Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Phạm Quốc Bảo - Nhục Vinh 
Phạm Quốc Bảo 


“Nhục vinh vinh nhục đối đầu
cho ta sống trọn trước sau một đời.
Nếu toàn mạc mặt đãi bôi
thì ai trân trọng đắp bồi mãi đây? ”

- Ông có phải tên Nam không?

- …Nhìn khuôn mặt ông,tôi thấy ngờ ngợ.

- Có lẽ cũng phải trên bốn mươi năm rồi, chúng ta chưa gặp lại nhau…Hưng. Hưng ‘tốc’ đây!

- Ối! Thật không thể ngờ.

- Tôi già đến độ chẳng nhận ra được sao?

- Gớm! Làm cứ như ‘ông’ lớn hơn tôi nhiều lắm vậy…Có điều, lẽ ra chúng ta đã phải gặp lại nhau trong gần ba chục năm nay rồi chứ! Thế mà…

- Lẽ ra vậy. Nhưng từ ngày qua đây,tôi cứ chết rí mãi ở một thị trấn nhỏ vùng đông- bắc. Xin lỗi trước: Quả thật, thâm tâm tôi cũng không muốn gặp mặt bất cứ ai là bạn cũ trước Bảy Lăm.

- Nhưng còn bây giờ?

- Về hưu rồi. Con cháu thì vì công ăn việc làm và tâm tình của chúng mà tứ tán khắp nơi. Vợ tôi nhất định đòi về ở dưới Nam Cali này để được gần gũi anh chị em, họ hàng… Anh có gì bận bịu ngay bây giờ không?

- Chẳng có gì gấp cả.

- Thì mình vào cái quán kia, nhâm nhi với nhau một ly cà phê?… Sao, bạn sang năm nào?

- Sau Bẩy Lăm tôi ở tù trên năm năm, ốm xuýt chết một năm rưỡi họ mới thả ra. Rồi gặp may, chỉ vài tháng sau là vượt biển thoát. Sang đây và định cư tại vùng này luôn từ giữa 81 đến giờ.

- Việc làm ăn vẫn ổn chứ?

- Ðại khái là sống được: Về hưu trên một năm nay rồi nhưng may mắn là hiện vẫn còn được làm bốn tiếng mỗi ngày, thêm chút ít chi dụng hằng tháng, lại có cơ hội hoạt động đều đặn hằng ngày, cho thể xác đỡ lười biếng mà tâm trí bớt phải bấn bíu vẩn vơ.

- Tôi cũng vậy: Làm việc thiện nguyện, tuần mấy ngày và mỗi ngày vài giờ.

- Việc thiện nguyện của cộng đồng à?

- Không. Thiện nguyện chuyên môn cho hãng của Mỹ… Mà này. Anh vừa nói đến cộng đồng… Nhưng mới gặp lại nhau, đã vội hỏi han vào chi tiết thì hơi kỳ.T uy nhiên, vì đang nôn nóng trong lòng và cũng cậy vào tình thân cũ từ thời đầu 1960, tôi có thắc mắc điểm này. Nếu có gì khiến cho anh không vừa lòng lắm, xin bỏ qua cho.

- Ðược rồi. Chúng mình đã vốn quý thuở học trò với nhau. Hơn nữa,về già thì tình bằng hữu tôi lại càng thấy cần thiết hơn bao giờ.

- Thêm nữa: anh sống ngay tại đây lâu rồi thì chắc thông suốt hơn tôi nhiều… Ðiều tôi muốn hiểu rằng khi đề cập đến bất cứ ai có chút tiếng tăm, trước đây hay hiện giờ, là người ta hầu hết đều tỏ ra chỉ muốn bươi móc để chê bai, để bêu rếu. Tại sao vậy?

- Mới chân ướt chân ráo sang bên đây tái định cư, gặp phải hiện tượng này, anh chắc thấy hơi ngán ngẩm chứ gì?

- E ngại thì đúng hơn.

- Ðã từ lâu, bạn hữu sống ở những tiểu bang xa về vẫn thường bầy tỏ với tôi cái cảm tưởng đại khái như ‘ông’ cả. Xem ra đúng là có nhiều tiêu cực hơn ở bề mặt sinh hoạt cộng đồng nói chung. Tuy nhiên, nhân dịp anh hỏi tôi cũng muốn trình bầy cho có lớp lang để chúng ta dễ thông hiểu một cách hợp lý và chấp nhận được. Như vầy nhá. Ðầu tiên, đây là xứ tự do, chính chúng ta đây ai cũng là những người đều đang vừa sống lại vừa phải học hỏi để tôn trọng và thực thi tự do – dân chủ – nhân quyền. Nếu đồng ý cái căn bản này,chúng ta đương nhiên phải chấp nhận ý kiến của bất cứ ai khác, cho dù những ý kiến ấy trái ngược hẳn lại với chủ kiến của mình.

