Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

BÁO CHÍ MỸ CA NGỢI TỄU

Người Mỹ xúc động vì 'Tễu mang trái tim người' của Việt Nam


“Tôi chắc chắn rằng dù Tễu có một thân hình bằng gỗ, nhưng trái tim của chú là trái tim của một con người”.

Trên tạp chí Foreign Policy Journal của Mỹ, tác giả David Calleja đã không giấu nổi sự thán phục của mình trước nghệ thuật biểu diễn rối nước của người Việt. Dưới đây là những chia sẻ của tác giả này:

Vào một buổi chiều oi bức tại Hà Nội, một trong những cách tốt nhất để bạn tìm kiếm sự mát mẻ và giải trí là vào nhà hát múa rối Thăng Long để xem những nhân vật làm bằng gỗ kể lại những câu chuyện thú vị trên một ao nước nhỏ.

Chỉ trong ít phút kể từ khi bắt đầu buổi biểu diễn, bạn sẽ bị cuốn vào trong thế giới nhiệm màu mang hơi thở xa xưa của các truyền thuyết và sự tích dân gian có từ thời kỳ nhà Lý còn cai trị Việt Nam, cách đây 1.000 năm. Những câu chuyện về cuộc sống sẽ diễn ra trong khung cảnh nông thôn miền Bắc, đây là một phương pháp tiếp thu lịch sử rất mới mẻ thông qua nghệ thuật.

Khởi đầu, múa rối nước là hoạt động biểu diễn phục vụ người dân thôn quê vào các dịp năm mới, các lễ hội lớn. Ngày nay, bộ môn nghệ thuật này đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Việt Nam, được biểu diễn phục vụ du khách đến từ mọi nơi trên thế giới để quảng bá cho những giá trị truyền thống của người Việt. Tôi đã rất nóng lòng khi chờ đợi màn biểu diễn của những con rối.


Những con rối chắc chắn sẽ là điểm thu hút chính, nhưng những người đang kéo dây thì sao? Đó là những thiên tài thực sự đang ẩn mình sau tấm rèm tre được trang trí giống các địa danh nổi tiếng của Việt Nam, ví dụ như cầu Trường Tiền ở thành phố Huế. Những con người bí mật phía sau tấm rèm đó đã điều khiển những con rối thật hoàn hảo, khiến người xem đôi lúc khó có thể nghĩ rằng đó là những con vật vô tri làm từ gỗ. Những kỹ thuật biểu diễn của họ được giữ kín, và chính sự bí ẩn gắn liền với nghệ thuật múa rối nước Việt Nam khiến cho buổi biểu diễn trở nên thật sự đáng nhớ trong lòng khán giả.


Do không phải là một người nói tiếng Việt, và cũng không có ai thông dịch nên tôi cảm nhận màn biểu diễn của những con rối dựa vào cử chỉ điệu bộ của chúng hơn là những lời đối thoại. Một nhân vật gọi là Tễu được giới thiệu trước khán giả. Đó là một nhận vật có khuôn mặt vui vẻ, khoác trên mình một tấm áo màu đỏ, có vai trò dẫn dắt các diễn biến của buổi diễn.

Khán giả sẽ được chứng kiến cuộc sống của những người nông dân gần sông Hương vào mùa mưa, với cảnh người đàn ông cày bừa quần quật với những chú trâu, còn phụ nữ trồng lúa. Họ hi vọng sẽ có một vụ mùa bội thu. Thật không may, sự yên ổn bị phá vỡ khi một con vịt mất tích. Điều này gây xáo trộn trong ngôi làng. Người dân trong làng trở nên nghi ngờ lẫn nhau.

Một cuộc đấu tranh từng bước phát triển giữa nông dân và người địa chủ. Rồi một con rồng xuất hiện, dường như là sự báo hiệu của một cuộc cách mạng, hoặc năm mới của người Việt Nam, khiến cho cuộc sống trong ngôi làng thay đổi hoàn toàn. Sau đó, ba sinh vật thần thoại khác là lân, phượng và rùa, đại diện cho các phẩm chất cần thiết của người dân làng để bảo tồn sự thịnh vượng và sức khỏe. Đó là một câu chuyện nhiều tình tiết và kết thúc một cách có hậu.


