Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

HỌC GIẢ QUỐC TẾ KHẲNG ĐỊNH 9 LÔ DẦU KHÍ NẰM TẠI VIỆT NAM

Hội thảo biển Đông tại Mỹ:
Học giả quốc tế khẳng định 9 lô dầu khí nằm tại Việt Nam
Thứ sáu 29/06/2012 08:06


Những diễn biến gần đây ở biển Đông, vai trò của luật quốc tế trong giải quyết và quản lý các tranh chấp ở biển Đông, căng thẳng Trung Quốc - Philippines về chủ quyền Scarborough... là những chủ đề làm nóng hội thảo lần thứ hai về an ninh hàng hải ở biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức tại Washington trong hai ngày 27 và 28.6.
Học giả quốc tế khẳng định 9 lô dầu khí nằm tại Việt Nam

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell.

Phải suy nghĩ hai lần

Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Biển Đông và Châu Á - Thái Bình Dương trong thời kỳ chuyển đổi: Khảo sát các lựa chọn quản lý các tranh chấp”, Giáo sư Carlyle Thayer của Học viện Quốc phòng Australia khẳng định các lô dầu khí mà TCty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò - khai thác tại 9 lô trên biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Ngư dân Phú Yên câu cá ngừ trên biển Đông. Ảnh: Xuân Trường

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN sau đó, ông Thayer cho rằng Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô, “tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Ông cũng cho rằng đây là một hành động chính trị, nhiều hơn là một hành động có tính thương mại. Nhận xét về Luật Biển mới được Quốc hội Việt Nam thông qua, Giáo sư Thayer khẳng định đây là một “diễn biến rất tích cực” vì Việt Nam muốn và cần thiết phải khai thác biển của mình.

Cùng chung quan điểm, tiến sĩ Bonnie Glasser - chuyên gia về Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ - cảnh báo rằng bất cứ Cty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải “suy nghĩ hai lần” trước khi quyết định. Trước đó, học giả Việt Nam - tiến sĩ Trần Trường Thủy cũng đề cập đến diễn biến mới nhất này. Ông đưa ra bản đồ 9 lô trên biển Đông mà Trung Quốc mời thầu, khẳng định các lô này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không phải là khu vực tranh chấp.

Mỹ muốn nghe chi tiết về bàn thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông

Phát biểu tại hội thảo, ông Kurt Campbell - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng Mỹ đã nhìn thấy những động lực trong các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á về một bộ quy tắc ứng xử nhằm giảm bớt tranh chấp về những tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở biển Đông. Ông Kurt Campbell cho hay Mỹ muốn nghe chi tiết về tiến trình này tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Campuchia trong tháng tới. “Chúng tôi thực sự ấn tượng về mức độ tập trung, đặc biệt là của ASEAN trong việc phối hợp với Trung Quốc để soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử”.

Mỹ thừa nhận có những thách thức tiềm năng trong việc tìm giải pháp cho những tranh chấp ở biển Đông, song vẫn bày tỏ quan điểm rằng mâu thuẫn phải giải quyết thông qua con đường ngoại giao. Ông Kurt Campbell nói rằng Mỹ sẽ không chọn đứng về bên nào và tiếp tục ủng hộ đối thoại nhằm dẹp bỏ về một bên những bất đồng trong khu vực. “Chúng tôi tìm kiếm sự ổn định lớn hơn mà chúng tôi tin rằng không chỉ vì lợi ích của Mỹ mà còn của cả các đối tác thương mại khác, những nước kỳ vọng duy trì giao thông biển thông suốt ở biển Đông”.

Tàu Trung Quốc trở lại vùng biển tranh chấp

Trong buổi thảo luận về tình hình căng thẳng gần đây trên biển Đông, các học giả Philippines và Trung Quốc tranh cãi khá gay gắt về vấn đề chủ quyền tại bãi Scarborough - nơi mới xảy ra căng thẳng giữa hai nước. Trong một diễn biến có liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez hôm qua cho biết máy bay Philippines đã phát hiện 6 tàu cá Trung Quốc và 17 tàu nhỏ trong khu vực bãi cạn Scarborough. Ngoài ra còn có 5 tàu công vụ khác của Trung Quốc bị phát hiện ở ngoài khu vực này. Người phát ngôn nói rằng mặc dù tàu cá Trung Quốc vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá của Philippines, song Philippines sẽ không làm leo thang căng thẳng và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ cam kết trong các cuộc đàm phán trước đó nhằm làm dịu tình hình.

Trong khi đó, tại cuộc hội thảo ở Washington, Mỹ thúc giục cả hai bên kiềm chế. “Đó cũng là vì lợi ích của Mỹ và thẳng thắn mà nói, chúng tôi tin rằng tất cả các bên đều muốn nhìn thấy xung đột được xoa dịu”. Ông Campbell cũng nói rằng ông phấn khởi vì Philippines và Trung Quốc đã đàm phán và bày tỏ hy vọng chứng kiến sự tiến bộ trong việc giải quyết tranh chấp tại Hội nghị an ninh Châu Á ở Campuchia trong tháng tới. Ông cũng cảnh báo rằng bất kỳ mâu thuẫn lâu dài nào sẽ làm khuấy động chủ nghĩa dân tộc và điều đó không có lợi cho cả hai nước cũng như toàn bộ khu vực.

Vân Anh (tổng hợp)
Nguồn: Báo Lao Động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001