Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

DÂN LÀNG PHẸT (1 - 2)

DÂN LÀNG PHẸT -PhầnI (Tặng ông Đoàn Văn Vươn)

DÂN LÀNG PHẸT- Phần I
(Tặng ông Đoàn Văn Vươn)
Trương Đình Toe
Làng Phẹt một dạo cứ mất trộm liên tục, nào gà, nào vịt, soong, nồi, cuốc, thuổng… Một đêm hè tĩnh mịch bỗng có tiếng đàn bà kêu ầm ỹ:
- Ối giời ôi! Trộm, trộm! Nó bắt hết ngỗng nhà tôi rồi!
Thế là người la, chó sủa, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, ánh đèn pin lấp loáng. Một thằng trộm bị đuổi gấp lao vào bụi rậm, thẳng khác nhẩy xuống ao. Cả hai đều bị bắt sống. Chúng không phải là người làng này.
- Đánh chết bỏ mẹ chúng nó đi! – Dân làng hô hán.
Thế là trận đòn nhừ tử giáng xuống đầu quân ăn cắp. Phen này chúng nó có sống cũng thành tật. Đánh chán rồi, người ta giam chúng vào kho của hợp tác xã và đe:
- Chúng mày mà ỉa đái ra đấy thì sáng mai chỉ có chết!
Sáng hôm sau dân làng giải hai thằng trộm xuống cho công an xã. Từ xã chúng bị giải lên huyện. Dân làng còn trao cho công an danh sách những người có công bắt trộm, đứng đầu là hai thiếu niên anh hùng tuổi chừng mười sáu mười bẩy.
Hôm sau nữa có hai anh công an từ huyện về xã điều tra thêm chi tiết sự vụ. Các anh cho gọi hai thiếu niên đứng đầu danh sánh bắt trộm là thằng Tuấn và thằng Quang để lập biên bản. Hai đứa thích lắm. có công thì thể nào cũng được thưởng, tục lệ xưa nay vẫn thế. Chúng tường thuật tỷ mỉ cuộc đuổi bắt, thỉnh thoảng lại tô vẽ thêm vào để tăng vai trò của mình. Cuối cùng anh công an hỏi:
- Các em có đánh chúng nó không?
- Phải đánh thì lần sau chúng nó mớí chừa.
- Bây giờ các em ký vào biên bản.
Hai thiếu niên hý hửng, nhưng vừa ký xong, anh công an trở mặt:
- Chúng mày đã bị bắt vì gây ra án mạng chết người!
- Án mạng nào? – Thằng Quang trố mắt.
- Ai chết? – Thằng Tuấn ngây ngô.
- Một thằng trộm bị chúng mày đánh đã chết ở trên đồn! – Anh công an trả lời. Và hai anh đứng dậy, mỗi người rút ra một cái còng số tám cùm tay hai “ông kễnh” lại, khoá vào chấn song cửa sổ, rồi sang phòng bên trao đổi với cán bộ xã.
Tin ấy chẳng mấy chốc đã bay về làng. Bà cụ Hồi đã tám mươi tuổi, nghe tin chắt đích tôn bị bắt thì lập tức sai người chở xuống uỷ ban. Đến nơi cụ nhệu nhạo van nài hai nhà chức trách:
- Tôi đây thời Pháp thuộc nuôi du kích trong nhà. Con trai tôi, tức ông nội cháu chẳng may hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhà tôi đời đời theo cách mạng. Cháu nó còn bé dại. Bố cháu chẳng may mất sớm, cũng vì việc nước, nên không có người dậy bảo cháu. Các ông hãy thương tình tha cho cháu.
- Án mạng chết người không phải là việc nhỏ. – Anh công an giải thích – Nhiệm vụ của chúng tôi là triệt để thi hành pháp luật của Đảng nhà nước.
Và hai thằng bắt trộm cũng chung số phận với hai thằng trộm, bị giải lên huyện. Từ huyện người ta lại giải lên tỉnh. Làng xóm xôn xao, chẳng ai nói đến chuyện gì khác ngoài chuyện hai thiếu niên bị bắt. Nhưng đau khổ nhất vẫn là bà cụ Hồi. Hai hàng nước mắt như mưa, cụ ca thán cho số phận gia đình và thằng chắt bất hạnh:
- Nhà tôi thật là vô phúc. Gia đình tôi chỉ có một giọt máu này thôi mà bây giờ khổ thế. Tôi sống làm sao được? Thật là Trời, Phật bắt tội…
Ông Sùng hàng xóm nhà cụ an ủi:
- Thưa cụ, xin cụ đừng lo. Chúng nó chưa đến tuổi thành niên, vả lại cũng chẳng có chứng cớ gì là chúng nó đánh chết người.
- Nhưng mà ký rồi ông ạ.
- Ký rồi cũng không sợ! – Ông Sùng khảng khái – Các chắt là trẻ con, người ta doạ hay đánh thì chúng nó phải ký. – Nhưng những lời nói ân cần của ông Sùng không mảy may làm cho bà cụ bớt phiền.
Hôm sau nữa lại có hai công an từ tỉnh đi xe co-măng-ca về để điều tra thêm về vụ đánh chết người. Làng xóm nghe tin lại rạo rực, hô hào nhau xuống xã kiến nghị với quan tỉnh.

