Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Những áng văn rất ‘điệu đàng, hoa mỹ’ của các cô cậu tú tại Việt Nam 


Friday, September 28, 2012 1:19:50 PM 

* Ðinh Quát

Nhiều năm gần đây, đọc báo chí của nhà nước Hà Nội xuất bản tại Việt Nam, độc giả hãi hùng vì những trích thuật từ những áng “Kim Cổ Hùng Văn” của các cô cậu tú. Hãi hùng và buồn cười. Nghĩa là chết vì buồn, và vì cười.
Không buồn sao được khi thấy trình độ Việt văn của học sinh tú tài tại Việt Nam. Không cười sao được vì “tính sáng tạo ngoài sức tưởng tượng của loài người tiến bộ” của học sinh trong nước.
Ðiển hình là một bài viết trên tờ Tuổi Trẻ thuật lại lời một giảng viên môn Văn ở Hà Nội. Thầy giáo này dẫn chứng trong bài viết của ông nhiều vô số, không thể kể hết về tình trạng đáng báo động trong môn văn của học sinh hiện nay tại quê nhà chúng ta. Không phải đây là lần đầu tiên vấn đề này được nêu ra. Từ nhiều năm nay, rất nhiều người đã bày tỏ thái độ lo âu trước trình độ yếu kém tiếng mẹ đẻ của học sinh Việt Nam.
Sau đây là nguyên văn một đoạn trong bài viết của thầy giáo nói trên:
“Là một cán bộ chấm thi môn văn tuyển sinh đại học và cao đẳng từ hơn chục năm nay, chúng tôi có cảm tưởng hình như mỗi năm bài làm của thí sinh lại kém hơn một chút. Có những lỗi sai không thể chấp nhận được; có những bài thi, giám khảo không sao đọc được; có những câu văn của thí sinh, giám khảo ôm bụng cười tới năm phút, rồi mới chấm bài tiếp...”
“...Chúng tôi không đề cập tới những trường hợp khó viết đúng chính tả, chẳng hạn: truyện ngắn, câu chuyện, xuất sắc... hay các dấu ngoặc kép khi trích dẫn trọn vẹn các câu văn, câu thơ, hoặc tên bài văn, bài thơ. Nhưng có những lỗi không thể tha thứ được. Ví dụ:
Xuống dòng không viết hoa, chữ đầu dòng không viết hoa.
Tên riêng của người không viết hoa. Ví dụ: huy cận, nguyễn tuân.
Cả bài viết không có dấu chấm câu nào.
Những từ ngữ thông thường, đơn giản, học sinh viết vẫn sai. Ví dụ: lo nắng, í tưởng, Việt lam, đoạn quối truyện, mùa suân,...
Học sinh rất thường nhầm lẫn những từ có âm gần giống nhau. Ví dụ:
Thân thể ông lái đò rất tráng lệ (phải chăng học sinh định viết là cường tráng)
Những cánh đồng được phù sa bồi đắp sẽ trở nên phù du, màu mỡ (phải viết là phì nhiêu).
Giai đoạn này, ý chí của người dân đang ở mức tuột đỉnh (tột đỉnh).
Ðoạn thơ thể hiện tâm trạng vui sướng, hí hửng của tác giả (hớn hở).
Qua tác phẩm Ông Lái Ðò Sông Ðà, em rất ngưỡng mộ những cuộc giao hữu của ông lái đò với sông Ðà (ý học sinh muốn nói giao chiến?).
Nhan đề bài thơ Tiếng Hát Con Tàu có ý nghĩa rất sâu cay (sâu sắc).
Rất nhiều trường hợp, học sinh dùng từ sai, song chúng tôi cũng không hiểu lúc ấy học sinh muốn diễn đạt cái gì, và cần phải thay bằng từ ngữ nào cho câu văn có ý nghĩa. Ví dụ:
Ðó là một cụm từ gợi cho ta nỗi buồn, nó bê tha đến nhường nào.
Nguyễn Tuân là một nhà văn cổ kính.
Ông lão có đôi chân dài quắc thước.
Tây Bắc là nơi con tàu cất lên những tiếng hát. Ay vậy mà bài thơ Tiếng Hát Con Tàu ra đời.

“Nguyễn Tuân rất hung bạo”

