Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

TRAO ĐỔI THÊM VỚI ÔNG DƯƠNG VĂN CỪ VÀ ÔNG ĐÀO TIẾN THI VỀ PHẠM TRÙ "XÃ HỘI DÂN SỰ"? 
Nguyễn Huy Canh.
Phamvietdao.net: Không hiểu vì lý do gì, vì mù quáng, do " ngu trung" hay do lú lẫn mà 2 tờ báo lớn, tiếng nói chính thống: Quân đội nhân dân và Nhân Dân lại mở Diễn đàn, tập trung phê phán và chống đối quyết liệt, điên rồ hai phạm trù xã hội học đang được thế giới coi là  chuẩn mực của một xã hội văn minh: Diễn biến hóa bình và Xã hội dân sự...
Theo chủ blog: Diễn biến hoa bình là diễn biến trái ngược với diễn biến chiến tranh; Vậy theo các vị ở báo QĐND và ND phải chăng: diễn biến bằng chiến tranh mới hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người; còn diễn biến hòa bình là phản động, phản cách mạng...
Khi đưa luận thuyết chống diễn biến hòa bình này lên diễn đàn, các vị có nghĩ rằng mình đang đi ngược với ý kiến của Lê Nin: cách mạng không thể là thứ xuất khẩu ? Khi người marxit chủ trương không dùng chiến tranh, vũ lực để xuất khẩu cách mạng mà đẩy sự nghiệp cách mạng bằng gì nếu không bằng cạnh tranh hòa bình, bằng việc chứng minh sự ưu việt của chế độ thông qua việc thiết lập lên một nền sản xuất có năng suất lao động cao hơn, bằng sự công bằng xã hội tối ư hơn: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu...
Đáng tiếc những định đề mà Marx và Lê Nin nêu ra đó chưa bao giờ thực hiện được trên trái đất này, kể cả Việt Nam, Trung Quốc, nơi đang mù quáng giương cao ngọn cờ xây dựng chủ nghĩa xã hội; khi các vị càng giương cao ngọn cờ công bằng xã hội và năng suất lao động cao thì thì các vị càng không cõ chỗ mà chui vì thực tế phụ phàng...Phải chăng do không chứng minh được những tiêu chí ưu việt đó nên các vị phải giở "nắm đấm" ra để nói chuyện phải trái, công bằng với phần số đông của thế giới đang không chịu đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của các vị ?
Còn xã hội dân sự theo người viết bài này là cái xã hội nó ngược với xã hội quân chủ, trại lính kiểu Tần Thủy Hoàng, kiểu Paul Pot? Các vị sợ xã hội dân sự, sợ những chuẩn mực văn minh mà con người giác ngộ ra: được tự do phát triển mọi tư chất của mình hợp với sự tiến hóa chung của xã hội loài người; Nếu khi con người giác ngộ, nhận thức ra chính xã hội dân sự mới giúp cho con người phát triển toàn diện, toàn năng...sự giác ngộ đó sẽ làm đổ vỡ cái xã hội trại lính, xã hội "mười mấy ông vua" cai trị, quyết định số phận, tư duy và khát vọng của cả một dân tộc...
Người ta cần thiết sử dụng mô hình trại lính cho một nhóm người nhất định, vào thời điểm nhất định để duy trì công cụ đàn áp, để đối phó với kẻ thù, nói nôm na là để đánh nhau, để đối phó với chiến tranh...
Không nhẽ Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân Dân lại đi ngược với đường lối chung của Đảng: Việt Nam là bạn cúa cá thế giới ?! Làm sao làm bạn với người ta khi mà lúc nào cũng hầm hè, gươm đao...
Đã có rất nhiều bài viết phê phán, phản biện lại ý kiến từng được viết thành diễn đàn trên báo Quân đội nhân dân và Nhân Dân về những hiểu biết và định hướng lệch lạc về khái niệm xã hội học: Xã hội Dân sự và Diễn biến hòa bình; Xin đưa lên mạng ý kiến của tác giả Nguyến Huy Canh trao đổi thêm với tác giả Dương Văn Cừ và Đào Tiến Thi về vấn đề này...

