Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

1425. Vụ Ecopark: Thư gửi ông Chủ tịch xã Phụng Công
Posted by basamvietnam on 29/11/2012

THƯ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH XÃ PHỤNG CÔNG

Hà Nội ngày 22 tháng 11 năm 2012
Kính gửi ông chủ tịch xã Phụng Công Nguyễn Văn Hưng
Chúng tôi là những trí thức Hà Nội đến thăm Văn Giang ngày 18-11-2012 (theo lời mời của bà con ba xã Xuân Quan, Cửu Cao, Phụng Công, huyện Văn Giang) trân trọng gửi ông bức thư này.
Thưa ông Chủ tịch
Đến thăm vùng đất này, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận ở đây là một thiên nhiên tươi đẹp, giàu có và người dân thì thông minh, hiền hoà và tốt bụng. Cuộc gặp gỡ ngày 18-11 vừa rồi thực sự là một ngày hội làng, là dịp ít có trong đời chúng tôi được sống trong tình làng nghĩa nước đằm thắm như vậy.

Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn và xót xa là, những người nông dân đáng quý như thế mà lại phải chịu nhiều cảnh bất công, khổ đau đến thế. Đồng thời chúng tôi cũng rất cảm phục họ bà con ở đây, qua những vụ thu hồi, cưỡng chế ruộng đất bất công và sai trái suốt 8 năm qua, đã dũng cảm vượt lên những khổ đau, hết sức kiềm chế, kiên trì đấu tranh một cách có lý, có tình cho lẽ phải, sự công bình và lòng bác ái. Khi có điều kiện chúng tôi sẽ trở lại nói kĩ về vấn đề này. Riêng ba điều sau đây, chúng  tôi muốn nói ngay với ông Chủ tịch, như một góp ý đối với một người lãnh đạo một vùng đất mà chúng tôi yêu quý.
Điều thứ nhất, để nơi đón khách được rộng rãi, khang trang, bà con đã đề đạt với chính quyền xã mượn hội trường của Uỷ ban nhân dân (UBND), thế nhưng cuối cùng toàn bộ khu nhà của UBND đã bị khoá, kể cả cái sân chính quyền cũng không cho bà con mượn. Bà con phải cấp tốc dựng lán ở ven đường, ngay trước cổng UBND, bởi vì không còn cách nào khác. Đập vào mắt chúng tôi là một cảnh tượng phi lý giữa một bên trụ sở UBND toà ngang dãy dọc (thêm một cái sân rộng) thì bỏ không và kín cổng cao tường, với một bên bà con ba xã và khách phương xa phải chen chúc trong một cái lán chật hẹp dựng tạm bên đường, đó là điều mà chẳng lẽ ông Chủ tịch không lấy làm nghịch cảnh và bận tâm?
Điều bi hài là trụ sở uỷ ban có biển đề hai lần nhắc đến chữ NHÂN DÂN (“Hội đồng NHÂN DÂN” và “Uỷ ban NHÂN DÂN”), về mặt danh nghĩa, nó phải là của nhân dân (chính quyền “của dân, do dân, vì dân”); về thực tế, đất đai và tiền bạc xây dựng nó cũng là của nhân dân, thế mà nhân dân lại không có quyền sở hữu vào một việc rất chính đáng là hội họp và tiếp khách, một việc mà thực ra cũng hy hữu, chứ không phải thường xuyên. Chắc ông Chủ tịch cũng biết rằng, trụ sở UBND bây giờ có vai trò tương tự như ngôi đình làng thời phong kiến, là nơi dân làng họp bàn công việc của làng xã và tổ chức hội hè. Đình làng là không gian chung của tất cả mọi người trong cộng đồng, không phân biệt địa vị, sang hèn. Chả lẽ dưới chế độ XHCN, một chế độ “do dân, của dân, vì dân” mà người dân lại không có quyền bằng thời phong kiến, cái chế độ bất công mà nhân dân ta đã đánh đổ để dựng nên một chính quyền mới, và nhờ đó những người như ông Chủ tịch được ngồi ở vị trí lãnh đạo?     
Một điều chúng tôi ngạc nhiên nữa là: một ngày hội đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân như thế mà không có một cán bộ nào của xã tham gia trò chuyện, đối thoại với bà con và cùng bà con tiếp khách quý phương xa. Trong số khách thăm, có những nhà báo, nhà văn, nhà kinh tế, nhà xã hội học, nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử,… ngoài giao lưu tình cảm, chúng tôi có thể tư vấn rất nhiều điều cho cán bộ địa phương; chẳng lẽ ông Chủ tịch và đội ngũ cán bộ xã nhà không cần và cũng không muốn lắng nghe bà con địa phương cũng như chúng tôi?
