Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Nhà văn Phan An: Lá cải là thuộc tính của báo chí Việt Nam?

Lý Đợi thực hiện
Gọi Phan An là nhà văn cũng được, vì các cuốn sách Quẩn quanh trong tổ (Thái Hà books & NXB Thời đại, 2011), Trời hôm ấy không có gì đặc biệt (Sài Gòn Media Book và NXB Hội Nhà văn, 2013) và các bài viết đây đó có thể minh chứng cho điều này. Gọi Phan An là người phản biện báo chí lá cải cũng không sai, vì mấy năm qua, trang lacai.org đã trở thành địa chỉ thu hút vài chục ngàn người xem mỗi ngày vì tinh thần “chiến đấu” không mệt mỏi của nó với cách làm báo thất trách, rẻ tiền. Vào trang phanan.net thì có thể gọi Phan An là “tay tổng hợp”, vì ngoài các trang mạng xã hội, còn có 5 website liên quan, trong đó có cả thica.net, cũng rất đông người xem vì cách chọn thơ sâu sắc và gần gũi.
Viết về mình, Phan An chỉ ghi ngắn gọn: “Sinh năm 1984; tên khác: Cầm Bùi; nghề nghiệp: làm mướn ở Sài Gòn”. Rất ngại nói về mình, nên trong vô số bài viết và phỏng vấn, thông tin về Phan An cũng chẳng khá hơn. Cuộc trò chuyện này sẽ xoáy chủ yếu vào lý do vì sao một cá nhân đã tiên phong trong việc “chống báo lá cải” tại Việt Nam, điều mà cuộc họp giao ban nào phía quản lý nhà nước cũng thường đề cập, nhưng chưa thể làm được.

Lá cải “nuôi” báo chí?

