Trương Tiểu Minh
Air War College
Montgomery, Alabama, Mỹ
Nguyên tác:
Xiaoming Zhang, “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”
The China Quarterly, bộ 184, tháng 12 năm 2005, trang 851-874
Lời người dịch: Thấm thoát đã hơn 30 năm từ ngày cuộc chiến Việt-Trung nổ ra năm
1979, và mặc dù cả hai nước đều cho là mình đã thắng, số lượng tài liệu được
Trung Quốc và Việt Nam công bố về cuộc chiến tranh này vẫn còn rất ít. Bài viết
dưới đây của một học giả gốc người Trung Quốc (hiện giảng dạy tại trường Cao
Đẳng Không Chiến (Air War College) thuộc Bộ Không Quân Mỹ) được đăng vào năm
2005 trên tờ China Quarterly, một tạp chí quốc tế có uy tín xuất bản tại Anh,
là một công trình học thuật đáng chú ý về cuộc chiến tranh này. Để giữ sự trung
thực so với nguyên bản, người dịch đã cố gắng truyền đạt cách diễn tả của tác
giả. Khi đọc bài này, nhiều độc giả Việt Nam có thể sẽ cho rằng một số nhận xét
của tác giả là rất chủ quan và nhiều vấn đề là khá nhạy cảm. Tuy nhiên bài viết
này, ở mức độ nào đó, cung cấp nhiều thông tin đã được kiểm chứng và có giá trị
sử liệu. Hy vọng bài viết này cũng tạo nên một sự thôi thúc để Trung Quốc, và
đặc biệt là chính quyền Việt Nam, cung cấp thêm nhiều thông tin và bằng chứng
để các nhà sử học cũng như thế hệ tương lai có một cái nhìn đầy đủ và chính xác
hơn về cuộc chiến tuy ngắn ngủi nhưng đẫm máu này.
Phamvietdao.net: Đây là một trong những tài liệu
do phía Trung Quốc biên soạn có giá trị; Qua tài liệu này có thể mang lại cho độc
giả và cho các cơ quan quân sự Việt Nam nhiều điều bổ ích…Điều thú vị qua 6 bài
học mà tác giả Trung Quốc rút ra cho quân đội Trung Quốc trong phần kết thúc
chuyên luận này đó là bài học thứ 2 dưới đây, xin được trích dẫn:
“Một trong những sai lầm lớn của quân đội Trung
Quốc là đánh giá sai số lượng lực lượng dân quân rất lớn trong dự đoán về sức
mạnh quân sự Việt Nam. Kinh nghiệm của QGPND cho thấy, dân quân Việt thể hiện
sức đề kháng không hề nao núng và thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ hơn vào
các quân xâm lược hơn cả bộ đội chính quy QĐND Việt Nam. Lúc đầu các nhà kế
hoạch quân sự của QGPND tin rằng họ đã tập hợp được một lực lượng vũ trang vượt
trội với tỷ lệ 8:1 để tấn công quân Việt Nam. Nhưng chỉ tính riêng tại khu vực
Cao Bằng đã có 40.000 cho đến 50.000 dân quân khiến tỷ lệ lực lượng Trung Quốc
chỉ còn hơn Việt Nam là 2:1. Trong suốt chiến dịch, QGPND không bao giờ cho thấy
khả năng đè bẹp đối phương bằng mức vượt trội về quân số. Cuộc chiến tranh này
còn cho thấy sự khó khăn như thế nào khi thực hiện các chiến dịch quân sự ở
nước ngoài nếu dân chúng địa phương được huy động vào việc kháng cự…”
Qua
chuyện luận này cho thấy mặc dù Trung Quốc
luôn tự cho rằng họ có tiềm lực quân sự hùng hậu hơn Việt Nam, họ luôn
nắm thế
chủ động phát động chiến tranh vì chỉ một lần duy nhất trong lịch sử,
Việt Nam
chủ động tấn công sang Trung Quốc diễn ra dưới triều Lý; Thế nhưng Trung
Quốc nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm hết sức nghiêm cẩn về cuộc chiến
tranh này? Chắc chắn là để cho các lần sau...
