Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Toàn thế giới nên biết về 'Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông' (Bài 1) 

Ra mắt chưa đầy 1 tháng, cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” đã thực sự gây “sốt” với giới học thuật trong và ngoài nước, ngay cả với học giả Trung Quốc về Biển Đông.
Trong khi học giả và bạn trẻ Việt Nam trong ngoài nước đều cảm thấy được khích lệ và mong muốn được có trong tay cuốn sách quý giá này, thì đối với Trung Quốc, đây là cuốn sách nói đúng “tim đen” của họ khiến nhiều học giả Trung Quốc “lao xao” dùng "luận điệu cũ kỹ” để phản đối.
Toàn thế giới nên biết về 'Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông' (Bài 1)
Cuốn sách đang gây chú ý của dư luận trong nước và quốc tế xung quanh vấn đề Biển Đông
“‘Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông’ là một bước đi vững chắc”
Đó là quan điểm của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, học giả Việt Nam ở nước ngoài khi nói về cuốn sách này. Ông cho biết: “Quyển sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông tôi chưa đọc, nhưng qua những lời giới thiệu, kể cả phỏng vấn với ông chủ biên thì tôi thấy đây là một bước đi vững chắc. Có bước đi đầu vững chắc thì nên tiếp tục làm như vậy. Một nước nhỏ như Việt Nam cần làm việc đàng hoàng chứng minh cho người ta biết mình làm việc đàng hoàng, có tình, có lý, bởi vì thật ra vấn đề này không chỉ là vấn đề nghiên cứu (thuần túy) mà là nghiên cứu để cung cấp tài liệu cho việc tranh đấu, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, bảo vệ an ninh trong khu vực. Và như thế, phải chứng minh cho thế giới biết là người Việt Nam đàng hoàng”. Nói thêm về Giáo sư Ngô Vĩnh Long là một trong những học giả Việt kiều nổi tiếng tại Mỹ, nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ châu Á - Mỹ. Ông hiện là giáo sư giảng dạy tại khoa lịch sử trường Đại học Maine, thành phố Orono, bang Maine (Mỹ).
Do cuốn sách mới ra mắt nên nhiều độc giả nước ngoài vẫn chưa được tận mắt đọc cuốn sách này, chỉ được biết qua các bài báo giới thiệu. Tuy nhiên, nhiều học giả và bạn trẻ nước ngoài cũng đồng quan điểm với Gs Long và mong muốn cuốn sách được đưa đến tay người Việt trong nước và nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế.
“Mong muốn sách đến tay nhiều người hơn”
Người dân Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ, rất háo hức muốn đọc cuốn sách này. Nhiều bạn trẻ ở trường học đã truyền tay nhau đọc ngay từ lần ra mắt đầu tiên của cuốn sách và tìm mua lại bằng được. Theo chủ biên TS Trần Công Trục, mới ra mắt chưa được 1 tháng nhưng hiện nay cuốn sách đã được NXB Thông tin và Truyền thông tái bản đến lần thứ 2, và mỗi lần in như vậy đều nhanh chóng bán hết. Điều này chứng tỏ người dân và các học giả đều rất quan tâm đến cuốn sách này. Anh Lê Đức Bắc (Sinh viên VB2, Trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi mới được học về Công pháp Quốc tế, những điều căn bản về Luật Biển quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 đã được thể hiện rất rõ trong cuốn sách này. Đọc cuốn sách này, bản thân những người học luật như chúng tôi không những nắm rõ hơn luật pháp quốc tế mà còn nhìn thấy rõ sự chính nghĩa, sự hợp pháp của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Tôi mong muốn cuốn sách này được dịch ra tiếng Trung, Tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác để khi gặp các bạn bè quốc tế, nhất là bạn bè Trung Quốc, tôi sẽ nói: ‘Muốn biết chính nghĩa của Việt Nam về Biển Đông thế nào hãy đọc Dấu ấn Việt nam trên Biển Đông’”.
