Nhật bại trong chiến tranh nhưng thắng trong hòa bình.
Sử Nhật Bản
Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm
và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng.
Lê Duẩn
Có đảng Cộng Sản mới có đổi mới.
Đỗ Mười
Trung Quốc thành công thì chúng ta cũng thành công.
Lê Khả Phiêu
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, lật đổ chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam. Ba ngày sau (11/3), Đại Sứ Nhật Yokohama đại diện Thiên Hoàng trao trả nền độc lập của Việt Nam cho Hoàng Đế Bảo Đại. Ngày 11/3/1945, Nam triều công bố tuyên cáo nền độc lập và thành lập chính phủ Trần Trọng Kim dưới sự yểm trợ của Nhật. Nhưng chỉ 5 tháng sau (8/1945), Nhật đầu hàng Đồng Minh và đã tạo ra một khoảng trống chính trị khi quân Nhật buông súng, còn chính phủ Trần Trọng Kim chưa kịp làm gì phải buông tay. Nhân thời cơ đó, đảng Cộng Sản Việt Nam có tổ chức và sách lược đã nhanh tay chiếm chính quyền, thành lập Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (2/9/1945). Từ đó, nhân danh chính quyền cách mạng, đảng Cộng Sản đã tiến hành 2 cuộc chiến tranh. Thứ nhất là kháng chiến chống Pháp, khi quân Pháp trở lại chiếm Việt Nam năm 1946. Cuộc chiến này đã kéo dài 9 năm từ 19/12/1946 đến tháng 7/1954 giữa chính quyền Cộng Sản (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) với Pháp và chính phủ Bảo Đại. Và thứ nhì là kháng chiến chống Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ kéo dài 15 năm giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc với Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ ở miền Nam. Như thế năm 1945, Nhật đi vào thời kỳ tái thiết hậu chiến thì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lại đi vào chiến tranh và mãi đến 30/4/1975, khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thắng Việt Nam Cộng Hòa thì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mới đi vào thời kỳ hậu chiến. Nhật Bản bại trận nên việc tái thiết phải đi theo chính sách của nước chiếm đóng là Hoa Kỳ. Còn Việt Nam Cộng Sản thắng trận nên đã tiến hành tái thiết và xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước.
Lấy mốc thời gian là 30 năm cho thời hậu chiến, chúng tôi xin ghi lại những thành quả mà Nhật Bản và Việt Nam Cộng Sản đã đạt được trong khoảng thời gian hậu chiến ấy.
A. Nhật Bản hậu chiến
Trước khi đi vào thời kỳ hậu chiến của Nhật, chúng tôi xin tóm tắt ít điều về trận chiến của Nhật ở Á Châu Thái Bình Dương:
Từ giữa thế kỷ 19 (1868), dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng, do thức thời biết học Tây Phương canh tân, nên Nhật đã thoát khỏi sự thôn tính, chiếm làm thuộc địa của những cường quốc Âu Mỹ. Nhưng khi trở thành cường quốc vào cuối thập niên 1920, Nhật cũng lại đi vào con đường bành trướng thực dân, xâm chiếm các nước Á Châu:
- Năm 1910, chiếm Cao Ly (Hàn Quốc).
- Năm 1932, chiếm Mãn Châu.
- Tháng 7/1937, xâm lăng Trung Quốc.
- Tháng 9/1940, Nhật gia nhập liên minh với Đức Quốc Xã của Hiler và Phát Xít Ý của Mussolini thành khối Trục Rome – Berlin – Tokyo.
- Tháng 7-1941, không quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) của Hoa Kỳ.
- Năm 1941, chiếm Manila, Philippines, Walk Island, Guam và Diến Điện.
Từ đầu thế chiến II (1939), Hoa Kỳ đứng ngoài chiến tranh do đạo luật trung lập (1935-1937). Nhưng từ khi Đức tấn công Anh quốc và Nhật Bản xâm chiếm mấy nước Á Châu thì chính quyền Roosevelt đã thuyết phục Quốc Hội bỏ chính sách trung lập. Khởi đầu viện trợ quân dụng cho Anh, rồi sau khi bị Nhật tấn công Trân Châu Cảng thì Hoa Kỳ tuyên chiến với cả khối Trục.
Tháng giêng năm 1942, ở Washington, 26 quốc gia, đứng đầu là Hoa Kỳ, Anh Quốc và Liên Bang Sô Viết, kết thành Đồng Minh để đối phó với khối Trục.
Năm 1942, ở mặt trận Thái Bình Dương, Nhật thảm bại ở trận Coral Sea, và trận Midway. Sau hai trận này hải quân Hoa Kỳ lấy lại ưu thế.
Cũng năm 1942, Hoa Kỳ chiếm lại Guadal Carnal ở tây nam Thái Bình Dương, một đảo có vị trí chiến lược, không những ngăn Nhật tiến đánh Úc Châu mà còn là một bàn đạp để tấn công Nhật ở nam Thái Bình Dương. Vì thế chỉ sau một năm trận Trân Châu Cảng, chiến tranh ở Thái Bình Dương đã nghiêng về phía Hoa Kỳ.
Từ đây Nhật chuyển về thế thủ, quyết tâm giữ những đảo đã chiếm được với ý định kéo dài chiến tranh để đánh bại tinh thần Hoa Kỳ. Nhưng tướng Mac Arthur đả sử dụng chiến lược gọi là “Island hopping”, theo đó lực lượng Mỹ trập trung chiếm những đảo có vị trí chiến lược, còn để lại cho quân Nhật những đảo khác. Kết quả của chiến lược này là những đảo quân Nhật giữ đã bị cô lập, bị cắt nguồn tiếp tế, nên đã tự bị hủy.
Sau khi chiếm lại Phi Luật Tân (5-1945), quân Mỹ chiếm Okinawa, cắt Nhật làm đôi và xiết chặt chu vi phong tỏa. Trên biển, thương thuyền và tàu tiếp tế của Nhật bị tàu ngầm Mỹ tấn công, còn trên lãnh thổ Nhật thì bị B-29 thả bom tàn phá những thành phố lớn và hủy diệt những trung tâm kỹ nghệ và quân sự.
Mặc dù ở trong tình thế tuyệt vọng, với tổn thất quá lớn và bị phong tỏa, nhưng Nhật vẫn tiếp tục chiến đấu theo chủ trương của phe tướng lãnh chủ chiến là cứ để cho quân Mỹ vào Nhật và quân dân Nhật sẽ chiến đấu đến người cuối cùng. Vì thế Hoa Kỳ đã đề ra hai giải pháp để kết thúc chiến tranh: Thứ nhất, thực hiện một cuộc xâm lăng và thứ nhì, xử dụng một loại vũ khí mới. Theo Tổng Thống Harry Truman (Tổng Thống Roosevelt bị bệnh chết ngày 12/4/1945), thì trận chiến trên lãnh thổ Nhật cần 1 triệu quân và sẽ kéo dài tới 1946 với sự tổn thất ghê gớm cho cả hai bên, còn xử dụng vũ khí mới thì kết thúc chiến tranh nhanh chóng. Cuối cùng giải pháp thứ nhì đã được chọn.
Ngày 6/8/1945, trái bom nguyên tử với sức tàn phá 20 ngàn tấn TNT được thả xuống Hiroshima, phá hủy 3 square miles thành phố, giết và làm bị thương trên 160.000 người. Vì không nhận được sự đáp ứng tích cực của Nhật, nên ngày 9/8 Mỹ thả trái bom thứ nhì xuống thành phố cảng Nagasaki, giết và làm bị thương khoảng 130.000.
Ngày 15/8, Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và ngày 2/9 văn kiện đầu hàng được ký trên chiến hạm Missouri đậu trong vịnh Tokyo giữa tướng Umeza đại diện Nhật và tướng Mac Arthur đại diện Đồng Minh. Sau đó hàng chục ngàn binh sĩ Đồng Minh đổ bộ vào Nhật, ghi dấu lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật bị quân đội ngoại quốc chiếm đóng.
***
Sau khi đầu hàng, Nhật được Hoa Kỳ tiếp thu và Hoa Kỳ đã thực hiện
một chế độ chiếm đóng theo những điều khoản của Tuyên Ngôn Posdam giữa
Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch) ngày 26/7/1945 và chính sách
của Hoa Kỳ đối với Nhật do Bộ Ngoại Giao, Chiến Tranh và Hải Quân soạn
thảo ngày 6/9/45. Trong đó có hai điểm căn bản:Thứ nhất, thay đổi Nhật thành một quốc gia hòa bình.
Thứ nhì, xây dựng một nước Nhật dân chủ.
Trên danh nghĩa thì đây là sự chiếm đóng của những cường quốc Đồng Minh. Nhưng thực chất thì Hoa Kỳ chịu trách nhiệm và tướng Mac Arthur, tư lệnh lực lượng Đồng Minh ở mặt trận Thái Bình Dương đã được trao cho nhiệm vụ thay đổi nước Nhật. Với chức vụ Tư Lệnh Tối Cao của Cường Quốc Đồng Minh (Supreme Commander of the Allied Powers – SCAP), Mac Arthur thiết lập Đại Bản Doanh ở Tokyo với 5000 nhân viên và khoảng 500.000 quân để cai trị 70 triệu dân Nhật. Nhưng đó không phải là một chính quyền quân sự mà Mac Arthur đã cai trị Nhật theo đường lối gián tiếp thông qua chính quyền Nhật, vẫn để người Nhật cai trị người Nhật với sự chỉ đạo và chính sách của SCAP. Trong 7 năm cai trị Nhật theo chính sách này, Mac Arthur đã hoàn thành được nhiệm vụ thay đổi nước Nhật. Về cá nhân, ông được dân Nhật kính trọng gọi là “Blue- eyed Shogun”. Về chính sách, ông đã đạt được điều mà sử gia Mikiso Hane đã tổng kết là “Trong lịch sử không có dân tộc nào khác đã được đối xử nhân đạo hơn và nhận được nhiều phúc lợi hơn trong tay của những người chinh phục… Những mục tiêu mà người chiếm đóng theo đuổi không phải là trả thù hay khai thác bóc lột mà là những cải cách giúp Nhật đạt được một xã hội tự do và dân chủ”.
(Mikiso Hane, Modern Japan: A historical Survey, Westview Press, Colorado, 1986. tr. 344)
Đó là Mac Arthur của Hoa kỳ, còn Nhật Bản trong thời kỳ bị chiếm đóng cũng xuất hiện một nhân vật đối tác tương xứng với Mac Arthur là Yoshida Shigeru. Ông xuất thân từ Tokyo Imperial University và đi vào ngành ngoại giao từ 1906. Trước chiến tranh, Yoshida đã giữ nhiều chức vụ ở Trung Hoa, làm Đại sứ ở Ý và ở Anh Quốc năm 1936. Vì lập trường chống chế độ quân phiệt, ông bị triệu hồi từ nhiệm sở ở London và buộc phải rời khỏi ngành ngoại giao tháng 3/1939.
Không cộng tác với nhóm quân phiệt và thêm phần bị bắt vì những hoạt động cầu hòa trong chiến tranh, nên Yoshida đã là một trong một số ít chính khách có tiếng trước chiến tranh không bị chế độ chiếm đóng thanh trừng. Vì thế ngay sau khi Mac Arthur thiết lập Tổng Hành Dinh ở tòa nhà Dai Ichi ở Tokyo, Yoshida đã được triệu lên thủ đô để nhận chức Bộ Trưởng Ngoại Giao. Rồi sau đó được thỉnh cầu làm Thủ Tướng đầu năm 1946 và đã giữ chức vụ này gần 7 năm, suốt giai đoạn Hoa Kỳ chiếm đóng.
Yoshida là một chính khách bảo thủ. Vào thời kỳ đầu chế độ chiếm đóng, ông đã xếp đặt cuộc hội kiến lịch sử đầu tiên của Nhật Hoàng Hirohito với Mac Arthur và đã hết lòng bảo vệ ngôi vua. Với lập trường chống Cộng và thực dụng, Yoshida đã biết cách làm việc với Mac Arthur để đưa Nhật vượt qua giai đoạn hậu chiến quá khó khăn, đồng thời đã biết vận dụng những chính sách của SCAP để chủ động thay đổi nước Nhật và mở đường cho Nhật đi vào thế giới dân chủ.
Sau đây là mấy thành tựu lớn của Nhật sau chiến tranh:
I. Bại mà thành dân chủ
Sau khi Nhật đầu hàng, Tổng thống Harry Truman đã tuyên bố là việc chiếm đóng Nhật có hai mục đích: Thứ nhất, chuyển Nhật thành một quốc gia hòa bình bằng cách tận diệt những nhân tố đưa đến chủ nghĩa quân phiệt và chiến tranh. Thứ nhì, xây dựng trên nước Nhật một nền dân chủ mạnh.
Còn tướng Mac Arthur khi nhận trách nhiệm lãnh đạo nước Nhật đã có một chủ kiến là đến Nhật để “tạo dựng một quốc gia mới” và ông đã ghi một danh sách những việc phải làm như sau:
“Hủy bỏ hiến pháp Minh Trị thay vào bằng hiến pháp Mac Arthur. Nhật phải từ bỏ chiến tranh vĩnh viễn. Giáng Hoàng Đế Nhật từ thần linh xuống làm người. Tách Thần Đạo ra khỏi nhà nước. Giải phóng nông dân ra khỏi chế độ nông nô và được cấp đất. Công nhân được phép tổ chức công đoàn và đình công chống lại chủ. Giải tán Zaibatsu, hệ thống đại công ty kỹ nghệ thương mại và thay bằng một hệ thống kinh tế với những xí nghiệp nhỏ. Phụ nữ được bình đẳng với nam giới. Xóa bỏ chế độ gia trưởng, trong đó người cha, người chồng là những ông vua nhỏ. Thanh trừng những người đã tạo ra chiến tranh. Hủy bỏ phương pháp học thuộc lòng và tôn thờ Hoàng Đế ở trường học. Mở cửa chính trị cho mọi người…”.
