Vũ Thư Hiên
Bông Hồng Vàng Và Cái Cùm Sắt
Thế Dũng
đối thoại văn chương
với nhà văn Vũ Thư Hiên
Thế Dũng (TD)
Cảm ơn Thời Gian đã cho tôi gặp anh. Tôi đã mến
mộ anh từ lúc tôi chưa kịp 18 tuổi. Cũng cảm ơn anh rất nhiều vì từ thuở ấy anh
đã là người môi giới không thay thế được cho cuộc hạnh ngộ tinh thần của tôi
với "Bông Hồng Vàng" của K. Paustốpsky qua bản dịch tuyệt vời của
anh. Giờ đây, vào lúc giữa đời nhìn lại, anh thấy thế nào? Liệu những gì anh
từng nếm trải đã đủ để tạo tác ra một bông hồng hạnh phúc cho chính mình?
Vũ Thư Hiên (VTH)
Nếu bạn giữ mãi được trong lòng tình yêu với một
Bông Hồng Vàng mộng mơ của Paustốpsky lận đận, như tôi cảm thấy qua câu hỏi,
thì dù tóc đã điểm sương nhà thơ vẫn còn trẻ lắm, qua câu hỏi thì biết. Biết
trả lời câu hỏi của bạn thế nào đây? Tôi đã ở bên kia cái dốc của cuộc đời, nói
theo cách của Nam Cao, đáng tiếc là như vậy. Còn đáng tiếc hơn là ngoảnh lại
vẫn thấy mình trắng tay. Cái thời sung sức nhất đã qua rồi, mà qua đi một cách
lãng nhách. Làm gì có được một bông hồng vàng kỳ diệu mang đến cho mình hạnh
phúc! Lấy đâu ra? Một cánh của nó cũng không, Thế Dũng ạ... Không phải riêng
tôi, cả thế hệ tôi là như thế. Nói vậy thôi, chứ tôi không phàn nàn. Tôi có
hạnh phúc theo cách riêng của tôi, như bất cứ ai, do số phận đem lại hơn là do
mình tạo ra - một gia đình đầm ấm, tình yêu của những người ruột thịt, và rất
nhiều bạn tốt, trong đó có những bạn đọc tuyệt vời mà không phải người cầm bút
nào cũng có được.
TD: Bông Hồng Vàng của chàng Samét, theo tôi hiểu, là tượng trưng
cho kiếp Người Đi Tìm Cái Đẹp. Vào thuở dịch "Bông Hồng Vàng" chắc
anh chẳng thể có linh cảm rằng rồi đây văn nghiệp của mình lại ràng rịt với 9
năm tù không biết tội gì, sống trong những điều kiện không dành cho con người,
để rồi cuối cùng được thả ra với tội danh kỳ cục: "phản động, chống
chế độ". Mà anh đã cùng với thế hệ cha anh của mình xây dựng cái chế độ đó
từ khi còn là đứa trẻ, như chúng tôi được biết qua tiểu sử của anh.
VTH: Chẳng ai biết trước được những khúc quanh ngoắt nghoéo của đời
mình đâu, bạn ạ, kể cả Nostradamus bất tử. Có điều tôi phải nói ngay để tránh
mọi hiểu lầm. Chắc hẳn với câu hỏi này Thế Dũng muốn nhắc tới những điều oan
trái mà tôi từng nếm trải? Oan trái thì có đấy. Nhưng, nói cho công bằng - nó
là thế, mà cũng không hẳn là thế, nhìn từ phía khác. Khi Đảng cộng sản nhốt tôi
vào tù, gọi tôi là tên "phản động chống chế độ", cái đảng này hành xử
đúng như nó phải làm. Nhưng thôi, nói chuyện chính trị làm gì! Ngán lắm.
TD: Anh bắt đầu văn nghiệp như một người viết kịch,
viết truyện ngắn, như một dịch giả... Từ năm 1985, sau 9 năm sống bên ngoài nhà
tù, anh lại lặng lẽ viết dưới nhiều bút danh khác nhau. Như vậy là 9 năm tù
chưa đủ làm cho anh buông bút?