Cùng chung mong muốn cuốn sách được đến tay nhiều người Việt yêu nước và cộng đồng quốc tế, bạn Phạm Bích Hà (76 Huỳnh Thúc Kháng, Tam Kỳ, Quảng Nam) đã viết thư gửi cho tác giả: “Sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” nên cho dịch 2 thứ tiếng Anh và Trung, phát hành rộng rãi trên thế giới. Đặc biệt phát miễn phí cho Hội Việt Kiều đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc để người Việt Nam chứng minh cho người Trung Quốc biết về sự thật này, cũng như Hội Hoa kiều trên thế giới. Thông qua đây là nơi tuyên truyền tốt cho người thân của họ biết tất cả sự thật về Hoàng Sa , Trường Sa của Việt Nam từ bao đời nay…”
Là người miền xuôi tình nguyện lên miền núi dạy học, thầy Nguyễn Trung Hà (giáo viên huyện Sìn Hồ- Lai Châu) không ngày nào không theo dõi tình hình thời sự Biển Đông. Thầy Hà cho biết: “Chúng tôi ở vùng sâu vùng xa, những nhu yếu phẩm vận chuyển đến còn rất khó khăn, nên sách mới ra tôi chưa có điều kiện cầm trên tay mà chỉ nghe giới thiệu về cuốn “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” trên các trang mạng. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận gần hơn với cuốn sách này qua báo điện tử”
Chia sẻ với Infonet, TS Trần Công Trục cho biết, ông đang có ý định dịch cuốn sách này ra tiếng Trung và tiếng Anh để cộng đồng quốc tế và người dân Trung Quốc được tiếp cận dễ dàng. Đặc biệt hơn, để đáp ứng mong mỏi của độc giả Việt Nam và người Việt ở nước ngoài được tiếp cận sớm nhất với “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, TS Trần Công Trục đã đồng ý cùng với Infonet giới thiệu một số phần quan trọng của cuốn sách. Bắt đầu từ bài thứ 2, Infonet xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả trong và ngoài nước phần trích dẫn theo các chủ đề sau: Những “dấu ấn” đầu tiên của Việt Nam trên Biển Đông; Nhìn lại những điểm mốc thời gian chiếm hữu thực sự của Việt Nam; Việt Nam đòi hỏi chủ quyền trên cơ sở chứng lý và luật pháp; Trung Quốc và những âm mưu đã “lộ tẩy” về Biển Đông; Những căn cứ “mơ hồ” của Trung Quốc về Biển Đông; Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa; Một phần Trường Sa bị Trung Quốc chiếm như thế nào; Đề xuất cho một cuộc đấu tranh chủ quyền lâu dài... Phần tiêu đề do BBT Infonet đặt.
Bài 2: Những “dấu ấn” đầu tiên của Việt Nam trên Biển Đông
Hồng Chuyên
nguồn:http://infonet.vn/bien-dao-vn/toan-the-gioi-nen-biet-ve-dau-an-viet-nam-tren-bien-dong-bai-1/a27996.html
===================================================================
Những “dấu ấn” đầu tiên của Việt Nam trên Biển Đông (Bài 2)

Sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, Chủ biên Ts Trần Công Trục, khẳng định Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục, hòa bình, ít nhất là từ thế kỉ XVII.
LTS: Nhằm đáp ứng mong mỏi của học giả, độc giả trong và ngoài nước muốn tiếp cận gần hơn với cuốn sách, nhằm chỉ rõ những “phản bác vô lý”, “luận điệu cũ kỹ” của học giả Trung Quốc gần đây, được sự đồng ý của chủ biên TS. Trần Công Trục, Báo điện tử Infonet khởi đăng loạt bài trích dẫn một số thông tin từ cuốn “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”.

"Sử Việt Nam và sử Trung Quốc đều ghi nhận về Hải đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải của Đại Việt"
Suốt trong ba thế kỷ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức của Nhà nước, đội Hoàng sa và đội Bắc Hải, là bằng chứng hùng hồn về sự xác lập chủ quyền của Đại Việt ở Đàng Trong đối với Hoàng Sa.