Qua lời của Tổng Thống Truman và qua danh sách ghi việc của tướng Mac Arthur, chúng ta hiểu một điều là nửa thế kỷ học Tây phương để canh tân từ thời Phục Hưng Minh Trị (1860), Nhật Bản đã trở thành cường quốc tính tranh bá cùng những cường quốc Tây phương, nhưng đã bỏ quên nâng cao giá trị dân chủ và vị thế con người trong xã hội Nhật Bản. Vì thế trong chương trình dựng lại nước Nhật, tướng Mac Arthur khởi đầu đã tiến hành việc phi quân sự hóa và xây dựng chế độ dân chủ:
1. Phi quân sự hóa:
Vấn đề này gồm mấy việc:
a. Giải ngũ quân đội Nhật và hồi hương binh sĩ cùng thường dân Nhật ở ngoài nước Nhật. Việc hồi hương 3.300.000 binh sĩ và khoảng 3.200.000 thường dân đã kết thúc vào đầu năm 1948.
b. Những cơ sở quân sự Nhật ở Nhật, ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương được dỡ bỏ, còn quân dụng, vũ khí bị phá hủy.
c. Thiết lập tòa án quân sự quốc tế để xử những người tạo ra chiến tranh. Việc xử án đã kéo dài từ 1946 tới 1948. Kết quả xử tử (treo cổ) 7 người trong số 25 bị cáo, trong đó có tướng Tojo, thủ tướng chiến tranh từ 1941 đến 1944. 18 người còn lại đã nhận những án tù dài hạn, nhưng đến năm 1957, những người này đã được giảm án.
d. Thanh trừng những phần tử quan trọng liên hệ đến những nỗ lực chiến tranh. Việc điều tra này đã kéo dài từ 1946 đến 1948. Kết quả là 220.000 người gồm doanh nhân, kỹ nghệ gia và cựu sĩ quan đã bị loại ra khỏi guồng máy chính quyền, hay bị cấm hoạt động trong khoảng 5 năm hay hơn.
Trên tiến trình xử tội phạm chiến tranh, số phận của Hoàng Đế Hirohito và số phận của chế độ quân chủ cũng được bàn cãi ở Nhật cũng như ở Mỹ. Nhưng tướng Mac Arthur đã nhận chân vị thế của Hoàng Đế trong lòng người dân Nhật, trong truyền thống Nhật và giá trị của ông trong việc ổn định xã hội để thực hiện những mục tiêu của việc chiếm đóng. Vì thế khi chính quyền Mỹ hỏi ông về vấn đề này, Mac Arthur đã trả lời: “Tôi tin rằng nếu Hoàng Đế bị kết tội và có thể bị treo cổ như là một tội phạm chiến tranh thì chính quyền quân sự Mỹ sẽ phải được thiết lập trên khắp nước Nhật, và chiến tranh du kích có thể sẽ bùng nổ”.
(Mikiso Hane: đd, tr. 346)
Nhiều sử gia viết về nước Nhật đã có một nhận định chung là sự sáng suốt của Mac Arthur đã cứu Hoàng Đế Hirohito và giữ yên chế độ quân chủ. Nhưng vị trí của ông và bản chất của chế độ quân chủ sẽ được thay đổi trong bản hiến pháp mới do SCAP soạn thảo để làm nền cho việc dân chủ hóa chế độ.
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/72666/tu-nhat-ban-hau-chien-den-viet-nam-hau-chien-1/2013/01
======================================================================
Từ Nhật Bản hậu chiến đến Việt Nam hậu chiến [2]
III. Bại mà thành cường quốc kinh tế trong 20 năm
1. Di sản hậu chiến:
Từ cuối năm 1944, khi quân Mỹ đã khép chặt vòng vây và làm chủ không phận Nhật Bản, thì Tokyo và nhiều thành phố lớn của Nhật đã trở thành biển lửa với những trận bom của hàng trăm pháo đài bay B-29. Từ đó ta có thể hình dung được sự tàn phá vào năm cuối cùng của cuộc chiến. Vì thế trong mấy năm đầu của thời hậu chiến, Nhật đã phải chịu thảm kịch: Nạn đói và dân không nhà mà ký giả William Chapman đã ghi lại như sau:
“Mùa đông 1945-46 là một kinh nghiệm đau thương… Những trận không tập bom cháy của mùa xuân trước đã để lại cho Tokyo một vùng rộng lớn gạch vụn bao quanh hoàng thành, mặc dù khu dinh thự không hề hấn gì. Bên ngoài, những đường hào lặng lẽ, con dân của Hoàng Đế đã phấn đấu gom lại những thứ lỉnh kỉnh để làm nơi che mưa nắng. Họ dựng những miếng thiếc bị cháy đen, xếp gạch, chai lọ làm tường và cãi nhau về những miếng gạch vỡ. Không phải chỉ ở Tokyo là dân không nhà ngủ trong công viên. Hiroshima, Nagasaki đã biến mất, còn những thành phố khác như Osaka, Nagoya, Kobe… cũng đã trở thành những đống gạch vụn. Theo thống kê thì 90 thành phố và tỉnh lỵ cơ bản đã bị phá hủy và 8,045,094 người đã trở thành người không nhà.
Trong những miền đất hoang tàn đó, những thói quen của đời sống thường nhật trở thành nặng nề phi lý. Không có diêm, vì thế những người đàn ông đem theo những mảnh kính vỡ để châm những điếu thuốc bằng cách làm khuếch đại những tia lửa dưới ánh nắng. Những người may mắn có việc làm, lê chân quanh những văn phòng của họ trong những áo choàng dài, vì không có nhiên liệu để sưởi ấm, và ngay trong Sở Liên Lạc Trung Ương, nơi những nhà ngoại giao nói tiếng Anh giao dịch với Nhà Cầm Quyền Chiếm Đóng cũng trong tình trạng đó…
Đói đã biến nước Nhật thành một quốc gia của những người đổi chác và những kẻ hèn hạ. Hệ thống phân chia khẩu phần thực phẩm thời chiến vẫn còn nguyên trong mùa đông đó. Và những gia đình được phát phiếu theo lý thuyết có thể đổi thực phẩm ở các cửa tiệm thành phố. Nhưng hầu hết gạo, cá và rau đã được tuồn ra chợ đen, nơi mà giá cao không thể tưởng tượng nổi. Một bản nghiên cứu chính thức đã thấy rằng trong tháng 10/1945, trước khi sự thiếu hụt trở nên trầm trọng nhất, giá chợ đen thực phẩm trung bình cao hơn 132 lần giá chính thức. Có những tuần ngay cả chợ đen cũng trống trơn. Báo chí in những tấm ảnh và hình vẽ những loại cỏ thông thường với những lời chỉ dẫn trên những loại cỏ có thể ăn, và những trẻ nhỏ đi tìm cỏ ở những vùng ngoại ô Tokyo, nơi cây cỏ còn mọc…
Nạn đói đi qua mùa đông, và vào mùa xuân nhiều đám đông đứng trên đường phố với tấm bảng: “Hãy cho chúng tôi gạo”.
Nhiều lúc tưởng rằng sự sợ hãi chết đói có thể đẩy Nhật vào sự hỗn loạn cách mạng. Việc cung cấp gạo vào Tokyo từ những vùng nông thôn chỉ được một nửa số lượng cần thiết. Vào tháng Tư, lượng dự trữ chỉ còn dưới 2 ngày. Có những lời đồn đại lan truyền trong thành phố là nhà cầm quyền đã tích trữ gạo cho gia đình họ (hay để bán ra chợ đen) và những “rice mobs” đã tụ tập gần những tòa nhà công quyền. Tháng giêng năm 1946, 3000 người đã chen lấn xô đẩy lấy đường vào Kho Tiếp Liệu Quân Đội Itabashi và cuỗm đi những bao gạo, than và đậu nành. Những lãnh tụ Cộng Sản, bị tù trong chiến tranh và được phóng thích theo sắc lệnh của Mac Arthur, đã linh cảm được trong những đám đông đói là phương tiện phục sinh của đảng. Họ đã lôi cuốn 2 triệu người ủng hộ tới những cuộc tập hợp đầu tiên ngày 1 tháng Năm sau 11 năm, qua những khẩu hiệu và áp phích tố cáo những quan chức đã dấu gạo dự trữ. Chỉ riêng cuộc tập hợp ở Tokyo đã lôi kéo 500.000 người. Họ được Kyuichi Tokuda, lãnh tụ Cộng Sản mới ra khỏi tù, thúc đẩy là hãy tự mình tìm lấy thực phẩm. Ông ta hô lớn: “Hãy tìm thực phẩm người ta đã dấu kín”, “Hủy diệt đám thư lại và chế độ quân chủ – Thiết lập một chính quyền nhân dân”.
Dựa vào chủ đề đó, những người Cộng Sản và những công đoàn lao động Tả Phái tổ chức một loạt những cuộc tập hợp được gọi là “Ngày thực phẩm tháng năm” (Food May Day) và tuần hành tới cạnh Hoàng Cung. Đó là một thách thức đáng ngại đối với chính chế độ quân chủ và có lẽ hơn là bất cứ biến cố nào khác của giai đoạn này cho thấy mức độ tuyệt vọng mà cái đói đã đem đến cho dân Nhật. Một tấm áp phích chữ đỏ phất phới ở ngoài hào Hoàng Cung với hàng chữ: “Hoàng Đế ăn đầy bụng còn con dân của ngài chết đói”.
(William Chapman: Inventing Japan. Prentice Hall Press. New York. 1991. tr. 5, 6)
Nhưng dân Nhật đã không phải chịu cảnh chết đói hàng loạt trong mùa đông 1945-46, vì Hoa Kỳ đã chở thực phẩm cứu đói gồm bột mì, bắp say, sữa bột, thịt bò… Tuy vậy cái đói vẫn đi theo dân Nhật một thời gian dài.
2. Phát triển kinh tế
Di sản hậu chiến của Nhật quá nặng với những thảm kịch: Đói, không nhà, bệnh tật, cùng rất nhiều tệ nạn xã hội phát sinh do cái đói. Nhưng chỉ sau 3 năm, dân Nhật đã đẩy lui những thảm kịch và có thể đứng dậy làm lại cuộc đời. Dưới sự lãnh đạo của Yoshida, Nhật đã đưa những cải cách của SCAP vào đời sống. Và chỉ sau 20 năm, Nhật đã vượt qua một giai đoạn đen tối đầy thử thách để trỗi dậy là một thế lực kinh tế thế giới: Năm 1964 gia nhập Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (Organization of Economic Cooperation and Development – OECD), tổ chức của những nước phồn thịnh với lợi tức cao. Cùng năm đó Nhật đã đứng ra tổ chức Thế Vận Hội. Đây là lần đầu tiên một nước Á Châu là chủ nhà của tổ chức Thế Vận. Một hiện tượng khiến thế giới sửng sốt là kinh tế Nhật đã phát triển trên 10% trong suốt thập niên 1960, và hiện tượng này đã được thế giới gọi là “Phép lạ Nhật Bản”.
a. Phép lạ kinh tế của Nhật:
Để xây dựng nền kinh tế mới, Nhật đã du nhập những ngành khoa học và kỹ thuật tiên tiến đã được phát triển ở Tây Phương từ 2 thập niên trước. Và do ứng dụng những khám phá của Tây Phương, Nhật đã tránh được nhiều phí tổn nghiên cứu và phát triển.
- Năm 1946 năng xuất kỹ nghệ đạt 30% so với năng xuất của những năm 1934-36. Rồi tăng dần: 37.4% năm 1947, 54.6% năm 1948, 71% năm 1949, và 83.6% năm 1950.
- Năm 1950, khi chiến tranh Hàn Quốc (Cao Ly) bùng nổ, con số tăng lên 114.4% năm 1951. Mặc dù mức tiêu thụ tính theo đầu người chỉ đạt 84.8% của mức trước chiến tranh. Năm 1953, năng xuất kỹ nghệ tăng 155.1% và mức tiêu thụ vượt mức tiến chiến. Sau giai đoạn này, giữa 1953-1960, kinh tế phát triển trung bình 9.3% mỗi năm.
- Và năm 1965, ngành kỹ nghệ chế tạo cũng như nền kinh tế nói chung đã tăng gần 4 lần mức tiền chiến, trong khi dân số chỉ tăng từ 70 triệu lên 98 triệu.
Những ngành kỹ nghệ đặc biệt:
- Kỹ nghệ thép: Nhật đứng hàng thứ 3 sau Hoa Kỳ và Liên Sô, từ sản lượng 5 triệu tấn năm 1950, tăng lên 82 triệu tấn năm 1969 với những nhà máy thép tân tiến như bất cứ nhà máy thép nào trên thế giới.
- Kỹ nghệ đóng tàu: Năm 1956, Nhật đứng đầu về kỹ nghệ đóng tàu và năm 1969, chiếm 48.2% trọng tải tàu chở hàng hóa trên thế giới.
- Kỹ nghệ xe hơi: Năm 1950, Nhật sản xuất 1,593 chiếc xe hơi, tới năm 1969 số xe sản xuất tăng tới 2,611,499 chiếc và trở thành nước đứng hàng thứ nhì về xe hơi, chỉ sau Hoa Kỳ.
b. Sản xuất đa diện
Trước chiến tranh sản phẩm của Nhật được đánh đồng với tay nghề non kém và vật liệu rẻ. Đến thời hậu chiến, kỹ nghệ Nhật đã được tập trung vào việc sản xuất những sản phẩm với phẩm chất cao như máy ảnh, đồng hồ, radio, máy truyền hình (đứng thứ nhất thế giới về radio và thứ nhì về TV), những khí cụ chính xác, máy móc điện tử, dụng cụ điện, sản phẩm kỹ nghệ nặng và sản phẩm dầu.
c. Phát triển ngoại thương
Sự phát triển kinh tế của Nhật đặt nặng vào ngoại thương. Năm 1950, hàng hóa xuất cảng trị giá 820 triệu Mỹ Kim và nhập cảng 974 triệu. Tới 1969, hàng xuất cảng lên tới 16.7 tỉ Mỹ kim. Cùng năm đó, 69.3 % hàng xuất cảng là những sản phẩm kim loại, máy móc và hóa chất mà trước thế chiến II chỉ vào khoảng 16%.
Những năm trước chiến tranh hàng dệt chiếm một nửa hàng xuất cảng, tới năm 1969, loại hàng này chỉ còn 14.2%. Còn hàng nhập cảng phần lớn là nguyên liệu, nhiên liệu, thực phẩm và quặng.
Sau chiến tranh, ngoại thương của Nhật tùy thuộc nặng vào Hoa Kỳ. Năm 1946, hàng xuất sang Hoa Kỳ chiếm 65% và nhập chiếm 86%. Đến năm 1969, con số đã giảm còn 31% và 27%, nhưng Hoa Kỳ vẫn còn là đối tác thương mại quan trọng nhất, mặc dù Nhật đã buôn bán với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
2. Phát triển nông nghiệp
Với chính sách cải cách ruộng đất và được chính quyền trợ cấp rộng rãi, nông dân đã có thể đưa nông nghiệp đi lên theo kịp với đà tiến của kỹ nghệ. Và cũng do việc kỹ nghệ hóa nhanh, lực lượng lao động trong nông và lâm nghiệp đã giảm xuống còn 18% so với khoảng 50% vào giữa thập niên 1930.
Mặc dù người làm nghề nông ít hơn, nhưng sản lượng nông nghiệp lại gia tăng:
- Trước chiến tranh Nhật phải nhập cảng 20% gạo. Đến nay sản lượng đã dư.
- Năm 1935, số gạo sản xuất được 8,619,000 tấn, nhưng số lượng tiêu thụ lên tới 10,631,000 tấn.
Đến năm 1967, con số thay đổi là 14,453,000 và 12,386,000 tấn.
