Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Ngô Nguyên Dũng - Ngày mênh mông

Ngô Nguyên Dũng -   

Ðất trời một cõi xôn xao ấy
Chia tay lặng lẽ ngày mênh mông


Nhận được vi thư Hiến báo tin sẽ về thăm nhà vào dịp tết năm nay, cả gia đình Hạnh, ai cũng hớn hở. Chuyến về thăm quê hương lần trước của anh cách đây ngót ba mươi năm. Hạnh chặc lưỡi nhủ thầm, trời ơi, đằng đẵng gần ba thập niên qua anh em không gặp nhau. Ngay cả khi cha mẹ lâm bệnh nặng rồi qua đời, Hiến cũng không về, viện lẽ "chưa tiện". Má Hạnh, lúc còn sanh tiền, những khi bâng khuâng thường trách cứ: "Cái thằng Hiến coi vậy mà chặc dạ." Hạnh toan cất tiếng hỏi, bà đã thêm thắt: "Nó là đứa có diện mạo đẹp đẽ, ăn nói mềm mỏng nhứt mà cũng cứng đầu nhứt trong bảy anh em tụi bây. Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh …" Giọng má rớt xuống, nghèn nghẹn. Trăm lần như một.


Trước khi má trút hơi thở cuối, bà mòn hơi, không đủ sức nhắc nhớ tới ai. Sinh lực bà cạn khô, không vắt nổi một giọt nước mắt.

Tấm ảnh của Hiến chụp anh đâu chừng một phần tư thế kỷ về trước, được lộng khung lót kiếng dựng trên đầu tủ lạnh, mỗi ngày mở đóng biết bao nhiêu bận, đã khắc sâu trong tâm khảm Hạnh. Ảnh không còn rực rỡ màu thuốc rửa của thuở ban đầu, chắc hẳn chụp vào mùa đông nên thấy Hiến vận áo nỉ khoác màu rượu chát, cổ quấn khăn san tiệp màu. Ánh mắt anh không ngó thẳng vào ống kính, vẻ mặt đượm vẻ trầm tư. Mái tóc đen, chẻ ngôi giữa, rớt một lọn trên vầng trán chưa hằn nếp nhăn. Ðúng như lời má nói, diện mạo anh Hiến ưa nhìn, nhưng cớ sao vương vướng buồn, Hạnh nghĩ thầm. 

Bữa nọ, không rõ bực bội chuyện gì, Hạnh mạnh tay đóng tủ lạnh, khung ảnh ngã úp. Lúc dựng lên, chợt Hạnh nhận ra nét gì là lạ trên gương mặt trong ảnh. Ngắm nghía một chặp, Hạnh vỡ lẽ: ở cặp mắt kính. Cả nhà, Hiến là người duy nhất đeo kính cận.

Trong lá vi thư trả lời anh, có đoạn Hạnh nhắc tới tấm ảnh cũ. Hiến hồi âm, giọng điệu giễu cợt:
" … Cái anh chàng trẻ tuổi điển trai như tài tử Hồng-kông em thấy trong ảnh bây giờ đã già dặn hơn hai mươi năm. Tỷ như anh em mình tình cờ chạm mặt nhau ngoài phố Tàu ở … Nữu-ước, chảng hạn, dám chừng em ngó lơ đi thẳng. Tuy tóc anh vẫn còn dăm ba sợi phất phơ làm thuốc, nhưng đã nhuốm màu tuyết sương. Chủ trương của anh: tuyệt đối không nhuộm. Trời sinh sao, để vậy cho khoẻ …"  

Anh còn báo tin:
" … Lần nầy anh đi chung với một người bạn bản xứ trẻ hơn anh mười lăm tuổi …"

Ðọc tới đó, Hạnh đưa mắt nhìn cô con gái, tủm tỉm:
- Biết đâu chừng, lần nầy cậu Hiến sẽ giới thiệu cho con một anh bạn nước ngoài không những dễ thương mà thương cũng dễ.

Phương Hằng ấp úng, hai má đỏ ửng:
- Ðể coi …!

Ký ức Phương Hằng hoàn toàn không ghi nhớ hình bóng nào của một người cậu tên Hiến, ngoài những tấm ảnh lưu niệm, phần cất trong hộp thiếc, phần gắn trong tập ảnh gia đình. Riêng một bức, có lẽ vừa bụng bà ngoại, được bà kêu đem cắt kiếng đóng khung trưng trong phòng khách, sau nhiều lần dọn nhà, cuối cùng an vị trên đầu tủ lạnh. Cô chỉ nghe cha mẹ kể lại, mùa nghỉ hè năm ấy, Hiến về thăm thuở cô mới vừa chập chững biết đi. Những năm sau đó dứt chiến tranh. Hai miền đất nước sum họp. Trong trí nhớ non trẻ của cô, khoảng thời gian bao cấp ấy chộn rộn những biến động. Kinh tế gia đình suy sụp, ngôi nhà từ đường phải bán đi, dọn về một căn hộ nhỏ hơn ở ngoại vi thành phố. Sau khi ông bà ngoại qua đời, lại bán để chia phần. Gia đình các cậu các dì cô tứ tán khắp nơi. 