Đội Hoàng Sa ra đời ở cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Sử sách Việt Nam và cả ở Trung Quốc đều chép đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn. Hải ngoại Kỷ sự (Trung Quốc) viết năm 1696, chép thời Quốc Vương trước đã có những hoạt động của đội Hoàng Sa và Phủ biên tạp lục viết năm 1776, chép ‘Tiền Nguyễn Thị’. Đại Nam thực lục tiền biên (1821) chép ‘Quốc sơ trí Hoàng Sa’. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686), đã đề cập đến các hoạt động của đội Hoàng Sa. Phủ biên tạp lục cũng như các tài liệu khác đều cho biết đội Hoàng Sa khi trở về đất liền vào thàng tám âm lịch vào Cửa Eo hay Tư Hiền rồi nộp sản vật tại chính dinh ở Phú Xuân. Thời chúa Nguyễn Phúc Lan mới bắt đầu dời chính dinh đến Kim Long vào năm Dương Hòa đầu năm (1635) và thời chúa Nguyễn Phúc Tần mới dời qua Phú Xuân.
Những “dấu ấn” đầu tiên của Việt Nam trên Biển Đông (Bài 2)
Bìa sách Hải ngoại kỷ sự, Bản in trong tứ khố toàn thư, ghi nhận Hải đội Hoàng Sa, Hải đội Bắc Hải của Việt Nam
Như thế, chúng ta có cơ sở để kết luận đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 – 1648) hay chắc chắn từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687), bởi chính vào thời kỳ này, các thuyền của đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân.
Dù ở thời chúa Nguyễn nào thì thời điểm lập ra đội Hoàng Sa cũng chắc chắn ít ra là vào nửa đầu thế kỷ XVII, hoặc nói như sử sách, là vào đầu thời chúa Nguyễn. Đội Hoàng Sa đã hoạt động kể từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần đến hết thời kỳ chúa Nguyễn, cả thảy 7 đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi. Phong trào Tây Sơn nổi dậy, chúa Nguyễn chạy vào đất Gia Định thì đội Hoàng Sa đặt dưới tầm kiểm soát của Tây Sơn mà trong tài liệu còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh, Cù Lao Ré, đã cho biết năm 1786 Thái Đức năm thứ 9, dân Cù Lao Ré đã xin chính quyền Tây Sơn cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại. Đến những năm cuối cùng của Tây Sơn, hoạt động của đội Hoàng Sa cũng bị ảnh hưởng, nên đến khi Gia Long năm thứ hai (1803) mới cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại, Đại Nam thực lục chính biên, quyển XXII đã ghi rõ : ‘Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa’. Năm 1815, vua Gia Long sai đội Hoàng Sa đi đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa.
Hải đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải được ghi đậm dấu ấn trong nhiều sử sách thời Nguyễn
Từ năm 1816, Gia Long bắt đầu cử thuỷ quân cùng với đội Hoàng Sa, không còn giao phó hoàn toàn cho đội Hoàng Sa, lo kiểm soát, đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa trở thành tổ chức mang tính dân sự nhiều hơn. Theo truyền thống, dân Cù Lao Ré vẫn tiếp tục đi biển trong đó có vùng Hoàng Sa có nhiều sản vật quý.
Vào thời Minh Mạng, như năm 1835, vẫn thấy đội Hoàng Sa hỗ trợ thủy quân đi công tác tại Hoàng Sa với đà công (lái thuyền) và dân phu. Thời Tự Đức, người ta không thấy các biên niên sử còn chép lại các hoạt động của đội Hoàng Sa, vì theo Đại Nam thực lục, đệ tứ kỷ, chép vào đời Tự Đức, những việc thành lệ thông thường không được chép nữa mà thôi. Những hoạt động của đội Hoàng Sa cũng như thủy quân từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đã trở thành lệ thường, như đã chép trong sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ.
Ngoài ra có văn tế sống lính đội Hoàng Sa thời vua Tự Đức còn lưu lại Ở Đảo Cù Lao Ré.