Thoạt đọc tiểu tựa trên, ắt hẳn, nhiều độc giả sẽ giật mình. Xưa nay, chúng ta biết Nguyễn Tuân là một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam thời tiền chiến. Tác phẩm Vang Bóng Một Thời một thời của ông là những áng văn trau chuốt, cầu kỳ, và đã để lại dấu ấn cho nhiều thế hệ. Chúng ta cũng biết Nguyễn Tuân với câu phát biểu “Tôi sống được trong chế độ này (cộng sản) vì tôi biết sợ.” Và Nguyễn Tuân sau năm 54 với “Phở.”
Còn “Nguyễn Tuân rất hung bạo” thì quả là xa lạ. Nhưng đó là Nguyễn Tuân trong các bài luận văn của những cô cậu tú hiện nay tại Việt Nam.
Trong bài viết đăng trên tờ Tuổi Trẻ của cán bộ chấm thi môn văn tuyển sinh, chúng ta đọc thấy một đoạn như sau:
“Có thể kể ra vô vàn những câu văn của học sinh mà người đọc không thể hiểu nổi học sinh đó muốn viết gì. Ðiều này chứng tỏ học sinh rất lơ mơ về kiến thức ngữ pháp tiếng Việt, đồng thời cũng chứng tỏ tư duy của con em chúng ta hết sức rối rắm. Có những giáo viên khi chấm bài không thể chịu đựng nổi đã phải phê: thần kinh không bình thường.
Xin kể vài trường hợp:
-Hình ảnh người lái đò sông Ðà rất dữ dội và hung bạo qua một thác nước thì phải có dữ dội vào tận tấm lòng con người từ lâu đến nay nói tới con sông Ðà nhớ ngay có Nguyễn Tuân vì Nguyễn Tuân có lúc rất là hung bạo, một mình ông cũng ngồi trên một chuyến để lái đò và ông cứ xoáy sâu vào hình tượng sông Ðà.
-Nguyễn Tuân là một cây bút rất đa tài, ông là một tác phẩm xuất sắc của văn chương, vì thế trong một con sông thì lúc nào cũng có sự hung bạo, nhưng đây ông đã miêu tả thật tài tình và phấn khởi.
-Trong nền văn học Việt Nam thì có rất nhiều nhà văn mà chúng ta được biết thì chúng ta không thể nói hết về nhà văn nhà thơ được mà Nguyễn Tuân là một nhà văn rất quen thuộc với bao cô cậu học trò cũng đang in rõ sâu trong lòng nhà thơ.
-Em thấy tùy bút của Nguyễn Tuân là một kiệt tác và được trợ giúp vào đó bởi ngòi bút của ông làm cho tác phẩm đã táo bạo, rùng rợn ghê gớm và bây giờ lại hơn thế nữa.
-Nguyễn Tuân là một nhà văn đã đưa nhân vật ông lái đò ở vào một tình thế vô cùng gian lao khiến ông phải mò mẫm bận rộn hàng ngày với công việc lái đò. Vậy mà Nguyễn Tuân lại miêu tả ông lái đò rất lãng mạn mà không kém phần nguy hiểm vì thế cho nên ông không sợ mà còn phân bố cho nhân vật của mình vào những chỗ nguy hiểm.
-Ông đã hoàn toàn chinh phục được nó, thà luồn lụy rồi lãnh đạo thiên nhiên chứ không để thiên nhiên lãnh đạo con người.
-Bài thơ được ra đời là lúc nằm trong hoàn cảnh trên đà tài năng của Chế Lan Viên đang nở rộ đã làm Tiếng Hát Con Tàu ngày một rạng rỡ.
-Chế Lan Viên là một nhà thơ xuyên suốt cuộc đời trong lãnh tụ của Ðảng và nhân dân cũng như tất cả các cán bộ...
Báo Tuổi Trẻ nhấn mạnh, rằng cần phải nhìn thẳng vào một thực tế là bây giờ có rất ít học sinh biết rung động với những bài thơ hay, câu văn đẹp. Vì vậy, khi viết văn, bình thơ, các em toàn diễn xuôi, hoặc thô thiển hóa văn chương. Bài thơ của người ta hay là thế, sau khi được các em phân tích, bình giảng, bỗng trở thành một thứ ngớ ngẩn, không thể nào chấp nhận được, đọc mà nhiều lúc phát tức. Tờ Tuổi Trẻ trích một số lời bình sau đây:
-Lời bình câu thơ: Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Cảnh đông tàn rét mướt làm cho con người không muốn quét tước gì nữa, để rồi khi nắng lên, sau lưng thềm, lá đã rụng đầy như một bãi rác.
-Lời bình câu thơ: Mùa thu nay khác rồi.
Ðấy mới hôm nào đấy quay về thì phong cảnh ở đây đã khác rồi. Không ai đoán trước được chữ ngờ.
-Lời bình câu thơ: Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu.
Mở đầu đoạn thơ, tác giả đưa ngay ra một cái cồn nhỏ. Cồn của người khác thì rậm rạp còn cồn của Huy Cận thì lơ thơ vài loại cây. Cây cối của Huy Cận chỉ đủ dùng cho một luồn gió.
-Lời bình câu thơ: Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
“Bến cô liêu” thì có nghĩa cô liêu là tên một bến đò. Và: “Cô” ở đây là chỉ một cô gái đứng cô đơn một mình.
Báo Tuổi Trẻ còn trích đăng đoạn mở đầu một bài luận văn của học sinh mà tờ Tuổi Trẻ mô tả là “rất điệu đàng, hoa mỹ”:
“Mỗi khi nghe tiếng sóng dữ dội đập vào bờ biển đầy rẫy những hòn đá là em lại chợt rùng mình trong lòng như tê tái có một điều gì đó làm em lo sợ. Ðúng rồi, đó là tiếng sóng dữ dội mà ông lái đò từng trải qua mà em đã từng được học trên lớp.”
Tưởng cũng cần nhắc lại, Tuổi Trẻ là tờ báo của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Và những trích đoạn nói trên được đăng trên Tuổi Trẻ. Chứ nếu không, chém chết thì giới lãnh đạo Hà Nội cũng hô toáng lên rằng, “các thế lực thù nghịch đang âm mưu diễn biến hòa bình.”
nguồn:http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=155632&zoneid=271
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001