sau cũng sẽ tìm được một miếng đất tương đối tinh tươm trong nghĩa trang Văn Điển. Suốt thời gian ấy, mẹ sẽ nằm trên giường, đắp một tấm chăn mỏng, đầu giường để bát cơm và quả trứng luộc, bên cạnh là bàn thờ treo hai tấm phướn màu tím, hương khói chưa bao giờ nghi ngút như thế. Ngày thứ ba sẽ là ngày động quan, pháp sư tới làm lễ cả ngày, đem theo một phường bát âm và hai bà khóc mướn, đêm ngày sẽ thay nhau vật vã, hết khóc hộ anh Mai và em, lại khóc hộ cái Ngọc và thằng Mike, có lúc lại khóc hộ cả bố và các cán bộ giảng dạy trường Sư phạm.
Anh Mai sẽ không tiếc tiền mua cho mẹ một bộ quan tài gỗ, hàng Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm ba năm sau bốc mộ vẫn chưa mục. Các nhân viên của anh sẽ làm vài vòng taxi quanh phố cổ Hà Nội rồi mang về cho mẹ một bộ áo dài ny lông, tất ny lông, giày giả da, khuyên, xuyến, kiềng mạ vàng… tất cả đều made in China, nhập cảng không chính thức cửa khẩu Hữu Nghị. Ngày thứ tư sẽ là ngày đưa tang, rất đông người đến dự, đông hơn ở Sài Gòn rất nhiều. Họ hàng, đồng nghiệp, người quen của mẹ phần lớn ở Hà Nội. Phường, quận, thành phố, hội cựu chiến sĩ Việt Minh, trường Sư phạm, Sở Giáo dục… sẽ đều cử đại diện mang vòng hoa tới viếng. Sân khu tập thể suốt ngày nườm nượp người, nhà bạt hai mươi lăm mét vuông hết chỗ, anh Mai sẽ lại một lần nữa thương lượng với phường và khu tập thể để kê thêm chục bộ bàn ghế nhựa trong sân, anh cũng sẽ luôn miệng xin lỗi hàng xóm vì khách đưa tang, trong lúc leo bộ ba tầng thang gác lên thắp hương cho mẹ, có lẽ vì mỏi mệt đã vô ý vặt trụi mấy chậu cây cảnh và để lại một đống rác ngay đầu cầu thang gồm vỏ hương Chí Thành, lá chuối bọc hoa, giấy gói quà cúng… mà những người giúp việc mới ở quê ra còn say xe chưa kịp quét dọn.
Nói chung đám tang của mẹ ở Hà Nội sẽ rất đông. Anh Mai sẽ làm hết trách nhiệm của con trai trưởng. Anh sẽ sẵn sàng thuê vài xe buýt gắn điều hòa chở tất cả khách dự ra nghĩa trang Văn Điển, rồi lại chở về Hà Nội. Anh sẽ chẳng ngại đội mũ rơm và chống gậy. Mấy chục mâm tám bát tám đĩa của cỗ bàn Bắc Bộ anh cũng sẽ không tiếc. Nhưng trách nhiệm nhà sản xuất điện ảnh nằm ngoài kế hoạch của anh, đơn giản vì mọi kịch bản mà anh bỏ vốn đầu tư, làm đạo diễn (và bao giờ cũng giành đóng một vai), là để phục vụ công chúng Sài Gòn, nơi thời điểm nào anh cũng có vài trăm căn hộ và biệt thự đang trong giai đoạn tìm người làm chủ. Phục vụ công chúng Hà Nội thì anh được cái gì? Công chúng Hà Nội có hoan hỉ ngưỡng mộ đám tang đáng tầm Hollywood của mẹ thì cũng hoan hỉ ngưỡng mộ từ xa, chứ đời nào chịu vượt hai nghìn cây số vào tận Sài Gòn, gọi điện tới công ty của anh, nhất định đòi nhân viên bằng mọi cách phải thu xếp cho gặp giám đốc để có thể nói trực tiếp với anh rằng họ đã có dịp theo dõi đám tang yên tĩnh – lịch sự – có tổ chức của thân mẫu anh và vô cùng tự hào khi thấy rằng không phải tất cả người Việt Nam đều chấp nhận thói quen ma chay ồn ào – dung tục – vô tổ chức, và điều ấy chứng tỏ khả năng hội nhập thế giới của Việt Nam. Nhân dịp này, họ cũng muốn được anh chỉ dẫn làm thế nào để trở thành chủ nhà hay làm thế nào để đầu tư vào bất