Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Chủ tịch, phó chủ tịch 2 ngân hàng ‘từ nhiệm’ vì 718 tỉ đồng 

Chủ tịch và 2 phó chủ tịch của Ngân Hàng Á Châu (ACB), và đồng thời phó chủ tịch của Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu ở Việt Nam vừa xin “từ nhiệm.”
Ông Trần Xuân Giá là một trong số ít các lãnh đạo cấp cao sau khi về hưu vẫn tham gia nhiều hoạt động kinh tế cũng như xã hội. (Hình: VNExpress)
Theo tin các báo ở Việt Nam, ông Trần Xuân Giá xin từ nhiệm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của ACB với lý do “sức khỏe.” Hai ông Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang là phó chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị ACB cũng “từ nhiệm” nhưng với lý do cá nhân.
Trong số ba người này thì ông Trần Xuân Giá được nhiều người biết đến vì ông từng là cựu bộ trưởng Kế Hoạch và Ðầu Tư. Thay ông Trần Xuân Giá là ông Trần Hùng Huy mới 34 tuổi, là con trai của ông Trần Mộng Hùng, nguyên đồng chủ tịch sáng lập ACB.
Cả ba ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang đều liên quan đến vụ việc của Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc ACB hiện đã bị bắt giam từ ngày 23 tháng 8, 2012 để điều tra thêm về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.” Tức là ông này đã “ủy thác cho 19 nhân viên ngân hàng nhận 718 tỉ đồng của ACB để gửi vào Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu” (EIB).
Ông Hải, 47 tuổi, bị bắt chỉ hai ngày sau khi ông Nguyễn Ðức Kiên tức bầu Kiên, bị tống giam với cáo buộc “lừa đảo,” “kinh doanh trái phép.”
Tuy nhiên ông Kiên mới bị truy tố thêm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nứơc về quản lý kinh tế…” Tội danh này có thể bị án tù đến 20 năm, theo điều 165 của Luật Hình Sự CSVN. Ngày 19 tháng 9, 2012, báo điện tử VTC nói rằng ông Kiên bị truy tố thêm tội danh mới vì “thế chấp một lượng lớn cổ phần, trị giá hàng trăm tỉ đồng cho ACB, nhưng sau đó lại đem số cổ phần này đi bán cho công ty khác.”
Ông Nguyễn Ðức Kiên nguyên là cổ đông sáng lập và từng là phó chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của ACB. Khi ông Kiên bị bắt giam ngày 21 tháng 8, 2012, ngân hàng ACB vội vã loan báo ông ta không còn chức vụ gì và cũng không còn là cổ đông lớn của ACB. Dù vậy, vẫn không tránh khỏi một cuộc hoảng loạn dẫn đến rút tiền tới tấp không những khỏi ACB mà cả những ngân hàng khác dính tới tên ông Kiên.
Cùng với tin về 3 chức sắc cao cấp nhất trong HÐQT của ACB “từ nhiệm,” tin tức trong nước qua tờ Lao Ðộng ngày 19 tháng 9, 2012 cho hay ông Phạm Trung Cang, phó chủ tịch Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) “đã có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân.”
Qua những dữ kiện này, người ta thấy có dấu hiệu của một vụ án lớn, liên quan tới nhiều ngân hàng và sử dụng bất hợp pháp các nguồn tín dụng hay tài sản của các ngân hàng vào những mục đích tư lợi.
Tờ báo Lao Ðộng cho biết chi tiết về lý do “từ nhiệm” cá nhân của ông Phạm Trung Cang là “cũng có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải ủy thác 19 nhân viên ACB thực hiện nhận 718 tỉ đồng của ACB để gửi vào ngân hàng Công Thương Việt Nam, khi ông Cang còn làm phó chủ tịch HÐQT tại ACB.”
Ðể trấn ban dư luận, tờ Lao Ðộng nói, “Vi phạm của ông Cang không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Eximbank.”
Theo nguồn tin này, “Ông Phạm Trung Cang là đại diện cho ACB và nhóm pháp nhân có vốn của ACB, nhưng tỉ lệ cổ phần đại diện và nhóm pháp nhân của ACB tại Eximbank là dưới 10%, trong đó riêng ACB là 1.04%. Bản thân ông Cang cũng có cổ phần tại Eximbank, nhưng không lớn.”
Theo báo điện tử Viêtstock, tin loan báo từ nhiệm của 3 sếp lớn nhất Hội Ðồng Quản Trị ACB và ông phó Hội Ðồng Quản Trị của Eximbank đã gây rúng động thị trường chứng khoán tại Việt Nam mà Viêtstock người ta đua nhau bán tống bán tháo cổ phần, đặc biệt là cổ phiếu của các ngân hàng ACB và ngân hàng Eximbank.
Hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán của Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề hồi tháng 8 khi ông Nguyễn Ðức Kiên và Lý Xuân Hải bị bắt.
Nay thêm một số người khác nữa bị bắt và một số nhân vật chủ chốt của hai ngân hàng ACB và Eximbank “từ nhiệm,” giới đầu tư chứng khoán đánh hơi thấy những dấu hiệu nguy hiểm cho đồng tiền, đồng vốn đầu tư của mình.
Theo một số bloggers, hiện đang có những lời đồn đãi ông Trần Xuân Giá đã bị bắt giam không chính thức như kiểu bắt giam ông Lý Xuân Hải tháng trước, nhưng không thể kiểm chứng.
Một loạt “từ nhiệm” tại hai ngân hàng lớn tại Việt Nam rất có thể bắt đầu cho những biến cố dây chuyền nghiêm trọng hơn.
@NguoiViet