Thỉnh thoảng, rảnh rang, Hạnh ôm hộp thiếc và mấy tập ảnh gia đình ra xem. Mấy đứa con xúm lại xoắn xuýt, chuyền tay nhau từng bức, tíu tít:
- Ai đây má?

- Hình nầy chụp ở nhà ai mà lạ hoắc vậy ta?

- A, đi Cấp tắm biển, phải không má?

Hạnh giải thích:
- Ông ngoại tụi bây lúc du học ở bên Tây. Ði học toàn bận đồ lớn. Lịch sự ác!

Rồi:
- Tấm nầy chụp ở nhà ông bà nội sau khi rước dâu, đang đứng trước bàn thờ. Thời buổi bao cấp, bộ com-lê của ba tụi bây phải đi mướn. Ốm nhách, thấy gớm!

Sau đó:
- Ðúng rồi. Kỳ nghỉ hè năm đó cậu Hiến về chơi, dẫn má với dì Thảo đi Vũng tàu tắm biển hai ngày. Vui dễ sợ!

Ðể rồi, không rõ từ bao giờ, những "phê phán" của Hạnh đã thấm sâu vào tâm thức Phương Hằng, như phụ đề cho những bức tranh minh hoạ một kỷ niệm xưa. Có tấm đen trắng, có tấm đã nhạt màu thuốc rửa, nhưng không hiểu sao, mỗi bận cô cầm lên, tức khắc nghe ra giọng má xuýt xoa, ngúng nguẩy hay tở mở: "lịch sự ác", "ốm nhách thấy gớm", "vui dễ sợ", … Kèm theo là tiếng trẻ khúc khích, cười không che miệng. 

Phương Hằng thầm hỏi: Không biết rồi đây, nhiều năm sau, xấp ảnh lưu niệm nầy sẽ thuộc về ai? Có ai còn nhung nhớ những "phụ đề" vô tư ấy? Biết đâu chừng chúng còn được đám con cháu về sau lồng thêm nhiều lời "thuyết minh" bộc trực khác? Hay, tất cả sẽ thất tán, như những món gia dụng sau một cơn lốc lớn?

Trong những lá vi thư sau, Hiến ghi thêm tình tiết: 
" … Bạn anh, học trò đúng hơn, tên Benjamin, theo học khoá Việt ngữ của anh ở trường Bách khoa Bình dân của thành phố đã bốn năm nay. Benni có khiếu sinh ngữ, bây giờ đã nói được khá thạo tiếng Việt, ưa ăn cơm với thịt kho trứng, biết cầm đũa gắp thức ăn chấm nước mắm và thích hát Ka-ra-ô-kê, bài tủ là 'Con đường xưa em đi'. Chắc em còn nhớ bài hát nầy, có mấy câu nghe hơi … bị lủng củng: 'Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe …' Hiện giờ nó đang tập thêm mấy bài đàng hoàng lịch lãm của Trịnh Công Sơn và nấu vài ăn món Việt nam mà nó ưng ý …"

Cho tới một tối cuối tháng chạp ta, Hạnh cùng anh chị và vài người thân chạy xe gắn máy ra phi trường đón Hiến. Tiết trời cuối năm se dịu. Nhịp tim cô rộn lên, mỗi lần có hành khách á châu đẩy xe hành lý về hướng cổng ra. Ðỗi sau, thấy có người ngồi xe lăn, đeo kính cận, tóc bạc trắng phau, cùng một anh thanh niên nước ngoài kéo va-li tiến lại, dừng chân dáo dác. Hạnh ngờ ngợ. Ðể rồi sững sờ nhận ra những đường nét huyết thống khó nhầm lẫn trên gương mặt người đàn ông ngồi xe lăn. Hạnh lách đám đông, cố gắng để khỏi khuỵu chân ngã xuống. Tới trước mặt người đàn ông, cô giơ tay ra, run rẩy:
- Anh … anh … Hiến?

Rồi nghẹn lời. Hai dòng nước mắt lăn dài. Tia mắt Hiến dịu dàng ôm lấy những khuôn mặt thân thuộc, đón lấy bàn tay cô em gái, siết lại, chúm chím nụ cười hiền:
- Anh đây. Còn anh nầy là Benjamin, gọi tắt là Benni.

Benni gật đầu, nhìn Hạnh và những người vây quanh, tủm tỉm. Không ai thốt nên lời. Tưởng như tất cả mọi người đồng loạt im tiếng, chăm chú theo dõi tấn bi kịch đang diễn ra trước mắt. Hạnh rớt đầu xuống vai Hiến, nấc lên. 

Benni cất giọng sẽ sàng:
- Chào anh chị, chào các em, tôi tên Benni, học trò của thầy Hiến.
  
