Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Tập Cận Bình có dạy cho Việt Nam bài học?

|

Trung Quốc đã chính thức chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ năm, hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ năm là Tập Cận Bình. Như vậy triều đại Cộng sản Trung Quốc đã truyền được “năm đời Vua”.
Tập Cận Bình được Đại hội 18 – Đảng Cộng sản Trung Quốc bầu giữ chức Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Vào năm tới 2013, khi Tập Cận Bình kế nhiệm chức Chủ tịch nước từ Hồ Cẩm Đào, ông sẽ trở thành một trong những người quyền lực nhất thế giới: lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một chính đảng lớn nhất thế giới với hơn 83 triệu đảng viên; lãnh đạo đất nước Trung Quốc, một nước đông dân nhất thế giới với dân số 1,3 tỉ người; lãnh đạo quân đội Trung Quốc, một đội quân đông đảo nhất trên thế giới lên tới hơn 2,4 triệu quân chính quy, sở hữu hơn 400 đầu đạn hạt nhân, gần 1.000 tàu chiến hải quân và 5.000 máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, Trung Quốc bước vào triều đại Tập Cận Bình đang phải đối mặt với nhiều “thách thức nghiêm trọng”. Trung Quốc không còn là triều đại xưng bá thiên hạ như thời hoàng kim trong lịch sử. Sức mạnh của Trung Quốc trên thực tế chỉ là cái vỏ bên ngoài, còn bên trong nội tại luôn chất chứa nhiều mâu thuẫn, xung đột, biến thái có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ. Trung Quốc là nước lớn, có tổng sản phẩm quốc dân cao thứ hai thế giới, nhưng về cơ bản vẫn chưa xây dựng toàn diện xã hội khá giả, thu nhập bình quân đầu người thấp. Quân đội Trung Quốc tuy đông đảo nhưng còn yếu kém nhiều mặt so với quân đội Mỹ, NATO và Nga.
Trong bối cảnh đó, Đại hội 18 đã xác định chủ đề của Đại hội lần này là: “giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thực hiện lý luận Đặng Tiểu Bình, quán triệt tư tưởng Ba đại diện và quan điểm phát triển khoa học, thực hiện các chính sách cải cách và mở cửa, tăng cường nội lực, vượt qua tất cả khó khăn, phấn đấu hoàn thành xây dựng xã hội thịnh vượng trên mọi phương diện”. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói “KHÔNG” với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông, báo cáo chính trị tại Đại hội 18 cũng chỉ rõ: “Hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bao gồm: lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng Ba đại diện, quan điểm phát triển khoa học”. Tư tưởng Ba đại diện của Giang Trạch Dân và quan điểm phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào thực chất đều được kế thừa và phát triển từ Đặng Tiểu Bình, tóm lại Trung Quốc ngày nay đi theo “lý luận Đặng Tiểu Bình”.
Thực tế chứng minh “Lý luận Đặng Tiểu Bình” đã giúp Trung Quốc thoát nghèo, nhưng nó có giúp Trung Quốc thoát xác trở thành một quốc gia phát triển, văn minh, giàu mạnh thực sự hay không? Câu trả lời là KHÔNG!
Trước tiên phải khẳng định Đặng Tiểu Bình không có học thuyết, lý luận hay tư tưởng nào cả. Cái được gọi là lý luận Đặng Tiểu Bình thực chất là tổng hợp các quan điểm, chủ trương và tư duy của Đặng về con đường cải cách mở cửa Trung Quốc, chúng không có hệ thống, không mang tính chỉnh thể về thế giới quan và triết học, không đề cập toàn diện các vấn đề của cải cách xã hội mà chỉ nhằm tới mục tiêu duy nhất là làm cho Trung Quốc giàu mạnh, đứng trên lập trường của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vì lợi ích dân tộc hẹp hòi và thực dụng chứ không vì sự phát triển chung của xã hội, sự tiến hóa của nhân loại. Xét cả về mặt tri thức khoa học và giá trị nhân văn thì Đặng Tiểu Bình không được coi là nhà lý luận hay là nhà tư tưởng.