VTH: Viết văn, nó như cái nghiệp. Khó dứt ra lắm. Cũng như nhiều người
cầm bút khác, tôi viết vì thèm có cuộc đối thoại với những người vô hình tên là
bạn đọc. Chỉ với họ, và chỉ với họ mà thôi, mình mới có chỗ san sẻ tâm tình.
Thế Dũng biết nhà thơ Nguyễn Chí Thiện chứ? Anh ấy ở tù dài hơn tôi nhiều -
trên 27 năm, tức là gấp ba lần tôi. Vậy mà anh ấy có buông bút đâu. Trong tù
anh ấy làm thơ. Ra tù, làm thơ. Bị bắt lại, vẫn làm thơ. Tập thơ đầu tiên được
in ở ngoài nước khi anh còn ở trong xà lim Hỏa Lò, lúc 42 tuổi. Đến năm 57 tuổi
mới được cầm trong tay tập thơ của mình lần đầu. Những người có hệ số thông
minh không cao cứ tưởng rằng cái sự giam lâu sẽ làm cho con người nhụt chí. Họ
mới lầm làm sao!
TD: Năm 1989, anh được nhận giải thưởng loại A, cao
nhất, của Hội Nhà văn Việt Nam, với cuốn "Miền Thơ ấu". Có thể nói đó
là giải thưởng quốc gia cũng được, vì ngoài nó ra không có giải thưởng nào khác
cho cái sự làm chữ nghĩa trong một thời gian dài trước đó. Cũng trong giai đoạn
này, anh cho ra "Khúc Quân Hành Lặng Lẽ", "Luật Rừng",
"Vụ Aán Viên Đạn Lạc" và nhiều truyện ngắn đăng rải rác trên các báo.
Nhà cầm quyền tỏ ra khoan dung, không cấm anh viết nữa, hay là thời thế đã làm
cho họ không còn cấm được?
VTH: Vào thời gian đó (bắt đầu từ năm 1985) ở Liên Xô đã có Gorbachov
với khẩu hiệu Glasnost (Công khai) và Perestroika (thường được dịch là Cải tổ,
đúng ra phải dịch là Xây dựng lại mới sát nghĩa). Không có Gorbachov này sẽ có
Gorbachov khác, nhưng không có đúng cái ông Mikhail Gorbachov quê ở Privôlnôiê
vùng Stavrôpôl này chắc chắn lịch sử thế giới sẽ khác với cái hôm nay ta thấy.
Đúng là mọi sự đổi thay ở điện Kremli đều ảnh hưởng đến khu Ba Đình. Nhưng Việt
Nam là Việt Nam, với những khe khắt thôn xóm của nó. Tuy nhiên, nhờ có làn gió
mới từ Liên Xô thổi đến, trong đời sống tinh thần ở nước ta đã có một thời gian
dễ thở với những khẩu hiệu nghe sướng tai: "Cởi trói", "Bung
ra", "Nói thẳng, nói thật", do Nguyễn Văn Linh khởi xướng. Tiếc
rằng thời gian ấy không dài. Nhưng ngắn thì ngắn, nó đã đủ để những tác phẩm
tiếng tăm vang dội của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Phùng Gia
Lộc... ra đời.