————————————–

Tân Chủ tịch 34 tuổi ngân hàng ACB là ai?

Nhiều người tò mò muốn biết tân chủ tịch 34 tuổi của ngân hàng ACB Trần Hùng Huy  là “con dòng cháu giống” hay tuổi trẻ tài cao?

Là người sáng lập Ngân hàng ACB nên ông Trần Mộng Hùng, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB và Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB để lại dấu ấn rất lớn trên thương trường.

Con dòng cháu giống
Ông đã tạo dựng được thương hiệu “gia đình” trong lĩnh vực ngân hàng. Tất cả các thành viên của gia đình đều đóng vai trò quan trọng tại ACB.
Và thành viên đang được chú ý nhiều nhất chính là ông Trần Hùng Huy.
Từ trước tới nay, người ta hay bàn tán về “cậu ấm” Sacombank Trầm Trọng Ngâm hay Trầm Khải Hòa của ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch Sacombank. Nhưng trong 2 ngày nay, cái tên Trần Hùng Huy mới được nhắc đến nhiều nhất.
Tân Chủ tịch 34 tuổi ngân hàng ACB là ai?
Ông Trần Hùng Huy năm nay 34 tuổi 
Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978 trong gia đình ‘danh gia vọng tộc’. Người ta biết đến ông với tư cách con của ông Trần Mộng Hùng, nhiều hơn là một lãnh đạo giỏi.
Vì bố là người có công lớn lập nên ACB nên con đường đến với ACB của ông Huy dường như được trải đầy hoa hồng. Chẳng bao lâu sau khi chinh phục được nhiều bằng cấp, ông sớm đầu quân về ACB.
Không chỉ ông Huy, các thành viên trong gia đình ông đều có sự nghiệp gắn liền với ngân hàng này. Mẹ ông, bà Đặng Thu Thủy hiện đang giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng ACB.
Trần Đặng Thu Thảo, chị gái ông Huy và Trần Minh Hoàng, em trai ông cũng là thành viên hội đồng quản trị.
Ông Huy đã chứng tỏ mình là người quan trọng trong gia đình khi nắm giữ cổ phiếu ACB nhiều nhất, thậm chí nhiều hơn cả bố với hơn 28 triệu cổ phiếu. Ông đang đứng ở vị trí 33 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Trong khi đó, ông Trần Mộng Hùng chỉ nắm giữ 16,5 triệu, bà Thủy nắm giữ 4,3 triệu cổ phiếu. Chị gái và em trai ông Huy lần lượt sở hữu 8,8 triệu và 9,5 triệu cổ phiếu.
Hiện gia đình ông Trần Hùng Huy chính thức nắm giữ hơn 68 triệu cổ phiếu (chiếm 5,3% vốn điều lệ của ACB), tương đương hơn 1.000 tỷ đồng.
Ông Trần Hùng Huy bỗng dưng được nhắc tới rất nhiều sau khi ông Trần Xuân Giá từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB. Và người thay thế là ông Trần Hùng Huy.
Trước đó, ông Huy là Phó tổng giám đốc ACB. Ông đã trở thành sự lựa chọn duy nhất cho vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị sau khi các ứng viên khác đều từ chối.
 Trong số các ứng viên tiềm năng có 4 người, gồm: ông Lương Văn Tự, bà Đặng Thu Thủy, ông Huỳnh Quang Tuấn và ông Trần Hùng Huy. Ba thành viên Hội đồng quản trị khác là người nước ngoài nên không thể trở thành Chủ tịch của ACB.

