Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Tầm quan trọng của Triết học và Tư tưởng
( Nhân báo Tia Sáng đăng bài của bác Nguyễn Khánh Trung Vài Cảm Nghĩ Về KHXH Việt nam, tôi muốn gửi lại bài viết Tầm Quan Trọng Của Triết Học và Tư Tưởng ở trang này. Bài này tôi viết đã lâu trên các diễn đàn sinh viên PhD dưới hình thức topic thảo luận, bởi không có nhiều thời gian để trau chuốt câu chữ. Kính mong độc giả thể tất cho. Topic này sẽ bàn chủ yếu về triết học/tư tưởng trong KHXH và NV, tuy nhiên có thể đôi chỗ tôi đề cập đến KHTN& KT.)
1) Triết học là nền tảng của luật pháp và chính sách.
Phương tây rất coi trọng triết học, bởi đấy là cơ sở cho luật pháp và chính sách. Ở ta hầu như những người đi làm nghiên cứu sinh về luật/chính sách là những người có bằng đại học luật, và thành tích cao về các môn luật. Trong khi ấy, phương tây đánh giá rất cao những người có năng khiếu về triết học khi lựa chọn vào học Phd về luật/chính sách. Ở ta những người học triết ra chủ yếu sẽ nghiên cứu về triết, nhưng ở Mỹ, rất nhiều người có bằng đại học, cao học, Phd về triết sẽ làm việc ở các cơ quan lập pháp và hoạch định chính sách. Những nhà lập pháp giỏi ở phương tây thường cũng là những người có tư duy triết học tốt.
Trước đây có bạn sinh viên IT cười ngặt nghẽo khi tôi nói rằng lý do nhân đạo cũng rất quan trọng khi xét đến chính sách đối học bổng với du học sinh. Bạn ấy có lẽ không hiểu giá trị mang lại của mỗi chính sách xã hội không chỉ hữu hình, đầu tư 1 đồng đầu phải thu lại 1 đồng, mà nó còn bao gồm các giá trị vô hình, ví dụ giá trị nhân đạo đối với cá nhân người đi học. Chính vì lý do nhân đạo nên phương tây có những chính sách như xổ số nhập cư, để cho những người bình thường, không nhất thiết phải là nhân công trình độ cao có cơ hội trở thành công dân các xứ phát triển.
Ở VN triết học và luật pháp không gắn với nhau cho nên có nhiều chính sách vừa lỏng lẻo, vừa dã man, không giống ai.
2) Triết học hỗ trợ và duy trì các giá trị văn minh và nâng cao tính nhân văn và cộng đồng.
Không phải phi lý mà ở Pháp, giáo dục triết học bậc phổ thông được coi trọng ngang với toán học. Muốn duy trì nền dân chủ và xã hội nhân văn thì học sinh phải được học và thảo luận thường xuyên về triết học. Ở Mỹ, trẻ em 5 tuổi đi nhà trẻ đã bắt đầu được thảo luận về tự do và công bằng. Triết học đi sâu vào tất cả các ngành xã hội. Kinh tế là một ngành math-based nhưng không ai không biết lý thuyết công bằng của Rawls về “tấm màn mù”. Trong các ngành xã hội, nhân văn khác triết học càng được coi trọng.
Để tăng cường dân chủ, tự do hóa và tính nhân văn và cộng đồng, trí thức VN thường áp dụng hai cách:
1) Nâng cao dân trí bằng tuyên truyền (kiểu như các website, blog)
2) Tác động vào các chính sách của nhà nước và xây dựng các thể chế.

Có lẽ rất nhiều người đồng ý rằng, Tự do, dân chủ hóa ở VN có liên quan mật thiết đến tính nhân văn và cộng đồng. Bởi lẽ Tự do, dân chủ hóa dù sao vẫn là các khái niệm xa xỉ đối với đa số dân Việt khi mà nhu cầu cơm áo và an sinh cơ bản còn chưa được thỏa mãn. Tinh thần nhân văn, cộng đồng sẽ giúp họ quan tâm đến những giá trị cao sang hơn. Tuy nhiên sử dụng (1) để nâng tính nhân văn sẽ chẳng đem lại hiệu quả bao nhiêu. Kêu gọi người ta “ hãy sống nhân văn hơn”, “hãy quan tâm đến cộng đồng hơn”, chẳng khác nào kêu gọi người ta “đừng tham nhũng nữa”.