*****
Phải biết rằng dân làng Phẹt xưa nay có tiếng là cứng cổ. Hai năm về trước hợp tác xã chia lại ruộng đất cho dân. Chia rồi vẫn còn thừa khoảng ba mẫu. Ban quản trị mới đem bán cho công ty đóng gạch “Tiến Lên”. Một hôm ở nhà chị Cu Bẳn có cậu em họ là sinh viên bách khoa mới về nghỉ hè, sang thăm. Chị Cu mang việc chia đất đai ra bàn:
- Những thửa hình chữ nhật, họ cứ cộng các cạnh đối diện, chia đôi, rồi nhân với nhau.
Cậu em chưa kịp nói gì thì thằng Mẫn con chị mới học lớp 4, nghe thấy, nhanh nhảu bảo:
- Hình chữ nhật thì các cạnh đối diện bằng nhau, không phải cộng lại mà chia đôi. Những thửa ấy không phải hình chữ nhật.
- Thế nó là cái hình gì? – Chị Cu gắt.
- Đấy chỉ là những thửa ruộng hình tứ giác bình thường. Tứ giác bình thường tính như vậy bao giờ cũng ra con số lớn hơn diên tích thật. Có nghĩa là nhà mình bị thiệt!
Thằng Mẫn thao thao giải thích, thế là nó bị mẹ mắng:
- Trẻ con biết gì mà khoẻ nói leo? Ra ngoài kia để tao nói chuyện với cậu!
- Chị mắng oan cháu. – Cậu em nói.
- Cậu bảo cái gì?
- Cháu nó nói có lý đấy, chị ạ. Tính như vậy thì đúng là thiệt cho mình.
Chị cu Bẳn ngồi ngẩn người ra một lúc rồi nói:
- À, té ra họ coi nhân dân chúng tôi là lũ gà mờ, lừa lấy ruộng đất mà bán. Bán rồi không biết tiền biến đi đâu? Công quỹ của hợp tác xã không bao giờ có lấy một xu. Người ta chỉ được cái mồm nói hươu nói vượn. Xem ra cũng chẳng có kẻ nào vì dân vì nước. Người nhiều, đất thì ít, thế mà lại còn mang bán cho thiên hạ thì lấy gì mà cầy cấy?
Rồi chị Cu mang chuyện ấy nói với hang xóm, hàng xóm lại nói với hàng xóm… Làng nước vì thế sôi lên sùng sục. Cuối cùng dân chúng kéo nhau ra chỗ lò gạch “Tiến Lên”, gọi ông giám đốc ra tuyên bố tối hậu thư:
- Không dọn mau mọi thứ đi thì chúng bố đốt hết!
- Nhưng chúng tôi đã ký hiệp đồng với chính quyền địa phương rồi.
- Không phải “hiệp đồng” mà là “hợp đồng”. Nhưng chính quyền địa phương cũng không có quyền. Mảnh đất này là do cha ông chúng tôi để lại, xương chất thành núi, máu chẩy thành sông mới giữ được. Không ai được quyền xâm phạm.
Rồi để cảnh cáo ông giám đốc công ty “Tiến Lên”, mấy trăm gạch chưa nung bay xuống chuôm như châu chấu. Sáng hôm sau ông giám đốc cùng quân quyền cuốn gói chuồn thẳng. Dân làng đồn là ông ấy chưa trả tiền cho hợp tác xã mà chỉ cúng cho các cán bộ mỗi người một ít.