*

Thành phố sinh quán của Hiến trong thời chiến, sau những năm hôn mê thời bao cấp, đang trên đà phục sinh. Giao thông huyên náo, hối hả. Nhiều nẻo đường đã thay tên. Tại những tụ điểm tập đông đảo du khách, các khách sạn, thương hiệu, hàng quán giăng đèn kết hoa đón chào năm mới âm lịch. Tưng bừng rực rỡ, nhưng lộ liễu nét diêm dúa, đua đòi theo thời trang. Hiến nhủ thầm, thiếu nữ thuộc gia đình xã hội chủ nghĩa tiết hạnh phong kiến phải lời đường mật của bà mai tư bản, lỡ tằng tịu cùng anh chàng kinh tế thị trường mất rồi! Rồi mỉm cười bâng quơ.

Trong phòng trọ một khách sạn khiêm tốn, Hiến dặn dò Benni lần nữa:
- Thầy có nói cho Hạnh biết, thầy và em muốn có ba ngày riêng tư đi chơi với nhau, sau đó sẽ tới ăn tết ở nhà Hạnh, cho đến ngày về. Nếu em thực sự muốn học thêm tiếng Việt thì đây là cơ hội thực tập tốt nhất. Bắt đầu từ giây phút nầy, em và thầy chỉ nói với nhau bằng Việt ngữ. Ðồng ý không?

Benni ra điều kiện:
- Dạ, em đồng ý. Nhưng nếu em không hiểu chuyện gì, thầy nhớ giúp em, nghen?

- Thầy và em đã giao kết với nhau rồi mà. Em đỡ đần thầy chuyện di chuyển, ngược lại thầy chỉ dẫn em trong vấn đề giao tế và đường đi nước bước. 

Anh thanh niên nhếch môi, ra vẻ như muốn hỏi điều gì, một từ vựng chưa học hay một âm giọng lạ tai, nhưng im lặng. 

- Cảm tuởng đầu tiên của em về thành phố nầy ra sao?

Hiến hỏi, đưa mắt rạng rỡ nhìn Benni. Do dự một lát như để sắp xếp vốn liếng ngôn ngữ bề bộn trong đầu, Benni ngồi xuống mép giường đôi, ngần ngừ:
- Khó nói lắm ...  

Rồi tìm chữ giải thích, gương mặt ưa nhìn ngấc ngấc theo thói quen:
- Hình như em có kể cho thầy nghe rồi. Tiếng Việt khó học, nhưng không hiểu sao, em thích. Mỗi lần em nghe thầy giảng bài trong lớp, hoặc nghe cô ca sĩ hát bài "Con đường xưa em đi" có tiếng đàn gì đó không biết, mà sao hay quá, em lại thầm nghĩ, biết đâu chừng kiếp trước mình là người Việt nam ... Chữ mình em dùng ở đây, đúng không thầy?

Hiến không khỏi bật cười:
- Ðúng rồi.

- Dấu giọng trong tiếng Việt lên cao xuống thấp, nghe vui tai. Âm nhạc Việt nam buồn nhiều hơn vui. Em đang tập nghe và hát vài ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có lần thầy cho em nghe bài "Khói trời mênh mông", em thích liền, mặc dù lời ca khó hiểu dễ sợ!

Nói tới đó, Benni lí nhí cười tràng dài. Hiến còn ngẩn ngơ, Benni đã giải thích:
- Em đang thực hành bài học về lối nói cường điệu trong tiếng Việt, thầy mới dạy tháng trước. Ðẹp ác! Ngon ghê! Giàu kinh khủng! ...

Hiến nhắc:
- Em chưa trả lời câu hỏi của thầy.

Benni thản nhiên chúm môi ngân nga:
- Ta về nơi đây thoáng nghe gió lạnh. Hết mùa thu sang đã đến ngày đông. Những hàng cây xanh đón em áo lộng. Bây giờ ta nhìn khói trời mênh mông ... 

Hiến còn ngẩn ngơ, chưa biết phải hiểu sao cho đúng thì Benni đã cười xoà, bật ra một tràng bằng ngôn ngữ mẹ:
- Thú thật với thầy, em tập hát bài nầy, thấy hay, dẫu không hiểu gì hết! Nhưng em nghĩ, có vài câu nói lên phần nào cảm xúc đầu tiên của em với thành phố và đất nước nầy.

Hiến lặng người xúc động. Lát sau anh cất tiếng:
- Thôi, mình đi ngủ, sáng mai còn dậy sớm, đi thăm những hàng cây trong thành phố. 

Anh muốn văn vẻ thêm: "Những tàn cây cổ thụ đã từng che nắng trưa mưa chiều suốt một thời tuổi trẻ của thầy ...", nhưng sợ Benni không hiểu, nên thôi.

Hiến bật thức. Bả vai bên phải nhói đau. Ðêm nhiệt đới cuối năm đặc sánh. Máy điều hoà không khí vang tiếng khẽ khàng, đều đặn. Nhịp thở Benni nằm cạnh nhịp nhàng, không vướng bận. Thỉnh thoảng, không rõ mơ tưởng chuyện gì, Benni xoay người ôm lấy Hiến, ú ớ đôi lời vô nghĩa bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Hiến tự hỏi, không biết Benni cần bao nhiêu lâu để có thể ngủ mớ bằng Việt ngữ? Riêng Hiến, phải hơn ba mươi năm tha hương, anh mới bất chợt ý thức ra, đôi khi lân la chuyện vãn trong mộng bằng tiếng xứ người. Và, có khi nào cậu học trò với tấm lòng vị tha hiếm hoi nầy gặp phải tình huống thường xuyên đắn đo định nghĩa lại hai tiếng "quê hương", là nơi chốn sinh trưởng hay là vùng đất đã cưu mang mình đằng đẵng nhiều thập niên lưu vong, như Hiến?