Khi xem xét xã hội dân sự (XHDS) trong mối liên quan với các thế lực thù địch thuộc phạm trù diễn biến hòa bình, ông Dương Văn Cừ đã thể hiện tư duy giáo điều đến mê muội khi ông cho rằng XHDS là nguy cơ rõ ràng cho các thế lực đó tiến hành sự nghiệp lật đổ chế độ chúng ta như nó đã làm thành công ở các nước Đông Âu và Liên xô cũ; cũng như sự đổ vỡ của các chế độ độc tài tàn bạo ở một số quốc gia Trung Đông, Bắc Phi ngày nay trong cái kinh nghiệm đầy vẻ lưu luyến của ông!
Vì thế bài viết của ông trên báo Nhân Dân điện tử (xã hội dân sự-một thủ đoạn của diễn biến hòa bình) đã bị hàng trăm độc giả nổi giận, phản hồi chỉ trích, miệt thị trên trang Ba sàm, thậm chí ông Đào Tiến Thi phải dành cả một bài viết dưới dạng thư ngỏ gửi ông Tổng biên tập của tòa soạn.(*)
Ông Thi đã đúng khi phê phán ông ở 2 nội dung phụ về nhân dân các quốc gia đã nói ở trên khi nghe thế lực thù địch xui dại đã sử dụng sức mạnh của XHDS để lật đổ chế độ xã hội của đất nước mình. Nhưng ông Thi đã hoàn toàn sai khi nhận thức về XHDS- đó là một điều đáng tiếc.
Khái niệm XHDS của ông được dắt dẫn bởi quan niệm của ông GS Trần Ngọc Thêm nào đó khi ông cho rằng XHDS ở VN đã có từ thời phong kiến. Làm sao có được XHDS ở thời đại chuyên chế tập quyền đó. Tất cả đất đai đều là của vua, mạng sống, và ngay cả những ước mơ thầm kín của thần dân cũng là của vua, thuộc sở hữu của vua. Trong làng xã phải nhất nhất tuân theo tập tục dù đó là việc cạo đầu bôi vôi, hoặc thả bè trôi sông; trong gia đình tất cả đều là của cha, thuộc sở hữu của cha, và nhất nhất mọi người phải nghe theo. Cha chết thì mẹ, và tất cả các thành viên còn lại trong gia đình phải tuân theo sự chỉ dẫn, sắp đặt của ông con trưởng từ hôn nhân của các em cho đến việc phân chia đất đai, tài sản... Ông sai vì đã đánh đồng kết cấu và sinh tồn làng xã với cấu trúc của XHDS khi dựa trên hai đặc trưng tính cộng đồng, và tính tự quản của nó. 
Tất cả chúng ta đều biết hai đặc trưng cơ bản của XHDS lại ở tính tự chủ, tự quản, và tính TỰ DO (vì thế tự nguyện là một yêu cầu không thể thiếu trong hoạt động của các tổ chức đoàn thể này) có tính chất bản thể học nơi tồn tại người. Vì thế con người trong XHDS vừa là con người cộng đồng, xã hội nhưng đồng thời phải là những con người tự do, những cá nhân tự do trong mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau theo hình thức, cách thức cạnh tranh,hoặc hợp tác, trao đổi cùng phát triển.


