NGUYỄN THỤY KHA
Từ sau ngày thống nhất đất nước, tôi đã
từng ở Đà Nẵng. Khi ra Hà Nội, cũng đã nhiều lần vào lại Đà Nẵng, có lần
lên tận dốc Ông Bề vùng chiến khu xưa, nơi Phan Tứ viết “Gia đình Má
Bảy”. Nhưng vẫn chưa lần nào có thời gian trở lại Túy Loan, Thạnh Mỹ,
Làng Rô, nơi khi xưa tôi từng có nhiều kỷ niệm. Mùa thu vào Đà Nẵng, tôi
mới có dịp trở lại một đoạn đường từng qua.
Sáng 25.9.2012, tôi cùng Nguyễn Trọng
Tạo, Thái Bá Lợi và Đình Thậm – bốn cựu binh, lên đường đến làng Rô –
nơi khi xưa Tố Hữu vượt ngục đã từng “tá túc” và cũng là nơi tôi từng
đóng quân mùa hè 1974. Đình Thậm không chỉ hát hay, đàn cừ, sáng tác tốt
mà lái xe cũng cực siêu. Chả mấy chốc, chúng tôi đã vượt qua địa phận
thành phố Đà Nẵng, nhập vào đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn năm
xưa. Và Thạnh Mỹ đã ở ngay trước mặt. Chúng tôi dừng lại một quán nước
bên đường. Không thể nào hình dung ra nổi Thạnh Mỹ của mùa hè 1974. Tất
cả đã hoàn toàn mới lạ trong một không gian cũ đầy tiếng xao xạc của cỏ
tranh ngút đầu. Tôi cứ nhìn bâng khuâng tứ phía. Những dòng nhật ký cũ
hiện ra mờ mờ.
6.6.1974: Sáng nay từ làng Rô theo xe
xuống Thạnh Mỹ cắt tranh xây dựng doanh trại. Thạnh Mỹ là vùng giải
phóng tập trung các cơ quan tỉnh Quảng Đà, đang có dáng dấp một cuộc
sống mới. Đàn trẻ đến trường. Tiếng đồng thanh đọc bài. Chợ. Mậu dịch.
Sân bóng và nhất là khung cảnh hoang sơ của một vùng núi đá với những
bãi tranh bằng. Còn sót lại xa kia cây nấm đỏ, nói về mùa xuân vừa qua.
Đi trên bãi hoa dại không biết tên. Ám ảnh đâu đó tiếng hát và tiếng đàn
Thanh Đính – một Vích-to-ha-ra của khu 5 đau thương, anh dũng. Cuộc
sống đang tràn qua những sườn đồi hoang. Ngọn lửa đốt rãy leo lét trong
hoàng hôn xúc động.
8.6.1974: Trạm an ninh Thạnh Mỹ là nơi
chúng tôi tá túc. Gặp ở đây bao người bạn chân thành. Điều lạ lùng là
trong chiến tranh, ở đâu cũng gặp những người lạ mà sao vô cùng thân
thuộc. Thân thuộc hơn cả ruột thịt. Làm sao quên nổi anh Song ở 162 Bà
Triệu – Hà Nội. Anh đã lặng lẽ dấn thân trước tôi bao mùa kháng chiến.
Cảm xúc cứ trào lên trong lòng như tiếng ve triền miên đến đau đáu, đến
nhớ nhung Hà Nội. Mình còn yêu cuộc sống này lắm. Tình yêu cứ như kén
tằm nhả tơ mà dâu cho tằm ăn chính là sự thay đổi trong tâm hồn mình.
Chợt chìm vào huyên náo phiên chợ vùng giải phóng.
