Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

NGHĨ VỀ MỘT CÂU NÓI CỦA NHÀ THƠ THANH THẢO - Phút nói thật 

[Không rõ 29/09/2012 09:19 | by kytrung ]


Chân dung thi sỹ Hàn Mặc Tử

NGHĨ VỀ MỘT CÂU NÓI CỦA NHÀ THƠ THANH THẢO – Phút nói thật

Lễ kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của nhà thơ Hàn Mặc Tử, tổ chức ở Quy Nhơn ( Bình Định) vừa qua, trong một cuộc hội thảo tổ chức ở Hội Trường Quang Trung tối ngày 20/9/2012, nhà thơ Thanh Thảo có phát biểu ý kiến. Trong bài phát biểu đó, nhà thơ có nói một ý, tôi rất tâm đắc: “ Đừng đùa với thơ, cũng đừng lợi dụng thơ để thực hiện một ý đồ gì đó cho cá nhân, thơ sẽ quật chết liền. Đến với thơ, phải sống chết với thơ, coi thơ là cái nghiệp mình phải theo suốt đời… may ra mới được một chút gì đó, trường hợp nhà thơ Hàn Mặc Tử là một ví dụ điển hình …”.
Tôi nghĩ, điều nhà thơ Thanh Thảo nói không cao siêu, nhưng hình như… có rất nhiều người không để ý hoặc biết mà vẫn cố tình, bất chấp.
Chuyện rằng, ông nguyên thứ trưởng nọ, lấy bút danh cũng như mây bay non cao, gió vờn khóm trúc làm thơ, phổ nhạc tổ chức một đêm thơ phổ nhạc hoành tráng giữa lòng thủ đô, phát cả trên ti vi… giờ thì, đúng như lời nhà thơ Thanh Thảo nhận định: “ …bị thơ quật chết!”. Từ khi ông dính “phốt”, từ quan, những bài thơ của ông không ai nhớ, bút danh của ông cũng chìm mất giữa sự xô bồ của muôn vàn bút danh không ai biết! Thơ không cứu được danh của ông!
Một ông cậy mình chức to, lắm tiền, làm thơ rồi… tổ chức thật hoành tráng nhân dịp nhận thẻ vào HNV Việt Nam ở một tỉnh cực nam đất nước, kết cục bây giờ thì … đang nằm khám, mà thơ của ông, không ai nhớ. Mà có nhớ, lại trở thành trò cười cho thiên hạ.
Lại một chuyện khác, ở một khu giải trí có thể gần như lớn nhất nước ở một tỉnh Tây Nam bộ, ở đâu, chỗ nào, những người đi tham quan đều thấy thơ của ông giám đốc khu giải trí này. Có bài khắc trên vách núi nhân tạo, có bài lại chạm trổ vào tường, cột, có bài phơi lên giữa đền thờ… Chữ nạm vàng hẳn hoi. Không biết có nhiều người nghĩ như tôi không? Tôi đọc những bài thơ đó rất ngạc nhiên. Chẳng lẽ đây gọi là thơ!!! Và qua những bài thơ đó, không lẽ ông giám đốc khu giải trí này, không biết những du khách đi tham quan, họ sẽ hiểu trình độ thẩm thấu văn học của ông ta ở mức độ như thế nào? Giàu có như ông, không ai cãi, nhưng thơ ông đã sáng tác, “ khoe” với thiên hạ trong khu giải trí, người ta sẽ hiểu ông là ai?!!.
Rồi vừa mới đây thôi, một hiện tượng muốn mượn thơ lấy danh, khi tài chỉ có thế, đức chỉ có thế, bị thơ giáng một “đòn” ra đòn, “đánh” ra “đánh”. Tôi không muốn nhắc lại, nhưng, tôi nghĩ, nếu như tác giả của những “ bài thơ thần nhập” kia, bình tĩnh, xin lỗi mọi người, xin lỗi dư luận tốt, tuyên bố không làm thơ nữa, may ra thơ tha cho. Còn cố chứng minh mình là “ nhà thơ lớn” sáng tác những bài thơ như ông đã sáng tác, danh sẽ chẳng còn mà tôi sợ… ông sẽ mất bạn vì không ai dám gần ông.
Lại tiếp, có ông từng giữ chức vụ to, nay về hưu vẫn ăn lộc nhà nước giữ một chức to trong một cơ quan “ hữu danh vô thực”, hứng lên sáng tác, in thơ. Hồi chưa hưu, người ta đã kinh ông này về cách ăn nói, truy chụp, giờ in thơ, nhất là thơ tình…mà đọc lên, cứ như nhai phải cơm có sạn lại sống!!! Thơ như thế đến đâu ông cũng khoe, cũng đọc để mong sớm kết nạp vào Hội viên HNV Việt Nam.
Tôi tin hội đồng thơ trong HNV Việt Nam sẽ tinh tường khi xét đơn ông này xin vào Hội.