động sản… Anh sẽ mời họ lên xe và bảo tài xế riêng đưa đi thăm một số căn hộ và biệt thự, hoặc đã hoàn thiện hoặc chuẩn bị xây. Vừa giới thiệu chi tiết, anh sẽ vừa ân cần chỉ bảo để giúp họ tìm được ngôi nhà trong mộng phù hợp với hầu bao, để cái đống tiền bắt đầu cồng kềnh của họ được gom gọn lại một cách có ý nghĩa. Trong lúc nói chuyện thế nào anh cũng tìm thời điểm thích hợp để kể về mẹ một cách trân trọng, thêm vài chi tiết hài hước, ví dụ bà cụ không phải là người đề cao tiện nghi vật chất, và từ lâu vẫn có thói quen leo ba tầng cầu thang khu tập thể Hà Nội, nhưng lại mê mẩn thang máy, đến độ tìm mọi cách để sử dụng, sáng trưa chiều tối, thậm chí cả ban đêm (lúc cả nhà đang ngủ say) bấm nút lên tầng thượng hóng gió, tưới hoa, tập thể dục. Người nghe sẽ càng thêm hoan hỉ ngưỡng mộ một bà mẹ tuy đã cao tuổi và có vấn đề về sức khỏe (hẳn đây là nguyên nhân dẫn tới cái chết) mà vẫn lạc quan yêu đời, không bao giờ làm phiền con cháu, mỗi ngày vài lần lên sân thượng hóng gió, tưới hoa, tập thể dục dưỡng sinh. Câu chuyện cứ thế mà lan tỏa. Nói chung, giữa những người lịch sự và có phương tiện thì mọi chuyện đều dễ chịu. Với họ, mua căn hộ sáu buồng như người thường mua bao gạo sáu cân. Căn bản là tạo được niềm tin lẫn nhau. Đương nhiên trong những câu chuyện kiểu này, không có một chữ nào cho tai nạn thang máy.
Tai nạn thang máy mãi mãi là một bí mật của những người trong nhà.
nguồn:http://zung.zetamu.net/2011/12/lang-van-vi%e1%bb%87t-nam/
--------------------------------------------------------------------------------
Chia tay đồng chí
Một chương nữa của tiểu thuyết “Thang máy Sài Gòn”
Có lẽ tất cả người Việt Nam đều công nhận một điều rằng công an khu vực là những người nắm rõ nhiều chi tiết trong cuộc đời chúng ta hơn chính bản thân chúng ta.
Ngày ấy, nếu không có công an khu vực thì em không biết bác Cả đưa vợ con ra thăm ông bà nội.
Khi em đi học về, công an khu vực đã cầm cặp đứng lên. Trên bàn là hai tách nước chè vẫn đầy nhưng đã nguội. Mẹ có vẻ vui. Ở ngưỡng cửa, mẹ tiếp tục kể chuyện.
Mẹ kể chuyện họp đảng ủy, ủng hộ chiến dịch phản công biên giới Tây-Nam.
Mẹ kể chuyện họp khu phố, đấu tranh với các phần tử làm ăn cá thể.
Mẹ kể chuyện họp chiến sĩ thi đua, đẩy mạnh phong trào “Người tốt việc tốt”.
Trong vòng có mấy phút mà mẹ tự đảm nhiệm ba vai liền: vai “phó bí thư đảng ủy”, vai “tổ phó khu phố” và vai “tổ trưởng bộ môn”. Vai nào cũng thấm nhuần tinh thần lạc quan cách mạng. Nhưng em biết mẹ chỉ làm công việc của một diễn viên. Khán giả chính, công an khu vực, vừa quay đầu đi, mặt mẹ chùng hẳn lại, mẹ ngồi bất động trên ghế.
Một lúc sau bố đi làm về.
Không khí căng thẳng.
Mẹ cao giọng: “Anh ra bàn, em nói chuyện.”
Bố ngồi xuống chiếc ghế trước mặt mẹ.
Mẹ chỉ hai tách nước chè vẫn đầy nhưng nguội ngắt: “Tại gia đình anh.”
Bố im lặng.
Trong khu tập thể, bố mẹ được tiếng là hòa thuận vì bao giờ một người cao giọng, người kia cũng im lặng. Em cũng nghĩ thế, chỉ có điều mẹ thường là người cao giọng còn bố thường là người im lặng. “Người vợ mới xã hội chủ nghĩa”, hai chục năm mẹ diễn với bố, có lẽ là vai đạt nhất của mẹ.