*****
Nhưng tình hình ở lò gạch hôm ấy chưa căng thẳng bằng một phần mười hôm nay.
- Đúng rồi – dân làng bàn tán. – Phải xuống xã kiến nghị với công an tỉnh. Không thể để người ta bắt con cháu mình một cách vô lý như thế được.
Cô Thêm đương tát nước ở cánh Đồng Thổ cũng có người ra gọi:
- Nhà bà cũng phải về mà đi kiến nghị. Không thì đuổi ra khỏi làng!
- Ừ thì đi. – Cô Thêm nói rồi gác gầu, lên bờ, rửa chân và đủng đỉnh về làng.
Dân chúng tập chung đông nghịt dưới gốc bàng ở sân đình. Đàn ông, đàn bà, con trẻ, người đi bộ, kẻ xe đạp, người xe máy Trung Quốc, kẻ máy cầy công nông… Đến cả cái ông Lộc thương binh cụt một chân từ thời chống Mỹ cũng đòi đi. Ông mặc quân phục, ngực đeo mấy cái huy chương. Gã thanh niên cầm lái xe công nông trông thấy, gọi:
- Ông Lộc đi với cháu.
Ông Lộc ném đôi nạng vào moóc rồi tự trèo lên, chẳng khiến ai giúp, miệng lẩm bẩm:
- Mỹ ông còn chẳng sợ nữa là mấy thằng sâu mọt này!
Một người đàn ông lớn tiếng:
- Nào, có còn chờ ai nữa không? Hay ta đi thôi!
Rồi còi bấm inh ỏi. Đoàn người dài dằng dặc lũ lượt dời khỏi làng. Xuống đến xã, họ vây kín toà nhà uỷ ban nhân dân, nơi hai công an tỉnh đương có mặt. Dân chúng bảo nhau:
- Phải cử đại diện vào đàm phán.
- Ông Mô ăn nói được, vào đi.
- Ừ thì vào. Sợ gì chúng nó. Ông có đi tù cũng được. – Cái ông được gọi là Mô lên tiếng.
Nguyên ông Mô là con trai cả cụ Tê. Ông chạc năm mươi tuổi, mặt đen, người cao lớn. Xưa nay vẫn có tiếng là keo kiệt. Có lần con bé hàng xóm sang mượn cái cuốc. Ông vào nhà lấy cuốc ra, giơ lên trước mặt nó, bảo: “Đây là cái cuốc, lưỡi nó bằng sắt, cán nó bằng tre. Nhà mày mua lấy mà dùng”. Rồi lại cầm cuốc vào nhà cất đi. Mọi người ai cũng cười ông. Thế nhưng đến khi họp hành, ông nói đâu ra đấy. Khoản này ai cũng phục. Hôm nay đi kiến nghị, ông mặc sơ mi trắng, cho vào trong quần, có thắt lưng da hẳn hoi, nhưng lại đi chân đất. Vợ ông phàn nàn:
- Nhà mới mua đôi giầy đen bóng nhoáng mà xuống xã cũng không đeo vào!
- Người ta nói chuyện với nhau bằng mồm chứ ai nói chuyện bằng chân mà sợ? – Ông Mô bảo vậy rồi rẽ đám đông, bước vào uỷ ban.
Trong trụ sở uỷ ban, anh sĩ quan công an ngồi sau bàn giấy, bên phải là anh công an thứ hai, bên trái ông chủ tịch xã.
- Chào các anh. – Ông Mô lên tiếng trước.
- Vâng chào ông. – Anh công an đáp lời, rồi ra dáng chủ nhà chỉ cái ghế trước bàn giấy, nói tiếp: – Mời ông ngồi.
- Không dám. – Ông Mô vẫn đướng và vào thẳng vấn đề – Chúng tôi đại diện cho dân làng Phẹt đề nghị các anh thả con cháu chúng tôi ra.
- Đây không phải là việc mất gà mất vịt nữa mà là việc án mạng chết người.- Anh công an trả lời.
- Các cháu còn nhỏ, hàng ngày vẫn ngoan ngoãn, lại có công bắt trộm. Không có lý do gì để giam giữ chúng nó cả.
- Nhưng phạm tội đánh chết người!
Ông Mô nghe anh công an nói vậy điên ruột, quát:
- Anh đừng có nói láo! Anh bảo ai đánh chết người? Chúng tôi giao cho các anh hai thằng trộm vẫn còn khoẻ mạnh. Sau một ngày một đêm các anh mới về bảo là có thằng chết. Chính các anh đánh chết nó!
- Tôi cảnh cáo ông! – Anh công an cũng to tiếng – Vu cáo mà không có chứng cớ là vi phạm pháp luật.
- Đã gọi là vu cáo thì làm gì có chứng cớ. Thế các anh vu cáo cho con cháu chúng tôi đánh chết người thì có chứng cớ hay không?
Rồi hai bên tiếp tục cãi vã nhau.
Bên ngoài uỷ ban, dân chúng kẻ đứng người ngồi, cũng đang tranh luận:
- Phải gọi điện cho phóng viên báo “Vì an ninh tổ quốc”.
- Không phải báo “Vì an ninh tổ quốc” mà là “An ninh quôc tế”.
- “An ninh quốc tế”? Nghe nó cứ ngang phè phè. An ninh nước mình chưa xong, gà vịt cứ mất liên tục mà lại đòi an ninh thế gới.
- Bây giờ tự do ngôn luận, ai người ta đăng những chuyện nhảm nhí?
- Mà có đăng cũng chẳng dại gì gọi điện cho chúng nó. Nhà văn nói láo, nhà báo nói phét. Nó lại viết làng mình bạo loạn thì bỏ mẹ.
Đương lúc ấy thì tiếng ông Mô vang từ uỷ ban ra oang oang như lệnh vỡ:
- Anh lại bảo chúng tôi chống lại Đảng và nhà nước! Chúng tôi ăn gì mà chúng tôi chống lại Đảng và nhà nước?
Mấy trăm con người tức thì đứng dậy cả một lượt, bắt đầu huyên láo…