- Năm 1935 mỗi hectare sản xuất được 2.71 tấn. Đến năm 1969, con số lên tới 4.5 tấn, đạt sản lượng cao nhất trên thế giới.
Kỹ nghệ đánh cá cũng phát triển cao, với tổng lượng hàng năm, không kể cá voi, đã tăng từ 3,374,000 tấn năm 1950 lên 7,851,000 tấn năm 1967. Việc săn bắt cá voi đã tăng gấp đôi so với những năm tiền chiến.
(Mikiso Hane. Sđd, tr.363)
Việc gia tăng sản lượng nông nghiệp đã do yếu tố cơ giới hóa toàn diện. Từ thập niên 1960 đến thập niên 1970, nhiều thứ máy dùng trong nông nghiệp đã được sản xuất trong nước như máy cày, bừa ,máy gieo, máy cấy… đã giúp nông dân đỡ vất vả trong mùa trồng tỉa.
- Như máy cày, năm 1955, con số chỉ tới 89,000 chiếc, nhưng đã tăng lên tới 3.5 triệu chiếc năm 1970.
- Máy xịt thuốc bằng tay và những thuốc trừ sâu đã ngăn cản côn trùng phá hại mùa màng.
- Máy đập lúa, máy sấy hạt và xe vận tải nhỏ đã giúp nông dân thu hoạch mùa màng và đưa sản phẩm ra chợ.
Việc cơ giới hóa nông nghiệp cùng với sự phát triển kỹ nghệ và mở rộng thành phố đã giúp nông dân dư thì giờ làm mùa, nên họ đã có thể tìm việc làm thêm ở những thành phố gần. Vì thế lợi tức của nông dân đã gia tăng tới 700% giữa những năm 1960 và 1979. Với mức lợi tức đó, đời sống ở nông thôn đã ngang bằng với thành phố. Họ cũng lái xe Toyota, xây nhà mới với đủ thứ tiện nghi mà kỹ nghệ đã đem lại.
(James L McClain: Sđd, tr. 588)
3. Yếu tố tạo thành sự khôi phục và phát triển
Theo sử gia Mikiso Hane thì sự khôi phục và phát triển kinh tế của Nhật đã do những yếu tố sau:
Về ngoại lực:
a. Sau thế chiến II, các nước tư bản đã chủ trương nền kinh tế mở, theo đó hàng hóa, tư bản và dịch vụ có thể đi qua biên giới các quốc gia một cách tự do. Và để thực hiện chính sách này, các nước Tây Âu và Mỹ đã thiết lập Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Money Fund – IMF), và Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) để thúc đẩy sự hợp tác tiền tệ quốc tế và trợ giúp sự tái thiết các nền kinh tế hậu chiến. Năm 1952, Hoa Kỳ bảo trợ cho Nhật vào 2 tổ chức này và 3 năm sau vào tổ chức Hiệp Định Tổng Quát Thuế Quan và Mậu Dịch (General Agreement on Tariffs and Trade – GATT) mà mục tiêu của GATT là giảm những hàng rào mậu dịch.
b. Hoa kỳ đã trợ giúp Nhật 2 tỉ Mỹ kim dưới hình thức thực phẩm, phân bón, sản phẩm dầu và vật liệu kỹ nghệ.
c. Trong thập niên 1950 và 1960 Mỹ đã cho phép hàng hóa Nhật vào thị trường Mỹ và mở rộng sự trợ giúp kỹ thuật và tín dụng.
d. Chiến tranh Hàn Quốc (Cao Ly) đã là một lực đẩy. Từ 1950 tới 1953, Nhật trở thành nơi tập trung binh sĩ và kho tiếp liệu cho lực lượng Mỹ chiến đấu ở Hàn quốc và Mỹ đã chi tiêu khoảng 4 tỉ vào đồ tiếp liệu, thiết bị, dịch vụ, và giải trí cho quân đội Mỹ.
e. Từ điều 9 hiến pháp và hiệp ước An Ninh Mỹ- Nhật, Nhật không duy trì lực lượng quân sự và Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật, nếu cần. Do đó Nhật chỉ phải chi tiêu khoảng 1% của tổng sản lượng cho quốc phòng, nên đã có thể đầu tư nhiều cho những chương trình phát triển kinh tế.
Về nội lực:
a. Nhật còn cái nền của nửa thế kỷ canh tân và có một lực lượng công nhân có học, có tay nghề vững, có kỷ luật và siêng năng.
b. Trình độ giáo dục được nâng cao sau chiến tranh giúp cho công nhân trung bình thu nhận được kỹ thuật mới một cách dễ dàng. Với kỹ thuật mới, năng xuất lao động mỗi giờ đã tăng 7.2% trong những năm 1953-1962.
c. Xí nghiệp Nhật đã nhanh chóng canh tân những cơ sở kỹ nghệ và kỹ thuật sản xuất bằng cách mượn những kỹ thuật tân tiến của Tây phương. Giữa những năm 1949 và 1963, 2,563 hợp đồng đã được ký với những xí nghiệp Tây phương để đạt được những qui trình có bằng sáng chế và sự trợ giúp kỹ thuật, trong đó 70% hợp đồng đã được ký với các xí nghiệp Mỹ. Từ đó, các công ty Nhật cũng gia tăng đầu tư vào những dự án nghiên cứu của họ.
d. Dân Nhật có truyền thống sống thanh đạm và tiết kiệm, vì thế giữa thập niên 1950 và 1960, họ đã để dành được nhiều, và tiền tiết kiệm này đã được chuyển vào hệ thống ngân hàng để tài trợ doanh nghiệp và đầu tư vào kinh tế ở mức lãi xuất thấp.
e. Năm 1949 và 1953, luật chống độc quyền đuợc nới lỏng, cho phép các công ty kết hợp để có thể cạnh tranh hữu hiệu với các công ty ngoại quốc. Vì thế những tập đoàn Zaibatsu cũ đã được tập hợp lại, mặc dù dưới hình thức lỏng lẻo hơn.
f. Hệ thống công ty nhỏ và trung cũng góp phần lớn vào sự khôi phục kinh tế hậu chiến. Loại doanh nghiệp này có nhiều dạng: nhà buôn bán lẻ, tiệm ăn của gia đình, công ty xây dựng, nhà buôn sỉ khu vực và nhà thầu lại cho những xí nghiệp sản xuất lớn. Những hoạt động qui mô nhỏ chiếm một chỗ quan trọng trong cơ cấu kỹ nghệ Nhật. Vì những nhà thầu lại đã cung cấp cho những công ty lớn như Toyota, Matsushita…, những cơ phận, đồ phụ tùng, linh kiện đạt phẩm chất giúp cho công ty lớn không phải đầu tư vào những nhà máy sản xuất những thứ đó.
Chính quyền cũng ý thức về vai trò của hệ thống công ty nhỏ trong việc phát triển kinh tế và thu dụng nhân công, nên đã trợ giúp nhiều về thuế, về cải thiện năng xuất và tài chánh, như Công Ty Tài Chánh Doanh Nghiệp Nhỏ (Small Business Finance Corporation) đã được thành lập năm 1950 để cung cấp những món vay lãi xuất thấp mua đồ trang bị và canh tân doanh nghiệp.
(Mikiso Hane. đd, tr. 364)
B. Việt Nam hậu chiến
Từ 1946 đến 1975, đảng Cộng Sản Việt Nam, nhân danh yêu nước, giải phóng và độc lập dân tộc, đã phát động hai cuộc chiến tranh.
Cuộc chiến thứ nhất (1946-1954) với Pháp và chính phủ quốc gia Bảo Đại. Đảng Cộng Sản với sự yểm trợ của Liên Sô và Trung Cộng đã thắng Pháp ở trận Điên Biên Phủ, và trận chiến kết thúc bằng Hiệp định Geneve (7/1954) chia đôi Việt Nam từ vĩ tuyến 17. Đảng Cộng Sản (chính phủ Hồ Chí Minh) được nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc. Chính phủ Quốc Gia Bảo Đại và Pháp được nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam.
Cuộc chiến thứ nhì (1960-1975) với Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ. Cộng Sản miền Bắc với sự yểm trợ của Liên Sô, các nước Cộng Sản Đông Âu và Trung Cộng đã thắng Việt Nam Cộng Hòa ngày 30/4/1975 và thống nhất Việt Nam.
Như thế năm 1945, Nhật Bản thua trận đi vào thời hậu chiến. Còn đảng Cộng Sản Việt Nam có chính quyền lại đi vào hai cuộc chiến và mãi đến 30/4/75, Việt Nam Cộng Sản mới đi vào thời kỳ hậu chiến. Trong thời gian 30 năm từ 45 đến 75, Nhật Bản đã thành cường quốc kinh tế. Còn Việt Nam Cộng Sản trong 30 hậu chiến đã đạt được những gì với cuộc cách mạng vô sản?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin ghi lại một số điểm như sau:
I. Thắng mà tự hủy
Đảng Cộng Sản đấu tranh để làm cuộc cách mạng vô sản. Vì thế khi đạt được chính quyền, Cộng Sản đã huỷ diệt những cái cũ thuộc về xã hội tư sản: Chính trị tư sản, kinh tế tư sản, văn hóa tư sản và con người tư sản để xây dựng xã hội vô sản với chính trị vô sản, kinh tế vô sản, văn hóa vô sản và con người vô sản. Tất nhiên dùng bạo lực chuyên chính vô sản để phá huỷ tất cả những vốn cũ thì dễ, nhưng khi xây cái mới vô sản mà cái mới đó trái với sự sống của con người là tự do và tư hữu thì quá khó, nên đảng Cộng Sản đã phải sử dụng bạo lực triền miên để ép con người xây dựng một xã hội trái với con người. Việc phá và xây này, đảng Cộng Sản đã có 20 năm kinh nghiệm ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa Mác xít, nên khi chiếm được miền Nam đảng Cộng Sản đã đem những kinh nghiệm đó phá hủy những thành tựu của miền Nam, thay đổi miền Nam cho thật nhanh để thống nhất với miền Bắc về chính trị, kinh tế, văn hóa và con người. Tiến trình phá và xây đó đã diễn ra như sau:
- Trước hết, đảng Cộng Sản thực hiện việc giải tán Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và thống nhất chính quyền bằng cách khai tử Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.
- Thực hiện tổng tuyển cử, bầu quốc hội trên cả nước (24/4/76). Quốc Hội khóa 6 tuyên bố hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước, đặt tên nước là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (trước đó là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa).
- Họp đại hội đảng lần thứ 4, đổi tên đảng thành đảng Cộng Sản Việt Nam (trước đó là đảng Lao Động Việt Nam). Đề ra đường lối chung xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa, xác định 4 mục tiêu:
- Xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa.
- Xây dựng nền sản xuất xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở kinh tế của chế độ làm chủ tập thể.
- Xây dựng văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.
- Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa.
Đề ra đường lối xây dựng kinh tế:
- Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
- Đưa nền kinh tế sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa
- Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng.
Đề ra kế hoạch 5 năm lần thứ hai (76-80):
- Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
- Hình thành cơ cấu kinh tế mới xã hội chủ nghĩa trên cả nước.
- Cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động.
Trên đây là những điểm tổng quát nghị quyết đại hội 4, còn đi vào thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Nam thì đảng Cộng Sản đã ứng dụng đường lối đã làm ở miền Bắc là cải cách ruộng đất và cải tạo công thương Nghiệp.
a. Về cải cách ruộng đất:
Đảng Cộng Sản thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, nhưng có lẽ do nhiều yếu tố từ tinh thần nông dân đến thực tế là nông dân miền Nam đa số đã trở thành tiểu nông, trung nông qua 2 cuộc cải cách điền địa của Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-63) và Đệ Nhị Cộng Hòa (1964-75), nên họ đã không thể làm thêm một cuộc cách mạng “long trời lở đất”, đấu tố địa chủ, trung nông và giết nhiều người như ở miền Bắc sau năm 1954, mà phải tiến hành bằng nhiều biện pháp thuyết phục cùng với những áp lực bao vây cưỡng bách tầng lớp trung nông và tiểu nông có từ 2 đến 5 hectares, gia nhập hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Kết quả là đến năm 1988, theo Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 10/10/1988, ruộng đất miền Nam từ Thuận Hải đến Cà Mâu đã được tập thể hóa với 622 hợp tác xã và 35853 tập đoàn sản xuất.
b. Về cải tạo công thương nghiệp:
Chương trình cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam đã được thực hiện qua 2 chiến dịch với những biện pháp áp chế khác với biện pháp tuyên truyền, thuyết phục mà đảng Cộng Sản đã làm ở miền Bắc sau 1954.
Xin tóm tắt như sau:
Chiến dịch thứ nhất vào tháng 9/1975 với những biện pháp:
- Đổi tiền, 1 đồng mới ăn 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa.
- Giam giữ và tịch thu toàn bộ tài sản của các thương gia, kỹ nghệ gia.
- Thực hiện chế độ hộ khẩu để kiểm soát từng người.
- Cấm lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh và từ tỉnh vào thành phố và từ địa phương này qua địa phương khác.
- Bắt những gia đình tư sản đi lên vùng kinh tế mới.
Chiến dịch thứ nhì vào tháng 4/1978 với những biện pháp:
- Đổi tiền lần thứ hai.
- Bắt giam và tịch thu tài sản của tư sản mại bản. Mục tiêu chính của chiến dịch này nhằm vào thương gia gốc Hoa và bắt gia đình họ phải đi kinh tế mới.
- Tăng cường chế độ ngăn sông cấm chợ.
- Để vét cạn tài sản chìm của giới tư sản, đảng Cộng Sản đã ra lệnh tổ chức những cuộc vượt biên bán chính thức trong những năm từ 1978 đến 1980 theo giá: Người Hoa từ 8 đến 10 lạng vàng, người Việt từ 10 đến 12 lạng. Do đường này mà hàng trăm ngàn người Việt và Hoa đã thoát khỏi Việt Nam để đi Canada, Mỹ và Úc.
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/72672/tu-nhat-ban-hau-chien-den-viet-nam-hau-chien-2/2013/01
=====================================================================
Từ Nhật Bản hậu chiến đến Việt Nam hậu chiến [3]
II. Thắng mà thành lệ thuộc
Đảng Cộng Sản Việt Nam và đảng Cộng Sản Trung Quốc có một mối duyên nợ. Duyên nợ đó là chủ nghĩa Marx-Lenin, là Quốc Tế Vô Sản. Vì thế ông Hồ Chí Minh luôn nói đến công ơn của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông Hồ tôn Mao Trạch Đông là thầy, là người lãnh đạo không bao giờ sai lầm và coi hai đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam là hai anh em “có cảm tình khăng khít, yêu nhau như anh em một nhà”. Khi đón Lưu Thiếu Kỳ và Trần Nghị tới Hà Nội năm 1963, trong lời chào đón họ Lưu, họ Trần, ông Hồ đã đọc hai câu:
Mối tình thắm thiết Việt Hoa
Vừa là đồng chí vừa là anh em.