Về chuyện tại sao tôi vẫn được in thì nó như thế
này. Sau khi ra tù tôi có đến toà soạn báo ảnh "Việt Nam", nơi tôi
làm việc cũ, để thăm dò xem họ có chịu nhận lại tôi không. Họ nói không. Bởi vì
có một chỉ thị mật của Trung ương Đảng cấm in những tên "xét lại" và
cấm sử dụng bọn "xét lại" trong các cơ quan báo chí và xuất bản. Chỉ
thị này, họ cho biết, ra sau cái chỉ thị đàn anh nó cấm in những tên "Nhân
Văn-Giai Phẩm" khoảng chục năm. Đảng cấm chứ không phải nhà nước cấm, tôi
cần phải nói rõ ra như thế để cho những ai quen với nền dân chủ phương Tây
biết, kẻo họ đòi nói có sách mách có chứng rồi lại phản bác lôi thôi. Ơở nước
ta, tội thay, hai cái đó - Đảng và Nhà nước - là một. Nhưng cả cái chỉ thị quái
đản nọ cũng lại chỉ là chuyện văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, chính mắt tôi chưa
thấy nó bao giờ. Mà cũng chẳng ai thấy. Rất có thể chẳng hề có một chỉ thị như
thế, tức là, tôi muốn nói, một chỉ thị thành văn. Những chỉ thị miệng nhiều
lắm, không thể đếm xuể. Miệng quan trôn trẻ mà. Một lời của các vị phát ra cứ
thế tồn tại mãi, có hiệu lực mãi, kể cả khi nó đã lỗi thời, đã không còn lý do
để tồn tại. Mà cũng có thể còn một nguyên nhân khác, từ phía những công bộc mẫn
cán. Đám này mỗi năm một đông, tỷ lệ thuận với tình cảnh khốn cùng trong nền
kinh tế xã hội chủ nghĩa do đảng lãnh đạo. Chúng luôn ngước mắt lên trên, mũi
phập phồng ánh hơi, tai ve vẩy nghe ngóng. Khi đoán được "trên" không
ưa cái gì là cấm liền. Cho chắc ăn. Chuyện này đã xảy ra với thể loại "cải
lương" ở Nam Bộ trong thời gian kháng chiến chống Pháp, với cái gọi là
"nhạc vàng" sau khi hòa bình lập lại năm 1954. Với bọn "xét
lại" chúng tôi, hồi ấy nhà cầm quyền vẫn còn để ý lắm. Chả là vụ án vừa
mới qua chưa được bao lâu, còn rất "thời sự". Anh Hoàng Minh Chính
vẫn còn ngồi tù, đợt thứ hai (sau này còn có đợt ba nữa). Đã có những dấu hiệu
cho thấy người ta dần dần nương nhẹ với anh em "Nhân Văn-Giai Phẩm",
nhưng với chúng tôi thì không, hay là chưa, nói cho công bằng. Những "cái
đuôi" cần mẫn vẫn lẽo đẽo theo chúng tôi hàng ngày để có những báo cáo
tuần, báo cáo tháng, báo cáo đặc biệt... Vẫn có những tin bắn đến tai chúng
tôi:"Hãy coi chừng, đừng có khỏi vòng cong đuôi!"
TD: Nhưng dù sao thì sách của anh vẫn được in? Anh đánh giá những tác
phẩm được in trong thời kỳ ấy thế nào? Một thứ văn chương thỏa hiệp?
VTH: Tôi được in có điều kiện: với bút danh khác. Tên thật thì không,
dứt khoát không cho. Viên cục trưởng Cục Chính trị Bộ Nội vụ hồi ấy, tôi quên
mất tên anh ta là gì, nói thẳng với tôi như vậy. Trong chuyện tôi được in, nói
rằng có một thỏa thuận ngầm cũng được. Thỏa thuận vô tư. Không có chuyện đút
lót. Với lại, đến như bây giờ, khi tham nhũng đã được gọi là quốc nạn, người ta
cũng chẳng thèm ăn đút của mấy anh cầm bút rớt mồng tơi. Tôi quá ngứa nghề,
chắc hẳn người ta rộng lượng nghĩ thế, thôi thì để cho hắn viết, miễn là đừng
viết chống Đảng, viết những cái vô thưởng vô phạt cũng không sao. Họ thừa biết
tôi là tác giả "Khúc Quân Hành Lặng Lẽ", nhưng họ quay mặt đi.