Tuổi trẻ tài cao
Nếu chỉ đọc những thông tin trên, không ít người sẽ nghĩ rằng con đường sự nghiệp rộng mở thênh thang với ông Huy chỉ đơn giản ông là quý tử của cựu Chủ tịch ACB. Nhưng thực tế không hẳn như vậy vì ông Huy vốn là người có tài.
Ông Trần Hùng Huy tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học Chapman (Hoa Kỳ) năm 2012, tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế về Chiến lược doanh nghiệp tại Đại học Golden Gate (Hoa Kỳ) năm 2011.
Trước khi chinh phục được bằng cấp cao, ông Huy tích lũy kinh nghiệm làm việc. Ông bắt đầu đặt chân vào ACB từ năm 2002, lúc vừa 24 tuổi với vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường và gắn bó với công việc này trong vòng 2 năm.
Tân Chủ tịch 34 tuổi ngân hàng ACB là ai?
Ông Trần Hùng Huy (đứng giữa) 
Tiếp đó, từ 2004 đến năm 2008, ông Huy là Giám đốc Marketing, đồng thời trở thành Thành viên Hội đồng quản trị ACB từ 2006. Đến năm 2008, ông được tin tưởng giao phó chức vị quan trọng hơn rất nhiều: Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản trị Nguồn Nhân lực ACB.
Ngoài ra, ông còn là thành viên thường trực Hội đồng quản trị ban Nhân sự, thành viên Ủy ban quản lý rủi ro.
Với việc kinh qua nhiều chức vụ quan trọng tại ACB, nhiều người tin tưởng rằng ông Huy, dù mới 34 tuổi, sẽ đủ sức giúp ACB vượt qua được giai đoạn khó khăn và đạt được các mục tiêu lớn.
ÔNg Nguyễn Thanh Toại – Phó Tổng Giám đốc ACB cho biết ông Huy đã có thời gian làm việc với ACB khá lâu, học vấn cao và đã tốt nghiệp MBA, PHD tại Mỹ  nên ông đặt niềm tin và vị lãnh đạo trẻ tuổi này.
Nhận xét về tân Chủ tịch, vị lãnh đạo cấp cao có thâm niêm công tác từ ngày đầu tại ACB nói ngắn gọn: “Dù còn ít tuổi nhưng Huy rất được”.
Bảo Linh
@VTC.VN
nguồn:http://nguoisantin.wordpress.com/2012/09/21/chu-tich-pho-chu-tich-2-ngan-hang-tu-nhiem-vi-718-ti-dong/
====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001