(Trích lại trong Ngô Nhân Dụng: Ngàn nghĩa vạn tình của Hồ Chí Minh/nguoi-viet.com/2/26/2010)
Không biết khi Hồ Chí Minh nói những điều này, ông có nhớ đến lịch sử đẫm máu trong những cuộc xâm lăng thôn tính của Hoa đối với Việt hay không? Nhưng đi vào thực tế của hơn nửa thế kỷ nhờ vả người anh Cộng Sản phương Bắc, đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải chịu ở vị thế lệ thuộc, thứ lệ thuộc vừa tự nguyện vừa bị ép buộc mà nửa thế kỷ đó có thể chia làm hai giai đoạn mà trong bài “Giải “Cộng” Nhi Thoát”, ông Hà Sĩ Phu đã dùng mấy chữ tượng hình là sợi dây thòng lọng đầu tiên và thòng lọng thứ hai. (danchimviet.info/8/10/2012)
1. Giai đoạn thứ nhất
Giai đoạn này kéo dài từ chiến dịch khai thông biên giới Việt Hoa năm 1950 đến năm 1975. Phải định cái mốc 1950, cái mốc Cộng Sản Tầu cứu Cộng Sản Việt, vì thời gian này chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh đang khốn đốn ở giai đoạn bảo tồn lực lượng (1947 – 49) trong vùng rừng núi Việt Bắc trước chiến thuật bao vây, chia cắt và tảo thanh của quân Pháp thì đảng Cộng Sản của Mao Trạch Đông thắng chính quyền Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch vào cuối năm 1949. Ông Hồ liền cầu cứu Mao Trạch Đông, và đảng Cộng Sản Trung quốc đã trợ giúp Cộng Sản Việt Nam mở chiến dịch khai thông biên giới Cao Bằng – Lạng Sơn (5-10/1950) với Trung Quốc. Sau khi biên giới Việt –Trung được khai thông, quân kháng chiến làm chủ quốc lộ số 4 chạy dọc biên giới Đông Bắc từ Móng Cái qua Lạng Sơn đến Cao Bằng, sự tiếp cận hai bên thuận lợi, Cộng Sản Trung Quốc đã trợ giúp Cộng Sản Việt về nhiều mặt như tổ chức lại quân đội, huấn luyện, cung cấp vũ khí và có những ông tướng Tàu làm cố vấn như Trần Canh, Vi Quốc Thanh, Lã Quý Ba… Vì thế, quân đội Cộng Sản Việt đã lớn mạnh, chuyển sang giai đoạn vận động chiến (1950 – 53), rồi tổng phản công và đã thắng trận Điện Biên Phủ (5/1954). Kết quả của chiến thắng Điện Biên Phủ là Hiệp Định đình chiến Geneve (7/54) và chính phủ Hồ Chí Minh đã được chia cho nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc, còn chính quyền Quốc Gia Bảo Đại và Pháp được nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam. Từ đó, Cộng Sản Việt Nam đã đi vào sự lệ thuộc Cộng Sản Trung Quốc về chính sách mà điển hình là ứng dụng sự tàn bạo của Tàu vào chương trình cải cách ruộng đất ở nông thôn. Rồi với công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng công nhận đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc, Cộng Sản Việt Nam đã khởi đầu con đường bán nước.
2. Giai đoạn thứ nhì
Thời Hồ Chí Minh còn sống đến năm 1975, Cộng Sản Việt Nam còn có ông anh lớn là Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Sô, nên sự lệ thuộc được cân bằng với thuật đi giây giữa hai ông anh của Hồ Chí Minh. Đến khi ông Hồ chết (1969), cùng với sự xung đột Nga – Hoa (về chiến lược đấu tranh với tư bản) lên cao, Cộng Sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn đã ngả hẳn vào Liên Sô chống lại Trung Quốc và bị Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình dạy cho một bài học bằng trận chiến tàn phá 6 tỉnh biên giới: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh vào tháng 2/1979. Sau trận chiến này, hai anh em Tàu, Việt coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Cộng Sản Việt chửi Cộng Sản Tàu là bọn thực hiện chủ nghĩa bá quyền Đại Hán, còn Cộng Sản Tàu chửi Cộng Sản Việt là bọn tiểu bá khu vực. Nhưng khi tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Sô sụp đổ, đảng Cộng Sản Việt Nam lại quay đầu về phương Bắc tạ tội, xin thần phục và được Cộng Sản Trung Quốc tha thứ. Đầu tháng 9/1990, lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam được Cộng Sản Trung Quốc triệu qua Thành Đô (Tứ Xuyên) để nói chuyện hòa giải. Kết quả hội nghị Thành Đô (3,4/9/90) mà Cộng Sản Việt gọi là để nối lại quan hệ ngoại giao. Còn theo ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong “Hồi Ức và Suy Nghĩ” thì: “Không phải là bình thường hóa quan hệ mà là phụ thuộc hóa quan hệ” (tr.53).
Rồi ông Cơ nói thêm: “Và từ sau Đại Hội VII, tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc như cỗ máy đã được tra dầu đầy đủ, diễn biến trơn tru theo trình tự đã định… Ngày 5 đến 10/11/91, sau khi Hiệp Định về Campuchia được ký kết ở Pa-ri, TBT Đỗ Mười và Thủ Tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức CHND Trung Hoa để hoàn thành việc bình thường hóa mối quan hệ trục trặc lớn từ tháng 2/1979. Nhưng trong khi lãnh đạo ta ôm kỳ vọng cùng Trung Quốc “bảo vệ xã hội chủ nghĩa chống đế quốc” thì họ đã xác định quan hệ với ta là “thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu” (thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu nhưng không đánh nhau). TQ nói thế song luôn luôn lấy thế nước lớn lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải ta, và hiểm độc nhất là không ngừng tác động vào nội bộ ta” (tr.56).
Trong Hồi Ức và Suy Nghĩ, ông Cơ nói đến ý đồ của Trung Quốc: “Gấp rút biến biển Nam Trung Hoa thành vùng biển độc chiếm của Trung Quốc, từ đó khống chế toàn bộ vùng Đông Nam Á… với mục tiêu khẳng định Việt Nam – Đông Dương là thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc, muốn tách Việt Nam khỏi Đông Nam Á và thế giới bên ngoài” (tr.59).
(Trần Quang Cơ: Hồi Ức và Suy Nghĩ. Truyền Thông, số đặc biệt 14&15, mùa Đông-mùa Xuân 2005)
Những điều ông Cơ nói, chúng tôi nghĩ Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đã biết. Vì sau trận chiến 1979, đảng Cộng Sản Việt Nam đã công bố 2 tài liệu:
1. Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua.
2. Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong hai tập tài liệu này, Cộng Sản Việt Nam đã nói tất cả những tham vọng của Trung Quốc cùng sự lấn chiếm, chèn ép của Trung Quốc. Ngoài hai tập tài liệu trên, Cộng Sản Việt Nam còn phát hành tập sách: “Từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình”, trong đó, Cộng Sản Việt Nam đã lên án Mao và Đặng là hai tên đại phản động cùng những tham vọng của hai tên này.
Nhưng sau sự sụp đổ của Liên Sô và những nước Cộng Sản Đông Âu, lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam phải cúi đầu hướng về phương Bắc và đã mượn cái Danh xã hội chủ nghĩa để giải quyết cái Thực của họ là thần phục Trung Quốc để duy trì quyền lực, còn Trung Quốc muốn sao cũng được như Nguyễn Văn Linh đã nói: “Dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa” (Trần Quang Cơ. Tr.45).
Với một lập trường như thế, Hội Nghị Thành Đô, là cái mốc cho thời kỳ lệ thuộc thứ nhì. Từ đây lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam bị Trung Quốc xoay vần, tự đưa đất nước vào vòng lệ thuộc Tàu về tất cả mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa. Còn Trung Quốc thung dung thực hiện tham vọng như ông Trần Quang Cơ đã nói. Từ đó, tính chất lệ thuộc Trung Quốc đã biểu hiện hàng ngày trên nhiều mặt. Ở đây chỉ xin ghi lại ít điều:
1. Về chính trị:
a. Không bảo vệ dân:
Trong 10 năm trở lại đây, ngư dân Việt Nam đã phải chịu một đại nạn là không còn có thể làm ăn bình thường trên vùng biển của quê hương, vùng Hoàng Sa và Trường Sa. Vì họ bị hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc xua đuổi, bắt, bắn giết và đập phá tàu đánh cá. Những người bị bắt đã được Trung Quốc gọi điện đến gia đình thân nhân đòi tiền phạt, với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, vì họ coi việc đánh bắt hải sản quanh vùng Hoàng Sa và Trường Sa là “Xâm phạm lãnh hải Trung Quốc. Số người bị chết, bị thương và bị bắt cho đến nay đã lên tới hàng trăm. Thời gian cũng đã dài, nhưng Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không có biện pháp gì để bảo vệ ngư dân. Năm 2008, Cô Phạm Thanh Nghiên đã liều lĩnh vào tận xã Hoằng Trường và Hòa Lộc (Thanh Hóa), tìm đến nhà những ngư dân bị hải quân Trung Quốc bắn và bắt ngày 8/1/2005, để tìm hiểu sự việc mà chính quyền Việt Nam luôn dấu kín. Chuyến đi này cô Nghiên đã ghi lại được nhiều điều của những gia đình nạn nhân trong bài “Uất Ức Biển Ta Ơi”.
(Người Buôn Gió – Đến thăm Phạm Thanh Nghiên/danluan.org/11/2/2012)
Nhưng ở đây chúng tôi chỉ trích lại một đoạn nói về thái độ của viên chức Bộ Ngoại Giao Việt Nam đối với ngư dân và Trung Quốc:
“Khoảng hai, ba hôm sau khi ngư dân Thanh Hóa bị tàu chiến Trung Quốc tấn công thì người của Bộ Ngoại Giao Việt Nam sang. Họ có hai người, không có nhà báo đi theo để đưa tin. Họ xin chính quyền Trung Quốc gặp các ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ và khuyên: “Các anh cố gắng ở lại cải tạo cho tốt, đừng cãi người ta. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa các anh về trước tết”. Những ngư dân này không hiểu họ phạm tội gì, tại sao lại “cố gắng cải tạo cho tốt?”
Từ 2005 đến nay bao nhiêu ngư dân đã chết, đã bị bắt và bị tàu Trung Quốc húc chìm, nhưng vì chính quyền Việt Nam sợ Trung Quốc nên những ngư dân bị nạn đã trở thành người xa lạ và có tội với Trung Quốc.
b. Dân Tầu tự do vào Việt Nam:
Trong khoảng 10 năm qua, với 16 chữ vàng và 4 tốt, người Hoa đã ào ạt vào Việt Nam mà hiện tượng dễ thấy nhất là họ đã vào theo những dự án xây dựng.
Theo báo Tuổi Trẻ (Hà Nội), trong buổi tọa đàm về Kích Cầu Trong Xây Dựng ngày 27/3/2009 của Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam, thực trạng lớn nhất được đưa ra buổi tọa đàm là rất nhiều dự án lớn đã được triển khai, nhưng hàng hóa Việt Nam không thể tiêu thụ được vì trúng thầu là các nhà thầu ngoại quốc, chủ yếu là Trung Quốc. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ Tịch Tổng Hội Xây Dựng, cho biết: Các nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm về điện, xi măng, hóa chất… Đáng quan tâm là các nhà thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi những thiết bị đó Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được.
Ông Trần Văn Huynh cho biết: Đặc trưng của nhà thầu Trung Quốc là họ không thuê nhân công Việt Nam mà đem người sang, có thể bằng cả đường du lịch rồi ở lại. Một số loại vật liệu Trung Quốc được đem qua Thái Lan rồi vòng vào Việt Nam. Máy móc thiết bị không nhập riêng được thì họ lắp sẵn rồi đem cả sang. Như ở một nhà máy xi măng do nhà thầu Trung Quốc làm, đến cái bệ xổm toa- lét họ cũng không dùng hàng Việt Nam mà mua hàng Trung Quốc.
Một hiện tượng mới đang xảy ra ở Việt Nam là mỗi dự án xây dựng đi liền với một làng Trung Quốc, mà những nhà thầu Trung Quốc đã giành được đến 90% các dự án trọng điểm trên toàn quốc thì trong vài năm Việt Nam sẽ có thêm bao nhiêu làng Trung Quốc.
Hiện tượng này ông Ngô Nhân Dụng đã báo động là “Hiện tượng trồng người đang diễn ra. Hiện nay ở Việt Nam đã có những làng của công nhân người Hoa làm trong các dự án do người Trung Quốc đứng thầu. Đã xẩy ra nhiều vụ xung đột với dân bản xứ người Việt. Tháng Sáu năm ngoái, 200 công nhân người Trung Quốc đã tấn công dân chúng một làng ở Thanh Hóa, sau một vụ ẩu đả giữa một công nhân và người chồng của một bà chủ quán.
Cuối năm ngoái, nhật báo New York Times đã viết cả một bài về việc “xuất cảng lao động” của Trung Quốc tại Việt Nam. Họ lấy thí dụ công trường xây cất nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Trung Sơn, Hải Phòng. Trong bốn năm xây dựng, chỉ có mấy trăm người Việt Nam kiếm được việc làm ở đó, còn hầu hết là người Hoa, có lúc lên đến 1,500 công nhân Tầu. Họ sống trong những cư xá riêng, với các cơ sở cung cấp dịch vụ cho họ cũng do người Trung Hoa trông coi, bốn chung quanh kín cổng cao tường. Có cả một “nhà tắm hơi đấm bóp” mà người ta biết ở trong đó có những “dịch vụ đen tối” khác, treo bảng chiêu khách bằng chữ Hán! Phóng viên Thời Báo New York viết: “Cả một thế giới Trung Hoa mọc lên”, (an entire Chinese world has sprung up). Có cả một con đường treo bảng tên Quảng Tây Lộ! Tiệm ăn Tầu mang tên Quảng Tây treo bảng viết chữ Hán, quảng cáo, thực đơn bằng chữ Hán. Một nhóm công nhân người Hoa ngồi nhậu say sưa trong quán này, một anh họ Lâm nói với phóng viên Edward Wong của báo Times: “Tôi được gửi qua đây làm việc, để tròn bổn phận đối với tổ quốc” (I was sent here, and I am fulfilling my patriotic duty). Tất nhiên, anh ta nói đến tổ quốc Trung Hoa của anh. Đó là mối họa di dân có thực”.