Xã hội phương tây đạt được tính nhân văn cao hơn chủ yếu nhờ (2), tác động vào chính sách và xây dựng các thể chế. Một khi các khẩu hiệu về tự do, công bằng, bình đẳng được chính sách hóa, được phổ biến và lặp đi lặp lại ở khắp nơi, được đưa vào nhà trường từ bậc tiểu học thì tự khắc ngấm vào máu của công dân. Chính vì vậy VN cần những người nghiên cứu triết học nghiêm túc về các giá trị văn minh và tính nhân văn, đồng thời cần các chuyên gia về giải pháp về nâng cao tính nhân văn.
Nghiên cứu triết học ứng dụng không khó, không cần phải đến trường lớp. Ai cũng có thể tự nghiên cứu được. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc hàng năm trời, trở thành chuyên gia, nhà nghiên cứu thực thụ về những lĩnh vực này để có thể tư vấn cho nhà nước, bởi vì hiện nay nước ta không hề có các chuyên gia, nhà nghiên cứu về những lĩnh vực này.
Chính vì vậy thay vì ta thán tình trạng thiếu nhân văn, tôi nghĩ rằng các trí thức Việt thực sự quan tâm đến vấn đề này nên để thời gian tự nghiên cứu để trở thành chuyên gia thì sẽ có ích hơn. Còn nếu như đấy không phải là mối quan tâm thường xuyên của họ thì cũng nên khuyến khích, ví dụ cho lời khuyên, thành lập các giải thưởng, để sinh viên du học nghiên cứu về những thứ này. (Nghiên cứu ở bậc master là được rồi, Phd thì càng tốt). Hiện giờ có nhiều sinh viên du học về giáo dục, truyền thông, chính sách xã hội, quản lý nhà nước,… rất lúng túng về lựa chọn đề tài nhưng không ai gợi ý cho họ chọn cái gì thiết thực đối với VN.
Cũng không nên nghĩ là chỉ cần tìm kiếm giải pháp thực hành để nâng cao tính nhân văn mà không cần nghiên cứu triết học về các giá trị nhân văn. Bởi lẽ phần quan trọng nhất để nâng cao tính nhân văn trong xã hội là giáo dục nhà trường. Phần này cần các nhà nghiên cứu triết học chính quy để xây dựng các chương trình giảng dạy và trở thành giảng viên.
*) Tự do hóa và dân chủ hóa:
Ngay cả các chủ đề này hiện nay tôi nghĩ cũng cần (2) nhiều hơn. Bởi lẽ nhận thức của người dân ở các đô thị, những nơi sẽ là đầu tầu về đổi mới, về tự do và dân chủ cũng tương đối cao. Nhưng đa phần họ cảm thấy bất an nên chưa thực sự muốn thay đổi. Sự bất an đấy là do thiếu các giải pháp ổn định xã hội.
Dĩ nhiên giới lãnh đạo VN có các vấn đề về bảo thủ, lười suy nghĩ nên duy trì chủ nghĩa Marx-Lê, và tư tưởng HCM để an dân. Nhưng một điều rõ ràng là giới nghiên cứu về triết học và giải pháp ứng dụng ở VN còn quá yếu, chưa sẵn sàng để có thể xây dựng chương trình giảng dạy trong nhà trường, xây dựng các thể chế khi có cơ hội. Tôi tin chắc rằng, nếu bây giờ đột nhiên ĐCS đồng ý bỏ triết học Marx-Lê để đưa triết học phương tây vào giảng dậy thì cũng không ai biết phải xây dựng chương trình giảng dạy thế nào.
Một ví dụ, Miến điện có được hiện trạng như hiện nay, cần rất nhiều yếu tố, nhưng một yếu tố quan trọng là từ cách đây mấy năm họ đã đề xuất xây dựng Lộ trình dân chủ, và Mỹ có trung tâm nghiên cứu lớn giúp họ xây dựng Lộ trình đấy. Trong khi đấy, các trí thức Việt có những yêu cầu quyết liệt hơn, mặc dù nếu ở địa vị lãnh đạo, bạn biết thừa rằng họ sẽ chẳng chấp nhận những yêu cầu ấy. Cách đây vài năm, tôi từng nhắc đến Lộ trình Dân chủ nhưng chẳng được ai quan tâm, mặc dù tôi tin rằng cái gì có lộ trình, lớp lang cũng sẽ khiến người dân cảm thấy an tâm hơn và không phải vô cớ mà giới tư bản quan tâm đến vấn đề này.