Đặng Tiểu Bình là một chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi và thực dụng. Họ Đặng luôn chủ trương chính sách ngoại giao thực dụng, đứng trên lập trường chủ nghĩa dân tộc, đặt lợi ích cốt lõi (phát triển kinh tế) của Trung Quốc lên trên hết. Đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới, Đặng góp phần không nhỏ làm tan rã Liên Xô, bằng chính sách ngoại giao hai mặt, một mặt bắt tay với Mỹ, Nhật nhằm cô lập và làm suy yếu Liên Xô, mặt khác tài trợ cho tập đoàn Pôn-Pốt để chống Việt Nam hòng ngăn chặn phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á. Đặng đặt việc xây dựng quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng có vị trí ưu tiên trong chính sách ngoại giao, trước hết xuất phát từ mối lo nghĩ về lợi ích và an toàn quốc gia: Ngăn ngừa các nước lớn và cường quốc láng giềng (Liên Xô và Ấn Độ) tạo thành sự uy hiếp đối với Trung Quốc; ngăn ngừa việc các nước láng giềng khác (Việt Nam, Miến Điện, Bắc Triều Tiên) bị các nước lớn và cường quốc lợi dụng, sử dụng để tạo thành thế bao vây Trung Quốc.
Khi Liên Xô tan rã, Đặng Tiểu Bình đã chủ trương Trung Quốc không thay thế Liên Xô dẫn đầu khối xã hội chủ nghĩa mà đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, mang bản sắc riêng của Trung Quốc. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa đàn em như Việt Nam, Bắc Triều Tiên và chế độ quân phiệt Miến Điện, Đặng coi như các chư hầu lệ thuộc Trung Quốc, chỉ được làm chủ nghĩa xã hội theo sự cho phép của Trung Quốc, đi theo quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc, ở trong vòng kiềm tỏa của Trung Quốc…
Trung Quốc là nước lớn, đông dân, nhu cầu sử dụng tài nguyên cho phát triển là rất lớn, vì vậy Đặng Tiểu Bình đề ra chính sách lấy thế giới thứ Ba (các nước nghèo và kém phát triển phần lớn đều ở Châu Phi) làm hậu thuẫn cung cấp nguồn lực cho phát triển kinh tế, đẩy mạnh khai thác tài nguyên tại xứ này. Đặng kiên trì thực hiện chiến lược “tranh giành đa cực”, quyết tranh hơn thua với các cường quốc phương Tây để xác lập Trung Quốc là một cực của thế giới. Trong chiến lược đó, Châu Phi trở thành “thuộc địa kiểu mới” mà Trung Quốc dùng để nâng cao sức nặng và vị thế của cực Trung Quốc trong quá trình đa cực hóa.
Cũng trong chiến lược đó của Trung Quốc, Việt Nam là sân sau cũng đồng thời là bàn đạp cho Trung Quốc tiến xuống biển Nam Trung Hoa và Đông Nam Á. Đặng Tiểu Bình và lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng muốn tranh giành hơn thua với Mỹ và phương Tây, thì Trung Quốc chỉ có duy nhất con đường trở thành cường quốc hải dương, giàu mạnh nhờ biển, thống trị vùng biển xa để tiến tới mở rộng bành trướng trên biển Thái Bình Dương. Biển Đông Trung Hoa (biển Hoa Đông) đang bị án ngữ bởi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, do đó Trung Quốc phải tiến xuống phía Nam.
Không chỉ riêng với Việt Nam mà đối với bất kỳ nước nào trên thế giới, Đặng Tiểu Bình đều theo phương châm “chơi nhưng không thân, bạn mà không gần”, kết bạn nhưng luôn giữ khoảng cách, không quá gần gũi, không liên minh, đó là sách lược ngoại giao kiểu Trung Quốc, họ coi Việt Nam là bạn, là đối tác, nhưng khi cần Trung Quốc có thể từ bỏ bạn, thay đổi từ bạn thành thù, láng giềng thành đối địch, điều đó đã xảy ra khi Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến dạy cho Việt Nam bài học (1979).