- Nhưng đối với những ý kiến mà nội dung có tính cách mạ lỵ thì sao?

- Theo tôi, đại khái có mấy trường hợp thường gặp về những ý kiến có tính cách bêu rếu: Một là vốn mang tâm trạng uất ức dồn nén từ quãng đời quá khứ của từng cá nhân một mà gặp dịp là họ nói năng vung vãi, cho hả. Hai là xuất phát từ tâm lý muốn ‘làm nổi’, họ phát biểu lung tung nên lộ rõ căn bản thiếu hiểu biết chín chắn của chính cá nhân họ. Ba là những người‘ thừa nước đục thả câu’, họ nêu ý kiến vì sẵn có ẩn ý hay bị chi phối bởi một mục đích riêng, nhằm gây ‘hoả mù’ dư luận. Khi phân biệt và xếp loại được vậy là chúng ta dễ dàng bình tĩnh có nhận định chính xác ngay(1).

- Anh dẫn giải có lý…Nhưng rõ rệt là tôi thấy số lượng ý kiến có tính cách bêu rếu vẫn trội hơn hẳn.

- Ðúng như vậy.Và như thế ít nhất có nghĩa là phía có ý kiến đúng đắn bị ‘lép vế’, không đủ khả năng tạo thế cân bằng cho dư luận.

- Ồ…Không ngờ mới được gặp lại nhau mà anh đã giải toả phần nào cho cái khúc mắc này. Hẳn là anh đã có suy nghĩ kỹ từ trước rồi.

- Ai cũng có thể suy nghĩ chín chắn được cả. Nhưng tôi cho là vấn đề ở chỗ suy nghĩ theo chiều hướng nào, với mục đích gì.

- Phải. Thật tình, tôi thú vị và muốn gặp anh lại, càng sớm càng tốt. Vì có một số ấm ức mà cả mấy chục năm nay tôi tự mình không giải toả nổi.

- Chẳng gặp được nhau thì thôi, chứ đã gặp được rồi thì phải gặp dài dài, không thì trễ mất. Chúng ta đang về già cả rồi, mau quên lắm!

- Tuần sau, được không?

- Sao không! Trao đổi số phôn đi,rồi thủng thẳng hẹn lại cho chắc ăn.


*

- Quán này tương đối sạch sẽ, yên tĩnh. Hai đứa mình ăn sáng với nhau, thủng thẳng chuyện trò.

- Này, tôi hỏi thật nhá: Sang được đây cả trên ba mươi lăm năm nay rồi mà sao cậu lại trốn biệt luôn. Thỉnh thoảng gặp bạn cũ thời trung học, ai cũng bặt tin của cậu cả. Cứ tưởng là…

- Tôi đã mất hút trên cõi đời này rồi. Phải không?

- Thì đại khái bằng hữu đều nghĩ vậy.

- Anh cứ thử tưởng tượng xem: Trưa ba mươi tháng Tư, đang lênh đênh trên biển Ðông mênh mông, nghe thấy lệnh đầu hàng ở SàiGòn loan qua làn sóng vang vang, ai nấy đều lặng người đi. Thế rồi tầu cập vào Subic Bay, hải cảng Mỹ thuê dài hạn của Phi Luật Tân, hát bài Quốc ca lần cuối trong nước mắt để hạ lá cờ vàng ba sọc đỏ xuống, mới được bước ra đất đảo. Cái tâm trạng tủi nhục ấy đã hun hút dính theo tôi từ đó cho đến giờ, không hề nguôi ngoai…





- Và cứ thế, cậu sống lẩn mãi vào trong cái xã hội Mỹ mênh mông?