Những “dấu ấn” đầu tiên của Việt Nam trên Biển Đông (Bài 2)
Văn tế dân binh Hải đội Hoàng Sa được tìm thấy ở Đảo Lý Sơn
Về lịch hoạt động ở ngoài đảo, theo những tài liệu như Dư địa chí, Hoàng Việt địa chí dư, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí, hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng ba âm lịch đến tháng tám âm lịch thì về. Riêng theo Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư hay Toản tập An Nam lộ thì lúc đi cuối Đông, không nói thời gian về; theo Phủ biên tạp lục có bản đồ thường đi vào tháng giêng âm lịch đến tháng tám thì về (Nếu lương thực mang đi có 6 tháng, từ tháng ba đến tháng tám, tức từ khoảng tháng 4 đến tháng 9 dương lịch ở Quảng Ngãi là mùa khô có gió Tây Nam rất thuận lợi cho việc đi biển, nhất là vùng Quảng Ngãi lại chỉ có bão trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (Tháng 9 dương lịch đến tháng 12 dương lịch), nhất là hai tháng 9 và 10 âm lịch. Như thế, việc chọn thời gian hoạt động trên của đội Hoàng Sa là một lựa chọn rất khôn ngoan của tiền nhân.
Những “dấu ấn” đầu tiên của Việt Nam trên Biển Đông (Bài 2)
Lế khao lề thế Hải đội Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn
Đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải có nhiệm vụ thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Ngoài ra, về sau còn đảm trách đi xem xét, đo đạc thủy trình vùng Hoàng Sa.
Riêng về nhiệm vụ do thám và bảo vệ vùng biển Hoàng Sa nhằm chống lại nạn cướp thì đơn xin phường An Vĩnh tách khỏi xã An Vĩnh ngày 01 tháng 02 năm Gia Long thứ 3 (1804) đã ghi rõ nhiệm vụ này. Ngoài ra, chức cai đội Hoàng Sa kiêm chức cai cơ Thủ ngự mà Thủ ngự lại có nhiệm vụ do thám ngoài biển. Nhiều tài liệu cho biết cai đội Hoàng Sa kiêm quản cai cơ Thủ ngự như Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ, quyển XXII ghi rõ : Võ Văn Phú được sai tái lập đội Hoàng Sa, chính khi ấy là thủ ngự cho cửa biển Sa Kỳ.
Như thế, nhiệm vụ của đội Hoàng Sa rất nặng nề, không thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm công tác xem xét, đo đạc thủy trình, do thám trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, nhất là trong các thời kỳ chúa Nguyễn và đầu nhà Nguyễn.
Đội Hoàng Sa là một tổ chức nhà nước, vừa mang tính chất dân sự vừa mang tính chất quân sự; vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý ở Biển Đông, ra đời từ đầu thời chúa Nguyễn.
Đứng đầu đội Hoàng Sa là một "cai đội", những thành viên trong đội được gọi là "lính". Đó là những quân nhân đi làm nhiệm vụ do vua ban.
Thời chúa Nguyễn mỗi năm lấy 70 suất đinh để thực hiện những nhiệm vụ của đội Hoàng Sa. Số lượng 70 suất là số lượng đặc biệt cho một đội dân binh như đội Hoàng Sa. Cũng theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã gọi những người trong đội Hoàng Sa là "dân binh", và mỗi thuyền của đội Hoàng Sa có số lượng là 10 dân binh: Năm Càn Long thứ 17 (1754) một thuyền của đội Hoàng Sa gặp bão làm cho 10 dân binh trên con thuyền đó bị nạn, hai người trôi dạt vào cảng Thanh Lan (Hải Nam), còn 8 người khác bị mất tích.
Tại xã An Vĩnh, nay thuộc thôn An Vĩnh, xã Tự Kỳ còn di tích một ngôi miếu ở cạnh cửa biển Sa Kỳ, là ngôi miếu Hoàng Sa vốn thờ bộ xương đầu cá voi (tương truyền do binh đội Hoàng Sa đưa từ Hoàng Sa về) và thờ lính Hoàng Sa, ngôi miếu này bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh và bộ xương cá voi thần linh ở miếu này được chuyển sang thờ tại lăng Thánh, ngay cạnh ngôi miếu xưa.