Chỉ mấy ví dụ trên thôi, thế mới biết rằng sáng tác được một bài thơ khó vô cùng, trở thành một nhà thơ khó vô cùng. Hãy biết khả năng đến đâu của mình mà dừng lại, đừng cố, đừng huyền hoặc, tự đề cao. Tôi có quen biết một người, ở góc độ viết truyện ngắn, tùy bút… cùng tâm giao. Có một dạo, tôi không thấy anh ấy viết truyện ngắn, tùy bút, ghi chép nữa… Và tôi được người ấy tặng một tập thơ mới in. Có hỏi, anh ấy nói “ Làm thơ dễ biểu đạt cảm xúc.” Sao lại có thể dễ thế! Tôi chưa bao giờ làm nổi một câu thơ cho “ra hồn” nhưng vẫn nghĩ, viết văn xuôi dễ hơn làm thơ chứ! Tha hồ anh diễn đạt, ngắn thì một dòng, dài thì cả trang. Còn làm thơ để diễn đạt cảm xúc! Không đơn giản! Chẳng thế, điểm lại, có bao nhiêu câu thơ hay tồn tại trong trí nhớ bạn đọc. Cũng từ lúc có tập thơ mới in, chỗ nào có nhà thơ nổi tiếng là anh ấy cố ngồi gần, lại tặng thơ, thậm chí cả tổ chức giới thiệu tập thơ đó. Nhìn trong ánh mắt của anh, tôi thấy sự hỉ hả, khoan khoái, tự sướng với mình. Chính điều này đã làm cho tôi nhìn anh với con mắt khác, không phải do thơ anh : “ …dễ biểu đạt cảm xúc.” Mà vì… anh đang lợi dụng của cái gọi “thơ” để mong mọi người chú ý đến mình. Điều đó, trong nhất thời, có khi anh nghĩ đã đạt được, nhưng về lâu, về dài thơ “ sẽ quật chết anh” khi bạn bè nhắc về anh, không phải nhắc về thơ mà nhắc những lần anh ngồi gần những nhà thơ nổi tiếng để cọ kẹ, khoe mẽ được xếp “ ngang hàng”, sau đó là những tiếng cười như nghe xong một truyện “ tiếu lâm”.
Vừa dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thị sỹ Hàn Mặc Tử, tôi cứ vẫn vơ một suy nghĩ: Tại sao thời này không thể sinh ra một Hàn Mặc Tử thứ hai? Hỏi, rồi tôi tự tìm ra lời giải đáp. Tất nhiên đây chỉ là ý kiến cá nhân, có thể đúng, có thể sai, người này đồng tình, người kia phản đối. Tôi vẫn cứ thử lý giải xem sao?
Trước hết, về khách quan, hiện tại chẳng có nhà thơ Việt Nam nào mắc bệnh “ phong” nặng như nhà thơ Hàn Mặc Tử. Mắc một bệnh rất nặng, lúc đó là vô phương cứu chữa, người đời xa lánh. Một người có bệnh như thế gần như cô đơn đến cùng cực…không còn cách nào khác, chỉ còn một con đường duy nhất, chọn thơ làm lối giải thoát.
Điều thứ hai, có ai yêu đơn phương nhiều như thi sĩ Hàn Mặc Tử không? Yêu toàn người đẹp, tiếc thay, do hoàn cảnh bệnh tật của nhà thơ, rồi do điều kiện cách trở của đường sá, thời gian… những người phụ nữ mà thi sỹ yêu, không bao giờ đến được với thi sỹ, cho dù thi sỹ có người thương, người mến. Đa tình, có tài, yêu cháy lòng mà không được đền đáp… Thi sỹ đành dựa vào thơ để vấn an tinh thần, giãi bày những điều mình ao ước…thế mới có những bài thơ như “thần” viết.
Không gian thi sỹ Hàn Mặc Tử sống, cách đây mấy chục năm, trại phong Quy Hòa, lúc đó là sự hoang vắng đến rợn người, quanh đi quẩn lại chỉ có những bệnh nhân bị phong và những bà xơ có tâm chăm sóc. Một không gian cả sáng, cả chiều chỉ mênh mang sóng vỗ, một hàng thông reo với điệp khúc bất tận của nỗi buồn, ai oán. Buổi tối, với những ngọn nến leo lét cháy, bóng người qua lại ẩn hiện như những bóng ma. Có đêm trăng sáng, nhìn lên, con trăng chơi vơi, bơi trên bầu trời, không phương hướng, buồn đến thắt lòng… Những lúc như vậy, thi sỹ chỉ còn bám vào thơ như bám vào một cái phao khỏi “ chết đuối” trong cô quạnh…
Điều trên tôi muốn nói, nhà thơ Hàn Mặc Tử làm thơ, ông không hề mong mình nổi tiếng. Tôi cũng tin, có lẽ trước lúc mất, nhà thơ cũng không bao giờ nghĩ, gần một trăm năm sau, vẫn có người nhắc đến ông, thơ của ông. Hoàn cảnh, điều kiện quá khắc nghiệt đã đưa thi sỹ đến với thơ. Thơ với ông đó là thứ “tôn giáo” gần như ông thờ phụng để chứng tỏ mình sống, mình là có thực trong đời.
Chính lẽ đó, thơ ông vẫn “sống” cho đến tận bây giờ!
Và cũng chỉ sống như thế mới mong thơ không “ quật chết” mình!

nguồn:http://trankytrung.com/read.php?569
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001