- Rồi đến nay, vì hoàn cảnh gia đình, tôi mới bất đắc dĩ dọn về để cư ngụ trong khu vực dân cư tập trung nhất của cộng đồng Mỹ gốc Việt, là đây…

- Còn tôi, tôi ở lại đi tù thì có khác gì cậu đâu. Ðó là thời gian một hai năm đầu lặn ngụp trong nhục nhã, từ chuyện đói rét triền miên ám ảnh đến những hành hạ tâm trí hằng ngày. Nhưng may mắn là sau đó chính con người mình dần dần tỉnh trí lại, và thực tế cuộc sống đã đánh thức nhận định của mình. Tôi mới vỡ nghĩa ra rằng cá nhân mình, gia đình mình và ngoài xã hội suốt hai mươi năm Miền Nam của mình cái gì cũng đều đã phát triển hơn họ cả. Mình thua họ chỉ vì cái thế chiến lược quốc tế nó xếp đặt với nhau như vậy, nó vượt khỏi sức lực đề kháng của dân miền Nam lúc đó, và vì con người của miền Nam mình xưa nay vốn sẵn không thể tàn nhẫn vô nhân như họ được… Ngoài ra, mình còn thấu hiểu thêm được rằng dân Miền Nam sau 75 mới khốn khó, chứ trên hai muơi năm trước đó hầu hết dân chúng Miền Bắc đã phải khốn đốn triền miên hơn thế rồi!.. Và nếu cứ như xã hội đang vận hành bây giờ ở trong nước thì cả dân tộc Việt Nam phải chịu khốn nạn mãi, cho đến khi mất luôn nòi giống!

- Cho nên người ta mới tìm đủ mọi cách rời khỏi nước?

- Ðúng.

- Thế mà ra đuợc ngoài này rồi, cộng đồng người Việt ta trên ba mươi lăm năm nay đầu óc chả khá gì hơn xưa.

- Ðầu óc muốn khá ra thì cũng phải tích cực dài hạn mà học hỏi, cũng phải tự mình biến đổi lấy mình, theo chiều hướng muốn mình phải đoàng hoàng hơn,trong bối cảnh tiến bộ chung của xã hội ngoài này chứ.

- Với mục tiêu như thế thì tôi thấy từ mốc điểm Ba mươi tháng Tư 75 tới giờ là trên 35 năm rồi, đầu óc chúng ta chả tiến bộ được bao nhiêu.

- Rời khỏi đất nước, với hai bàn tay trắng và mọi thứ đều phải bắt đầu lại từ số không. Như vậy theo anh, ta phải làm gì trước tiên?

- Dĩ nhiên là phải đâm đầu vào kiếm sống trước nhất!

- Hẳn vậy. Và cho đến ngày nay, cơm ăn áo mặc đã thư thả rồi, vấn đề tái định cư tạm ổn rồi thì.. thì làm gì nữa?

- Chắc anh muốn nói ‘phú chi’ rồi mới đến ‘giáo chi’?

- Xin lỗi bạn, tôi thường suy xét từ thực tế: Ðói rã họng thì việc trước hết là phải kiếm gì bỏ vào bụng cái đã. Sau rồi mới thong thả nhìn ngó chung quanh, học hỏi và suy nghĩ chứ… Thực tế này cũng phù hợp với nhu cầu, mỗi lúc một rõ ra, của chúng ta ở ngoài này: Chỉ khi có sự hiện diện lớn mạnh những cộng đồng gốc Việt ngoài nước hỗ trợ và tác động hữu hiệu thì dân Việt trong nước lúc ấy mới vững lòng tạo cơ hội và thúc đẩy người ta tích cực tìm ra được con đường trường tồn mới cho dân tộc trong tương lai.

- Nói như vậy tức là anh mặc nhiên đồng ý với cái trò chỉ thích mạ lỵ người khác đang diễn ra ở cộng đồng này, hiện nay?

- Theo tôi nghĩ, cậu nên phân biệt cho rõ: Ðấy là mấy hiện tượng thiếu thận trọng,chỉ đưa đến tác dụng bêu rếu cộng đồng, bên cạnh những hoạt động tích cực xây dựng của cộng đồng.

- Chứng cớ ở đâu mà anh có thể khẳng quyết là vậy?

- Cộng đồng nào mà chả bao gồm những ý tố tích cực lẫn tiêu cực. Có điều dân cư của cộng đồng ấy có biết tìm cách phát triển những ý tố tích cực, đồng thời làm thui chột đi những ý tố tiêu cực của cộng đồng mình hay không… Và cậu có biết được cộng đồng di dân nào ở lịch sử xã hội Mỹ này mà trong ba mươi lăm năm lại xây dựng và phát triển mọi mặt nhanh chóng được như cộng đồng gốc Việt hiện nay chăng?

