Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Nghệ thuật trong tai mắt Hegel
(Điếc không sợ súng)
Nhà triết học Hegel (1770-1831) cách đây 2 thế kỷ có viết triết lý nghệ thuật (thẩm mỹ học). Nghe nói các sinh viên văn chương phải học về mỹ học của Hegel, tuy nhiên chẳng mấy ai hiểu ông ta nói cái gì. Bởi vì Hegel có tiếng là viết khó hiểu, đến mức  nhà triết học Schopenhauer (1788-1860)  phê phán tác phẩm của Hegel là “một đống bùng nhùng lắm chữ mà ít nội dung”, và ngày nay trong giới triết học người này vẫn bảo người kia là hiểu sai Hegel.
Ở đây tôi thử trình bầy lại một vài quan điểm chính (trong cả một núi quan điểm) của Hegel, và những giới hạn trong tư tưởng của Hegel về nghệ thuật, theo các tài liệu tôi tham khảo được. (Tôi không có dủ sức đọc bản gốc, mà đọc lại những tài liệu giải thích là chính. Trong khoa học thì đây là việc bình thường: khi học mấy ai học tài liệu gốc khám phá ra định luật gì đó, mà là đọc sách hiện đại đã tổng hợp lại các kiến thức và viết lại nó một cách dễ hiểu hơn theo ngôn ngữ hiện đại. Không đọc tài liệu gốc là một hạn chế, nhưng không ai có thời gian đi đọc hết các tài liệu gốc trừ khi là người nghiên cứu chuyên nghiệp). Hegel cách chúng ta hai thế kỷ, nên những gì Hegel viết thời đó có thể là rất mới mẻ cách mạng, nhưng bây giờ thì nhìn nhận lại có thể thấy có những cái đã thành lạc hậu.
Trong tai mắt của Hegel (tôi cố tình dùng chữ “tai mắt” thay vì “con mắt” !), nghệ thuật chia thành 5 môn (hình thái): kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, và thơ văn (gộp chung cả kịch và múa vào thơ văn). Thời Hegel chưa có điện ảnh và một số thể loại khác xuất hiện cùng với sự phát triển của công nghệ, không biết theo Hegel thì chúng có cần được xếp riêng không hay gộp vào một trong 5 môn kia. Từ nghệ thuật theo nghĩa của Hegel chỉ liên quan đến nghe nhìn (tai mắt) mà không liên quan đến các giác quan khác. Ví dụ, dù người ta có làm ra một chùm hương vị hay đến mấy, khi được ngửi chùm hương vị đó, từ hương vị này tiếp đến hương vi khác, con người trở nên sảng khoái đến mấy, thì nó vẫn không được tính là nghệ thuật theo Hegel. Rượu dù ngon đến mấy, để lại trên lưỡi bao nhiêu vị khác nhau, theo Hegel cũng không phải là nghệ thuật.
Ta có thể hình dung 5 hình thái trong sự phân loại của Hegel như là 5 hướng (chiều) của một không gian các nghệ thuật, và mỗi nghệ thuật không phải là chỉ nằm trong một hướng duy nhất, mà có cả “tọa độ” ở chiều này lẫn chiều khác. Ví dụ như một bài hát gồm có cả pĥần nhạc (âm nhạc) và phần lời (thơ văn), và có thể cả các hình ảnh minh họa trên sân khấu hay trong video nữa. Tuy nhiên, 5 trục này của Hegel “vừa thừa vừa thiếu” để mô tả không gian các nghệ thuật. Nói ví von theo ngôn ngữ toán học, thì chúng như là  mộtbộ 5 không gian con trong không gian véc tơ các nghệ thuật, nhưng 5 không gian đó vừa không độc lập tuyến tính với nhau, vừa không sinh ra toàn bộ không gian các nghệ thuật. Việc Hegel xếp cả nghệ thuật múa vào chung với thơ văn có phần gượng ép: múa có nhạc (âm nhạc), có hình (tuy hình ở đây là hình động chứ không tĩnh), chứ nói chung không có lời. Người ta xem múa không cần hiểu như là hiểu một câu văn hay đoạn kịch, mà chỉ cần cảm thấy đẹp.
