Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

“In hộ chiếu đường lưỡi bò là sai lầm và thiếu hiểu biết”

Thứ Tư, 28/11/2012 - 18:33

(Dân trí) - “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở lịch sử và pháp lý. Việc in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu của Trung Quốc là hành động “sai lầm và thiếu hiểu biết” – nhiều đánh giá được đưa ra sau hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 4.
 >>  Sự phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông

Đại diện các tiểu ban báo cáo kết quả thảo luận tại tiểu ban của mình.
Đại diện các tiểu ban báo cáo kết quả thảo luận tại tiểu ban của mình.
Tổng kết của Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam - GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn  tại phiên bế mạc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học hôm nay (28/11) thể hiện trong 3 ngày làm việc với 15 tiểu ban, hơn 800 tham luận được trình bày, trong đó có 200 tham luận của các học giả nước ngoài đã tập trung thảo luận về tất cả lĩnh vực trong hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế và an ninh khu vực...
Thông qua thảo luận, các học giả trong nước và quốc tế cùng nhau chia sẻ những cứ liệu và tư liệu lịch sử mới tìm thấy, thảo luận về những tìm tòi, phát hiện mới trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đánh giá tác động của các thành tựu mới về khoa học và công nghệ, cùng tìm ra những giải pháp cụ thể và hiệu quả để đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng kinh tế, tụt hậu phát triển, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường…
Báo cáo trong phiên họp toàn thể về kết quả thảo luận tại biểu ban 13 – “Các vấn đề khu vực” – GS Nguyễn Quang Ngọc cho biết, có 57 báo cáo (trong đó có 10 học giả quốc tế) được chọn in, coi như báo cáo chính thức của hội thảo. 22 bản báo cáo trong số đó đã được trình bày tại tiểu ban này.
Là người phụ trách tiểu ban này qua các lần hội thảo, ông Ngọc nhận xét, chưa bao giờ tiểu ban có số người tham dự đông, thảo luận sôi nổi như lần này.
Trong đó, phiên họp về “Hợp tác và an ninh trên biển” có khoảng 80 người tham dự với 7 báo cáo được trình bày, 10 ý kiến tranh luận xung quanh các nguồn tư liệu khẳng định chủ quyền thật sự của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, đối chiếu với các nguyên tắc chiếm hữu quy định trong luật quốc tế.
Về hệ bản đồ truyền thống của Trung Quốc, tiểu ban xác nhận ranh giới cực nam của Trung Quốc là cực nam của đảo Hải Nam, hoàn toàn không có cơ sở lịch sự và pháp lý của đường “lưỡi bò” của Trung Quốc. Đối với việc in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu của Trung Quốc, nhiều học giả khẳng định, đây là hành động “sai lầm và thiếu hiểu biết”.
Vấn đề biển Đông trong bối cảnh hệ thống an ninh khu vực Đông Á cũng như vai trò của ASEAN trong ngăn ngừa xung đột ở biển Đông cũng được chú trọng.
Các học giả trao đổi, thảo luận nhiều về các giải pháp giữ gìn hòa bình và bảo đảm an ninh trên biển.
Ngoài ra, GS Ngọc cho biết, nhiều người tham dự hội thảo đặc biệt quan tâm đến Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong hợp tác vịnh Bắc Bộ mở rộng.
Đại diện các tiểu ban báo cáo kết quả thảo luận tại tiểu ban của mình.