Tại Cù Lao Ré nay là huyện đảo Lý Sơn vẫn còn Âm Linh tự, tức miếu Hoàng Sa, ở thôn Tây, xã An (hay Lý) Vĩnh, tức phường An Vĩnh xưa và Âm Linh tự ngoài trời ở xã Lý Hải tức phường An Hải xưa. Cũng tại xã An Vĩnh và cả làng xã An Hải (cả đất liền lẫn ngoài đảo Cù Lao Ré) có tục tế đình và làm lễ khao quân tế sống để tiễn lính đội Hoàng Sa lên đường làm nhiệm vụ. Hàng năm vào ngày 20 tháng 2 âm lịch, đến ngày nay vẫn còn các nhà thờ các tộc họ, các đình làng. Trong buổi tế sống lính Hoàng Sa đó, họ làm những hình nộm bằng khung tre và giấy ngũ sắc để giả hình người và đem tế tại đình. Tế xong họ đốt đi hoặc đóng thuyền bằng thân cây chuối đặt hình nộm lên và thả trôi ra biển gọi là ‘Khao lề thế lính Hoàng Sa’ còn gọi là ‘Lễ tế sống lính Hoàng Sa’ với quan niệm các hình nộm kia sẽ gánh chịu mọi hiểm nguy, tai nạn trên biển thay cho đội Hoàng Sa và cầu mong cho người thân của họ bình an trở về. Ngày nay tại các nhà thờ tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đều có tổ chức tục lệ như thế và hiện tại gia đình các tộc họ cũng còn giữ bài văn khao thế lính Hoàng Sa vừa bằng chữ Hán vừa bằng chữ Nôm.
Với những nhiệm vụ và tổ chức hoạt động kể trên, đội Hoàng Sa thu lượm những hải vật quý lạ ở Hoàng Sa như hải sâm, ốc hoa, ốc tai voi, có chiếc lớn như chiếc chiếu, bụng có châu ngọc lớn như ngón tay trẻ em, sắc đục không bằng sắc con trai châu, song vỏ ốc có thể tách ra từng phiến, cũng có thể dùng vỏ ốc làm thành vôi; có thứ ốc xà cừ, người ta có thể dùng dát các đồ dùng; có thứ đại mạo hay đại mội, tức con đồi mồi rất lớn hay con hải ba (ba ba biển tục gọi là con trắng bông, cũng giống như con đồi mồi, nhưng nhỏ hơn).
Quan trọng nhất là các hàng hóa từ các tàu đắm mà Toản tập thiên Nam tứ chí lộ đồ thư viết rằng hàng hóa thu được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng ống. Phủ biên tạp lục thì ghi: những đồ hải vật như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vàng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, khẩu súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ.
Lê Quý Đôn hồi làm Hiệp Trấn Thuận Hóa trong Phủ biên tạp lục, có viết: Tra khảo sổ biên của cai đội Thuyền Đức Hầu (người chỉ huy đội Hoàng Sa) trong nhiều năm đã vào Phú Xuân nộp các sản vật thu lượm được từ Hoàng Sa, cụ thể như sau :
- Năm Nhâm Ngọ (1702), đội Hoàng Sa lượm được bạc 30 thoi.
- Năm Giáp Thân (1704), lượm được thiếc 5100 cân.
- Năm Ất Dậu lượm được bạc 126 thoi.
Còn từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Qúy Tỵ (1713) tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy con đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần họ chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát đá và 2 khẩu súng đồng.
Đội Hoàng Sa còn được giao nhiệm vụ kiêm quản đội Bắc Hải, một tổ chức được lập ra để thực thi nhiệm vụ trên khu vực quần đảo Trường Sa. Đội Bắc Hải được thành lập sau đội Hoàng Sa vào khoảng trước năm 1776. Địa bàn hoạt động của đội Bắc Hải chủ yếu là ở khu vực quần đảo Trường Sa, khu vực biển Côn Sơn, Hà Tiên,...
Những “dấu ấn” đầu tiên của Việt Nam trên Biển Đông (Bài 2)
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn còn vẽ các đảo trong quần đảo Hoàng Sa
Phủ biên tạp lục, quyển 2 của Lê Quý Đôn đã ghi chép về đội Bắc Hải như sau :
‘Họ Nguyễn còn thiết lập đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn người thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn người làng Cảnh Dương, lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm nhiệm vụ’.
‘Những người được bổ sung vào độ Bắc Hải đều được miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt, như tiền đi qua đồn tuần, qua đò’.
‘Những người trong đội đi thuyền câu nhỏ ra xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo thuộc vùng Hà Tiên để tìm kiếm, lượm nhặt những hạng đồi mồi, hải ba, đồn ngư (cá heo lớn), lục quý ngư, hải sâm’.