Những trang nhật ký xưa nhòe đi trong
rưng rưng. Chúng tôi lặng lẽ tự hồi ức trong cái không gian rất thực mà
như mơ. Rồi xe lại chuyển bánh. Đường Hồ Chí Minh là một bản tam tấu của
con đường, đường dây 500kv và đường ăng-ten thông tin viễn thông. Đình
Thậm kể không ngớt về những ngày kham khổ xây dựng đường dây 500kv. Kham
khổ ấy hòa cùng kham khổ thời tôi làm đường dây trần thông tin chiến
lược xuyên Trường Sơn hằn thành một đường tuyến của một thời đại mà
chúng tôi thường gọi đùa với nhau là “thời đại siêu nhân” – thời đại mà
mọi người bình thường đều có thể làm được mọi việc phi thường. Tạo thì
lại xa xăm về những cánh rừng Lào từng qua. Lợi thì hóm hỉnh kể lại
những lần công tác ngang dọc khu 5. Chuyện râm ran tới khi thung lũng
bến Giằng hiện ra trước mắt. Bây giờ, thung lũng ấy đã là thủ phủ của
huyện Tây Giang – Quảng Nam. Thời chúng tôi, khi qua đây, không ai là
không thuộc những câu như “Dốc Quảng Nam, gan cộng sản” hay “Nắng Bến
Giằng, ruồi vàng Đắc Pek”. Thung lũng đón vào lòng sông Giằng, đoạn rẽ
chảy về Đà Nẵng thì gọi là sông Thanh. Thời Pháp thuộc, nhà thơ Tố Hữu
đã vượt ngục Công Tum băng rừng về đây và từng “tá túc” ở làng Rô. Nghe
đâu, để đền ơn bà con, lúc đương nhiệm phó Thủ tướng, ông đã chỉ đạo làm
một trạm thủy điện nho nhỏ cho dân làng. Làng Rô cách thung lũng bến
Giằng hơn 10km đã hiện ra trước mặt. 38 năm rồi, làng Rô ơi!
Khác với khi xưa, làng Rô ở trong hẻm
núi. Còn bây giờ thì cả làng đã ở ngay bên đường Hồ Chí Minh thênh
thang. Vừa xuống xe, tôi gặp ngay một bà mẹ Ka Tu đang đứng bên cửa nhà.
Mẹ tên là Pưl. Tôi hỏi mẹ có nhớ hồi xưa, có bộ đội giải phóng đã đóng ở
làng, mẹ còn nhớ không. Mẹ gật gật. Tạo cười vang: “Bà này xem ra có
khi ít tuổi hơn Kha. Nhưng vì ở đây vất vả, nên mặt già nhăn nheo vậy
thôi”. Càng tốt. Biết đâu dạo đó, cô bé Pưl đã từng được bọn tôi dạy
hát, dạy cả hát chèo thì sao. Có những đêm lửa trại đã từng diễn ra giữa
bộ đội giải phóng và dân làng rất vui vẻ và thân tình. Thời gian thật
lẹ quá.
Dạo đó, khi đại đội khảo sát, đo đạc
tuyến đường dây thông tin chiến lược xuyên Trường Sơn đến làng Rô thì
dừng chân đóng đại bản doanh. Gọi là đóng ở làng Rô, nhưng thực ra chúng
tôi làm lán trại ngay bên sông Giằng, ngay cạnh đường Trường Sơn để
tiện liên lạc ra vào. Nhưng cũng chính mùa hè ấy, tôi bị sốt rét khá
nặng. Những trang nhật ký lại hiện về mờ mờ.
9.4.1974: Mình bị sốt mấy hôm nay rồi.
Người bải hoải, đầu choáng váng nặng trĩu. Biết thế nào rồi cũng bị sốt,
nhưng sao nó đến nhanh và khắc nghiệt thế. Nằm kề bên sông, mưa chiều
lởn vởn như mơ hồ. Nhiều nhớ nhung, ký ức, tâm tưởng cứ bén bùng trong
cơn sốt.
10.4.1974: Mình không sốt cao, nhưng đầu
đau như búa bổ. Đời lính chiến trường, càng vào sâu, càng kham khổ.
Càng kham khổ, càng phải sống, phải vượt qua mà sống. Không biết đến khi
nào mới khỏi đây?
24.5.1974: Đã đỡ hơn một chút. Người còn
yếu lắm nhưng không thể ngồi không. Ngồi không là tự sát. Con số không
tròn trĩnh đã nhiều lần ẩn hiện quanh mình trong những ngày đắm chìm sốt
rét. Người bạn quân bưu mang tới một xếp báo Quân đội Nhân dân. Mình mở
đọc dần. Tự nhiên mắt mình sáng lên. Số báo ngày 12.5.1974 đã in bài
thơ “Mùa về trên Hiền Lương” của mình. Trời ơi! Sung sướng quá! Vậy là
từ bây giờ mình không còn là số không nữa.
Tôi còn nhớ y nguyên cái cảm giác sung
sướng ấy khi thời gian đã trôi qua 38 năm ròng. Năm nay, nhân kỷ niệm 40
năm Thành cổ Quảng Trị, tôi đã in tập thơ “Lúa tím” để hàm ơn những
người làm ra hạt gạo nuôi tôi đến bây giờ, trong đó có bài “Mùa về trên
Hiền Lương”. Từ sau khi đọc được bài thơ của mình in báo, tôi dường như
khỏe lại hoàn toàn. Làng Rô – nơi tôi từng quay quắt trong cơn sốt rừng
cũng là nơi tôi đón nhận thành quả văn học đầu tiên của đời mình. Mảnh
đất này như cái duyên tiếp sức cho tôi bước tới.