Thực tiễn chứng minh, các lãnh đạo Trung Quốc sau Đặng Tiểu Bình một mực trung thành với đường lối, sách lược của họ Đặng, lãnh tụ mới của Trung Quốc là Tập Cận Bình cũng không thể đi con đường khác. Bản thân ông Tập và gia đình từng gặp nạn trong cách mạng văn hóa thời Mao Trạch Đông, sự việc hạ bệ Bạc Hy Lai, một người tôn sùng Mao, được cho là trận đánh dọn đường đưa Tập Cận Bình lên nắm quyền càng có thêm cơ sở để khẳng định ông Tập và các lãnh đạo mới của Trung Quốc quyết đoạt tuyệt với di sản tư tưởng Mao Trạch Đông để đi con đường của Đặng Tiểu Bình.
Vậy Tập Cận Bình có dạy cho Việt Nam bài học? Câu hỏi này được rất nhiều người Việt Nam quan tâm, là câu hỏi lớn của thời cuộc.
Đúng vào lúc bên Trung Quốc có “Vua” mới, thì ở Việt Nam xảy ra sự việc Thủ tướng bị nêu vấn đề từ chức ra trước Quốc hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thoát không bị Trung ương Đảng kỷ luật tại hội nghị Trung ương lần thứ 6 vừa rồi, việc này khiến dư luận rất bức xúc; Ông ta nên từ chức chứ không thể xin lỗi suông như thế, đa số ý kiến đều đồng tình việc đó.
Nguyễn Tấn Dũng thực sự trở thành biểu tượng không thể bị đánh đổ của siêu quyền lực được tạo nên bởi hệ thống Công an, mật vụ, sự hậu thuẫn của các nhóm lợi ích trong và ngoài Đảng, các tổ chức và tập đoàn kinh tế độc quyền, các Bố già mafia, và đặc biệt là sự dung túng của Nguyễn Tấn Dũng cho thân tín và người nhà lộng hành, thao túng hệ thống ngân hàng, tiền tệ của quốc gia.
Tội lỗi của Nguyễn Tấn Dũng đã quá rõ ràng, càng kiên trì bám trụ quyền lực thì Dũng càng lún sâu vào con đường phản bội lợi ích của nhân dân và đất nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ, nguy cơ vong quốc vong Đảng có thể ập tới.
Hiểm họa ngoại xâm và nội xâm đang hiện hữu, gần kề. Ngồi chờ địch chi bằng tiến công đánh địch trước; Kế sách ấy của Lý Thường Kiệt, tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập “Nam Quốc Sơn Hà” bất hủ, càng ngẫm càng thấy sâu sắc. Nhân dân ta không thể ngồi chờ Tập Cận Bình dạy cho Việt Nam bài học mà hãy tiến công dạy cho Tập Cận Bình bài học trước, cho họ Tập và tập thể lãnh đạo mới của Trung Quốc hiểu được bài học về lòng yêu nước, tinh thần quật cường, chí khí độc lập của người Việt Nam, cũng không được ngồi chờ tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng đến ngày gây họa lớn cho đất nước mà phải ngăn chặn chúng ngay từ bây giờ.
Câu hỏi lớn của thời cuộc sẽ có câu trả lời trong tương lai không xa, đó là thời điểm Việt Nam đứng trước cơ hội để thay đổi, và chỉ có thay đổi theo hướng dân chủ hóa thì tương lai của đất nước mới tươi sáng lên được.
Việt Nam, ngày 28 tháng 11 năm 2012
Nguyễn Hoàng 
(Tác giả gửi đăng)
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/69598
======================================================================
Chú ý:  Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001