"Khúc Quân Hành Lặng Lẽ" là truyện tình báo, chuyện về cuộc chiến đấu
đã qua, không có vấn đề dính dáng với cái hiện tại đang làm cho những nhà lãnh
đạo ngồi không yên trên ghế. Thà để tôi viết cái đó còn hơn. Vả lại, để in được
"Khúc Quân Hành Lặng Lẽ" tôi ký tên chung với một người bạn, là cán
bộ công an cỡ không xoàng, một con người tốt bụng và khá uyên bác, hơn hẳn
những cán bộ công an mà tôi biết. Anh này đến thời gian ấy đã không còn sợ trên
như trước. Trước kia anh ta sợ lắm. "Khúc Quân Hành Lặng Lẽ" được
những người khó tính đánh giá tốt về văn chương. Thực ra, nó là kịch bản văn
học, theo cách của tôi. Còn những cái khác? Kịch bản "Vụ Án Viên Đạn
Lạc" là một kịch bản tầm phào, tôi thậm chí chưa một lần xem bộ phim được
thực hiện theo kịch bản ấy. "Luật Rừng" khá hơn, nhưng không xưởng
phim nào dám làm, không có kinh phí. Những truyện ngắn rải rác có cái được, có
cái thường, tạm được, theo tôi tự đánh giá. Nói chung, khi người cầm bút không
có tự do, khó có một cái gì thật sự làm cho anh ta hài lòng. Có một kịch bản bị
cấm, là kịch bản cho phim hoạt hình "Chuyện Phiêu Lưu Của Nàng Liberta Qua
Ba Nước: Nước Mặt Nạ, Nước Cùm Vàng Và Nước Mề Đay". Liberta thì ai cũng
hiểu là Tự Do, Nàng Tự Do. Viên cục trưởng Điện ảnh liền ra lệnh cấm làm phim theo
kịch bản đó. Tư tưởng kịch bản "không trong sáng", anh ta nói thế.
Cái anh này tên gì tôi cũng lại quên mất rồi. Trí nhớ tôi rất tồi. Nó chẳng bao
giờ chịu ghi lại tên tuổi những lâu la. Nói tóm lại, không có văn chương thỏa
hiệp đâu, mà có văn chương tránh né. Văn chương tránh né là văn chương chấp
nhận được. Bị bó tay bó chân thật, nhưng không đến nỗi quá khó chịu. Trường hợp
"Miền thơ ấu" là đặc biệt - tôi viết nó trong xà lim Bất Bạt, một
trại giam nằm giữa vùng đồi trung du, viết vụng trộm trong hoàn cảnh tự do nội
tâm, viết để đấy, không bao giờ nghĩ tới chuyện nó sẽ được in. Một anh bạn tôi
tình cờ được đọc nó trong đống bản thảo đã úa vàng của một thời chữ nghĩa đã
đem tới cho Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh.Nó được in trước hết là
nhờ lòng dũng cảm của nhà văn Hà Mậu Nhai đã quá cố, lúc bấy giờ là giám đốc
nhà xuất bản. Ở các nhà xuất bản khác người ta không ghét bỏ gì tôi, nhưng
người ta sợ. "Miền thơ ấu" là cuốn sách duy nhất được in dưới tên
thật của tôi. Anh Hà Mậu Nhai là người duy nhất tuyên bố chống lại những chỉ
thị miệng: "Hãy đặt lên bàn tôi quyết định của tòa án về án hình của Vũ
Thư Hiên, trong đó có điều khoản cấm in sách của anh ấy. Bằng không, tôi cứ
in". Anh mất sớm, khi tôi còn ở trong nước. Tôi tiếc Hà Mậu Nhai sống ngắn
quá. Nhưng chẳng cần sống đến "thất thập", Hà Mậu Nhai vẫn là người
"cổ lai hy".
TD: Sau khi phiêu bạt từ Hà Nội tới Moscow, rồi từ Moscow qua Warsaw,
tới Paris... trong những năm 1992-1997, anh âm thầm viết "Đêm Giữa Ban
Ngày". Rồi nó trở thành sự kiện văn chương - chính trị đáng ghi nhớ trong
đời sống của người đọc Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Chắc hẳn
"Đêm Giữa Ban Ngày" chưa phải là cơn bão cuối cùng trong cuộc chơi
sinh tử với bút mực của đời anh?