Tôi thấy rằng hiện có rất nhiều giáo sư, nhà khoa học tên tuổi tích cực tham gia (1). Nhưng như vậy rất lãng phí. Nên để việc đấy cho những người khác. Hiện nay đội ngũ nhà nghiên cứu triết học về các giá trị tự do, dân chủ và giải pháp duy trì ở VN vô cùng thiếu. Các giáo sư và học giả, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực KH&KT vốn tự hào về khả năng tư duy hệ thống, nên dành thời gian nghiên cứu các vấn đề chi tiết hơn, ví dụ các chính sách cụ thể, xây dựng khung chương trình giảng dạy, tìm hiểu về các thể chế dân chủ, thảo luận về các biện pháp tuyên truyền và khuyến khích sinh viên du học trở thành các chuyên gia, nhà nghiên cứu thực thụ, để có thể tư vấn cho nhà nước, chứ không dừng ở mức phổ biến tri thức nữa.
Cũng giống như trên, tất cả những nội dung này không hề khó, không cần phải đến trường lớp và có thể tự học được. Tuy nhiên phải nghiên cứu thực sự để trở thành chuyên gia thì mới thực sự hữu ích.
Thực ra hiện nay có thể đưa khá nhiều nội dung giáo dục tự do, dân chủ vào nhà trường rồi mà không hề mâu thuẫn với triết học Marx-Lenin. Nhưng không ai đề xuất cả.
3) Triết học, Tư tưởng hỗ trợ sự phát triển các ngành khoa học và văn hóa nghệ thuật. Khuyến khích phát triển Triết học, Tư tưởng để tạo sự hài hòa cân đối giữa các ngành.
(Phần 3 và 4 này tôi viết chủ yếu cho những sinh viên và những người chưa có cơ hội ra nước ngoài)

Triết học, với đặc thù của nó, có khả năng kích thích năng lực tư duy khái quát và tư duy dị thường. Tôi cho rằng, chính vì không chú trọng đào tạo triết học ngay từ bậc phổ thông cho nên khả năng sáng tạo của người Việt cả trong khoa học kỹ thuật lẫn văn hóa nghệ thuật đều yếu, đặc biệt là yếu ở tầm tư tưởng.
Khuyến khích phát triển Triết học và Tư tưởng còn làm đa dạng hóa xã hội, tạo ra cơ hội phát triển cho những người có năng khiếu về các lĩnh vực này. Một quốc gia với 90 triệu dân, số lượng người có năng khiếu suy tưởng ắt không phải là nhỏ. Tuy nhiên số phận của những người như vậy hiện nay cũng giống như số phận của các tài năng toán học thế kỷ 19. Sự yếu kém èo uột của Triết học và Tư tưởng ở Việt nam gây ra hậu quả to lớn cho xã hội bởi thông thường tiếng nói của những yếu nhân các ngành này có ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng, thậm chí hơn cả nhiều ngành KHTN và KT do đặc thù gần gũi với xã hội của các ngành này.
Gần đây từng có một số học giả viết bài cổ vũ cho Các nhà văn hóa lớn, Thế hệ vàng…Tôi hiểu rằng các tác giả viết những bài đấy với những mục đích đặc biệt. Việc phổ biến những bài viết như vậy có tác động lớn đến thế hệ trẻ. Tuy nhiên các quan điểm đấy không phản ánh đầy đủ về việc nghiên cứu triết học và tư tưởng hiện đại.
Tôi cho rằng Thế hệ vàng chỉ có ý nghĩa trong một giai đoạn lịch sử nhất định và không nhất thiết phù hợp với giai đoạn hiện nay. Khái niệm Nhà văn hóa lớn, theo tôi hiểu, là những người hiểu biết uyên bác, và có những khảo cứu chuyên sâu. Khái niệm đấy phù hợp với khoa học nhân văn nhiều hơn. KHXH hay KHTN&KT ở các nước tiên tiến đều chú trọng ý tưởng mới. Các học giả nối tiếng quốc tế trong lĩnh vực KHXH đều được biết đến với những tư tưởng hoặc hệ thống tư tưởng của riêng họ. Những người này thường là chuyên gia của một vài ngành rất hẹp nào đó, và không nhất thiết (nếu không nói là hiếm khi) là các nhà thông thái.
Ngoài ra, nghiên cứu khảo cứu rất khó có thể cạnh tranh quốc tế. Khác với KHTN&KT, KHXH&NV có biên giới. Vấn đề khảo cứu muốn thu hút nhiều sự quan tâm phải là vấn đề phương tây coi là trọng tâm (ví dụ phương tây quan tâm nhiều đến đạo Hồi, đạo Tin lành, còn đạo Phật thì ít được quan tâm hơn), và người khảo cứu phải am hiểu sâu nhiều ngôn ngữ phương tây , tử ngữ, văn hóa ở mức ngang với người bản địa. Tôi không ngụ ý rằng nghiên cứu khảo cứu không cần thiết, mà chỉ muốn nhấn mạnh sự khó khăn để cạnh tranh trên trường quốc tế.