- Ờ. Về điểm này, trong nhất thời tôi cũng phải đồng ý với anh…

- Cộng đồng nào mà chẳng thường xuyên xẩy ra những lộn xộn, trở ngại, sai sót. Anh chỉ ra cho tôi đi! Vấn đề là chúng ta có dám thẳng thắn vạch trần ra được những lộn xộn trở ngại ấy, một cách chi tiết ngọn nguồn, để mà tự tìm được phương cách điều chỉnh và sửa chữa. Hay là chúng ta chỉ chủ tâm kể lể để chê trách dè bỉu khinh bỉ người khác mà thôi?

- Rồi. Bây giờ lấy sự kiện cụ thể, như lần bầu cử bán kỳ(2), thứ Ba, ngày mùng 2 tháng 11, cá nhân anh nghĩ sao?

- Chắc cậu muốn nói rằng có nhiều ứng viên gốc Việt, nhiều hẳn hơn trước đây, nhưng số lượng đắc cử lại khá khiêm nhường?

- Là vậy.

- Nhận xét tổng quát, và trong nhất thời, của cá nhân tôi thì đầu tiên là chưa bao giờ lại nhiều ứng viên trẻ, hầu hết thuộc thế hệ một rưỡi và hai của cộng đồng gốc Việt, đến như vậy. Tức là nhân cuộc bầu cử bán kỳ này,hai thế hệ này bầy tỏ sự tự tin và muốn chứng tỏ sức mạnh của họ trên bước đường xông vào sinh hoạt chính trị chính dòng của xã hội Mỹ. Hai nữa, mặc dù tỷ lệ đi bầu của dân cư gốc Việt vẫn còn khiêm nhường nhưng hầu hết cử tri gốc Việt đã thêm nhiều người có tư thế độc lập, tỏ ra khá sáng suốt và nghiêm chỉnh khi quyết định bằng lá phiếu của họ. Ðây là hai điểm đáng mừng.

- Nhưng sao đa số lại thất cử ?(3)

- Theo tôi, thất cử là do sự chuẩn bị chưa đúng mức cần và đủ của họ về tư thế, về bề dày hoạt động cụ thể hữu hiệu trong quá khứ cho nhu cầu của dân cư ở địa hạt bầu cử. Họ còn yếu kém về hiểu chính xác cử trị của họ, về tính chuyên nghiệp hoạt động chính trị trong xã hội Mỹ; họ thủ đắc những trò ‘ma giáo’ hơn là đường lối tranh cử đường hoàng mà khôn ngoan. Nói chung, chính đa số chúng ta còn chưa cởi mở đủ về nếp sinh hoạt dân chủ của xã hội này.

- Cộng đồng ta thất bại rõ…

- Xin phép. Cách phát biểu kiểu chọc giận của cậu vừa không rõ rệt mà lại vừa khiến cho người nghe dễ hiểu lầm là cậu chỉ muốn khơi khơi chỉ trích một cách bá vơ. Tôi nói thẳng, vì tôi biết cậu không để bụng giận gì tôi.

- Ðúng rồi. Nhưng ý của cậu thì sao?

- Tôi cho rằng các cụ ta xưa nay nói rất đúng, trong trường hợp này: Thất bại là mẹ thành công. Có nghĩa là yếu kém của các ứng viên lẫn của cử tri gốc Việt lộ ra ở lần bầu cử bán kỳ này nếu được xem như những bài học, thì chúng ta phải chịu khó phân tích để biết thật rõ đến ngọn nguồn những thiếu sót của chính mình mà tìm cách điều chỉnh và chuẩn bị kỹ hơn nữa.Nếu được như vậy, tôi nghĩ trong mùa bầu cử chính vào hai năm nữa, chắc kết quả sẽ phải khá hơn.


*

- Cảm ơn sự kiên nhẫn thông cảm của bạn, trong khi nói chuyện với tôi. Nhưng có lẽ bạn cũng cảm thấy rằng cách phát biểu của tôi có chiều hướng như muốn dè bỉu người khác phải không?

- Tôi chưa dám khẳng định như vậy.

- Nhờ những lời chân thành vừa qua của bạn, tôi tự xét thấy là bản thân tôi luôn ấm ức khi đưa ra một nhận xét có vẻ gay gắt mà ‘vơ đũa cả nắm’ nào đó. Bạn có thể thẳng thắn phân tích thêm vào sâu hơn chút nữa chăng?