* Sau mấy năm làm Lacai.org, bạn thấy tình trạng lá cải này đang suy giảm hay tăng lên trên báo nói chung? Tại sao?
- Tình trạng lá cải của ta, như Nguyễn Trãi từng nói, “tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, nhưng hào kiệt đời nào cũng có”. Ví dụ ban đầu làm Lacai.org thì về báo tôi chú ý đến Phụ Nữ Net, Kênh 14, Megafun, 2Sao, về người thì tôi thấy có mỗi Sầm Hoa của Vietnamnet. Sau đó vài tháng thì Phụ Nữ Today xuất hiện, như tiếng sét giữa trời quang, phá vỡ mọi chuẩn mực về sự bỉ ổi, đê tiện và vô giáo dục. Rồi lần lượt các “tuấn kiệt” xuất hiện: Dân Việt thì có Hàn Giang, VTC có Đỗ Hường v.v... Tưởng rằng đã yên, nào ngờ gần đây lại có thêm anh Giáo Dục NCL với đội ngũ chuyên gia đi rình nhà nghỉ, công viên, mạng xã hội, tổ chức chụp ảnh gái đẹp, đăng Đôrêmon chế... Chân trời cũng đang ló dạng một anh là Soha, nhưng tôi chưa có thời gian để ngâm cứu kĩ càng về anh này.
Có hai đợt báo lá cải chính thức bị ồ ạt tấn công bởi các báo “chính thống,” lần đầu là vào khoảng giữa năm ngoái, và lần thứ hai là giữa năm nay. Nhưng ở cả hai lần đó, các báo lá cải đều chỉ tạm lắng đi một thời gian rất ngắn rồi lại “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Lí do theo tôi là vì ngay cả cái định nghĩa thế nào là lá cải ta cũng không có, thành ra muốn phạt cũng không được. Lí do thứ hai, và là lí do chính, là vì cả xã hội ta đang “lá cải” trên nhiều phương diện: thể thao, âm nhạc, giáo dục, kinh tế... nên chẳng có lí nào truyền thông nói chung và báo chí nói riêng lại phải và có thể giữ mình thanh cao, tao nhã.
* Bạn nói mình lấy cảm hứng từ một người khác khi làm trang web này, nhưng chẳng liên quan, thế thực tế thì Lacai.org đến từ những điều gì? Động cơ của nó?
- Lacai.org đến từ những lần phát sặc tiết vì muốn đọc tin chính thống lại chỉ toàn thấy chuyện hở quần lót, hoặc lùng sục tư liệu về trực thăng để viết bài về chiến tranh mà lại tìm ra rặt là: “Trải lòng của máy bay bà già luôn thèm sex”, rồi thì: “Vật vã vì bị máy bay bà già bỏ rơi...”.
Nói Lacai.org chuyên đả phá báo lá cải thì cũng không sai, nhưng đó là một công việc tuyệt vọng, như Don Quixote uýnh cối xay gió, hay như châu chấu đòi đá xe hút hầm cầu vậy. Như có nhắc qua ở trên, tình trạng lá cải là lỗi mang tính hệ thống, không thể giải quyết từ ngọn được. Nên nói một cách chính xác hơn thì Lacai.org chỉ đang cố gắng gây ảnh hưởng nhận thức của người đọc theo chiều hướng tốt hơn, đại để như đi ngang qua xe hút hầm cầu thì ít nhất cũng phải thấy hôi mà bịt mũi né cho xa xa. Tất nhiên đây chỉ là một ví dụ, chúng ta đều biết hút hầm cầu là một dịch vụ rất có ích và đáng trân trọng gấp triệu lần báo lá cải.
* Phải chăng lá cải đã thành một thuộc tính hay bản sắc của nhiều trang báo Việt Nam hiện nay?
- Nói “bản sắc” thì tội cho cái từ ấy quá. Theo chỗ tôi được biết thì người ta chỉ dùng “bản sắc” cho những thứ tốt đẹp thôi. Nói là “thuộc tính” thì có lẽ đúng hơn. Tôi chưa thấy một tờ báo hoặc trang tin nào là không thuần lá cải hoặc thỉnh thoảng lại len lén chêm vào mấy bài lá cải, theo kiểu “thêm view nào nhờ view nấy.” Tuổi Trẻ chẳng hạn, tuy vẫn là một trong một số ít tờ báo đáng đọc hiếm hoi còn sót lại, tháng trước cũng đánh một quả khá to với bài báo ngắn tủn tiêu đề: “Bị người yêu cắt đứt dương vật,” tháng này thì: “Giải cứu cụ ba ba hoang dã tại quán nhậu...”.
* Bạn cắt nghĩa thế nào về điều này, phải chăng báo chí đang mất trục chính để quan tâm nên không cướp giết hiếp thì hở lộ khoe?
- Theo Luật Báo chí Việt Nam, báo chí có nhiệm vụ thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới. Ở nước ngoài, báo chí còn giữ nhiệm vụ theo dõi và bảo đảm rằng chính quyền đang hoạt động đúng hướng. Không cần phải bàn nhiều, ở ta điều số 2 khó có thể thực hiện được. Điều thứ nhất thì thực hiện được một nửa, tức là thông tin nào nên thông tin thì thông tin, còn không nên thông tin thì không thông tin. Thế là báo chí chỉ còn phải làm một phần rất nhỏ nhiệm vụ của mình thôi. Những phần còn lại phải xử trí ra sao? Thôi thì cướp giết hiếp hở lộ khoe để bù vào, như mọi công dân mẫn cán khác. (Đây là cắt nghĩa của tôi, không thật sự đúng đây. Lí do đúng đã nói lúc nãy.)
* Không có lá cải, báo mạng có sống nổi và sôi động như hiện nay không? Xin diễn giải?
- Thật ra thì một bộ phận dân chúng vẫn muốn biết hôm nay ca sĩ A mặc xịp màu gì, diễn viên B không mặc xịp màu gì, nên báo lá cải sẽ còn tồn tại một khi nhu cầu ấy còn tồn tại. Nhưng theo tôi được biết, ở nước ngoài người ta chia hẳn ra: tôi là lá cải, anh là chính thống, anh với tôi nước sông không phạm nước giếng. Chỉ có ở ta thì sông giếng mới hòa nhập hòa tan vào với nhau, chẳng những thế lại còn tự cho mình mênh mông như biển cả. Thế cho nên mới có chuyện ông chính khách giới thiệu tàu sân bay bên cạnh chàng người mẫu giải phẫu thẩm mĩ giống Lý Hùng cho đẹp lòng bác người yêu tuổi sáu mươi.
Theo lí thuyết mà nói, nếu tách lá cải ra khỏi báo mạng thì cũng như tách sông ra khỏi giếng, sông không chết, giếng cũng không chết. Nhưng đó là lí thuyết. Thực tế ở ta khác. Tôi có nghe một số người bạn làm trong nghề báo kể, có những ông chủ báo đã cầm cố cả nhà cửa để làm báo. Đối với họ, báo là nguồn sống theo đúng nghĩa đen. Báo kiếm ra tiền thì họ chuộc lại được nhà, không kiếm ra tiền thì họ chết đói, vợ con họ cũng chết đói. Thành ra họ phải bất chấp luân lí, bất chấp sĩ diện, tung hết những ngón đòn giật tít, bịa đặt bẩn thỉu nhất có thể nhằm tăng thêm từng view, kiếm thêm từng cắc tiền quảng cáo.
Nên tôi nghĩ không có lá cải thì báo mạng ta coi như là chết sạch. Chữ “sạch” này thật ra không hợp, thôi sửa lại là “chết cả nút.”