Không có những con người tự do: tự do sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, tự do mua bán sức lao động và cả thân xác của mình; tự do đi lại, và cư trú; tự do hội họp, phát biểu chính kiến, biểu tình, và tự do tìm kiếm hạnh phúc, các giá trị đời sống...thì không thể có XHDS.
Nhưng xã hội tự do, và những con người tự do, tức là những con người đã có đủ khả năng vứt bỏ được toàn bộ xiềng xích trói buộc của chế độ phong kiến bao quanh thân phận thần dân lại là sản phẩm, thành quả của Cách mạng tư sản, của giai cấp và xã hội tư sản. Vì vậy có thể khẳng định một chân lí, không có giai cấp tư sản và thời đại tư bản chủ nghĩa thì không thể có XHDS được. Thật ấu trĩ, ngây ngô khi ông lấy hình ảnh Trần Quốc Toản để minh họa cho dấu hiệu đã có của XHDS vào thời nhà Trần !
Ông cũng đã rất hời hợt khi cho rằng các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân, công đoàn hiện nay là cái dấu hiệu cho thấy đã có XHDS nhưng hoạt động còn rất yếu, mà không thấy rằng về bản chất, nó chỉ là cánh tay nối dài của Đảng, nhà nước- đó hoàn toàn không phải là những cấu trúc của đời sống XHDS.
Từ những điều trình bày trên cho ta một kết luận thứ hai: Sự tồn tại của XHDS cũng đồng thời gắn liền với các quyền con người được tôn trọng, được thừa nhận, và được bảo vệ trong những qui định, tức là những giới hạn của HP,PL và được thực thi trong đời sống thực. (dĩ nhiên nội dung các quyền con người được thừa nhận và bảo vệ trong HP,PL cũng phải là một quá trình đấu tranh gian khổ, lâu dài của nhân dân các nước mới có được tương đối đầy đủ như ngày nay, và nó gắn liền với sự phát triển của XHDS tại mỗi quốc gia). Và cũng vì lẽ ấy, nên bao giờ chúng ta cũng thấy XHDS phải gắn liền với nhà nước pháp quyền, và nền kinh tế thị trường.
Nhà nước pháp quyền trong tính bản chất của nó, dù có cho theo sau vị từ nào (tư sản hay xã hội chủ nghĩa) cũng phải được hiểu một cách xác quyết: quyền lực chính trị của đất nước phải thuộc về nhân dân, của nhân dân theo mức độ và chất lượng có tính lịch sử và đặc thù văn hóa. Và do đó chúng ta mới hiểu được XHDS trong hoạt động, và trong toàn bộ cách biểu hiện của nó chính là quyền lực (thứ tư, hay năm) chính trị trực tiếp của nhân dân bên cạnh ba quyền lực nhà nước được thực hiện thông qua hình thức đại diện, và quyền lực đại diện này thường có xu hướng chuyên chế, lạm quyền, tha hóa.
Nhờ có XHDS tồn tại mà những tiếng kêu đau, phẫn uất của những người dân dưới đáy cùng của xã hội mới được hét lên thông qua nền tự do báo chí; cũng nhờ có nó mà giới quan chức quan liêu, xa dân, ức hiếp nhân dân, tham nhũng, bạo ngược mới bị phanh phuilên án...(1)
Nhà nước, nhờ đó ngày càng trong sạch hơn, gần dân hơn, chất lượng dịch vụ ngày càng được đổi mới và cải thiện thông qua tính xây dựng, phát hiện, và phê phán của XHDS. Các nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng XHDS cùng với kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền hợp thành 3 trụ cột nâng đỡ xã hội hiện đại và nền văn minh đương thời. Điều đó là đúng. Nhưng tôi xin được nói thêm, nhà nước pháp quyền được hiểu từ góc độ là nơi sản sinh ra những quyết định, chính sách và đường lối, tức là được hiểu từ tính chủ thể của quyền lực của nhân dân thì XHDS không chỉ tồn tại với tư cách là một lực lượng ngang bằng, một trụ cột ngang bằng với nhà nước pháp quyền mà nó còn là cơ sở hiện thực, là liều thuốc bổ, là mảnh đất màu mỡ, chắc nịch hàng ngày hàng giờ sản sinh ra nhà nước pháp quyền từ trong tính HIỆN THỰC LỊCH SỬ của nó mà nội dung như cách hình thành ở (1) là một ví dụ minh họa. Và vì thế sẽ là sai lầm khi đưa ra yêu cầu về một sự cân bằng cho 3 lực lượng này như là yếu tố ổn định của chế độ, rằng sự phát triển mạnh mẽ của trụ cột XHDS sẽ trở thành nguy cơ đổ vỡ, biến mất của chế độ xã hội đang được xây dựng!
Như thế chúng ta có thể hiểu được sự khô cứng, yếu kém của xã hội dân sự và những hành động ngăn cản nó bao giờ cũng đi liền sự ốm yếu, đơn điệu, nghèo nàn, lạc hậu của các thiết chế quyền lực pháp quyền. Và trong nhiều trường hợp, nhà nước pháp quyền bị biến tướng thành thể chế chuyên chế, độc quyền, và khi ấy mệnh đề “nhà nước của dân, do dân và vì dân” chỉ được khẳng định như một thói quen cửa miệng rỗng tuếch và đầy chất bi hài.
Vì hiểu không đúng mối quan hệ có tính tương hỗ cân bằng, và đồng thời chủ yếu còn là mối quan hệ sinh thành giữa xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền trên quán tính tư duy giáo điều “ai thắng ai” nên ông (Cừ) đã hoàn toàn sai lầm khi gắn thủ đoạn diễn biến hòa bình của các lực lượng thù địch do ông tưởng tượng ra với sự vận động, phát triển của đời sống XHDS, và đặc biệt khi có sự giúp đỡ nhiệt tình, và thiện chí của các lực lượng bên ngoài, của các tổ chức quốc tế đối với xã hội chúng ta. Hệ quả tất nhiên của lối tư duy này là những sự nguy hiểm kéo theo trong việc định hình đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước mà ông Đào Tiến Thi đã phân tích rất rõ...
Kết luận: Đất nước đang phải chứng kiến những rối ren, suy yếu của nền kinh tế gắn liền với tham nhũng, thao túng quyền lực ở nhiều cấp đặt ra cho các nhà lãnh đạo đảng yêu cầu bức thiết phải đổi mới theo hướng kiến thiết lại thể chế chính trị và thể chế kinh tế trên nền của một lí thuyết mới trong đó lí thuyết về XHDS phải chiếm một vị trí xứng đáng trong tư duy về đường lối, và trong lí thuyết trị quốc ở thời đại hội nhập này. Điều này phải dứt khoát được hiểu như một sự lựa chọn trong tính tất yếu của sự phát triển.

NHC

(*) xem bài: Tôi nghĩ ĐCSVN không chủ trương tẩy chay Xã Hội Dân Sự Chọn người của Trần Hưng Đạo, trích cuốn Binh Thư Yếu Lược

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001