Một ngành nghiên cứu khó cạnh tranh quốc tế thì sẽ ít có những cá nhân xuất chúng, khó tạo sự bình đẳng với các ngành khác, gây thiệt thòi cho những người tham gia và những hậu quả như đã nêu trên. Trong khi đấy, người Việt không gặp nhiều sự bất lợi so với người phương tây khi theo đuổi tìm kiếm và nghiên cứu ý tưởng mới. Chính vì vậy, cần phải tuyên truyền nghiên cứu KHXH theo chuẩn quốc tế, nghĩa là chú trọng ý tưởng mới và đầu tư thời gian thích đáng để biến ý tưởng trở thành công trình có giá trị.
Rất nhiều học sinh, sinh viên mang hiểu biết sai lầm rằng các nhà tư tưởng lớn ở phương tây là những sinh vật đặc biệt, có khả năng sản xuất ý tưởng nhanh và tạo ra được những công trình hoành tráng một cách nhanh chóng, dễ dàng. Kỳ thực, giống như các nhà nghiên cứu của các ngành khác đa phần những người này đều phải lao động lâu dài và gian khổ. Để có được vài trang tóm tắt đặc sắc phổ biến đến hàng trăm triệu sinh viên thuộc nhiều thế hệ, Rawls đã chỉnh sửa công trình của mình trong hơn 20 năm. Tôi nhớ không nhầm thì Eugene Farma cũng mất thời gian tương tự để điều chỉnh mô hình tài chính của mình. Dĩ nhiên đa phần các nghiên cứu thuộc các ngành KHXH không lâu đến như vậy, nhưng thời gian cần thiết cũng là nhiều tháng đến hàng năm.
4) Nghiên cứu Triết học, Tư tưởng dễ đem lại danh tiếng và uy tín xã hội
Nghiên cứu triết học và tư tưởng chỉ cần giấy và bút chì, không đòi hỏi đầu tư tốn kém như nhiều ngành khoa học thực nghiệm. Nhiều người phần nào có lý khi cho rằng nghiên cứu các ngành này dễ, bởi lẽ không đòi nhiều kiến thức toán và khoa học kỹ thuật chuyên sâu. Trong khi đấy, do đặc thù của các ngành KHXH&NV, nhà nghiên cứu phải hiểu biết rộng. Những nghiên cứu của họ cũng dễ được nhiều độc giả đại chúng biết đến hơn là các nghiên cứu KHTN&KT. Và do vậy nhà nghiên cứu dễ có được danh tiếng và uy tín xã hội.

Độ tuổi trung bình để bắt đầu nghiên cứu các ngành này thường cũng cao hơn các ngành KHTN&KT. Trước đây VietPhd từng tổng kết độ tuổi trung bình của nghiên cứu sinh của nhóm ngành này là 38. Thông thường các trường đại học cũng rất ngại nhận những người dưới 30 tuổi vào làm nghiên cứu các ngành này bởi vì các ngành này cần kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm quan sát. Một bài báo trên NBER mà tôi từng đọc tổng kết độ tuổi trung bình để có công trình tốt nhất của các ngành này là 50, 60. Nhiều học giả lớn trên thế giới thuộc các ngành này vẫn còn nghiên cứu tích cực đến tận phút cuối đời. Thế cho nên ai đó nghĩ rằng mình đã quá già để bắt đầu nghiên cứu các ngành triết học và tư tưởng thì nên nghĩ lại.
Hiện nay có rất nhiều loại hình du học có học bổng và các dạng vừa học vừa làm. Không cần phải thông minh, không cần điểm số cao thời đi học, chỉ cần một vài bài báo, hoặc 1, 2 cuốn sách tiếng Việt, dịch trích đoạn ra tiếng Anh hoặc tiếng nước nộp hồ sơ để thể hiện đam mê nghiên cứu của mình là bạn có thể kiếm được nguồn tài trợ để du học. Tất cả những người xung quanh tôi, nỗ lực liên tục trong vòng khoảng 2 năm đều đã kiếm được cơ hội du học. Trừ một số rất ít trường hợp xuất chúng như ông Nguyễn Trần Bạt, cố gắng đi du học thì vẫn tốt hơn nếu bạn thực sự muốn trở thành nhà nghiên cứu. Tôi nói rằng triết học, tư tưởng không khó, ai cũng có thể tự nghiên cứu được, nhưng với điều kiện là bạn đã có nền tảng giáo dục của một ngành nghề nào đó ở một quốc gia phát triển.