(Trồng cây hay trồng người. nguoiviet.com/2/24/2012)
Còn ông Hà Sĩ Phu trong bài “Từ vụ Bauxite nghĩ về vận nước”, đã nhìn sát và thê thảm hơn: “Khả năng bị đồng hóa toàn diện nặng nề hơn bao giời hết. Đã có sự nhập cư ồ ạt không thể kiểm soát của những người Tàu không rõ lý lịch. Thông tin cho biết nhiều kẻ nhập cư lậu thuộc loại chất lượng xấu nhưng vừa chiếm chỗ lao động, vừa lấy được 2-3 người vợ Việt Nam để sinh đẻ cho nhiều! Chẳng những bị Hán hóa mà còn lưu manh hóa và mông muội hóa để thành những tộc dân mọi rợ. Dân tộc bị thoái hóa thì sẽ mất nước vĩnh viển, trở thành quận huyện của người ta, uổng công tổ tiên nghìn đời xây đắp”.
(doi-thoai.com/7/27/2009)
Về chuyện Tàu lấy vợ Việt, ngày chúng tôi còn nhỏ ở tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay) đã biết là người Tàu nào cũng nằm lòng câu: Lộ ố Nàm phồ, chỉ ố Nàm tì (Lấy vợ An Nam, ở đất An Nam). Và đặc biệt là con gái Tầu, ở bất cứ tầng lớp nào, ít khi lấy chồng Việt. Như thế chủ trương thôn tính và đồng hóa dân Việt đã có từ ngàn đời trước, và nếp nghĩ ấy đã nhập vào máu của dân Tàu. Bao nhiêu thế kỷ trước ông cha ta đã thoát được thảm kịch bị Tàu đồng hóa. Chẳng lẽ tới thế kỷ 21, Cộng Sản Việt Nam vì cái lợi một ngày đã giúp đế quốc Tàu thực hiện giấc mộng ngàn năm của nòi Hán. Vì lợi một ngày di hại ngàn đời! Vì quyền một ngày tận diệt dân tộc! Vận mệnh dân tộc Việt Nam đã đến như thế sao?
c. Phá di tích và cấm nói đến trận chiến tháng 2/1979:
Trong diễn văn của Giang Trạch Dân ở hội nghị Thành Đô có một câu: “Quan hệ hai nước từ nay hãy gác lại quá khứ, hướng đến tương lai”. Và có lẽ từ câu đó mà những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã cấm dân Việt không được nói bất cứ điều gì đụng đến Trung Quốc.
Trước hết về trận chiến năm 1979:
Ông Gia Định trong bài “Bị Trung Quốc phá, giết sạch vẫn “Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ Trung Quốc”ghi lại một số sự việc ở vùng biên giới, nơi Trung Quốc đã dạy Việt Nam một bài học sau 30 năm. Xin trích một số đoạn:
- Tuy đã có hàng chục ngàn người ngã xuống trong cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ, song chính quyền CSVN không có bất kỳ hành động nào tưởng nhớ họ. Thậm chí, ngày 10 tháng 2, tại cuộc họp định kỳ với Tổng Biên Tập các cơ quan truyền thông, đại diện Ban Văn Hóa Tư Tưởng của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN đã lập lại lệnh cấm hệ thống truyền thông đề cập đến cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc thực hiện ngày 17 tháng 2 năm 1979 …
- Sài Gòn Tiếp Thị, tờ báo duy nhất có bài viết về sự kiện kể trên (Biên Giới Tháng Hai) đã bị “Phê bình nghiêm khắc”. Sài Gòn Tiếp Thị không giải thích, nhưng người ta hiểu vì sao tờ báo này lột bỏ “Biên Giới Tháng Hai” ra khỏi website của họ …
- Trên một blog có tên Osin, tác giả “Biên Giới Tháng Hai”, vừa tường thuật thêm về không khí ở khu vực biên giới thuộc lãnh thổ Việt Nam, vào thời điểm cuộc xâm lược tròn 30 năm:
“Chỉ có một vài bó hoa và những nén hương của lữ khách, các nghĩa trang biên giới quạnh hiu suốt ngày 17 tháng 2… Không có một cuộc viếng thăm, không một vòng hoa và chẳng có khói nhang nào.
Tối 15 tháng 2, ngồi nói chuyện với một người đã từng lái xe tải thương ở Hà Giang trong những năm từ sau 1979, những chuyến xe có thương binh ngồi chung với các liệt sĩ từ biên giới trở về. Xe anh bao giờ cũng có những thẻ hương và một thân cây chuối chặt ngang. Nhiều khi dừng lại, mới hay trên chuyến xe, anh là người sống sót cuối cùng. Nhiều thương binh đã không kịp về tới bệnh xá dã chiến. Anh lấy hương thắp lên, cắm vào khúc chuối rồi ngủ thiếp đi bên đồng đội đã ngủ. Những năm quyết lấy lại điểm cao 1509, có những chuyến xe, tối chở bộ đội lên, sáng trở về đầy xác. Những người lính ấy trong chiến tranh đã từng tranh giành những cao điểm với giặc. Giờ đây lặng lẽ bên nhau không giành giật điều gì. Những ngươi lính ấy không cần lễ nghi và cũng không biết rằng lại bị quên nhanh như thế. Nhưng, những người còn sống thì cần …
- Cùng lúc này, nhiều blogger đã chuyền cho nhau những hình ảnh được giới thiệu trên site có tên “Thông tin” thuộc hệ thống brinster.net, chụp nghĩa trang liệt sĩ Long Châu, nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, giáp với tỉnh Cao Bằng (Việt Nam). Người ta cảm thấy rất khó hiểu khi trên bia giới thiệu về nghĩa trang, ngoài Hán tự, còn có một dòng chữ Việt: “Nghĩa trang liệt sĩ Trung Việt”. Tuy nhiên đáng chú ý và gây phẫn nộ nhiều nhất là vòng hoa viếng nghĩa trang liệt sĩ Long Châu (nơi chôn cất những người lính Trung Quốc đền tội khi xâm lược Việt Nam) của Đảng Ủy, UBND, Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Đề Thám, lại có dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ Trung Quốc”. Nhật báo Người Việt thử tìm hiểu và hết sức bất ngờ khi biết Đề Thám là một xã ngoại vi thuộc thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi từng bị lính Trung Quốc phá thành bình địa, kể cả bệnh viện, trường học, đền, chùa… Đây cũng là nơi có nhiều thường dân thiệt mạng nhất (chết vì pháo kích, bị chặt đầu, mổ bụng, xác vứt xuống giếng.
(Gia Định: “Bị Trung Quốc phá, giết sạch vẫn “Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ Trung Quốc”.nguoiviet.com/2/19/2009)
Ông Huy Đức (Osin là Huy Đức) than cho những người lính hy sinh trong trận chiến 1979 là đã bị quên quá nhanh và bị cấm không được nhắc đến. Nhưng đó là những người lính đã nằm xuống từ 30 năm trước. Còn bây giờ, năm 2012, ông Hạ Đình Nguyên trong bài: “Phương Uyên, Tôi có thể làm gì cho em?” lại lo cho những người lính đang giữ đảo, giữ bờ cõi là mai sau không biết những người lính ấy sẽ được đối sử ra sao:
“Chúng ta chỉ có đau xót mà không làm gì được trước hằng vạn thanh niên nghiện ngập ma túy, hằng vạn thiếu nữ liều mình, nhắm mắt đưa chân, lao đi kiếm chồng bất kể gian nguy, trước tình trạng đạo đức suy đồi, giết người cướp của, giựt dọc vì đói ăn khát uống, bắt trộm chó để bị đánh tới chết và bị thiêu… Và cảm thương, quý mến về những thanh niên đang cầm súng giữ đảo, giữ bờ cõi với lòng trung thành, chấp nhận hy sinh, mà không biết chắc mai sau có được tổ quốc ghi ơn hay bị phản bội, bị quên lãng, bị khuyên “không nhắc tới”, như hằng vạn thanh niên đã nằm xuống ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ Quốc”.
(Hạ Đình Nguyên: Phương Uyên: Tôi có thể làm gì cho em/ danluan.org/11/7/2012)
Lệnh truyền “Hãy gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” không dừng lại ở việc quên trận chiến 1972 mà còn được lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đẩy đi xa hơn là tất cả những gì về lịch sử chống Tàu đều phải đục bỏ mà ông Gia Định đã cho biết là “Xưa giờ, có nhiều bằng chứng cho thấy lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam rất sợ Trung Quốc. Đầu thập niên 1990, sau khi nhà cầm quyền hai nước tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao và cùng cam kết sẽ tuân thủ phương châm: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, đảng và nhà nước Việt Nam đã ra lệnh cấm diễn, cấm chiếu các vở kịch, bộ phim có nội dung chống xâm lược phương Bắc như: “Tiếng trống Mê Linh”, “Thái Hậu Dương Vân Nga”… Cũng trong giai đoạn này, toàn bộ sách giáo khoa với các bài giảng, bài học có nội dung chống xâm lược phương Bắc của cha ông người Việt bị thu hồi, rồi bị đục bỏ”.
(Gia Định: Hình như ông cố nội các “đồng chí” ấy là người Tàu/nguoiviet.com/12/19/2007)
4. Cấm dân bày tỏ thái độ trước sự xâm lấn của Trung Quốc
Từ sau Hội Nghị Thành Đô (9/1990) đến nay, quân đội nhân dân Việt Nam sống yên bình trên mấy đảo còn giữ được ở Trường Sa. Nhưng Biển Đông không bao giờ yên tiếng súng của Hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc. Có điều tiếng súng ấy không nhằm vào quân Việt Nam mà nhằm vào ngư dân Việt đánh cá ở những ngư trường quanh vùng Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc dùng tiếng súng ấy để bảo rằng ngư dân Việt Nam đã xâm phạm lãnh hải của Trung quốc. Và từ đó đến nay Trung Quốc đã làm nhiều việc để dần biến điều trên thành sự thật. Có thể kể:
- Đầu tháng 11/2007, Trung Quốc loan tin thành lập huyện Tam Sa bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
- Qui định thời gian cấm đánh cá ở khu vực Biển Đông từ giữa tháng 5 đến tháng 7. Khi lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông 2 tháng rưỡi chấm dứt ngày 1/8/2012, hàng chục ngàn tàu đánh cá Trung Quốc từ Quảng Đông và Hải Nam đã ồ ạt vào Biển Đông, xâm phạm các khu vực chủ quyền biển, đảo và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
- Gia tăng bắn, bắt ngư dân Việt và dùng tàu chiến đâm đắm tàu của ngư dân.
- Qui định đường lưỡi bò 9 đoạn, bao gồm 80% Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc.
- Sau khi Việt Nam ra luật biển (21/6/2012) xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, Trung Quốc chính thức thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng thuộc Hoàng Sa, rồi thành lập Bộ Chỉ Huy Quân Sự cho thành phố Tam Sa.
- Giữa tháng 12/2012, Trung Quốc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu.
- Cuối tháng 11/2012, tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh lần thứ nhì.
- Ngày 27/11/2012, chính quyền Hải Nam đã thông qua “Điều lệ quản lý trị an biên phòng bờ biển Hải Nam, cấm tàu thuyền đi vào vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc”.
- Theo Nhân Dân Nhật Báo và Tân Hoa Xã, bắt đầu ngày 1/1/2013, Cảnh Sát Biên Phòng Hải Nam sẽ kiểm soát và trục xuất bất cứ tàu thuyền nào xâm nhập trái phép các vùng biển do Hải Nam quản lý.
- Ngô sĩ Tồn, Giám Đốc Sở Ngoại Vụ Hải Nam, khi trả lời báo New York Times (1/12/2012) đã nói rằng qui định mới chủ yếu áp dụng cho tàu thuyền đánh cá bất hợp pháp của Việt Nam.
Thực hiện lệnh cấm, chỉ đối với Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng chiến lược cô lập và tách Việt Nam khỏi các nước Đông Nam Á và thế giới như ông Trần Quang Cơ đã báo động trong “Hồi Ức và Suy Nghĩ”. Nhưng nghĩ lại chúng ta thấy chính đảng Cộng Sản và chính quyền Việt Nam đã tự trói mình (hay đóng kịch) theo chính sách ôm giữ 16 chữ vàng và 4 tốt để Trung Quốc từng bước thâu tóm Biển Đông và làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa. Và việc này chúng ta có thể thấy rõ qua những biểu hiện sau đây:
a. Với chính quyền:
Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, qua người phát ngôn Bộ Ngoại Giao chỉ một lời phản đối chiếu lệ, rồi xác định “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền và quyền hợp pháp của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam”. Điệp khúc này nhắc lại mãi, nhưng chỉ hát mà không làm gì, trong khi Trung Quốc tiến tới, nói là làm. Một sự kiện đặc biệt hơn là trước những sự việc như thế, nhưng khi lãnh đạo đảng, chính quyền hai nước Việt, Trung gặp nhau thì hai bên bao giờ cũng nói lên tình hữu nghị tốt đẹp, giữ gìn tài sản hữu nghị muôn đời cho con cháu… Đừng để Biển Đông (dù mất) làm hại tình hữu nghị!
b. Với dân:
Sau nhiều năm phải im lặng dưới chế độ độc tài toàn trị, việc Trung Quốc ngang ngược xâm lấn biển đảo, và trước thái độ khiếp nhược của đảng Cộng Sản và chính quyền đã làm dấy lên trong mọi tầng lớp nhân dân một phong trào chống Trung Quốc. Do đó, từ 2007 đến nay hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn, trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên, sinh viên và dân chúng đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lên án sự xâm lăng của Trung Quốc:
- Năm 2007, biểu tình chống việc Trung Quốc công bố thành lập Tam Sa.
- Năm 2008, biểu tình phản đối cuộc rước đuốc Olympic của Bắc Kinh ở Sài Gòn với những người đi đầu như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải…
- Năm 2011, từ ngày 5/6 biểu tình đã được tổ chức ở Hà Nội và Sài Gòn. Đặc biệt lần biểu tình này có nhiều vị trí thức đi đầu. Ở Hà Nội với các ông: Học giả Nguyễn Huệ Chi, TS. Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên…
Còn ở Sài Gòn với các ông: Giáo sư Tương Lai, luật gia Lê Hiếu Đằng, Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, ông Hạ Đình Nguyên…
Theo chương trình thì biểu tình lần này sẽ được kéo dài, nhưng Sài Gòn chỉ tổ chức được hai lần, còn Hà Nội tổ chức được 10 lần.
- Năm 2012, trước việc Trung Quốc lập thành phố huyện Tam Sa, thay hộ chiếu mới với hình lưỡi bò và cắt cáp tàu địa chấn Bình Minh 2, biểu tình chống Trung Quốc đã được tổ chức ở cả hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn (9/12/12).
c. Chính quyền với dân:
Trước thái độ im lặng của chính quyền đối với sự gia tăng xâm lấn Biển Đông của Trung Quốc, người dân đã đặt câu hỏi là chính quyền nhu nhược, sợ Trung Quốc hay đã thỏa thuận thông đồng tiếp tay cho việc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Ông Hà Sĩ Phu trong bài: “Giải “Cộng” Nhi Thoát” đã viết: “Nguy cơ mất nước là hoàn toàn có thật. Đến lúc này nhân dân buộc phải hỏi: Đảng và nhà nước có thực sự muốn chống xâm lược không? (Cả đến việc thông qua Luật Biển, làm nức lòng nhiều người nhưng tiến hành song song với những động tác ve vãn kẻ xâm lược và cấm dân biểu tình thì có đáng tin không hay chỉ là “đánh trận giả” để đánh lừa dân chúng, giúp kẻ địch tiến thêm một bước nguy hiểm?)