VTH: Nói gì mà ghê vậy, Thế Dũng? "Đêm Giữa Ban Ngày" đối với
tôi chẳng qua chỉ là bầu tâm sự cần phải nói ra, không nói không được, bằng
phương tiện bút mực. Thế thôi. Tôi có kinh nghiệm sống trong cái mô hình xã hội
được gọi là xã hội chủ nghĩa, trong đó con người bị tước đoạt bản ngã một cách
trọn vẹn, nếu có giữ lại được chút gì là của mình thì cũng trầy trật, tôi không
thể không chia sẻ với đồng bào cái kinh nghiệm xương máu ấy. Với tôi, "Đêm
Giữa Ban Ngày" không phải là cuộc chơi, lại càng không phải cuộc chơi sinh
tử. Nếu Thế Dũng muốn nói trong cuốn sách ấy có máu thì đúng đấy, theo nghĩa
đen nữa kia. Tôi vẫn thầm mang ơn những tên cướp giả danh đã không đâm chết tôi
trong lần chúng xông vào căn hộ của tôi ở Moscow để đoạt bản thảo cuốn sách. Có
lẽ cấp trên của chúng chưa ra lệnh cho chúng làm điều đó, e ngại vụ giết người
sẽ trở thành rùm beng ở nơi tôi có nhiều bạn bè trong giới trí thức và văn nghệ
sĩ. Mà cũng có thể họ cũng chưa biết nội dung cuốn sách tôi viết ra sao, chỉ
mới nghe cấp dưới báo cáo loáng thoáng về nó mà thôi. Tất nhiên, chẳng cần
thông minh họ cũng đoán được: nó không phải cuốn sách ca ngợi họ.
TD: Dường như, do tác động của cái thế sự dung dưỡng mình, và
rất có thể, của cả tiền kiếp nữa, chúng ta thường tự bỏ tù mình, một cách êm ái
và vô thức, vào một vương quốc tinh thần nào đó. Rồi đến một thời khắc nào đó,
một biến cố lịch sử nào đó, nó xảy đến như một tai họa, như một bước ngoặt nổ
bùng, làm đảo lộn cả đời ta, khiến ta phải đảo chính tâm hồn ta, buộc ta phải
làm một cuộc du hành vào tận cùng bản ngã để đối diện với ngoại giới và với
chính mình, để cho ta, sau hết, khám phá và phát hiện cái thế giới của riêng
ta, phát hiện chính ta. Phải chăng từ thời điểm 1967, khi người ta đẩy anh vào
xà lim, đã bắt đầu một quá trình như thế, nó kéo dài cho tới năm 1997, thời
điểm "Đêm Giữa Ban Ngày" hoàn thành, và trong cuộc hành trình tinh
thần bi tráng ấy của Con Người Sinh Học, Con Người Nhà Văn, Con Người Công Dân,
Vũ Thư Hiên đã tự đảo chính mình để trở thành một Vũ Thư Hiên khác?
VTH: Tôi không tự bỏ tù mình bao giờ, vào bất cứ vương quốc tinh thần
nào. Sự dốt nát của tôi bỏ tù tôi thì có. Thoát ra khỏi sự dốt nát thật không
dễ dàng, đó là kinh nghiệm của tôi. Phải có ý chí để thoát ra. Cái mà bạn gọi
là sự tự đảo chính, Marx gọi là tự phủ định. Nên luôn tự phủ định để khẳng định
cái ta mới. Phủ định cái bên ngoài ta khó nhưng không khó bao nhiêu. Tự phủ
định là khó nhất. Nhưng kết quả của nó thường là cái có thể làm ta vui. Vẫn là
ta đấy, nhưng đã là một ta khác. Trong sự biến đổi đó, một biến cố, hoặc nhiều
biến cố liên tiếp, có giá trị như một nhiệt lượng cuối cùng thêm vào làm nước
biến thành hơi. Trong cái tôi u mê của sự tự bỏ tù vào một vương quốc tinh
thần, nói theo cách của Thế Dũng, hay trong cái tôi điên khùng của "cuộc
lên đồng vĩ đại", như tôi từng thú nhận, vẫn có sẵn một "cái
tôi" khác, là cái sẽ phủ định "cái tôi" trước. Nếu không có sẵn
một "cái tôi" như thế, thì sự phủ định cũng bằng không.