Tìm
trên mạng thì những chuyên luận kiểu này rất
hiếm và dường như không thấy do phía các cơ quan thông tin Việt Nam công
bố…Không
biết do Việt Nam không có ý nghiên cứu, đúc kết những bài học lịch sử
xương máu kiểu như thế này hay đây là vấn đề tế nhị, bí mật quốc gia ?
Theo một số nguồn tin cho hay: Có một sự thỏa
thuận ngầm giữa ông Giang Trạch Dân và các nhà lãnh đạo Việt Nam, đó là: không
để báo chí, sách vở rùm beng cái cuộc chiến tranh tàn ác và bẩn thỉu và chắc
chắn là do phía Trung Quốc gây ra này để đổi lại một cái gì đó trong bóng tối???
Trong khi Việt Nam bị buộc phải câm nín? phía Trung Quốc vẫn
ngang nhiên công bố rất nhiều tài liệu và cho phép các nhà văn Trung Quốc lấy
tài liệu viết sách về cuộc chiến tranh này; thậm chí còn được các nhà xuất bản
Việt Nam, báo chi dịch lại và giữ nguyên sự suy tôn là anh hùng đối với những
tên lính bành trướng Trung Quốc…
Vì chủ blog không biết tiếng Trung, qua
google thì thấy tài liệu được dịch sẵn ra tiếng Việt do phía Trung Quốc viết
cũng đầy ắp…Xin giới thiệu chuyên luận dưới đây của Trương
Tiểu Minh.
***
Mục đích của bài báo này là nhằm trình bày về cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam vào năm 1979. Bài báo nhắc lại những mối quan hệ lịch sử giữa Trung Quốc với Việt Nam và ảnh hưởng của những mối quan hệ này lên những toan tính chiến tranh của Bắc Kinh, cũng như vai trò của Đặng Tiểu Bình, chiến lược quân sự và sự chuẩn bị của Trung Quốc cho cuộc tấn công. Bài báo cũng chỉ ra cách thức tiến hành chiến tranh của Bắc Kinh mang màu sắc đặc thù Trung Quốc như thế nào: tính toán khi nào và sử dụng ra sao sức mạnh quân sự, mục tiêu quan trọng trong chiến tranh, và cơ sở trong việc nhận định về thắng lợi. Bài báo cũng điểm lại những hậu quả của cuộc xung đột ở cả hai lĩnh vực chính trị và quân sự, những bài học đã được rút tỉa dưới con mắt của chính người Trung Quốc.
Đầu năm 1979 Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam, theo cách nói của
lãnh đạo Trung Quốc là để “dạy cho Việt Nam một bài học” nhớ đời. Mặc dầu Bắc
Kinh tự cho là đã thắng lợi nhưng nói chung trong giới học giả vẫn tồn tại
nhiều tranh cãi cho rằng cuộc chiến tranh đã không diễn ra như Trung Quốc mong
đợi vì trong cuộc xung đột này Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (QGPND) đã
tác chiến hết sức tồi tệ. Chính Trung Quốc chứ không phải Việt Nam đã rút ra
một bài học từ cuộc chiến này. Các tài liệu của Trung Quốc về cuộc chiến tranh
này vẫn được niêm phong rất cẩn mật do đó các thông tin về cuộc chiến không chỉ
chắp vá chủ quan mà còn đáng ngờ về tính xác thực. Mặc dù đã có một ít tài liệu
bằng tiếng Anh, nhưng phần nhiều chỉ là đồn đoán và không chính xác, lưu truyền
không chính thức ở Hồng Kông và Đài Loan. Gần đây do việc kiểm soát thông tin
của Bắc Kinh có phần lỏng lẻo hơn nên nhiều tài liệu lưu hành nội bộ về khả
năng và kinh nghiệm của QGPND trong chiến tranh 1979 đã thấy xuất hiện rải rác
trong các thư viện tại Mỹ và có thể truy cập trên Internet. Thêm vào đó, hồi ký
của một số sĩ quan cao cấp Trung Quốc cũng đã cho thấy nhiều thông tin giá trị.