Hiến trở người nằm nghiêng, nhắm mắt ôn lại giấc chiêm bao đầu tiên trong đêm trở lại thành phố sinh quán, như một đoản phim câm, vỏn vẹn hai màu đen trắng.

"Tôi thấy mình đang bay, tay cột sợt dây buộc con chim nhỏ. Tưởng như có người phóng ngựa đuổi theo bên dưới. Bay ngang một cổ tháp nuôi thật nhiều chim liệng cánh ríu rít. Chim nhỏ tỏ vẻ muốn ở lại tháp. Tôi không cho. Chim rụt cánh hờn dỗi. Tôi kéo chim bay tiếp. Bay hoài, bay mãi, tới một tháp chuông nhà thờ gắn cái đồng hồ lớn. Có cảm giác như vừa về tới. Ðặt chim xuống tháp, đợi nghe chuông đồng hồ gõ tiếng. Không nghe. Chỉ văng vẳng đâu đây tiếng các dì phước khe khẽ đếm số, như thể đang học Anh ngữ: 'one, two, three, ...' Tôi buồn bã cất tiếng từ giã chim, buông người rơi xuống, bật khóc nức nở. Ngước mặt trông lên, thấy có người nắm dây, dắt chim đi trên tấm lưới sắt. Chim nhỏ nhảy nhót hớn hở."

Năm nào cũng vậy, mỗi độ tết đến, qua đường dây điện thoại viễn liên, Hiến lại nhắc Hạnh nhớ những thông lệ đón năm mới thuở gia đình còn đông đủ bên nhau. Hạnh bùi ngùi, em nhớ chứ anh, rồi thấp giọng, nửa nài nỉ nửa hứa hẹn, bao giờ anh về đây ăn tết với gia đình em, mặc dù tài bếp núc của em chưa tới đâu, em cũng sẽ đãi anh những món ăn má nấu trong ba ngày đầu năm lúc trước. 

Trong bữa ăn trưa mồng một tết, Hiến xúc động nghèn nghẹn khi thấy lại tô thịt kho, dĩa dưa giá, mâm bánh tét cắt khoanh, chén dưa món, thẩu vịt gà tiềm bát bửu bày thịnh soạn trên bàn ăn. Cả anh chị Hiến cùng cháu chắt cũng vui vầy tụ về. Bàn ghế được khuân ra sân nhà, dưới tàn mận hồng đào lung linh bóng mát. 

Hiến hưởng vinh hạnh ngồi đầu bàn. Hạnh đề nghị anh ngỏ lời chúc tụng năm mới, anh chuyển lại cho chị Hai. Người chị cả goá bụa, hóm hém răng thưa, vuốt áo đứng lên, lúng túng ...  Ngắm chị, một thiếu nữ dễ nhìn hơn bốn thập niên về trước, hơn bao giờ hết, Hiến nhận ra dấu thời gian hằn vết trên gương mặt chị, tàn bạo, không thương tiếc. Dăm ba ẩn khúc tuổi ấu thơ kéo về. 

Giữa khuya, cậu bé Hiến choàng tỉnh, mơ màng bắt được vài tiếng động vẳng qua khung cửa khép. Hiến bật ngồi dậy, dáo dác. Cửa sổ lá lách mùa khô toang hoác. Lưỡi trăng đêm xuyên tàn ổi lão, liếm lên tấm vải mùng gió lay, phơ phất những hình thù kỳ quái. Hiến nhận ra vệt sáng vàng úa len qua rãnh cửa nối liền phòng khách, ngái ngủ nghe ra giọng ai nhiếc mắng, gằn ghì nho nhỏ. Và tiếng roi quất. Tiếp theo là chuỗi nấc nghẹn, dằn nén. "Nín!" Một giọng nạt khẽ. Của má. Hiến hoảng hốt, nằm xuống, nép sát lưng anh Hoàng phập phồng say giấc, mắt nhắm chặt để khỏi thấy lại chiếc bóng dị dạng từ đỉnh mùng rớt xuống, đè lên tứ chi tê cứng. Sáng, thức giấc, những sinh hoạt thường ngày vẫn diễn ra như cũ. Cậu bé Hiến không kể, không dám hỏi, cũng không nghe ai nhắc nhở chuyện chi. Chỉ thấy mặt mày chị Hai ủ dột, hai mắt mum múp như thể mất ngủ. 