Triết học tư tưởng giữ vai trò rất quan trọng đối với quốc gia như đã nêu trên, nhưng số lượng người làm nghiên cứu hiện nay vô cùng thiếu. Có lẽ đến 80-90% nhà nghiên cứu triết hiện nay ở VN là nghiên cứu về triết học Marx-Lenin. Toàn bộ website của Viện triết cũng nhằm tuyên truyền cho nghiên cứu triết học Marx-Lenin. Số lượng nhà tư tưởng của cả KHTN lẫn KHXH còn hiếm hoi hơn nữa.
Một sự bất cập nữa là đa phần những người theo học các ngành triết học và KHXH thiên về mảng lý luận (nghĩa là tiềm năng trở thành nhà tư tưởng) hiện nay xuất thân từ khối C, D, có nghĩa là có năng khiếu về văn chương, ngôn ngữ và ngoại ngữ. Những năng khiếu này rất cần thiết để làm nghiên cứu triết học , tư tưởng nhưng đôi khi sẽ gặp bất lợi trong việc phân biệt ý tưởng nhân văn và ý tưởng khoa học. (Tôi không có ý định vơ đũa cả nắm mà chỉ muốn nêu một nhận định sơ sài, bởi xuất thân thế nào cũng có những người giỏi). Có nhiều người từ các khối A, B chuyển sang nghiên cứu các ngành math-based như Econ, finance nhưng rất hiếm khi chuyển sang các ngành triết học, tư tưởng. Trong khi đấy, ở phương tây sinh viên có khả năng chuyển đổi ngành học rất nhanh chóng dễ dàng. Nhiều người xuất thân từ các ngành KHTN&KT đã trở thành triết gia, nhà tư tưởng danh tiếng, kể cả trong các lĩnh vực KHXH.
Chính vì những lý do kể trên, hi vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều người xuất thân từ các ngành KHTN&KT, không hài lòng với công việc hiện tại của mình, thử sức trong các ngành này.
Tóm lại, nhu cầu hiện nay về nhân lực của các ngành Triết học và tư tưởng rất lớn và rất quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia. Chúng ta cần phải khuyến khích sinh viên du học, từ bậc cao học trở lên, của các ngành Triết học, Xã hội học, Giáo dục, Báo Chí, Truyền thông, Chính sách xã hội, Quản lý nhà nước…nghiên cứu về lý thuyết và giải pháp phát triển và duy trì các giá trị văn minh (tự do, dân chủ, bình đẳng và công bằng…), nâng cao tính nhân văn và cộng đồng. (Bản thân các giá trị này thuộc về triết học). Ở thời điểm hiện nay, việc nghiên cứu nghiêm túc hướng đến xây dựng chính sách và thể chế của các giá trị này không còn là vấn đề nhạy cảm nữa.
Chúng ta cần thấu hiểu tình trạng thiếu thốn nhân sự trầm trọng ở VN để thay vì đặt câu hỏi và kêu ca phàn nàn, trở thành người tìm kiếm giải pháp. Cần đặt mình vào vị thế của những người:
- Xây dựng chương trình giảng dạy các giá trị văn minh, nhân văn và cộng đồng ở trường phổ thông và đại học
- Xây dựng các chính sách xã hội, chính sách truyền thông về các giá trị ấy
- Xây dựng các chính sách khác và thể chế để phát triển các giá trị ấy
- Quản lý, tư vấn đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các giá trị ấy
- Lãnh đạo địa phương và quốc gia, chuẩn bị cho những sự cải tổ chính trị và xã hội

để hiểu rõ trách nhiệm nặng nề, và cân nhắc khả năng trở thành một nhà nghiên cứu, một chuyên gia thực thụ để cùng chung tay giải quyết các vấn đề ấy.
Tôi cũng hi vọng những người đang tư vấn soạn thảo chương trình triết học sẽ chú trọng đưa chương trình triết xuống bậc phổ thông, từ cấp II trở đi. Ít ra là ở dạng sách tham khảo.
nguồn:http://zung.zetamu.net/2012/01/t%e1%ba%a7m-quan-tr%e1%bb%8dng-c%e1%bb%a7a-tri%e1%ba%bft-h%e1%bb%8dc-va-t%c6%b0-t%c6%b0%e1%bb%9fng/
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001