Dựa trên các tư liệu nghiên cứu của một số học giả hàng đầu, bài
viết này cố gắng trình bày cái nhìn của người Trung Quốc đối với cuộc chiến
Việt-Trung năm 1979. Đầu tiên là thảo luận về các mối quan hệ lịch sử giữa
Trung Quốc và Việt Nam và ảnh hưởng của các mối quan hệ này trên quyết định tấn
công Việt Nam của Bắc Kinh, cũng như vai trò của Đặng Tiểu Bình. Kế đến là xét
lại vai trò của QGPND bao gồm chiến thuật, chiến lược của Trung Quốc cho cuộc
xâm lăng và những quan điểm riêng của QGPND về vận hành bộ máy quân sự. Cuối
cùng là điểm lại những tác động của cuộc xung đột, trên cả hai lĩnh vực chính
trị cũng như quân sự, và những bài học rút ra bởi chính người Trung Quốc. Bài
báo cũng đưa ra những dẫn chứng về cách thức tiến hành chiến tranh của Bắc
Kinh, chỉ ra tính đặc thù kiểu Trung Quốc trong tác chiến: không ngần ngại sử
dụng sức mạnh quân sự sau khi tính toán một cách cẩn thận khi nào và sử dụng ra
sao; mục tiêu quan trọng của QGPND là giành và giữ thế chủ động trong tác
chiến, và nền tảng cơ bản mà người Trung Quốc đã dựa vào đó để đánh giá thành
công về mặt quân sự, đó là lợi thế địa chính trị hơn là hiệu suất tác chiến.
Mặc dù đã bị người Việt Nam làm khốn đốn nhưng QGPND đã hoàn thành được mục
tiêu chiến lược của Bắc Kinh, buộc Việt Nam phải chia lửa cho phòng tuyến ở
biên giới phía bắc, và buộc quốc gia này phải giảm phiêu lưu quân sự ở khu vực
Đông Nam Á. Tuy nhiên, QGPND vẫn chưa rút ra được bài học từ cuộc chiến tranh
này, đó là truyền thống và triết lý quân sự của Trung Quốc đã quá lỗi thời,
điều này có thể cản trở công cuộc hiện đại hóa thay đổi bộ mặt của Trung Quốc
trên trường quốc tế.
Yếu tố văn hóa lịch sử
Bắc Kinh và Hà Nội đã từng là đồng minh thân thiết kể từ cuộc
chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất vào những năm đầu thập niên 1950. Thế thì
tại sao sau đó nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa lại đi đến quyết định tiến hành
chiến tranh với nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào cuối năm 1978? Theo
lý lẽ của Bắc Kinh thì dường như nguyên nhân là do “giấc mộng xưng bá” của Hà Nội
ở khu vực Đông Nam Á; gây hấn ở biên giới với Trung Quốc và xâm phạm vào lãnh
thổ của Trung Quốc; ngược đãi người Hoa ở Việt Nam; đi theo Liên Xô trong lúc
nước này đang muốn mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Các nhà quan sát vào thời
điểm đó và nhiều nghiên cứu sau này cho rằng mục tiêu hàng đầu của Bắc Kinh là
làm giảm bớt áp lực quân sự lên Campuchia, buộc quân đội Việt Nam phải chia lửa
ở mặt trận thứ hai. Robert Ross (học giả người Mỹ, hiện là giáo sư ở Boston
College - ND) thì cho rằng việc Trung Quốc sử dụng quân đội chống lại Việt Nam
không phải là phản ứng trước sự bành trướng của Hà Nội ở Đông Dương mà là phản
ứng trước sự về hùa của Việt Nam với Liên Xô nhằm bao vây Trung Quốc từ Đông
Nam Á. Những nghiên cứu khác lại cho rằng Trung Quốc hành động như thế để làm
mất thể diện của Liên Xô, nước đang đóng vai trò như một đồng minh tin cậy của
Hà Nội trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Trong một nghiên cứu về mối quan hệ của Bắc Kinh với Hà Nội trước
chiến thắng 1975, Trại Cường (Zhai Qiang) tác giả cuốn China and the
Vietnam Wars, 1950-1975 -- ND) đã cho rằng “chính sách thực dụng không
chỉ là lời nói suông” được phát đi từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đề cập
đến các mối quan hệ quốc tế. Mặc dầu họ tuyên bố chính họ là những môn đồ của
chủ nghĩa quốc tế Mác-Lênin song họ lại kế thừa hoàn toàn cái di sản lịch sử
của Trung Hoa: quan niệm Đại Hán theo đó Trung Quốc là cái nôi của thế giới.