(còn nữa)
nguồn:http://zung.zetamu.net/2012/02/dan-lang-ph%e1%ba%b9t-ph%e1%ba%a7n-i/
--------------------------------------------------------------------------------
DÂN LÀNG PHẸT -PhầnII (Tặng ông Đoàn Văn Vươn)


DÂN LÀNG PHẸT – Phần II
(Tặng ông Đoàn Văn Vươn)

Trương Đình Toe
Lại kể tiếp việc dân làng Phẹt ngồi chờ kết quả đàm phán giữa ông Mô với công an về việc hai thiếu niên bị bắt, bỗng nghe nói làng mình bị vu cáo tội chống lại Đảng và nhà nước, mấy trăm con người tức thì đứng dậy cả một lượt, bắt đầu huyên láo:
- Phải thả con cháu chúng tao ra!
- Công lý ở đâu?
- Đả đảo!
- Nhưng mà đả đảo ai hở bà?
Ầm ầm như vỡ chợ, chỉ thấy kẻ nói mà không có người nghe. Mấy mụ đàn bà nổi tiếng là đanh đá thường ngày vẫn cãi chửi nhau lộn bậy, hôm nay “có đất để dụng võ”. Hai anh công an thấy nguy, liền cắp cặp ra cửa. Anh sĩ quan lên tiếng:
- Xin bà con hãy bình tĩnh cho chúng tôi thưa chuyện.
- Nói đi. Không lọt tai ta sẽ thử gươm! – Thằng nhãi con lắp bắp bị mẹ nó cho ngay một cái bợp tai.
- Trật tự! – Dân làng bảo nhau.
Anh công an nói:
- Hiện nay có án mạng chết người. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sáng tỏ sự việc. Nếu các em không có lỗi thì một giờ chúng tôi cũng không có quyền giữ. Và bây giờ chúng tôi phải về tỉnh để điều tra thêm. Xin tạm biệt bà con. – Nói rồi các nhà chức trách định rẽ đám đông để rút lui.
- Không cho chúng nó thoát! – Đám đông lại ồn ào.
Mấy bà con gái hăng máu xông vào đẩy hai anh công an ngã ngồi phệt xuống. Người đứng vòng trong vòng ngoài chật ních, hô hán:
- Thả con cháu chúng tao ra thì chúng tao tha.
- Chúng mày có giỏi bắn chết hết chúng bố đi!
- Chúng mày quen đánh người. Đánh chết rồi lại đổ cho làng ông. Ông ngày trước cũng bị chúng mày đánh. Có đến chết cũng không hết căm thù… – Người này văng tục không thiếu một từ gì. Mọi người trông ra thì là anh Võ.

