Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Hoàng Lan - Văn hóa từ chức: từ trên xuống không được, nên chăng làm từ dưới lên?

Hoàng Lan
Gần đây người ta bàn nhiều tới văn hóa từ chức. Nhân việc có vị lãnh đạo được hỏi có nên xây dựng văn hóa từ chức hay không, ổng nói ổng không trốn tránh trách nhiệm. Vụ này đã tốn nhiều giấy mực, chiếm chỗ nhiều bộ nhớ các máy chủ lưu trữ trên mạng quá, tôi không lạm bàn dư nữa. Từ trên làm xuống thấy e là khó, nay xin đặt câu hỏi về thực hành từ chức mà làm từ dưới lên. Bởi chăng tự cổ chí kim xây nhà muốn chắc không có ai xây từ nóc mái, mà xây từ nền móng. Cũng như cái sự chọn lãnh đạo, có sàng lọc, bầu cử thực sự từ cơ sở, có rèn luyện kinh qua các vị trí kinh nghiệm từ dưới lên thì mới có năng lực mà làm việc; chứ cứ cái cách trên cơ cấu xuống thì làm sao mà chọn được người cho đúng?
Nhưng làm thế nào để thực hiện từ chức từ dưới lên? Phàm muốn có từ chức thì phải là người có chức. Mà thường có chức thì gắn với có quyền, có lợi (bên cạnh nghĩa vụ, nhưng không phải ai cũng nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ của họ). Thế nên kêu người ta từ chức, tức là kêu người ta từ bỏ cái quyền lợi gắn bó với vị trí đó, e khó lắm thay.
Hãy đơn cử trường hợp chính các vị trí thức hàng đầu bấy lâu vẫn kí tên trước hết trong rất nhiều các bản kiến nghị, kêu gọi,… mà tôi vẫn thường đọc thấy trên các trang mạng quen thuộc. Bên cạnh tên tuổi lừng danh của các vị, mà bất cứ một ai chỉ cần có chút quan tâm đến tình hình đất nước thì không thể không từng nghe qua, thế nào cũng thấy có đôi ba chức danh, nguyên này nguyên nọ. Không biết đã có ai thống kê lại số lượng bao nhiêu bản kiến nghị, đề nghị, kêu gọi như thế, đã bao lần các vị ấy đề tên mình với hàng loạt các chức vụ nguyên, hay đương chức. Tôi tin chắc rằng các vị ấy hành động như vậy không phải vì khoe khoang, hay đánh bóng thêm cho tên tuổi mình. Tên tuổi các vị đã quá đủ rạng rỡ, thậm chí đến mức dù cho không có những cái danh hiệu, không có những cái chức vụ đi kèm kia, người ta vẫn có thể nhận ra tên các vị. Nếu vì cho phép xưng hô được trang trọng, thì chỉ cần đặt thêm bên cạnh tên các vị là nghề nghiệp như giáo sư (theo nghĩa nghề nghiệp chứ không phải học hàm), bác sĩ, kĩ sư,… Hàng dài lê thê những chức danh này kia mà các vị đã từng kinh qua, có chăng lại chỉ nêu lên phần đóng góp của chính các vị khi còn đương chức vào việc xây dựng ra hình ảnh của nhà nước, chính quyền như hiện tại.
Lại xin hỏi thêm trong số các vị kí tên đó, hẳn không ít các vị đang là đảng viên, hay đã từng là đảng viên? Nay tình hình đất nước nguy ngập, kinh tế suy thoái trầm trọng, nguy cơ mất nước cận kề,… tất cả đều là từ đảng lãnh đạo mà nên. Vậy các vị có ai nhận thấy phần trách nhiệm của mình đã từng là người đảng viên, liệu đã có làm tốt vị trí của mình? Tôi tin các vị đã làm hết tâm, hết sức, tôi cũng tin giả sử có đặt tôi vào vị trí các vị, cũng chưa chắc tôi làm tốt hơn. Nhưng không vì thế mà chúng ta không từ chức, có phỏng ạ? Làm không tốt công việc, dẫn đến kết quả như ngày nay, gây hậu quả lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiền đồ của quốc gia, tương lai của con cháu, tôi nghĩ các vị cũng nên từ chức. Đâu cứ phải là nguyên này nguyên nọ, chức này chức nọ, phải là đảng viên mới đóng góp xây dựng được cho Tổ quốc.
Hẳn các vị đã kí tên, đã gửi kiến nghị, đã đóng góp ý kiến… thì đều biết được phản ứng im lặng không phản hồi của lãnh đạo các cấp, dù là cấp cao nhất. Dù biết là thế, cũng có những lí do để làm. Một người làm không gây ra tiếng vang. Các vị tự âm thầm từ chức, chưa gây ra được phong trào, chưa tạo nên văn hóa từ chức. Nay tôi xin học theo các vị, XIN TRÂN TRỌNG KIẾN NGHỊ tới các vị trí thức, đảng viên, những người có tâm huyết đã từng đóng góp kí tên, xây dựng ý kiến… xin các vị hãy tiên phong gương mẫu từ bỏ các chức vị, danh hiệu, vị trí mà các vị từ tâm của mình nhận thấy việc từ chức đó sẽ có lợi hơn cho nhân dân, cho Tổ quốc. Trong số ba triệu đảng viên, chỉ cần những vị có tâm, lại có đủ tầm và dũng khí để từ chức, hẳn là sẽ phúc cho nước nhà lắm thay.
Kính chúc các vị sức khỏe và một cái tết dân tộc đầm ấm, hạnh phúc.
Hậu sinh kính bút,
Hoàng Lan
Đôi lời nhắn gửi: Tôi viết những nội dung này, ở dạng comment trên trang Ba Sàm, lập tức bị biên tập úp ngay cho cái mũ là “dư luận viên” rồi sau đó xóa comment theo kiểu chỉ để lại một dòng. Chết dở oan tôi quá, tôi chân thành muốn góp ý, có luận cứ luận điểm rõ ràng. Đấy cứ hô hào chính quyền minh bạch, thẳng thắn, tiếp nhận góp ý nhưng đến khi chính chúng ta được nhận góp ý thì lại cũng sa vào cái bệnh chụp mũ, bịt miệng. Tôi cũng không ngại bị chê, lại viết email kiến nghị gửi tới địa chỉ kiennghisuadoihienphap2013@gmail.com như trong bản kiến nghị kêu gọi, đã lâu không thấy hồi âm (giống cái cách mà chính quyền họ đối xử với kiến nghị của các vị ấy thế chứ). Cuối cùng, tôi cũng đã viết bài gửi trực tiếp tới hòm thư của boxit.net tại bauxitevn@gmail.com, lại vẫn được sự im lặng trả lời. Nay lại nhân đọc tin thầy Việt Khoa tự từ chức giáo viên, rời bỏ ngành giáo dục nhiều tiêu cực, bất cập tôi lại thấy vấn đề càng cấp thiết nên gửi bài này của mình tới Dân Luận, để mong được rộng đường dư luận cho mọi người cùng được biết và trao đổi.
Admin gửi hôm Thứ Hai, 04/02/2013          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130204/hoang-lan-van-hoa-tu-chuc-tu-tren-xuong-khong-duoc-nen-chang-lam-tu-duoi-len
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001