Các quốc gia nhỏ bé khác bên ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, là man di
và phải là những chư hầu trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Mặt khác, “niềm
kiêu hãnh lịch sử và độ nhạy cảm văn hóa” là nhân tố chính có ảnh hưởng đến
thái độ của người Việt Nam đối với Trung Quốc. Suốt chiều dài lịch sử của mình,
người Việt Nam đã thích thú khi vay mượn và bắt chước nền văn minh cũng như thể
chế Trung Quốc để làm nên bản sắc riêng, nhưng họ lại rất sắt đá trong việc bảo
tồn di sản văn hóa và nền độc lập của họ. Họ yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ khi gặp
khó khăn nội bộ, nhưng khi họ giành được tự do và thống nhất đất nước thì họ
lại quay ra thù địch với Trung Quốc. Những hình ảnh được khắc ghi trong lòng
các lãnh tụ và nhân dân hai nước về tình hữu nghị giữa hai quốc gia dường như
đã đóng một vai trò đáng kể trong quyết định của Bắc Kinh khi tiến hành cuộc
tấn công trừng phạt chống lại Việt Nam.
Từ đầu những năm 1950, Trung Quốc đã là người hậu thuẫn mạnh mẽ
của Hà Nội trên cả hai lĩnh vực quân sự lẫn chính trị. Trung Quốc đã giúp đỡ
Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng chống lại Pháp và đánh đuổi xâm lược
Mỹ. Những nghiên cứu ngày nay đã chỉ ra rằng chính sách của Trung Quốc dành cho
Hà Nội trong hai cuộc chiến tranh Đông Dương đầu tiên là xuất phát từ việc cân
nhắc nhiều mặt từ truyền thống lịch sử đến ý thức hệ cách mạng và an ninh quốc
gia. Tuy nhiên, thái độ bề trên của Bắc Kinh vẫn thống trị tư tưởng của họ
trong quan hệ với Việt Nam. Mặc dầu các lãnh tụ Trung Quốc lặp đi lặp lại tuyên
bố rằng Việt Nam sẽ được đối xử “bình đẳng” nhưng Trần Kiên (Chen Jian) lại
thấy rằng chính những phát biểu hùng biện đó đã phản ảnh niềm tin mạnh mẽ rằng
“họ đã nắm được vị thế để có thể chi phối mọi quan hệ với các nước láng giềng”.