Thế Dũng, Vũ Thư Hiên, Paris 09-1998
TD: Tôi coi "Đêm Giữa Ban Ngày" là một tác phẩm văn chương.
Nhưng anh lại nói trong phần Tự Bạch: "Trong cuốn sách này chỉ có sự thật.
Hình thức văn học trong cuốn sách chỉ được tác giả sử dụng vừa đủ cho bức tranh
sự kiện không thành quá tẻ nhạt. Văn học đích thực không có chỗ nơi đây".
Như thế, chắc hẳn trong quan niệm của anh về văn học đích thực có những tiêu
chí khác người?
VTH: Cả hai chúng ta đều không phải là nhà phê bình văn học, vậy ta
miễn cho nhau việc xác định về mặt lý thuyết những tiêu chí văn học nhé, được
không? Bàn về những tiêu chí văn học bây giờ e ta sẽ sa đà vào một câu chuyện
khá dông dài. Nhận xét của Thế Dũng rằng "Đêm Giữa Ban Ngày" là một
tác phẩm văn chương là một lời khen. Nó làm tôi đỏ mặt. Và sướng nữa. Nhưng tôi
không thể nhận điều không có. Khi viết Đêm Giữa Ban Ngày tôi không hề có ý định
làm văn. Sự thật là như vậy. Khi không định làm văn thì cái văn "tự
có" thường là nghèo lắm. Nhưng tôi không buồn. Tôi viết do sự thôi thúc từ
bên trong, do ý thức trách nhiệm, có thể nói như thế, và vì lời hứa với những
người đã khuất. Nếu tôi bịa thêm một ít trong những gì tôi kịp kể trong Đêm
Giữa Ban Ngày thì cuốn sách hẳn sẽ có màu sắc văn học hơn. Trong trường hợp cụ
thể này, tôi cho rằng trong tôi đã xảy ra hiện tượng cái "vô ngã" (no
ego) thắng cái "ngã" (ego). Đơn giản là thế - tôi không nghĩ đến
"cái tôi" thì làm gì có cái văn chương "của tôi". Cái mà
bạn thấy là văn chương có lẽ là cái bóng, cái dấu ấn của cái "ngã",
một nét riêng cho sự phân biệt với hằng hà sa số "ngã" khác. Khi tôi
cố kể cho thật đúng những gì tôi nếm trải nhằm một mục đích không phải cho tôi
thì cái văn chương "của tôi" phải ra đi nhường chỗ cho cái khác, cho
sự thật, được nổi lên. Trong Đêm Giữa Ban Ngày, nói của đáng tội, đôi khi tôi
có tự cho phép mình đặt ra vài giả thuyết (rất có thể sai lầm) để giải thích sự
việc này hay sự việc nọ. Trong cái ức đoán đó, tôi phải thú nhận rằng "cái
tôi" của tôi lộ ra một cách tồi tệ, tức là, ý tôi muốn nói: trong khi say
viết tôi đã lãng đi mà rời khỏi chỗ của người kể chuyện lúc nào không biết.
Nhưng đó lại là chuyện khác, là sự sa đà vào lĩnh vực không phải của mình,
chính luận chẳng hạn...