(danchimviet.info/8/10/2012)
- Chính quyền đối với Trung Quốc thì như thế, còn đối với dân thì tất cả các cuộc biểu tình đều bị đàn áp, giải tán bằng những biện pháp bạo lực trong một thời gian ngắn.
Mỗi lần biểu tình, đài, báo chí lề phải đều loan tin là một nhóm tụ tập bất hợp pháp làm mất trật tự, an ninh thành phố và đã bị giải tán. Riêng thành phố Hà Nội còn nói thêm là sự tụ tập đã làm xấu bộ mặt thành phố. Và trong những lần đàn áp ấy, nhiều người bị đánh đập, bị công an nhân dân quăng lên xe như quăng súc vật. Trong đó có ông Nguyễn Chí Đức bị khiêng quăng lên xe và bị tên công an trên xe đạp vào mặt nhiều lần và hình ảnh cú đạp này đã được truyền đi trên khắp thế giới.
- Trong thời gian của 10 cuộc biểu tình liên tiếp vào mỗi chủ nhật ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều vị anh thư như Huỳnh Thục Vy (với những bài lý luận sâu sắc về dân chủ, tự do, về chế độ độc tài toàn trị), Trịnh Kim Tiến (với giải cờ trên áo dài trắng đi hiên ngang và bức ảnh này cũng đã được truyền đi trên khắp thế giới), Bùi Thị Minh Hằng, một mình đội nón có mấy chữ HS-TS-VN, đã bị công an xé nón, rồi sau đó bị bắt đưa vào trại giáo dục Thanh Hà với bản án 2 năm tù cải tạo. Trong trại tù, Minh Hằng phản kháng quyết liệt, còn bên ngoài, thế giới lên án chính quyền Việt Nam trước một bản án man rợ chụp lên đầu người yêu nước. Vì thế chỉ sau 5 tháng, chính quyền đã phải trả tự do cho chị)…
- Thêm một điều đáng ghi là là những người trong Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do biểu tình trước nhà hát thành phố Sài Gòn (19/1/2008) chống Trung Quốc trong cuộc rước đuốc Olympic của Trung Quốc qua Việt Nam đã lần lượt phải vào tù là các anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (bị bắt 5/2008), Anh Ba Sài Gòn Phan Thanh Hải (bị bắt 10/2010) và chị Tạ Phong Tần (bị bắt 9/2011). Riêng anh Điếu Cày bị kết án 30 tháng tù giam về tội “trốn thuế”, nhưng khi mãn hạn tù, anh bị giữ lại với tội danh khác là tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam.
Trong phiên tòa sơ thẩm (24/9/2012), anh Điếu Cày bị kết án 12 năm tù giam, 5 năm quản chế, chị Tạ Phong Tần 10 năm tù giam, 3 năm quản chế, Anh Ba Sài Gòn 4 năm tù giam, 3 năm quản chế. Tới phiên tòa phúc thẩm anh Điếu Cày và chị Tạ Phong Tần bị giữ y án, còn Anh Ba Sài Gòn được giảm 1 năm còn 3 năm. Cả 3 người cùng bị kết án về tội “tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, nhưng mọi người đều biết đó là tội yêu nước chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo nhà văn Nguyễn Viện trong bài “5 năm nhìn lại các cuộc biểu tình” thì phong trào biểu tình đã tạo thành hai việc:
Thứ nhất là sự bùng nổ văn thơ chống Trung Quốc chủ đề Hoàng Sa, Trường Sa với những ngôn ngữ chưa từng có trong văn học Việt Nam, đa phần được phổ biến trên hai trang mạng tienve.org và damau.org.
Thứ nhì là sự hình thành 2 nhóm No-U Sài Gòn và Hà Nội. Họ có tinh thần tương trợ, đoàn kết và yêu thương, thể hiện một thái độ chính trị dứt khoát, mạnh mẽ.
Ông Viện cho biết thêm là ở Sài Gòn, ngoài “Nhật Ký Yêu Nước” kêu gọi biểu tình ngày 9/12 còn có 5 ông: Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng và Lê Công Giàu đã ký tên ngày 7/12/2012 (thay mặt cho 42 nhân sĩ trí thức đã từng kiến nghị tổ chức biểu tình chống Trung Quốc vào tháng 7/2012) trên một thông báo kêu gọi mit ting tại Nhà Hát Thành Phố cũng vào ngày 9/12.
Theo nhận định của ông Nguyễn Viện thì đây là một sự kiện đặc biệt, vì là lần đầu tiên biểu tình có danh xưng người tổ chức chính thức, một bước tiến bộ lớn trong sinh hoạt chính trị của người dân.
(bbc.co.uk/Vietnamese/2012/12/12)
5. Với dân vào tù, với giặc cúi đầu
Cho đến nay việc Trung Quốc chiếm đất biên giới, chiếm rừng đầu nguồn, chiếm cao nguyên, chiếm biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, lập làng trên khắp Việt Nam đã là việc thật, và người dân cùng báo lề dân đã gọi Tàu là giặc. Nhưng lãnh đạo đảng Cộng Sản và Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa lại biểu hiện một thái độ mà người dân không thể hiểu đó là yên lặng trước những việc làm của Tàu trên đất nước, và trên bề mặt ngoại giao giữa Việt, Trung, lại hiện ra những cảnh tượng đau lòng của những người lãnh đạo Việt Nam trước những người lãnh đạo Trung Quốc. Xin kể một số điều:
a. Cả ba ông Nguyễn Phú Trọng gặp Hồ Cẩm Đào ngày 11/10/2012 ở Bắc Kinh, Trương Tấn Sang gặp Hồ Cẩm Đào tại hội nghị APEC ở Vladivostoc ngày 7/9/2012, và Nguyễn Tấn Dũng gặp Tập Cận Bình tại Nam Ninh ngày 20/9/2012, đều nói những lời tốt đẹp: Không ngừng tăng cường sự tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam –Trung Quốc… Và hai ông Hồ và Tập cũng nói những lời tương tự, nhưng trong khi đó không biết bao nhiêu việc Trung Quốc đang tiến tới ở Biển Đông. Như thế là mấy ông lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã đóng kịch với những lời thắm tình hữu nghị để mấy ông lãnh đạo Trung Quốc thực hiện sự nghiệp xâm chiếm Biển Đông và Việt Nam.
Và trong lần thăm đó, ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có một tấm ảnh đặc biệt là khi bắt tay Hồ Cẩm Đào đã bắt bằng hai tay, một tay nắm bàn tay Hồ, còn tay kia nắm cổ tay ông ta. Mặt ông Trọng nghệt ra trong cái cười đờ đẫn. Cảm động đến thế kia sao? Tội nghiệp một ông tiến sĩ triết học mà không cảm được hai câu thơ của Nguyễn Du:
Việc đời đáy mắt không hơn
Phù vân một áng theo hờn gió thu.
b. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trong bài: “Sao phải hạ mình đến thế” cho biết: Trong những chuyến viếng thăm nhiều tỉnh, thành Trung Quốc của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi thì Thủ Tướng hội đàm với Chủ Tịch tỉnh, khi thì làm việc với Phó bí thư… Nếu tôi không nhầm thì mới đây, khi thăm Triết Giang, Thủ Tướng được Phó Chủ Tịch Chính Hiệp tiếp (như Phó Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc bên ta). Thật không bình thường! Dù có kém cỏi đi chăng nữa thì ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đường đường là Thủ Tướng của một nước. Tại sao lại tự hạ mình xuống ngang hàng với một tỉnh của người ta?
c. Người Quan Sát trong bài “Một cuộc thuyết giảng cho trí thức – Vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2: Yêu cho đòn cho vọt”, cho thấy sự thê thảm về lập trường dân tộc và tinh thần nô lệ Tàu của một ông quan Bộ Ngoại Giao. Xin trích mấy đoạn:
- Chiều thứ hai 14/11/2012, ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Biên Giới Quốc Gia của Bộ Ngoại Giao Việt Nam được mời đến một trường đại học lớn ở Hà Nội báo cáo về tình hình biên giới.
- Các thầy cô đến dự đông đủ … giảng đường trên 400 chỗ ngồi hầu như không còn chỗ trống.
- Những người đến dự chờ đợi ông Phó Chủ Nhiệm cung cấp những thông tin thời sự về tình hình biên giới, để cập nhật thông tin và bổ sung kiến thức vào việc nghiên cứu và giảng dạy. Ông giảng rất kỹ thế nào là đường cơ bản, thế nào là lãnh hải, thế nào là vùng đặc quyền kinh tế… Ông còn làm “công tác tư tưởng” cho các giáo sư, đảng viên và đoàn viên thanh niên Cộng Sản không được quên rằng Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia do các đảng Cộng Sản lãnh đạo, chúng ta cùng chung ông tổ Mác-Lê-nin. Rồi ông cung cấp thông tin, như muốn nhắc nhở các giáo sư đừng quên góp đá xây dựng Trường Sa, khi đã có đơn vị này đóng góp một tỷ đồng, mỗi người đơn vị kia đóng góp một ngày lương… rồi Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đã làm các việc… Ông nhắc đi nhắc lại một điệp khúc “Nhiều lắm các thứ”…
- Mặc dầu chờ đợi, nhưng cử tọa tuyệt nhiên không thấy ông Chiến đưa ra một thông tin nào mới, trừ những thông tin mà các giáo sư đã tiếp nhận qua các phương tiện truyền thông và nhất là các trang mạng “lề Phải”, “lề Trái”. Và ông luôn nhắc đi nhắc lại “đây là vấn đề nhạy cảm” mà ông không thể nói ra, và ông Chiến cũng khuyên mọi người đừng nhắc đến…
- Khi nói về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, ông nhấn mạnh ta chưa đầy trăm triệu dân, Trung Quốc có gấp mười mấy lần số đó, mình biểu tình năm ngàn người thì họ biểu tình năm chục ngàn người… kinh khủng hơn thế… giải quyết vấn đề gì đâu!
- Nhưng có một thông tin mà cả giảng đường sững sờ: Khi nói về vụ Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 và tàu Viking 2 của ta, ông Chiến “lỡ mồm” đưa ra một lời răn dạy, chẳng qua chỉ là … là “Yêu cho đòn cho vọt” mà thôi!
Sau phần thuyết trình có nhiều câu hỏi. Ở đây xin chép lại 2 điều:
- Một vị nữ giáo sư nói: “Báo cáo một vấn đề nghiêm túc như thế này phải có chứng cứ khoa học, bằng chứng lịch sử, chứ không thể cái gì cũng “vấn đề nhạy cảm”. Vậy ra chúng tôi không đáng được cung cấp thông tin sao?”. Nghe xong lời vị nữ giáo sư này, ông Chiến liền hạ giọng phán rằng: “Không ai cấm các thầy cô nghiên cứu khoa học, nhưng nghiên cứu thì phải… cho nó… cẩn thận. Chúng ta có thể viết một trăm trang nghiêm túc, nhưng chỉ cần một dòng không cẩn thận là phía bạn có thể dùng nó để làm bằng chứng rằng đã có một giáo sư của Việt Nam nói năng như vậy đấy! …
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/72676/tu-nhat-ban-hau-chien-den-viet-nam-hau-chien-3/2013/02
======================================================================
Từ Nhật Bản hậu chiến đến Việt Nam hậu chiến [4]
3. Về văn hóa
Văn hóa Việt Nam về căn bản là văn hóa xã thôn với con người hiền hòa, giàu đạo nghĩa được khuôn đúc từ tôn giáo: Thờ kính tổ tiên, theo đạo từ bi của Phật, theo tín nghĩa của đạo Nho, từ nhiều thứ lễ hội biểu hiện tín ngưỡng phong tục và nếp sống văn hóa dân gian. Nhưng với chủ nghĩa Marx-Lenin thì tất cả nền văn hóa này đều là tàn tích phong kiến phản động, và đảng Cộng Sản đã sử dụng thành phần cán bộ nông dân cuồng tín theo đảng tàn phá hết từ đình, chùa, miếu mạo, nhà thờ họ tới tất cả lễ hội. Chuyện phá nhanh, phá hết những cơ sở văn hóa tinh thần đã trở thành một chính sách thi đua lập thành tích, đến như học giả Nguyễn Huệ Chi, một nhà nghiên cứu hàng đầu về văn hóa dân tộc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã phải nói:
“Từ hơn 50 năm trở lại đây, văn hóa truyền thống đã trải qua một “đại nạn”. Vì nghĩ đây là những tàn tích phong kiến, chúng ta đã công nhiên lên án chúng, thẳng tay “đàn áp”, “xử tội” chúng, đã để cho bao nhiêu đình, chùa, bia mộ, sách vở quý giá ở khắp mọi vùng bị đốt phá, hoặc mất mát hư hỏng mà không một chút động tâm, như nhiều thế hệ đã tận mắt nhìn thấy”.
(Talawas, 21/9/2005 – Để làm được chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại)
Như thế là đảng Cộng Sản Việt Nam trên đường thực hiện cách mạng vô sản Mác xit-Leninit đã phá hủy văn hóa truyền thống. Sự tàn phá này đã kéo dài trên 40 năm, ở miền Bắc 20 năm (1954-1975) và trên cả nước cho tới những năm đầu thập niên 1990, khi tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Sô sụp đổ thì đảng Cộng Sản Việt Nam đành phải quay lại với văn hóa dân tộc. Vì thế, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Khóa VIII đã họp hội nghị lần thứ 5 để bàn chuyện văn hóa và đã đi tới nghị quyết: “Về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Nói như thế, nhưng thực sự văn hóa bạo lực Mac-xít với con người mới xã hội chủ nghĩa của đảng đã phá hủy bản sắc dân tộc và đưa dân Việt vào sự khủng hoảng mất niềm tin ở tương lai với lối sống chụp giựt hoang tàng để thích ứng với chủ nghĩa bạo lợi của đảng. Tính chất này đang ngự trị xã hội Việt Nam mà học giả Nguyễn Huệ Chi đã nói rất rõ:
“Những nét đẹp văn hóa ngàn đời thì hao mòn, thay vào đó là lối sống thực dụng ăn tục nói phét, kích động bạo hành, hãm hiếp, giết người cướp của, lừa đảo bán trẻ con, phụ nữ và đưa thiếu nữ đi “làm vợ” người già, người tàng tật ở nước ngoài, những tiếng chửi thề như hát hay lúc nào cũng inh ỏi từ đầu phố đến cuối thôn. (Xin cứ bình tâm nhớ lại xã hội Việt mấy chục năm về trước có thế hay không).
