Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

TỪ CÂU CHUYỆN BIẾU TẾT 190 NĂM TRƯỚC 

Bùi Xuân Đính
Nguyễn Văn Hiếu (1764 - 1833) người huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Sinh ra trong một gia đình nghèo, thuở nhỏ, Nguyễn Văn Hiếu phải đi cắt cỏ thuê để kiếm sống. Lớn lên, ông theo nghiệp binh, lần lượt được giao đảm nhiệm các chức : Hữu quân Phó tướng. Lưu thủ Bình Định, Trấn thủ các trấn : Sơn Nam Hạ. Thanh Hoa, Nghệ An, phong Đô thống trung doanh quân Thần sách. Năm thứ tám (Đinh Hợi, 1827), ông được cử đi làm Kinh lược sứ ở Nam Định. Chỉ trong hai tháng, ông và các quan đã xử lý hàng loạt các quan lại vùng này tham nhũng, ức hiếp dân chúng, ổn định tình hình, được Vua Minh Mệnh khen ngợi. Đến tháng 11 năm 1831, khi tỉnh Hà Nội được thành lập, Nguyễn Văn Hiếu được bổ làm Tổng đốc Hà - Ninh. Từ tháng Giêng năm Nhâm Thìn (tháng 2 năm 1832), ông còn kiêm chức Tuần phủ Hà Nội; đến tháng Bảy cùng năm, được triệu về Kinh; được thăng Tả quân Đô thống phủ, Chưởng phủ sự, tước Lương Năng bá.

Sử cũ ghi lại rằng, Nguyễn Văn Hiếu có chính sự tốt, làm quan ở đâu cũng cần mẫn, quả quyết, thận trọng trong việc dùng quyền hành, sâu sát với thực tế. Trong thời gian làm Tổng đốc Hà - Ninh kiêm Tuần phủ Hà Nội, ông có bốn đề xuất đối với tỉnh, được Vua Minh Mạng khen ngợi và cho thực thi; trong đó, quan trọng nhất là cho  dời lỵ sở của phủ Hoài Đức ở phố Phủ Doãn nhỏ hẹp về Dịch Vọng thuộc huyện Từ Liêm (nay là khu vực Học viện Báo chí tuyên truyền thuộc quận Cầu Giấy). Khi Nguyễn Văn Hiếu mất, Vua Minh Mệnh rất thương xót, cho thực thụ chức Tả quân phủ Đô thống, Chưởng Phủ sự, cấp cho 1000 quan tiền, sai quan đến tế. Năm Tự Đức thứ ba (Canh Tuất, 1850), ông được đưa vào thờ ở miếu Trung hưng công thần.

Nguyễn Văn Hiếu là người khiêm tốn, giản dị, đối đãi với mọi người hòa nhã, lại hay nghiêm trị các lại dịch làm bậy khiến họ phải kính sợ; được dân tin yêu, cả những kẻ trộm cướp cũng phải nể sợ.

Nguyễn Văn Hiếu còn nổi tiếng là người thanh liêm. Ông nghiêm cấm người nhà được tự tiện giao thiệp với người ngoài. Hàng năm vào dịp Tết, các quan lại dưới quyền và dân chúng mang tiền đến biếu xén nhưng ông đều từ chối. Vì ông sống thanh liêm nên cửa nhà rất bình thường; lương bổng của ông chỉ đủ chi tiêu, vợ ông nhiều lần đem việc đó than phiền, nhưng ông chỉ cười mà bảo rằng : “Phu nhân không nhớ lúc còn cắt cỏ ư? Lấy nay so với xưa gấp hai gấp năm như thế, lại muốn lấy của bất nghĩa để làm giàu ư?”. Từ đó, vợ ông không dám nói đến lợi lộc nữa.

Sự thanh liêm của Nguyễn Văn Hiếu được biểu hiện cụ thể nhất qua câu chuyện vào dịp giáp Tết năm Quý Mùi đời Vua Minh Mệnh (năm 1823), khi ông đang là Trấn thủ Thanh Hoa, có viên thổ ty xin đến nhà ông để “yết kiến”. Khi bàn xong xuôi công việc, viên thổ ty trình ra trước mặt Nguyễn Văn Hiếu một lễ rất hậu, gọi là “của núi rừng”, xin được biếu và mong quan Trấn thủ vui lòng nhận, nhân dịp Tết cổ truyền sắp đến. Song Nguyễn Văn Hiếu ôn tồn khước từ, bắt mang về. Sau khi Nguyễn Văn Hiếu đã vào nhà, viên thổ ty còn đang lừng chừng đứng trước cửa nhà thì người đầy tớ nhà bếp lẻn ra dọa nạt, lấy lại một nửa phần lễ.

Qua Tết ít ngày, Nguyễn Văn Hiếu mới được biết chuyện người đầy tớ làm chuyện ăn chặn. Ông rất giận, lập tức cho gọi ra tra hỏi. Tên đó thú nhận tất cả. Nguyễn Văn Hiếu liền lôi y ra chém. Người nhà và các quan lại dưới quyền đang có mặt tại nhà ông khi đó ra sức can ngăn cũng không được. Sau đó, Nguyễn Văn Hiếu dâng Sớ lên Vua Minh Mạng xin chịu tội. Vua cho rằng, Nguyễn Văn Hiếu làm như vậy để khuyến khích việc thanh liêm là đúng, nhưng lại tự tiện đem giết tên đầy tớ thì lại là phạm luật, nên giáng ông ba cấp; song vẫn cho ông được lưu chức.