Sau những ngày sốt, chiến thắng Đắc Pek
đã làm nức lòng chúng tôi. Đại đội lại chuyển rời sâu về phía Khâm Đức,
bên cạnh thác nước ngang đường. Tôi đề nghị Đình Thậm đưa chúng tôi tới
chiêm ngưỡng thác nước xưa. Bây giờ nơi đây đã là điểm du lịch sinh
thái. Chúng tôi bồi hồi nhìn thác nước như gặp lại một người quen lâu
ngày vắng cách.
Từ làng Rô, chúng tôi đưa đường dây vào
Tây Nguyên để kịp thời cho cấp trên chỉ đạo đánh Buôn Ma Thuột – trận
điểm huyệt mở màn cho mùa xuân đại thắng 1975. Khi ấy, tôi được đơn vị
giao nhiệm vụ thành lập một đội tuyên truyền văn hóa để phục vụ bộ đội
và đồng bài vùng vừa giải phóng. Trong nhiều sáng tác có ca cảnh “Đường
dây – tiếng nói con đường”. Ở đấy, đã xuất hiện một đoạn đơn ca của già
làng làng Rô: “Ơ người ơi! Ơ người ơi! Chuyện kể làng Rô ngày xưa khóc
thầm …”. Sau thống nhất, mùa thu 1975, ca cảnh đã được biểu diễn tại rạp
Hồng Hà – Hà Nội. Lúc đó, tôi đâu biết chỉ 5 năm sau, tôi về định cư
ngay cạnh rạp Hồng Hà. Từ Hà Nội, đội tuyên truyền văn hóa của tôi lại
trở về Nam phục vụ. Điểm phục vụ đầu tiên là ở Túy Loan. Tôi nhớ khi
này, chúng tôi dựng sân khấu ở một bãi đất trống bên sông. Cũng vào thời
điểm ấy, lần đầu tiên có sự kết hợp giữa lính và dân. Chúng tôi cùng
đội văn nghệ Túy Loan cùng trình diễn một đêm. Lần đầu tiên, cây đàn
ác-cor-de-on cùng đàn organ và dàn nhạc điện tử tạo ra một chương trình
khá ấn tượng ở vùng ngoại vi Đà Nẵng vừa giải phóng. Ca cảnh trên lại
được hoanh nghênh nhiệt liệt. Trong xúc động, tôi lại nhớ tới làng Rô
trên thượng du cao xanh xa xôi và thầm nghĩ không biết bao giờ mình sẽ
trở lại được. Cho đến ngày hôm nay, đã 38 năm qua …
Ngồi ngắm thác nước xong, tôi đề nghị
quay về Túy Loan ăn trưa. Một đoạn đường trở lại chỉ mất trọn vẹn nửa
ngày, mà khi xưa, cả một thế hệ phải mất 20 năm mới tới được. Quả là
những điều kỳ diệu, những huyền thoại mới của hôm nay. Vừa ăn trưa ở Túy
Loan, tôi vừa kể cho mọi người nghe lại cuộc biểu diễn ngày nào. Mấy cô
tiếp viên cứ tròn mắt mà nghe, tròn đến nỗi tôi cứ tưởng tượng ra những
cặp mắt tròn xoe ngày xưa khi thưởng thức ca cảnh có đoạn hát làng Rô.
Nghe tôi hát đoạn này, Đình Thậm gợi ý nên ghi lại vì quá xúc động và
làm thêm cảm xúc của sáng nay để trở thành một ca khúc “Chuyện làng Rô
xưa và nay”.
Về Đà Nẵng, sau khi viết xong ca khúc
“Mắt Túy Loan”: “Nhớ một ngày xưa đã rất xa cũng rất xanh. Mang thanh
xuân mình về Túy Loan cùng hát vang …”, tôi viết tiếp “Chuyện làng Rô
xưa và nay” theo ý Đình Thậm. Có lẽ đây là ca khúc khá đặc biệt với
riêng tôi bởi vì đoạn đầu được viết ra từ 38 năm trước. Còn đoạn sau là
viết bây giờ: “Ơi làng Rô tuổi thanh xuân tôi. Ơi sông Giằng tuổi thanh
xuân tôi. Giờ đã sáng lên trên tóc bạc đời tôi”.
nguồn:http://nguyentrongtao.info/2012/11/08/nh%E1%BB%9B-m%E1%BB%99t-ngay-x%C6%B0a-da-r%E1%BA%A5t-xa-va-cung-r%E1%BA%A5t-xanh/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001