Các sử sách được viết vào thế kỷ XIX như Đại Nam thực lục tiền biên, soạn xong năm 1884, Đại Nam nhất thống chí, soạn xong năm 1882, cũng đã ghi nhận hoạt động của đội Bắc Hải.
Hồng Chuyên
(Lược trích từ sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông)

nguồn:http://infonet.vn/bien-dao-vn/nhung-dau-an-dau-tien-cua-viet-nam-tren-bien-dong-bai-2/a27998.html
=====================================================================
Nhìn lại những điểm mốc chiếm hữu thực sự của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa
(Bài 3)

Từ thế kỷ XVII, Người Việt đã liên tục khẳng định, bảo vệ, thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cho dù gặp bất cứ trở ngại, khó khăn nào.
Dấu ấn Việt Nam đầu tiên, thường xuyên, liên tục trên Hoàng Sa và Trường Sa
Sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” viết: “Sử sách Việt Nam và cả ở Trung Quốc đều chép đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn. Hải ngoại Kỷ sự (Trung Quốc) viết năm 1696, chép thời Quốc Vương trước đã có những hoạt động của đội Hoàng Sa và Phủ biên tạp lục viết năm 1776, chép ‘Tiền Nguyễn Thị’. Đại Nam thực lục tiền biên (1821) chép ‘Quốc sơ trí Hoàng Sa’. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686), đã đề cập đến các hoạt động của đội Hoàng Sa. Phủ biên tạp lục cũng như các tài liệu khác đều cho biết đội Hoàng Sa khi trở về đất liền vào thàng tám Âm lịch vào Cửa Eo hay Tư Hiền rồi nộp sản vật tại chính dinh ở Phú Xuân. Thời chúa Nguyễn Phúc Lan mới bắt đầu dời chính dinh đến Kim Long vào năm Dương Hòa đầu năm (1635) và thời chúa Nguyễn Phúc Tần mới dời qua Phú Xuân.”
“Chúng ta có cơ sở để khẳng định đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), hay chắc chắn hơn từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Bởi chính thời kỳ này, các thuyền của Đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân.”
Sang thời Tây Sơn, sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông ghi rõ: “Trong thời gian từ năm 1771 đến 1801, gần như lúc nào cũng có chiến tranh, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông, từng khu vực có lực lượng hoặc do Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh hoặc quân Tây Sơn làm chủ.”
“Chỉ trong vài năm bị đình đốn, ngày 15 tháng giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) cai hợp Hà Liễu ở phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã làm đơn xin với chính quyền Tây Sơn được lập lại hai đội Hoàng Sa và Quế Hương, sẵn sàng vượt biển ra các cù lao (đảo) ngoài biển để làm nhiệm vụ theo thông lệ và sẵn sàng ứng chiến chống kẻ xâm phạm”. Thêm một cứ liệu khác: “Năm Thái Đức thứ 9 (1786)- Niên hiệu Nguyễn Nhạc- ngày 14 tháng 2 (Âm lịch) chính quyền Tây Sơn ra quyết định sai phái Hội Đức Hầu, cai đội Hoàng Sa, cưỡi 4 chiếc thuyền vượt biển ra thẳng Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển.
Theo các tư liệu còn lưu lại cho thấy, người phụ trách dân binh với chức Thái phó, một chức quan lớn trong chiều. Chính quyền Tây Sơn còn yêu cầu các thuyền của đội Hoàng Sa phải mang biển hiệu thủy quân, song lại nhắc nhở không được lấy danh nghĩa thủy quân mà làm càn, bắt nạt dân làm muối và đánh cá.”
Nhìn lại một số điểm mốc chiếm hữu thực sự của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa (Bài 3)
Văn bản phát hiện ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế với nội dung xử lý vụ kiện giữa phường Mỹ Toàn (nay là làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ) và phường An Bằng (xã Vinh An) về việc tranh chấp một chiếc vỏ thuyền của đội Hoàng Sa dạt vào bờ biển giáp ranh giữa hai phường này. Văn bản cho thấy, năm 1760, dưới thời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) đã có cai đội Hoàng Sa chuyên trách quản lý và khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa. Bản gốc bằng chữ Hán được viết trên giấy dó.
