Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Lê Công Định - Tại sao không nên sợ 'đa nguyên'

Luật sư Lê Công Định, Sài Gòn
Hai chữ “đa nguyên” từ lâu là điều húy kỵ đối với xã hội và hệ thống chính trị ở Việt Nam. Liệu đa nguyên thực sự ghê gớm đến nỗi mỗi khi nói đến ai cũng phải e dè?
Đã khi nào chúng ta nghiêm túc phân tích thế nào là đa nguyên và ảnh hưởng của một hệ thống đa nguyên chưa?

Hãy bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế

Trước thời kỳ đổi mới và mở cửa năm 1986, xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã là hai chủ thể duy nhất của nền kinh tế Việt Nam.
Thời ấy, hai chữ “tư doanh” được đồng nghĩa với điều xấu xa tồi tệ, bởi lẽ người ta luôn tin tưởng, một cách thiếu cơ sở, rằng khu vực tư doanh chỉ toàn bọn gian thương, bóc lột, và nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ bị “lật đổ” nếu tư nhân được phép sở hữu tư liệu sản xuất và hưởng giá trị thặng dư.
Nhắc đến kinh tế tư nhân chẳng khác gì âm mưu “đảo chính” và “lật đổ” nền kinh tế quốc dân!
Sau Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua cái bóng của chính mình khi chấp nhận cho tư nhân tham gia vào hoạt động kinh tế. Công nhận nền kinh tế nhiều thành phần thực chất là thừa nhận đa nguyên kinh tế.
Sự đa nguyên này không những không làm mất đi “độc lập chủ quyền” về kinh tế của đất nước, mà còn làm Việt Nam ngày càng ít lệ thuộc hơn vào viện trợ từ khối xã hội chủ nghĩa.
Kết quả hẳn nhiên ai cũng thấy: chế độ chính trị của Việt Nam vẫn đứng vững trong khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã.
Trong khuôn khổ luật pháp, các công ty nhà nước cạnh tranh lành mạnh và luôn ở thế thượng phong so với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư trong nước.
Sự đa nguyên kinh tế tiến thêm một bước khi các công ty nước ngoài “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh mới này, thế chủ động ở những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia vẫn do chính các công ty nhà nước nắm giữ, tất nhiên cũng trong khuôn khổ do luật pháp ấn định.
Kết quả sau hai mươi năm Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách cải tổ nền kinh tế, mà thực chất là đa nguyên kinh tế, là chúng ta có được một nền kinh tế đang chuyển mình vươn ra thị trường quốc tế với những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu mà sản phẩm chất lượng cao “made in Vietnam” đã làm không ít đối thủ nước ngoài phải e ngại ngay chính sân nhà của họ.
Gạo, cà phê, cá basa, tôm, giày da … là những minh chứng hùng hồn. Như vậy, đa nguyên không đáng ngại, mà trái lại rất cần thiết nếu biết điều tiết thích hợp.

Đa nguyên chính trị đã và đang hiện hữu

Nói đến đa nguyên trong lĩnh vực chính trị ai cũng giật mình lo ngại, bởi lẽ từ lâu người ta vẫn luôn tin tưởng, một cách thiếu cơ sở, rằng nền chính trị nhiều đảng phái tất yếu dẫn đến sự tranh giành quyền lực và làm suy yếu chủ quyền của đất nước.
Đa nguyên, một lần nữa, là điều húy kỵ, là “diễn biến hòa bình” đe dọa độc lập chủ quyền dân tộc. Vậy phải chăng ở Việt Nam chưa từng có đa nguyên chính trị?
Hãy bình tâm nhìn lại lịch sử. Mặt trận Việt Minh là một tập hợp thành công các đảng phái chính trị cho mục tiêu giành độc lập dân tộc từ 1941 đến 1945.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng là một tập hợp thống nhất các chính khách và trí thức yêu nước ngoài Đảng Cộng sản ở miền Nam trong cuộc chiến chống lại chính quyền Sài Gòn từ 1960 đến 1975.
Cho đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, hai đảng Dân chủ và Xã hội vẫn sát cánh cùng Đảng Cộng sản trong suốt quá trình tranh đấu giành độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Hai đảng này chỉ chấm dứt hoạt động vào năm 1987.
Hiện nay Mặt trận tổ quốc vẫn là diễn đàn hiến định dành cho người ngoài Đảng Cộng sản phát biểu chính kiến của mình trong việc xây dựng đất nước. Như vậy, đa nguyên chính trị đã và đang vẫn hiện hữu ở đất nước chúng ta và Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập và điều tiết thành công nền chính trị đa nguyên đó.
Nay chúng ta, hơn 80 triệu đồng bào trong và ngoài nước, đang đứng trước một vận hội mới - một thời cơ vàng - ngàn năm có một để chấn hưng đất nước.
Sự thành công của đa nguyên kinh tế đang đòi hỏi một mô hình khác của đa nguyên chính trị. Liệu Đảng Cộng sản dám chấp nhận thách thức của thời đại, vì quyền lợi chung của dân tộc, đưa nền chính trị đa nguyên hiện tại dấn thêm một bước?
Làm được điều đó là vượt qua cái bóng của chính mình và sẽ để lại tiếng thơm muôn đời. Bản lĩnh và trí tuệ của một đảng cầm quyền là nhận thức được bước ngoặc lịch sử này để quyết đoán đề ra và thực thi một sách lược thích hợp.
Ngược lại, nếu cứ cố thủ trong những thành trì lý luận lung lay sẽ càng chuốc thêm thất bại tất yếu của lịch sử, mà có khi phải trả giá bằng máu của biết bao nhiêu người.