Khan hiếm sự phản biện

* Theo bạn, giữa có và không có Lacai.org, bạn thích tình trạng nào hơn?
- Không có thì tốt hơn. Về những mặt cao cả quảng đại như xã hội và quần chúng và dân trí, không cần phải bàn. Về mặt cá nhân, tôi cũng sẽ không phải cắm đầu vào đọc những thứ bẩn thỉu hằng ngày nữa. Việc ấy rất chán nản và tởm lợm, nói thật là vậy. Không vui sướng gì cả.
* Vậy thì từ ngày làm Lacai.org, thái độ và cách đọc báo của bạn có khác trước không?
- Khác chứ. Trước đây khi chưa làm Lacai.org, tôi chỉ việc chọn những bài đáng đọc để đọc. Ai cạp đất tôi không quan tâm, con mụ răng hô nào tuyển chồng tiến sĩ ở bên Tàu không phải việc của tôi. Từ lúc làm Lacai.org, như vừa nói ở trên, chẳng những tôi phải đọc kì hết những thứ ấy mà lại còn phải căng não nghĩ cho ra một câu bình luận khả dĩ, kẻo không thì độc giả người ta chê, người ta bảo: “Ôi sao không vui gì cả? Thật đáng thất vọng! Xuống phong độ rồi! Về quê chăn bò đi!”
* Bạn nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Lacai.org hình thành từ sự bực mình và sự giễu nhại của một độc giả thích đọc báo và có trách nhiệm với cộng đồng đọc?
- Tôi không nghĩ gì cả. Ý kiến thì nhiều, ai cũng có ý kiến, cứ nghĩ về ý kiến của mọi người thì lấy đâu ra thời gian cho ý kiến của mình. Có người còn ý kiến thế này: Ê mày rảnh quá hả suốt ngày đi bới móc người khác mày thì giỏi hơn ai xã hội có những đứa như mày nên mới bẩn thỉu như thế này đây con chó! Tôi chỉ lịch sự hỏi lại rằng tại sao kí tên mà lại không xuống dòng, thế thôi.
* Tinh thần phản biện và đả kích, theo bạn, có đang khan hiếm trên báo hiện nay không? Tại sao?
- Khan hiếm. Rất khan hiếm. Ít ra là so với thời của Phan Khôi, Ngô Tất Tố... Tôi sinh sau đẻ muộn, không biết thời ấy thực dân kìm kẹp báo chí thế nào, nhưng qua những tư liệu để lại thì rõ ràng các cụ nhà ta mạnh mồm mạnh miệng hơn thời nay nhiều. Đó biết đâu là một điều đáng mừng chăng? Vì nó chứng tỏ xã hội ta ưu việt hơn thời Pháp thuộc, và con người chúng ta yêu thương nhau hơn chẳng hạn?
* Theo bạn có mấy loại giựt tít bài làm người đọc té giếng?
- Ồ vô thiên lủng. Về mặt này thì các nhà báo lá cải của chúng ta sáng tạo lắm. Ví dụ phỏng vấn một bài dài ngoẵng về kinh tế và chính trị, xong trích một câu người ta nói vu vơ để làm tít (Tiến sĩ Alan Phan tự tin mình đẹp trai hơn Cường đô-la). Hoặc bài nói chuyện phim mà tít lại tỉnh bơ như chuyện thiệt (Mẫu 14 tuổi Bảo Trân hôn “trai lạ” thắm thiết). Hoặc giật tít như một câu trong tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn mặc dù văn chương thì dốt không biết bao nhiêu mà kể (Nữ cảnh sát xinh đẹp trong nắng mùa thu). Hoặc chuyện bên Tàu mà lại nói trống không như chuyện bên ta, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu (Bé gái trần truồng quỳ gối ăn xin giữa phố). Ngoài ra còn bao nhiêu là tít mà độ ngu xuẩn không cách nào cân đo đong đếm được (Ái Phương bay bổng trong váy hoa của Vũ Thu Phương; Minh Hằng đã trao cho bạn nhảy Tây tất cả; Dương Thùy Linh “hẹn hò” cùng con trai; Nam nữ sinh Malaysia gây chấn động Singapore vì chụp ảnh khỏa thân...).
* Có những tít bài rất là “vô luân” (ví dụ: “Con gái Trương Ngọc Ánh lộ quần chíp”, dù bé mới gần 4 tuổi thôi) mà các báo vẫn cứ giựt? Điều này theo bạn có nghĩa gì?
- Có nghĩa là cái nền báo chí nước ta nó đã băng hoại tới mức độ không thể cứu vãn nổi, và nhiều kẻ điều hành nó cũng như những kẻ tham gia đóng góp cho nó đa phần là một lũ vừa ngu dốt vừa vô liêm sỉ đến cùng cực, trong khi những người có chút lương tri còn lại thì nhắm mắt ngậm tăm, coi như không liên quan đến mình. Cũng phải, con họ có lòi xì đâu, mà cho dù lòi xì thì cũng đâu có lên báo đâu.