Mẹ bảo: “Anh Cả từng làm việc cho chính quyền ngụy.”
Bố im lặng.
Mẹ bảo: “Anh Cả từng đi cải tạo.”
Bố im lặng.
Mẹ bảo: “Con gái anh Cả nhiều lần bị bắt vì tội vượt biên.”
Bố im lặng.
Mẹ bảo: “Công an khu vực vừa tới nhà mình.”
Bố giật nảy người. Mặt bố chùng hẳn lại.
Bữa tối chỉ có anh Mai và em. Cơm ghế mì sợi, rau muống luộc, lạc rang. Bố mẹ cùng xách xe đạp ra khỏi nhà. Không theo bố mẹ xuống đường thì em cũng biết bố và mẹ mỗi người đi một ngả.
Sau này em biết thêm rằng, vào thời điểm đó, mẹ đang chuẩn bị hồ sơ đi Pháp thực tập. Cả Bộ được ba suất thì có chín mươi ứng cử viên, chín mươi cán bộ giảng dạy tiếng Pháp của ba miền. Một chọi ba mươi là tỉ lệ ngặt nghèo. So với các ứng cử viên khác, mẹ tuy đuối về mặt chuyên môn nhưng mạnh về mặt lý lịch. Thời ấy, lý lịch vẫn ăn đứt chuyên môn. Bộ lý luận rằng đế quốc Mỹ vẫn còn là kẻ thù số một của dân tộc Việt Nam, Pháp là đồng minh của Mỹ, lý lịch phải thật vững vàng mới không bị đồng minh của kẻ thù mua chuộc. Sau nhiều vòng xét duyệt, hồ sơ của mẹ đã trụ lại trên bàn vụ trưởng Vụ Đào tạo và Hợp tác. Bước cuối cùng là nhận xét của công an khu vực. Nếu mọi thứ xong xuôi, mẹ sẽ trở thành một trong ba thực tập sinh Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đầu tiên ở Pháp. Nhưng sự xuất hiện của gia đình bác Cả đã thay đổi tất cả.
Sau này em biết thêm rằng, trước ngày giải phóng, bác Cả là nhân viên kế toán cho một ngân hàng nhỏ tại Sài Gòn. Lương bác như lương công chức. Thu nhập chính trong nhà đến từ tiệm may Đa Kao của bác gái. Hai bác đông con nhưng đều được học hành đến nơi đến chốn. Những người lớn được gửi đi nước ngoài. Ba người bé hơn ở lại với hai bác. Nói chung, không có gì đặc biệt so với các gia đình trung lưu ngày ấy. Đầu tháng Tư năm 1975, ngân hàng tuyên bố đóng cửa, bác Cả mất việc nằm nhà. Một tháng sau, bác được chính quyền mới gọi đi học tập hai tuần. Sau đó lại về nằm nhà. Tất nhiên, ngân hàng của chính quyền mới không có nhu cầu tuyển những nhân viên có lý lịch cũ. Cả nhà chỉ còn biết trông chờ vào tiệm may của bác gái. Nhưng nỗi lo lớn nhất của gia đình lại nằm ở con gái thứ tư: chị Đức. Từ ngày giải phóng, trong đầu chị Đức chỉ có một mong muốn duy nhất: vượt biên. Chị vượt biên chục lần đều không thành: thuyền chưa kịp nhổ neo đã bị biên phòng giữ lại, lần nào cũng mất ba lạng vàng và chịu ba tháng bóc lịch trong tù. Sau chục lần ấy, chị nếm gần hết các nhà tù từ Nam ra Bắc. Sau chục lần ấy, hai bác suýt bán cả nhà đi trả nợ. Sau chục lần lần ấy, chị bất đắc chí một thời gian dài. Suốt ngày chị nằm nhà đọc truyện chưởng cùng bác Cả. Hai bố con hai chiếc giường gấp, ở giữa là một chồng tiểu thuyết Kim Dung và một chồng cơm đĩa ăn dở. Tiểu thuyết Kim Dung, chị được đọc lần đầu tiên trong trại giam Chí Hòa, đọc bản viết tay, do một bạn tù viết lại theo trí nhớ. Mới đầu chỉ đọc để giết thời gian, không ngờ càng về sau càng ghiền. Ra tù, việc đầu tiên là chải chấy, tắm rửa rồi sang tiệm sách thuê một chồng Kim Dung. Chị truyền cơn ghiền ấy cho bác Cả. Chị chẳng gặp ai. Chị không đẹp, lại nam tính nên khó lấy chồng. Bác gái nhìn mà nẫu cả ruột gan.