Ký ức Hiến vọng lại mấy câu mừng tuổi thuộc nằm lòng thời niên thiếu, quên bẵng cơn đau âm ỉ từ hai chân rón rén trườn khắp thân thể. Mấy đứa cháu mạnh rượu cụng ly nhốn nháo. Benni trở thành trung tâm câu chuyện trong bữa ăn. Phương Hằng được sắp xếp ngồi cạnh Benni để hướng dẫn anh cách ăn uống. Anh thanh niên vẫn còn lấn cấn trong cách xưng hô, khi "tôi" khi "anh". Ðôi lúc, anh nhíu mắt nhìn Hiến như cầu cứu. Hiến làm lơ. Cuối cùng Benni đành bắt chước Hiến, xưng "cậu" với Phương Hằng, khiến con bé ngẩn ngơ mất vài giây, nhưng không sửa.

Xong bữa cơm, Hiến nhờ Benni dìu qua nằm vọng mắc dưới bóng râm hai tàn vú sữa. Trong lhi Benni tụ bầy lắc bầu cua với mấy đứa nhỏ, Hiến nhẩn nha lật đọc vài trang sách cũ, một quyển độc nhất tìm thấy trên kệ sách nhà Hạnh. "Mộng", một quyển tiểu thuyết truớc 1975. Tên tác giả Hiến chưa hề nghe. Chuyện thuật lại mối giao tình giữa một vị sư già và một nam tín đồ trẻ tuổi vướng hội chứng mộng tưởng. Mỗi tháng đôi ba lần, họ lại gặp nhau bên hiên trà đạo, để anh thanh niên có dịp trải bày những mộng sự. 

Ðọc tới trang sách viết về một giấc mộng, Hiến đâm ngờ vực. Anh đọc lại, rồi bần thần gấp sách, ngước mặt nhìn lên vòm lá đong đưa, loé nắng. Trời ơi, anh kêu thầm, những chi tiết của giấc mộng trong sách chính là những điều anh chiêm bao thấy, ba đêm trước. Hiến run rẩy, mồ hôi se se rịn trán, mơ hồ linh cảm mối liên quan huyễn hoặc giữa anh với tác giả. Nhưng không thể lần ra mấu chốt. Cái đau khi nãy đổi dạng, râm ran ngàn mũi kim châm. Hiến tưởng tượng như có ai đang xâm hình lên da thịt. Anh tập trung tư tưởng, cố hình dung ra bức hình xâm. Chỉ cảm thấy đường nét châm chích trừu tượng, đột phá tuỳ tiện. Từ nhiều năm nay Hiến buộc phải thoả hiệp với những cơn đau thường xuyên, xuống tay ký kết hiệp định đình chiến với một đối thủ vô hình, ít khi nao núng dưới những đợt mưa bom thuốc men, mỗi bốn tiếng một lần.

- Em về đây lần nầy, thấy sao?

Hiến quay sang. Chị Hai đem ghế con tới ngồi bên cạnh từ khi nào, không hay. Trên tay, một rổ mận tím và một chén muối ớt. Anh nhoẻn cười:
- Thay đổi nhiều quá, nhưng vui lắm, chị!

- Em ăn mận chấm muối ớt với chị cho vui. Chị cứ tưởng, sẽ không có dịp gặp lại em lần nào nữa.

Giọng Hiến chùng xuống:
- Phải chi ba má còn sống!

Ánh mắt chị hai thoáng rớt lên bìa sách phơi sấp trên bụng Hiến.

- Cuốn tiểu thuyết có phần số không may. In xong, chưa kịp phát hành thì họ vô. Tuy không nằm trong danh sách những văn hoá phẩm đồi truỵ bị cấm đoán, nhưng vẫn bị tịch thu. Giấu được mỗi một quyển. Ba buồn lắm!

- Chị nói sao? Hiến hoang mang hỏi.

- Ủa, ba không biên thư kể em nghe sao?  

Hiến nhấc lưng, chưng hửng:
- Không, em hoàn toàn không biết gì hết.

Chị Hai từ tốn:
- Ba là tác giả quyển sách. Những năm sau cùng, trước khi mất, ba liệt giường, ngủ nhiều hơn thức. Cứ mỗi lần chiêm bao thấy gì, ba lại chép ra giấy. Lần nọ, chú Năm, chủ nhà in Văn Hoá, chắc em còn nhớ, tới thăm. Ba đưa cho chú coi. Chú xin ba đem về đọc chơi. Vài hôm sau chú tạt ngang lần nữa, đề nghị ba viết thành sách cho chú in bán. Ðầu đuôi câu chuyện ba trở thành văn sĩ là vậy đó. Em đọc hết chưa? 

Nói rồi, chị Hai bật cười vu vơ. Trong chốc lát, nỗi đau trong người Hiến tan biến, rưng đọng hai dòng nước mắt lăn chậm xuống má. 

- Chưa hết. Có điều ...

Hiến ngưng ngang, giơ tay lau nước mắt. Làm sao giải thích cho chị hiểu cảm xúc lấn cấn mới nãy, khi Hiến nhận ra những chi tiết đồng dạng về một giấc mơ, của ba và của anh?

- Em muốn biết chuyện gì?

Hiến xoay xở:
- Không biết trước khi nhắm mắt, ba có toại nguyện?

Phải mất vài giây, chị Hai mới mấp máy:
- Không có ai hoàn toàn toại nguyện với đời sống mình đâu em.