Bắc Kinh luôn nói rằng họ không bao giờ gây sức ép về chính trị và kinh tế
thông qua viện trợ vật chất và quân sự khổng lồ cho Hà Nội, nhưng họ lại muốn
Hà Nội phải thừa nhận vai trò lãnh đạo của Trung Quốc đối với phong trào giải
phóng dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Thái độ này của Trung Quốc
đã khiến Việt Nam, một quốc gia rất nhạy cảm với quá khứ đầy rẫy những rắc rối
với Trung Hoa, trở nên tức giận. Mặc dầu có lúc Bắc Kinh và Hà Nội gọi nhau là
“những người đồng chí anh em” nhưng sự thật thì mối ác cảm của người Việt Nam
đối với Trung Quốc đã được Bắc Kinh nhận thức một cách rõ ràng
Một tài liệu của Trung Quốc đề cập đến chiến tranh 1979 đã ghi lại
những hoạt động được coi là thù nghịch của Việt Nam từ sau năm 1975 đã làm tổn
thương mạnh đến quan niệm bề trên của người Trung Quốc. Bộ Chính Trị Việt Nam
đã thông qua một chính sách coi đế quốc Mỹ là kẻ thù lâu dài nhưng lại coi
Trung Quốc là “kẻ thù nguy hiểm, trực tiếp nhất”, và là “kẻ thù tiềm năng mới”
mà Việt Nam phải chuẩn bị để chiến đấu. Trong một phản ứng với Trung Quốc, Chủ
nhiệm tổng cục chính trị của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã nhấn mạnh rằng các
lực lượng vũ trang Việt Nam sẽ phải tiến hành một cuộc tổng tiến công quân
Trung Quốc, chủ động tấn công và phản công đánh đuổi kẻ thù bên trong và thậm
chí cả bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, và biến cả miền biên giới thành mặt trận
chống Tàu. Thái độ coi thường của Việt Nam đối với QGPND và sự cả tin vào sức
mạnh quân sự của mình đã là chất xúc tác thúc đẩy quân đội Trung Quốc tiến hành
chiến tranh. Lực lượng chiến đấu đã được tôi luyện của QĐND Việt Nam đã tham
gia tác chiến hầu như liên tục trong nhiều thập kỷ và đã chiến thắng được hai
cường quốc lớn phương Tây. Trong khi đó các chuyên gia Việt Nam cho rằng khả
năng và tinh thần chiến đấu của QGPND là thấp kém và hạn chế. QĐND Việt Nam rất
tự hào với vũ khí của Nga và các trang thiết bị quân sự thu hồi của Mỹ. Theo
các hãng truyền thông của Việt Nam các vũ khí đó hơn hẳn với bất kỳ trang bị
nào của QGPND.
Trong hơn hai mươi năm Trung Quốc đã viện trợ cho Hà Nội
trên 20 tỷ đô la Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Khi Việt Nam bắt
đầu ép buộc người Hoa ở miền bắc hồi cư và gia tăng bạo lực trên biên giới với
Trung Quốc, nhiều người Trung Quốc đã cho rằng Hà Nội vong ơn bội nghĩa trước
những giúp đỡ và hy sinh của Trung Quốc. Những người Trung Quốc đã từng giúp đỡ
những người cộng sản Việt Nam trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ đã cảm thấy
như bị phản bội và đã hăm hở để “dạy cho Việt Nam bài học”. Trong số đó có Đặng
Tiểu Bình, phó thủ tướng và là tổng tham mưu trưởng QGPND. Họ Đặng đã tỏ ra bực
mình với thái độ khiếm nhã của Việt Nam đối với những giúp đỡ của Trung Quốc đã
được sử sách ghi chép từ giữa những năm 1960. Sự thù nghịch giữa hai nước đã
tăng mạnh vào cuối những năm 1970, và ngày càng trở nên nhạy cảm, thậm chí đã
có lúc Việt Nam được Trung Quốc gọi là đồ khốn nạn (wangbadan) trước một nhà
lãnh đạo nước ngoài. Các nhà lý luận quân sự nói chung đều nhất trí rằng tình
trạng “thù nghịch ở cả hai phía, giận dữ và căm thù đã hình thành và ngày càng
sôi sục”. Sự láo xược của Việt Nam thể hiện qua những va chạm dọc biên giới mỗi
ngày một tăng và sự ra đi ồ ạt của Hoa kiều đã tác động mạnh lên quyết định
dùng vũ lực của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự.