Hội thảo lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ các chuyên gia đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Dù đã chủ động khoanh gọn vấn đề vào hợp tác và an ninh trên biển nhưng những người tham dự hội thảo vẫn cho rằng hội thảo chỉ bố trí 1 phiên thảo luận về biển đảo là quá ít và hi vọng có nhiều hơn nữa những hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông đề cấp đến tất cả các lĩnh vực trong mối quan hệ tổng thể” – ông Ngọc khái quát.
Cũng có học giả đề xuất gia cố hơn nữa cơ sở lý thuyết và phương pháp khu vực học trong khi vận dụng nghiên cứu không gian biển. Cũng có người đặt vấn đề biển Đông có nhiều người nghiên cứu, nhiều người quan tâm, nhiều vấn đề cần phải trao đổi và thảo luận, cần phải tổ chức thành một tiểu ban riêng hoặc được tổ hợp thành nhiều phiên họp. Việc chỉ tổ chức 1 phiên họp lại để rải ra ở nhiều tiểu ban khác nhau khiến việc thảo luận vừa phân tán vừa thiếu hiệu quả.
Phiên họp về “Hà Nội và khu vực phía bắc” dành nhiều thời gian nhất cho báo cáo về tranh chấp biên giới nam Vân Nam (Trung Quốc) và Việt Nam những năm 1720. Nguồn tư liệu nguyên gốc được đưa ra là các tập tấu của nhà Thanh (Trung Quốc) và nhà Lê (Việt Nam).
Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa Thăng Long Hà Nội, đặc biệt là khu trung tâm Cấm thành Thăng Long, cũng được tập trung thảo luận. Các học giả tham gia đều có hướng khẳng định vị trí trung tâm không thay đổi của điện Càn Nguyên, Thiên An, Kính Thiên, trục chính tâm của Cấm thành. Các nghiên cứu về chế độ Thượng hoàng, các cung Thánh Từ và Quan Triều của Thăng Long thời Trần, khu phố cổ Hà Nội cũng được nhiều người quan tâm thảo luận.
Báo cáo kết quả từ tiểu ban 15 của GS Hồ Sỹ Quý nêu bật báo cáo nghiên cứu từ hơn 6000 di thư từ thời Nguyễn thể hiện chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, định xuất lương bổng cũng như quy chế giám sát hoạt động của quan lại trong bộ máy nhà nước. Tư liệu cổ cũng quy định cụ thể chế độ phụ cấp đặc biệt cho quan chức đi tuần du tại đảo Hoàng Sa.
“Các tư liệu về việc trị thủy sông Hồng, xây dựng nền văn minh sông nước ĐBSCL… không chỉ là những tư liệu lịch sử mà còn là những bài học hết sức thời sự, nóng hổi về việc khẳng định chủ quyền trên đất liền cũng như trên biển của Việt Nam” – GS Quý đánh giá.
Với chủ đề “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững”, các kết quả nghiên cứu tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 được đánh giá là có giá trị ứng dụng cao trong phát triển ngành Việt Nam học trên thế giới.
Các kết quả nghiên cứu tại hội thảo có giá trị ứng dụng cao trong phát triển ngành Việt Nam học và đóng góp quan trọng vào việc hình thành tư duy phát triển Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam. Đây cũng đồng thời là cơ hội để chúng ta thấy được sự lớn mạnh của mạng lưới nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới.
Được tổ chức định kỳ 4 năm/lần và là diễn đàn khoa học lớn, có uy tín, quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Việt Nam, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần này đã thu hút gần 1.000 nhà khoa học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ tới dự.
P.Thảo 
nguồn:http://dantri.com.vn/xa-hoi/in-ho-chieu-duong-luoi-bo-la-sai-lam-va-thieu-hieu-biet-668014.htm
======================================================================
Dân Trung Quốc cũng phản đối “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu


Thứ Tư, 28/11/2012 - 16:15 

(Dân trí) - Việc 6 triệu hộ chiếu mới của Trung Quốc được in hình bản đồ “đường lưỡi bò” đang gặp phải sự phản đối ngay trong chính dư luận nước này.

 >> Mỹ sẽ lên tiếng với Trung Quốc về hộ chiếu “đường lưỡi bò"
 >> Hộ chiếu lưỡi bò: Bước đi “hiểm độc” mới của Trung Quốc

 Dân Trung Quốc phản đối hộ chiếu in “đường lưỡi bò” trên diễn đàn bbs.tiexue.net.
Dân Trung Quốc phản đối hộ chiếu in “đường lưỡi bò” trên diễn đàn bbs.tiexue.net.

Vài ngày qua, vấn đề Trung Quốc cho in chìm hình “đường lưỡi bò” trong mẫu hộ chiếu mới không chỉ gây phản ứng trong dư luận khu vực và thế giới, mà còn trở thành tâm điểm tranh luận trên chính các diễn đàn trực tuyến của nước này.
Mạng Thanh niên Bắc Kinh dẫn lời một người dân Trung Quốc đang làm việc ở một nước thành viên ASEAN cho biết 3 người bạn của anh đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xin thị thực xuất nhập cảnh vào nước khác.
Tương tự, một cư dân mạng Trung Quốc có biệt danh David cũng than thở trên trang mạng weibo rằng chỉ vì tấm hộ chiếu mới mà anh ta đã gặp nhiều phiền toái khi làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Còn trên diễn đàn bbs.tiexue.net của Trung Quốc, không ít cư dân than vãn rằng, chỉ vì “đường lưỡi bò” mà họ mất rất nhiều thời gian khi nhập cảnh vào Philippines, Việt Nam, Mỹ và Ấn Độ… Điều này khiến họ cảm thấy rất khó chịu vì trước đó không được báo chí cũng như chính quyền Trung Quốc cảnh báo.
 “Dù có thế nào cũng không thể sửa được diện mạo vốn có của tấm hộ chiếu này. Mẫu hộ chiếu mới chỉ tổ mang lại phiền phức cho người dân...”, một thành viên mạng có tên Hbomb viết.
“Các ông không nên gây khó khăn cho người dân”, một ý kiến nữa nói.
Thành viên có tên Greywoof phản ứng: “Hộ chiếu là nơi thể hiện quyền hành của chính phủ, chứ không phải là chỗ thể hiện văn hóa dân tộc”.
 “Giờ thì tốt rồi, người ta lại có thêm lý do để gây khó khi mình nhập cảnh”, một ý kiến tự châm biếm.
Vì quá e ngại những rắc rối từ tấm hộ chiếu mới, thành viên tên Mumbojumbo thậm chí còn vẽ nên viễn cảnh: “Xem ra sẽ có nhiều người dân Trung Quốc muốn từ bỏ quốc tịch của mình. Năm nay sẽ đặc biệt nhiều đấy”…
Thẳng thắn hơn, có cư dân mạng Trung Quốc nhận xét việc đổi hộ chiếu là một “chiêu” thất bại của Bắc Kinh. Người này đặt câu hỏi: “Nếu ngày mai Philippines, Việt Nam hoặc Ấn Độ cũng đổi hộ chiếu mới thì sao?”.
Kể từ khi Trung Quốc ban hành mẫu hộ chiếu mới có in hình “đường lưỡi bò”, hầu hết các nước đã từ chối cấp thị thực hoặc đóng dấu xuất nhập cảnh vào các tấm hộ chiếu này.
Ấn Độ cho biết chỉ cấp thị thực sau khi cho in đè bản đồ của Ấn Độ lên bản đồ có “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Philippines đóng dấu hủy các trang có in “đường lưỡi bò”, còn Việt Nam chọn cách đóng dấu nhập cảnh cho công dân Trung Quốc vào một giấy thông hành rời và sẽ thu lại giấy này sau khi công dân Trung Quốc làm thủ tục xuất cảnh.
Đài Loan kịch liệt phản đối
Được coi là một phần không thể tách rời của Trung Quốc Đại lục, song Đài Loan cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ hộ chiếu mới có in đường đứt đoạn 9 khúc của Bắc Kinh.
“Hộ chiếu mới của Trung Quốc hoàn toàn phớt lờ thực tế và chỉ kích động thêm tranh chấp”, Ủy ban phụ trách các vấn đề Đại lục của Đài Loan ra tuyên bố nêu rõ.
Cũng theo Ủy ban trên, chính quyền và nhân dân Đài Loan không chấp nhận hộ chiếu mới của Trung Quốc trong bất kỳ trường hợp nào.
“Đài Loan không công nhận hộ chiếu có in đường lưỡi bò của Trung Quốc. Bất cứ công dân Đại lục nào muốn vào Đài Loan sẽ được cấp một giấy thông hành riêng”, Ủy ban này khẳng định.
Các đảng cầm quyền và các nhà lập pháp đối lập ở Đài Loan cũng lên án hành động kích động gia tăng căng thẳng ở Biển Đông của Đại lục, cho rằng hành động này của Bắc Kinh chỉ càng khoét thêm hố sâu ngăn cách giữa hai bờ và làm xói mòn mối quan hệ mới được nhen nhóm không lâu giữa hai bên kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền ở Đài Loan cách đây hơn 4 năm.
Đức Vũ
Theo bbs.tiexue.net, AP
nguồn:http://dantri.com.vn/su-kien/dan-trung-quoc-cung-phan-doi-duong-luoi-bo-tren-ho-chieu-668027.htm
======================================================================
BBC: DÂN TRUNG QUỐC CHIA RẼ VỀ "HỘ CHIẾU LƯỠI BÒ"


Dân TQ chia rẽ về ‘hộ chiếu lưỡi bò’ 

Cập nhật: 06:03 GMT - thứ tư, 28 tháng 11, 2012  

Mẫu hộ chiếu vừa mới ra mắt của Trung Quốc có đính kèm đường lưỡi bỏ khẳng định chủ quyền của nước này đối với hầu hết Biển Đông không chỉ làm bùng phát tranh cãi ngoại giao mà còn gây chia rẽ dư luận trong nước.

Trong khi một số cây bút bình luận và các ý kiến trên mạng kêu gọi chính quyền kiên định và phớt lờ những sự phản đối này, một số khác bày tỏ lo lắng với những rắc rối mà hộ chiếu mới gây ra cho họ.

‘Không đi nữa’

Truyền thông Trung Quốc đã đưa tin rộng rãi về ‘phản ứng thái quá’ và ‘gây khó dễ’ của Việt Nam đối với các công dân của họ.

Mặc dù cuối cùng các du khách Trung Quốc dùng mẫu hộ chiếu mới cũng được phép vào Việt Nam nhưng họ than phiền rằng họ phải mất thời gian và phiền toái để được cấp thị thực mới.