Anh Võ chạc hai nhăm tuổi, mặt mày cổ quái dữ tợn, nhưng thật ra anh hiền lành, ít nói, sức trói gà không nổi. Mọi người vẫn cười gọi là anh Võ Dát. Thế mà hôm nay chửi hăng thế. Cậy đông người chăng?
****
Đây nói đến chuyện anh Võ. Nguyên trước đó chú Văn hàng xóm mất chiết xe đạp, liền đi báo công an. Các chiến sĩ công an nghi anh Võ ăn cắp mới điệu lên huyện. Lúc đầu anh còn chối, sau bị đánh nhiều quá, đành phải thú nhận. Nhưng khi được hỏi xe đạp để đâu thì anh lại dại, cứ nói dối quanh, thế là lại bị đánh tiếp. Anh bị giam cầm, hành hạ trên đồn công an huyện ba ngày thì tình cờ chúa Văn tìm được xe đạp. Xe bị thằng ôn con làng bên ăn cắp. Thế là anh Võ may mắn được tha bổng, về nhà ốm sáu tháng. Dân làng lại có chuyện để bàn.
Ba người đàn ông ngồi quán bác Bường, hút thuốc lào nhả khói um ti, bàn về đề tài anh Võ:
- Ở bên Mỹ mà bị đánh oan thế thì được thưởng nhiều tiền lắm.
- Ở Mỹ công an nó có đánh người thế đâu mà được thưởng.
- Bên Mỹ người ta không gọi là công an, mà gọi là cảnh sát.
- Ừ thì nó cũng chỉ khác nhau ở cái danh từ.
- Các ông biết mẹ gì mà khoẻ nói. Ra đến ngã tư Vọng thì lạc, thế mà còn kể những chuyện ở tận bên nước Mỹ. Chỉ được cái ếch ngồi đáy giếng.
- Khổ thân Võ Dát. Nhưng mà thực ra công an cũng phải đánh thế thì trộm cướp nó mới thú tội.
- Tât nhiên. Đánh thế thì không ăn cướp cũng phải nhận tội. Ngày xưa anh hùng như Võ Tòng của nước Tầu, một mình đả hổ trên núi Cảnh Dương, thế mà lúc ở nhà thằng Trương Đô Giám nó vu cho ăn cắp, trói gô cổ lại, đánh cho phải nhận. Võ Dát làng mình làm gì địch nổi Võ Tòng của Tầu mà chả nhận là ăn cắp.
- Chỉ có mấy ông du kích làng mình ngày xưa là gan. Tây nó tra tấn đến chết cũng không chịu khai!
- Ông có trông thấy không mà kể?
- Thì người ta vẫn nói thế.
- Nói khoác.
- Thì cái chuyện Võ Tòng của ông cũng là khoác.
- Tao mà bị bắt thì tao cứ khai thốc khai tháo ra, không có cũng khai, chẳng dại gì để cho nó đánh.
Đương chuyện trò râm ran, bỗng có tiếng đàn bà cất lên lanh lảnh:
- Cái ông phải gió kia có về ngay không? Nhà bao nhiêu việc bỏ đấy, ra đây mà mua chuyện.
- Có im cái mồm đi không? – Anh chàng được gọi là Phải Gió bực bội – Làm gì mà ầm cả làng nước lên thế? Ông thì…
Hai anh còn lại thích trí cười ha hả:
- Ông thì làm gì? Tối về nó lại không cho làm gì thì chết!
- Tuổi lợn mà lại đi lấy vợ cầm tinh con mãnh hổ!
- Mà cái loại mãnh hổ này nó kinh lắm, ông ạ. Đến Võ Tòng cũng chịu chết chứ chưa nói là người thường!
Song việc ấy xảy ra đã mấy năm về trước..