Thật khó để tôi có thể chọn một màn diễn yêu thích thích nhất. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là một cảnh nhấn mạnh được mục đích thật sự của nghệ thuật múa rối nước, đó là sự châm biếm.

Đó là trận chiến hấp dẫn giữa một người nông dân và một con cá. Người nông dân đứng trên sông với chiếc nơm tre, sẵn sàng chụp gọn con cá bằng những thao tác mạnh mẽ. Nhưng con cá đã tránh được những đòn này trong nhiều tình huống khác nhau. Con cá táo bạo này chế nhạo người nông dân bằng cách bơi quanh và lặn xuống phía dưới chiếc thuyền của người nông dân.

Với một đòn tuyệt vọng cuối cùng, người nông dân chụp chiếc nơm vào trúng đầu của người bạn cùng ngồi trên thuyền trong tiếng cười của khán giả. Màn hài kịch kết thúc trong sự xấu hổ của người nông dân khi kết thúc buổi đánh bắt với hai bàn tay trắng.

Một trong những ấn tượng khác mà rối nước đem lại cho khán giả là nhạc nền của nó. Đó chính là nghệ thuật hát chèo, một loại hình âm nhạc dân gian được biểu diễn với một dàn nhạc nhỏ. Loại nhạc nền này rất quan trọng trong việc tạo ra những hiệu ứng ấn tượng, kích thích cảm xúc của khán giả vào những tình tiết cao trào.

Những nhạc cụ được sử dụng đều là nhạc cụ truyền thống, trong đó có sáo và bộ gõ. Khi biểu diễn, các nhạc sĩ hiếm khi nhìn vào khán giả, vì họ phải tậm trung tâm trí để có thể kết hợp nhuần nhuyễn điệu nhạc với các thao tác của những con rối trên mặt nước.

Họ biểu diễn cho đến giây phút cuối, khi tấm rèm được kéo lên và những người anh hùng giấu mặt - những nghệ nhân múa rồi bước ra để mỉm cười và cúi đầu chào khán giả. Khán giả đáp lại bằng những tràng vỗ tay rộn ràng.

Nâng niu tễu trên tay
Những nghệ nhân múa rối - đó thực sự là những con người thầm lặng góp phần làm tái hiện lịch sử một cách sống động, một nhiệm vụ mà rạp chiếu phim hiện đại hay thậm chí là các sân khấu phong cách phương Tây không thể làm được tốt hơn. Trong môi trường đặc biệt, sân khấu bằng nước, mỗi cá nhân khiêm tốn này đã tiếp thu những kinh nghiệm được truyền lại từ nhiều thể hệ để tái hiện các truyền thuyết lịch sử theo cách ấn tượng nhất trong tâm trí của người xem.

Sau buổi diễn, tôi dành ít phút để đi dạo bên hồ Hoàn Kiếm, vừa suy nghĩ về những gì đã trải nghiệm: bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những giai điệu của âm nhạc truyền thống, và suy nghĩ về tâm hồn mộc mạc như trẻ thơ của những người nông dân được thể hiện qua những con rối ngộ nghĩnh khuấy đảo mặt nước…

Đây là một món quà được truyền qua các thế hệ, nó nuôi dưỡng ham muốn của tôi được khám phá những ngõ ngách bí ẩn trong thế giới nghệ thuật.

Chúa đã ban phúc cho chú Tễu với người nghệ nhân tuyệt vời của mình. Tôi chắc chắn rằng dù Tễu có một thân hình bằng gỗ, nhưng trái tim của chú là trái tim của một con người, biết chia sẻ sự đam mê cho đồng loại của mình…

Nguồn: VietNamnet.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001