Trên các phương tiện truyền thông nhà nước, người dân Trung Quốc thể hiện sự ủng hộ cho mẫu hộ chiếu mới và cáo buộc mọi vấn đề là do các nước láng giềng của họ gây ra.

Nói về bản đồ mới được in trên hộ chiếu, một nữ sinh viên đại học họ Trần phát biểu trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV như sau: “Vùng biển đấy phải được in vào bởi vì từ xưa nó đã là của Trung Quốc. Các hòn đảo ấy từ xưa là của chúng ta cũng giống như Điếu Ngư Đảo. Chúng ta phải lấy lại những gì thuộc về mình.”
"Nếu tranh cãi tiếp tục lớn chuyện thì chắc chắn tôi sẽ không đi đến những nước này."(Trần Sở Lương, người dân Bắc Kinh)                                     
Một người dân Bắc Kinh có tên là Trần Sở Lương được dẫn lời nói rằng: “Nếu tranh cãi tiếp tục lớn chuyện thì chắc chắn tôi sẽ không đi đến những nước này.”

Trên trang blog của mình được đặt trên trang mạng của Hoàn cầu thời báo, cây bút bình luận Trịnh Hợp Bình viết: “Mặc dù việc này đã gây ra những cản trở đối với những người dân đi lại các nước láng giềng, chúng ta không nên nhượng bộ. Có lẽ đây thử thách đối với ngoại giao Trung Quốc ngay sau Đại hội 18.”

‘Dân đen chịu khổ’

Tuy nhiên những tiếng nói chỉ nhằm trực tiếp vào nước khác đã không đạt được kết quả mong muốn.

Trên diễn đàn Sina Weibo, mặc dù có những tiếng nói cứng rắn ủng hộ mẫu hộ chiếu mới nhưng đồng thời cũng có rất nhiều lời chỉ trích cách hành xử của Bắc Kinh.

Một người dùng tên là ‘Nhìn mây dưới nước’ than phiền: “Hộ chiếu Trung Quốc cực kỳ khó dùng. Bộ Ngoại giao xin hãy làm ơn đừng gây thêm rắc rối nữa.”

Người dân Trung Quốc nhập cảnh tại cửa khẩu Lào Cai
Người Trung Quốc mất nhiều thời gian hơn để làm thủ tục với mẫu hộ chiếu mới

Một người khác có nick là ‘Zhuge Mengde’ nói ‘Đây thật sự là một hành động không có nghĩa lý gì của chính phủ Trung Quốc. Nếu có khả năng thì hãy ra mà lấy lại biển đảo. Đừng bắt dân thường phải trả giá cho những hành động ngu ngốc của chính quyền.”

Còn ‘Tianyaliulo’ thì viết: “Vấn đề tranh chấp lãnh thổ là Bộ Ngoại giao phải giải quyết. Họ không tự giải quyết được nên giờ đây họ đẩy người dân ra chiến tuyến.”

Một số công dân mạng cho rằng chính phủ có ý tưởng này cũng một phần bởi vì ‘giới tinh hoa sa đọa’ bản thân họ không bị dính vào những rắc rối do hộ chiếu mới đem lại.

‘Summer Emily’ nói: “Các bố già toàn nắm hộ chiếu nước ngoài. Chỉ có dân đen là chịu khổ.”

Làm nhẹ vấn đề

Trước những lời ta thán từ trong nước và chỉ trích từ các nước, chính phủ Trung Quốc dường như đang cố giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
"Vấn đề tranh chấp lãnh thổ là Bộ Ngoại giao phải giải quyết. Họ không tự giải quyết được nên giờ đây họ đẩy người dân ra chiến tuyến."
Công dân mạng Trung Quốc có nick là Tianyaliulo
 Nữ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 22/11 rằng mẫu hộ chiếu mới ‘không nhằm vào một nước nào cụ thể’ và rằng ‘Trung Quốc sẵn sàng liên lạc với các nước liên quan và tiếp tục thúc đẩy tiếp xúc.’
Hồng Lỗi, một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao khác, nói hôm 27/11 rằng ông ‘không hay biết việc Việt Nam từ chối đóng dấu thị thực vào mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc.”

Hôm 25/11, ông Triệu Can Thành, một học giả chuyên về Đông Nam Á tại Học viện Quan hệ quốc tế Thượng Hải, phát biểu trên tờ Hoàn cầu thời báo: “Tôi nghĩ Trung Quốc không tính giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng cách in bản đồ. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết thông qua con đường ngoại giao. Suy cho cùng, không thể vì chuyện này mà gây đình trệ việc trao đổi công dân giữa Trung Quốc và nước ngoài.”
Bài do BBC Monitoring tổng hợp.


Chú ý:  Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001