TD: Về chuyện anh sa đà vào lĩnh vực không phải của
mình, như anh vừa nói, tôi lại nghĩ khác. Nhân vật tự sự của anh - Cái Tôi Nạn
Nhân, Cái Tôi Nhân Chứng, Cái Tôi Nhà Văn - trong "Đêm Giữa Ban Ngày"
luôn bộc lộ một sức mạnh lý trí, một khả năng phân tích sắc sảo trong việc miêu
tả cái mô hình xã hội bịa đặt, hoang tưởng, có tên là xã hội xã hội chủ
nghĩa, nó làm cho tập hồi ký của anh rõ ràng có một dáng vẻ chính luận. Thật
vậy, tôi có cảm giác những năm giam cầm không triệt hạ nổi Con Người-Nhà Văn
trong anh, mà ngược lại, làm cho nó thăng hoa để giờ đây nó được cộng thêm một
con người nữa - Con Người Chính Khách. Anh có nghĩ rằng một lúc nào đó anh sẽ
làm chính trị không?
VTH: Lạy Chúa tôi! Xin đừng cho chuyện ấy xảy ra.
TD: Anh cho rằng trong thế kỷ của chúng ta Con Người Nhà Văn có thể
tách rời Con Người Chính Trị sao?
VTH: Nỗi bất hạnh là ở chỗ đó - Con Người Nhà Văn không thể tách rời
Con Người Chính Trị. Chính trị xông vào mọi ngõ ngách của đời sống mà không cần
xin phép ai. Nó trói buộc tất cả. Nó cưỡng hiếp tất cả. Vì thế mà có "Đêm
Giữa Ban Ngày". Xét cho cùng, chính trị, bản thân nó không xấu, nhưng
trong thời đại chúng ta, ở nước ta nữa, chính trị đã làm quá nhiều điều bỉ ổi,
nó làm cho ta ghê tởm nó, không muốn dây với nó, như thể bất cứ sự đụng chạm
nào với nó cũng sẽ làm cho mình bị vấy bẩn. Tôi sẵn sàng làm chính trị, nếu tôi
thuyết phục được tôi rằng tôi làm chính trị tốt hơn so với làm văn chẳng hạn,
cho tôi và cho mọi người. Khốn nỗi, tôi không thuyết phục được tôi như thế. Còn
nếu tôi có quyền lựa chọn giữa việc viết về tình yêu và viết về chính trị thì
Thế Dũng hãy tin rằng tôi bao giờ cũng chọn đề tài tình yêu. Tác phẩm hay nhất
mà tôi thích là chuyện tình của "Tristan và Iseult". Tôi đã khóc, mà
không phải một lần đâu, trên những trang sách kể lại câu chuyện tình bi thảm từ
thế kỷ thứ 13 ấy.
TD: Từ khi số phận anh gắn bó với bút mực, phải
chăng văn chương đã và đang là người vệ sĩ đáng tin cậy của anh trên đường đời?
VTH: Với tôi, văn chương vĩnh viễn là bạn đồng hành chung thủy. Đôi khi
nó còn là cái nạng để ta vịn vào mà đi trên đường đời gập ghềnh và quá nhiều
bất trắc. Nhiều khi mình ngã rục xuống như một cái cây bị đốn, tưởng chừng
không thể nào dậy nổi, thế mà văn chương đã đỡ mình đứng dậy, bằng lời an ủi,
bằng câu khuyến khích, và bằng cả cái nhìn trách móc nữa...
TD: Cuộc sống ly hương có đè nặng lên tâm hồn anh
không? Và cảm giác đối với lần đi xa này có khác lắm với một lần xê dịch luôn
hiện diện trong đời anh không?
VTH: Tôi có gì khác với mọi người? Cái cây bị bứng khỏi đất mẹ đem đi
trồng ở một vùng đất xa lạ thường không cho quả. Cái đáng sợ là ở chỗ đó, Thế
Dũng ạ. Kuprin, Bunin - hai nhà văn Nga ở đầu thế kỷ này mà tôi rất thích - đã
gần như phải gác bút trong cuộc sống lưu vong bắt buộc. Đất mẹ không chỉ nuôi
dưỡng ta, đất mẹ còn cho ta sức sống, cho ta cảm hứng. Nỗi nhớ cũng là một thứ
cảm hứng, nhưng không dài. Tôi không cho cuộc đi này là một lần xê dịch. Tôi đi
để làm cái việc tôi phải làm. Đêm đến, tôi đi cùng giấc mơ về nơi tôi nhớ ban
ngày.