Giọng chị xa vắng như tiếng lá thở dài, an phận hơi gió mỏng. Những ẩn khúc suốt thời niên thiếu Hiến biết về chị Hai ngoi dậy. Chuỗi tiếng động giữa khuya một đêm trăng sáng mùa thơ ấu. Vài cuộc mối mai không bén lửa nhân duyên. Người thương chị, chị không ưng. Người chị thương lại không đoái hoài chuyện hương lửa vợ chồng. Cuối cùng rồi chị cũng lập gia đình, như trả một món nợ không vay. Khi đứa con gái đầu lòng của chị mệnh yểu, không thấy chị nhỏ lấy một giọt nước mắt. Nét mặt chị dửng dưng, lạnh tanh như chiếc mặt nạ vô tri giác. Thuở ấy, Hiến không thông cảm và cảm thấy bất nhẫn. Không rõ, lúc anh rể Hiến qua đời sau khi Hiến đã rời nước, chị có nhỏ vài giọt nước mắt đưa tiễn? Giờ đây nghĩ lại, biết đâu chừng cách ứng xử đành đoạn của chị là kết quả từ những nguyện ước không thành? Có lẽ không phải. Hiến muốn hỏi, nhưng dáng vẻ già nua, cằn cỗi trên gương mặt chị ngăn anh lại. Có cần thiết không, Hiến mượn lối ví von theo giọng tuồng, khơi lại ngọn lửa lòng đã từ lâu lịm tắt? Hiến thầm nhủ, rồi hỏi xin chị một trái mận, tách đôi. Anh không khỏi bất ngờ trước cử chỉ dứt khoát của mình, như thể chia tay cùng những phiền toái quá khứ. 

*

Phương Hằng hỏi Benni, có muốn đi theo cô tới ngôi chùa nhỏ gần nhà xin xăm đầu năm. Benni ngớ mặt hỏi, "xin xăm" là nghĩa gì? Cô con gái ra điều bí mật:
- Benni đi theo em, rồi biết.

Khi Benni ngỏ ý, muốn có Hiến đi chung cho vui, cô gái chúm môi phụng phịu:
- Thôi, để cậu Hiến ở nhà chơi bài tứ sắc, em và Benni đi riêng với nhau cho mau.

Chiều mồng hai tết, chùa tấp nập khách vãng lai. Benni an tâm nhận ra đôi ba du khách da trắng trộn lẫn trong đám đông huyên náo. Trầm hương thoang thoảng trong không gian rực nắng ngày đầu năm nhiệt đới. Phương Hằng thản nhiên nắm tay Benni tới sắp hàng bên hiên chánh điện. Tiếng xóc thẻ lắc xắc. Giọng người bỡn cợt, thúc hối. Trong khi chờ, Phương Hằng chẩm rải giải thích: 
- Tục lệ xin xăm, xóc thẻ là một kiểu bói thời vận đầu năm. Thẻ có đánh số. Mỗi số là một lá xăm ghi chép điều lành dữ trọn năm sắp tới. Em sẽ chỉ cho Benni cách xóc thẻ. Trong khi xóc, Benni nhớ thành tâm khấn vái, thần linh mới chứng giám.

- Benni khấn bằng tiếng mẹ đẻ, được không Hằng?

Cô gái cười khúc khích:
- Chắc được! Nếu không hiểu, thần sẽ tra tự điển.

- Hằng tin không?

- Em làm cho vui, chớ không tin lắm.

Phải mất nhiều phút Benni mới bắt đầu xóc giá thẻ đều tay. Nét mặt anh thanh niên nghiêm trang tới độ khiến Hằng phải ngạc nhiên. Một thẻ hồng điều rớt ra chiếu, Benni cầm lên bỏ vô túi áo, lẳng lặng xóc tiếp.

Benni thầm thì với Phương Hằng, sau đó:
- Một thẻ cho Benni, còn thẻ kia Benni xin cho thầy Hiến.

Benni nói, tia mắt trong xanh ngời lên nỗi thương cảm khó tả. Cô con gái cầm tay Benni, lách đám đông, nói mau:
- Benni với em tới hỏi xin lá xăm, kiếm thầy bàn, rồi mình đi về. 

Lời đề nghị gầy sòng tứ sắc của Hạnh được Hiến, chị Hai và anh Hoàng hớn hở tán đồng. Vuông bàn con được dời ra hiên nhà. Mỗi người đậu chến năm mươi ngàn. Mỗi lệnh hai ngàn. Suốt canh bạc, những kỷ niệm xưa được khơi lại. Cả nhà Hiến, từ lớn tới bé, ai cũng biết chơi bài tứ sắc. Riêng Hiến, sau nhiều năm xa quê, anh quên bẵng cách đếm điểm. Anh chỉ nhớ, cộng điểm các lệnh bài, lẻ thắng, chẵn bị phạt đền. 

Chị Hai vừa cắm cúi chia bài vừa cao giọng phán:
- Ðứa nào xé liền, ăn đôi sang sông, tao túm được, bắt đền cả làng.

Quay sang Hiến, chị lớn tiếng:
- Hiến, em còn nhớ mặt bài với lại luật chơi không hén?