Thời của Hegel, môn thần kinh học (neuroscience) chưa phát triển, người ta chưa nghiên cứu được cấu trúc và qui tắc hoạt động của các thành phần của hệ thần kinh ra sao. Với các hiểu biết về thần kinh học, chúng ta có thể phân tích nghệ thuật, từ quan điểm tương tác của những cái được gọi là nghệ thuật với hệ thần kinh. Chúng ta cảm nhận được nghệ thuật, là do nó có ảnh hưởng đến trạng thái thần kinh. Và ảnh hưởng đi qua các giác quan. Con người có ít nhất 5 giác quan, thì nghệ thuật cũng có thể đi qua cả 5 giác quan. Nếu nhìn từ quan điểm này, thì một mùi nước hoa đặc biệt cũng là nghệ thuật. Biết đâu sau này, người ta sẽ sáng chế ra được các phim tỏa mùi luôn: mỗi đoạn phim ứng với một thứ mùi thích hợp. Khi đó không thể nói phần mùi trong phim không phải là nghệ thuật.
Nói theo kiểu toán học, mọi thứ đều có nhiều cách biểu diễn (representation) khác nhau, với độ chính xác khác nhau. Cách phân chia của Hegel cũng có thể coi như một cách biểu diễn không gian các nghệ thuật, tuy rằng từ quan điểm hiện đại thì nó không được chính xác lắm. Để biểu diễn và phân loại chính xác hơn, có lẽ cần nhiều chiều hơn, ví dụ như dùng các đặc trưng sau:
* Tĩnh hay động (có chiều thời gian hay không). Tranh, ảnh, tượng, kiến trúc thường là tĩnh, còn múa, nhạc, kịch, phim, v.v. thì là động.
* Có cần hiểu nghĩa không, hay cần cảm nhận là đủ. Ví dụ văn, thơ, kịch, và một số loại tranh tượng cần hiểu nghĩa mới thưởng thực được. Múa, nhạc, và một số loại tranh khác chỉ cần cảm nhận là chủ yếu. “Hiểu” và “cảm nhận” liên quan đến hai cơ chế hoạt động khác nhau của hệ thần kinh, và cũng có khi không có biên giới rành rọt giữa hai cách tiếp thu này. Cuối cùng thì cũng là cảm thụ, nhưng sự khác nhau nằm ở chỗ cảm thụ ngay trực tiếp, hay phải qua xử lý bằng cách hiểu nó đã rồi mới cảm thụ.
* Tác động đến con người qua các giác quan nào. Ví dụ như tranh ảnh là qua mắt, nhạc là qua tai. Thơ thì sao? Thơ có thể qua mắt mà cũng có thể qua tai. Bài thơ được đọc thì thành tác phẩm nghệ thuật trong đó có cả sự đóng góp của người đọc nó. Không loại trừ các tác phẩm nghệ thuật mà người ta cảm thụ được qua các đường mũi, lưỡi, da, và thậm chí cả “giác quan thứ 6″ nữa.
* Mấy chiều không gian. Đối với người xem, tượng khác tranh ở chỗ nó có 3 chiều. (Công nghệ mới cho phép chiếu các hình 3 chiều (hologram) và như vậy cũng có nghệ thuật hình 3 chiều. Phân biệt nó với tượng bằng tính chất gì ? Tính chất sờ được, tức là dùng xúc giác ?!)
* Mức độ trừu tượng
* Thực hay ảo. Thời Hegel câu hỏi này cõ lẽ chưa đặt ra, nhưng thời đại mới có cả các nghệ thuật tồn tại trong “thực tế ảo” (virtual reality).
v.v.
Sự phân chia đa chiều trên cho thấy sự phong phú đa dạng của các hình thái nghệ thuật, hơn nhiều so với quan niệm của Hegel về nghệ thuật.

(Hình: Một tác phẩm điêu khắc dựa trên cấu trúc “borromean” trong toán học. Nếu chiểu theo Hegel thì có khi nó không được tính là “nghệ thuật chân chính” vì nó không có “nội dung” gì liên quan thế giới thực, tuy rằng sẽ có nhiều người công nhận là nó đẹp)
Ngoài vấn đề hình thái, Hegel đặc biệt chú trọng đến nội dung của nghệ thuật. Theo Hegel, một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa thì cần có cả hình thái (form) lẫn nội dung (content). Nội dung ở đây là nội dung nói về cái gì đó, ví dụ như về Đức mẹ đồng trinh. Tranh, tượng, bài hát, công trình kiến trúc nhà thờ có thể là các hình thái nghệ thuật khác nhau với cùng một nội dung Đức mẹ đồng trinh trong đó. Theo Hegel thì nghệ thuật phải có mục đích (nói nôm na là “nghệ thuật vị nhân linh” hay “nhân gì đó”); mục đích chính là dùng hình thức để truyền tải cái đẹp của nội dung, và nội dung chủ yếu xoay quanh con người và cái mà Hegel gọi là “sự tự do đích thực về tinh thần” của con người. “Sự tự do” ở đây, theo triết lý của Hegel, là hướng tới cái linh thiêng (divinity) , tới tôn giáo. Ông là người theo Thiên chúa giáo, và tin hoàn toàn vào lý thuyết chúa 3 ngôi (chúa cha, chúa con, và thánh thần).  Bởi vậy, các tác phẩm nghệ thuật mô tả con người hay thần thánh của con người thường được Hegel đánh gía cao nhất. Theo tiêu chuẩn của Hegel thì nhiều tác phẩm hội họa hay điêu khắc hiện đại sẽ không được xếp vào “nghệ thuật đích thực” vì nó “không có nội dung”. Hegel cũng đi tìm mục đích của âm nhạc. Đối với ông, âm nhạc là một trong các “nghệ thuật chân chính” không phải vì nó “hay”, mà bởi vì nó cho phép con người ta có được sự hòa hợp và thỏa mãn trong cái người ta gặp.