Nhưng chị Đức là người sáng dạ và cứng cỏi. Cuối năm 80, Đổi Mới vừa bắt đầu, chị đốt hết truyện chưởng, xếp giường gấp lại, quyết tâm làm giàu. Các anh của chị ở tư bản gửi tiền về. Chị nhập hàng ngoại bán giá gấp đôi ở Sài Gòn. Một nửa chợ Bến Thành lấy nho Mỹ, pho mát Bò Cười và rượu vang Ý của chị. Chị xây khách sạn cho du lịch nước ngoài thuê. Chị thành lập công ty dịch vụ du học và xuất khẩu lao động. Chị hùn vốn với Việt kiều Đông Âu mở nhà máy may ở Bình Chánh. Chị đại diện cho Việt kiều Tây Âu mở xí nghiệp giày da ở Đồng Nai. Chị buôn bán bất động sản. Chị là chủ một loạt biệt thự. Chỉ có điều chị vẫn độc thân. Có vài người đặt vấn đề. Hai vợ chồng bác Cả cũng hùn vào. Nhưng chị đều gạt đi. Người ta đồn chị có bồ nhí. Các nam sinh viên cần tiền đi học. Toàn những người có vẻ tử tế, đẹp trai nhưng con nhà nghèo. Chị rộng rãi. Các em họ mới vào Sài Gòn lập nghiệp đều được chị giúp đỡ. Anh Mai, sau hợp đồng dạy toán-lý ở trường đại học Cần Thơ, chập chững làm quen với thương trường cũng chạy tới cầu cứu chị.
Đợt mẹ vào Sài Gòn vừa rồi, chị chiêu đãi mẹ ba ngày du lịch Băng Cốc, máy bay hạng nhất, khách sạn năm sao. Chị bảo chị được giảm giá năm mươi phần trăm, còn rẻ hơn đi du lịch trong nước. Mẹ vui vẻ nhận lời. Em không có mặt ở Sài Gòn lúc ấy, nhưng em tự hỏi: có phải với chị Đức, mẹ đã diễn vai cán bộ miền Bắc khoan dung, độ lượng.
Nhưng đó là chuyện sau này. Còn năm 1977, chị Đức là kẻ thù không đội trời chung của bố mẹ. Sau cái lần công an khu vực ghé thăm nhà, bố mẹ mấy tháng trời lao đao. Bữa tối nào cũng chỉ có em và anh Mai ngồi nhìn nhau. Anh Mai đi chợ, nấu cơm. Em rửa bát, quét nhà. Trên mâm vẫn gồm cơm hấp mì sợi, rau muống luộc, lạc rang.
Mẹ xách xe đạp đi một ngả.
Bố xách xe đạp đi một ngả.
Mẹ tới nhà người quen của mẹ nhờ tác động hộ.
Bố tới nhà người quen của bố nhờ tác động hộ.
Các người quen của bố và mẹ lại xách xe đạp đi các ngả, nhờ các người quen của họ tác động hộ.
Công an khu vực trông thế mà xa vời vợi.
Đồ đạc quý trong nhà lần lượt ra đi. Đầu tiên là cái vô tuyến đen trắng Sony, sau đó là cái tủ lạnh Hitachi, cả hai đều là đồ cũ chợ trời Sài Gòn, cả hai đều được bố ngồi ôm trên tàu Thống Nhất, trong hai chuyến đi dự hội nghị toàn ngành sư phạm các tỉnh phía Nam. “Người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng” là thế.
Tóc bố bắt đầu điểm sợi bạc. Mặt mẹ thêm vài nếp nhăn. Bố mẹ thôi không ngủ cạnh nhau. Mẹ nằm trên giường, bố trải chiếu dưới đất. Đông chuyển sang hè, mùa nồm nước chảy lênh láng, bố mẹ vẫn kiên nhẫn mỗi người một nơi. Lo âu khiến con người thui chột mọi ham muốn. Nhưng tình đoàn kết của bố mẹ có vẻ không gì chia cắt nổi. Bố và mẹ cùng diễn vai đồng chí. Nhiều đêm thức dậy em không hiểu những lo âu ấy, những người quen ấy, bố mẹ bàn bạc với nhau lúc nào, ở đâu. Lo âu của thời ấy khác lo âu của bây giờ. Người quen của thời ấy cũng khác người quen bây giờ. Người quen của thời ấy nhận mảnh vải, hộp sữa. Người quen bây giờ nhận mỗi đô la.