- Nhớ. Em chỉ quên cách tính điểm.

- Ðừng lo, em tới, chị cộng điểm giùm em. Ờ, em lớn tuổi rồi, sao không lập gia đình, dẫn vợ con về đây chơi, vui biết mấy?

Câu hỏi bất ngờ, lạc lõng của chị làm Hiến lúng túng, đánh rơi vài quân bài con xuống đất. Anh có cảm tưởng như vừa bị chị bắt quả tang "ăn đôi sang sông". Anh làm mặt tỉnh, vừa bắt bài xoè ra lòng tay vừa đáp, lòng rộn vui vì ráp được khạp tướng đỏ.

- Khui khạp ăn hoằng, tới được tiền gấp đôi, phải không chị? ... Còn chuyện vợ con của em trắc trở như quân bài lẻ không ăn đôi được vì cách sông ... 


Mọi người trong ván bài cùng lượt ngó Hiến, như quan toà chờ nghe lời tự thú. 

- Không hiểu sao, em không cảm thấy rung động với người khác phái. 

Hiến nghe giọng mình bình thản như lời biện bạch của một kẻ biết mình vô tội. Hạnh bộc trực:
- Anh thử tới một bác sĩ tâm lý, xem sao! 

- Em làm như anh bị bệnh tâm thần không bằng. 

Anh Hoàng rầy rà:
- Chuyện vợ chồng, tình cảm là vấn đề riêng tư của mỗi người, con Hạnh biết gì mà nói? Chị Hai xuống bài đi!
Trong suốt sòng bài, Hiến vui miệng nhắc lại một vài kỷ niệm ấu thời.

- Anh Hoàng còn nhớ không, hồi xưa anh em mình đi học chung ở trường tiểu học gần nhà. Em nhút nhát tới độ, mắc ị mà nín thinh, làm một đống ra quần, thúi hoắc cả lớp. Cô giáo kêu anh dắt em về nhà thay quần, rửa đít. Dọc đường, em vừa đi vừa khóc nghêu ngao, không biết mắc cỡ.

Anh Hoàng cười hắc hắc:
- Nhớ chớ em. Anh không biết làm sao, đành khóc theo cho vui. 

Chị Hai rút một lá trong nọc, lật ra con chốt trắng: 
- Không đứa nào có đôi thì tao ăn. Ờ, thằng Hiến lúc nhỏ chuyên môn ỉa bậy trong quần. Ðang đi chơi, trong xe bốc mùi thum thủm là y như rằng ... Chị Hai xên bài chờ tới rồi nghe bây!

Hiến đưa mắt nhìn Hạnh:
- Còn con Hạnh, lúc đi học lớp năm trường tiểu học tư gần nhà không chịu đi một mình, khóc trèo trẹo đòi có người vô lớp ngồi chung mới chịu. Cái thứ quái đản gì đâu!

Hạnh bật cười ngúc ngắc:
- Ờ, anh chị em nhà mình mỗi người quái đản một kiểu. Tướng nè bà, tới cho rồi! Ðếm lệnh đàng hoàng nghe bà!

Vừa lúc Phương Hằng và Benni đi chùa về tới, sà lại sòng bài ngồi chầu rìa. Benni nhắc ghế tới ngồi cạnh Hiến, thủ thỉ:
- Em có xin cho thầy lá xăm. Tốt. 

- Chơi xong, Benni kể cho thầy nghe. Bây giờ ngồi yên, coi thầy đánh bài.

Lát sau:
- Thầy thầy, thầy chỉ cho Benni đánh bài nầy đi!

- Ờ, ờ, chút nữa thầy sẽ chỉ.

- Chữ nầy là nghĩa gì?

- Nói ra, lộ bài, thầy đứt chến sao Benni!

- "Ðứt chến" là cái gì vậy thầy?

Mọi người cười rộ lên làm Benni đỏ mặt sượng trân.

- Ðể yên cho thầy đánh bài! Chến là món tiền ... Rắc rối lắm em.

Ðược một đỗi, Hạnh kêu Phương Hằng thay cô cầm bài, để cô vào bếp sửa soạn bữa cơm chiều. Chốc chốc cô gái lại ngoảnh mặt qua chỗ Benni và Hiến. Cử chỉ thân mật của ông thầy giáo và cậu học trò, đôi lúc, khiến cô thắc mắc, tâm tư dấy lên nỗi muộn phiền vu vơ.

Trong ván bài chiều mồng hai tết, Phương Hằng thắng lớn, Hiến đứt chến nhiều lần liên tiếp. "Không sao, đen bạc đỏ tình", lời an ủi của dì Hai dành cho cậu Hiến, mà Phương Hằng nghe như dì nhạo báng mình. 