Động thái của Trung Quốc trước cuộc tấn công
Vẫn chưa có những tài liệu chắc chắn nào cho thấy lúc nào và như
thế nào Bắc Kinh đã ra quyết định tiến hành chiến tranh chống Việt Nam. Nayan
Chanda, phóng viên Đông Nam Á kỳ cựu của Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông đã chỉ
đưa ra được vài chi tiết cho rằng cấp lãnh đạo Trung Quốc đã ra quyết định “dạy
cho Việt Nam bài học” vì thái độ “vô ơn và ngạo mạn” trong một cuộc họp Bộ
Chính Trị hàng tuần vào đầu tháng Bảy năm 1978. Tuy nhiên ông ta lại cho rằng
trong cuộc họp đó cấp lãnh đạo Trung Quốc, khi thông qua quyết định tấn công
Việt Nam, có vẻ như họ đã được thuyết phục rằng việc này chỉ để nhằm “làm suy
yếu vị thế của Xô-viết trong thế giới thứ ba”. Các nguồn tin mới đây từ Trung
Quốc thì lại giả thiết rằng sự tính toán đến các phản ứng quân sự đối với cuộc
khủng hoảng giữa Việt Nam và Trung Quốc là một quá trình hết sức chậm chạp vì
khá lâu sau đó cũng không có một quyết định nào được thông qua. Hơn nữa, cuộc chiến
khởi đầu được coi như là một xung đột cục bộ giữa hai nước chứ không phải là
một phần của chiến lược chống bá quyền toàn cầu của Trung Quốc. Trong những năm
đầu của thời kỳ hậu Mao, Bắc Kinh áp dụng chính sách lãnh đạo thừa kế. Chính
sách lãnh đạo thừa kế này liên quan đến việc gia hạn năm công tác với chức năng
tư vấn không chính thức cho các lãnh tụ cao cấp và các cấp thấp hơn như các
viên chức chính phủ và sĩ quan quân đội để họ đảm nhận các vấn đề trước khi có
quyết định cuối cùng.
Châu Đức Lễ (Zhou Deli), tham mưu trưởng quân khu Quảng Châu, kể
lại rằng vào tháng Chín năm 1978 đã có một cuộc họp được tổ chức trong bộ tổng
tham mưu QGPND bàn về vấn đề “làm sao đối phó với nạn xâm chiếm lãnh thổ của
quân đội Việt Nam”. Mối quan tâm ban đầu là vấn đề xung đột biên giới. Vấn
đề này lúc đó đã được coi như nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng ngày càng
gia tăng giữa hai nước từ năm 1976.
Một đề xuất sơ bộ đề nghị tiến hành một chiến dịch quy mô nhỏ nhằm
vào một trung đoàn bộ đội địa phương thuộc huyện Trùng Khánh của Việt Nam nằm
sát đường biên giới với tỉnh Quảng Tây. Tuy nhiên, sau khi một báo cáo của tình
báo cho biết cuộc xâm lăng Campuchia của Việt Nam sắp xảy ra thì đa số người
tham gia đều đồng ý rằng bất kỳ một hành động quân sự nào được tiến hành cũng
đều phải gây được ảnh hưởng đáng kể với Hà Nội và tình hình ở Đông Nam Á. Mọi
người đều khuyến cáo phải tiến công vào các đơn vị quân đội chính quy của Việt
Nam trên một địa hình rộng lớn. Mặc dầu cuộc họp kết thúc mà không đưa ra bất
cứ quyết định cụ thể nào nhưng nó đã cho thấy hình hài của một kế hoạch chiến
tranh có thể xảy ra của Trung Quốc nhằm vào Hà Nội và có thể nó là những bằng
chứng đầu tiên có liên quan đến những hoạt động quân sự của Trung Quốc trên
biên giới phía bắc của Việt Nam nhằm tạo áp lực lên thái độ được coi là hiếu
chiến của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, một chiến dịch quân sự quy mô lớn có thể làm xấu đi
hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế trong khu vực lẫn thế giới. Họ Đặng
đã lập kế hoạch thăm chính thức Thái Lan, Mã Lai và Sinh-ga-po vào đầu tháng 11
năm 1978 nhằm dò xét và tìm sự hậu thuẫn của các nước này đối với chính sách
của Trung Quốc lên Việt Nam. Trong chuyến thăm viếng, Đặng đã thuyết phục các
nước chủ nhà rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực chống lại sự xâm lược của Việt
Nam nếu nước này tấn công Campuchia. Trong nước, các phương tiện truyền thông
đều đăng xã luận và bình luận về việc trừng phạt sự xâm lăng của Việt Nam vào
lãnh thổ Trung Quốc và cảnh báo về một sự trả đũa có thể xảy ra.