Ngày mẹ được quyết định của Bộ, bố mẹ không dám nói với ai. Ngày mẹ lên đường sang Pháp, cả khu tập thể không ai biết, em và anh Mai cũng không ai biết. Hằng ngày, anh Mai vẫn đi chợ nấu cơm, em vẫn quét nhà rửa bát, bố đi lại vật vờ. Ba sinh vật mỗi người một góc. Giá mà còn có cái vô tuyến Sony đen trắng để gắn bó với nhau, dẫu chỉ là hai tiếng trước khi lên giường đi ngủ. Giá mà còn cái tủ lạnh Hitachi để góc nhà đỡ trống, để đi học về được mút đá thay kem.
Một tuần sau, tàu liên vận quốc tế tới Mạc Tư Khoa. Cầm vé máy bay đi Pháp trên tay, mẹ đánh điện về, bố mới thông báo cho ông bà ngoại. Ông bà nội, từ ngày gia đình bác Cả ra chơi, cả bố lẫn mẹ đều chưa gặp lại. Các anh chị em khác của bố, từ ngày bác Cả ra chơi, bố cũng chưa gặp lại. Họ hàng và người quen ở xa chưa kịp hay tin thì mẹ đã trên đường về nước.
Ngày mẹ về nước, bố đi đón mẹ ở ga Hàng Cỏ. Bố đèo mẹ bằng xe đạp, cả hai trong vai vợ chồng ba tháng không gặp. Đi song song với bố mẹ là một chiếc xích lô. Trên chiếc xích lô là một chiếc xe đạp và một chiếc xe máy, còn nguyên trong hộp, cùng gắn mác Peugeot. Sau đó, hai đại diện của nước Pháp được bày trân trọng giữa phòng khách, hộp tháo ra nhưng bánh và khung vẫn quấn mút mấy lần. Mẹ mang sô cô la, nho khô và khăn mùi soa đi tặng những người quen đã tác động hộ mẹ. Chỉ sô cô la là sản phẩm của Pháp, còn nho khô được mua ở Liên Xô và khăn mùi soa được mua ở Trung Quốc. Người quen của thời ấy không câu nệ tư bản hay xã hội chủ nghĩa như người quen bây giờ.
Một tháng sau, bố mẹ gọi người vào bán chiếc xe máy. Một tháng sau nữa, bố mẹ đi sắm lại vô tuyến và tủ lạnh, mới nguyên nhưng sản xuất tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Số tiền còn lại, bố mẹ gửi tiết kiệm. Mấy tháng sau nữa, xảy ra sự kiện đổi tiền đầu tiên của cả nước, ngoài mấy chục cân gạo mua vội theo giá chợ đen, em không biết bố mẹ còn lại bao nhiêu, không biết có đủ làm quà Tết cho những người quen đã từng tác động hộ mẹ, không biết có đủ mỗi tháng bù ra vài cân thịt và chục cân gạo. Tóm lại, chuyến thực tập ở Pháp của mẹ lãi đúng chiếc xe đạp Peugeot.
Hai năm sau thì bố mẹ ly dị. Trẻ em mười tuổi không được phép có mặt ở tòa. Nhưng ngồi trong lớp học, em tưởng tượng vai “phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa” mẹ đang diễn trước hội đồng bồi thẩm nhân dân. Mẹ diễn xuất sắc đến nỗi hội đồng bồi thẩm nhân dân xem xong cảm động lắm, không hỏi han gì thêm. Cuối buổi, bố mẹ bắt tay nhau, như những người đồng chí. Cử tọa cả trên lẫn dưới đều vỗ tay nhiệt liệt.
Buổi trưa đi học về, ăn bữa cơm cuối cùng với anh Mai, em đã nghĩ giá như có một chuyến đi nước ngoài, không tư bản thì xã hội chủ nghĩa, để củng cố tinh thần đoàn kết của hai đồng chí bố mẹ.
nguồn:http://zung.zetamu.net/2011/12/chia-tay-d%e1%bb%93ng-chi/
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001