Mô hình nào cho đa nguyên chính trị?

Đa nguyên là động lực của sự phát triển, điều đó miễn bàn cãi. Vậy mô hình nào sẽ phù hợp? Nên nhớ rằng khi tiến hành đa nguyên về kinh tế, một bài toán hóc búa đã được đặt ra là liệu các thành phần kinh tế tư nhân, nhất là giới đầu tư nước ngoài, có thể câu kết nhau lũng đoạn nền kinh tế quốc gia hay không?
Bài toán này sau đó đã có lời giải đáp hữu hiệu: dù thuộc thành phần kinh tế nào các doanh nghiệp cũng đều mang tư cách pháp nhân Việt Nam, và được thành lập và hoạt động trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam.
Các điều kiện để được cấp phép và nghĩa vụ nộp thuế là hai trụ cột điều tiết sự tham gia của giới đầu tư tư nhân vào những thành phần khác nhau của nền kinh tế. Điều này hoàn toàn có thể ứng dụng vào lĩnh vực chính trị.
Có thể nói mẫu số chung của hơn 80 triệu đồng bào trong và ngoài Đảng Cộng sản là: thứ nhất, mọi người Việt Nam đều có cùng nguyện vọng chấn hưng Tổ quốc chung của tất cả, không phân biệt đảng phái, tín ngưỡng, thành phần và giới tính; thứ hai, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là mục tiêu tối hậu của mọi chính sách kinh tế, chính trị và xã hội trong tương lai.
Từ mẫu số chung đó, vấn đề còn lại sẽ là đảng nào có thể giới thiệu được người tài để lèo lái con thuyền đất nước. Sự cạnh tranh giữa các đảng phái đương nhiên phải công bằng và trong khuôn khổ luật pháp.
Tất nhiên, lịch sử sẽ sòng phẳng với công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Mô hình chính trị đa nguyên tương lai nên bảo đảm rằng người do Đảng Cộng sản giới thiệu sẽ chiếm một tỷ lệ chi phối nhất định tại quốc hội và các cơ quan công quyền.
Điều này cũng giống như khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ cổ phần chi phối dành cho cổ đông là nhà nước luôn được duy trì. Ngoài ra, việc điều tiết nền chính trị đa nguyên phải bảo đảm rằng các “bộ sức mạnh” như bộ quốc phòng, bộ công an, bộ tư pháp, các lực lượng vũ trang … vẫn thuộc quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản do công lao bất hủ của Đảng này trong công cuộc tranh đấu cho nền độc lập của dân tộc và do sứ mệnh của Đảng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Những bộ ngành liên quan đến kinh tế, thương mại, tài chính, giao thông… nên mở rộng cửa để các nhà kỹ trị có tài kinh bang tế thế giúp dân giúp nước.
Mô hình mới của nền chính trị đa nguyên như vậy chắc chắn sẽ tạo sức bật mạnh mẽ đưa đất nước vào cuộc tranh đua thành cường quốc kinh tế trong khu vực, chữa được quốc nạn tham nhũng và rửa được quốc nhục nghèo hèn.
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục vai trò lịch sử của mình một cách tâm phục khẩu phục từ phía nhân dân và bạn bè quốc tế. Kẻ đối nghịch sẽ mất đi lý do để chỉ trích.

Kết luận: chuyện xứ Campuchia

Thay cho lời kết luận, tôi xin kể một mẩu đối thoại giữa tôi và anh bạn đồng nghiệp người Campuchia khi tôi có dịp sang Phnom Penh làm việc năm ngoái.
Trong lúc chuyện trò, được biết anh bạn này và một người bạn của anh ta đều là thành viên Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia của Thủ tướng Hun Sen - cả hai là luật sư gốc Campuchia, cùng tốt nghiệp luật khoa tại Mỹ và đang giữ những chức vụ quan trọng trong Chính phủ Hoàng gia Cambodge, một người hiện là Thứ trưởng Bộ thương mại - tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì hai người “Campuchia kiều” tại Mỹ này lẽ ra phải là đảng viên Funcipech của Hoàng thái tử Ranaridth.
Người đồng nghiệp của tôi giải thích rằng Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia là một đảng được tổ chức tốt và tập hợp nhiều nhân tài nên phần lớn trí thức Campuchia đều lựa chọn đảng này để tham gia xây dựng đất nước. Lời giải thích này khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về một lẽ đời đơn giản như vậy…
Ngày 13/4/2006
Admin gửi hôm Chủ Nhật, 30/09/2012
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20120929/le-cong-dinh-tai-sao-khong-nen-so-da-nguyen
=================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001