Ngày 23 tháng 11 năm 1978, Bộ Tổng Tham Mưu Trung Quốc đã triệu
tập một cuộc họp khác. Tại đây một kịch bản mới về chiến tranh đã được bàn bạc
kỹ lưỡng. Sau khi cân nhắc các khuyến cáo trước đó, Bộ Tổng Tham Mưu đã quyết
định mở rộng quy mô và thời gian của chiến dịch. Các kế hoạch đã nhằm vào các
vị trí quân sự chính của Việt Nam và các thành phố bên kia biên giới của Vân
Nam và Quảng Tây như các mục tiêu cần tấn công, ngăn chặn nhằm làm nhụt ý chí
xâm lược của Việt Nam. Có một số ý kiến cho rằng các chiến dịch như thế không
đủ rộng lớn vì mới chỉ đến các vùng hẻo lánh và không đủ sức răn đe
tức thời Hà Nội. Tuy nhiên cuối cùng không có sự phản đối vì họ cho rằng ban
lãnh đạo Trung ương đã cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề. Cuộc họp chỉ định hai quân khu
Quảng Châu và Côn Minh sẽ thực hiện chiến dịch này. Ngoài ra cuộc họp cũng
khuyến cáo về việc chuyển giao một lực lượng dự bị chiến lược QGPND bao gồm 4
quân đoàn và 1 sư đoàn lấy từ quân khu Vũ Hán và Thành Đô để củng cố cho mặt
trận Quảng Tây và Vân Nam.
Ngày 7 tháng 12 năm 1978, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã triệu
tập một cuộc họp, kéo dài khoảng 4 đến 5 giờ và quyết định phát động một cuộc
chiến tranh hạn chế trên tuyến biên giới phía nam Trung Quốc để “giáng trả”
Việt Nam. Ngày kế tiếp là việc chỉ thị cho hai quân khu Quảng Châu và Côn Minh
tiến hành chiến dịch quân sự này với các đơn vị đã sẵn sàng chiến đấu từ ngày
10 tháng Giêng năm 1979. Chỉ thị này nêu rõ cuộc chiến tranh được hạn chế
nghiêm ngặt trong vòng bán kính 50km từ đường biên giới và kéo dài trong 2 tuần.
Binh pháp truyền thống của QGPND đã được nhấn mạnh đó là việc dùng hai đội quân
nhằm “Tập trung biển người để bao vây quân địch từ hai bên sườn nhằm tiêu diệt
từng bộ phận quân địch bằng những trận đánh hủy diệt theo phương thức đánh
nhanh rút gọn”. Tuy thời điểm cho mệnh lệnh này được hiểu là Trung Quốc phản
ứng lại với sự xâm lăng Campuchia sắp xảy ra của Việt Nam, nhưng bằng cách dựng
lên một chiến dịch quân sự lớn thậm chí trước khi quân đội Việt Nam vượt sông
Mê-kông cũng đã thể hiện sự giận dữ từ nhiều năm do thái độ vô ơn của Việt Nam
gây nên.
( Còn nữa )
Bản dịch của một cộng tác viên, riêng cho tạp chí Thời Đại Mới.
©
Thời Đại Mới
8-3-2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001