TD: Anh có dự định gì trong tương lai? Tôi muốn nói:
những dự định trong văn học?
VTH: Tôi chưa bao giờ coi viết văn là một nghề. Khi là một nghề, nó dễ
làm ta hư hỏng lắm. Ta sẽ viết theo sự quen tay, như một người thợ. Ta sẽ lệ
thuộc các nhà xuất bản, vốn không phải bao giờ cũng tôn trọng văn học. Ta sẽ
tính đếm những trang viết như đếm tiền, và sẽ tiếc rẻ không dám quẳng đi những
trang viết tồi. Văn tốt nhất là một người tình, không nên là người vợ. Để ta có
thể hồi hộp, có thể e ấp trong mỗi lần gặp gỡ. Cuộc tình nào cũng đẹp cho tới
hôn nhân. Tại sao ta lại cùng Nàng Văn, Nàng Thơ chắt chiu từng đồng nhuận bút
để xây một tổ kén, nơi có chỗ nằm êm ấm. Chính vì lẽ đó mà trong tôi chẳng bao
giờ có được một dự định sáng tác mà tôi có thể tin chắc rằng nó sẽ được thực
hiện, trong một tương lai gần cũng như trong một tương lai xa. Hồi chưa đi khỏi
nước tôi đã làm một số phác thảo cho một cuốn sách tương lai. Nó sẽ là một
phòng tranh chân dung những người cùng thời với tôi. Trong hình dung của tôi,
nó phải là một cuốn sách thú vị bởi vẻ đa dạng, đa màu của nó - từ người ăn
mày, bạn của tôi, cho tới nhà lãnh đạo, kẻ thù tự xưng của tôi. Nhưng dự định
là dự định. Nếu tin vào dự định của những nhà văn, nhà thơ thì công suất của cả
nền công nghiệp giấy thế giới hôm nay cũng chẳng làm ra đủ giấy mà in tác phẩm
của họ.
TD: Anh nghĩ gì về nền văn học hải ngoại?
VTH: Tôi biết gì về nền văn học hải ngoại để mà nói? Tôi mới ra ngoài
này, còn có biết bao nhiêu việc phải làm, lấy đâu ra thời gian để đọc. Vài
truyện ngắn rải rác trên các báo, đôi ba cuốn tiểu thuyết, đó là tất cả những
gì tôi biết. Mà có thật một nền văn học hải ngoại sao?
TD: Dù nhiều năm sau nữa hay ngay bây giờ, khi cần
có một cái nhìn toàn cảnh chân thực về nền văn học Việt Nam, người ta không thể
không đề cập tới một dòng văn học hải ngoại đã, đang và sẽ có... Dòng văn học
này do rất nhiều nhà văn, nhà thơ cũng lận đận với Bông Hồng Vàng tạo ra. Theo
anh, nó sẽ đóng góp được gì cho nền văn học tương lai của một nước Việt Nam dân
chủ và tự do?
VTH: Có thể tôi nghĩ sai, nhưng những nhà văn nhà thơ của chúng ta, dù
họ ở đâu, cũng chỉ thuộc về một nền văn học duy nhất gọi là văn học Việt Nam. ở
vị trí con cháu chúng ta mà nhìn, một trăm năm nữa thôi, sẽ chỉ có một nền văn
học Việt Nam duy nhất, nền văn học được vun đắp bởi tất cả các nhà thơ nhà văn
Việt Nam - trong hình ảnh những gì còn lại sau sự sàng lọc khắc nghiệt của thời
gian.
TD: Câu hỏi cuối cùng: cái gì sẽ cứu chúng ta trong
hành trình về tương lai trong cái thế giới bấp bênh hôm nay?
VTH: Cái Đẹp.
Thế Dũng thực hiện năm 1997
Nguôn:http://www.gioo.com/TheDung/TheDungVuThuHienTroChuyen.htm
===================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001