Phan An chẳng là ai cả

* Vô phanan.net thấy bạn liên quan đến 4-5 trang web và blog liên quan, thời giờ hàng ngày bạn chia cho mấy cái này thế nào?
- Không phải trang nào cũng được cập nhật hằng ngày, cho nên tôi không phải chia thời khóa biểu theo ngày. Ví dụ Lacai.org và Ngaymoi.in thì hằng ngày, nhưng Thica.net và các trang cá nhân thì không.
* Cái nào là chính cái nào là phụ? Cái nào làm cho thiên hạ, cái nào làm cho mình?
- Chính phụ cũng tùy thời điểm, nói như các bác nhà ta là phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện nay trong các trang này thì Lacai.org vẫn đang lấy của tôi nhiều thời gian nhất. Lacai.org, Thica.net và Ngaymoi.in có thể tạm gọi là làm cho thiên hạ, mặc dù nói cho đến cùng thì vẫn là làm cho mình trước tiên.
* Chia thời giờ cho công việc thật khoa học là điều vốn khó khăn với nhiều người, bạn có cố gắng để làm được không?
- Không, tôi không cố gắng lắm, nên cũng chưa bao giờ thành một người quản lí thời gian xuất chúng.
* Tại sao bạn chọn làm người bận rộn?
- Tôi đâu có bận lắm đâu. Vẫn còn khối thời gian để ngày ngày uống cà phê. Uống xong thì vẫn còn khối thời gian để thỉnh thoảng viết một cái gì đó.
* Có phải sự hòa trộn và xé lẻ thời gian như vậy mà “Quẩn quanh trong tổ” của bạn mới kết hợp nhiều giọng văn, nhiều bút pháp, chất liệu? Hay do bạn cứ viết bừa mà không ý thức hay đặt định cụ thể về bút pháp?
- Nhiều giọng văn, nhiều bút pháp à? Tôi không để ý.
* Nếu nhìn vào công việc mà bạn phải trả qua hàng ngày, bạn chẳng khác gì con chim dồng dộc suốt ngày phải đan cái tổ xinh xắn của mình. Phải chăng cái tổ cũng là một ẩn dụ và là cách để bạn mô tả chính mình?
- Đâu có ẩn dụ gì đâu. Quẩn quanh trong tổ viết về chính tôi mà. 90, nếu không phải 99% cuốn sách là về cuộc sống của tôi. Nhưng cái tổ của tôi nó không có xinh xắn gì hết. Chắc là anh lộn tổ rồi.
* Vì sao bạn luôn chọn sự hài hước, châm biếm để làm mạch chính cho các viết lách của mình?
- Tôi đâu có chọn. Tự nhiên nó thế, từ nhỏ đã vậy. Ai lại chọn viết lách bao giờ.
* Phan An có cô đơn?
- Thỉnh thoảng cũng có.
* Bắt buộc viết 100 chữ về Phan An là ai?
- Bắt buộc à? Có thật là bắt buộc không? Cái này khó cho tôi quá, vì tôi không có thói quen mô tả bản thân mình, mà cũng không đủ can đảm để làm điều đó. Ngày xưa đi học tiếng Anh, mỗi lần vào lớp mới, giáo viên bảo tự giới thiệu những thứ như bạn tên gì, bạn bao tuổi, nhà bạn ở đâu, gia cảnh khốn khó thế nào... thì tôi chỉ biết nói “Hê-lô, gút gút.” Nhưng để tôi cố lần này xem sao. Ờ mà thôi, đủ 100 chữ rồi, lần sau vậy nhé.
Lý Đợi (thực hiện)