*****
Hôm nay anh Võ Dát khác hẳn ngày thường, chửi bới om sòm. Vợ anh phát hoảng, nhưng không tài nào gàn được. Chị vốn là một người vợ hiền. Ngày anh được công an tha, ròng rã suốt sáu tháng trời, chị là người cơm cháo thuốc thang, nâng anh lên đặt anh xuống, vậy hơn ai hết, chị hiểu đâu là quyền hạn của những người thừa hành công vụ. Nhưng chị càng gàn, anh càng chửi tợn, Cuối cùng chị đành chịu, nhệu nhạo khóc:
- Chồng với chả con. Chả lẽ lại mang xi gắn cái mồm ấy lại.
Anh Võ chẳng cho những lời của vợ vào đâu, vẫn tiếp tục hung hăng:
- Quân khốn nạn. Chúng mày chỉ quen cái thói hà hiếp nhân dân. Ông có đến chết cũng không hết căm thù…
Dân làng cũng phụ hoạ theo anh. Nhưng chửi lắm mỏi mồm. Mà cũng không thể chơi cái trò trẻ con ấy mãi được. Ông Mô đã ra rồi, lại vào một lần nữa làm phát ngôn viên cho làng Phẹt. Ông bảo các chiến sĩ công an nhân dân vũ trang:
- Các anh hãy điện về tỉnh bảo thả con cháu chúng tôi ra. Chúng nó về đến đây, chúng tôi tha các anh ngay lập tức. Nhược bằng chúng nó còn bị giam cầm giờ phút nào thì chúng tôi có chết cũng không để các anh đi được.
- Chúng tôi không có quyền hạn như thế. – Anh công an trả lời.
- Ai có quyền hạn, chúng tôi không cần biết. – Ông Mô kết luận và quay gót.
Ông chủ tịch xã bấy giờ để mặc hai quan tỉnh, lách qua đám đông, biến mất. Hai nhà chức trách cứ mỗi lần đi ra lại bị đẩy vào. Đến gần trưa, anh sĩ quan ra bảo:
- Xin bà con cho tôi đi giải.
- Đi giải để chạy hả? – Có người quát.
- Sao không đái mẹ nó vào cặp tài liệu? Không làm gì bằng những thứ tài liệu đểu ấy! – Rồi bà con quyết không cho các nhà chức trách ra.
Xung quanh uỷ ban kẻ đứng người ngồi. Họ chia nhau đi ăn trưa, nhưng vòng vây vẫn siết chặt, “đến con ruồi cũng không lọt”! Cán bộ xã đưa vào cho các quan tỉnh hộp sữa và gói bánh ngọt. Dân chúng bàn nhau:
- Không cho chúng nó ăn uống gì cả.
- Uống lắm vào rồi lại đòi đi đái.
- Mặt to bằng cái thớt, béo múp đầu chạch thế kia, chứng tỏ ăn không của thiên hạ nhiều rồi. Bây giờ không phải ăn gì nữa! – Và nhất quyết không cho đưa đồ tiếp tế vào.
Hai nhà chức trách vừa đói, vừa khát, vừa sợ, mặt xanh rờn như hai tầu lá. Quá trưa sang chiều, anh sĩ quan bước ra nói:
- Thưa bà con. Chúng tôi đã điện về tỉnh. Các đồng chí trên tỉnh thông báo là các em đã được thả. Vậy xin bà con cho chúng tôi về.
Dân chúng không tin:
- Sao buổi sáng bảo là không có quyền?
- Con cháu chúng tôi chưa về đến đây thì các anh không được đi đâu cả.
- Đừng có mắc mưu chúng nó.
Anh công an đành phải phải quay vào. Và quả như dân làng dự đoán, mặt trời đã ngả non tây, song nào có thấy hai thiếu niên làng Phẹt được tha. Bà con càng căm tức, cử người gác đêm. Mụ đàn bà dặn dò bọn thanh niên:
- Biết ngay là chúng nó lập mưu kế lừa mình. Đã thế bọn mày làm mỗi thằng một cái gậy tre đực. Chúng nó chạy cứ đánh gẫy cẳng cho tao. Đêm hôm không biết ai vào mới ai đâu mà sợ.
Mọi việc đã sắp xếp đâu vào đấy. Người già con trẻ bắt đầu lục tục ra về. Những người đi đầu chưa được bao xa, bỗng có tiếng hô lớn:
- Dân làng ơi! Thằng Tuấn thằng Quang về kia rồi!
Mọi người ngạc nhiên, quay đầu nhìn lại thì đúng thế thật. Tiếng hò reo bỗng nổi lên dậy đất. Bà con chiến thắng, sung sướng kéo quân trở về, chẳng thèm đếm xỉa gì đến hai anh công an hình sự.

*******
Thế là rõ ràng có án mạng chết người mà hoà cả làng. Sự việc xảy ra đã mấy năm rồi nhưng không có phiên toà nào mở ra để xử. Chẳng biết ai đánh chết thằng trộm. Từ dạo đó làng Phẹt yên ổn, chẳng có trộm cắp gì cả, công an cũng không thấy lảng vảng về. Chỉ có gần xa vẫn còn vang vọng lời đồn nhảm: “Thằng nào vào làng ấy thì chỉ có mất xác”!
(Tạm hết)
nguồn:http://zung.zetamu.net/2012/03/dan-lang-ph%e1%ba%b9t-ph%e1%ba%a7nii-t%e1%ba%b7ng-ong-doan-van-v%c6%b0%c6%a1n/
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001