Mặc dù tình hình đất nước thời đó xảy ra nhiều cuộc chiến tranh nhưng Chúa Nguyễn, Nhà Tây Sơn cũng không quên tiếp tục việc gìn giữ chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. "Dấu ấn" này đã mang tính công vụ Nhà nước thời bấy giờ chứ không phải hoạt động đánh cá hay thuyền buôn thông thường của người dân.
Nhà Nguyễn tiếp tục khắc đậm "dấu ấn Việt Nam" trên Biển Đông
Ngay sau khi thay thế Nhà Tây Sơn, vua Nhà Nguyễn không chỉ tập trung vào việc trị an đất nước mà còn lập lại đội Hoàng Sa. Sách Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông chỉ rõ: “Chỉ một năm sau khi lên ngôi hoàng đế, tháng 7 năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long đã cho lập lại đội Hoàng Sa. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 12 viết: “Lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự của biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”.
Nhìn lại một số điểm mốc chiếm hữu thực sự của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa (Bài 3)
Mộc bản triều Nguyễn trong sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) ghi lại Bộ công tâu lên triều đình nội dung: "Cương giới mặt biển ta có xứ Hoàng Sa rất hiểm yếu"
Tiếp nối các đời vua Nhà Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… việc duy trì Hải đội Hoàng Sa rất đều đặn. Hải đội Hoàng Sa dưới thời Nguyễn có tầm quan trọng như một lực lượng "đặc nhiệm" để bảo vệ chủ quyền. Sách viết: “Lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ xác lập và thực thi chủ quyền này là một ‘lực lượng đặc nhiệm’ gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương trong đó có dân binh đội Hoàng Sa. Kinh phái đứng đầu là thủy quân cai đội hay thủy quân chánh đội trưởng chỉ huy cùng với lực lượng thủy quân lấy trong vệ thủy quân đóng ở kinh thành hay cửa Thuận An.”
Ngăn chặn âm mưu thôn tính Hoàng Sa từ trứng nước
Theo Hiệp ước Patenôtre được ký giữa Việt Nam và Pháp, Pháp sẽ là đại diện ngoại giao cho Việt Nam. Từ thời kỳ này, chính quyền thuộc địa Pháp đã có những hành động cụ thể để củng cố, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông chỉ ra âm mưu “nhòm ngó” Hoàng Sa từ những năm 1909 của một chính quyền địa phương Quảng Đông. Thông qua bức thư của Lãnh sự Pháp Beauvais ở Quảng Châu gửi Bộ trưởng Bộ ngoại giao Pháp ngày 04.05.1909 cuốn sách đã chỉ ra những nội dung sau:
“- Do ảnh hưởng của việc Nhật chiếm Pratas, Trung Quốc muốn bắt đầu chiếm luôn quần đảo Paracel gần Hải Nam (Quần đảo Hoàng Sa).
- Cuộc khảo sát trái phép đầu tiên (của Trung Quốc- PV) là của Ngô Kính Vinh đã cho thấy ở mỗi đảo Hoàng Sa đều có một ngôi miếu nhỏ xây kiểu nhà đá (tất cả tường mái là đá san hô và vỏ sò).
- Các ngư dân Việt Nam mang cả vợ con đến sống ở Hoàng Sa bị đối xử tàn tệ, vợ con bị bắt đến đảo Hải Nam.”
Cuốn sách đã chỉ ra nhiều sự kiện thực thi chủ quyền thay Việt Nam của chính phủ Pháp. Nhưng đáng chú ý nhất là: “Ngày 13.04.1930, Thông báo hạm Malicieuse do thuyền trường De Lattre điều khiển đi ra quần đảo Trường Sa theo chỉ thị của Toàn quyền Đông Dương để dựng bia chủ quyền chiếm giữ đảo Trường Sa và các đảo phụ thuộc. Hoạt động này đã được toàn quyền Đông Dương báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp tại Paris (Điện số 689 ngày 18.04.1930).
Ngày 23.09 .1930, Pháp gửi thông báo ngoại giao cho các cường quốc về việc Pháp đã chiếm đóng quần đảo Trường Sa.”