- Tôi cho là…cậu thực sự còn bị ám ảnh nặng bởi cái hận nhục nhã từ trên ba mươi lăm năm nay, khi cùng những người đồng cảnh ngộ hát lên bản Quốc Ca trong lúc hạ xuống lá cờ vàng ba sọc đỏ trên chiếc tầu di tản năm xưa.

- Ơ…

- Thời điểm Ba Mươi Tháng Tư, tất cả chúng ta đều mang mối hận nhục nhã đó cả…Có điều, mỗi hoàn cảnh mỗi khác.

- Thế mà xem ra bạn đã dẹp bỏ được rồi đấy?

- Thành thật mà nói, được như cậu nói, tôi hết sức mừng… Có điều, tôi nhìn lại lịch sử dân tộc mình thì thấy rằng trên mười thế kỷ dân tộc ta bị phương Bắc liên tiếp đô hộ, thế mà sau đó với các nhà Ngô – Ðinh – Tiền Lê – Hậu Lý – Trần.. các triều đại này đã xác lập được nền tự chủ cho gần mười thế kỷ kế tiếp là nhờ ở đâu? Nhờ ở rất nhiều ý tố quật cường của dân Việt.

Chẳng hạn như suốt thời kỳ ấy, đã có liên tục không biết bao nhiêu những cuộc vùng dậy đòi độc lập của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phùng Hưng Bố Cái Ðại Vương, Lý Bôn, Lý Phật Tử, Triệu Quang Phục Dạ Trạch Vương, Mai Hắc Ðế, Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ…(4) Chẳng hạn như nước Việt ta thuở ấy hiện diện song song với chữ và tiếng Trung Hoa bị bó buộc sử dụng, tiếng Việt vẫn được dân ta ăn nói thường ngày và phổ cập rộng khắp trong dân gian bằng những ca dao-tục ngữ và truyện cổ tích, bằng mọi hình thái của văn chương truyền khẩu như hát ru, hát rong, hát xẩm, các điệu hò, quan họ, ca kịch…Vì thế đến thời độc lập sau này, cái vốn tiếng Việt sẵn có ấy, cái nếp quật cường kia mới đủ sức thúc đẩy giới trí thức chịu khó sáng tác ra chữ Nôm (hình thành từ gốc là chữ viết Trung Hoa). Rồi khi mấy vị linh mục ngoại quốc đến truyền đạo Thiên Chúa giáo dựa vào mẫu tự La Tinh mà phiên âm tiếng Việt,viết thành kinh thánh để cho lớp giáo dân tân tòng đọc, từ thế kỷ thứ 16. Cái chữ Việt viết theo mẫu tự La tinh ấy cứ thế mà loan truyền, cứ thế mà biến đổi, điều chỉnh và phát triển mãi. Cho đến khi người Pháp sang xâm chiếm nước ta vào giữa thế kỷ19, họ thiết lập nền tảng đô hộ, trong đó có cả sự kiện bãi bỏ các kỳ thi Nho học và chính thức hoá cho việc sử dụng chữ Việt viết theo mẫu tự La tinh ở khắp nước, vào cuối thế kỷ19 đầu thế kỷ 20. Loại chữ này thành chữ Quốc ngữ được sử dụng rộng khắp và liên tục phát triển cho đến tận bây giờ…

Tóm lại, những điểm chính yếu và căn bản nhất mà tôi có thể thổ lộ ra đây với cậu. Và lẽ dĩ nhiên còn nhiều ý tố khác nữa, nhưng trong nhất thời chúng ta chưa soi rọi đủ để mà thấy hết được … Nghĩa là muốn lấy lại được độc lập khi có điều kiện thì trên một ngàn năm bị Bắc thuộc, tổ tiên chúng ta đã phải kiên trì nuôi dưỡng mầm tự chủ và luôn phát triển cho bằng được, bằng đủ mọi cách, để liên tục tạo thành cái nếp sống văn hoá riêng biệt của dân tộc. Nghĩa là ông cha tổ tiên ta đã nghiền ngẫm và nghiền nát nỗi nhục hận bị đô hộ cho nó tiêu hoá đi trong nỗ lực xây dựng cái nền móng tự chủ, chủ động tìm đến vinh quang khi có thể vùng đứng dậy thành công, đòi lại được hình thức độc lập dân tộc. Nghĩa là nhờ vào cái nhục của cả nghìn năm Bắc thuộc đó, tổ tiên chúng ta mới kiếm ra đuợc cái vinh độc lập cho dân tộc, là vì biết biến cái nhục thành cái vinh một cách xứng đáng. Tôi cho,Việt tức là vượt. Ít nhất lịch sử dân tộc Việt ta đã thủ đắc được tính chất cốt lõi ấy.