- Phan An




- (La Cai) Giao diện trang web phản biện lacai.org




- (Phan An Net) Giao diện trang web đa diện phanan.net




- (Quan quanh trong to) Tác phẩm Quẩn quanh trong tổ




- (Bau troi…) Tác phẩm Trời hôm ấy không có gì đặc biệt


* * *

TS Nguyễn Thị Hậu (Viện phó, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):


“Tôi thích vào trang lacai.org của bạn Phan An vì hầu hết những gì Phan An “bình” đều làm tôi bật cười thoải mái… điều mà khó có được trong vòng quay của công việc và những mối quan hệ xã hội nặng nhọc như hiện nay. Có thể nói khả năng ngôn ngữ của Phan An vô cùng phong phú và linh hoạt, thứ ngôn ngữ chính xác lại được đặt trong sự liên tưởng, liên hệ, quy chiếu… thể hiện sự phê phán của Phan An đối với tựa đề, nội dung những bài báo in, báo mạng đầy rẫy những câu từ tối nghĩa, sai chính tả, phô bày, phóng đại những điều ác, điều xấu đáng ra không nên, không được phép tràn đầy trên mặt báo, cả trên những tờ báo có“tôn chỉ” rất tốt đẹp. Những tựa đề, nội dung như vậy vẽ nên một xã hội toàn những con người có bề ngoài đẹp đẽ mà nhân cách dị dạng, méo mó. Kiểu “giật tít” như thế chỉ nhắm câu khách một cách thấp kém.
Chính vì vậy, sau tiếng cười mà Phan An mang lại luôn là cái lắc đầu đầy ngao ngán…”.
Nhà thơ - Nhà báo Lê Minh Quốc:


“Cá nhân tôi hoan nghênh việc làm của Phan An, vì đây là điều mà nhà quản lý chưa làm được, dù ở các cuộc họp hay hội thảo, chúng ta đã nhiều lần đưa ra bàn luận và tìm phương án giải quyết. Tôi thích nhất là những lời bình, dù có cái quá đáng, nhưng nhìn chung là sâu sát, bổ ích, nó giúp thức tỉnh độc giả bằng thái độ hơi tếu táo, thích giễu và không nghiêm trọng. hơn nữa, với sức lực cá nhân, việc đóng góp ròng rã trong nhiều năm cũng là điều cho thấy tâm huyết, trách nhiệm và sự thiện chí”.
Admin gửi hôm Thứ Ba, 05/02/2013          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130205/nha-van-phan-an-la-cai-la-thuoc-tinh-cua-bao-chi-viet-nam
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001