 
(Tranh”Ngủ trưa” của Gauguin, 1894, một ví dụ về “figurative art”)
Theo Hegel thì “nghệ thuật chủ yếu là hình tượng” (art is essentially figurative). Tôi không tìm được đúng nguyên văn câu nào Hegel nói như vậy (mà đây là những người khác giải thích là ông nghĩ như vậy), nhưng có thấy là trong quyển sách “Các bài giảng về mỹ học” của ông (Vorlesungen über die Ästhetik) gồm có 3 phần, thì phần 2 là “Die symbolische Kunstform” (dạng nghê thuật hình tượng) trong đó ông bàn về các dạng hình tượng, từ trong tiềm thức đến trong ý thức. Tôi tạm hiểu là: theo Hegel, nghệ thuật chủ yếu là phản ảnh cuộc sống thực và tín ngưỡng của con người (đây là mục đích nghệ thuật theo Hegel) , và dùng các hình tượng để phản ánh những cái đó. Ví dụ, các tác phẩm hội họa chính là các hình tượng: bản thân chúng không phải là cuộc sống thực, nhưng chúng mô tả cuộc sống thực. (Đối với Hegel, các tranh nghệ thuật trừu tượng không nhằm mô tả cái gì liên quan đến thế giới của con người thì không phải “nghệ thuật chân chính”). Trong tiếng Anh, cụm từ figurative art có nghĩa là các tác phẩm nghệ thuật (đặc biệt là tranh và  tượng) được phái sinh từ các  “nguồn thực” (real object sources). Các bức tranh hội họa siêu thực (surrealist) thì không  được xếp vào “figurative art”.

(Tranh “Birth of the world” của Juan Miro,  1925, xếp vào trường phái siêu thực, không phải là figurative art, và chắc là theo Hegel thì cũng không phải “nghệ thuật đích thực”).
Nếu đòi hỏi nghệ thuật nào cũng phải là “figurative art”, thì chúng ta bị mất đi hàng loạt tác phẩm nghệ thuật trừu tượng  đặc sắc. Có thể xem ví dụ một loạt các tác phẩm được xếp vào loại “non-figurative art” ở đây. Trong thế giới hiện đại, tư tưởng “art is essentially figurative” trở nên hơi lỗi thời. Khi mà “nghệ thuật vị nghệ thuật” không còn nhất thiết phải lấy con người, lấy cuộc sống thực, làm chủ đề nữa,
Tuy rằng quan điểm “art is essentially figurative” của Hegel đã hơi lỗi thời, nhưng có một số nhà thông thái ở VN vẫn coi nó như là chân lý, và còn đòi mang nó vào dạy cho học sinh tiểu hoc. Họ dịch nó thành
“Nghệ thuật dựa trên hình tượng”
nhưng nghĩa của danh từ “hình tượng” ở đây đã bị hiểu hơi khác so với tính từ hình tượng của Hegel. Bức tranh của Gauguin phía trên, cũng như mọi bức tranh tả thực khác, đều thuộc “figurative art”, tuy rằng khó có thể nói cái gì là “hình tượng” trong đó theo nghĩa tiếng Việt.
Một vài tài liệu tham khảo:
* Từ điển triết học Stanford, đoạn về mỹ học của Hegel:
http://plato.stanford.edu/entries/hegel-aesthetics/
* Các bài giảng của Hegel
G.W.F. Hegel, Vorlesungen über die Ästhetik, http://www.textlog.de/5746.html (Phần II: Die symbolische Kunstform)
nguồn:http://zung.zetamu.net/2012/07/ngh%E1%BB%87-thu%E1%BA%ADt-trong-tai-m%E1%BA%AFt-hegel/
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001