- Thế còn bây giờ?

- Bây giờ, trong bước tiến bộ chung của nhân loại, dân tộc ta với biến cố Tháng Tư 1975 dù muốn hay không thì cũng đã phải bước sang một thế sống còn mới.Nhờ vào những điều kiện sống mới có trong hoàn cảnh hiện nay của dân tộc, chúng ta lại bắt buộc phải nỗ lực tìm cho ra đựơc những khả năng mới của dòng giống Việt. Chúng ta có nối gót tổ tiên, bằng cách thực hiện đựơc nội dung ý nghĩa ‘vượt’ hay không, là vấn đề của chung chúng ta hiện nay.

- Chẳng hạn?

- Mỗi người trong chúng ta, mỗi tập thể, mỗi cộng đồng gốc Việt đều có thể nhìn ra được những khả năng mới ấy.

- Bạn nói mông lung quá, làm tôi hoang mang, mất định hướng.

- Xin lỗi. Tôi chia xẻ với cậu, mà chẳng qua chỉ có thể đề cập được một đôi điều ‘nhìn ngắm’ của riêng mình.

- Bạn nhìn thấy những gì?

- Thực ra tôi nhìn thấy khá nhiều điều. Nhưng vẫn còn rất nhiều chỗ cần được từ tốn suy nghĩ sâu rộng để bổ túc lại.

- Bạn cứ nói ra đi.Chắc chắn là rất có ích, ít nhất là đủ khiến tôi lên tinh thần trước đã.

- Tôi chỉ muốn thổ lộ: Sau vài năm đầu tâm tư còn bối rối trong tù, tôi dần dần tỉnh trí và nhận rõ ra
rằng về mọi phương diện, từ căn bản học thức- hiểu biết lẫn nếp sinh hoạt- làm vịêc thì bọn tù miền Nam của mình đều hơn xa hẳn đội ngũ những người cai quản mình. Nghĩa là tóm lại họ đúng lẽ ra nên học hỏi ở chúng ta, hơn là chúng ta phải học hỏi ở họ. Thế mà trên thực tế, họ đã ‘cả vú lấp miệng em’ áp đặt những cái đầy sai lạc cho bọn tù chúng tôi. Nghĩa là họ và mình là hai xã hội sống và theo đuổi hai hệ thống giá trị khác biệt hẳn nhau. Thế mà họ cứ đinh ninh rằng họ phải ‘hướng dẫn’ và ‘dạy dỗ’ chúng tôi rập theo một khuôn mẫu ‘tuyệt đối hoàn thiện’ mà họ đang nhắm mắt làm theo. Họ chẳng hiểu là cái khuôn mẫu tuyệt đối hoàn thiện đó chỉ có trong ảo tưởng mà thôi! Trong khi ấy, trên thực tế hằng ngày chứng minh hiển hiện ra trước mắt là cả họï (lớp người cai tù) lẫn bọn mình ở tù đều đói khổ như nhau, đều quay quắt như nhau, trong cái hũ nút, trên cái bánh vẽ! Nghĩa là cả hai cùng bị lừa như nhau, cả hai đều đáng được cứu vớt như nhau! Mà ai có khả năng cứu vớt được chúng ta? Lịch sử dân tộc, nhất là sử Việt cận và hiện đại cho thấy rõ rằng kẻ có thể cứu vớt ấy không thể là ai khác, ngoài chính chúng ta!

- Kỳ lạ nhỉ!

- Thế đấy! Và cứ thế tôi nhẩn nha cứu xét lại: Xã hội miền Nam dưới chế độ VNCH trước 75 đương nhiên là quá nhiều thứ xấu xa của một xã hội đang nỗ lực gột rửa những nếp sống phong kiến – quân chủ, nhưng ngược lại,trong khi phải chịu đựng chống đỡ một cuộc chiến tự vệ mà còn xây dựng được căn bản cái xã hội bước đầu chập chững của dân chủ – tự do, với bốn hệ thống phát triển sao cho phổ cập khắp miền Nam Việt Nam thời bấy giờ: Giáo dục công tư phổ thông từ cấp vườn trẻ mẫu giáo lên đến đại học; y tế quốc dân từ y – nha – dược tá lên tới y – nha – dược sĩ các cấp, từ thị thành về tới nông thôn; quản trị hành chánh từ thư ký lên đến cấp trưởng các ngành sinh hoạt trong xã hội, từ quản trị phường khóm lên đến tỉnh thành, đâu vào đó; và cuối cùng là cái nếp đạo đức sống và giao tế của người dân cư trú bất cứ một nơi chốn nào trong lãnh thổ miền Nam ấy.