(Talawas/11/6/2007, Mấy chữ “Cư trần lạc đạo” và vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc hiện nay)
Trong tình trạng xã hội nghèo tinh thần và văn hóa như thế thì đảng Cộng Sản Việt Nam bước vào thời kỳ lệ thuộc Trung Quốc, tự nguyện làm chư hầu và đã đem văn hóa Trung Quốc lấp vào khoảng trống văn hóa mà đảng Cộng Sản đã phá để làm đẹp lòng Thiên Triều.
Từ đó, văn hóa Trung Quốc đã hiện diện khắp mặt trong xã hội Việt Nam mà chúng ta đã nhìn thấy:
a. Sự nhập cư ồ ạt của người Hoa:
- Năm 2008, chính quyền Việt Nam đã quyết định miễn chiếu khán nhập cảnh cho người Hoa vào Việt Nam. Quyết định này là một biện pháp giúp người Hoa ở lại dễ dàng, vì họ có thể nhập vào những cộng đồng người Hoa trên khắp Việt Nam (từ trước kia và nay là những làng người Hoa mới xuất hiện theo những dự án xây dựng…).
- Còn ở thành phố thì nhiều khu Chinatown đã xuất hiện như khu đô thị Nam Hoàng I, xây dựng từ năm 2008 và hoàn thành năm 2013 ở Lạng Sơn.
- Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) gần như là thành phố của Trung Quốc. Vì tất cả cửa hàng, trung tâm thương mại, khách sạn, khu vui chơi giải trí đều do các công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc đầu tư xây dựng. Quảng Trường Hòa Bình sang trọng, to lớn do người Hoa làm chủ. Ngày nay ở Móng Cái, Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê, và người Hoa chỉ thuê những người biết tiếng Hoa.
(Thiên Thư: Từ mũi Sa Vĩ nhìn về Móng Cái: Trung Quốc làm chủ, Việt Nam làm thuê/nguoi-viet.com/7/30/2009)
- Khu Chinatown Đông Đô Đại Phố ở trung tâm thành phố mới Bình Dương do công ty Becamex IJC (của người Việt) xây dựng. Trong tài liệu giới thiệu ở Website của Đông Đô Đại Phố đã viết: “Điểm gắn kết và hình thành cộng đồng người Hoa: Đông Đô Đại Phố kết hợp việc phát triển kinh tế cho cộng đồng người Hoa, với khu trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất, một thiên đường mua sắm, giải trí và ẩm thực đặc sắc, góp phần tạo dựng và gìn giữ vẻ đẹp văn hóa đa sắc màu của dân tộc Việt Nam cho thế hệ mai sau”.
Và còn ở đâu nữa, khi các thành phố đua nhau xây dựng Chinatown cho người Hoa. Họ kết với người Hoa thì sẽ giàu có, nhưng dân Việt sẽ bị đuổi đi đâu?
b. Xây dựng chùa mới theo kiểu Trung Quốc
Ông Mặc Lâm, trong bài “Trung Quốc khống chế Việt Nam trên lãnh vực văn hóa”, đã viết: “Văn hóa thuần Việt xuất hiện rõ nét nhất trên những hoa văn, phù điêu của các ngôi chùa cổ. Những nét thủ công nghệ thuật ấy phát xuất từ ý thức sâu sắc muốn thoát ra làn sóng đô hộ văn hóa của phương Bắc, làm nên nét đặc thù văn hóa phương Nam. Tổ tiên ta càng ý thức điều này bao nhiêu thì các thế hệ sau lại thờ ơ với nó bấy nhiêu. Nhiều ngôi chùa gần đây không thể gọi là chùa của người Việt được nữa mà phải thành thật nhận rằng nó được mang nguyên mẫu từ Trung Quốc hay Đài Loan sang. Từ kiến trúc tới tượng thờ, nhất nhất đều mang họa tiết Trung Quốc và người ta không dấu tự hào khi cho rằng đã bắt chước giống với bản sao từ nguyên mẫu.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện chia sẻ các quan sát của ông:
“Các công trình đền chùa, đình miếu bây giờ có cái đang xây dựng mới, cũng có cái tu sửa thì vẫn đậm chất Trung Quốc. Chúng tôi lấy thí dụ như công trình chùa Bái Đính ở Ninh Bình hay là công trình Đại Nam Lạc Cảnh ở Bình Dương không có yếu tố Việt Nam ở trong đó.
Đây là những ngôi chùa rất đồ sộ mang dấu ấn của Trung Quốc rất rõ. Một đài tưởng niệm liệt sĩ là 10 cô gái ở Đồng Lộc, cái tháp chuông ở Đồng Lộc lại là phiên bản của Hoàng Hạc Lâu bên Trung Quốc. Ngay cả Bảo Tàng Hà Nội là một bảo tàng vừa mới xây dựng xong cũng là một mô hình copy từ một công trình kiến trúc ở Thượng Hải”.
c. Sự tàn phá tiếp tục:
Do thiếu ý thức hay do lợi, người ta tiếp tục phá hủy những ngôi chùa cổ. Chẳng hạn mới đây, chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã bị phá hủy để trùng tu, xây chùa mới mà cái mới có thể lại là sự mô phỏng chùa Trung Quốc, và bên trong chùa lại là những sản phẩm của Trung Quốc. Nếu không phá mà chỉ sửa chữa trang trí thêm thì có những ông sư cũng đã không tránh được điều này, như chùa Một Cột mới đây đã được treo đèn chùm kiểu Tây ở giữa sảnh, và ở trước chùa đã được trang trí bằng hai sư tử đá lớn theo mẫu Trung Quốc. Sự việc này đã được một tác giả (không đề tên) đề cập đến trong bài “Nô lệ văn hóa” (baomoi.com/11/30/2012). Chúng tôi xin ghi lại mấy đoạn:
“Thật ngạc nhiên, sự ngộ nhận văn hóa vẫn còn tiếp diễn, khi mới đây người viết đọc được bài phỏng vấn của một tờ báo mạng về chùa Một Cột hiện nay. Bài phỏng vấn cho thấy kiến thức về văn hóa của vị trụ trì là rất đáng báo động, do không ý thức được vị trí văn hóa lịch sử, tâm linh của di sản này trong lòng thủ đô Hà Nội, nên phát ngôn tùy tiện. Nhất là đây lại là ngôi chùa có vị trí đặc biệt đối với tâm hồn, tình cảm của người Việt…
Bởi một ngôi chùa có giá trị văn hóa lịch sử như chùa Một Cột, hàng năm thu hút rất nhiều du khách quốc tế đến tham quan, thì những giá trị gốc, tiêu biểu, độc đáo mang phong cách của người Việt phải được phát huy tối đa. Không thể tùy tiện đặt bất cứ sản phẩm công nghiệp Tây Phương nào vào, cho dù chúng có giá trị bạc tỷ… Ngôi chùa đó là ngôi chùa quốc gia. Thế nên, không thể chấp nhận một di sản văn hóa quan trọng, độc đáo vào bậc nhất cả nước lại được thêm thắt những sản phẩm văn hóa chắp vá, lai căng…
Còn nữa, khi phóng viên hỏi về đôi sư tử đá Trung quốc, thì nhận được một câu trả lời hết sức sai lệch và ngụy biện: “Ở Việt Nam bình thường dùng hai con chó đá giữ nhà, nếu cho rằng dùng sư tử mang văn hóa Trung Hoa thì phải hiểu là Phật Giáo của Việt Nam là Phật Giáo Đại Thừa du nhập từ Trung Quốc”. Những ai từng được học lịch sử Phật Giáo Việt Nam đều biết Phật Giáo (cả Nam lẫn Bắc truyền) được du nhập vào Việt Nam theo ngả nào. Và Phật Giáo thời Lý-Trần dù có sự ảnh hưởng nhất định bởi Thiền Tông Trung Hoa, nhưng những phong cách kiến trúc, thẩm mỹ, điêu khắc chưa từng “là một” với Trung Hoa bao giờ. Chính sự hiện diện của chùa Một Cột cho đến hôm nay và vô số những di chỉ khảo cổ trên khắp mọi miền đất nước đã chứng minh điều đó.
- Chùa Một Cột khá nhỏ, nhưng gần đây nhìn vào mặt tiền bỗng thấy ngay đôi sư tử màu trắng to vật vã án ngữ, gây choán không gian và làm cho lệch tông trong kiến trúc. Hơn nữa lại là mẫu sư tử Trung Quốc được sản xuất hàng loạt, có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong các nhà dân hay công sở… Chính cái lối bắt chước vô ý thức của nhiều người Việt sẽ khiến cho người đời sau ngộ nhận về điêu khắc Việt Nam.
- Do đó, chỉ cần có một chút ít hiểu biết văn hóa tối thiểu thì sẽ thấy cần đưa ngay những thứ rác văn hóa ấy ra khỏi ngôi chùa Một Cột. Tổ tiên người Việt trong khi tiếp nhận tinh hoa văn hóa bên ngoài, nhưng đều ý thức giữ lại hồn cốt của người Việt. Vì thế, trong điêu khắc, kiến trúc, thẩm mỹ đều có bàn tay sáng tạo với nhận thức rất rõ về văn hóa, dân tộc mình. Có thể nói những yếu tố văn hóa lạ xuất hiện ồ ạt trong các ngôi chùa Việt trong những năm gần đây một lần nữa là cảnh báo đối với chúng ta. Đặc biệt các loại đồ thờ cúng, tượng Phật Đài Loan, Trung Quốc sản xuất công nghiệp xuất hiện tràn lan trong các chùa và tư gia Phật tử”.
d. Phim ảnh truyền bá lịch sử, văn hóa Trung Quốc:
Blog nguoibuongio, trong bài “Hợp Tác Toàn Diện và Thâm Hụt Toàn Diện” cho biết:
“Hầu như bất kỳ ngày nào, giờ nào, tìm tên các kênh truyền hình của Việt Nam đều có phim của Trung Quốc. Nhiều đến nỗi thậm chí trẻ em Việt Nam còn rành lịch sử Trung Quốc hơn là lịch sử Việt Nam. Các ca sĩ Việt Nam còn mở phong trào lấy nghệ danh theo tên Trung Quốc, coi như là mode thịnh hành, và ngay cả những đứa trẻ mới sinh ở Việt Nam không còn đơn thuần là Thị, Văn nữa. Thay thế vào đó là những cái tên đệm như Châu, Tố, Gia… Đến phong cách cúng bái, nghi lễ dường như cũng đem về từ Trung Quốc”.
(doithoai.net/2/8/2012)
Từ tính chất lệ thuộc văn hóa Trung Quốc về mọi mặt trên đây, TS. Nguyễn Xuân Diện đã lên tiếng báo động:
“Trong tình hình hiện nay cái chữ “xâm lăng”, phải nói như thế, về mặt văn hóa của Trung Quốc và một sự chống chỏi yếu ớt, nhu nhược của những người làm công tác văn hóa ở Việt Nam rất đáng báo động”.
Còn Kỹ Sư Vi Toàn Nghĩa đã xác định thêm là chính sách văn hóa của chính quyền Việt Nam đã chuyên chở chính sách bành trướng văn hóa của Trung Quốc:
“Bây giờ xu hướng của họ là tư tưởng Đại Hán bành trướng. Tôi cảm thấy bây giờ nó bắt đầu như thời gian 1000 năm Bắc Thuộc, nhưng bây giờ thì kiểu khác. Nó bắt đầu rồi chứ không phải là manh nha nữa. Bắt đầu bằng những chính sách của họ và ngay bản thân những chính sách của mình đã thể hiện rằng thời kỳ Bắc Thuộc đã bắt đầu, nhưng dưới hình thức khác”.
(Mặc Lâm, đd)
III. Thắng mà bán nước
Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Quốc đã kết với nhau bằng một mối duyên nợ. Duyên là chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa quốc tế vô sản, còn nợ là qua cái duyên chủ nghĩa, Trung Quốc viện trợ Cộng Sản Việt Nam để thôn tính Việt Nam mà ông Ngô Đình Nhu trong “Chính Đề Việt Nam” đã nhận định:
“Sự lệ thuộc (chủ nghĩa) và sự chia đôi lãnh thổ đã tạo hoàn cảnh cho sự chi phối và sự toan tính thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh sau gần một thế kỷ vắng mặt.
Các nhà lãnh đạo miền Bắc, khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc.
Sở dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây Phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian”.
(Tùng Phong: Chính Đề Việt Nam, Đồng Nai xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr.301)
Như vậy là ông Nhu đã thấy trước sự toan tính của Trung Cộng và Cộng Sản Việt Nam cũng đã thấy như thế, bằng chứng là Cộng Sản Việt Nam đã tố cáo tham vọng của Trung Cộng trong 2 tập sách mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên. Nhưng lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã không nghĩ đến lối thoát cho dân tộc mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng hay của chính họ nên đã để lỡ mất cơ hội ngàn năm, và đã tự nguyện rước voi giày mồ một cách nhục nhã (Ở hội nghị Thành Đô, Khi Giang Trạch Dân xuất hiện, Đỗ Mười đã nhào tới ôm chầm lấy Giang trước sự ngỡ ngàng của họ Giang và theo ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) thì trong hội nghị, những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã không dám đòi hỏi bất cứ một điều gì, dù Cộng Sản Trung Quốc đã xâm lăng Việt Nam năm 1979. Như thế là mấy ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã tới phòng hội để được chỉ đạo và nghe lệnh. Vì thế từ Hội Nghị Thành Đô (9/1990), Trung Quốc đã dùng phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt để áp đặt và bắt đầu đòi nợ và Cộng Sản Việt Nam cũng dối dân bằng mấy chữ đó để bắt đầu trả nợ: Đó là cái nợ mà Trung Cộng đã viện trợ trên 24 năm cho sự chiến thắng của đảng Cộng Sản và cái nợ mà Trung Quốc giữ cho Cộng Sản Việt Nam ở ngôi vị: Với dân Việt là kẻ thống trị, còn với Trung Quốc là kẻ bị trị.
Sự thỏa thuận ở Hội Nghị Thành Đô là những gì? Tất nhiên chỉ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản biết. Nhưng từ đó đến nay, những sự kiện chúng ta thấy được thì Việt Nam đã mất quá nhiều:
Với hiệp ước biên giới Việt- Trung (30/12/1999), Trung Quốc lấy thác Bản Giốc, Ải Nam Quan và trên 1000km2 cùng những cao điểm ở biên giới. Với hiệp ước Phân Định Vịnh Bắc Bộ (25/12/2000) Trung Quốc lấy trên 10.000km2 biển. Với chương trình khai mỏ, Trung Quốc chiếm Cao Nguyên. Với chương trình cho thuê rừng (hay cho không rừng như ông Trần Văn Tri, Giám Đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Quảng Nam cho biết thì công ty TNHH, một thành viên InnovGreen được miễn 100% tiền thuê đất trong 50 năm, vì đó là quy định của chính phủ về ưu đãi đầu tư, được áp dụng trên cả nước) ở 10 tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương, đã cho doanh nghiệp nước ngoài thuê rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) với tổng diện tích hơn 300 ngàn Hectare. Trong đó doanh nghiệp Đài Loan, Hong Kong và Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn hectare (87%) ở các tỉnh xung yếu biên giới. Theo tướng Đồng Sỹ Nguyên thì việc Trung Quốc chọn thuê đất chủ yếu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, đường đi lên Tây Nguyên là có chủ đích, vì đó là những tỉnh xung yếu biên giới, có những vị trí chiến lược mang tính cốt tử.