Điều thứ hai, không chỉ đóng cửa khu trụ sở UBND mà đến ngay các đền chùa cũng bị chính quyền xã làm như vậy. Như đã nói trên, cuộc gặp gỡ ngày 18-11 sự thực là ngày hội làng, nhân dân địa phương lẫn khách phương xa đều có nhu cầu vào đền, chùa thăm viếng và nhiều người trong chúng tôi còn có nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hoá địa phương. Đền chùa miếu mạo ở các làng quê Việt Nam là các công trình từ bao đời nay do nhân dân xây dựng và quản lý. Suốt cả nghìn năm dưới chế độ phong kiến, kể cả khi nhà vua đã thâu tóm hoàn toàn quyền quản lý ruộng đất thì các công trình này vẫn do nhân dân quản lý, vì vậy mới có câu “Ruộng của vua, chùa của làng”. Thế mà nay chính quyền xã lại cho mình cái quyền khoá cả đền chùa, ngăn cấm cả thánh thần đến với chúng sinh thì chúng tôi thấy lạ quá. Đặc biệt, việc đóng cửa cả đền Ngò và đình Đầu là nơi thờ anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng, cả hai đều được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, thì việc làm này đã sai trái ở nhiều phương diện. Ông Chủ tịch được Đảng cho ăn học nhiều, chắc không thể không biết Hai Bà Trưng là người anh hùng dân tộc, người đầu tiên trong lịch sử nước ta đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên đánh đuổi quan quân đô hộ nhà Hán (Trung Quốc), giành lại độc lập cho đất nước trong 3 năm, để rồi từ đó dòng máu Hồng Lạc cứ luân lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác, giúp dân ta bền bỉ đấu tranh, cuối cùng thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc, xây dựng quốc gia Đại Việt độc lập, hùng cường, đánh tan những đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới, vì thế nước ta mới còn đến ngày nay. Hai Bà Trưng là hai nữ anh hùng mà tầm vóc có thể sánh với những nữ anh hùng lừng danh bậc nhất của thế giới, chẳng hạn như Gian-đa (Jeanne d Arc, 1412 – 1431) của nước Pháp. Hai Bà Trưng tồn tại trong tâm thức nhân dân Việt Nam ở cả tư cách người anh hùng dân tộc lẫn bậc thánh nhân, và vì vậy, chính quyền xã do ông Chủ tịch đứng đầu đã phạm vào hai điều tối thiêng liêng.
Điều thứ  ba, có rất nhiều nỗi bất công, oan ức và khổ đau mà người dân kể cho chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để nắm rõ sự thực, tuy nhiên có việc này thì đã rõ: Ông Nguyễn Văn Tộ đưa di hài em trai là liệt sỹ Nguyễn Minh Thuần về quê hương mà chính quyền địa phương không tổ chức lễ đón nhận, an táng, vinh danh, cũng không cho đưa vào nghĩa trang liệt sỹ của xã. Chính quyền xã từ chối với lý do gia đình chỉ đem được nắm đất về (vì khi khai quật không tìm được hài cốt). Chúng tôi nghĩ đó không phải là lý do thực sự và chính đáng. Vì ông Nguyễn Minh Thuần đã được nhà nước công nhận liệt sỹ và phần mộ liệt sỹ Thuần vẫn được nhân dân địa phương ở Tây Ninh chăm sóc cả mấy chục năm nay. Việc nắm đất tượng trưng thay cho hài cốt không ảnh hưởng gì đến việc vong linh liệt sỹ được thờ phụng tại nghĩa trang liệt sỹ ở quê nhà. Giả sử mộ liệt sỹ Thuần chỉ là mộ gió thì cũng vẫn được thờ phụng như những mộ liệt sỹ khác. Cách hành xử chính quyền xã Phụng Công vô hình trung đã bác lại sự vinh danh của Nhà nước. Chúng tôi nghĩ nếu gia đình ông Tộ không thuộc diện “chống đối” (theo cách nhìn của chính quyền xã) thì chắc không bị đối xử như vậy. Chúng tôi chưa bàn ông Tộ thực hiện các chính sách đúng sai như thế nào, nhưng dù thế nào, việc đó không liên quan gì đến liệt sỹ Nguyễn Minh Thuần, em của ông ấy. Lấy việc yêu ghét thân nhân của liệt sỹ để đối xử với liệt sỹ là cách hành xử vừa sai chính sách, vừa mất đạo lý, làm tủi đến cả vong linh người liệt sỹ đã ngã xuống vì đất nước. 
Thưa ông Chủ tịch
Vì rất có cảm tình với bà con Văn Giang, vì trách nhiệm của người trí thức đối với đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà chúng tôi gửi đến ông Chủ tịch bức thư này. Hy vọng đến Văn Giang lần sau chúng tôi sẽ không gặp lại những cảnh trớ trêu như trên và sẽ có nhiều niềm vui, trong đó có đóng góp của ông Chủ tịch và chính quyền xã Phụng Công.
Trân trọng kính chào ông Chủ tịch.
Đào Tiến Thi
Nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ
Nguyễn Xuân Diện
  Nhà nghiên cứu Hán Nôm

Mời xem thêm:  +  TRỰC TIẾP TỪ VĂN GIANG - (Tễu); + 1396. Thăm Văn Giang sáng Chủ nhật 18-11-2012; + 1397. Gặp gỡ Văn Giang – Sống lại tình Cá Nước; + 1420. Văn Giang: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
nguồn:http://anhbasam.wordpress.com/2012/11/29/1425-vu-ecopark-thu-gui-ong-chu-tich-xa-phung-cong/#more-83360
======================================================================
Chú ý:  Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001