Trong khi đó ở miền Bắc, cũng hai mươi năm ấy, họ thiết lập một hệ thống xã hội khác hẳn, từ độc tài đảng trị với lý tưởng ảo là kháng chiến chống ngoại xâm Mỹ – Nguỵ, khiến dân chúng cứ thế mà sống khốn cùng trong cái tâm lý hai mặt tồn tại lừa đảo lẫn nhau một cách bệnh hoạn thành nếp, thành một xã hội con người sống trong đó chỉ như con vật phản xạ vô điều kiện. Họ cần phải có đủ điều kiện và cơ may để tự mình thức tỉnh mà tự cứu lấy họ.

- Cậu nghĩ vậy sao?

- Thì thế! Ra sống ở ngoài này gần ba mươi năm nay, tôi rút ra được kinh nghiệm là thế hệ di tản thứ nhất của nguời gốc Việt đã nỗ lực xây dựng một cộng đồng lớn mạnh đến như ngày nay thì đầu tiên, chúng ta phải biết hãnh diện vào những thành quả mà chúng ta đã đạt được. Ngay cả đến cái nỗ lực cứu trợ thân nhân và đồng bào khốn khó trong nước suốt ba mươi lăm năm nay đều phát xuất từ tính chất nhân đạo mà chúng ta lại vẫn thường ‘gấu ó’ nhau nhưng rõ rệt không ai dứt khoát ngã ngũ được cả.

Ðồng thời phải công nhận là các cộng đồng gốc Việt chúng ta đã và đang là sức sống bổ túc cho cộng đồng Việt trong nước,ở những khả năng sống còn của dân tộc trong con đường tồn tại mới trong tương lai về kiến thức hiểu biết, cũng như về nếp sống tôn trọng những nguyên tắc tự do – dân chủ – nhân quyền, những tiêu chuẩn đạo đức sống mở ra với bước tiến bộ của loài người nói chung.

- Nhưng sao vẫn còn tồn đọng quá nhiều trở ngại trì níu…

- Ðó là phương diện tiêu cực, mà vì tâm tư vẫn còn mắc dính với cái mối nhục hận xưa cũ khiến chúng ta chưa thực sự hoàn toàn cởi mở được chính con người của mình để thênh thang nhẹ nhõm tiến về phía trước.

- Và kết quả cuộc bầu cử..

- Trên mười năm nay,mỗi lúc thế hệ một rưỡi và hai tỵ nạn đã và đang dần dần thay thế chúng ta ở mọi ngành sinh hoạt của cộng đồng. Cho nên cái thành tựu phần nào giới hạn của kết quả bầu cử bán kỳ vừa qua là thể hiện sự thiếu chuẩn bị cần và đủ của họ. Chính họ cần phải phân tích cho kỹ để mà điều chỉnh kịp thời cho kỳ bầu cử chính hai năm sắp tới đây.

- Còn trách nhiệm của lớp già chúng ta vẫn có chứ?

- Sao không! Tuy nhiên cũng đừng cứ đòi ‘chèo chống’ dùm họ. Họ thực sự chẳng cần mình lắm đâu! Vả chăng phải để họ có làm có hưởng thì có chịu, giá trị điều chỉnh của chính họ mới thoả đáng. Bây giờ là thời thế của họ mà!

- Mấy anh già sáu bẩy mươi tuổi trở lên tụi mình thực sự nên về hưu cả sao?

- Ấy. Lớp anh già cứ mở miệng ra là bảo tôi hưu trí rồi.Thực tế cho thấy, chính tâm lý già lại hay sốt nóng hơn bất cứ lớp tuổi nào khác, cứ thích nhẩy xổ vào việc của người ta, rồi bô bô lên rằng làm gâm gấp lên chứ, đến khi không còn tôi nữa thì lấy ai ra đây để mà ‘chỉ bảo’ cho mấy anh! Ðấy. Mấy anh già vẫn không thực sự biết và sống như đúng cái tuổi của mình, cứ cố chơi trò ‘độc đoán’, quen tật ‘ăn trên ngồi chốc’, khó mà cởi bỏ đi được lắm.