Ngoài những hoạt động về ngoại giao và thông báo chính quyền Pháp còn thay mặt Việt Nam thực thi việc chiếm hữu liên tục, thực sự. Sách viết: “Năm 1938, Pháp bắt đầu phái các đơn vị bảo an tới các đảo và xây dựng hải đăng, một trạm khi tượng (OMM đăng ký số 48860 ở đảo Hoàng Sa và số 48859 ở đảo Phú Lâm).
Ngày 15.06 .1938, Pháp xây xong trạm khí tượng ở trạm Ba Bình quần đảo Trường Sa.”
“Tháng 6 năm 1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa. Một bia chủ quyền được dựng trên đảo Hoàng Sa với dòng chữ: “Respublique Francaise_ Royaume d’Annam- Archipel de Pacel 1816- Ile de Pattle 1938”.
Nhìn lại một số điểm mốc chiếm hữu thực sự của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa (Bài 3)
Bia chủ quyền do Pháp thay mặt Việt Nam xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa
Việc thực thi chủ quyền của Việt Nam dưới thời kỳ Pháp làm đại diện diễn ra liên tục và thực sự. Người Pháp đã thay Việt Nam xây dựng nhiều công trình ghi dấu ấn chủ quyền như bia chủ quyền, trạm khí tượng và hải đăng…. và công bố chủ quyền cho các cường quốc….
Liên tục thực thi chủ quyền trên Biển Đông trong bất kỳ hoàn cảnh nào
Lợi dụng Việt Nam đang đối phó với sự trở lại của Pháp và lo kháng chiến chống Pháp, quân Tưởng Giới Thạch đã kéo quân xuống chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách viết: "Ngày 26.10.1946, hạm đội đặc biệt của Trung Hoa dân quốc gồm 4 chiến hạm, mỗi chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sĩ thuộc trung đội độc lập của hải quân lấy cớ giải giáp quân Nhật ra chiếm các đảo quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Ngày 29.11.1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên tới quần đảo Hoàng Sa. Tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa.”
Trước tình hình đó, “ngày 13 .01 .1947, Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa” Sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông cũng lý giải: “Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, Việt Nam đã giành được độc lập từ năm 1945, không còn ràng buộc vào hiệp định Patenôtre (1884) với Pháp, song Pháp cho rằng theo Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3 năm 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn nằm trong khối liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc Pháp nên Pháp vẫn thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.”
Sách viết: “Ngày 1.10.1949, nước CHND Trung Hoa ra đời, đơn vị đồn trú của Trung Hoa Dân quốc phải rút khỏi Phú Lâm, trong khi Pháp vẫn duy trì đồn trú tại đảo Hoàng Sa.
Sau Hiệp định Genève ký kết ngày 20.7.1954 chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam.
Ngày 14.10.1950, Chính phủ Pháp chính thức trao lại cho chính phủ Bảo Đại việc quản lý và bảo vệ Hoàng Sa. Tổng trấn Trung phần, Phan Văn Giáo, đã chủ trì việc ban giao này.”
Dù trong giai đoạn nào, Việt Nam luôn thực thi chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Việc bảo vệ, quản lý, xây dựng, gìn giữ chủ quyền của Nước CHXHCN Việt Nam được sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông ghi chép khá đầy đủ. Trong phạm vi bài viết này, người viết không thể đưa hết nội dung của những mốc thời gian, những việc khẳng định, thực thi chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông mà chỉ trích lược một vài dấu mốc chính trong cuốn sách. Nội dung được trình bày trong trọn vẹn trong Chương 3 (từ trang 77 đến hết trang 134).
Nhìn lại một số điểm mốc chiếm hữu thực sự của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa (Bài 3)
Hải quân Việt Nam luôn chắc tay súng giữ gìn biển đảo quê hương
Hồng Chuyên
(Lược trích từ sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông- Chủ biên Ts Trần Công Trục)

nguồn:http://www.infonet.vn/bien-dao-vn/nhin-lai-nhung-diem-moc-chiem-huu-thuc-su-cua-viet-nam-tai-hoang-sa-truong-sa/a28148.html
====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001