*

Hạnh sắp vào va-ly cho Hiến gói giấy nhật trình bọc mười hai nhánh thuý cúc vải voan. Ðêm mai, Hiến và Benni sẽ đáp máy bay về lại trời Âu. Sau bữa cơm gia đình trước ngày chia tay, trong khi Hạnh lo sắp xếp hành lý cho Hiến, cả nhà họp mặt trong phòng khách, hát ka-ra-ô-kê. Ðược dịp, Benni trổ tài hát xướng một vài ca khúc lời lẽ cầu kỳ đã tập dượt nhiều lần với thầy Hiến trước đó. Không tìm thấy "Khói trời mênh mông" trong chồng dĩa nhạc, Benni mượn ý ca khúc "Như một lời chia tay", gián tiếp ngỏ lời tạm biệt với đất trời nơi đây. Nhạc đệm lẻ loi mỗi tiếng đàn ghi-ta. 

"Những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như mây. Chút nắng vàng giờ đây cũng vội. Khép lại từng đêm vui ..."  

Giọng Benni quyến luyến choàng lấy âm thanh ghi-ta rúng rẩy. Thỉnh thoảng tia mắt Benni vướng lại chỗ Phương Hằng ngồi. Thoáng giây thôi, nhưng đủ để anh nhận ra chút u hoài phảng phất trên gương mặt cô gái. 
" ... Ðường quen lối từng sớm chiều mong. Bàn chân xưa qua đây ngại ngần. Làm sao biết từng nỗi đời riêng. 
Ðể yêu thêm yêu cho nồng nàn ... "

Gian phòng im phắt tiếng cười nói, lắng tai. Bất chợt, một giọng nữ sẽ sàng cất lên từ máy vi âm thứ hai, hoà giọng cùng chàng thanh niên da trắng. Của Phương Hằng.  

" ... Tình như nắng vội tắt chiều hôm. Tình không xa nhưng không thật gần. Tình như đá hoài những chờ mong. Tình  vu vơ sao ta muộn phiền ... " 

Benni nhỏ giọng rồi ngưng hẳn, nhường máy cho Phương Hằng. Cô gái luyến láy thêm vài câu, hơi ngân luống cuống, lạc lõng như thể bị ai bỏ rơi, rồi đứt ngang. Tiếng đàn ghi-ta không thiết chờ, lướt đi hun hút, đành đoạn. Mọi người chưng hửng. Phương Hằng buông máy vi âm, luống cuống bước ra vườn đêm ngoại ô lướt thướt bóng tối. Sau lưng vọng lại giọng Hạnh rầy rà:
- Ðầu năm đầu tháng, tụi bây hát bài gì không hát, lựa chi cái bài buồn thấu xương. Không sợ xúi quẩy cả năm sao chớ!

Rồi tiếng nhạc vỡ lên một giai điệu tươi tắn. Phương Hằng ngồi xuống ghế nhựa con chơi bài tứ sắc mấy hôm trước chưa dẹp, ngó mông lung ra cảnh vườn tịch mịch. Một loài hoa đêm thoảng hương ngan ngát.

- Hằng ...

Cô con gái ngước mặt. Benni nhìn cô đăm đăm, khuôn mặt chìm trong bóng tối, gáy tóc vàng hoe ánh điện soi. Phương Hằng gượng cười, hai mắt long lanh.

- Hằng cho Benni xin lỗi đã hát nhằm bài làm Hằng buồn.

Phương Hằng mấp máy:   
- Lỗi tại em và tại ông nhạc sĩ đa cảm. Benni có tin ở thượng đế không?

- Chắc ... không. Nhưng có lẽ Benni tin ở số mệnh.

- Thượng đế định đoạt số mệnh cho mỗi người.

- Benni nhớ có lần thầy Hiến nói, người Việt tin chuyện duyên số do ông trời xếp đặt. Cái duyên của Benni là gặp thầy Hiến, thương và thích học tiếng Việt với thầy. Rồi Benni thích luôn âm nhạc và thức ăn Việt nam. Qua chuyến du lịch nầy, Benni mới thật sự làm quen với đất nước và con người tại đây. 

Benni nói một hơi như trả bài thuộc lòng. Cô muốn nói cho anh biết, rằng thực tế thường khi không giống những kinh nghiệm du hành thảnh thơi, phóng đãng. Họ đâu hiểu được, vẻ hào nhoáng, vui vầy bên ngoài những ngày lễ tết đầu năm, đối với nhiều người, cốt để lấp liếm những phiền toái bên trong. Nhưng cô im lặng, không muốn bôi xoá những chân tình vô tư của Benni dành cho quê huơng cô.

- Ngày mai Benni về lại quê nhà, Benni nhớ thứ gì nhiều nhất? 

Anh thanh niên hắt tiếng cười ngắn:
- Benni nhớ nắng ấm ở đây và món bánh xèo.

- Lần tới Benni và cậu Hiến trở lại đây thăm nhà, em sẽ tự tay đổ bánh xèo đãi cậu và Benni, chịu không?
- Chịu.

Giọng Benni dịu nhĩu như đẫm sương đêm. Anh kéo ghế, ngồi xuống cạnh Phương Hằng. Cô gái cảm thấy chút bâng khuâng dâng lên trong lòng. Có phải đó là nỗi muộn phiền vu vơ trong bài hát mới nãy? Hay đó là những thầm kín của đêm lặng lẽ tan vào ngày mênh mông?

(tháng 2.2013)
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/02/ngo-nguyen-dung-ngay-menh-mong.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001