- Thế ta chọn thái độ đứng ngoài à?

- Ta già ví như con dao phay, sử dụng cách gì cũng đuợc.Miễn là làm sao trong giới hạn sức khoẻ cho phép, và tuỳ theo chuyên môn mà trợ giúp thôi. Ðiểm quan trọng là mình có thực sự biết người ta cần ở mình cái gì.


*

- Cũng như câu chuyện tâm sự ngày hôm nay, bạn trợ giúp cho tôi khá sâu xa đấy.

- Bạn ơi. Tụi mình thân thiết cũ gặp nhau, vui vầy chia xẻ với nhau là chính, nói chi chuyện giúp đỡ. May mà cậu còn thẳng thắn tâm sự, tôi đỡ khổ, chứ không lại mang tiếng ‘dạy đời’. Sướng ích gì!

- Tình thật: Bạn ‘mở mắt’ cho tôi mấy điểm quan trọng lắm.

- Cậu có còn nhớ: Hồi xưa cùng học, cậu thường xuyên chỉ cho tôi môn toán đấy sao?

- Thời đó tôi giỏi Toán nhất lớp. Không biết sao bây giờ tôi lại bị u mê ám chướng hơn cậu xa.

- Riêng cá nhân thì tôi thấy, có lẽ nhờ mấy chục năm nay cuộc sống cứ bị dồn mãi vào chân tường, tôi phải cố công suy tư mà vỡ nghĩa ra được vài phần.

- Hiểu được như cậu, tôi thấy sống nhẹ nhõm hẳn.

- Ấy. Cân nặng cơ thể của bọn già chúng ta bắt buộc phải ‘nhẹ nhõm’ hơn hồi xuân trẻ chứ!

- Ha. Ha. Phải vậy, phải vậy!

- Ðùa với cậu một câu, cho giảm căng thẳng đấy thôi.

- Nhưng cậu đùa mà vẫn đúng: Muốn sống thoải mái, theo tôi, phải luôn tự sửa mình, ăn ít đi, tập thể dục hít thở thường ngày và ngủ say khá hơn trước mới khá được. Nói tóm lại, dù đã lớn tuổi nhưng trên bước đường thăng tiến, hãy sống trọn vẹn, thưởng thức trọn vẹn từng hoàn cảnh sống của mình.

- Và cuối cùng, vẫn là phải biết đùa cợt, cậu ạ.

Phạm Quốc Bảo



Chú thích:
(1) Xin đọc thêm Bài viết ko có tựa của Joyce Anne Nguyen đã đăng trong BNS QUÁNVĂN số 156 ra ngày thứ Tư 10 tháng11.2010, trên NVOnline ; www.người-việt.com.
(2) Cuộc bầu cử bán kỳ (bầu cử giữa kỳ, midterm election).
(3) Số ứng viên gốc Việt trên toàn nước Mỹ độ 31, so với dân số gốc Việt độ trên 2 triệu thì quá ít; riêng tại địa phương Quận Cam là 19, đắc cử 7 cho đủ mọi chức vụ: Tỷ lệ được gần 30% thì so ra, không phải là ít! Ðặc biệt sau lần bầu cử bán kỳ này cộng đồng gốc Việt trên toàn nước Mỹ không còn ghế dân biểu liên bang nữa, dân biểu tiểu bang chỉ còn 1 (ông Hubert VÕ bên Houston,Texas) so với 2 trước đây;tức là một bước lùi đáng kể.. Nhưng được cái vẫn đạt 3 trên tổng cộng 5 ghế Nghị viên thành phố Westminster, Little Sàigòn. Ðấy là chưa bàn sâu vào những ý tố thuộc đảng (Cộng Hoà, Dân Chủ), tỷ lệ cử tri gốc Việt độc lập… thay đổi nhiều so với các lần bầu cử trước đây.
(4) Theo Việt Sử Toàn Thư của Pham Văn Sơn, Thư Lâm Ấn Quán, 15-07-1960, Tủ sách Sử học của Ðại Nam tái xuất bản tại hải ngoại: Từ năm 207 trước Tây lịch đến năm 939 sau TL, dân Việt bị phương Bắc đô hộ liên tục bốn năm lần cả thảy.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/09/pham-quoc-bao-nhuc-vinh.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001