Cần nói thêm là tỉnh Hà Tĩnh đã cấp cho Tập Đoàn Formosa Đài Loan – Trung Quốc 33 km2 đất cảng Vũng Áng từ năm 2008, theo dự án đầu tư của Tập Đoàn này và chủ đầu tư đã đem vào hàng ngàn công nhân Trung Quốc. Họ định cư lập làng quanh Vũng Áng, kết hôn với con gái, phụ nữ địa phương. Vũng Áng thuộc Kỳ Anh, Hà Tĩnh, là khu vực nước sâu nằm ở cửa phía nam vịnh Bắc Bộ. Từ đây có thể khống chế tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng, cũng như giao thông đường biển với toàn miền Bắc, tiếp cận thuận lợi các mục tiêu phòng thủ chiến lược trên Biển Đông như đảo Cồn Cỏ, Hòn Mê, Hòn Khói… Vị trí này nằm ở chân núi Hoành Sơn dọc Quốc lộ 1, vị trí yết hầu của cả nước, có thể chia cắt giao thông Bắc Nam.
(caunhattan.wordpress.com/2012/12/13 – Hoàng Trung Hải giúp Trung Quốc chiếm vị trí yết hầu của Việt Nam).
Rồi bằng con đường kinh tế, trong 10 năm nay, chính quyền Việt Nam đã để cho nhà thầu Trung Quốc chiếm tới 90% những gói thầu quan trọng thuộc các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như điện, xi măng, hóa chất, luyện kim, cầu đường, khai khoáng… Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì rất ít doanh nghiệp Việt Nam lọt qua vòng sơ tuyển dự thầu. Có lẽ ông Thành không dám nói thẳng ra, nhưng ta có thể hiểu là đã có một lực hậu thuẫn từ Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam yểm trợ để các dự án thầu quan trọng rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Cần biết thêm một vấn đề nữa mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra là phần lớn dự án quan trọng ở lĩnh vực điện, giao thông mà phía Trung Quốc đang làm nhà thầu, là đang sử dụng vốn vay ODA. “Như vậy, vốn giá rẻ mà Việt Nam đi vay, các nước khác giúp đỡ, lại được sử dụng để mua máy móc Trung Quốc, làm lợi cho họ. Điều này sẽ khiến các nhà tài trợ không thực sự hài lòng”. (vnexpress.net/11/28/2012).
Trên đây là những cái mất hiện hình của đất nước vào tay Trung Quốc. Còn một cái mất vô hình mà chúng ta có thể cảm được qua Bản Tuyên Bố Chung giữa Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh ngày 17/11/2006 tại Hà Nội, nhân dịp ông Hồ qua thăm Việt Nam. Bản Tuyên Bố bao gồm nhiều vấn đề, nhưng có một số điểm đặc biệt sau đây:
- Tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
- Phát huy đầy đủ vai trò cơ chế hợp tác giữa các ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh, mở rộng hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục…
- Hai nước đã chính thức thành lập và tiến hành phiên họp đầu tiên của Uỷ Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương Việt – Trung. Hai bên nhất trí cho rằng sự kiện này có lợi cho việc tăng cường chỉ đạo vĩ mô, quy hoạch hợp tác và thúc đẩy toàn diện sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Trung Quốc…
- Tích cực ủng hộ và thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác lâu dài và cùng có lợi trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, khai thác nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác. Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô-xit Đắc Nông.
Qua những điểm hợp tác toàn diện các ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh… với Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương và tăng cường chỉ đạo vĩ mô, chúng ta có thể cảm được là đảng Cộng Sản Việt Nam đã bị Trung Quốc nuốt và trở thành một thứ đảng ủy của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vì vai trò chủ động trong các lãnh vực này là Trung Quốc chứ không thể là Việt Nam và ai có thể chỉ đạo? Chẳng lẽ Cộng Sản Trung Quốc để Cộng Sản Việt Nam chỉ đạo.
Như thế trên tiến trình thôn tính Việt Nam, Trung Quốc phải thâu tóm đảng Cộng Sản Việt Nam và sự việc đó đã hiện ra rất rõ ở bản tuyên bố này. Và thảm kịch của đất nước chúng ta là khi Trung Quốc đã biến được đảng Cộng Sản Việt Nam thành đảng ủy của Cộng Sản Trung Quốc thì Việt Nam trở thành một Quận hay một Tỉnh của Trung Quốc. Xin nhớ lại là lần thăm Việt Nam này, Hồ Cẩm Đào đã tới Hội An, tỉnh Quảng Nam, tắm biển, rồi mới ra Hà Nội. Đó là hành động của Chủ Tịch Trung Quốc đi thăm một tỉnh thuộc Trung Quốc.
Trước nguy cơ mất nước này, mấy năm nay, từ quốc nội đến hải ngoại, hồn nước đã bật dậy:
Ở hải ngoại, các tổ chức chính trị và những hội đoàn có nhiều hoạt động lên tiếng tố cáo đảng Cộng Sản Việt Nam bán nước và lên án sự xâm lược của Trung Quốc.
- Phản ảnh sự việc trên báo chí, trên website.
- Biểu tình chống những phái đoàn của chính quyền Việt Nam với biểu ngữ nêu đích danh Cộng Sản bán nước.
- Biểu tình lên án Trung Quốc trước tòa Đại sứ và Lãnh sự Trung Quốc ỡ Mỹ và trên thế giới.
- Tổ chức hội thảo về Hoàng Sa và Trường Sa để nói lên tham vọng ngông cuồng của Trung Quốc.
Còn ở trong nước, tuy hoàn cảnh nguy hiểm, nhưng ý thức về nguy cơ mất nước, ý thức chống Trung Quốc, ý thức đối nghịch với đảng, nhà nước Cộng Sản trước nguy cơ này đã được nói lên từ nhiều tầng lớp: Tôn giáo, trí thức, sinh viên, thường dân và cả đảng viên và tiếng nói này đã trở thành một chủ lưu được truyền bá rộng rãi trên báo mạng mà chính quyền không cách nào ngăn cấm và hủy diệt.
Xin tóm tắt mấy điểm cụ thể:
- Thứ nhất, gọi là chủ lưu vì đó là tiếng nói của nhiều giới quy về một hướng bao gồm Tôn giáo, giới trẻ, trí thức, các ông tướng và đảng viên Cộng Sản.
- Thứ nhì, chủ lưu xác định rõ kẻ xâm lược Việt Nam là Trung Quốc.
Xin dẫn một số thí dụ:
- Biểu ngữ của sinh viên trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa:
Thanh niên, sinh viên Việt Nam thế kỷ 21 tặng Trung Quốc:
Mười sáu chữ vàng
Láng giềng khốn nạn
Cướp đất toàn diện
Lấn biển lâu dài
Thôn tính tương lai.
- Nhà thơ sinh viên Thái Hữu Tình viết:
Sinh viên biểu tình phải đâu chuyện lạ
Nhưng nước mình khác nước người ta
Nếu quả thật đã hồi sinh được hồn dân tộc
Thì tôi thực tình cám ơn kẻ cướp Trường Sa.
Kẻ quen lấy thịt đè người
Vẫn còn đó thịt xương thối rữa
Máu đổ Bạch Đằng, xương trắng Đống Đa.
Nó cậy tài chuyên làm đồ giả
Mười sáu chữ vàng cũng đồ vàng mã
Môi răng gì một giọng lái buôn.
- Hòa Thượng Quảng Độ, trong lời kêu gọi không dùng hàng Trung Quốc ngày 3/10/2009, đã viết:
“Nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc là nguy cơ cụ thể và hiện tiền. Ngày 29/3 đầu năm nay, nhân danh Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi đã cất “Lời kêu gọi Tháng 5 Bất Tuân Dân Sự – Biểu Tình Tại Gia” mở đầu cuộc đấu tranh bất bạo động để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải mà hai nghìn năm tiền nhân ta không ngừng đem ý chí bất khuất và xương máu gìn giữ non sông.
Hôm nay nhân danh Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi xin cất lời kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước hãy có thái độ trước hai hiện tượng Trung Quốc xâm lấn và nhà cầm quyền Cộng Sản bó tay đầu hàng…
Chúng ta cần biểu tỏ qua thái độ để chống hai quốc nạn nội xâm và ngoại xâm.
Thái độ biểu tỏ hôm nay để nhà cầm quyền Bắc Kinh thấy rõ ý chí kiên cường của người dân Việt là phát động phong trào không dùng hàng Trung Quốc… Tẩy chay hàng Trung Quốc là tẩy chay chủ nghĩa bá quyền xâm lược của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ngoài lý do chính trị mà tẩy chay, còn lý do hàng xấu và hàng độc. Trung Quốc đang gây nguy hại cho cơ thể và môi sinh người tiêu dùng Việt Nam”.
- Các ông tướng Cộng Sản:
Từ vụ bauxite, chúng ta được đọc những lời can ngăn chính quyền ngưng dự án của các ông tướng Võ Nguyên Giáp, Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh và Lê Văn Cương. Trong đó, các vị ấy đều nói về tham vọng xâm chiếm Việt Nam của Trung Quốc. Mới đây trong bài “16 chữ vàng là thật hay giả” tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã xác định rõ là “16 chữ vàng” mà nhà cầm quyền Trung Quốc vẽ ra chỉ là trò giả hiệu. Nó chỉ là lá bùa dán vào miệng để bịt miệng Việt Nam, để ăn cướp mà Việt Nam không được la làng, xẻo thịt, cắt da Việt Nam cũng không kêu được. Đáng tiếc là những nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn “hữu nghị một chiều”.
- Ông Lê Hồng Hà, một cấp lãnh đạo ngành công an (đã về hưu), trong cuộc phỏng vấn của Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã nói là Trung Quốc đã và đang ráo tiết thực hiện những kế hoạch dữ dội, xâm nhập, ảnh hưởng, chèn ép, bao vây trên mọi lĩnh vực, kinh tế, an ninh, quốc phòng, lãnh thổ, nhằm thực hiện ý đồ cuối cùng là thôn tính Việt Nam. Còn về phía Việt Nam thì nhiều cán bộ lãnh đạo của Việt Nam lại đã và đang bị Trung Quốc mua chuộc và khống chế. Tất cả những điều đó đều là một quá trình liên tục từ Đại Hội VI của đảng Cộng Sản Việt Nam đến nay. Thái độ nói chung của lãnh đạo Việt Nam hiện nay về Trung Quốc lại lờ phờ, không rõ ràng. Đó là một vấn đề hết sức nguy hiểm.
(danluan.org/3/6/2012, Phỏng vấn Lê Hồng Hà – Đảng chỉ còn vai trò kìm hãm xã hội)
- Các vị trí thức:
Sau cuộc Hội Thảo Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam (24,25/7/2009) nhà báo Hoàng Phố, nhật báo Người Việt, đã phỏng vấn hai nhà trí thức đọc tham luận trong buổi hội thảo là nhà văn Nguyên Ngọc và Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã.
Trong cuộc phỏng vấn, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết:
“Quan hệ với Trung Quốc bây giờ đang là vấn đề gay go. Họ là một nước quá to mà cũng quá nhiều tham vọng phát triển để biến thành siêu cường. Từ tham vọng này họ lấn áp Việt Nam quá sức chịu đựng và chúng tôi thấy cần tiếng nói của xã hội dân sự”.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Nhã, khi được hỏi: Theo Tiến sĩ, trước tình hình bức thiết hiện nay, ta phải có đối sách nào với Trung Quốc trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa? Thì ông đã trả lời: “Vấn đề đối phó với Hoàng Sa, Trường Sa là thử thách trong thiên niên kỷ này. Bất cứ một hành động nào làm cho thế nước của chúng ta suy vong là có tội. Chúng ta phải đồng thuận, nối kết trong cũng như ngoài, nhà nước cũng như nhân dân. Nếu không thì hình ảnh của Tân Cương, Tây Tạng không phải là hình ảnh quá xa vời đối với Việt Nam”.
- Bác sĩ Phạm Hồng Sơn:
Sau khi bị lực lượng “Cựu chiến binh” đến nhà hành hung khủng bố tinh thần (23/3/2010), Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã nhận được sự động viên, chia xẻ của nhiều người từ khắp ba miền Bắc Trung Nam và từ hoàn cầu. Trong đó có cả những cựu chiến binh và thương binh ông chưa quen biết. Vì thế ông đã viết bài “Niềm Tin Lại Lớn Thêm Lên”, trong bài có câu: “Tôi xúc động vì nhiều người đã băng qua được những nỗi sợ mà tôi đã phải gắng vượt qua. Tôi xúc động vì chúng ta lo lắng cho nhau thật sự, chúng ta đang nghe được nỗi lòng của nhau. Chúng ta đang giúp nhau cảm được đúng và sâu hơn nghĩa của hai chữ “đồng bào”. Chúng ta đang rợn được nỗi nhục của thân nô lệ và sự đắng cay của người dân lại “sắp” mất nước”.
- Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã lên tiếng trước khi vào tù:
Tổ quốc tôi như miếng da lừa
Một lần ước, mất đi một góc
Ước phồn vinh: Rừng mất cây, biển mất cá
Ước vẹn toàn: Mất hải đảo, mất cao nguyên.
Tôi đứng ôn hòa, biểu ngữ chống Bắc Kinh
Người đến đầu tiên là cảnh sát
Họ nhìn tôi như nhìn loài chó ghẻ
Tôi ngã rồi họ dựng chúng tôi lên
Những nắm đấm thôi miên vào mặt.
Họ là người Việt Nam như tôi
Ở chung với tôi trên mảnh đất cỗi cằn sỏi đá
Ở chung với tôi mảnh đất ngàn năm vật vã
Lo sinh nhai, lo giữ chốn sinh tồn.
Tôi nằm lăn ra đất
Nước mắt nuốt vào lòng
Lịch sử 4 ngàn năm triều đại nào như thế?
(Hải Phòng, 29/4/2008)
(Người Buôn Gió – Đến thăm Phạm Thanh Nghiên, đd)
- Nhạc sĩ Việt Khang sống giữa lòng đất nước mà phải lên tiếng hỏi:
Giờ đây… Việt Nam còn hay đã mất?
Mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta.
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu.
……….
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/72680/tu-nhat-ban-hau-chien-den-viet-nam-hau-chien-4/2013/02
======================================================================
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001