Lời bàn:

Câu chuyện trên đây được ghi lại trong sách Đại Nam thực lục, tập Hai - bộ quốc sử của triều Nguyễn. Tuy ngắn gọn, nhưng câu chuyện trên gợi lại nhiều điều đáng để suy ngẫm.

1. Từ xưa, biếu Tết là một tục lệ tốt đẹp trong nhân dân ta. Một gói quà, bánh nhỏ, hợp với túi tiền, thu nhập của con cháu biếu ông bà - cha mẹ, trò biếu thầy, con bệnh với thây thuốc; hay của những người chịu nhận sự giúp đỡ của người khác; hoặc của bạn bè thân thiết tặng nhau vào ngày Tết ..., thể hiện tình nghĩa, lòng biết ơn, đạo lý truyền thống của cha ông ta được duy trì từ ngàn đời.

Thế nhưng, đã từ lâu, tục lệ tốt đẹp trên đã bị lợi dụng để trục lợi. Không chỉ là con cháu biếu ông bà - cha mẹ, trò biếu thầy, con bệnh biếu thầy thuốc, bạn bè tặng nhau; mà cả các quan cấp dưới và liêu thuộc, người nhà của các phạm nhân cũng tranh thủ ngày Tết đến biếu quan trên, quan thực thi pháp luật, dưới vỏ ngoài là “tình cảm”, nhưng bên trong là để mong được quan trên lưu ý đến trong việc cất nhắc đề bạt; hay quan pháp luật “nương nhẹ” trong việc xét án, giảm án cho người nhà v. v. Vì thế, quà Tết của họ không nhỏ (chẳng thế mà, dân gian đã từng đúc kết câu chuyện, có người muốn nhờ vả viên tri huyện, nhân ngày Tết đã mang cả một con chuột bằng vàng thật đến biếu, với cái lý rất “hợp lý” là quan huyện tuổi Tý, biếu để làm “kỷ niệm”.

Trước những gói quà Tết đó, không ít các quan chức xưa kia đều có chung suy nghĩ rằng, mình có “quyền” được nhận, được hưởng, nên “vui vẻ” nhận và “cám ơn” những người “biếu”. Trong điều kiện lương bổng hạn hẹp, lòng tham nổi lên, nhiều vị còn tìm đủ mọi cách để “nhắc” những người phụ thuộc, để họ đến “biểu lộ tình cảm” mỗi khi Tết đến xuân về. Và, đứng đằng sau các vụ biếu xén này thường là các “quan bà”, tìm đủ mưu, kế để “triệu”, “tróc” những người phụ thuộc vào đức ông chồng.  Chẳng thế mà vị “quan huyện bà” trong câu chuyện dân gian nêu trên sau khi nhận con chuột vàng đã đính chính ngay rằng “Ông nhà tôi tuổi trâu cơ mà”. Đặc biệt, giai nhân của một số quan chức cũng lợi dụng vị thế của mình để gợi ý, làm “cầu nối” cho việc biếu xén, để từ đó cũng hưởng được chút “lộc”.

Ngày nay, đối tượng đi biếu Tết và “nhận quà Tết” không chỉ giới hạn với những thành phần nêu trên, mà được mở ra khá rộng, cả người nhận thầu công trình đến các chủ đầu tư, người dự thi công chức và người xét tuyển, người thi cao học, tiến sĩ với người tuyển sinh, người chấm luận văn luận án ..., với mục đích là mong được trúng thầu, trúng tuyển (hoặc được điểm cao) ... Qua Tết của họ cũng “thiên biến vạn hóa” : một túi đựng gói bánh hay chai rượu ngoại, đáy túi bao giờ chẳng kèm theo chiếc phong bì “mỏng mà dày”. Giá trị quả túi “quà Tết” thường không nhỏ. Và cũng như ngày xưa, nhiều vị “quan ông” và phần lớn các vị “quan bà” đều xem xét, ghi nhớ rất kỹ từng gói quà để có một sự đánh giá đúng về “tấm lòng” của chủ nhân các gói quà đó.

2. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là vị quan nào thời xưa cũng có ý lợi dụng tục lệ tốt đẹp ngày Tết để trục lợi. Nhiều người đã có “lệnh” cấm cấp dưới và liêu thuộc đến nhà vào dịp Tết, cấm vợ con, người nhà tiếp khách đến chơi và cấm nhận bất thứ quà cáp nào của khách. Bởi họ hiểu, thực chất của việc đến biếu Tết cùng những túi quà Tết đó là một hình thức hối lộ kín đáo, tinh vi - điều mà những vị quan thấu hiểu đạo của “Thánh Hiền” xưa kia không được phép nhận.

Nguyễn Văn Hiếu - vị Tổng đốc đầu tiên của tỉnh Hà Nội là một vị quan như vậy. Ông đã thẳng tay trừng trị viên đầu bếp “trấn lột” đến một nửa phần quà Tết mà ông đã khước từ. Việc làm này của ông có phần quá “tả” nhưng là điều cần thiết để ông giáo dục, răn đe, ngăn chặn vợ con, người nhà, không được lợi dụng vị thế của mình, lợi dụng một phong tục tốt đẹp để trục lợi.
Nêu lại câu chuyện này, người viết muốn bạn đọc liên tưởng đến việc biếu Tết trong xã hội chúng ta ngày nay.
Bài đã đăng trên tạp chí Kiểm tra, số 2/ 2011.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001